PDA

View Full Version : Dinh Dưỡng Với Bệnh Tim Mạch - Nguyễn Ý Đức, Bác Sĩ



delta
02-05-2008, 12:26 PM
Dinh Dưỡng Với Bệnh Tim Mạch

Nguyễn Ý Đức, Bác Sĩ

Bộ máy tuần hoàn gồm trái tim và một hệ thống những mạch máu dăng mắc khắp hang cùng ngõ hẻm của cơ thể. Đây là bộ phận tiếp tế các chất dinh dưỡng thiết yếu cho mọi hoạt động của con người. Một gián đoạn, một trục trặc dù nhỏ của hệ thống này sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho tim và mạch máu mà kết quả là đưa tới các bệnh tim mạch cũng như nhiều ảnh hưởng không tốt khác cho sức khỏe.

Tại nhiều quốc gia, bệnh tim -mạch vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Bệnh Động Mạch Vành, Cơn suy tim (heart attack), Tai Biến Động Mạch Não (stroke) và Cao Huyết Áp, bệnh Thấp-Tim ( Rheumatic heart disease) là những bệnh thường thấy và đều đưa tới hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều nguy cơ có thể đưa tới bệnh tim mạch.

Có nguy cơ mà con người không thay đổi được như tuổi tác, giống tính, chủng tộc, di truyền. Nhưng cũng có những nguy cơ mà ta có thể kiểm soát được như nếp sống cá nhân, béo phì, thuốc lá, nhất là cách thức dinh dưỡng ăn uống. Các bệnh tim mạch không phải sẩy ra trong đầu hôm sớm mai mà từ từ xuất hiện.

Bệnh tim mạch thường xẩy ra khi cholesterol trong máu lên cao; khi thân nhân có tiền sử bệnh tim; khi có dấu hiệu đau thắt tim; khi có nguy cơ bệnh tiểu đườngvà khi quá mập phì.

Bệnh có liên hệ tới dinh dưỡng là Bệnh Động Mạch Vành với Vữa Xơ Động Mạch ( atherosclerosis) và bệnh Cao Huyết Aùp.

Hôm nay, Lang tôi xin cùng quý hữu tìm hiểu về bệnh Động Mạch Vành.



Bệnh động mạch vành ( Coronary Heart disease) .

Động mạch vành là những mạch máu chạy quanh trái tim để nuôi cơ quan này.

Sau mỗi nhịp tim đập thì máu được đưa đi nuôi khắp cơ thể qua đại động mạch.

Riêng tim thì máu được chuyển trực tiếp vào động mạch vành. Các động mạch này gồm hai nhánh bao chung quanh trái tim như một cái vương miện.

Nếu một trong những phân nhánh bị nghẹt thì tế bào tim ở vùng đó thiếu dinh dưỡng, thiếu dưỡng khí. Đó là sự thiếu máu cục bộ cơ tim (myocardial ischemia) và người bệnh sẽ có những cơn đau thắt tim (angina pectoris).

Nếu động mạch bị nghẽn vĩnh viễn thì cơn suy tim sẽ xẩy ra vì Nhồi máu cơ tim ( myocardial infarction) và tế bào tim bị tiêu hủy.

Những rủi ro đưa tới Bệnh động mạch vành

Tại sao lại có sự tắc nghẽn động mạch này?

Trong đa số các trường hợp, có những mảng chất béo dần dần đóng lên tế bào hư hao ở thành động mạch, khiến cho lòng mạch máu thu hẹp rồi mươi năm sau, máu lưu thông bị tắc hẳn. Đó là hiện tượng Vữa Xơ Động Mạch ( Atherosclerosis).

Vữa Xơ không phải sẩy ra bất thình lình mà từ từ diễn tiến cả chục năm. Đôi khi tắc nghẽn bắt đầu ngay từ khi còn trẻ, nhưng chưa đủ trầm trọng để đưa tới bệnh tim ở tuổi trung niên.

Vữa xơ là nguyên nhân chính của cơn suy tim, tai biến động mạch não, hoại thư (gangrene) đầu ngón chân, ngón tay. Các mạch máu dễ bị vữa xơ nhất là động mạch chủ nơi bụng ( abdominal aorta), động mạch vành và động mạch não.

Nguyên nhân của Vữa Xơ Động Mạch chưa được xác định nhưng theo kết quả nhiều nghiên cứu thì chất béo trong máu và các yếu tố sau đây là những nguy cơ:

a-Tuổi tác.

Quá bán trường hợp bệnh động mạch vành xẩy ra ở người trên 65 tuổi nên nguy cơ bệnh tim tăng theo số tuổi.

b-Giới tính.

Theo thống kê thì đàn ông trên 45 tuổi thường bị bệnh tim mạch nhiều hơn đàn bà, nhưng sau tuổi tắt kinh của nữ giới thì tỷ lệ gần bằng nhau. Nam giới thường có lượng cholesterol LDL cao hơn và HDL thấp hơn, một phần do tác dụng của kích thích tố nam Testosterone. Còn nữ giới thì một phần được sự bao che của kích thích tố nữ estrogen, làm giảm chất béo LDL. Khi quý bà ïhết kinh, không còn kích thích tố nữ thì LDL nhích lên cao.

c- Di truyền.

Vữa xơ động mạch đôi khi thấy ở nhiều người trong gia đình, nhất là khi bố mẹ hoặc anh chị em bị bệnh.

đ- Chủng tộc.

Dân Á châu ít bị vữa xơ động mạch và cơn suy tim hơn dân Âu Mỹ; người Mỹ gốc Phi châu lại hay bị bệnh tim vì bị cao huyết áp nhiều hơn.

e- Thuốc lá.

Nicotine trong thuốc là làm tăng huyết áp và nhịp tim, làm máu dễ đóng cục, làm giảm HDL, tăng LDL, tất cả đều có thể đưa tới bệnh tim mạch. Nicotine là một trong nhiều yếu tố khởi sự hư hao tế bào động mạch, đưa đến vữa xơ mạch máu này. Hít thở khói thuốc lá dư cũng đều có hại. Ngưng thuốc lá làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch trong một tỷ lệ đáng kể.

g- Béo phì.

Thống kê cho hay người mập phì hay bị cao huyết áp, bệnh tim, cao cholesterol và do đó thường bị suy tim.

h- Cao huyết áp.

Huyết áp càng cao thì nguy cơ suy tim và vữa xơ động mạch càng tăng, nhất là người đó lại hút thuốc lá, béo phì. Aùp suất lên cao làm yếu thành mạch máu, đưa tới hư hao và đóng bựa chất béo và các hóa chất khác.

i-Bệnh tiểu đường.

Người bị bệnh tiểu đường thường có nhiều nguy cơ bị các bệnh tim mạch như cơn suy tim, cao huyết áp, chất béo HDL thấp và triglyceride cao.

k- Không vận động cơ thể-

Người không vận động có nguy cơ bị bệnh Động Mạch Vành nhiều gấp đôi người năng vận động. Sự vận động làm giảm sự hóa vữa xơ, tăng máu lưu thông tới tim, tăng HDL, giảm béo phì, giảm cao huyết áp.

l-Cao cholesterol.

Vai trò của cholesterol trong bệnh tim mạch đã được nghiên cứu sâu rộng trong những thập niên qua với nhiều dẫn chứng khoa học về vấn đề này.

Mức cholesterol trong máu lên tới 240mg/dl là nguy cơ lớn đưa tới vữa xơ động mạch rồi cơn suy tim và tai biến động mạch não. Nguy cơ càng cao khi cholesterol càng nhiều trong máu.

Ngoài tổng lượng cholesterol, các thành phần của chất béo này cũng quan trọng. Đó là các cholesterol LDL (low density lipoprotein), HDL (hight density lipoprotein), Triglyceride.

