PDA

View Full Version : Quan Trọng Của Việc Giữ Giới Luật



xuanthu
01-29-2008, 01:47 PM
Sự Quan Trọng Của Giữ Giới Luật :friends2:

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị tại Thiền Đường L.A., Mỹ Quốc
Ngày 13 tháng 7, 1997 (Nguyên văn tiếng Âu Lạc)

Những người nào không muốn theo tôi tu hành thì cũng nên ăn chay giữ 5 giới để mai mốt trở lại làm người nữa. Năm giới đó tốt cho những ai trở lại làm người, còn nếu xuống khỏi năm giới đó thì làm thứ khác. Cũng như đến trường học vậy. Có tiểu học trung học. Cứ tiêu chuẩn nào thì mình học tiểu học, phải không? tiêu chuẩn nào lên được trung học, tiêu chuẩn nào lên được đại học.

Còn những thần đồng, thì họ từ trung học nhảy lên đại học cũng được, tiểu học nhảy lên đại học cũng được. Đó là số ít thôi. Cũng như những người thành Phật vậy đó. Họ cũng còn trẻ tuổi, họ cũng tu bao nhiêu năm, nhưng họ thành Phật liền vì họ là thần đồng. Phật đồng. (Sư Phụ cười). Phật đồng chứ không phải là Phật gỗ. (Sư Phụ chơi chữ).

Thí dụ, theo bà Thanh Hải tu cực quá, ăn chay rồi ngồi thiền lâu quá, vậy thôi giữ ngũ giới cũng được. Nghĩa là không sát sanh, không nói dối, không lăng nhăng vợ chồng người ta, một vợ một chồng thôi, không uống rượu, cờ bạc, thì mai mốt sẽ trở lại làm người. Không phải tôi hăm dọa hay biểu giữ giới cho tôi. Đó là luật của trời đất. Nếu mình giữ giới được thì cho dù mình không có tu thành tiên thành Phật thì mình cũng trở lại làm người sống một cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh, ít đau khổ. Nếu mình không giữ được năm giới thì tiêu chuẩn của mình thấp hơn loài người nên mình làm loài khác, thí dụ như loài vật, loài ma, loài quỷ gì đó. Nó thấp hơn thế giới loài người một bậc. Còn nếu mình ở trên năm giới, lại có tu hành, giữ nhiều giới luật vi tế khác, thì thành Tiên thành Phật.

Thí dụ nhiều khi mình nghĩ rằng mình không ăn ngủ với người nào đó, không ngủ với người vợ người ta thì mình không phạm giới. Không phải vậy đâu. Mình nghĩ không thôi là cũng phạm giới rồi. Mình nhìn người ta không thôi là cũng phạm giới rồi. Nếu cố ý. Còn nếu không cố ý thì cũng đỡ. Nhưng không phải là không phạm. Cũng có nhưng mà nhẹ. Khi đã có gia đình và có con cái, nhưng vẫn cố ý dùng những lời quyến rũ người khác, hay liếc ngang liếc dọc người khác, đại khái vậy, là tâm mình thực sự không trong sạch, là mình đã phạm giới rồi. Từ trong ý tạo ra khẩu, khẩu ra thân. Nếu mình không có ý nghĩ thì sao mình nói ra được. Không có trong ý thì sao thân thể mình làm được. Thành ra phạm giới có ba cách. Cách vi tế là trong đầu óc của mình. Thô thiển chút nữa là hành động của mình. Và khi chúng ta thêm lời nói nữa là rồi, chấm dứt. Cho nên lúc nào mình cũng phải cẩn thận. Nếu muốn trở lại làm người thì phải giữ năm giới cho rõ ràng.

Tôi không nói là không được nắm tay nắm chân ai, không hôn hít người nào đó nghĩa không có phạm giới. Vẫn phạm như thường, nếu mình có ý nghĩ, đi đâu liếc dòm người này người kia hoài, là cũng phạm giới như thường. Tại mình tập những thói quen không tốt.


Ý Nghĩ Chúng Ta Được Ghi Lại Trong Các Tế Bào Của Thân Thể
Đầu óc tự động theo con đường đó và cứ đi hoài, rồi mình khó mà kéo nó trở lại. Bất cứ đầu óc nghĩ như thế nào thì thân thể mình sẽ theo chiều hướng đó. Tại các tế bào của mình ghi lại những gì đầu óc mình muốn. Nó ghi lại những gì đầu óc mình chú ý. Nó nằm ở trong những nhiễm thể của mình, trong các tế bào của mình, trong cơ cấu của thân thể mình. Rồi càng ngày nó càng tích tụ và khó xóa bỏ nó đi được.

Thành ra quí vị thấy người nào uống rượu thì khó bỏ. Càng uống càng khó bỏ. Người nào hút thuốc quen rồi, nó cứ đòi hỏi hoài. Nó ghi lại rồi: Ủa, sao bữa nay không có gì hết vậy? Mỗi ngày nó ghi vô bao nhiêu miligram nicotine, sao bữa nay không có gì hết vậy? Rồi nó đòi hỏi, thành thói quen. Cũng như đàn ông đàn bà mà lộn xộn đó, cũng quen đi, quen cái tánh không đứng đắn, lẳng lơ, quyến rũ.

Tự nhiên thân thể mình cứ đòi hỏi như vậy. Đôi khi chất chứa quá nhiều, cả thân thể mình, các tế bào của mình cứ đòi hỏi như vậy đó, đầu óc mình lúc đó yếu đuối, không chống lại được nữa. Thành cứ vậy cứ sa ngã xuống con đường đó hoài. Càng sa ngã càng bị kéo xuống. Đến khi nặng quá, chúng ta không thể đứng dậy nổi nữa. Rồi phải trở lại thôi. Phải trở lại làm kiếp người để mà thỏa mãn sự mong ước của mình. Cho tới chừng nào mà bị đánh lên đập xuống, vùi dập không chịu được nữa mới sáng mắt ra, mới ngán, mới đứng lên được. Cũng lâu lắm, cũng mấy trăm năm.


Chúng Ta Phải Tự Huấn Luyện Để Cảnh Tỉnh Ngay
Thành ra khi nào đầu óc mình xui khiến mình làm những chuyện đó mình phải cảnh tỉnh lấy mình; chúng ta phải cảnh giác liền và niệm năm Hồng Danh ngay lập tức. Niệm năm Hồng Danh liền để kéo mình về chánh đạo, thì nó hết ngay. Còn như mình cứ chìu theo đầu óc của mình làm cái này cái kia thì mình đọa lạc xuống luôn. Dẫu có tu hành cũng uổng công. Chúng ta mỗi ngày chỉ ngồi có hai tiếng, mà chưa chắc ngồi đã đủ. Vậy mà cả ngày cứ kéo lôi mình với những ý tưởng như vậy thì dĩ nhiên là đi xuống. Nó kéo mình 21 hay 22 tiếng, mà mình kéo nó chỉ có hai tiếng, hai tiếng rưỡi. Mà trong hai tiếng rưỡi đó còn gục lên gục xuống, thì đâu có đủ đâu. Hai tiếng rưỡi là để cho mình tập lần đời sống thanh sạch, tập chưa đủ mà nó kéo cả đám xuống. Cho nên, chúng ta không thể bắt kịp.

Chúng ta cũng ra ngoài nhiều khi ăn uống cẩu thả, bậy bạ. Thấy gì giống món chay cũng ăn đại. Khi mình chưa sạch sẽ thì ăn gì mình cũng không biết. Khi đến trình độ thanh sạch, mình ăn chút gì là biết ngay, bụng mình phản ứng, lát nữa mình cũng nôn mửa ra hoặc là khó chịu trong người, là mình biết bữa đó mình ăn không trong sạch. Hoặc tối ngồi thiền có những cảnh giới gì kinh khủng hoặc thấp kém thì mình biết. Hoặc Sư Phụ bên trong sẽ tới cho biết chúng ta đã ăn phải thứ không trong sạch trong ngày. Thí dụ vậy.

Nhưng mà trường hợp thấy được Sư Phụ bên trong cũng là ở trình độ cao rồi. Nếu không, làm sao Ngài có thể tới và nói cho chúng ta biết nếu chúng ta không thể thấy Ngài. Mình đứng đó nhưng không nghe được gì cả. Lúc nào vị thầy cũng ở bên mình, mình đâu nghe gì đâu. Thật ra Sư Phụ lúc nào cũng ở với mình 24/24, nhưng vì mình mù và điếc nên không nghe gì hết. Mình chỉ nghe được những chuyện tầm bạy tầm bạ của đầu óc mình thôi. Chứ nếu ai cũng nghe được tiếng nói của Sư Phụ bên trong thì không có ai phạm giới, không có ai sa ngã cả.

Tôi đã cho mọi người một cơ hội để tự mình phấn đấu lấy chính mình. Nếu tôi mà chọn ra thì không được bao nhiêu người ngồi đây đâu. Ngay cả những người tu hành cao khi đi ra ngoài cũng bị ảnh hưởng bởi người khác, những từ trường xung quanh nữa. Đủ thứ hết chứ đâu phải tu hành là dễ đâu. Đã không dễ mà còn rước họa cho mình nữa thì thôi. Trời Phật cũng bó tay. Chứ không phải mình phạm giới rồi ai ghét bỏ gì mình. Không phải. Tự mình hạ đẳng cấp của mình xuống rồi mai mốt mình phải tự kéo mình lên. Cũng như học trò đi học không siêng năng, phá phách trong trường này kia, thì thế nào cũng ở lại lớp, hoặc bị đuổi. Khi nào chán rồi mới trở vô học lại. Mình phải trở lại từ đầu, mình phải chứng minh với thầy cô biết là mình bây giờ ngoan rồi.

Quí vị tự lo liệu nhá. Rán ăn chay giữ giới. Đôi khi nếu tu hành đàng hoàng, mình lỡ ăn chút mặn là biết liền. Về nhà mọc mụn tùm lum. Còn không, tối ngủ ma tới kéo chân kéo cẳng. Hoặc ngồi thiền thấy cảnh giới tối hù. Còn không thì bệnh, đau bụng đau đầu, đủ thứ hết. Còn không nữa tự nhiên ghét Sư Phụ quá trời. (Sư Phụ cười). Thiệt đó, quí vị về hỏi mấy người mà rớt đi. Tôi nói cho quý vị biết 99% là ăn nhầm thức ăn hoặc là phạm giới. Từ từ như vậy là bỏ tôi luôn. Tai hại là vì đi nghịch đường, nên càng đi thì càng xa. Dù là chúng ta không bỏ nhau, nhưng làm sao hai người, một người đi Nam, một người đi Bắc có thể gặp nhau được nữa?
Đừng nói bỏ tôi làm chi, tự mình tách ra thôi. Hai từ trường khác nhau thì không thể nào ưa nhau được. Nói rằng "đồng thanh tương ứng". Nếu họ đi con đường khác của mình đi, thì trước sau gì họ cũng bỏ mình. Thành ra những người bỏ tôi, thật ra họ không bỏ tôi, họ bỏ họ. Họ bỏ cái lý tưởng của họ, họ bỏ lời thề của họ, họ bỏ con đường danh dự, con đường đẹp đẽ mà họ đã chọn khi xưa, mà đi theo con đường tối tăm, con đường mù mịt khác. Con đường không có tương lai.

Dĩ nhiên mỗi người điều có sự chọn lựa của mình, không ai bắt buộc ai được cả. Cho nên khi truyền Tâm Ấn tôi không bắt buộc quí vị phải suốt đời đi con đường này đâu. Đâu bắt buộc đâu. Tôi chỉ khuyên vậy thôi. Khuyên là nên ở lại với con đường đẹp đẽ mà mình đã chọn. Chứ còn nếu mình đi đường khác là trật hết. Sau đó chúng ta cách biệt nhau. Thành ra những người nào bỏ tôi là quí vị biết. Thứ nhất là ăn mặn trở lại, thứ hai là phạm giới. Tự nhiên từ trường sẽ khác đi vì thân thể chúng ta biểu tượng cho những gì mình ăn vô.

Thí dụ mình ăn những thực phẩm có chất động vật, thực phẩm đó đã bị nhiễm độc bởi chất độc từ con vật tiết ra khi bị giết. Chúng ta cũng bị độc và bị bệnh. Đó là nói về vấn đề thân thể thôi. Còn phần tâm linh lại là chuyện khác nữa. Tâm linh của con vật khác với con người. Thực phẩm có chất rau quả ít có ý thức hơn, không giống như ở động vật lại quá mạnh. Vì động vật ham sống sợ chết, từ trường của nó mãnh liệt hơn.

Cho nên nó biết đi biết đứng, biết làm tình, biết thương, biết yêu, biết đánh nhau vì một con cái, con đực. Nó biết tranh giành cái tư sản của nó, chỗ ở của nó. Chứ cây cỏ đâu có tranh giành với nhau đâu. Nó đứng yên một chỗ. Nó thuộc về tĩnh vật hơn. Nó đứng yên. Nó chỉ nhờ gió đưa đẩy những bông hoa, những nhụy của nó, để có thể đom bông kết trái. Còn động vật nó phải động, chúng tự động tìm kiếm những con vật khác giống để sinh con đẻ cái. Rồi chúng có tính ghen tuông, tính chiếm hữu rất hung bạo. Những con vật nào ăn mặn thì còn bạo ác hơn nữa. Thí dụ như con voi, con thỏ, chỉ khi nào mình chọc quá phá chúng quá chúng mới tấn công mình. Còn những con cọp thì khỏi cần. Mình khỏi cần trêu chọc nó, nó đã làm phiền mình. Nó kiếm mình để cạp. Nếu không, chúng sẽ tìm những con vật khác. Thí dụ vậy.


Phẩm Chất Loài Vật Và Từ Trường Ảnh Hưởng Chúng Ta
Cho nên, bằng cách ăn thực vật, nghiệp quả của chúng ta sẽ nhẹ bớt. Ăn rau quả chúng ta không lấy những sự hung bạo như ở thực phẩm có chất động vật. Thì bây giờ những con vật, vì từ trường của chúng, sự cấu tạo của chúng là con vật, nên nó mới làm vật. Sự thông minh của chúng khác với con người. Tình cảm của nó, phản ứng của nó khác con người, bởi vì nó chỉ là loài vật. Do đó, con vật nó có cơ cấu của nó, có từ trường của nó, có đẳng cấp của nó riêng. Và nếu mình ăn nó vô tức là mình hòa chung nó với mình. Ăn nhiều quá, phẩm chất động vật sẽ nhiều hơn con người, thì mai mốt mình phải làm con vật thôi. Điều này quá rõ ràng cần gì phải mê tín dị đoan; cần gì phải nói Phật giáo nói có nhân có quả, lúc này làm con này lúc kia làm con khác.

Thí dụ bây giờ một ly nước trong, không có gì hết. Rồi quí vị nhỏ vào vài giọt mực và nước vẫn thấy trong. Nhưng nếu quý vị cứ tiếp tục bỏ bốn, năm, sáu, bảy giọt vô, thì một hồi cũng thấy đen như mực vậy. Nó đã thấy thành mực rồi, vì nhiều giọt mực đã nhỏ vào đã khiến nó thành mực luôn. Chúng ta có thể viết với mực này được. Vì tính chất mực khác với nước.

Nếu bây giờ chúng ta ăn nhiều thực phẩm động vật quá, sau này mình cũng thành động vật luôn. ít ra cũng giống 80%. Mà chừng 70% là chúng ta có thể làm vật được rồi. Vì tỷ lệ động vật nhiều hơn tính chất người. Thí dụ chất người 60, 70% mình làm người, nhưng mà người hơi giống vật. Cho nên quí vị thấy nhiều người có phẩm chất con vật. Họ không có những đạo đức của một con người. Chúng ta có thể kêu rằng, ông này bà nọ giết người cướp của, gạt gẫm người ta, nói láo như ca hát hằng ngày vậy. Nó trở thành một tật xấu. Đó là người với quá nhiều phẩm chất loài vật.

Đồng thời, cũng có những con vật, tuy là loài vật, nhưng nó có sự thông minh trí huệ, có tình cảm cũng hơi hơi giống con người. Đó là cái tính người của nó. Nó có nhiều hơn ở những loài vật khác. Với 80% thú tính, chúng sẽ hành động giống loài vật hơn loài người. Lại có những con vật có 40% hay 45% nhân tính, sẽ nửa người nửa vật. Vì thế Chúng ta thấy chúng rất thông minh, rất tình cảm. Là thế đó.

Còn có những người mà giống con vật tại vì họ huấn luyện họ biến như vậy. Họ học theo cái tính của con vật. Họ không kiềm chế được thú tính của mình. Họ tích lũy ngày này qua ngày khác, một ngày nào đó trở nên quá nhiều nên hiển nhiên là làm một con vật. Dù họ có là người đi nữa thì cũng không giống người bao nhiêu. Không có nhân cách của một con người tốt. Không biết xấu hổ khi làm chuyện gì bậy bạ.

Bây giờ quý vị đã hiểu rồi (vỗ tay). Không phải tôi bắt quí vị giữ điều này giới nọ. Kkông phải. Đó là những lời khuyên thôi. Trí huệ, những cách tu hành bí mật xưa tới giờ, của những minh sư để lại. Luật tiến hóa trong trời đất là như vậy. Nếu biết luật trời đất thì mình sống một cách dễ dàng. Không phạm luật thì mình không có sợ bị trừng phạt. Vậy thôi.

Cũng như mình sống ở Mỹ thì mình phải biết luật lệ của nước Mỹ. Lái xe bậy bạ là bị cảnh sát bắt hoặc treo bằng cả năm, thí dụ vậy. Mình đã biết mà mình cũng phạm, nhiều khi mình có thể thoát được, nhưng cũng khó. Một hai lần còn tránh được, nhưng làm hoài thì nó thành thói xấu, một ngày nào mình sẽ không tránh khỏi được nữa.


Tự Kiểm Điểm Để Có Thể Làm Thầy Chính Mình
Khi nào mình phạm giới gì đó, mình phải đứng dậy liền thì ít ra mình chỉ có phạm giới trong đầu thôi, không phải thể xác. Phạm về thể xác thì hết thuốc chữa. Đừng nói là tôi khó khăn với quý vị. Không phải vậy đâu. Quí vị muốn làm gì đó thì làm, đời sống của quí vị mà. Tự do chọn lựa. Nhưng cần biết rằng sự chọn lựa nào cũng có hậu quả của nó. Đừng tưởng tôi chọn cái này là tôi ngon, tôi tự do. Không phải, không phải tự do. Mình có thể tự do giết người, cướp của, nhưng mình cũng sẽ được tự do đi tù (vỗ tay).

Trong trời đất này không ai cấm ai được, vì ai cũng là một vị Phật, là một phần của Thượng Đế cả. Cho nên không ai cấm ai được. Nhưng chúng ta phải biết phẩm chất Thượng Đế của mình, Phật tính của mình. Mình phải sống theo tiêu chuẩn của Phật, của trời, thì mình mới trở về được. Kiềm chế mình, mình mới làm chủ mình được. Làm thầy, không phải làm thầy người ta, làm thầy mình mới là khó. Làm thầy người ta dễ quá.

Từ xưa tới giờ mỗi vị Minh Sư khai ngộ đều trở nên làm thầy cho chính mình hết. Tự làm thầy cho chính mình rồi tự nhiên những người khác họ mới bị hấp dẫn, họ mới đến bởi vì cái từ trường của mình. Họ chỉ đến vì lực lượng của người đã làm thầy được chính mình. Chứ bây giờ mình cứ nói tràng giang đại hải cũng không ai tin mình đâu. Tại hành động mình lớn tiếng hơn lời nói của mình. Emerson, một triết gia của Mỹ nói: "Những chuyện anh làm nói lớn quá thành anh nói gì tôi không nghe được gì hết."

Quí vị thích tôi bởi vì quí vị thích quí vị. Quí vị thích quí vị được trở thành như vậy. Cảm thấy như vậy mới đúng như điều mình mong muốn cho đời sống của mình. Cho nên thích là thích cái tánh của người đó, chứ không phải thích cái người này. Thích những gì người đó làm, thích những gì người đó đại biểu. Vậy đó. Cũng như mình yêu một người nào đó, có thể là mới đầu là mình bị hấp dẫn bởi hình dáng của người đó, nhưng sau này sống với nhau lâu rồi, bị hấp dẫn hơn là do tình nghĩa của người đó. Bị hấp dẫn vì tình nghĩa của người đó, vì cách sống của người đó, vì nhân phẩm của người đó, chứ không phải vì cái hình dáng nữa. Hình dáng coi hoài cũng quen, có đẹp mấy nhìn hoài cũng chán (vỗ tay).





http://www.SupremeMasterTV.com