PDA

View Full Version : Ngừa Sưng Phổi ( PNEUMOCOCCUS ) - Nguyễn Văn Đức, Bác Sĩ



delta
02-05-2008, 05:35 PM
Ngừa Sưng Phổi ( PNEUMOCOCCUS )

Nguyễn Văn Đức, Bác Sĩ

Cúm năm nay biết đâu sẽ nặng và nguy hiểm, tuy đến giờ, tình hình có vẻ vẫn còn yên tĩnh. (Cái yên tĩnh trước cơn bão chăng?)
Cho đến giờ, tháng 12, nhiều vị có tuổi hoặc đang mang những bệnh khiến cơ thể yếu sẵn, lẽ ra đã chích ngừa cúm, song vì năm nay thuốc hiếm, nên chưa được chích. Nhiều người trẻ, cẩn thận sợ phải nằm vật ở nhà vì cúm, đâm trở ngại công việc, những năm trước lũ lượt rủ nhau đi chích ngừa, năm nay đành chịu. Đây rồi khi cúm đến, nhiều phần nó sẽ lây lan dữ hơn năm trước.
Cúm nguy hiểm chết người do những biến chứng của nó, trong đó biến chứng sưng phổi xảy ra nhiều nhất. Trong các bệnh sưng phổi, nhiều hơn cả lại là bệnh sưng phổi gây do vi trùng Pneumococcus.
Nói chung, sưng phổi (pneumonia) gây do nhiều thứ lắm: vi trùng (bacteria), siêu vi trùng (virus), có khi ký sinh trùng (parasites), nấm (fungus). Nhưng trong cái đám vô lại có thể gây sưng phổi làm phiền ta đó, vi trùng Pneumococcus là con nổi tiếng nhất, vì đa số các trường hợp sưng phổi tại nó mà ra.
Ở Mỹ không thôi, sưng phổi Pneumococcus (pneumococcal pneumonia) làm chết 40.000 người mỗi năm. Nó là một trong những nguyên nhân hay khiến các vị trên 65 phải rời nhà vào nhà thương, và... có khi không trở về nhà nữa. Những người đang mang sẵn các tật bệnh khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm (chẳng hạn như bệnh AIDS, bệnh thận, ...) cũng dễ bị sưng phổi Pneumococcus.
Từ phổi, vi trùng Pneumococcus có thể vào máu, gây nhiễm trùng máu (bacteremia), rồi theo máu đến gieo họa nơi các cơ quan khác (màng óc, tim, khớp...). Một khi nhiễm trùng máu hoặc sưng màng óc xảy ra, tử vong sẽ rất cao.
Hiện chích ngừa là một cách tốt để phòng bệnh sưng phổi gây do vi trùng Pneumococcus. Theo Viện Cao niên Quốc gia (National Institute of Aging), thuốc chích ngừa sưng phổi Pneumococcus (pneumococcal vaccine) hữu hiệu, tài trợ bởi chương trình Medicare, nhưng tính ra, rất nhiều vị có tuổi hoặc đang mang những bệnh nặng chưa chích ngừa. Chỉ tiêu năm 2.000, Cơ quan Y tế Công cộng (Public Health Service) muốn trên toàn nước Mỹ, ít nhất con số người được chích ngừa phải là 60% (cứ 100 vị cần chích ngừa, bét ra cũng có 60 vị đã được chích). Chích ngừa cúm hàng năm kể từ năm 2000 trở đi cũng rứa. (Nhưng than ôi, năm nay thuốc cúm quá hiếm, không thể đạt chỉ tiêu này rồi).
Vi trùng Pneumococcus không phải chỉ có một con. Chúng có nhiều dòng, tuy cùng một giống. Thuốc ngừa sưng phổi Pneumococcus chứa những chất lấy từ 23 dòng vi trùng Pneumococcus khác nhau. Thuốc chích vào người để kích thích cơ thể ta tạo các kháng thể (antibodies) chống lại những dòng vi trùng này.
Đa số người khỏe mạnh chúng ta, 2-3 tuần sau khi chích ngừa, trong người sẽ có kháng thể chống lại hết hay hầu hết các dòng vi trùng này, giúp ta tránh được bệnh sưng phổi gây do chúng (kết quả bảo vệ 85-95%). Tiếc thay, các vị lớn tuổi và nhiều người đang mang một số bệnh kinh niên không tạo được kháng thể tốt như người còn trẻ khỏe, nên sự bảo vệ của thuốc có kém hơn. Trẻ em dưới 2 tuổi cũng thế.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Tật bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) đề nghị các bác sĩ chích ngừa sưng phổi Pneumococcus cho những quí vị thuộc các thành phần sau đây, có thể nguy đến tính mạng nếu bị sưng phổi Pneumococcus:
- Các vị từ 65 tuổi, dù không có bệnh gì quan trọng.
- Trẻ em trên 2 tuổi và người lớn dưới 65 đang mang các bệnh kinh niên như bệnh tim, bệnh phổi, thận, tiểu đường, AIDS, ung thư, ..., hoặc người đang phải dùng những loại thuốc khiến sức kháng cự của cơ thể suy giảm, như thuốc Prednisone, các thuốc chống ung thư.
- Người có lá lách (spleen) đã cắt, hoặc lá lách bệnh, nên không làm việc bình thường (lá lách là cơ quan quan trọng tạo các kháng thể chống vi trùng Pneumococcus).
- Người đang ở trong viện chăm sóc đặc biệt (nursing homes).
- Người đã được thay ghép cơ quan (organ transplant recipients), chẳng hạn như thay ghép thận.
- Người xơ gan (cirrhosis), hoặc dù chưa, nhưng nghiện rượu nặng, đích thị đệ tử Thần Ve-chai.
Trên nguyên tắc, một mũi thuốc ngừa sẽ bảo vệ ta suốt đời, song những vị sau đây nên được chích ngừa lại sau 5 năm, do sự bảo vệ nhạt dần theo thời gian: người không còn lá lách (hoặc lá lách bệnh, không làm việc đàng hoàng); người bệnh thận; người bị hội chứng "nephrotic" (nephrotic syndrome: thận không giữ được chất đạm, khiến chất đạm cứ thất thoát ra nước tiểu); người được thay ghép cơ quan; người mang bệnh tắc phổi kinh niên (chronic obstructive pulmonary disease) do hút thuốc lá; các vị nay đến tuổi 65, lần chích trước, nếu có, đã quá 5 năm rồi.
Sau khi chích ngừa, thường ta chỉ hơi đau và đỏ một chút nơi chỗ chích. Có người xui, đau, đỏ nhiều hơn, còn bị nóng sốt và nhức mỏi các bắp thịt (số người gặp xui không nhiều, dưới 1% các trường hợp chích ngừa). Thỉnh thoảng có người xui hơn nữa, bị phản ứng nặng gọi là "anaphylaxis", gây tình trạng trụy tim mạch (ta đừng vội lo, cứ 1.000.000 người được chích, chỉ có 5 người lỡ có phản ứng nặng).
Năm nay, thuốc chích ngừa cúm hiếm (cũng chỉ vì hãng thuốc Chiron cà chớn bên Anh, cung cấp đến nửa số thuốc chích ngừa cúm chúng ta cần, làm ăn thế nào, bị chính phủ Anh cấm chế thuốc mùa Đông này), biết đâu cúm sẽ nhiều và dữ, đưa đến lắm trường hợp sưng phổi Pneumococcus. Chúng ta tiên liệu trước vẫn hơn.