PDA

View Full Version : H - Hãy trở về gốc, hỡi con người



Dan Lee
02-12-2008, 08:57 PM
HÃY TRỞ VỀ GỐC, HỠI CON NGƯỜI.

(Bài chia sẻ trong Lễ Tân Niên MẬU TÝ)

Chúng ta tiễn năm Cô Heo đi vào qúa khứ và chào đón Chú Chuột nhập vào giòng thời gian Mậu Tý. Trong tư cách là gia trưởng một gia đình thiêng liêng là giáo xứ Đức Mẹ Lavang tại vùng Grand Rapids, vào dịp đầu xuân Mậu Tý nầy, xin thay lời cho anh chị em thành viên giáo xứ Đức Mẹ Lavang, chúng tôi kính cẩn dâng lời vấn an sức khoẻ qúy vị cao niên, các bậc trưởng thượng là những vị khách qúy đến tham dự Lễ Tết mừng Xuân Mậu Tý năm nay với giáo xứ chúng tôi. Chúng tôi rất lấy làm vạn hạnh được chào đón liệt qúy vị hôm nay và đây cũng là một dịp tốt để kính chúc mừng tuổi mới và cầu chúc qúy vị một năm Mậu Tý luôn luôn gặp may mắn như “Chuột Sa Chĩnh Gạo”.

Đặc biệt với ACE thuộc thành viên giáo xứ Đức Mẹ Lavang, chúng tôi kính mừng tuổi mới qúy vị, từ những bậc vị vọng cao niên cho đến các ấu nhi măng sữa một năm mới an bình, luôn chấp nhận khả năng giới hạn của mình như con giáp Mậu Tý để tránh, và cố luồn lách để vượt thoát những gian nguy của những chú mèo đang rình bắt chuột. Khôn cũng chết, dại cũng chết, ai biết thì sống. Chuột nào biết sợ mèo là chuột ấy khôn ngoan, né tránh những đe dọa hiểm nghèo, những nguy cơ đang tác hại cho thân phận để được sống an toàn là cái khôn của Chú Chuột.

Trong phần đáp ca của thánh lễ tân niên hôm nay được trích dẫn từ Thánh Vịnh 89, trong đó có câu: “Hãy Trở Về Gốc, Hỡi Con Người”. Và trong kinh tiền tụng của ngày mồng hai Tết cũng có câu: “Khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn vật đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nưóc có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ”. Phải, thưa liệt qúy vị và anh chị em! Mỗi người trong chúng ta mang trong mình một giòng họ riêng: Phạm, Lê, Trần, Nguyễn, Hoàng. .. vv. “Hãy trở về gốc, hỡi con người”. Gốc Phạm, Lê, Trần, Nguyễn, Hoàng là cái gốc riêng của mỗi giòng họ và mỗi người cũng cần trở về và sống sao để làm vinh danh giòng họ ấy của mình. Nhưng trên hết và trước hết, mỗi chúng ta đây đều có một cái gốc chung: Quốc Tổ Việt Nam. “Hãy trở về gốc, hỡi con người” là sứ điệp mời gọi chúng ta trở về với chính cái gốc Quốc Tổ ấy. Ngay từ giây phút đầu tiên khi vừa mới tượng thai trong lòng mẫu thân, tôi đã mang trong mình giòng máu Việt-Nam, bản chất Việt-Nam, căn tính Việt-Nam. Tôi ra khỏi Việt-Nam đến định cư trên đất nước Mỹ nầy, nhưng căn-tính Việt-Nam không bao giờ ra khỏi tôi, vì căn-tính Việt-Nam đã trở thành bản tính trong tôi, gắn liền trong con người tôi. Tôi với Việt-Nam là một.

Chúng ta đến Hiệp Chủng Quốc Mỹ nầy theo dạng Tị Nạn hay Di Dân, Dạng Đoàn Tụ Gia-Đình hay Kết Hôn, Dạng Con Lai hay H.O. lần lượt kể từ năm 1975 hay những thập niên tiếp theo sau đó cho đến nay. Chúng ta là những người thuộc thế hệ thứ nhất đến trên đất Mỹ nầy. Chúng ta chấp nhận thân phận của “Chuột Đã Chạy Cùng Sào” và may mắn chạy đến được xứ sở của cơ-hội ngàn năm một thuở nầy và xin chọn nơi nầy làm quê hương thứ hai. Phần chúng ta, thế hệ thứ nhất “Hãy Trở Về Gốc, Hỡi Con Người”. Đừng chối bỏ hay tìm cách loại trừ căn-tính Việt-Nam ra khỏi cuộc đời. Hãy hãnh diện làm người Việt-Nam. Mỗi Việt-kiều hãy cố gắng làm một đại-sứ Việt-Nam ngay trong môi trường chúng ta đang sinh sống. Mỗi chúng ta sống làm sao để không làm nhục quốc thể Việt-Nam. Thế hệ thứ nhất chúng ta tình nguyện hy sinh làm đầu nêu đầu tàu, tình nguyện làm những viên đá lót đường cho những thế-hệ kế-thừa là con cháu chúng ta làm bàn đạp để có cơ-hội hội-nhập, tiến thân trên đất nước nầy.

“Hãy Trở Về Gốc”, thưa thế hệ thứ nhất. Ngoài căn-tính VN ra, chúng ta còn hai cái gốc bự khác như hai điểm son cần giữ lại và phát huy thêm. Điểm son thứ nhất là Tình Tự Gia Đình, mà rõ nét nhất là nghiã tào khang, đạo vợ chồng và lòng hiếu thảo. Điểm son thứ hai là Đức Tin Truyền Thống Công Giáo Việt-Nam, mà rõ nét nhất là trung tín son sắt giữ đạo Chúa, nhất là việc tôn sùng Bí tích Thánh Thể và lòng sùng kính Mẹ Maria qua việc lần chuỗi mân côi mỗi ngày. Ở điểm son thứ nhất, cảnh li dị của người Việt-Nam Công Giáo tại Mỹ đã đến hồi báo động đỏ, vì nghĩa tào khang đã lỏng lẻo, đạo vợ chồng đã biến dạng, lòng hiếu thảo đã biến chất thì gia đình làm sao đứng vững? Ở điểm son thứ hai, một số người Việt-Nam Công Giáo sang Mỹ giữ đạo “on sale”, cắt xén và tính toán giờ giấc khi đến với Chúa trong các giờ tham dự thánh lễ mỗi Chúa nhật và Lễ Trọng, Lễ Buộc. Lời nhắc nhở nhau của thế hệ thứ nhất là “Hãy Trở Về Gốc, Hỡi Con Người”.

Thế hệ thứ hai là những bạn trẻ đến Mỹ trong lứa tuổi ấu nhi cho đến lứa tuổi 10, 11. Thế hệ thứ hai trong lứa tuổi nầy dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ tiếng Anh rất nhanh. Tiếng Anh trở thành tiếng mẹ đẻ của họ. Họ nói tiếng Mỹ như Mỹ, suy nghĩ cũng bằng đầu óc Mỹ nên nói tiếng Anh như gió. Thế hệ thứ hai nầy rất thành công trên con đường học vấn và có thể có những bằng cấp cao ở bậc Đại Học Mỹ. Họ có tay nghề vững, kiến thức rộng. Thế hệ thứ hai nầy nhiều khi cảm thấy xấu hổ vì mình là người Việt-Nam. Họ ngay tình và thực sự muốn quên đi căn tính Việt-Nam của mình. Họ phủ nhận bản chất Việt-Nam của mình. Họ háo hức muốn hội nhập, muốn đồng hóa mình thành người Mỹ trăm phần trăm. Họ thích ăn Hot Dog, Humberger hơn ăn canh, ăn cơm Việt-Nam. Họ hội nhập cuộc sống như cuộc sống của người Mỹ bản xứ. Nhưng rồi sự lăn xả ấy sẽ có lúc khựng lại. Ớ trong các công tư sở lớn của Mỹ, họ có thể có tay nghề vững, bằng cấp cao, kiến thức rộng nhưng họ vẫn bị kỳ thị chủng tộc, màu da, bởi lẽ họ vẫn còn mang trong mình hình dáng một con người đầu đen, mũi tẹt, da vàng. Những chức vụ như Giám Đốc, Trưởng Ngành khó lọt vào tay một người da màu. Không hội nhập để trở thành người da trắng 100% được thì người da màu cũng khựng lại ở những cấp bậc hạng hai, hạng ba trong các công tư sở do người Mỹ làm chủ mà thôi. Dù trở thành công dân Mỹ trên thẻ công dân, nhưng thưa các bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai, các bạn cũng chỉ là công dân hạng hai trong thực tế mà thôi.

Các bạn trẻ Việt-Nam thuộc thế hệ thứ hai thân mến. Nước Mỹ có một ưu điểm và cũng là nhược điểm: Qúy trọng tài năng và tìm kiếm nhân tài thế giới để đầu tư vốn liếng trí thức cho Hiệp chủng quốc. Người Việt-Nam ta có tinh thần hiếu học và óc cầu tiến là ưu điểm hàng đầu, nhưng lại có một nhược điểm rất to lớn: Cá Nhân Chủ Nghĩa ăn sâu vào từng làn da thớ thịt, đã trở thành gần như bản tính riêng. Người theo Cá Nhân Chủ Nghiã thì coi trời bằng vung. Về điểm nầy, ông Nguyễn Huy Hân, một chính trị gia Việt-Nam có nêu lên một nhận xét đau lòng, nhưng rất chí lý và sát với con người VN trong thực tế: “Ở đâu có hai người Việt-Nam thì ở đấy có đến ba nhà lãnh đạo”. Một nhà xã-hội-học và nhân-chủng-học Nhật Bản, sau nhiều năm giao tiếp và làm việc với người Việt-Nam có nêu lên nhận định nầy: Cùng một công việc như nhau, nếu giao cho một người Việt và một người Nhật đảm trách riêng, thì người Việt ấy sẽ thành công vượt trội, bỏ rất xa người Nhật ấy lại đàng sau. Còn nếu giao cùng một công việc cho 4 người, hai người Việt làm chung nhóm A và 2 người Nhật làm chung nhóm B, thì thành qủa của công việc mang lại, cho thấy nhóm 2 người Việt sẽ tuột xuống hạng hai, nhưng nếu giao cùng một công việc ấy cho mỗi nhóm 3 người trở lên thì thành qủa công việc sẽ mang lại thành công cho nhóm 3 nguời Nhật, còn nhóm 3 người Việt sẽ lẽo đẽo theo sau họ rất xa ở đàng sau, nếu không muốn nói là tụt hậu. Tại sao vậy? Xin thưa, vì có đầu óc Cá Nhân Chủ Nghĩa nên người Việt mình dễ thành công một mình, nhưng sẽ thất bại chua cay khi làm việc theo “Team Work” của người Mỹ.

“Hãy Trở về gốc, hỡi con người”. Cha ông mình có một kinh nghiệm cho ngàn đời sau: Khôn cũng chết, dại cũng chết, ai biết thì sống. Xin các bạn trẻ VN thuộc thế hệ thứ hai hãy nắm bắt cho được cái ưu điểm và cũng là nhược điểm của người Mỹ là trọng vọng tài năng và tìm kiếm nhân tài cho đất nước nầy. Người Việt mình cố làm sao loại bỏ đi đầu óc cá nhân chủ nghĩa và khai thác tinh thần hiếu học, đào sâu óc cầu tiến để trở nên những người có tài năng thực sự nơi các đại học Mỹ, trên thương trường và cả trong chính trường nữa. Tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bách thắng. Chúng ta biết được tài năng của mình mà khai thác, biết được nhược điểm của mình mà khắc phục, rồi cũng biết được ưu điểm và khuyết điểm của người Mỹ để trong kiên trì chúng ta tìm cách len lỏi, xâm nhập một cách tiệm tiến vào các môi trường xã hội khác nhau nầy theo kế hoạch vết dầu loang, thì chắc chắn các bạn sẽ có một thế đứng vững chắc mà xã hội Mỹ sẽ không loại bỏ được. Không loại bỏ được thì xã hội và đất nước Mỹ sẽ dùng các bạn thôi, vì các bạn có thực lực, có khả năng trổi vượt hơn người bản xứ.

Gương thành công của những người VN thuộc những thế hệ đến nước Mỹ nầy trước chúng ta hãy còn đó. Một giáo sư Nguyễn Thanh Long đến Mỹ năm 53 tuổi, ông bắt đầu học lại chương trình trung học Mỹ, đậu tú tài Mỹ, mon men lên ghế đại học rồi trở nên một giáo sư đại học Mỹ về sau. Một giáo sư thạc-sĩ toán học “Toàn Phong” Ng Xuân Vinh, người vẽ đường bay cho các phi thuyền Mỹ bay vào vũ trụ. Một linh mục tiến sĩ vật lý Nguyễn văn Tịnh, người tìm ra được câu trả lời rất sớm cho lý do tại sao phi thuyền Apollo XIII của Mỹ đã thất bại khi bay vào vũ trụ. Một tiến sĩ vật lý nguyên tử Nguyễn T.K., một khoa học gia trẻ, lấy xong Ph.D. lúc mới 24 tuổi đầu, làm việc cho ngành nguyên tử Hải quân Mỹ. Một kỹ-sư hoá chất, tiến sĩ Nguyễn văn Đẹt, người phát minh ra ống dẫn nước bằng chất mủ, chất nhựa để từ đó đưa nước tới khách hàng dùng mà không bị ten sét như các ống dẫn nước bằng sắt trước đây. Đường ống dẫn nước ấy đang thịnh hành trên thị trường nước Mỹ và thế giới ngày nay. Ông còn phát minh ra một hoá chất để thả vào trong các bồn chứa nước của các thành phố và giữ cho nước được trong mãi mà không bị rong rêu làm vẩn đục nước như trước đây. Thương trường thế giới đang làm giàu trên phát minh ấy của người kỹ sư Việt Nam nầy. Rồi một kỹ-sư điện-tử Ngô Đình Tuấn đã phát minh ra chiếc máy điện thoại truyền hình, bán tác-quyền lại cho người Nhât và nay chiếc máy điện thoại ấy đang được dùng đến trên thương-trường quốc-tế. Gần đây nhất chúng ta hãnh diện về một nữ khoa-học-gia Việt-Nam, người đã phát minh ra một loại bom tinh khôn, tìm địch mà diệt sau khi đã phóng ra khỏi nòng súng xuất phát. Bộ quốc phòng Mỹ ra cho Chị một thời hạn là 3 năm để nghiên cứu và sáng chế ra loại bom tìm địch mà diệt ấy, nhưng khoa-học-gia Dương Nguyệt Ánh nầy của Việt-Nam đã thành công với Team Work của mình chỉ sau 67 ngày đêm miệt mài trong phòng thí nghiệm. Chị có một câu nói để đời, một lời khuyên cho giới trẻ thuộc thế hệ thứ hai của VN đến Mỹ: “Sự thành công của chị được viên thành nhờ 20% là do tài năng, 40% đến từ con tim và 40% còn lại là do lao động trí óc mà mang lại thành qủa hôm nay”.

“Hãy Trở Về Gốc, Hỡi Con Nguời Việt-Nam thế hệ thứ hai”. Trở về với tính hiếu học và óc cầu tiến của người Việt-Nam để làm bàn đạp mà vươn tới để thăng tiến bản thân, lằm hãnh diện cho gia đình, cho dòng họ và cho Tổ quốc Việt-Nam. Tôi có qúa tham vọng chăng để kể cho qúy vị và các bạn nghe 2 câu chuyện nầy.

Câu chuyện thứ nhất: Có một người trẻ Nhật Bản, thuộc thế hệ thứ hai khi đến Mỹ, cũng háo hức hội nhập cuộc sống Mỹ, không thèm học tiếng Nhật. Trong một chuyến trở về thăm quê cha đất tổ trên vùng Kyoto, vì không biết tiếng Nhật nên anh bị đồng bào anh khinh miệt, kỳ thị. Người đồng hương nhục mạ, mỉa mai anh: “Đồ người Nhật gì mà không nói được tiếng Nhật!”. Anh xấu hổ trỏ về Mỹ, tìm đến đại học Georgetown tai Washington DC học một năm tiếng Nhật. Sau đó anh trở về Nhật lần thứ hai. Vì ăn nói lưu loát tiếng mẹ đẻ, anh được người đồng hương Kyoto tiếp đón nồng hậu. Các bạn trẻ VN có cơ hội học tiếng Việt xin hãy nhớ câu chuyện người Mỹ gốc Nhật nầy nhá.

Câu chuyện thứ hai (được kể lại trên báo Đời Mới số 82): Năm 1950 sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Ko Young II lúc ấy lên 7 tuổi đã cùng thân phụ chạy theo đoàn quân Hoa Kỳ rời Bắc Hàn xuống Nam Hàn và sau đó cả hai bố con đều di-cư qua Mỹ, trong khi đó người mẹ và người chị bị kẹt lại ở Bắc Hàn. Và kể từ đó, Ko Young II mất luôn liên lạc với mẹ. Năm 1979, anh Ko Young II đã ngoài 36 tuổi, đang làm nghề thợ đóng xe hơi tại Hoa Kỳ, được chọn làm thông-dịch-viên cho phái đoàn bóng bàn Hoa Kỳ qua Bình Nhưỡng, thủ đô Bắc Hàn để tranh giải bóng bàn quốc tế. Lợi dụng dịp nầy, anh Ko Young II đã nhờ một số nghị-sĩ Mỹ can thiệp với chính phủ Bắc Cao để anh được tìm gặp lại người mẹ yêu qúy đã 29 năm xa cách và anh đã được như lòng sở nguyện. Bà Lee Jung Ho, 69 tuổi, thoạt khi vừa gặp lại đứa con trai yêu qúy, bà hơi ngỡ ngàng trong giây phút, nhưng bất thần bà giơ tay sờ lên tai con để tìm lại một vết sẹo cũ mà bà nhớ đã xẩy ra cho con bà hồi còn nhỏ. Sau khi sờ thấy vết sẹo cũ của con và biết chắc đây đúng là con mình, bà đã ôm chầm lấy đứa con yêu với tất cả niềm âu yếm của tình mẫu tử, nước mắt tuôn trào, bà nghẹn ngào nói với con qua tiếng nấc: “Con của mẹ ơi! Đừng rời mẹ, đừng rời xa mẹ nữa”.

“Hãy Trở Về Gốc, Hỡi Con Nguời Việt-Nam thế hệ thứ hai”. Dấu hiệu nào để Mẹ Việt-Nam, Quốc Tổ Việt-Nam, đồng bào Việt-Nam còn nhận diện được các bạn là Việt-Nam trong huyết quản? Xin hãy nhớ: “Máu đi máu trở về tim, Việt Nam nghèo đói cũng xin trở về”.

Trong niềm tâm sự đầu năm, xin mạo muội ghi lại và gợi lên một đôi điều suy tư đến từ con tim Việt-Nam nầy như một món qùa xuân trang trọng kính dâng tặng liệt qúy vị và các bạn trẻ Việt-Nam thân yêu.

(Wyoming, Michigan 10-2-2008 * Giáo xứ Đức Mẹ La-Vang mừng Xuân Mậu Tý). LM Peter Hoàng Xuân Nghiêm