PDA

View Full Version : Tuyến Giáp Trạng...! (Thyroid) - Nguyễn Văn Đức, Bác Sĩ



delta
02-05-2008, 11:41 AM
Các Bệnh về Tuyến Giáp Trạng...! (Thyroid)

Nguyễn Văn Đức, Bác Sĩ


Chân thành cảm tạ BS Nguyễn Văn Đức đã viết một bài khá đầy đủ cho các chi tiết về các bệnh tình quan trọng mà có liên lụy đế Tuyến Giáp Trạng! LT


CÁC BỆNH TUYẾN GIÁP TRẠNG (Thyroid diseases)
Bác sĩ Nguyễn Văn Ðức

Tuyến giáp trạng? Là cái gì nhỉ, nó ở đâu?

Tuyến giáp trạng quan trọng, điều khiển mọi hoạt động của cơ thể, nhưng lạ, không mấy người Việt ta biết đến nó. Lỗi tại các bác sĩ ít chịu nhắc tới tên nó. Nó có gây rắc rối gì, bác sĩ cứ gọi bừa các bệnh của nó là “bệnh bướu cổ”, chúng ta bùi tai gọi theo. Tên bệnh này thực không chính xác.

“Bướu” là tiếng dùng chỉ bất cứ cái chi to lên bất thường, nhưng trong một số bệnh của tuyến giáp trạng, nó chẳng to lên tí nào. Ta nên dùng những tên bệnh đúng để bác sĩ nào cũng hiểu ta muốn nói gì: bệnh cường tuyến giáp trạng (tuyến giáp trạng làm việc mạnh quá), bệnh suy tuyến giáp trạng (tuyến giáp trạng làm việc yếu quá), bướu lành tuyến giáp trạng, ung thư tuyến giáp trạng.

Giáp trạng (thyroid) là một tuyến bé hình móng ngựa, nằm ở trước cổ, ngay phía dưới cục xương lộ ra. Tuyến đóng vai trò trong mọi công việc biến dưỡng của cơ thể.

Tuyến giáp trạng tiết ra kích thích tố thyroxine, một chất đa năng, thường được gọi tắt T4. Nó điều khiển sự biến dưỡng của các cơ quan, thúc đẩy sự làm việc của mọi tế bào, kiểm soát sự sử dụng năng lượng, cung cấp các chất cần cho sự hoạt động của tế bào. Nó còn ảnh hưởng đến sự trưởng thành của tất cả các tế bào.

Trên óc ta, có một tuyến nhỏ khác quan trọng không kém, gọi là tuyến não thùy (pituitary gland). Tuyến não thùy tiết ra những chất đặc biệt, có tác dụng kích thích các tuyến dưới quyền: giáp trạng, thượng thận (adrenal glands), buồng trứng (ovaries), dịch hoàn (testicles), ... Trong những chất đặc biệt này, có chất TSH (thyroid stimulating hormone), thúc đẩy tuyến giáp trạng làm việc để tiết đủ T4 cho cơ thể. Khi nào chàng giáp trạng lười, không tiết đủ T4, ông não thùy lại tiết thêm TSH, sai TSH đến nhắc nhở chàng: ”Tại Sao Hư, không làm việc?”. Khi chàng chăm chỉ tạo đủ lượng T4 cần thiết, ông não thùy hài lòng, tiết ít TSH đi. Nhờ sự tận tụy của tuyến não thùy, dòm chừng và thúc đẩy tuyến giáp trạng, cơ thể ta luôn có đủ T4 để hoạt động, và khi thử máu, ta thấy cả T4 lẫn TSH đều bình thường, không tăng cao hay xuống thấp. Tuyến não thùy cũng điều động các tuyến quan trọng khác của cơ thể ta với cơ chế tương tự.

Càng có tuổi ta càng dễ bị bệnh tuyến giáp trạng. Các bệnh của tuyến giáp trạng rắc rối lắm, chỉ xin kể ở đây 4 loại bệnh tuyến giáp trạng chính.



Cường tuyến giáp trạng (hyperthyroidism)

Cường tuyến giáp trạng hay xảy ra. Tự nhiên tuyến tiết ra quá nhiều chất T4, làm bộ máy cơ thể ta chạy nhanh bất thường. Máy chạy nhanh, tỏa nhiều nhiệt, nên người lúc nào cũng nóng nảy, chịu nóng kém (heat intolerance), toát mồ hôi, tinh thần căng thẳng, mất ngủ, tính tình thất thường, lúc nóng lúc nguội, tay chân run rẩy. Ta ăn nhiều mà vẫn xuống cân, yếu mệt, tim đập nhanh nên hồi hộp, khó thở, và bị tiêu chảy, kinh ra ít. Có khi, mắt thành to, lộ.

Ở người lớn tuổi, triệu chứng thường mơ hồ: xuống cân, yếu mệt, buồn sầu, ... Có khi những triệu chứng về tim lại nhiều hơn: tim đập thất nhịp, suy tim, đau ngực, ... Bệnh tuyến giáp trạng xảy ra khá thường ở các vị lớn tuổi, triệu chứng hay mơ hồ, nên khi các cụ có bất cứ triệu chứng nào khác lạ, nếu cần thử máu để tìm hiểu vấn đề, thường bác sĩ cũng cho thử cả T4 và TSH.

Sự định bệnh dựa vào triệu chứng của người bệnh, sự thăm khám (khám thấy tuyến giáp trạng có thể phình to, có thể không), thử nghiệm đo các chất T4, TSH trong máu, và nếu cần, làm thyroid scan (phim chụp đặc biệt, cho thấy tuyến giáp trạng hấp thụ chất Iodine phóng xạ nhiều hơn bình thường).

Chữa trị bệnh cường tuyến giáp trạng có nhiều cách:

- Dùng thuốc uống: thuốc có tác dụng ngăn cản sự tiết chất T4 trong tuyến giáp trạng. Thời gian dùng thuốc kéo dài 1-2 năm. Sau thời gian chữa trị, 1/3 đến một nửa số người dùng thuốc sẽ khỏi bệnh, số còn lại tái phát, thường trong vòng 6 tháng sau khi ngưng thuốc.

- Uống chất phóng xạ Iodine: cách chữa này thường dùng cho các vị lớn tuổi, hoặc người trẻ đã chữa bằng thuốc uống nhưng nay tái phát. Chất phóng xạ Iodine ngăn sự tổng hợp chất T4 trong tuyến giáp trạng, đồng thời làm các tế bào của tuyến không thể sản sinh như bình thường. Cách chữa này giản dị, hiệu quả, song không dùng được cho người đang mang thai.

Thường sau khi trị với chất phóng xạ Iodine, tuyến giáp trạng sẽ trở thành suy, lúc đó lại cần chữa với chất T4 đến suốt đời.

- Giải phẫu cắt một phần tuyến giáp trạng (subtotal thyroidectomy) : cách chữa này có thể gây những biến chứng do giải phẫu, nên chỉ dùng cho những người uống thuốc không hiệu quả, nhưng ngại ngùng, không muốn chữa bằng chất phóng xạ Iodine.

Chữa cách nào đi nữa, lành bệnh, người bệnh cũng vẫn cần được theo dõi đều đặn, đến suốt đời, vì bệnh có thể trở lại, hoặc sau một thời gian, tuyến giáp trạng lại thành suy.


Suy tuyến giáp trạng (hypothyroidism)

Tuyến giáp trạng suy, không tiết đủ T4. Mặc cho tuyến não thùy có tiết ra thật nhiều TSH, ngày đêm đến thét vào tai nó: “Tại Sao Hư, không làm việc?”, nó vẫn ỳ ra. Khi thử máu, ta sẽ thấy T4 thấp, và TSH tăng cao.

Thường suy giáp trạng là bệnh tự nhiên xảy ra. Cũng có khi, nó yếu đi là vì trước kia nó hoạt động mạnh quá, bác sĩ đốt nó bằng chất phóng xạ Iodine hay mổ cắt một phần thân thể nó. Nó không tiết đủ T4, khiến bộ máy cơ thể như chiếc xe lửa chạy than, mà than sắp cạn, xe ì ạch chạy chậm lại.

Triệu chứng bệnh suy giáp trạng thường mơ hồ, khởi đầu từ từ. Người bệnh mệt mỏi, kém chịu lạnh, hay buồn ngủ, hay quên, táo bón, chảy máu tử cung bất thường, nhức mỏi bắp thịt, khan tiếng. Da người bệnh khô, mặt và mắt trông hơi phù, bủng. Vài tháng sau, mọi hoạt động thể xác và tinh thần chậm hẳn lại, người bệnh ăn kém ngon, song lên cân. Tóc khô, rụng. Có trường hợp suy tuyến giáp trạng gây hôn mê thình lình.

Sự định bệnh dựa vào các triệu chứng của người bệnh, thăm khám (khi thăm khám, thấy tuyến giáp trạng có thể to lên, có thể không), và thử máu đo các chất T4, TSH.

Chữa trị suy giáp trạng không khó, bằng chất thyroxine nhân tạo, ngày một viên. Triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm trong vòng vài tuần, người bệnh dần dần trở lại bình thường như xưa. Sự chữa trị kéo dài suốt đời.




Bướu lành tuyến giáp trạng (thyroid goiter)

Ðây là loại bệnh tuyến giáp trạng xảy ra nhiều nhất. Tuyến giáp trạng to lên hoặc nổi cục, song không cường mà cũng chẳng suy, vẫn làm việc bình thường. Thử máu, thấy lượng T4 và TSH bình thường, không cao, chẳng thấp.

Thỉnh thoảng, có tuyến giáp trạng cứ tiếp tục lớn thêm hoài, cho tới lúc nó lớn đủ để đè ép các cơ quan chung quanh khiến người bệnh cảm thấy khó chịu ở cổ, khó thở, khó nuốt, hay ho.

Tuyến giáp trạng có thể to lên theo 3 kiểu:

- Cả tuyến giáp trạng cùng lớn (diffuse goiter):

Tuyến to đều, không đau, sờ không thấy từng cục lổn nhổn. Nếu tuyến chỉ hơi to, và không gây triệu chứng bất thường, ta không cần chữa trị, nhưng theo dõi, xem tuyến có tiếp tục lớn thêm, hoặc bạn có thêm triệu chứng gì khác lạ.

Ðối với những tuyến lớn nhiều mất đẹp, hoặc gây triệu chứng đè ép khiến bạn khó chịu, khó thở, ho, bác sĩ sẽ thử cho bạn uống thuốc thyroxine nhân tạo để làm tuyến nhỏ lại. Thường tuyến sẽ nhỏ lại trong vòng 3 đến 6 tháng nếu bạn dùng thuốc đều. Có khi ta phải dùng thuốc trong một thời gian dài hoặc suốt đời để tuyến không lớn lên lại.

Nếu dùng thuốc không đưa đến kết quả tốt, không làm cho tuyến nhỏ đi được, vẫn đè ép các cơ quan lân cận, ta cũng chẳng nên tiếc, giao tuyến cho bàn tay khéo léo của bác sĩ giải phẫu. Bác sĩ giải phẫu sẽ cắt bỏ phần lớn tuyến (subtotal thyroidectomy), chỉ chừa lại một phần nhỏ để bạn vẫn còn chất thyroxine do phần tuyến còn lại này tiết ra.

- Tuyến to kiểu lổn nhổn (multinodular goiter):

Khi thăm khám, thấy tuyến có nhiều khối lổn nhổn, to nhỏ khác nhau. Ða số người bệnh không có triệu chứng, và không cần chữa trị. Có người, về lâu về dài, bị cường tuyến giáp trạng, vì tuyến tự nhiên dở chứng, tiết ra nhiều T4. Thỉnh thoảng, vì to lớn kềnh càng, tuyến chèn ép các cơ quanh chung quanh gây khó thở hay khó nuốt.

Khác với trường hợp tuyến to đều kể trên (diffuse goiter), thường nhỏ lại trong vòng 3-6 tháng với sự chữa trị bằng thuốc thyroxine, các tuyến to kiểu lổn nhổn cứng đầu hơn. Thuốc thyroxine chỉ làm được 1/3 bọn chúng nhỏ lại. Số còn lại tuy không nhỏ bớt, nhưng ít nhất với sự dùng thuốc, chúng không lớn hơn nữa.

- Tuyến to chỉ một chỗ (thyroid nodule):

Cả tuyến giáp trạng bình thường, chỉ có một chỗ to tròn lên. A, đây mới là chỗ chúng ta lo ngại. Vì đa số các anh chàng “to lên chỉ một cục” kiểu này hiền lành (benign), nhưng thỉnh thoảng cũng có anh chàng thuộc loại độc (malignant), ung thư. Lại càng nên nghi ngờ, nếu người bệnh có người trong gia đình bị ung thư tuyến giáp trạng, hay ngày trước, khi còn bé, người bệnh có bệnh nào đó, được chữa trị bằng cách chiếu điện (radiation) vào vùng đầu, cổ. Hoặc khi thăm khám, thấy ở cổ quanh tuyến, có những hạch khả nghi [đặc tính của ung thư là bò đi chỗ khác, nên có thể bò đến một hạch bạch huyết (lymph node) gần đó]. Ðây là những yếu tố khiến chúng ta tăng cảnh giác.

Chọc một kim nhỏ vào trong cục u, lấy ra một ít thịt đem thử, có thể phân biệt được cục u lành hay độc. Ðộc thì đem cắt bỏ, lành để đấy, lâu lâu xem xét lại, xem nó có tiếp tục lớn lên, hay có bắt đầu dở chứng, gây triệu chứng gì bất thường.

Dù là nó lành, nhưng bạn vẫn nóng lòng, muốn cục u giáp trạng phải nhỏ đi, biến mất? Bác sĩ có thể chiều bạn, thử dùng thuốc thyroxine nhân tạo một thời gian, xem nó có chịu nhỏ đi không. May thì nó nhỏ lại, thường thì nó cứng đầu và không chịu nghe lời bác sĩ. Trường hợp này, ta cứ để nó đấy theo dõi, nếu nó tiếp tục lớn lên, hoặc có hành vi gì bất thường, ta sẽ đâm kim thử thịt lại, và có khi mổ, cắt bỏ đi cho chắc ăn.




Ung thư tuyến giáp trạng (thyroid cancer)

Ung thư tuyến giáp trạng thường xuất hiện dưới hình thức một cục tự nhiên nổi u lên trong tuyến giáp trạng. Bạn biết rồi, cục u này có khi khó phân biệt với một cục u lành. Anh chàng này khả nghi nếu dở chứng lớn vọt lên thời gian gần đây. Nhất là lại có những hạch nổi lên bất thường quanh đấy.

Ung thư tuyến giáp trạng có nhiều loại khác nhau, cần những cách chữa trị khác biệt. Bạn cũng biết rồi, cách tốt nhất là... đâm kim xin chàng tí thịt đem thử. Nếu chàng đích thị là ung thư, ta sẽ tùy chàng là loại ung thư nào mà xử trí: mổ cắt, chạy điện, hay chữa bằng thuốc chống ung thư.


Kể bệnh

Bệnh như người, mỗi đứa chúng đều có tên riêng đàng hoàng, chúng ta nói đúng tên nó, ai cũng hiểu.

Khi bạn đi khám bác sĩ (nhất là bác sĩ Mỹ dốt tiếng Việt), thay vì nói có bệnh “bướu cổ”, bạn nên nói bạn bị (hay nghĩ là có thể bị) bệnh tuyến giáp trạng (thyroid disease), bác sĩ sẽ hiểu hơn. Càng quí, nếu bạn có thể khai được chính xác: “Tôi bị bệnh cường tuyến giáp trạng (hyperthyroidism), suy tuyến giáp trạng (hypothyroidism), bướu lành tuyến giáp trạng (thyroid goiter), hay... ung thư tuyến giáp trạng (thyroid cancer)”. Rồi khi kể bệnh, bạn trình bày mạch lạc, theo thứ tự thời gian, và chú trọng kể các triệu chứng sau:

· Bạn có thấy tuyến giáp trạng của bạn lớn hơn bình thường? Nếu có, từ bao lâu?

· Bạn có những triệu chứng bất thường hay không: kém chịu nóng, hay toát mồ hôi, tinh thần căng thẳng, mất ngủ, tính tình thất thường, tay chân run rẩy, ăn nhiều mà vẫn xuống cân, mau bị mệt, hồi hộp, khó thở, hay tiêu chảy, kinh ra ít? Hoặc ngược lại: kém chịu lạnh, hay buồn ngủ, hay quên, mệt mỏi, bón, chảy máu tử cung bất thường, nhức mỏi bắp thịt, khan tiếng, ăn kém ngon nhưng vẫn lên cân?

· Trong gia đình (bố, mẹ, anh, chị, em ruột), có ai bị bệnh tuyến giáp trạng? (bệnh tuyến giáp trạng hay di truyền).

Nếu bệnh đang uống thuốc chứa chất thyroxine (như Synthroid), bạn cho bác sĩ biết, bác sĩ trước cho bạn dùng thuốc này vì tuyến giáp trạng bạn suy, hoặc không, nó vẫn siêng năng làm việc, nhưng chỉ vì nó to lên bất thường, bác sĩ trước muốn dùng thuốc để cố làm nó bớt to thôi. (Các bác sĩ cũng vậy, khi cho người bệnh loại thuốc này, nên giải thích kỹ lưỡng, kẻo khổ cho các bác sĩ khác sau phải chữa và theo dõi người bệnh lắm lắm.) Bệnh tuyến giáp trạng rất rắc rối. Càng rắc rối nếu chúng ta không gọi đúng tên bệnh. Trong phong trào gọi cho đúng tên bệnh, các bác sĩ nên làm gương trước.


Bác sĩ Nguyễn Văn Ðức

:alert: