PDA

View Full Version : Ngộ độc chì - Hồ Văn Hiền, Bác Sĩ:::



delta
02-05-2008, 05:32 PM
Ngộ độc chì

Hồ Văn Hiền, Bác Sĩ:::

(cập nhật ngày 12 tháng 3 năm 2006)

Chúng tôi viết bài sau đây nói về ngộ độc chì cách đây khá lâu. Trong thập niên vừa qua, mức sống của ngườI Việt trên đất Mỹ đã tăng rất nhiều. Nhà cửa mới hơn, ít ai còn ở những “inner city” là nơi sơn cũ có chì rơi vãi khắp nơi, và do đó các trẻ nhỏ bốc ăn nuốt vào bụng. Trong mườI năm qua, trong những bịnh nhân sinh ở Mỹ, tôi chưa bao giờ gặp một bé nào ngộ độc chì mặc dù gia đình có lợi tức thấp ăn trợ cấp chính phủ. Lẻ tẻ có vài trường hợp mới ở Việt nam qua, có mức chì trong máu cau hơn bình thường, có lẽ do môi trường ở Việt nam. Tuy nhiên, ở Mỹ nói chung chống nhiễm độc chì ở trẻ em vẫn là một biện pháp y khoa phòng ngừa quan trọng và cần thiết. Ở Virginia , hiện nay, những trẻ sau đây bị nghi là có thể bị mức chì cao trong máu và do đó cần thử mức chì trong máu:

1. Trẻ hưởng trợ cấp y tế Medicaid hoặc trợ cấp dinh dưỡng qua chương trình WIC

2. Trẻ ở vùng ZIP code có mức chì cao

3. Ở nhà hoặc đi nhà trẻ xây trước 1950

4. Ở nhà hoặc thường xuyên thăm viếng nhà xây trước 1978 và có sơn tróc lở, hoặc tân trang (renovation) trong vòng 6 tháng vừa qua.

5. Ở chung hoặc thăm viếng thường xuyên một trẻ em khác bị ngộ độc chì

6. Ở chung với ngườI lớn làm việc hoặc thú tiêu khiển (hobby) đụng chạm tới chất chì (exposure to lead)

7. Sống gần lò nấu chì, nhà máy tái sản xuất bình ắc qui điện, hoặc các kỹ nghệ thảI ra chì.

Ở Việt nam, theo báo chí tôi đọc được, chưa có chính sách phổ cập nào để ngăn chận và chữa trị ngộ độc chì ở trẻ em. Theo báoTuổi trẻ (VN) cách đây chừng một năm, thì một số làng miền Bắc vẫn sống bằngnghề khai thác các bình ắc qui (car battery) để lấy chì bán. Trong những làng này, khói chì bay mù mịt suốt ngày đêm, đến đổi ngườI ta phảI thay phiên nhau làm ca đêm và ngày cho đỡ tối và ngộp. Các triệu chứng dị dạng trẻ sơ sinh và bịnh lý ngườI lớn do ngộ độc chì xảy ra rất thường, Hiên nay, ở VN đã bắt đầu dùng xăng không chì, hy vọng đây sẽ là một yếu tố giảm chì trong môi trường,ngược lại, do kỹ nghệ hóa gấp rút, các hình thức ô nhiễm môi trường khác sẽ tăng .

Gần đây, báo asahi.com ngày 08 tháng 3 năm 2006 (http://www.asahi.com/english/Herald-asahi/TKY200603080155.html), được báo Vietnam net trích dẫn, có nêu lên nguy cơ của các đồ trang sức rẻ tiền (cheap metal accessories), sản xuất từ Trung quốc, Đài loan và Nam Triều tiên, đang tràn ngập thị trường Nhật ( gồm nhẫn, dây chuyền, broches gắn trê n áo (brooches), bong tai, dây đeo đện thoại di động…)Trong quá nửa các món được thử, hàm lượng chì trong các đồ này cao hơn mức an toàn được cho phép tại Mỹ là 0.06%. Nguy hiểm của những món này là nếu trẻ nút (mút) các vật này, có thệ ngộ độc chì kinh niên (mản tính). Nếu chẳng may, trẻ nuốt các vật này vào bụng, dịch axít của bao tử sẽ làm chì thoát ra còn nhiều hơn nữa. Nếu ở Nhật còn như vậy, nguy cơ các món hang ở VN chắc còn cao hơn.

Mặc dù những biện pháp phòng ngừa và những tiêu chuẩn khắc khe cho hàng nhập cảng vào Mỹ, do tình trạng toàn cầu hóa (du lịch, đồ nhập cảng không chính thức như các hang trang sức nêu trên), những yếu tố ngộ độc chì đe dọa trẻ tại Việt nam thế nào cũng sẽ xuất hiện ở trẻ con chúng ta tại Mỹ nếu chúng ta không để ý đến và đề phòng.

Cách đây không lâu báo đăng trường hợp một cặp vợ chồng đi du lịch ở Ý về rồi ngã bệnh. Cả hai người đều bị suy nhược, thiếu máu, riêng người vợ bị nặng hơn cả và tất cả các thử nghiệm đều không giúp tìm ra được nguyên nhân đích xác của bệnh đó. Người chồng bỏ công tự mình tìm tòi nghiên cứu bệnh của vợ trong các thư viện y khoa và bắt đầu nghĩ đến ngộ độc chì (lead poisoning). Ông ta gợi ý với các bác sĩ điều trị vợ mình, lúc đầu chính bác sĩ cũng không tin vì người chồng không thuộc trong y giới, nhưng cuối cùng các bác sĩ cũng phải đi đến kết luận rằng cả hai vợ chồng này là một trường hợp ngộ độc kinh niên do chì. Nguyên do cũng vì chuyện đi qua Ý, trong chuyến đi đó nhân đi thăm một làng cổ xưa hai người tìm thấy được một bộ đồ gốm xưa uống trà rất đẹp, nài nỉ mua được đem về Mỹ và rất quý, mỗi ngày trang trọng đem ra uống trà để thưởng thức món đề xưa. Lớp men tráng chén trà được chế tạo theo phương pháp thủ công thô sơ nên chất chì trong lớp men đó cứ được thải ra từ từ trong nước uống, dần dần gây ngộ độc cho cơ thể.

Năm 2000, báo nhi khoa cũng báo cáo về trường hợp một cậu bé người Mỹ gốc Ấn vì trí khôn chậm phát triển nên bà mẹ đặt mua thuốc bổ của Tây Tạng cho bé uống. Bé không những không tiến triển về mặt tinh thần mà lại còn phát thêm chứng thiếu máu (anemia), tìm kiếm mãi chẳng biết nguyên do gì. Cuối cùng bác sĩ mới hỏi người mẹ cặn kẽ hơn và để ý tới các hườn thuốc cỗ truyền mà bé đã uống qua nhiều năm. Phân chất ra thì thấy thuốc này chứa rất nhiều chất chì. Vô tình mẹ của cháu làm cho cháu bị ngộ độc chì kinh niên, làm trí óc của cháu đã bịnh hoạn lại càng trì trệ them do tác dụng của chì.

Hai câu chuyện trên cho thấy hai điều : một là chúng ta đôi khi không biết rõ về những thức mà chúng ta ăn uống, hai là đôi khi bác sĩ cũng không ngờ được những nguyên nhân nằm trong môi sinh (environment) chúng ta sống có thể ảnh hưởng đến tính mạng của chúng ta. Thường bệnh nhân e dè không dám gợi ý cho bác sĩ biết suy nghĩ của chính mình về căn bệnh của mình. Mặt khác đôi khi y giới hoặc vì không đủ thì giờ, hoặc không chịu khó, hoặc vì tự ái nghề nghiệp có thể quên xét đến những yếu tố tầm thường trong đời sống thường nhật của người bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Do đó nếu người bệnh ý thức nhiều hơn về khía cạnh y khoa của đời sống hằng ngày của mình không những ta có thể tránh được một số bệnh (y khoa phòng ngừa) mà còn có thể giúp bác sĩ chúng ta một cách đắc lực trong công cuộc truy tầm bệnh (diagnosis = định bệnh) và chữa bệnh.

Trở lại trường hợp ngộ độc chì nêu trên, chúng ta nên biết chì (lead) rất phổ biến trong môi trường sống của những xã hội kỹ nghệ hóa như xã hội chúng ta đang sống. Trước cuộc cách mạng kỹ nghệ (industrial revolution) xảy ra cách đây mấy trăm năm, có thể chúng ta chỉ chứa chừng 2 milligram chì, hiện nay thì trung bình lượng chì trong cơ thể chúng ta cao gấp 100 lần. Chì hầu như ở khắp nơi: Chỉ mới gần đây thôi, xăng chạy xe hơi đều có chì rất nhiều, nay thì phần lớn được thay thế bằng xăng không có chì (lead-free gasoline). Do đó khói xe hơi xịt một lớp bụi chì khắp nơi, nhất là những vùng dọc theo các trục lộ giao thông chính có xe cộ lưu thông nhiều. Sự ô nhiễm này có lẽ đã giảm, tuy nhiên lượng chì lẫn trong đất vẫn còn đó tuy chỉ trong không khí có giảm đi. Nguồn ô nhiễm thứ là là các lớp sơn của những ngôi nhà cũ, xây cách đây trên 30-40 năm. Những lớp sơn này có lượng chì rất cao. Lâu ngày sơn rã ra rơi xuống đất. Các cháu bé 7-8 tháng bò la bò lết, bạ gì ăn ấy, vô tình nuốt vào bụng một lượng chì đáng kể. Như trên đã nói, các cháu bé cũng nuốt một số chì do khói các xe hơi xịt ra trộn vào đất. Ở vùng này, vấn đề xảy ra nhiều nhất cho những trẻ em ở vùng Washington D.C. (trong City) nơi có những phố nghèo, nhà cổ xưa đôi khi đổ nát. Ở Virginia , phần đông nhà được xây sau thời sơn có nhiều chì bị cấm dùng trong nhà ở, và đời sống dân chúng cao hơn.

Một số điểm chúng ta cũng nên để ý tránh ngộ độc chì : Mực in báo có nhiều chì và không nên dùng đốt lò sưởi, một số gỗ vẫn có sơn cũ có thể có chì và cũng không nên dùng làm củi đốt; lúc sửa nhà cửa nếu là lớp sơn rất cũ phải cạo ra, nên dọn dẹp cẩn thận. Trong quá khứ, một số nơi trên thế giới người ta lén cho chì vào rượu để làm cho rượu ngọt, và những người đó bị trừng trị rất nặng nề. Hiện nay, một số rượu thuốc ở Trung Hoa cũng như một số thuốc cổ truyền vẫn thịnh hành ở Trung Ðông (Middle East) đều có chứa một lượng chì đáng kể, nhất là ở Trung Ðông ngộ độc chì vẫn xảy ra thường xuyên ở trẻ em vì những món thuốc gia truyền đó. Nhất là đối với trẻ em, nếu bạn không hiểu thuốc xuất xứ ở đâu và chứa những gì, tốt hơn hết nên tránh vì có thể lợi không bằng hại.

Một nguồn gốc ngộ độc chì khác là các chén bát, bình chứa bằng đồ gốm tráng men có chì (lead-glazed pottery). Nói chung những đồ gốm nhập cảng vào Mỹ phần lớn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng nào đó, tuy nhiên một số đồ gốm trên thị trường được sản xuất ở nội địa Trung Hoa hoặc ở Mexico tại những lò gốm nhỏ không đúng tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác một số khách du lịch đem về Mỹ một số hàng để kỷ niệm, những món hàng đó có thể không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Ta cũng nên tránh dùng những bình đựng có chủ đích trang trí, hoặc những bình cắm hoa để chứa thực phẩm, nhất là chứa nước cam, nước chanh hoặc ngâm dấm vì chất axit trong các loại nước này dễ phóng thích chất chì trong nước men. Một số thùng thiếc có mối hàn bằng chì thông dụng ở Việt Nam cũng nguy hiểm nếu đem chứa nước uống.

Riêng đối với trẻ em nên để ý tới một số điểm sau: Một số thanh thiếu niên ở Mỹ ghiền mùi xăng xe hơi (gasoline additive) thích ngửi xăng để tìm khoái cảm, một số thích làm đồ chơi bằng chì để giải trí (như hobby làm lính chì, làm stained glass), trẻ nhỏ nuốt các vật bằng chì (chì dùng câu cá) có thể bị nhiễm độc.

Ðối với ngộ độc chì (plumbism), vấn đề chính vẫn là vấn đề phòng ngừa. Như trên đã nói, chúng ta nên ý thức được những nguồn xuất phát của chì và tránh. Người Việt Nam ta vốn kỹ lưỡng giữ gìn nơi ăn chốn ở. Ðặc biệt nhà chúng ta thường phải cởi giầy dép trước khi vào, thiết tưởng đây cũng là một tập tục tốt: Người làm việc tại các công trường, hoặc tại hãng xưởng có thể mang trên giầy những chất có hại cho sức khỏe trong đó có chì. Nếu chúng ta cẩn thận thêm bước nữa trong việc bảo vệ sức khỏe cho các em như tránh cho chúng bốc ăn đất bụi có chì, tránh không khí ô nhiễm quá độ (tránh chứa xăng trong nhà, ngăn không khí nhà xe không cho thông vào nhà), tránh những thuốc men không cần thiết và không an toàn, tránh dùng những đồ gốm kém phẩm chất để chứa thuốc ăn uống, với những biện pháp thông thường đó ta đã góp phần giúp cho chúng có một phát triển tốt về thể chất cũng như tinh thần. Các triệu chứng ngộ độc chì có thể nặng, chết người như mê man, co giật vì sưng óc, triệu chứng cũng có thể rất mơ hồ và có vẻ như không liên hệ tới ngộ độc chì, như mệt mỏi khó chịu, đau bụng, nhức đầu, học kém, vân…vân…; phần lớn trường hợp thuộc vào loại các triệu chứng mơ hồ đó nên sự cảnh giác của cha mẹ lắm khi sẽ là một yếu tố chính để phát giác bệnh cũng như để ngừa các hậu quả về lâu về dài.

BS Hồ Văn Hiền