PDA

View Full Version : Buồn như chấu cắn! - Nguyễn Ý Đức, Bác Sĩ



delta
02-05-2008, 11:36 AM
Buồn như chấu cắn!

Nguyễn Ý Đức, Bác Sĩ

Câu Chuyện Thầy Lang: Buồn như chấu cắn!


Trong cuộc đời, ai mà chả có lúc cảm thấy thời gian sao kéo dài lê thê, chậm chạp. Rồi thấy mọi sự việc chung quanh như nhàm chán và chẳng thiết làm gì.

Rồi kêu ầm lên rằng "Đời sao đáng chán! Buồn quá các cụ ơi"!!!

Có người bâng quơ than phiền:

"Ngồi buồn trách lẫn ông Xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười".

Thiếu gì người mang "nỗi buồn Mùa Đông" khi trải qua những tháng băng giá, không ánh chiêu dương của miền Bắc, suốt ngày thu mình trong nhà, nhìn tuyết rơi lã chã.

Vậy thì chán chường, buồn tẻ, nhạt nhẽo là gì đấy nhỉ?

Nhân dịp lang tôi đang trong tình trạng nửa già nửa trẻ, nửa khỏe nửa yếu, vui buồn lẫn lộn, nhiều khi cũng chẳng biết làm gì. Nên xin cùng quý thân hữu, ta lang thang vào cái vườn BORING này xem nó ra sao.

Có lẽ cũng hơi khó mà tìm một định nghĩa cho cái buồn tẻ, buồn tênh, buồn teo, buồn tình, buồn thiu, buồn xo, tẻ ngắt, nhạt nhẽo, lãng xẹt này.

Nhiều ý kiến cho đây là tâm trạng của một người cảm thấy không hứng thú, không hài lòng, thờ ơ với mọi sự ở chung quanh. Tâm trạng này cũng khá phức tạp và cũng tùy thuộc vào thời gian và không gian. Nhất là cũng thay đổi theo tâm tư con người.

Giáo sư Tâm Lý Robert Plutchick của đại học Y Albert Einstein, Nữu Ước cho boredom là một cảm xúc quan trọng và thường thấy ở nhiều người.

Một cách chung chung thì người ta thường chán chường VỚI một cái gì đó, VỚI một hoàn cảnh nào đó. Tức là có một nguyên nhân, một lý do được nại ra.

Do đó mà ta luôn luôn trách cứ vu vơ: trách người này người kia, đổ lỗi cho sự việc đã gây ra tâm trạng của ta.

Vì boring VỚI một cái gì nên ta cứ nghĩ rằng có thể thoát ra khỏi và ta sẽ hào hứng hơn.

Rồi sẽ có những giả sử, nếu thế này nếu thế kia thì ta đâu có bị boring.

Nhưng xét cho cùng thì nhiều khi chẳng có lý do gì cụ thể mà cái sự chán chường này lại phát xuất từ chính trong lòng ta.

Bà mẹ đang bù đầu dọn dẹp nhà cửa, mà đứa con gái spring break về với bố mẹ vài ngày thì hết đi ra lại đi vào kêu chẳng biết làm gì, con " bore" quá mẹ ơi!

Anh chị kia thuộc loại "Sunday neurotic", suốt tuần làm việc như điên, thứ Bẩy Chủ Nhật không việc gì làm, cảm thấy boring;

Cặp vợ chồng nọ về hưu, lợi tức thu nhập đủ sống, không phải lo cho con cái, và rất nhiều thì giờ rảnh rang. Bèn rủ nhay đi du lịch, đi cruise, tiêu ngày tháng trong sòng bài để khỏi ở nhà bốn mắt nhìn nhau;

Nhiều đồng hương "chồng tách, vợ ly", đời sống cũng như công việc mỗi ngày đều đặn như cái máy, cảm thấy nhàm chán chẳng muốn tới sở, coi đi làm như đi vào nhà tù;

Kinh nghiệm cho hay khi làm một công việc quá quen thuộc, nhắc đi nhắc lại như cái máy mỗi ngày thì ta cảm thấy nhiều căng thẳng hơn là một việc mới có nhiều thử thách, sử dụng được tài năng của mình;

Tâm trạng một anh chàng ăn không ngồi rồi, ít giao tế, "buồn tình chẳng muốn nói ra, muốn đi ăn cỗ, chẳng ma nào mời" la cà làng trên xóm dưới, ngồi lê đôi mách;

Mấy cô cậu học trò ngồi nghe một bài giảng" chán như cơm nếp nát", ngủ gà ngủ gật, viết vẽ lăng nhăng cho hết giờ. Và khi nghe tiếng chuông tan lớp thì mặt mày tươi rói, ào ào chạy ra ăn quà vặt;

Đám "công nhân viên nhà nước" nghe sếp lớn đọc báo cáo tổng kết thành tích cuối năm, ngáp ngắn ngáp dài, nhìn đồng hồ, mong sao mau chấm dứt, vỗ đỏ bàn tay, ra giải khát, đấu láo;

Buồn tẻ cũng lại tùy cách nhìn: bà vợ hồ hởi đi mua sắm la cà hết tiệm hột xoàn tới hàng quần áo thời trang. Đức lang quân lơ đãng, buồn tình miễn cưỡng lững thững đi theo;

Nhà thiên văn say mê nhìn ngắm hành tinh qua viễn vọng kính, một công việc mà bà vợ cho là "có gì hấp dẫn đâu mà ông cứ suốt đêm nhìn lên bầu trời tối om như mực ấy!!

Mấy cậu ấm cô chiêu, con cầu tự được cha mẹ chiều chuộng, muốn gì được nấy, nên coi mọi sự tầm thường, nhàm chán;

Rồi lại còn con người sinh ra đã mang thói tò mò, luôn luôn tìm kiếm một cái gì hấp dẫn mới lạ. Khi không thỏa mãn ước muốn tìm hiểu là cảm thấy mọi sự việc sao mà lảng xẹt;

Quá thông minh, nắm vững ngay ý nghĩa của một vấn đề trong khi anh khác thì còn đang lần mò tìm hiểu, anh sáng dạ thấy sự việc chẳng có gì quyến rũ cả.

Giam mình trong một căn phòng trống không, chẳng truyền hình, radio, không sách báo, không điện thoại, không ai viếng thăm thì chắng điên cũng phát buồn;

Rồi lại còn ngồi cả giờ lật từng trang sách nhưng tâm trí để đâu đâu, quẳng sách vào góc nhà chê sách lãng xẹc; bấm nút thay hết đài này sang đài khác trên TV mà chẳng chú tâm coi; gặp bạn thì chê người đó nói chuyện vô duyên, vân vân và vân vân..

Các trự buồn tình cũng có một số dấu hiệu triệu chứng lộ ra ngoài.

Bạn ta thường hay mệt mỏi; ngáp ngắn ngáp dài, buồn ngủ. Họ bồn chồn đứng ngồi không yên; trong tâm trạng bất mãn vu vơ; hay nuối tiếc, không thực tế, thấy cuộc đời chẳng có gì đáng để làm trong khi đó thì lại coi việc mình đang làm là quá tầm thường, không thử thách. Nhiều lúc họ thấy mình như cô lập không đóng góp gì cho mọi người.

Theo mấy ông bà chuyên gia Tâm Lý, thì cái cảnh "ngồi buồn gậm nhấm boring" này nó cũng chẳng tốt lành gì, nhiều khi lại đưa đến những hệ quả không hay.

Đến nỗi có vị đã cho rằng, đây là một hình thức "ung thư tâm lý", nó dần dần tiêu hao nhiệt tình của con người.

Có người buồn tẻ kinh niên lấy ngủ để quên thời gian. Nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm nặng. Một số không ít tìm lối thoát bằng rượu, thuốc kích thích hoặc các hành động tiêu cực nguy hiểm khác.

Giáo sư sinh học Augustin de la Pena, University of Texas, cho hay boredom là kẻ thù nguy hiểm đối với não bộ của ta. Khi rơi vào tâm trạng buồn tênh, não có thể làm bất cứ chuyện gì, dù có gây tổn thương cho cơ thể.

Theo vị giáo sư này, để khỏi buồn chán, não bộ gia tăng hoạt động. Trước hết là tăng giấc ngủ-mắt chớp- mau để ta mộng mị nhiều hơn. Nếu không có hiệu quả thì não sẽ tăng kích thích khiến ta thấy bồn chồn ngồi đứng không yên. Cuối cùng thì huyết áp lên cao, cơ thể đau nhức, rối loạn ăn uống rồi bệnh tật.

Cũng có người lấy ăn uống làm khuây khỏa rồi lên cân, tiểu đường.

Tác giả Mỹ Carey Perliff coi boredom như một tội lỗi trầm trọng; Thi sĩ người Anh S Kierkegoard nói tâm trạng này là nguồn gốc của nhiều thảm họa.

Tuy nhiên, boring đôi khi cũng có vài ích lợi nếu ta biết chuyển nó sang cái gì tích cực hơn.

Có người cảm thấy sắp rơi vào chán ngán thì kiếm một việc nào đó để làm.
Theo Le Duc de Levis, "Buồn chán là một bệnh mà làm việc có thể giải quyết được; còn nếu tìm một thú vui chỉ là thỏa mãn tạm bợ".

Dale Cargenie cũng đồng ý "làm việc là liều thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho sự buồn tẻ" . Vì khi chúng ta bận bịu túi bụi thì đâu còn thì giờ để mà than van này nọ.

Tiểu thuyết gia người Anh Susan Ertz góp ý rằng "Cả nhiều triệu người ước muốn trường sinh bất tử mà lại chẳng biết làm gì vào một buổi chiều Chủ Nhật mưa rơi tầm tã."

Friedrick W Nietzsche triết gia Đức thực tế hơn: " Đời người cả trăm lần ngắn ngủi thì tại sao ta phải ngồi đó mà kêu ầm lên là đời sao tẻ nhạt!"

Mignon McLaughlin khuyên: "Hãy nắm lấy cơ hội dù sức khỏe có xấu như thế nào; không có gì tệ hại cho sức khỏe bằng sự buồn chán."

Trước hết, cần ý thức được rằng cảm xúc đến rồi đi. Mà buồn tẻ cũng chỉ là một cảm xúc. Nó đến rồi nó cũng ra đi, nhất là khi ta muốn xa lánh nó.Và chỉ ta mới thay đổi được cuộc đời ta. Nếu chỉ ngồi mà thẫn thờ nhìn không gian thì chắc " sầu đong càng lắc càng đầy".

Có người cảm thấy sắp boring sẽ kiếm làm cái gì sáng tạo, thích thú hơn; đặt vài mục tiêu cho cuộc sống; chuyển tẻ nhạt thành cái gì ích lợi.

Lao động suốt ngày boring đi làm một mách thể thao cho thư giãn tâm thần. Chán việc đang làm thì làm cái gì mà mình cho là có thể thay đổi hiện trạng; làm cái gì mới, nhiều thử thách; tâm tình với người cùng cảnh ngộ, tìm hiểu, kiếm tham vấn góp ý.

Học vẽ, âm nhạc, thăm bạn bè, điện thoại cho thân hữu đấu láo chuyện ngày xưa; gia nhập nhóm sinh hoạt, làm việc thiện nguyện, tạo thú vui giải trí đi câu, đánh banh, đọc sách, nấu nướng.

Hoặc nghe lời khuyến dụ của phê bình gia người Anh David Pryce-Jones: "When you are bored with yourself, mary and be bored with someone else."

Vâng khi cảm thấy tẻ nhạt với chính mình thì hãy lập gia đình để mà tẻ nhạt với người khác. Nhưng đừng lạng quạng đào non, kép nhí mà xáo trộn gia phong.

Hoặc có bạn rủ đi làm một vài tẩy mà chược thì nhận lời tham dự ngay. Vừa hết buồn tình mà có khi còn lời dăm chục đô tiền tươi mua được vài bao gạo.


Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Texas 7-04

:alert: