PDA

View Full Version : Khảo một chữ ôm - Thanh Gương



delta
01-25-2008, 06:00 PM
Khảo một chữ ôm

Thanh Gương

Từ vựng tiếng Việt có chữ ôm.
Tự điển ghi rằng đó là một động từ, dùng để chỉ hành động dùng hai tay vòng qua để giữ vật gì đó, hay người nào đó, sát vào lòng, vào người. Thí dụ: hai tay ôm cột, ôm chặt cái bao, người cha ôm con vào lòng, chàng và nàng ôm nhau …
Thường thường, ít nhiều hai đối tượng cũng phải "chịu đèn" với nhau rồi thì mới ôm được, còn không thế nào cũng sinh sự: nhỏ chuyện thì ăn tát, lớn chuyện thì ra phường ra quận, tệ hại hơn, ôm nhầm vợ người khác có khi phải ôm đầu máu về nhà.
Nhưng cuộc đời còn lắm rắc rối, hành động ôm cũng tuỳ chỗ và tuỳ cường độ mà có thể được chấp nhận hay không. Giữa chốn thanh thiên bạch nhật, cha mẹ ôm con ông bà ôm cháu thì hổng ai nói gì, trai gái có ôm nhau tí tí… thiên hạ cũng bỏ qua, chứ mà tăng cường độ ôm như… rắn ôm cây.. thì thế nào cũng bị dị nghị… Ở mấy xứ đạo Hồi còn tệ hơn, trai gái, dù là vợ chồng, ngoài đường ngoài ngõ cũng hổng được ôm nhau, nếu không thì có mà… ốm đòn.
*
Nào đã hết, động từ ôm ngoài nghĩa đen kể trên còn có nghĩa bóng, để chỉ một một trạng thái nội tâm. Thí dụ như hắn ôm hoài bão có ngày sẽ nổi tiếng hay cô ấy ôm giấc mơ lên xe hoa. Khi bị cho đi tàu bay giấy thì chàng ôm một mối hận tình. Nàng lỡ gặp sở khanh thì có khi phải ôm bầu tâm sự. Còn chàng không tiền tài danh vọng thì có khi nàng ôm cầm sang thuyền khác. Hễ thương nhau lắm mà hổng lấy nhau được, thì mối tình ôm xuống tuyền đài. Thề thốt để giữ kín chuyện cho ai thì nói sống để bụng, chết ôm theo…
Chữ ôm còn được dùng để diễn tả những chuyện xã hội loại trong nhà ngoài ngõ. Thí dụ thời này nghe nói mấy quan lớn hay có màn ôm tiền chạy mất, để người dân mếu máo dở khóc dở cười. Hay lại nghe nói là mấy vị tài không cao mà đức cũng không cao nhưng lại hay ôm ghế.
Chữ đồm, nói một mình hổng có nghĩa gì hết, nhưng nếu đi theo sau chữ ôm… thì lại có chuyện. Chẳng hạn như chồng khoái tham gia chuyện hội hè, bè bạn, kiểu "ăn cơm nhà vác ngà voi" thì hay bị vợ than là ôm đồm lắm chuyện. Nhưng nào đã có sao. Chỉ tội là có nhiều vị quan liêu, khoái nhiều chức tước (và bổng lộc) nắm đủ thứ quyền hành mà làm không nổi, thì dân nó cũng kêu là ôm đồm. Cái này mới đúng là lắm chuyện.
*
Kể từ cuối những thập niên 70 về sau, ở Việt Nam, chữ ôm, vốn là động từ, lại có thêm vai trò tính từ. Trong vai trò này chữ ôm đứng sau một danh từ nào đó thường chỉ để "quảng cáo" một thứ dịch vụ rất đặc biệt dành cho mấy đấng mày râu.
Đầu tiên là chuyện uống bia. Chữ bia tiếng Việt lấy từ phát âm chữ beer của tiếng Anh để chỉ một thức uống có lượng cồn, uống ít không sao, nhưng uống nhiều thì… xỉn. Dân nhậu gặp nhau thì… mở bia, đi uống bia, đi mua bia, đi lấy bia… Tất cả toàn là những câu chữ rất bình thường để chỉ những hành động cũng rất bình thường. Bia vàng, bia đen, bia đỏ, bia hơi, bia Tây, bia Tàu… đủ thứ loại bia, thứ nào cũng được…

Nhưng độc đáo nhất là bia ôm.
Chữ ôm ở đây tuy chỉ là tính từ, danh chánh ngôn thuận thì bia vẫn là chính, còn ôm chỉ là chữ phụ. Nhưng có mấy ai muốn uống bia thực sự mà lại đi kiếm… bia ôm? Từ đó suy ra, ôm mới đúng là cái mục tiêu của sự việc, còn bia chỉ là cho có mà thôi.
Có nhiều anh cứ chiều chiều là đi bia ôm, bỏ vợ bỏ con. Quan to chức lớn tha hồ mà bia ôm. Các bậc doanh nhân thời nay muốn cho công việc êm xuôi thì cũng phải kéo nhau đến bia ôm. Mấy chị có chồng sống ở nước ngoài, mỗi khi "thả" chồng về Việt Nam thăm cha mẹ thì sợ nhất là mấy ổng hay lạc đường vô mấy quán bia ôm. Mấy anh du khách nước ngoài nghe đồn cũng ráng đến Việt Nam để đi bia ôm. Chung quanh bia ôm là cả một thành phần kinh tế sống nhờ vào nó. Phụ nữ tới tuổi lao động, không tìm ra công ăn việc làm, hay ở thôn quê cơ cực sống không nổi (nhất là khi không còn đất làm ruộng) thì "tự do" nhảy vô thị trường bia ôm. Thời buổi kinh tế khó khăn, thương mãi toàn cầu cạnh tranh ráo riết, các đơn vị kinh tế hay thì sống, dở thì chết, nhưng đặc biệt là ngành bia ôm lúc nào cũng hưng thịnh. Ngay cả những năm bao cấp đen tối của đất nước, lại thêm cấm vận, kinh tế ngành nào cũng điêu đứng, thế mà thời đó quán bia ôm vẫn mọc lên như nấm. Nghe thì nghịch lý, nhưng thực ra là rất hợp lý. Nghề bia ôm là nghề… không vốn, cứ bán cho đến khi nhan sắc phai tàn…
*
Từ đó, thấy bia ôm làm ăn được, thiên hạ nhảy ra ôm đủ kiểu: nào là tắm ôm, ngủ trưa ôm, xi-nê ôm, hớt tóc ôm, gội đầu ôm. Thiệt tình mà nói, tắm ôm, ngủ ôm, xi-nê ôm… nghe còn lọt lỗ nhĩ, nhưng đến hớt tóc ôm hay gội đầu ôm … thì rõ ràng là chữ ôm đã hoàn toàn biến tướng. Làm sao có thể hình dung ra được cảnh một cô vừa cầm tông-đơ hớt tóc vừa ôm khách cho được? Hay có ai đi hớt tóc mà cứ ôm người thợ hớt tóc đâu? Đến nỗi có nhiều anh đầu trọc mà tuần nào cũng đi hớt tóc với lại gội đầu.
Dịch vụ ôm ăn sâu rộng vô các thành phần kinh doanh đến nỗi sau này còn nghe nói chuyện xe đò ôm. Chẳng hạn đi xe đò từ Sài Gòn ra Hà Nội phải mất hơn một ngày, lại có thêm chặng đường phải ngủ đêm đâu đó. Ngồi trên xe đò lắc lư cả ngày, ngó sông ngó núi mãi cũng chán, buồn chết đi được. Thế là nẩy ra dịch vụ xe đò ôm. Anh mua vé leo lên xe, vừa để gói hành lý lên trên kệ thì đã có một cô trẻ đẹp, ăn mặt thoáng mát, nước hoa dồn dập, ánh mắt long lanh, môi hình trái tim mỉm cười túm tím e lệ, leo lên xe ngồi kế chỗ… Xe lắc lư chuyển bánh, và cô gái cũng bắt đầu nhoẻn miệng nhìn anh tươi cười lắc lư bắt chuyện…
Từ các khu ngoại ô thành phố hay từ các vùng thôn quê còn biết bao nhiêu phụ nữ không nghề không nghiệp là cả một lực lượng lao động dự trữ khổng lồ cho mấy ngành "ôm". Cứ điệu này, không chừng mai kia mốt nọ thiên hạ dám cho đẻ ra những nghề mới như câu cá ôm, đi săn ôm, máy bay ôm (lời bàn của nhện: khi đạt được đến đây thì ta đã hội nhập hoàn hảo với thế giới rồi. Phải có nhiều đại gia đi mây về gió thì mới có "escort girls" được, có dễ đâu)…
*
Phải công nhận tiếng Việt là một thứ ngôn ngữ rất tượng thanh tượng hình. Bia ôm, tắm ôm, ngủ ôm, xi-nê ôm, hớt tóc ôm, gội đầu ôm, xe đò ôm … Nói cho cùng vẫn chỉ là một thứ dịch vụ… xưa như trái đất, năm châu bốn bể đâu mà không có. Thế nhưng chỉ có tiếng Việt mới có chữ ôm biến tướng thành ra như vậy. Ra nước ngoài mà nói embracing-beer, embracing-sauna, embracing-haircut, hay embracing… gì gì đi nữa, đố thiên hạ biết anh muốn nói cái gì???

Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời

Mẹ hiền ru những câu a ời…

Nhưng biến tướng của chữ ôm trong tiếng Việt hôm nay cũng làm cho người ta đau xót. Các quan càng cứ ôm đồm thì dân càng khổ. Nhất là những bậc cha mẹ nghèo khổ có con gái mới lớn, mà nếu không đủ vốn hay "quen biết" để xoay sở một chỗ làm… phải ôm để sống.

Chừng nào mới hết cảnh phải ôm mới sống được? Chừng nào đa số những người lao động lương thiện đều có thể có được một công việc không những đủ kế sinh nhai, mà còn cho họ giữ được nhân phẩm của mình???

:alert: