PDA

View Full Version : Câu đố - Câu đối - Lê Xuân Quang



delta
01-29-2008, 02:35 PM
Câu đố - Câu đối

Lê Xuân Quang

Nền Văn Học dân gian Việt Nam có một loại hình thật độc đáo, phục vụ tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, đó là Câu đố. Nó xuất phát từ sự quan sát, nắm bắt những thuôc tính cơ bản của con người, động vật, sự vật... hoat động diễn ra hàng ngày. Nhà nghệ sĩ có danh hay vô danh thu lượm, sáng tạo rồi viết thành lời, truyền tụng trong dân gian. Người nghe thích thú, suy nghĩ sau đó... đoán.

Câu đố có loại đơn giản, dễ đoán dành cho trẻ em, thí dụ:

Trùng trục như con chó thui,
Chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu.

Hoặc :

Ngồi cao hơn đứng...

Các em cũng phải căng ra suy nghĩ nhưng không dể nhận ra ý nghĩa của lời giải. Quả thật trong câu đố này tập trung ở từ "Chín". Nếu coi chữ chín là số từ thì hướng giải sẽ mang ý nghiã con vật "như con chó thui" kia, mắt mũi đuôi đầu có 9 cái... Vậy con vật gì mà có những chín cái... mắt... nhỉ ?
Nhưng, nếu các em chú ý tới chữ "Chín"’ khác dùng làm trạng từ bổ nghiã cho động từ ‘’Thui’’. Khi được gợi ý các em sẽ nhận ra ngay đó chính là con chó vừa được giết thịt, làm lông, thui cho chín, thơm, chờ cha anh đem cắt chặt nấu nhựa mận, nướng chả...
-Đó chính là con chó thui !
Con kia là con chó Vện đang sống, ngồi chồm hỗm - gác trước cổng nhà. (Nếu con Vện đứng trên 4 chân, chiều cao của nó sẽ thấp hơn khi nó ngồi).

Loại câu đố khác dành cho người lớn, hợp với khả năng tư duy. Có câu giảng "Thanh", mang ý nghĩa sáng sủa. Nhưng đọc lên lại có vẻ "Tục", thậm chí rất tục, gợi cho người nghe ý nghĩa rất... "Sexy". Thí dụ :

Hai tay nắm lấy khư khư
Bụng thì bảo dạ, rằng, ư - đút vào
Đút vào nó sướng làm sao
Dập lên dập xuống nó trào nước ra.

Hoặc

Mặt tròn vành vạnh, đít phổng phao.
Mân mân, mó mó - đút ngay vào
Thủy hỏa tương giao, sôi sùng sục
Âm dương hòa khí, sướng làm sao!

Người nghe căng ra suy nghĩ. Câu đố được đám đông tham gia giải với nhiều tâm trạng:
- Những cô gái nghe xong mặt đỏ bừng, kêu ré lên - eo ơi...
- Những chàng trai cười sảng khoái thích thú.
- Vài người có tuổi nghiêm mặt phê phán: - Bậy bạ... bậy bạ! Chuyện như vậy mà ông nói cứ ráo hoảnh không e dè, kiêng nể à?

Người ra câu đối bình tĩnh biện báo: - Ông bị ảnh hưởng của phim, ảnh Sexy quá nhiều nên chỉ nghĩ một chiều theo nghĩa tục. Đây là câu đố nếu giảng ra lại rất... Thanh. Đố tục, giảng thanh mà! Cuối cùng thì mọi người chịu, yêu cầu kẻ kia giải nghĩa. Khi lời giải bật ra : - Lời giải cho câu trên là - Ăn Mía . Còn câu dười là: Hút thuốc lào bằng Điếu bát!
Những người ngồi nghe thở phào, phá lên cười sảng khoái.
- Ăn mía ! Đúng ! Cách ăn mía cả gióng của dân gian mà khi ăn không dùng dao tiện, cắt từng khẩu, khiến hai tay phải nắm chắc gióng mía dài khoảng từ 20 đến 30 phân rồi dùng hàm răng tước vỏ, cắn, nhai. Hai hàm răng dập lên dập xuống, nước đường ngọt lịm từ khẩu mía trào ra. Chao ơi! Đang nóng, khát. Nước mía tươi, mát, ngọt khiến người ăn đầy cảm giác thỏa mãn, khoái khẩu!

Có hai loại điếu dùng cho người hút thuốc Lào.
- Điều cầy, là một ông tre dài khoiảng 40 phân, dùng cho người lao động lam lũ, nông dân đi cầy ruộng.
- Điếu Bát dành cho người thích, nghiện hút thuốc lào ở nhà hay ở những nơi tập trung, hội hè, đình đám trong làng . Điếu bát bằng gốm sứ, hình tròn to cỡ vốc tay. Kín. Dưới đáy có bầu đựng nước, đặt trong lòng chiêc bát có đường kính to hơn. Trên miệng bát điếu có lỗ gọi là nõ điếu. Khi hút, người nghiện vân vê sợi thuốc thành hình tròn, dút vào nõ điếu, bật lửa, châm, rit...rít.. Nước ở dưới bốc lên hòa cùng lửa đốt cháy sợi thuốc. Hương vị hai luồng âm - dương của thuốc lào gây cho người hút khoái cảm, đê mê...
- Ồi ! thế mà lại cứ tưởng!...

Một loại câu đố khác vừa thanh, vừa khó, do giới quan lại, khoa cử sáng tạo, truyền tụng trong giới trí thức cung đình. Điển hình cho loại này là mợt giai thoại được đưa vào lịch sử văn học nước nhà, lưu truyền đến nay :
Cụ Mạc Đĩnh Chi là danh sỹ đời hậu Lê. Tương tuyền, trong một lần mẹ cụ vào rừng kiếm củi, bị đười ươi bắt. Về nhà có thai, sinh ra cụ. Tuy rất xấu xí nhưng thông minh tuyệt đỉnh. Học đâu nhớ đấy... làm quan, từng đi Sứ bên Tàu... ứng đối trôi chảy khi người Tàu thử tài... Một lần Cụ được nhà vua triệu vào cung cùng nhiều đại thần, danh sỹ. Vua đưa ra một câu đố nói rằng Sứ Tàu bắt ta phải giải, nếu giải được họ sẽ vào trình quốc thư. Không giải được, nhà vua phải đích thân đến tận nhà khách họ đang ở - nghe giải. Đó là yêu sách ngang ngược. Nhưng vì là nước nhỏ không thể làm mếch lòng nước lớn. Vua đòi các quan hãy tập trung giải câu đố. Nội dung câu đố chữ Hán như sau :

Lưỡng Nhật, bình đầu nhật.
Tứ Sơn, điên đảo sơn.
Lưỡng Vương, tranh nhất quốc.
Tứ Khẩu, tung hoành gian.

Các quan cố vắt óc mà không đoán câu thơ kiêm câu đố quái dị kia là cái gì. Rút cục không vị nào hiểu được bài thơ - giải được câu đố. Vua lo lắng quay sang hỏi Cụ Mạc. Cụ vui vẻ bảo : - Tâu thánh thượng, đó chỉ là trò dùng để đố bọn trẻ, đâu để thánh thượng bận tâm.
Vậy nó là cái gì - Vua hỏi.
- Đó là chữ ĐIỀN - Cụ Mạc đáp ngay!
Vốn cũng là người hay chữ, hiểu ra, ngài cười tươi. Các quan trong triều vô cùng cảm phục tài trí thông minh của cụ Mạc. Câu đố dịch nghĩa như sau :
- Hai hình chữ nhất để bằng đầu, sóng hàng nhau .
(Các canh của nó tạo ra chữ Điền).
- 4 trái núi, điên đảo.
(4 chữ Sơn sắp ghép theo 2 chiều, dọc - ngang, cũng tạo thành chữ Điền.)
- Hai ông vua tranh nhau một nước.
(Hai chữ Vương ghép lại trên, dưới - cũng thành chữ Điền).
- 4 cái miệng ở trong khoảng dọc, ngang -
(4 chữ Khẩu ghép lại cũng tạo thành chữ Điền).

Câu đố của sứ thần Tàu là chữ ĐIỀN. Bài thơ giải nghĩa như sau :
Hai Nhật (hình chữ nhật) bằng đầu để sóng hàng.
4 Núi (Sơn) điên đảo dọc cùng ngang.
Hai Vua (Vương) ngiêng ngả lo tranh nước.
4 Miệng (Khẩu) liền nhau ghép vững vàng.
Sứ thần nhận lờì giải với sự ngạc nhiên cảm phục

:idea:

delta
01-29-2008, 02:36 PM
Câu Đối , Câu Đố Thơ Đố

Trong câu đố dân gian Việt Nam, có một lọai khác tuy cũng là ''câu đố'' nhưng chỉ dành cho những người có học. Người ra đề kiến thức uyên thâm, hay chữ. Mục đích là dùng kiến thức của mình trấn áp đối tượng, dồn ép đối tượng tới thất bại nhằm đạt được mục đích nào đó. Loại này trong văn học dân gian truyền tụng rất nhiều. Xin đưa một vài thí dụ.

Vẫn chuyện cụ Mạc Đĩnh Chi

Theo truyền thuyết, cụ Mạc được vua ta cử đi Sứ sang Tàu. Bước chân tới cửa khẩu biên giới hoặc cổng thành kinh đô của họ, cụ đã liên tục bị đám quan quân nước sở tại gây khó dễ bằng cách ra câu đối hòng dồn cụ phải bó tay, chịu nhục. Nhưng tất cả âm mưu đó đều bị cụ đánh bại bởi tài trí thông minh tuyệt đỉnh, cách ứng xử nhanh trí, bằng những câu đối hay, chuẩn xác đầy kiêu hãnh khiến đám người kia tuy tức giận mà không làm gì được Sứ thần của nước ''Man di'' - (cách gọi những nước ngoài biên giơi Trung Nguyên của người Trung Hoa cổ). Vả lại riêng đôi với Sứ thần nước Nam Việt lại ''xấu như quỷ'' luôn thắng trước các cuộc thử tài - khiến sự ghét bỏ đói với cụ Mạc Đĩnh Chi cư ngày càng tăng. Lần này những bộ óc siêu việt của Trung Nguyên quyết tâm tìm cách hạ gục trả mối hận. Vẫn võ cũ - ''ăn miếng trả miếng'' - sau khi đoàn ngoại giao của Nam Việt được bố trí nghỉ ngơi ở quán khách, người đại diện cho nhà vua Tàu đến đưa cho cụ Mạc một vế đối nói rằng nếu đối chỉnh mới được vào trình quốc thư. Nội dung vế ra như sau: Ly, Mỵ, Võng, Lượng - Tứ tiểu quỷ. Đây là vế ra đề rất khó, ác hiểm. 4 chữ đầu đều là tên 4 Quẻ trong Kinh Dịch. 3 chữ tiếp theo lột tả bản chất của 4 chữ đầu, tạo ra một tập hợp Hán từ vừa mang ý nghiã cấu trúc của từ vựng tượng hình, vừa mang ý nghĩa của từ rất ''Nôm'' - Các người xấu như Quỷ. Điều quan trọng: Làm thế nào để đối được câu này hoàn chỉnh cả về ý lẫn về lời. Nhất là làm sao hạ gục, xóa bỏ ý nghĩa của tập hợp từ ''Tứ Tiểu Quỷ''. Kinh Dịch là tác phẩm triết học, khoa học cổ đại nhất của Trung Hoa mà chỉ có rất ít những người Trung Hoa học giỏi, học rộng, đọc, hiểu. Kinh Dịch lại viết bằng Hán tự - tiếng nói, ngôn ngữ của chính họ. Dưới mắt họ, viên Sứ thần của nươc “Man di’’ Xấu như Qủy, tài học làm sao bì được với những bộ óc kiệt xuất của Trung Nguyên. Chẳng ngờ, nhận đề xong, cụ Mạc không suy nghĩ, đọc ngay vế đôí: Cầm, Sắt, Tỳ, Bà - Bát đại vương! Cầm, Sắt, Tỳ, Bà cũng là 4 quẻ trong Kinh dịch. Trong 4 từ này, ở mỗi từ đều có 2 chữ Vương. Vế đối hoàn chỉnh đến lạ lùng. Bát Đại Vương đối với Tứ Tiểu Quỷ. Nhưng còn tuyệt diệu ở chỗ: Người ra là chủ, khinh miệt khách ở hình hài, trí tuệ đến hợm hĩnh, chủ quan tự đặt mình, núp mình trong ''Tứ Tiểu Qủy'' - hòng áp đảo đối thủ. Còn khách thì kiêu hãnh cũng tự nhận, đặt mình vào 8 chữ Vương. Bát Đại Vương (8 ông vua lớn) - chứ không phải là 4 quỷ nhỏ. Trước 8 ông vua lớn tất nhiên 4 con qủy nhỏ sẽ bị chém đầu. Quan viên nước chủ nhà ra đón đều giật mình kinh ngạc, bái phục vội mở rộng cửa mới danh sỹ Mạc Đĩnh Chi vằo trình quốc thư.
Một chuyện khác cũng nằm trong khuôn khổ ra câu đối. Tục truyền: Trạng Quỳnh có tiếng là hay ''Nỡm'' (diễu cợt) thiên hạ. Kể cả diễu Chúa Trịnh. Tuy nhiên nhiều làn thua bà Đoàn Thị Điểm. Một lần bà Điểm tắm. Trạng Quỳnh đứng bên ngoài trêu trọc ''đòi vào tắm cùng''. Bà Đoàn Thị Điểm biết tính Qùynh, không chấp nhặt nhưng nói: - Nếu đối được câu này thì sẽ mở cửa cho vào - đoạn bà đọc: Da Trắng vỗ Bì Bạch.
Quỳnh nghe xong cố vắt óc mà không thể tìm được từ để đưa ra vế đối đành lẳng lặng bỏ đi. Đây là vế ra thật độc đáo. Cả câu chỉ có 5 chữ. Đã có 1 động từ (vỗ). Còn 4 từ lặp lại nhau trên ý nghĩa của hai thứ ngôn ngữ Hán - Nôm. Da - nghĩa là da người. Trắng là mầu Trắng. Người đàn bà đang tắm thì phải phơi bầy da thịt trắng ngần để... tắm. Bì tiếng Hán cũng là Da. Bạch tiếng Hán nghĩa là Trắng. Dịch nghĩa thì vế ra là Da Trắng vỗ... Da Trắng! Trong thực tế khi dùng bàn tay vỗ vào... da cũng phát tiếng bạch... bạch. Còn khi người ngâm trong nước dùng tay vỗ vào da... sẽ phát ra tiếng bì ... bõm. Vị Trạng có tiếng là hay ''Nỡm'' thiên hạ gặp phải người đàn bà ''Khắc tinh'' ra vế đề quá hóc đành chào thua. Đến nay đã mấỳ trăm năm trôi qua câu đối của bà Đoàn Thị Điểm cũng chưa có ai đối được hoàn chỉnh.

Một loại ''Đố'' khác cũng không kém phần tinh tế, trí tuệ đó là ra đề cho người làm thơ ứng khẩu. Nếu ứng khẩu được bài thơ hay sẽ được khen, thưởng. Không được sẽ bị phạt. Thể thức này đòi hỏi người nhận đề phải có kiến thức văn chương mới có thể đáp ứng được yêu cầu của người ra đề. Lấy 2 thí dụ sinh động để dẫn chứng:
Tục truyền Vua Lý Công Uẩn do người mẹ không chồng sinh ra . Dưới thời xa xưa, người phụ nữ không chồng mà chửa là một trọng tội sẽ bị hình phạt thảm khốc. Sinh xong, đang đêm người mẹ trẻ bọc con trong mớ dẻ rách mang đến cổng chùa Giặn (Đình Bảng ngày nay) vứt. Ngay lúc đó vị sư trụ trì của chùa nằm mộng thấy một vị Bồ Tát đến bảo: Các người hãy chuẩn bị sáng mai đón quý nhân. Nhà sư tỉnh dậy thấy trời vừa hừng đông, sai mấy chú tiểu ra mở cổng. Họ thấy tiếng trẻ khóc vội bồng lấy đưa vào trình thầy. Sư Trụ trì thấy đưa bé trai liền lấy họ Lý của mình đặt cho bé rồi giao cho các sư nữ (bà Vãi) chăm nuôi. Lý Công Uẩn lớn lên dưới mái chùa Giặn và sự chăm sóc của thầy cô. Đến 10 tuổi cậu bé Lý vẫn không chịu chăm học chỉ ham chơi, phá phách khiến sư Trụ Trì phiền lòng luôn trách phạt..
Một đêm kia Thượng tọa Trụ trì thấy rất nhiều tượng phật khăn gói quả Mướp, tay nải đến gặp ông, chào từ biệt. Trụ trì hốt hoảng hỏi, các vị tượng buồn rầu nói: Thiên tử ăn hết đồ cúng tế, chúng tôi đói quá đành đi đến các chùa khác. Tỉnh lại nhà sư đi kiểm tra: quả thật trên những bệ thờ trống trơn. Ông cho rằng bọn trộm đã đột nhập, đành ra lệnh cho các sư tiểu trong chùa thay phiên nhau canh giữ đêm ngày. Tệ nạn mất đồ thờ cúng chấm dứt. Tuy nhiên nhiều vị sư nghi việc này do Lý Công Uẩn gây ra, nhưng không dám bầy tỏ với sư phụ Trụ Trì. Các ông tượng trong chùa cũng không đến tìm gặp Trụ Trì cáo biệt nữa.
Mấy hôm sau sự Trụ Trì lại mơ thấy hai vị hộ pháp của chùa khăn gói đến gặp mình, mặt buồn rầu, nói: Chúng tôi bái biệt ngài, sáng mai sẽ đi .
- Tại sao cac vị lại đi?
- Thiên Tử (Con Trời - Vua) đầy chúng tôi xa 3000 dặm. Nhà sư toát mồi hôi hột vụt tỉnh, nghĩ: Hai vị hộ pháp trấn giữ trước cửa để đánh đuổi bọn quỷ. Giờ các vị đi, ai sẽ làm việc này - Vội gọi các công sự và đệ tử cùng ra xem thực hư ra sao. Mọi người đến trước hai ông hộ pháp một ông mặt đỏ, một ông mặt xanh. Hình hài của hai vị vẫn bình thường nhưng đằng sau lưng mỗi vị có một giòng chữ :
Đồ tam thiên lý (đày xa 3000 dặm). Những sư ông, sư bác hiểu ra vội xum vào lau giòng chữ nhưng không thể lau sạch. Một vị nghĩ ngay tới Lý Công Uẩn bảo - Để thằng Uẩn lau xem sao. Lý Công Uẩn được điệu đến. Cậu bé chỉ đưa tay phẩy nhẹ, giòng chữ kia tan ngay. Sư trụ trì giận lắm ra lệnh cho đệ tử bắt Lý đưa lên gác tam quan trước cổng chùa giam nhằm trừng phạt răn đe. Đêm đó vào giữa tuần trăng, tiết trời se lạnh, nhà sư không yên tâm lò dò lên kiểm tra. Đến nơi thấy Lý Công Uẩn rét, nằm co quắp chân tay để giữ hơi ấm. Trông thật tội nghiệp. Động lòng thầy hỏi: Con đã biết lỗi chưa. Bây giờ con làm được bài thơ tự vịnh mình đang đêm nằm co, nếu hay, thầy cho xuống. Lý Công Uẩn suy nghĩ đoạn đọc :

Trời làm màn chiếu, đất làm chiên (Chăn)
Nhật, Nguyệt cùng ta một giấc yên.
Đang đêm chẳng dám giang, chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà, xã tắc nghiêng.

Sư trụ trì thức tỉnh bởi bài thơ ứng khẩu của cậu bé mươi tuổi : Nằm co vì rét mà dám tự ví ''giang tay, duỗi chân sợ sơn hà xã tắc ngiêng ngả'' - Đó là khẩu khí của con trời (vua). Xâu chuỗi lại các sự kiện từ lúc cậu bé mới đến chùa... lời của các tượng phật... ông liên tưởng tới cơ trời... vội quyết định tập trung dậy dỗ Lý Công Uẩn... Hơn 10 năm sau Lý Công Uẩn đã dựng nghiệp lớn rồi lên ngôi lấy vương hiệu là Lý Thái Tổ, dời Kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đông Quan (Thăng Long - Hà Nội ngày nay). Một triều đại mà đạo Phật thịnh trị kéo dài được 8 đời hơn 100 năm.
Một thí dụ khác: Trạng Nguyên Lương Hữu Khánh lúc còn hàn vi, đi học nhưng nghèo khó. Một lần đi đò cùng các nhà sư, thấy vị sư trẻ mang một tay nải nặng đầy Oản, Chuối - theo gót nhà sư già. Khánh đói xin ăn. Nhà sư già không cho. Khánh nài nỉ: Học trò nghèo, ăn xin cửa Phật cớ sao lại từ chối. Nhà sư kia bảo: Nếu thực là học trò thì hãy làm một bài thơ Nhà sư và học trò nghèo cùng đi đò. Đò tới bến mà làm xong, thơ hay thì có bao nhiêu oản, chuối ta tặng cả. Lương Hữu Khánh đọc luôn:

Một hòm kinh sử níp kim cương
Ngươi, Tớ cùng sang một chuyến dương
Trong hội cồ đàm - Ngươi thoả thích
Trên ngôi đài các -Tớ nghênh ngang.
Truyện xưa, Ngươi vẫn căm Hàn Dũ(*)
Sử cũ Tớ còn giận Thuỷ Hoàng
Chốc nữa lên bờ ta tạm biệt
Ngươi thì lên Phật, Tớ lên Sang!

Hết bài thơ Đường luật cũng là lúc đò cập bến. Cảm phục tài học của Lương Hữu Khánh, nhà sư giữ lời hứa đưa cả tay nải oản, chuối cho người học trò nghèo -Trạng Nguyên Lương Hữu Khánh sau này.
:alert:

delta
01-29-2008, 02:37 PM
Câu đối cũ-Câu đối mới

Diệp Kim Kỳ

Câu đối Việt Nam là loại hình văn học độc đáo. Những thể loại văn học khác cần có nhiều ngôn từ, điển cố để diễn tả, minh họa. Câu đối chỉ có hai câu, bố trí theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang, nhiều lắm có thể dăm ba chục từ, ít nhất dăm từ. Tuy vậy, đọc lên, người đọc người nghe vẫn cảm nhận sâu sắc ý tứ mà người ra đề, người đối - gửi gắm.

Từ khi nước Việt có văn tự, các nhà văn hóa, vua quan, thầy giáo, học trò - bắt đầu sáng tác câu đối. Phải đến đời vua Lê Thánh Tôn - câu đối mới trở thành món ăn tinh thần của người yêu văn chương và được phổ biến rộng rãi. Sử sách còn ghi lại nhiều câu đối của nhà vua sáng tác khi ngài trị vì. Tương tuyền, ngài thường vi hành - đi thăm dân cư sau đó về ra các quyết sách phù hợp lòng dân.

Một năm kia - vào tối 30 Tết - Ngài cải trang thành thư sinh cùng một thị vệ đóng vai thơ đồng đi tìm hiểu dân gian đón Tết. Dân Việt có câu tục ngữ từ bao đời: Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết. Dù cả năm ăn đói mặc rách, nhưng ngày Tết nhà nào cũng cố sắm sửa cho con cái mình được bữa no, có tấm áo lành, đẹp để mặc.


Khi Ngài đến cuối một phố nhỏ, vắng - trong kinh thành Thăng Long - thấy có một túp lều, cửa đóng im ỉm, lạnh tanh. Viên thị vệ tiến lên đánh tiếng, mãi sau mới thấy có một người đàn ông vẻ ngái ngủ ra nhấc tấm phên che. Nhà vua bắt chuyện, hỏi... người kia than phiền: Nghèo đến độ chỉ đủ hai bữa cơm hàng ngày, không có dư để mua sắm Tết. Ngạc nhiên - vì ngài thường được các quan trong triều tấu sớ rằng con dân của ngài sung túc - giờ thấy người kia nói vậy, ngài lạ lùng, hỏi: Anh làm nghề gì? Có chịu khó làm việc không? - Bẩm, con làm nghề... hót phân. Hàng ngày đi từ sáng sớm đến tối mịt, chỉ hót được hai nửa thúng, đem bán cho các chủ ruộng, mua vừa đủ hai bữa gạo ăn, bây giờ không có tiền để sắm Tết. Nhà vua nghe xong thương cảm, bảo người thị vệ mừng tuổi cho anh ta ít tiền đoạn sẵn giấy bút mang theo Ngài viết cho đôi câu đối:


Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ

Vung ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian.


Khẩu khí như của một ông Nguyên Soái chuẩn bị ra trận. Nào chiến bào, nào kiếm, nào gánh vác thiên hạ trên hai vai. Ðủ cả. Thế nhưng nhìn người hót phân cũng thấy đúng các trang phục này:

Áo bào chính là áo tơi khoác ngoài, che mưa nắng, rét mướt - vì cấu trúc, hình thể của chúng hoàn toàn giống y trang. Chỉ khác: Một làm bằng lụa quý thêu kim tuyến, còn một làm bằng lá gồi - thứ lá cây dùng làm nón và lợp nhà dành cho dân nghèo.

Trên vai của nguyên soái gánh trọng trách của tổ quốc giao: Chiến thắng. Còn anh chàng hót phân thì gánh đôi sọt, đôi thúng đựng phân.

Tay Nguyên soái cầm kiếm giết giặc, còn tay anh hót phân cầm cào, xẻng để hót những đống phân người, phân súc vật vương vãi trên đường.

Vừa làm sạch lại vừa để bón cho lúa, hoa màu tốt tươi.

Thời xưa, nghề hót phân là nghề mạt hạng nhất. Ðến độ, khi dạy con cái, bố mẹ, ông bà thường đem nghề này ra ''dọa'' trẻ: ''Không chịu học hành, dốt nát, sau này lớn lên chỉ đi hót cứt''.

Dưới mắt của Minh Quân Lê Thánh Tôn, người làm nghề thấp hèn, bẩn thỉu nhất đã trở nên quan trọng: Chức vị khác nhau rất xa nhưng ý nghĩa của công việc thì ông Nguyên soái và chàng hót phân gần... giống nhau. Còn gì vĩ đại bằng người thu phục được ''nhân tâm - lòng dạ'' thiên hạ! Ðó là ước nguyện, hành động của các đế vương!

Tiếp theo, nhà vua đến một ngôi nhà ở phố khác.

Theo phong tục, người chủ nhà cùng đứa con lớn ra chào khách xông nhà. Gia chủ này có vẻ khá hơn người hót phân, tuy cũng không hơn nhiều vì đến giờ tất niên mà nhà ông ta vẫn còn la liệt những mảnh vải đang nhuộm dở phơi trên dây. Biết khách là học trò, ông chủ nhà xin thầy cho đôi câu đối lấy may, đoạn sai cậu con trai mang giấy, bút, phẩm mực đến. Nhà vua quan sát, suy nghĩ đoạn viết:


Thanh hoàng ngã thủ giai thiên hạ

Triều trung chu tử tổng ngô gia.


Dịch:


Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ

Ðỏ tía triều đình bởi cửa ta.


Ông thợ nhuộm thì trong nhà phải có phẩm mực đầy màu sắc. Nhưng quan trọng là: Dù làm nghề thấp hèn, nhưng ông đã tô điểm ngay cho cả triều đình, vua quan. Họ đã từ tay ông mới trở nên danh giá!

Hai đôi câu đối này được hai gia chủ treo ở cửa nhà đón Xuân.

Thám báo của triều đình thấy khẩu khí có vẻ lộng ngôn, ngạo mạn, phạm thượng... vội về tâu trình thượng cấp trị tội. Sau khi biết rõ ngọn nguồn... các quan đại thần vô cùng cảm phục minh quân của mình. Hai gia chủ kia lập tức được nhận ân sủng: Con trai ông thợ nhuộm được ngay một quan đại thần, đem con gái gả cho. Còn người hót phân thì chức sắc địa phương cấp ruộng công điền... và lộc vua ào ào đổ dến. Thiên tử đến nhà là phúc lớn không chỉ cho cá nhân mà còn là ơn mưa móc của trời đất tưới cho cả vùng.

Các thế kỷ sau, triều đại khác, câu đối càng phát triển. Ðến thời cận đại, các nhà Nho yêu nước ngoài sang tác các tác phẩm văn xuôi, thơ phú, câu đối vẫn được phát triển song song. Thời đại Cụ Nguyễn Khuyến sống - là một thí dụ. Cũng học theo phong cách của vua Lê Thánh Tôn, cụ Tam Nguyên Yên Ðỗ lấy ngay đề tài quanh mình sáng tác. Làng xóm có việc, cư dân trong vùng, ma chay, giổ chạp, cưới xin... đều đến xin cụ cho Câu đối, Ðại tự, Hoành phi về kính cẩn treo trong nhà, ở nơi thờ cúng trang nghiêm.

Một gia đình làm nghề thợ nhuộm, chồng chết, người vợ đến xin đôi câu đối để viếng chồng, cụ cho:


Thiếp từ thuở lá Thắm xe duyên:

Khi vận Tía, lúc cơn Ðen,

Ðiều dại điều khôn nhờ bố Ðỏ.

Chàng chàng hỡi suối Vàng có biết:

Vợ má Hồng, con răng Trắng,

Tím gan tím ruột với trời Xanh.


Ðó chính là tóm tắt toàn bộ màu sắc mà ông thợ nhuộm tạo ra cho bàn dân thiên hạ dùng. Chỉ bằng đôi câu đối, Cụ Tam Nguyên đã nói đến 10 màu sắc. Nhưng đọc xong người đọc cũng chia sẻ nỗi đau với người đàn bà góa bụa và đàn con dại...


Ông Hàng Giát (Giết lợn) đến xin, cụ viết:


Tứ thời bát Tiết canh chung thủy.

Ngạn liễu đôi Bồ dục điểm trang.


Lại một đặc tính khác của người làm nghề mổ lợn. Tiết canh (Tiết cùng cổ hũ, các loại rau thơm...) , Bồ dục (để nấu cháo) - là hai bộ phận cơ thể của con lợn được dân ta chế biến thành món ăn khoái khẩu.

Người đánh dậm nghèo rớt mồng tơi thì cụ cho đôi câu đối hỗn hợp Hán-Nôm:


Nhất cận thị, nhị cận giang, thổ địa tích tăng xương tị Ốc.

Giàu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu Tôm.


Ðánh Dậm - một cách đánh bắt tôm cá trên sông nước của dân nghèo, chỉ bắt được ốc, tôm, tép, cá lòng tong. (1)

Ðọc câu đối của hơn 500 năm sau, chúng ta thấy rõ sự kế thừa, đồng thời không thể phủ nhận tài năng của hậu bối phát triển câu đối đến đỉnh cao.

Thời kỳ Pháp sang xâm lược, giai đoạn chống Pháp, các sĩ phu trong phong trào Cần vương, các nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc, ngoài sang tác văn, thơ, phú - vẫn sáng tác câu đối để gửi gắm nỗi lòng mình cho người đời...

Câu đối là một loại hình văn chương có tính đặc thù.

Người sáng tác phải nắm bắt được cái thần, cốt lõi của vấn đề rồi chọn từ, sắp xếp sao cho trên nguyên tắc ''Ðối''. Ðối ý, đối chữ, đối từng đoạn, cả câu - nhằm lột tả được ý tưởng của tác giả và làm người đọc thấy hứng thú, đồng cảm. Cứ tưởng loại hình văn học này sẽ ít đi vì người biết chữ Hán - nền tảng của việc sáng tác câu đối - đang mai một.

Giới trẻ tuy có ít người học Hán văn, cũng chưa đủ sức để phát triển loại văn học hình này. Nhưng cái chính thời hiện đại quan niệm hưởng thụ nghệ thuật đã thay đổi. Hướng theo xu thế của thời đại, câu đối một mặt vẫn trụ vững bằng cách thu hút nhiều người tham gia sáng tác, thưởng thức, đồng thời trong hoàn cảnh bức xúc: ''Tìm lối ra''. Xuân về, Tết đến, các tờ báo đều tổ chức ra đề, xướng họa.

Trong các đợt ra vế và đối vế này, phải kể đến vế ra của ông Tú Sót:


Bác bôi tôi không bằng tôi bôi bác.


Ðây là thủ pháp chơi chữ Quốc Ngữ thuần túy. Nắm vững nguyên tắc ''bất đảo'' của chữ Việt hiện đại, ông Tú Sót đã chọn ra được 3 từ “Bác Bôi Tôi” để lập ra một ý khác sau khi đảo chỉ hai chữ thành “Tôi Bôi Bác”. Kết quả của việc đảo này đã cho một tập hợp từ mới mang ý nghĩa mới - có hơi hướng, thoang thoảng giống vế ra bằng hỗn hợp Hán-Nôm của nữ sĩ trứ danh Ðoàn Thị Ðiểm: Da trắng vỗ Bì bạch!

Tiếng Việt ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam - dùng rộng rãi Ðại từ nhân xưng Bác (Ngôi thứ hai số ít hoặc ngôi ở thể kính trọng), Tôi (Ngôi thứ nhất số ít). Bác nếu ở vị trí trên thang bậc của bố mẹ mình (xưng là Cháu). Bác - nếu ở vị trí ngang vai phải lứa ở tuổi trung niên tương ứng với mình (xưng là Em - thay cho con). Có lúc giới trẻ cũng''lạm dụng'' dùng để xưng hô với nhau (xưng là tôi).

Bác bôi Tôi - có nghĩa là Ông, Anh, Mày (Bác) - đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít làm chủ ngữ. Bôi là động từ - làm vai trò vị ngữ. Tôi là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít làm vai trò bổ ngữ trực tiếp. Ðó là một câu đơn giản, hoàn chỉnh: Bác đừng bôi (bẩn) tôi, vùi dập tôi, thóa mạ tôi!...

Khi đảo vị trí hai chữ Bác-Tôi (câu đơn giản thứ 2) - cho nhau, cấu trúc văn phạm của toàn câu phức tạp không thay đổi nhưng ý nghĩa của nó đã thay đổi - Bác Bôi (bẩn) Tôi - Không thể bằng - Tôi Bôi (bẩn) Bác. Ðây là lời thách đố, răn đe, cũng là lời khuyên chí tình: Ông bôi bẩn, nhục mạ tôi sẽ không thể bằng tôi nhục mạ lại ông đâu. Bởi vì Tôi là thằng mạt hạng, là đất nung - nhưng lương thiện, có chân lý. Còn ông tự xưng là “danh giá”, là “đồ sứ quý hiếm”, sạch sẽ, sang trọng từ đầu đến chân nhưng ngụy quân tử, lừa đảo - chỉ vì được giấu diếm che đậy. Tôi mà bôi (bẩn), bác mới thiệt. Bác có quá nhiều thói xấu, tôi vạch ra, tôi ''bôi'' lên giấy, thiên hạ biết... Bác mới ''Phiền'', mất mặt, chẳng khác nào (tôi) lột mặt lạ của kẻ ngụy quân tử!

Bởi vậy bác đừng làm việc dại dột: Bôi bẩn người. gắp lửa bỏ tay người. “Chân mình thì cứt rê rê. Lại đi đốt đuốc soi lê chân người”. Ðó là việc làm xấu xa bỉ ổi của kẻ tiểu nhân!

Ðộng từ ''Bôi'' chỉ hành động khi người ta cầm chiếc bút, chổi, cây cọ... bôi, quét mực, trát phẩm, sơn, vôi vữa - lên một vật nào đó (bức Tranh, khung Vải hoặc bức Tượng...) - là mặt phẳng hoặc hình khối không gian. Thậm chí kể cả cách nói cường điệu của dân gian: Bôi, trát (phân, cứt) - “lên mặt” - đối tượng...

Ghép thêm chữ Bác vào thành Bôi Bác, lúc này tập hợp từ đã chuyển sang nghĩa khác rộng hơn: Nó chẳng những có nghĩa Ðen là ''bôi'' mà còn hàm nghĩa Bóng: Bôi bác - thóa mạ, nhục mạ danh dự đối tượng, trên phạm vi tư tưởng, nhân cách. Vế ra, ngoài việc làm người đọc hứng thú vì nghệ thuật câu đối hoàn chỉnh, còn nói lên ý nghĩa xã hội, tính khái quát sâu rộng...

Hưởng ứng cuộc đối này có rất nhiều câu hay, xin chọn hai câu điển hình:

Ông Tú Xuân đối lại như sau:


Nhà Vô địch cứ sợ Ðịch vô nhà.


Cũng bám theo câu của vế thách đối, vế đối của ông Tú Xuân lại gợi ra cho người thưởng thức suy nghĩ trước một vấn đề xã hội khác: ''Ông'' luôn nói rằng ông là Nhất - “Lăm-bơ-oan”, là ''Vô địch thiên hạ'', ''Bách chiến bách thắng''. Nhưng thực ra ông rất sợ Ðịch vào nhà. Bởi vì ông có chỗ yếu, có “Tử huyệt”... Ðịch còn đang ở ngoài ông đã run sợ. Còn nếu Ðịch vào hẳn trong nhà, chúng sẽ nhắm tử huyệt của ông mà đánh... ông không chống cự được - “Toi là cái chắc”. Thế cho nên ông “cứ sợ”!

Thực chất ông chỉ ''nói phét'' chứ ông không phải là Nhà vô Ðịch!

Ông Tú Xuân thật thâm thúy, chua cay... Chỉ bằng 8 chữ tâm huyết của mình mà đã nói được rất nhiều, không kém gì một bài chính luận dài hàng chục trang viết!

Còn nhà thơ Hữu Loan thì đối :

Mày ăn Dân - hết nước - Dân ăn Mày.

Câu đối Việt Nam ở thời Hậu Hiện Ðại không hề bị mai một!


Xuân Bính Tuất 2006
:alert: