PDA

View Full Version : Dùng Thuốc Cho Người Có Tuổi - Nguyễn Văn Đức, Bác Sĩ



delta
02-05-2008, 01:13 PM
Dùng Thuốc Cho Người Có Tuổi

Nguyễn Văn Đức, Bác Sĩ

Kỳ này, người viết xin chép lại một đoạn trong một tài liệu dùng cho bác sĩ, mà người viết rất thích, để bạn cùng thưởng thức:
"Trung bình, một người có tuổi dùng 13 thứ thuốc khác nhau mỗi năm, 4-5 thứ thuốc mỗi ngày.
Dùng nhiều thuốc là điều khó tránh cho các vị có tuổi mang nhiều tật bệnh, nhưng thuốc dùng càng nhiều, càng dễ có phản ứng bất lợi do thuốc gây ra.
Nếu mỗi ngày dùng dưới 5 thứ thuốc, phản ứng bất lợi ít khi xảy ra (4%), nhưng dùng từ 6 đến 10 thứ thuốc khác nhau mỗi ngày, rủi ro bị phản ứng bất lợi tăng lên 10%. Thường, thuốc dùng nhiều và phức tạp vì ba lý do: bác sĩ dùng thuốc không đúng, bác sĩ không nắm vững các thuốc men người bệnh đang dùng, và người bệnh tự dùng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ nên nhận ra sự dùng thuốc thiếu an toàn, không đúng cách của người bệnh, và tìm cách sửa chữa việc này. Sau đây là những phương cách để thực hiện việc này:
- Một ngày khỏe khoắn trong mình, tâm hồn thanh thản, bác sĩ yêu cầu người bệnh mang đến một bao giấy, loại bao lớn đi chợ, chứa tất cả các thuốc có ở nhà, gồm cả những thuốc mua ở tiệm không cần toa. Có khi người bệnh sẽ đem đến cho bác sĩ 2 bao. Trước khi mở bao, bác sĩ hãy hít một hơi dài, và cố gắng bình tĩnh. Vì bảo đảm bác sĩ sẽ tìm thấy trong bọc giấy này nhiều thuốc đã hết hạn, thuốc nọ đựng trong chai kia, nhiều thuốc có thể gây phản ứng nguy hiểm khi dùng chung. Bác sĩ cũng tìm thấy trong bao có nhiều thuốc bác sĩ có bao giờ biên toa cho người bệnh mua đâu. Đây là những thuốc được vợ, hay chồng, hay những người bạn quí tặng cho người bệnh... dùng thử. (Chú thích của người viết ở đây: các bác sĩ Việt Nam ta có khi còn tìm thấy thêm trong bao cả các chai thuốc bắc mang chữ Tàu, nhiều chai thuốc mang nhãn tiếng Pháp các sách thuốc Mỹ không sách nào có).
- Với mỗi thuốc, bác sĩ nên hỏi tại sao người bệnh phải dùng nó. Và thẩm định lại xem người bệnh còn cần dùng thuốc này hay không. Nhiều người bệnh vẫn tiếp tục dùng một thuốc khi thuốc không còn cần thiết, vì tật bệnh cần được chữa bằng thuốc này đã khỏi từ lâu. Nhớ xem xét cả những thuốc mua không cần toa người bệnh đang dùng.
- Để ý xem người bệnh có dùng thuốc đúng chỉ dẫn hay không: hỏi xem người bệnh dùng thuốc như thế nào, khi nào? Người trong gia đình đi theo người bệnh có thể cho bác sĩ biết có đúng như vậy không. Ở các tiệm thuốc tây, họ có bán những vật dụng đựng thuốc dùng mỗi ngày, giúp những vị hay quên dùng thuốc, không nhớ rõ mình hôm nay đã uống thuốc chưa. Nếu bác sĩ nhận định rằng người bệnh không còn minh mẫn đủ để dùng thuốc đúng như chỉ dẫn, nên nhờ một người nhà, người nào có thể tin cậy được, phụ trách việc cho người bệnh dùng thuốc mỗi ngày.
- Lựa những thuốc trong bao, để bỏ đi những thuốc không cần thiết. Trong y học, có nhiều loại thuốc "uống mà chơi", không có công dụng chữa trị gì (no medical indication), có khi bác sĩ cho để chiều lòng người bệnh hơn là cần thiết. Nhiều thuốc thuộc loại "cho để chiều lòng người bệnh" (trụ sinh chẳng hạn) không những gây hại cho túi tiền, có khi còn gây hại cho cơ thể. Đầu tiên là bỏ đi những thuốc này. Sau đó, bỏ bớt những thuốc có công dụng giống nhau, thí dụ, hai thuốc cùng để chữa đau nhức, cùng có thể làm chảy máu bao tử như Motrin, Naprosyn.
Sau lần đầu thẩm định và giúp người bệnh bỏ bớt những thuốc không cần thiết như vậy, mỗi lần thăm khám sau đó đều là một cơ hội tốt để bác sĩ tiếp tục công việc này, với một tinh thần cảnh giác trong việc sử dụng thuốc men".

Các biến chứng của thuốc

Những dặn dò của tài liệu trên, dành cho các bác sĩ, xem ra có lý lắm. Thuốc men dùng chữa bệnh, nhưng cũng nổi tiếng là một trong ba nguyên nhân gây bệnh: thể xác, tinh thần, thuốc dùng. Ngoài những phản ứng bất lợi ai dùng thuốc cũng có thể bị, đặc biệt, ở người lớn tuổi, thuốc dùng có thể gây những vấn đề nghiêm trọng sau:
1. Suy thận:
Chức năng thận suy giảm khoảng 30% trong suốt đời người. Tuy nhiên, sự suy giảm này nhiều hay ít, nhanh hay chậm tùy từng người. Để tìm biết chức năng thận, các bác sĩ thường thử máu để đo chất creatinine trong máu (gọi là serum creatinine). Chất này càng tăng cao trong máu, thận càng nguy. Tuy vậy, ở người có tuổi, serum creatinine không thực sự phản ảnh chức năng thận, có khi thử thì thấy trị số chất creatinine trong máu vẫn bình thường, nhưng thực sự, thận đang bên bờ vực thẳm. Nhiều chất được thải ra khỏi cơ thể qua thận. Nếu thận hỏng, thuốc không thải được ra ngoài, lẩn quẩn trong người lâu hơn bình thường, sẽ gây hại cho cơ thể.
Ngược lại, nhiều thuốc cũng làm hại thận. Chẳng hạn, các "thuốc chống viêm không có chất steroid" (như Motrin, Naprosyn, Feldene, ..., thường được dùng để chữa đau nhức, thấp khớp), có thể làm hại thận. Nhất là khi thận đang bị suy sẵn, hoặc "đang bên bờ vực thẳm".
Các thuốc loại này có thể làm hại thận, lại hại cả bao tử (gây loét, chảy máu, ...). Nếu không đau nhức lắm, dùng Tylenol để giảm đau an toàn hơn, vì Tylenol không làm hại thận hay bao tử, dùng lúc nào cũng được, không cần phải dùng lúc bụng no sau khi ăn. Bạn nhìn Tylenol với cặp mắt nghi ngờ, không tin vào tác dụng giảm đau của nó? Bạn vẫn cho rằng Tylenol chỉ là thuốc cảm, đâu phải là thuốc chống đau nhức. Ngược lại, Tylenol chẳng phải là thuốc có khả năng làm cảm đi mau hơn như ta tưởng, mà chỉ là thuốc giúp ta bớt đau đầu, bớt nhức các bắp thịt, giảm nóng sốt lúc ta bị cảm, trong lúc chờ cơn cảm đi qua. Tylenol cũng là thuốc giảm đau rất tốt nếu ta dùng đúng lượng: đến 2 viên 500 mg bốn lần một ngày, hoặc 2 viên 650 mg ba lần một ngày. Sao mà nhiều quá vậy? Không sao, với người không mang bệnh gan, đây là lượng Tylenol đủ để giảm đau, song không làm gan tổn thương (Tylenol làm hại gan, nếu dùng quá lượng).
2. Hạ thấp áp huyết:
Ở các vị cao niên, nhiều thuốc dùng có thể làm áp huyết hạ thấp gây chóng mặt, xỉu, té ngã, ... Điển hình nhất là các thuốc trị cao áp huyết. Các vị cao niên, khi phải dùng các thuốc này, bao giờ bác sĩ cũng áp dụng nguyên tắc "khởi đầu chậm chậm với lượng thấp" (go slowly with low dose). Xin chớ nghĩ rằng: "bác sĩ dùng thuốc yếu", rồi tự ý tăng lượng thuốc nếu không có ý kiến của bác sĩ.
Nhiều thuốc khác như các thuốc trị bệnh sầu buồn (antidepressants), thuốc ngủ, cũng làm áp huyết xuống thấp, không nên dùng quá lượng chỉ dẫn của bác sĩ. Nói chung, đối với những thuốc cần có toa bác sĩ mới mua được, ta nên dùng với sự thận trọng, dưới sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ, nếu có phản ứng gì lạ, ta cho bác sĩ biết ngay. Không nên đưa thuốc cho người khác dùng, tốt bạn biết đâu hại bạn.
3. Chảy máu:
Bạn cũng đã biết, các "thuốc chống viêm không có chất steroid" (như Advil, Motrin, Naprosyn, Feldene, ...), là những thuốc chống đau tốt, nhưng có thể làm chảy máu bao tử. Nhất là khi thận bị suy, không thải được thuốc ra ngoài như bình thường. Aspirin lắm lúc cũng làm chảy máu bao tử. Nhiều người cần dùng Aspirin 1 viên mỗi ngày, với mục đích ngăn ngừa tai biến mạch máu não (stroke) hoặc chết cơ tim cấp tính (heart attack) ở những người đã từng bị tai biến mạch máu não, hoặc có bệnh tim thiếu máu nuôi do các động mạch tim bị hẹp tắc (về cơ chế tại sao Aspirin lại làm được công việc này, các bác sĩ hay giải thích nôm na cho dễ hiểu: ồ, nó làm "loãng" máu). Khi đang phải dùng Aspirin vào mục đích này, không nên dùng quá 1 viên mỗi ngày, và nếu có đau nhức, không nên dùng thêm các thuốc Advil, Motrin, Naprosyn, Feldene, ... để giảm đau, vì con đường phải vào nhà thương do chảy máu bao tử sẽ gần hơn nhiều lắm. Thuốc để giảm đau, trong trường hợp này, tốt nhất vẫn là Tylenol.
4. Tăng nguy cơ bệnh tim mạch:
Gần đây, vụ thuốc Vioxx khiến chúng ta sửng sốt: Vioxx chữa đau nhức giúp bao người, ra đời mới mấy năm, hãng sản xuất Merck đột ngột tuyên bố khai tử, từ nay nó sẽ không còn bóng dáng trên thị trường nữa, vì đã có bằng chứng cho thấy Vioxx tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Bây giờ, người ta đâm ra nghi ngờ luôn Bextra, một thuốc tương tự Vioxx, cả Celebrex và Naproxen, hai thuốc chống đau nhức nổi danh nhiều năm nay, biết đâu cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Thuốc, tri giác,
và tình cảm
(medications, mental status, and mood)

Ngoài những vấn đề nghiêm trọng kể trên, có lẽ hai biến chứng phiền phức nhất gây do thuốc ở người có tuổi là làm giảm khả năng phán đoán và tạo sầu buồn. Đây là những biến chứng khó khám phá, nếu tri giác người bệnh đã không được minh mẫn từ trước, hoặc người bệnh đang mang sẵn bệnh tâm thần.
- Tri giác kém sáng suốt:
Thuốc dùng, sự nhiễm trùng, và các xáo trộn biến dưỡng (metabolic disturbance) trong cơ thể là 3 nguyên nhân hay làm người bệnh có tuổi kém sáng suốt. Nếu người bệnh kém sáng suốt khi dùng thuốc, giảm lượng thuốc, tri giác người bệnh có thể sẽ khá hơn.
Rất nhiều thuốc có tác dụng gọi là anticholinergic, trong có cả những thuốc thông dụng như Benadryl, Atarax (hay được dùng để chữa ngứa, dị ứng) có thể làm tri giác các vị cao niên thay đổi, ngoài những phản ứng bất lợi khác như gây bón, khô miệng, bí tiểu, ... Những thuốc an thần vang bóng một thời như Valium, Librium, do tác dụng kéo dài (vẫn lẩn quẩn trong cơ thể nhiều ngày, sau khi thuốc đã được ngưng) hay làm người có tuổi kém sáng suốt, đi như trong mơ, rồi ngã té, gãy xương hông (người có tuổi, khi ngã té hay gãy xương hông). Các thuốc này nay không còn được dùng nhiều như trước. Thuốc an thần hay thuốc ngủ có tác dụng ngắn hạn, không ở lâu trong cơ thể, được các bác sĩ chăm sóc cho các vị có tuổi ưa chuộng hơn, vì ít gây nguy hiểm cho người có tuổi. Nếu thuốc có gây biến chứng, biến chứng cũng mau hết, do thuốc chóng ra khỏi cơ thể.
Một thuốc rất hay được dùng để chữa các bệnh bao tử, Tagamet, có khi tác dụng trên óc gây hoảng loạn (delirium), hoặc làm người bệnh đã lẫn sẵn (dementia), càng lẫn thêm. Các thuốc bao tử khác như Axid, Pepcid, Zantac, ... ít có tác dụng trên óc, nên tốt hơn Tagamet, trường hợp phải dùng đến loại thuốc này cho người có tuổi bị lẫn.
Thuốc tim Digoxin (Lanoxin) cũng làm tri giác người có tuổi thay đổi. Digoxin là một trong những thuốc hay được dùng mà không có chỉ định rõ ràng.
- Sầu buồn:
Rất nhiều thuốc dùng có thể gây sầu buồn. Những thuốc chữa cao áp huyết nổi tiếng gây sầu buồn là Aldomet, Reserpine, Clonidine. Thuốc nhỏ mắt Timoptic dùng chữa bệnh cao áp suất trong mắt (glaucoma) gây sầu buồn cho người có tuổi, nếu dùng với lượng cao hơn bình thường. Đi khám bác sĩ, xin các vị nhớ đem theo cả thuốc nhỏ mắt để bác sĩ xem xét.
Gia đình người bệnh có thể giúp bác sĩ rất nhiều, bằng cách cho bác sĩ biết khi nào một thuốc mới vừa được dùng, và triệu chứng buồn sầu của người bệnh có xảy ra sau khi thuốc mới được dùng hay không. Ngoài ra, cần để ý một điều cũng rất lý thú và quan trọng: một thuốc dù được dùng đã lâu chẳng sao, nhưng nay các biến chứng mới xuất hiện, vì giờ đây người bệnh đã nhiều tuổi hơn, cơ thể suy yếu hơn, không còn chịu đựng thuốc dễ dàng như trước.
Chín người mười ý. Có người không thích dùng thuốc, có người mê dùng thuốc, nhất là nếu thuốc "free", không phải bỏ tiền mua. Xin nhớ, thuốc men như dao nhiều lưỡi, việc dùng thuốc, đặc biệt cho các vị cao niên, rất nên thận trọng. Ta chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết, những thuốc đã được khoa học chứng minh là có tác dụng trị liệu, và đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Xin tránh dùng thuốc theo lời đồn đãi, tránh cho người thân dùng thử những thuốc cần có toa bác sĩ mới mua được.
Một tinh thần lạc quan lắm lúc giúp ta bớt phải dùng các thuốc giảm đau. Các cụ bảo: "Cười là liều thuốc bổ". Nhiều trường hợp, cười cũng là liều thuốc giảm đau tốt, không gây các phản ứng bất lợi cho cơ thể, không tốn tiền mua. Cười còn có tác dụng lây truyền, ta cười, mọi người cùng cười, tất cả đều vui.
:alert: