PDA

View Full Version : C - Cùng Đức Kitô vượt qua thử thách trong đời



Dan Lee
02-05-2008, 09:23 PM
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

CÙNG ĐỨC KITÔ VƯỢT QUA THỬ THÁCH TRONG ĐỜI

Mt 4,1-14

Thưa quí vị,

Tại sao chúng ta lại cần đến Mùa Chay, khởi sự bằng thứ tư Lễ Tro? Thứ nghi thức rắc bụi lên đầu vừa bẩn vừa chẳng giống ai? Tro bếp đâu có sạch sẽ gì, nó bám vào đầu tóc, rơi xuống cổ, xuống áo coi thật kỳ quặc. Những người ăn vận lịch sự vội đưa tay phủi cho sạch, nhưng ở trên da thịt thì vết bẩn dính lâu hơn, phải cần đến tắm rửa. Tuy nhiên, đối với các tín hữu sùng mộ nó lại là một biểu hiện đạo đức, nhắc nhở chúng ta về tính chất mỏng dòn của cuộc sống: “Con hãy nhớ con là bụi tro và con sẽ trở về với bụi tro” (St 4,19). Thực tế là như vậy. Chúng ta lúc nào cũng phải đối diện với cái chết. Chúng ta được cha mẹ sinh ra và rồi sẽ có ngày tận số. Chẳng làm thế nào tránh khỏi kiếp phù du. Bao nhiêu vua chúa, nhiều tiền lắm bạc, đã cố tìm cho ra phương thuốc trường sinh, nhưng đều thất bại thê thảm. Hàng ngày thiên hạ đo lường thành công, thất bại, quyền lực, tiền tài, thống trị đều nhận ra chúng có giới hạn. Cuối cùng thì thần chết xuất hiện cướp đi tất cả, chẳng trừ một ai, một dự phóng nào. Sau chút ít thời gian thương nhớ tên tuổi cũng bị xoá sạch. Đúng là một suy tư yếm thế cho chúa nhật này phải không thưa quý vị?

Dầu vậy chúng ta phải chấp nhận chân lý về thân phận mình, để sống cho đúng ý nghĩa. Nói cách khác, sống cuộc sống thật của thân phận làm người, chẳng ảo tưởng, không bi quan. Sách Sáng thế hôm nay nhắc nhớ rằng nếu chúng ta nhận biết mình là bụi đất, thì có thể tin cậy vào Đấng Tối Cao đã ban hơi thở cho mình: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” Hơi thở này vĩnh cửu bởi nó phát xuất từ Thiên Chúa vĩnh hằng. Nó chính là linh hồn chúng ta, hướng dẫn chúng ta tới Thiên Chúa, nguồn gốc của mình. Vì vậy khi nghe theo tiếng gọi của nó, chúng ta đi trên đường lối Ngài. Nhưng bất hạnh thay thực tế không được như vậy. Cho nên Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để mọi người điều chỉnh lương tâm, tiến hành cải cách nếp sống. Đó là câu trả lời chính xác cho nhu cầu Mùa Chay của chúng ta. Những ai nói mình không cần Mùa Chay thì quả thực đã nói dối với chính bản thân. Không thành thực với mình, thử hỏi thành thực được với ai? Tình huống này xưa nay không thiếu nơi giáo dân, linh mục, tu sĩ.

Phúc âm nhắc nhở chúng ta trong suốt Mùa Chay, tuy phải nhìn vào sự chết hoặc thử thách bất cứ thuộc loại nào đe dọa tinh thần theo ơn Thiên Chúa gọi, thì không bao giờ nên sợ hãi, bởi vì chính Chúa Giê-su cũng đã bước vào kinh nghiệm của chúng ta trong ba cơn cám dỗ nặng nề. Cuối cùng Ngài đã chiến thắng vinh hiển, Ngài đã đi trước Hội Thánh vào hoang địa thử thách. Nó kéo dài suốt cuộc sống của Ngài, chứ không một vài giây phút: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ cơ hội khác” (Lc 4,13). Cho nên chúng ta chẳng thể mơ mộng được cơ hội an bình, bao lâu còn sống trên cõi đời. Mùa Chay của chúng ta là Mùa Chay của Chúa Giê-su kéo dài mãi trong mỗi sinh linh. Chính Ngài cầu nguyện, chính Ngài chịu thử thách, chính Ngài chịu đựng khổ chế trong con người chúng ta. Vì thế những ai dung dưỡng xác thịt quả là đã phản bội Chúa Giê-su một cách trắng trợn. Chúng ta chẳng có thể tự phong là đạo đức bao lâu còn chạy theo những tiện nghi thế gian. Trước mắt, nó không có dáng vẻ nguy hiểm, nhưng về lâu về dài nó là một loại thuốc độc ngấm dần. Muốn thoát khỏi phải nhìn vào Chúa Giê-su như mẫu mực đường lối của Thiên Chúa. Ngài sẽ giúp chúng ta vượt hoang địa thử thách giống như dân Do-thái vượt sa mạc Sinai. Chúng ta không nên sợ hãi, chúng ta không chịu cam go một mình. Ở bàn tiệc Thánh Thể hôm nay Chúa Giê-su nuôi dưỡng mỗi linh hồn bằng bánh manna hoang địa, là chính Mình Máu Thánh Ngài. Dù rằng suốt Mùa Chay, tư tưởng chúng ta hướng về hãm mình đền tội, nhưng tâm hồn luôn cảm thấy được an ủi. Bởi lẽ luôn có hy vọng Chúa Giê-su nhìn qua những tối tăm ấy mà trông thấy thành tâm sám hối. Ngài sẽ giơ tay cứu vớt giống như Thiên Chúa đã giải phóng Israel khỏi lầm lạc mà đưa về đất hứa.

Tác giả John Kavanagh (Dòng Tên) nói rằng Mùa Chay của chúng ta là mùa tự lượng định mình. Tức thời gian để chúng ta suy nghĩ về bản thân và ngoại vật, ý thức rõ hơn về các giới hạn của mình, về các nhu cầu vật chất và tâm linh, cuối cùng về sự chết. Đó là thời gian để nhắc nhở cuộc sống mỗi người cần phải được ơn thánh biến đổi. Và qua Đức Ki-tô, Thiên Chúa lại thở hơi ban sự sống cho chúng ta. Bởi vì bụi đất là nguồn gốc nhưng Thiên Chúa mới là định mệnh. Chúng ta không thể nào có bình an nếu không đạt tới cùng đích của mình. Vậy thì 40 ngày trước mắt là để lựa chọn những đường lối phải theo để đi tới Thiên Chúa. Có người gọi nó là hội tụ tiêu điểm, giống như chúng ta đi đo mắt. Một bảng chữ từ to tới nhỏ đặt trước mặt. Người y sĩ thay đổi lăng kính, luôn mồm hỏi: “Đã rõ chưa? Thử cặp kiếng này xem tỏ hơn không?” Cũng vậy 40 ngày tới chúng ta có cơ hội thay đổi nếp sống để hành động chính xác hơn, lành mạnh hơn. Thánh Kinh sẽ là tiêu chuẩn để chúng ta điều chỉnh. Chẳng ai nghĩ mình đã hư hỏng hoàn toàn: Chúng ta còn lương tâm kinh sợ Chúa, nhưng sai lầm về nhiều điều. Cho nên Kinh thánh ví như một lăng kính tốt, giúp chúng ta nhìn xem sự vật một cách sáng tỏ. Nhiệm vụ của Mùa Chay này là như vậy. Chúng ta lắng tai nghe đọc lời Chúa, ghi tạc vào lòng và bắt đầu sửa chữa những sai lầm. Quỷ dữ đã thử thách Chúa Giê-su ở ba địa điểm khác nhau: sa mạc, nóc đền thờ và đỉnh núi rất cao. Về các lãnh vực xem ra rất bình thường của cuộc sống con người: bánh ăn, kiêu căng và quyền bính. Nó dùng lời Kinh thánh mà cám dỗ Ngài. Đây đúng là những đòn chí tử, bởi chúng ta cũng thường bẻ cong lời Thiên Chúa để biện minh cho hành động sai trái của mình. Đức Ki-tô đã toàn thắng “tên cám dỗ” (tentator) cũng bằng sức mạnh lời Thiên Chúa. Ngài đang ở trong Mùa Chay thiên sai để chuẩn bị thi hành sứ mệnh. Mùa Chay cần thiết giúp Ngài đủ khả năng thực hiện thánh ý Đức Chúa Trời. Ngài từ bỏ bản thân bằng cách chối bỏ bánh ăn. Ngài cư xử khiêm nhường không tự phụ kiêu căng. Ngài hoàn toàn vâng phục quyền bính Đức Chúa Trời. Tóm lại, Ngài thực hành khổ chế nghiêm ngặt, cầu nguyện và chiêm niệm lời Thiên Chúa liên lỉ. Bài học cho mọi tín hữu dấn thân trên cánh đồng truyền giáo. Không có những sinh hoạt như Chúa Giê-su, chúng ta chẳng thể truyền giáo hiệu quả dù tích cực đến mấy đi nữa. Xin ghi nhớ lời Chúa: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời Thiên Chúa phán ra”. Chính Thiên Chúa sẽ thổi hơi thở của Ngài để chúng ta được sức sống mới qua Ngôi Lời ban sinh khí.

Các cầu thủ bóng chày bắt đầu tập tành từ mùa này. Họ cần thời gian để rèn luyện thân thể, sẵn sàng cho mùa thi đấu sắp tới. Nếu không sẽ gặp thất bại thê thảm. Tập luyện tốt sẽ cho họ khả năng chiến thắng giải quốc gia, có thể cả giải quốc tế. Giống như họ, năm này qua năm khác, chúng ta cần đến Mùa Chay để tinh thần được rèn luyện và đổi mới. Chúng ta cần tập trung tư tưởng, nghị lực để thăng tiến những cam kết khi lãnh bí tích thanh tẩy, từ bỏ satan và các cám dỗ của nó, trung thành với Chúa Ki-tô và sứ vụ của Ngài. Chúng ta nhận ra tình trạng tội lỗi của lương tâm mình và tính ù lì trong cách đáp trả lời mời gọi của Chúa Giê-su. Nhưng hơn hết, nhìn lên Đấng Cứu Thế đầy lòng thương xót, cầu khẩn Ngài giúp đỡ mình thoát khỏi nếp sống bê tha.

Tiến trình cải hóa Mùa Chay vừa mang tính cộng đoàn, vừa là việc của cá nhân. Nguyên cộng đoàn hay cá nhân thôi không đủ. Bởi lẽ, tội lỗi bao trùm toàn thể loài người sinh ra trên trái đất. Cụ thể trong buổi thờ phượng này chúng ta được mời gọi lắng nghe và hành động dựa trên lời Chúa. Khi cử hành như vậy chúng ta mặc nhiên đoàn kết với nhau thành một gia đình, lắng nghe câu truyện của nhau và xác định đây là nơi chúng ta tin tưởng và sinh sống nhờ ơn thánh Chúa. Chúng ta gắn bó với các đồng đạo khác trong đức tin và công việc bác ái, để triều đại Thiên Chúa mau ngự đến. Trong Mùa Chay này, mọi người sẽ luyện tập thói quen chăm chú nghe lời Thiên Chúa hơn, thực hành điều Ngài dạy bảo và sửa soạn tâm hồn bằng các buổi phụng vụ sốt sắng, năng lãnh nhận các bí tích, thăm viếng kẻ đau ốm, nghèo đói, ở tù. Thiên Chúa rộng rãi hơn lòng chúng ta, sẽ đáp ứng lại bằng những ơn lành mà chúng ta cần thiếu. Ngài sẽ chỉ rõ những lỗi lầm quá khứ, tố giác các tội lỗi và tỏ bày lòng xót thương. Như vậy, thay vì là mùa ảm đạm thì chay tịnh lại là hồng ân cao cả giúp chúng ta ý thức sâu xa hơn thân phận của mình và ơn cứu rỗi Chúa ban.

Do ảnh hưởng của bài đọc I, xưa nay người ta vẫn thường đổ lỗi cho Evà về tội nguyên tổ, và mường tượng bà như một phụ nữ cám dỗ, gây nên cái chết cho toàn thể nhân loại. Thực ra, nó là tội của bản tính loài người. Thiên Chúa ban ơn thánh không chỉ riêng cho bà mà cho toàn thể nhân loại. Cho nên câu truyện ông bà sa ngã là câu truyện chung, không riêng một mình ai. Trong sách Sáng thế, chúng ta được nghe sự thật về loài người quay mặt khỏi Thiên Chúa, trong đó chúng ta có phần trách nhiệm. Cũng trong sách Sáng thế, Thiên Chúa trực tiếp dựng nên nhân loại: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (2,7). Ngài còn trồng một vườn cây tươi tốt cho họ hưởng dùng. Rõ ràng họ được Thiên Chúa ưu ái đặc biệt. Nhưng con người đâu có cảm nghiệm được tình yêu ấy. Họ đã ngoảnh mặt đi và phạm tội. Truyện còn kéo dài cho tới mãi ngày nay. Cho nên không cần phải nói với ai về tội lụy. Nó là sự thật tự sáng tỏ, chẳng cần chứng minh. Hậu quả của nó trên toàn thể xã hội, trên từng cá nhân thật khủng khiếp, mặc dầu vườn địa đàng của Thiên Chúa vẫn còn đấy, tức thế giới này. Chúng ta không thể đổ lỗi cho Adam, Evà về những điều họ làm khi xưa, nhưng phải nhận trách nhiệm trong thời đại hiện nay, những lựa chọn ngu xuẩn mà chúng ta đã thực hiện, “Quỷ dữ đã xui khiến con làm điều đó” là lời chạy tội ngớ ngẩn chúng ta thường đưa ra để bào chữa các sai trái của mình. Giống như Adam, Evà, chúng ta có những bức tường giả dối chống lại sự tấn công của tội lỗi, danh vọng hão và hứa hẹn suông.

Cảm tạ Thiên Chúa, chúng ta không đứng một mình trong Mùa Chay này. Tin Mừng hôm nay, qua chiến thắng của Chúa trên các thử thách, cho chúng ta hay rằng, Chúa Giê-su quyền năng hơn tội lỗi và Satan. Với Ngài chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại mà tự thân chẳng thể thực hiện. Ngài đã tỏ quyền năng chống lại cám dỗ ích kỷ lo liệu bánh ăn cho riêng mình bằng cách nhân bánh lên nhiều nuôi một lần năm ngàn người ăn, lần khác bốn ngàn. Ngài chống lại việc làm dấu lạ để lôi cuốn đám đông bằng cách trông đợi Thiên Chúa cung cấp lương thực cần thiết hàng ngày. Ngài từ chối một cuộc sống dễ dãi không đau khổ, không lao động khi trông chờ Thiên Chúa sai thiên thần thần bảo vệ mình. Ngay cả lúc rơi vào tay kẻ thù ghen ghét, từ chối sứ điệp của mình, Đức Kitô vẫn không hề nghi ngờ tình mến yêu của Thiên Chúa. Còn chúng ta? Thái độ ra sao khi gặp gian nan khốn khó? Đứng vững trong đức tin hay kêu ca trách móc? Kiên nhẫn chờ đợi Chúa trợ giúp hay nản lòng thối chí? Xin hãy nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh để nhận ra gương mẫu cho cuộc sống như người tín hữu. Đức Ki-tô với tất cả quyền năng vô biên có thể chiếm hữu thế giới trong vinh quang hiển hách, nhiên hậu lôi kéo người ta đến với mình, chấp nhận giáo lý của mình và như vậy dễ dàng cứu chuộc họ. Nhưng ngài chỉ nhìn lên Thiên Chúa, đón nhận thánh ý Thiên Chúa và kiên trung ‘trong ơn gọi người tôi tớ Gia-vê, chứ không hề mơ tưởng làm hoàng đế thượng vị thống trị thế gian như các vua chúa khác. Do đó qua sức mạnh thần linh của Ngài chúng ta phân biệt được lành dữ, tốt xấu, cái gì chóng qua, cái gì bền lâu muôn đời.

Thánh Phao-lô trong bài đọc 2 hết lời khuyên nhủ các tín hữu thành Roma liên kết với Đức Ki-tô trong ơn thánh, trong sự vâng lời Thiên Chúa để được cứu rỗi. Đó là điều Giáo hội mong muốn chúng ta thực hiện trong mùa chay này: “Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào biết mấy cho muôn người.” Chúng ta liên luỵ với tội lỗi của Ađam, Evà thì nhờ sức mạnh Chúa Giê-su, lướt thắng được mọi thử thách của cuộc đời mà thông phần vào vinh quang của Ngài. Cho nên sự lan tràn của tội lỗi không làm chúng ta thất vọng, trái lại nó là lời kêu gọi khẩn thiết lòng thương xót của Thiên Chúa. Trước cái “dữ” của tội lỗi chúng ta ‘nhìn lên Thiên Chúa và chắc chắn sẽ được Ngài xót thương, chính Đức Ki-tô là bảo chứng cho niềm xác tín ấy. Vậy chúng ta hãy chạy đến bàn thờ thánh thể, ý thức lòng khao khát sâu xa Thiên Chúa của mình. Ngài sẽ ban cho chúng ta sự sống của Đức Ki-tô làm sức mạnh và Thánh Thần làm Đấng hướng dẫn trong cuộc chiến đấu Mùa Chay đặc biệt này. Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP