PDA

View Full Version : Khi người tội phạm trúng số - Nguyễn Hoàng Duyên, Luật Sư



delta
02-15-2008, 05:36 PM
Khi người tội phạm trúng số


Theo tin của hãng thông tấn AP vào ngày 18 tháng 1, 2008, một người tội phạm tại bang Massachusett vừa được tòa cho phép giữ số tiền trúng xổ số 1 triệu mỹ kim, cho dù ông đã vi phạm lệnh quản chế của tòa (probation order) cấm ông không được cờ bạc hoặc mua vé số trong suốt thời gian quản chế.

Ông Timothy Elliot, 55 tuổi, đã bị kết án vào tháng 10 năm 2006 về tội cướp ngân hàng không vũ khí tại thành phố Cape Cod và phải chịu 5 năm quản chế. Một trong những điều khoản trong lệnh quản chế cấm ông không được “đánh cuộc, mua vé số, hay bước vào những nơi cờ bạc giải trí”. Ông Elliot đã vi phạm lệnh tòa và mua $10 vé số tại thành phố Hyanna. Khi phát giải, nha xổ số truy xét lý lịch và biết được ông đã vi phạm lệnh quản chế, và vụ việc được trình báo để tòa phán xét.

Sau khi lắng nghe ý kiến của mọi phía, kể cả sự đồng thuận của cơ quan quản chế, tòa cho phép ông Elliot giữ 1 triệu tiền trúng số, nhưng ông phải trả số tiền $65 lệ phí quản chế hàng tháng trước đây được miễn chỉ vì ông thuộc thành phần có thu nhập thấp (low income).

Tại một điểm bán vé số. AFP/GETTY IMAGES

Sự kiện hiếm hoi vừa kể trên đưa đến câu hỏi vì sao tài sản có được do vi phạm lệnh tòa mà người vi phạm vẫn được phép giữ? Nếu một người vi phạm lệnh quản chế cấm không được đụng vào ma túy, thì số tiền lời do họ buôn ma túy sau đó họ có được phép giữ hay không?

Để phân biệt 2 trường hợp nêu ra trong câu hỏi trên, ta nên biết trong hình luật có phân ra 2 loại vi phạm: “malum in se” và “malum prohibitum”.

Malum in se (tội ác tự bản chất) bao gồm những vi phạm có tính cách nghiêm trọng. Những hành động như giết người, cướp của, trộm cắp, xâm phạm thân thể và tài sản của người khác…được xếp vào loại này. Đây là những hành vi tội ác tự bản chất, cho dù ở bất cứ hệ thống pháp lý nào.

Malum prohibitum (vi phạm do luật cấm) bao gồm những hành vi mà tự nó không phải là một tội ác, nhưng nó vi phạm những quy định do xã hội, do chính quyền đặt ra. Việc chạy xe quá nhanh chẳng hạn, tự nó không phải là một tội ác, nhưng luật cấm không được chạy quá mức luật định mà ta vi phạm, thì vi phạm ấy sẽ thuộc loại malum prohibitum. Những vi phạm giao thông, vi phạm đi câu không có giấy phép, tội song hôn … đều được xếp vào loại này.

Trở lại trường hợp ông Elliot, việc vi phạm lệnh quản chế của ông là một trường hợp không nghiêm trọng, một malum prohibitum. Việc chơi xổ số của ông tự nó không phải là một hành vi tội ác, mà chỉ là vi phạm một lệnh cấm mà thôi. Đồng tiền trúng số là đồng tiền hợp pháp, là tiền hên, tiền sạch. Nếu tòa muốn phạt ông, tòa có thể áp đặt những chế tài do việc ông coi thường lệnh tòa, nhưng tòa không có lý do để tịch thu tiền trúng số.

Ngược lại, việc buôn ma túy tự bản chất nó là một hành vi tội ác, một malum in se. Đồng tiền buôn ma túy là đồng tiền phi pháp, tiền dơ. Vi phạm lệnh quản chế cấm dây vướng với ma túy trong trường hợp này, ngoài việc coi thường lệnh tòa, còn là một hành vi tội ác chống lại xã hội. Do đó, ngoài việc chế tài do sự vi phạm probation, tiền lời buôn ma túy chắc chắn sẽ bị tịch thu.

Đọc đến đây, chúng ta sẽ tự hỏi nếu một người dưới 18 tuổi mua vé số và trúng giải, hoặc vào casino kéo máy và may mắn trúng jackpot, liệu người ấy có quyền lãnh số tiền trúng hay không? Câu trả lời ngắn gọn là: không. Và luật áp dụng trong trường hợp này ngoài phương diện hình sự còn liên quan đến luật về giao ước (contracts law).

Về mặt hình sự, việc đỏ đen dưới tuổi luật định chỉ là một malum prohibitum, không phải là một tội ác tự bản chất. Tuy nhiên, quy định của cơ quan xổ số và của các casino trên nguyên tắc là một giao ước, là luật của trò chơi. Trong khi ông Elliot không vi phạm luật chơi xổ số và do đó được quyền trúng giải, người đỏ đen dưới tuổi đã vi phạm luật của cuộc chơi ngay từ đầu, đã không có quyền chơi thì không có quyền trúng. Cách đây vài năm có một cụ vào casino bỏ tiền vào máy slot rồi để cho một cháu nhỏ kéo. Khi trúng giải, casino từ chối không chung tiền khi camera cho thấy người kéo máy dưới tuổi được đỏ đen.

Thế sự dông dài, chợt thấy ra trong một xã hội thượng tôn pháp luật, muốn lấy đi tài sản của người, phải có lý do dựa vào nền tảng luật pháp. Ở Mỹ, sinh mệnh, tự do, tài sản của người dân được bảo vệ bởi điều Tu Chính số 5 của hiến pháp: “No person shall be deprived of life, liberty, or property, without due process of law…”, không ai có thể bị tước đoạt sinh mênh, tự do, hay tài sản, mà không qua thủ tục công chính của luật pháp. Ngay cả người ấy là một tội nhân, và tiền là tiền trên trời rơi xuống, mà muốn lấy đi cũng phải qua hàng rào bảo vệ của công lý.

Nhìn vào trong nướcViệt Nam, từ trung ương đến địa phương, mạnh ai nấy ra luật để cướp của dân. Dân bị mất tài sản đất đai, lên Sàigòn hoặc ra Hà Nội khiếu kiện, thì bị đàn áp vùi dập. Dân nghèo càng nghèo thêm, cán bộ thì tha hồ mua nhà mua xe trả toàn tiền mặt. Cướp giựt tài sản và tự do của dân như thế, thì dân có vùng lên, nước có loạn lạc cũng chỉ là vấn đề thời gian.

Nhìn ra bên này, cũng không mấy khá hơn. Những người nhân danh tranh đấu đòi hỏi tự do, cũng thích uy hiếp người khác bằng đủ mánh khóe, từ việc bôi nhọ, chửi rủa hạ cấp, đến việc dùng bạo lực hành hung. Mình trương biểu ngữ thì không sao, nhưng lại thích uy hiếp tấn công người mang biểu ngữ khác ý kiến với mình. Muốn tự do của mình được tôn trọng, nhưng lại manh nha chà đạp tự do của người khác, coi đó là lẽ tự nhiên. Cung cách này nhỡ mà được cho cầm quyền, thì tự do hay tài sản của dân làm sao được đảm bảo?

Chả thế mà nhà cách mạng Lương Khải Siêu có lần bảo cụ Phan Bội Châu, “Quý quốc đừng lo không có ngày độc lập, chỉ sợ quốc dân không có tư cách độc lập.” Nhìn vào những giới lãnh đạo từ trong nước ra hải ngoại, cái e ngại về tư cách quốc dân quả là chính đáng.

Tin tức những năm gần đây cho thấy Trung Quốc cứ xâm lấn dần vào lãnh thổ Việt Nam, từ Nam Quan, Bản Giốc trên đất liền đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài biển Đông. Lẫn trong tiếng kêu gào phản đối là cảm giác thua thiệt và bất lực. Nhìn vào Nhật Bản, Do Thái, Nam Hàn hay Đài Loan, tự hỏi vì sao những quốc gia này đất không rộng, người không đông, nhưng họ lại không khiếp sợ những kẻ thù to lớn gấp bội. Hóa ra cái tư cách quốc dân của họ tiến hơn mình nhiều lắm. Giáo dục cao, tiến bộ về mọi mặt từ khoa học, kỹ thuật, văn hóa khiến cho những hiện tượng tiêu cực trong xã hội không thể hoành hành. Ở mấy xứ này, nghe đâu cái nạn chủ tịch lộng hành, hoặc chủ tịch múa may không được phổ biến; có lẽ là nhờ dân trí cao.


Việt Nam ta, từ trong nước ra tới hải ngoại, hình như có rất nhiều chủ tịch