Protein là chất cõng mang lipid nên hỗn hợp đó gọi là lipoprotein. Density là tùy theo tỷ lệ protein/lipid: khi nhiều protein thì là HDL, ít protein là LDL.

Trong tổng lượng cholesterol thì từ 60-70% là LDL, 20-30% là HDL, 10-15% là VLDL. Cholesterol ở mức độ dưới 200mg/dl là lý tưởng; 200-239 còn tạm chấp nhận được, chứ lên trên 240 thì rõ ràng là cao và là nguy cơ xấu.

LDH thường được coi như không thân thiện lắm vì nó là thành phần gây nhiều rắc rối cho hệ tim mạch. Cholesterol này đưa chất béo trong thực phẩm vào các tế bào. Khi tế bào hết chỗ chứa thì chất béo đóng vào lòng động mạch, lâu dần đưa tới vữa xơ, tắc nghẽn. Mức độ lý tưởng của LDL trong máu là dưới 130mg/dl; 130-159 mg/dl là bắt đầu có vấn đề; mà lên tới trên 160mg/dl là nguy hiểm.

HDL đưa chất béo vào dự trữ trong gan nên lượng chất béo trong máu chỉ đủ dùng, không có dư để đóng vào thành động mạch. HDL trong máu mà bằng hoặc cao hơn 35mg/dl là tốt lắm. Người nào mà HDL trên 60mg/dl thì an toàn.

Bình thường, cơ thể sản xuất đủ số cholesterol mà ta cần. Cholesterol đo trong máu có tới 85% là do cơ thể tạo ra; phần còn lại 15% là do thực phẩm mang vào.

Thành ra cholesterol đã có trong máu có thể lên cao nếu ta tiêu thụ nhiều cholesterol và các chất béo bão hòa. Hậu quả là sự đóng mảng trong động mạch. Khi nghẹt động mạch vành, ta bị cơn suy tim (Heart attack). Khi một mảng chất béo ở động mạch nào đó chạy lên não thì gây ra tai biến động mạch não (Stroke ).

Dinh dưỡng với Bệnh Động Mạch Vành

Vì những nguy cơ đó, việc giới hạn tiêu thụ chất béo cholesterol là điều cần thiết và liên hệ tới sự ăn uống, dinh dưỡng. Ta có thể hạn chế như sau:

1- Lựa thực phẩm có ít chất béo.

Nguy cơ mắc bệnh tim giảm trông thấy khi ta bớt tiêu thụ chất béo các loại tới 30% tổng số Calories trong ngày. Nên nhớ là chỉ giảm chất béo tới mức vừa phải với tình trạng sức khỏe của mình, vì thiếu chất béo cũng bất lợi như quá nhiều. Ăn theo chế độ dinh dưỡng của dân chúng vùng Địa Trung Hải với nhiều dầu olive, cá, các loại hạt thấy cũng tốt.

2- Ăn thực phẩm có ít chất béo bão hòa.

Chất béo này làm tăng cholesterol, LDL và triglyceride. Chỉ nên ăn chất béo này vào khoảng 1/3 tổng số chất béo. Béo bão hòa có nhiều trong mỡ động vật, trong kem, bơ, pho mát.

3- Ăn thực phẩm có ít cholesterol.

Cholesterol không có trong thực vật, mà có nhiều trong thực phẩm từ động vật. Cholesterol của thức ăn có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu. Lòng đỏ trứng, gan động vật có ít chất béo bão hòa nhưng lại có nhiều cholesterol. Lòng trắng trứng, rau trái không có cholesterol. Có thể ăn lòng trắng trứng hoặc trứng thay thế (eggs substitutes) nhiều lần vì đây là nguồn chất đạm khá cao. Nếu không có bệnh tim, ta có thể ăn ba lòng đỏ trứng một tuần.

4- Tránh hoặc giảm thiểu dùng dầu cọ, dầu dừa vì có nhiều chất béo bão hòa. Dầu này thường được dùng rất nhiều trong việc làm bánh, kẹo.

5- Dùng nhiều chất béo bất bão hòa hơn .

Dầu olive, canola có nhiều chất béo đơn bất bão hòa. Dầu ngô, safflowers có nhiều chất béo đa bất bão hòa. Ngoài công dụng ăn uống, các dầu này cũng làm giảm giảm cholesterol và tăng HDL trong máu

6- Ăn nhiều cá như cá hồi (Salmon), cá Lam (Bluefish), cá thu (Mackerel), cá ngừ (Tuna), cá trích (Herring), cá Sardine vì các cá này có nhiều dầu Omega-3. Chất béo này được coi như có khả năng hạ mức triglyceride, làm chậm sự đóng cục máu, ngừa nhịp tim bất thường, tăng cường tính miễn nhiễm, giúp mắt và não phát triển tốt hơn. Omega-3 fatty acid còn có trong hạt và dầu quả óc chó (walnut), dầu hạt lanh (flaxseed).

Còn về viên dầu cá thì chỉ dùng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế để tránh tương tác với các dược phẩm khác đang dùng.

7- Tăng tiêu thụ thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan trong nước và tinh bột để thay thế cho thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa. Các thực phẩm này cũng giảm cholesterol và chất béo bão hòa trong máu, lại có ít calories và có nhiều sinh tố, khoáng chất. Ngũ cốc, rau trái, các loại hạt đều thuộc vào nhóm thực phẩm này,

8- Động vật có vỏ như tôm, cua, sò, hến không có nhiều cholesterol, nên có thể ăn dăm lần trong tháng.

Ngoài ra, để bớt cholesterol, ta nên duy trì một chương trình vận động cơ thể đều đặn, giữ cơ thể ở sức nặng thích hợp với tuổi tác đồng thời cũng nên giới hạn rượu các loại.

Với lượng tiêu thụ cao, rượu kích thích gan sản xuất nhiều triglyceride. Có ý kiến cho là khi uống vừa phải, rượu có thể làm tăng HDL, nhưng ở nhiều người, dù uống vừa phải cũng có thể đưa đến nguy cơ tai biến động mạch não.

Người béo phì thường có cholesterol trong máu cao hơn người không mập. Uống nhiều cà phê (dăm ly một ngày) cũng có thể làm tăng cholesterol trong máu.

Vận động cơ thể làm tăng HDL, giảm LDL đồng thời cũng giúp giảm mập phì, hạ huyết áp, làm tim mạch mạnh hơn và làm tinh thần thư giãn. Tất cả đều có tác dụng tốt cho hệ thống tim-mạch máu.

Về dược phẩm làm hạ cholesterol thì trong mấy thập niên vừa qua, đã có nhiều tiến bộ trong việc bào chế các dược phẩm có thể hạ cholesterol tới 40%. Tuy nhiên, theo số đông các chuyên gia y tế, dược phẩm nên dành cho trường hợp cholesterol lên rất cao, sau khi không thành công với các phương tiện khác như dinh dưỡng, vận động cơ thể, thay đổi nếp sống. Cần được dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi phân lượng, tác dụng phụ, và nên dùng dược phẩm đã có bảo đảm an toàn. Không nên dùng dược phẩm để thay thế cho tiết chế ăn uống cũng như các phương tiện khác.

Kết luận.

Kiểm soát cholesterol là việc làm lâu dài, cần kiên nhẫn với các phương pháp được nhiều chuyên gia công nhận. Nên dè dặt với những giới thiệu, quảng cáo chữa khỏi hoàn toàn mà không cần thuốc hoặc một chế độ ăn uống nhiều chất này, bỏ chất kia.

Dinh dưỡng trong bệnh tật cũng như trong sức khỏe cần sự đa dạng, vừa phải, phối hợp của nhiều thực phẩm khác nhau.

Thực hiện được như vậy là ta đã tránh được hiểm họa mắc phải nhiều bệnh , trong đó có Thiếu Máu Cơ Tim vì bệnh Động Mạch Vành.



Bác Sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

:idea: