PDA

View Full Version : C - Cầu nguyện: phương thức đấu tranh hoà bình



Dan Lee
02-07-2008, 11:36 AM
Cầu nguyện: phương thức đấu tranh hoà bình


Vài suy nghĩ của một độc giả về phong trào cầu nguyện tại toà Khâm Sứ

Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam, giáo phận Hà Nội đang bước một bước mới trong việc đấu tranh cho công lý, lẽ phải và hoà bình. Hưởng ứng lời kêu gọi của đức tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, giáo dân khắp nơi trên giáo phận đã liên tục kéo về tập trung tại toà Khâm Sứ bên cạnh toà Tổng Giám Mục ở phố Nhà Chung để cầu nguyện lên Thiên Chúa và Mẹ Maria đòi chính quyền Hà Nội phải trả lại phần tài sản này của giáo hội đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hơn 50 năm qua, đã có những đơn từ yêu cầu chính quyền giải quyết hàng chục năm mà không hề được trả lời hay xem xét. Rõ ràng, công lý bị chà đạp.

Khi không có công lý, không thể có hoà bình, hay hoà bình giả tạo. Một xã hội ổn định dưới gông cùm xiềng xích, bạo lực súng đạn thì xã hội đó đầy rẫy bất công, Với bạo lực trong tay và sự lọc lừa trí trá có từ trong bản chất của chế độ, cộng thêm kinh nghiệm len lỏi để phá hoại và vô hiệu hoá, đảng và nhá nước CSVN lâu nay đã hoá giải được hầu hết những “diễn biến hoà bình” kể trên được coi là mối nguy cho chế độ.

Lần này, diễn biến đã theo một chiều hướng khác, khi con gium xéo mãi cũng quằn, một trong những lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo VN bắt đầu nhập cuộc. Người chủ chăn của giáo phận Hà Nội kêu gọi giáo dân cầu nguyện. Không hoan hô đả đảo, không xuống đường tuần hành,không biểu ngữ băng rôn. Tất cả chỉ là những lời cầu nguyện rất an bình, bằng thắp sáng niềm tin, bằng hương hoa chân tình, bằng hiệp đoàn canh thức, bằng tiếng hát câu kinh, dâng vế Thiên Chúa đấng Tối Cao và mẹ Maria dịu hiền. Một phương thức đòi hỏi nhẹ nhàng nhưng thành khẩn và đầy kiên quyết, đòi hỏi nhà nước CSVN phải thi hành đúng theo các điều khoản của văn bản pháp luật do chính họ viết ra vế mặt nổi là trả lại khu đất toà Khâm Sứ cũ trực thuộc toà Tổng Giám Mục Hà Nội là tài sản mà tổng giáo phận Hà Nội có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền. Sâu xa hơn, như lời một linh mục dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn đã lên tiếng, biến cố mang một ẩn ý to lớn hơn: đấu tranh cho một phong trào đòi hỏi công lý và hoà bình.

Ngay từ những ngày đầu của các buổi tập trung cầu nguyện, đảng và nhà nước CSVN biết rất rõ sự nghiêm trọng của vấn đề. Do đó, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã nhanh chóng có mặt tại chỗ để hạ hoả và đưa ra những lời hứa giải quyết. Nhưng, Uỷ ban tôn giáo nhà nước và uỷ ban hột đồng thành phố Hà Nội lại có những công văn là lời lẽ buộc tội cứng rắn. Tưởng có bạo lực trong tay, họ sẽ giải quyết vấn dề gọn gang nhanh chóng. Nhưng hơn một tháng trôi qua mà phong trào cầu nguyện ngày càng lớn mạnh, các diễn biến càng căng thẳng hơn chứng tỏ sự kiên quyết của giáo hội và sự lúng túng của nhà cầm quyền.

Đấu tranh ôn hoà bằng lời cầu nguyện, một, cho tài sản giáo hội được hoàn trả để xử dụng cho mục đích của tôn giáo và công ích của người dân; hai, cho công lý và hoà bình được thể hiện.

Cầu nguyện trong kinh hoà bình

Công lý và hoà bình. Đó là thông điệp trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa mà giáo dân muốn nhắn gửi đến giới cầm quyền Hà Nội. Thông điệp được xác quyết hằng ngày qua bài thánh ca “Kinh Hoà Bình”. một trong những bài thánh ca được hát lên nhiều nhất, hầu như trong mỗi buổi cầu nguyện tại sân toà Khâm Sứ.

“ Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa, trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa,
Để con:
Đem yêu thương vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Đem an hoà vào nơi tranh chấp,
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Để con:
Đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng

Để con:
Rọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Đem niềm vui đến chốn u sầu
Lạy Chúa, xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn đươc người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.,
Vì chính khi thứ tha là khi đươc tha thứ,
Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí
ƠN AN BÌNH".

(Kinh Hoà Bình của Saint Francis thành Assisi. Quý bạn trẻ có thể đọc lời tiếng Anh: Make me a channel of your peace. Tìm trong Google search)

Cầu nguyện trong niềm tin sắt đá

Dù nhà cầm quyền CSVN coi việc canh thức cấu nguyện của người Công Giáo Hà Nội tại toà khâm Sứ là hành động vi phạm pháp luật. Họ quy trách nhiệm cho TGM Ngô Quang Kiệt và một số linh mục đã khuyến khích xúi giục giáo dân tổ chức cầu nguyện và đòi hỏi các vị này khuyên giáo dân chấm dứt việc tụ họp làm mất trật tự. Nhưng giáo dân cương quyết tiếp tục cầu nguyện.

Và niềm tin ấy mãnh liệt đến mức làm cho con người quên nỗi sợ hãi, kể cả nỗi chết Nhà cầm quyền CSVN những tưởng sau hơn 50 năm bị trù dập cấm đoán, giáo hội Công Giáo miền Bắc VN đã hầu như bị huỷ diệt hay ít nhất cũng tan tác không ngóc đầu lên được, ai ngờ niềm tin đó vẫn sắt son. Sự dấn thân của giáo dân làm kinh ngạc giới cầm quyền. Sự dũng cảm đó từ đâu có được nếu không từ niềm tin sắt đá vì đó là tâm điểm của người Công Giáo.

Cầu nguyện trong sự hiệp thông

Giáo hội Công Giáo VN,cả trong quá khứ lẫn hiện tại đều chịu nhiều gian khổ, bách hại và sỉ nhục.

Đảng và nhà nước CSVN (cùng một số nhỏ người không CS) thường coi mối liên hệ của Công Giáo VN với Vatican và việc trước đây, thưc dân Pháp đã lấy sự bảo vệ cho các cố đạo Tây Dương và tín đồi Công Giáo VN làm cớ xâm lược VN để nguyển rủa Giáo Hội CGVN là bọn tay sai mất gốc. Họ lập luận rằng đạo Thiên Chúa do người Pháp truyền bá vào, chỉ nhằm phục vụ cho ngoại bang chống lại đất nước. Đây là một thành kiến hết sức ấu trĩ, sai lầm. Mối quan hệ giữa Vatican và các giáo hội địa phương toàn cầu tuy hết sức chặt chẽ về các vấn đề tôn giáo, nghi lễ, mục vụ và sắc phong.Nhưng các phương diện khác như việc điều hành giáo phận, giáo hội địa phương hoàn toàn độc lập, giống như tổ chức một quốc gia liên bang với sự tự trị..

Các giáo hội vẫn luôn luôn hiệp thông và hợp nhất với nhau trong lời cầu nguyện. Chúng ta có thể thấy rõ sự hiệp thông ấy qua diễn biến cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ hiện nay, Giáo Hội Công Giáo VN tại các giáo phận khác trong và ngoài nước đều nhất thống hướng về giáo phận Hà Nội chung lời cầu nguyện, giáo hội khắp nơi trên toàn cầu cũng đang trên đường hiệp thông với giáo phận Hà Nội. Cá nhân tín đồ Công Giáo có thể có những lúc chỉ trích nhau (hay có ý tưởng phê bình một vài vị chủ chiên) về đường lối, chủ trương,hành động của nhau, nhưng trong cầu nguyện thì luôn luôn hiệp nhất. Bởi bản chất của cầu nguyện bao gồm tinh thần hiệp nhất: giữa con người với Thiên Chúa, giữa người còn ở trần gian (giáo hội chiến đấu) với người ở trên trời (các thánh: giáo hội khải hoàn), và người đang chịu thanh tẩy (giáo hội trầm luân).

Cầu nguyện trong tinh thần vị tha.

Theo lịch sử, đạo Công Giáo không theo chân người Pháp để vào Việt Nam vào thế kỷ 18 như nhiều người lầm tưởng. Sự thực, đạo Công Giáo đã có mặt tại VN vào giữa thế kỷ 16 (1551?) đời hậu Lê từ các giáo sĩ dòng Tên với việc thành lập các địa phận Đàng Trong (miền Nam), Đàng Ngoài (miền Bắc) trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh với ít nhiều khó khăn cấm đoán và sự khởi đầu rất đơn giản của chữ quốc ngữ chúng ta dùng ngày nay, qua cuốn từ điển Việt- Bồ- La của các giáo sĩ dòng Tên tự sáng chế phiên âm theo mẫu tự La tinh để việc học tiếng Việt dễ dàng hơn, có ích hơn trong việc truyền giáo, giáo sĩ Đác Lộ là người sau này đã sửa chữa hoàn thiện thêm. Như vậy, đạo Công Giáo đã có mặt tại VN trên 200 năm trước khi người Pháp đặt chân đến, do đó giáo hội Công Giáo VN không phải do Pháp thành lập và xử dụng như là tay sai của họ để xâm lược, cai trị VN.

Một minh chứng cụ thể khác: phần đất miền Nam dù chính thức là thuôc địa của Pháp, nhưng sự phát triển của Công Giáo rất hạn chế, chứ không mạnh mẽ và đông đảo như miền Bắc chỉ là đất bảo hộ (Giáo hội Công Giáo miền Nam đã tăng trưởng đột biến vào năm 1954 khi có đến 70% số người di cư từ miền Bắc vào là tín đồ Công Giáo). Thực tế này nói lên rằng giáo hội CGVN và chế độ thực dân không có sự liên quan.. Dù vậy, đảng và nhà nước CSVN cũng như một số tổ chức chống phá Giáo hội Công giáo vẫn cố dùng phần lịch sử được viết sai lạc theo ý đồ của họ để nhục mạ giáo hội, đồng thời, như một kẻ vừa ăn cướp vừa la làng, chạy tội chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản riêng của giáo hội. Noi gương vị thầy khả kính là đức Giêsu chịu nhục hình, giáo hội Công Giáo VN sẵn sàng thứ tha cho những vu cáo, thiệt thòi đắng cay, nhục nhã mà nhà cầm quyền đã gây ra, nhưng lỗi lầm phải được thay đổi, sự thật phải được hoàn trả, công lý phải được phục hồi.

Cầu nguyện trong thái độ hiên ngang

Dù trải qua sự khắc nghiệt của thời tiết mưa gió giá lạnh và những hành xử tệ bạc có tính hăm doạ của đám công an bảo vệ, cùng những toan tính cố tình vu vạ, quậy phá hầu có cớ viện dẫn pháp luật để lên án buộc tội của nhà cầm quyền, người giáo dân vẫn kiên trì canh thức cầu nguyện lên Chúa và Mẹ với lòng hăng say. Đã không sợ hãi nao núng, môi miệng họ vẫn tươi cười, lời kinh cứ vang vang, bài ca cứ thánh thót, ngàn người như một, với thái độ bình thản thật hiên ngang, bất chấp bạo lực đàn áp có thể xảy đến,dù máu có thể chảy, tính mạng có thể bị nguy hại. Không những thế, lời đe doạ càng cứng rắn, lượng người đổ xô đến tham dự càng đông hơn. Sao lạ thế? Xin thưa, đó là cái dũng cảm của đức tin. Chết thì ai cũng sợ. Chết cho người mình yêu mến thì nỗi sợ tan biến. Giáo dân tin yêu Thiên Chúa, nếu phải chết cho Chúa,họ coi đó là diễm phúc,một khởi đầu cho cuộc sống vĩnh cửu trong nước Chúa. Được thánh hoà, được vào nước Chúa là ý nguyện thiết tha nhất của mọi người con Chúa.

Hiệp nhất trong cầu nguyện cũng để thể hiện tình đoàn kết tạo sức mạnh vô hình. Đoàn kết xua tan nỗi sợ, giúp moị người, mỗi người có cảm giác an bình trước mối nguy hiểm. Điều quan trọng hơn cả là người tín đồ Công Giáo tin tưởng rằng:nơi nào có sự cầu nguyện, nơi đó Thiên Chúa hiện diện để an ủi, che chở cho họ: có Chúa bên con, con lo gì, con sợ chi? “ Khi hai hay ba người trong chúng con hợp lại cầu nguyện thì Thầy ở giữa các con”. Lời của Chúa.

Giáo hội Công Giáo VN còn được thừa hưởng dòng máu bất khuất của các anh hùng tử đạo VN. Lịch sử gần 500 năm của Công Giáo VN qua nhiều thời đại thăng trầm với những giai đoạn bị cấm đoán bách hại khốc liệt. Đẫm máu nhất dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức., hàng trăm ngàn người đã bị bắt bớ, giam cầm, giết hại, trong số có 117 vị đã được phong thánh..Máu thánh tử đạo đã thấm nhuần và hun đúc giáo hội VN thành một khối đồng nhất, vững chắc và dũng cảm Noi gương các đấng tiền nhân, người Công Giáo VN không sợ hãi bạo quyền, dù phải hy sinh vẫn hiên ngang đứng lên, cùng nắm tay nhau và với một phương thức ôn hoà nhưng kiên quyết là cầu nguyện đòi hỏi, trả lại không chỉ đất đai tài sản mà cả những giá trị tinh thần, giá trị đạo đức, sự độc lập trong điều hành của giáo hội, tức là đòi công lý và hoà bình phải được thực thi.. Dù độc tài chuyên chế, dù âm mưu độc hại, dù bạo lực trong tay, cho đến giờ phút này, nhà cầm quyền vẫn chưa dám áp chế người giáo dân một cách quyết liệt như đã từng làm với các phong trào công nhân đình công, dân oan biểu tình khiếu kiện, sinh viên biểu tình trước đây. Điều này nói lên rằng: với niềm tin mãnh liệt, sự đoàn kết nhất trí, thái độ hiên ngang, tinh thần bất khuất, lời cầu nguyện ôn hoà giản dị lại có sức mạnh vô biên mà các thế lực tàn bạo nhất cũng phải chùn tay,

Canh thức đã qua, nguyện cầu còn đó

Trện đây là một vài suy nghĩ đơn giản của một giáo dân về một sự kiện của Giáo Hội Công Giáo VN gắn liền với vận mạng của cộng đồng giáo dân và theo thiển ý, có thể là một khúc quanh cho vận mạng của dân tộc VN. Vì là một giáo dân, người viết chỉ đứng trên quan điểm và lý lẽ về tôn giáo của một giáo dân, với kiến thức hạn hẹp chắc chắn là thô thiển và nhiều sai phạm. Nhận định về biến cố cầu nguyện đang xảy ra tại Việt Nam này hoàn toàn từ tâm thức và chỉ bao hàm trong phương thức cầu nguyện của người giáo dân, không có ý mạo muội lạm bàn đến cách ứng xử đối phó của các vị lãnh đạo giáo hội VN. Nhưng nếu có điều sơ xuất mạo phạm, vô tình hay hữu ý, xin quý ngài với lòng bao dung nhân hậu, niệm tình tha thứ. Người viết tin tưởng rằng, với kiến thức rộng rãi, sự khôn ngoan sáng suốt và đặc biệt ơn soi sáng của Thánh Linh, hàng giáo phẩm VN sẽ thừa sức lãnh đạo giáo hội Công Giáo VN đóng góp tích cực vào công việc đòi hỏi cho dân tộc Việt Nam có được ấm no, hạnh phúc trong hoà bình đích thực. Công lý và bình đẳng được thể hiện đến mỗi người và mọi người.

Phong trào cầu nguyện trong hoà bình chưa biết diễn biến thành bại ra sao trong những ngày sắp tới. Tin mới nhất: toà thánh Vatican qua việc vị hồng y Quốc Vụ Khanh, trong tinh thần đối thoại, đã có thư gửi cả hai bên, và những tiếp xúc với một số toà đại sứ CSVN để nói lên mối quan tâm lo lắng vụ việc có thể dẫn đến bạo ngôn bạo lực, và mong muốn hai bên có một sự đối thoại trực tiếp và thẳng thắn.

Toà Giám Mục Hà Nội để chứng tỏ thiện chí mong muốn một giải quyết ổn thoả, với sự bắt đầu bằng đối thoại trong tinh thần tôn trọng sự thật, đã có một nhượng bộ là thỉnh cầu giáo dân gỡ bỏ số lều trại dựng tạm trước đây và rước tượng thánh giá về lại ngôi nhà thờ lớn. Giáo dân, với lòng tôn trọng và tuân phục vị lãnh đạo tinh thần, tin tưởng vào tài trí và sự khôn ngoan của các ngài để có được một giải pháp tốt đẹp, đã đồng ý đưa thánh giá ảnh tượng về lại thánh đường. Canh thức đã qua nhưng việc cầu nguyện vẫn tiếp tục, tại thánh đường, tại tư gia, từ trong nước ra hải ngoại, từ cộng đồng Công Giáo VN đến các cộng đồng Công Giáo toàn thế giới.

Dù có đạt được kết quả đòi hỏi hay bị nghiền nát đè bẹp, bị vô hiệu hoá, phong trào cầu nguyện cũng đã nói lên được một điều là giáo hội Công Giáo VN từng âm thầm đấu tranh trước đây nay đã công khai nhập cuộc. Giáo hội không thờ ơ trước những bất công của con người, xã hội và dân tộc. Giáo hội cũng chỉ cho thế giới thấy rõ đâu là sự thật về cái gọi là tự do tôn giáo tại VN. Giáo hội đã làm cho nhà cầm quyền CSVN thấy rõ và rung động thực sự trước sức mạnh của tôn giáo, của niềm tin nói chung, sự mềm dẻo nhưng kiên trì và tính kỷ luật cao của giáo hội Công Giáo VN nói riêng.

Người giáo dân Công giáo VN mời gọi quý tín hữu các tôn giáo khác tại VN, và cả những người vô thần, cùng đồng hành nhập thế với người Công Giáo VN để cùng đòi hỏi công lý và hoà bình cho mọi người dân VN.

Cầu Thiên Chúa và Mẹ, Đấng chí tôn, chư Phật mười phương đoái thương phù trợ cho dân tộc Việt Nam lấy lại được Công lý và Hòa bình.
Phương Duy