PDA

View Full Version : Lê Uyên Phương - kicon



delta
01-23-2008, 11:21 AM
Lê Uyên Phương

http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/LP1.jpg

Lê Uyên Phương là bút hiệu người nhạc sĩ ghép từ tên chung của vợ (Lê Uyên) và tên mình (Phương). Ông tên thật là Lê Văn Lộc (Còn có tên là Lê Minh Lập). Sinh ngày 2 tháng 2 năm 1941 tại Ðà Lạt, Việt Nam. Bắt đầu viết nhạc từ năm 1960.


Từ Đà Lạt đến, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã đem một luồng gió mới đến cho âm nhạc miền Nam vào những năm mà cuộc chiến bước vào thời kỳ khốc liệc qua các bài hát song ca cùng người vợ trẻ Lê Uyên. Giới trẻ sinh viên, học sinh đã đón nhận cặp song ca này nòng nàn.

Vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ, ngoài sáng tác âm nhạc, Lê Uyên Phương còn viết văn và làm thơ.

Mất tại nhà thương UCI, quận Cam, tiểu bang California, Hoa Kỳ ngày 29 tháng 6, 1999, lúc 2:45 Pm vì bệnh ung thư phổi, hưởng dương 59 tuổi. Ông ra đi trong niềm luyến tiếc của mọi người yêu âm nhạc.

Tác phẩm đã xuất bản:
Nhạc:

Khi Loài Thú Xa Nhau (1970)
Yêu Nhau Khi Còn Thơ (1971)
Biển, Kẻ Phán Xét Cuối Cùng (1980)
Và một số tập nhạc đã hoàn tất, chưa ấn hành:

Uyên ương Trong Lồng (1970-1972)
Bầu Trời Vẫn Còn Xanh(1972-1973)
Con Người, Một Sinh Vật Nhân tạo (1) (1973-1975)
Con Người, Một Sinh Vật Nhân tạo (2) (1973-1975)
Trại Tỵ Nạn Và Các Thành Phố Lớn (1979-1983)
Trái Tim Kẻ Lạ (1987-1988)
Lục Diệp Tố (1977-1990)
Văn:

Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles (truyện, tùy bút Tân Thư 1990)

delta
01-23-2008, 11:22 AM
Phụ Lục: Các bài viết về Lê Uyên Phương

VỚI LÊ UYÊN PHƯƠNG VÀ ĐÀ LẠT

Nhà văn Song Thao

Đoạn viết thêm, 36 năm sau: Bài “Với Lê Uyên Phương và Đà Lạt” dưới đây đã được đăng trên bán nguyệt san Thời Nay, số 266, phát hành ngày 15 tháng 11 năm 1970 tại Sài gòn. Khi sinh thời, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã nhiều lần nói với tôi là anh rất thích bài này và vẫn nhớ từng chi tiết trong bài viết. Tôi nghe anh nói vậy mà hết sức thẹn thùng vì chính tôi không còn nhớ một chút gì về nội dung bài do chính mình viết. Mới đây, ca sĩ Lê Uyên đã điện thoại cho tôi hỏi xin bài này để dùng trong một cuốn hồi ký. Tôi đã cố công tìm kiếm bằng cách nhờ nhiều người tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại. Và tôi hết sức vui mừng khi Bác Sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc, tức nhà văn Ngọc, hiện sống tại New York, một độc giả nhiệt thành của Thời Nay, sau rất nhiều công phu vất vả, đã tìm ra được bài này và gửi nguyên bản cho tôi. Nhân dịp phổ biến bài báo xưa này tại hải ngoại, tôi xin cám ơn nhà văn Ngọc về thịnh tình của cô.
06/2006

Căn gác xép rộng nhưng thấp. Muốn đi phải cúi đầu xuống. Bên ngoài, những bông hoa trạng nguyên màu đỏ đung đưa lả lơi. Sàn gỗ bóng loáng. Vách và trần được sơn đều màu tím hồng. Một chiếc màn voan trắng mỏng treo giữa hai cây cột. Chiếc nệm đặt ngay trên sàn. Tủ sách gồm những cuốn tiếng Anh, Pháp và Việt. Bàn viết nhỏ bừa bộn những giòng nhạc viết dở dang. Đó là nơi Lê Uyên Phương trở về sau những tháng ngày mệt mỏi ở Sài-gòn. Anh như một con thú trốn chạy ánh đèn màu. Không bao giờ quen được không khí phòng trà mặc dù trước đây đã từng chơi nhạc cho các hộp đêm. Đà lạt đối với anh như một chốn nghỉ ngơi. Đúng hơn như một thánh địa. Cái xứ sở có một khí hậu kỳ quái mang mang làm khắng khít tình yêu và làm xót xa những tâm hồn đơn lẻ. Trời cuối tháng mười lành lạnh. Phi cảng Liên Khương âm u trong bóng chiều tà. Lê Uyên Phương, với cây đàn trong tay, như muốn ôm lấy Đà Lạt sau vài tháng cách xa. Anh ngửa mặt suýt soa. Dễ chịu quá! Đang hát mỗi đêm tại Queen Bee và Ritz, mỗi nơi bốn ngàn đồng một đêm trình diễn, anh đã bỏ hết để trở lại Đà Lạt thần bí. Sống ở Sài Gòn tôi chịu không được. Không viết được một dòng nhạc nào cả. Tôi gần điên lên. Kiếm được chút tiền về sống vài tháng đã.
Chuyến này anh về Đà Lạt một mính để hoàn tất tập nhạc Thở Hơi Dã Thú. Người nữ của anh ở lại Sài Gòn. Một giờ trước đây hai vợ chồng đã bịn rịn chia tay nhau như không muốn rời tại cửa ra phi đạo Tân Sơn Nhất. Tình yêu của họ chất ngất ngút ngàn. Họ chia nhau cả cái tên. Lê Uyên Phương là biệt hiệu của Lê Văn Lộc. Nay anh chia bớt cho người yêu một nửa. Nàng nhận hai chữ đầu Lê Uyên. Chàng dùng chữ cuối Phương. Tôi hỏi đùa anh cho mượn hay cho đứt. Cho đứt chứ! Cuộc đời mình còn cho nữa là cái tên. Lê Uyên tên trong khai sanh là Lâm Phi Anh. Thời hát ở Đà Lạt lấy tên Cẩm Thúy. Chuyện tình của họ cũng dài và rắc rối không kém gì câu chuyện của những cái tên.
Trước hai ly trà nóng, người thanh niên có mái tóc chải ép sát xuống trán, chiếc miệng rộng hơi nhô ra, hàng râu mép lưa thưa, ngồi kể lại chuyện đời mình. Sinh trưởng tại Đà Lạt, năm nay anh đã 29 tuổi. Năm 20 tuổi anh bắt đầu đặt nhạc. Những ngày lưu lạc từ Pleiku, Ban Mê Thuộc, Quy Nhơn tới Nha Trang, anh đã sống một đời cực nhọc thiếu thốn. Dạy học, làm dinh điền, đi hát để kiếm sống. Năm 1965 anh mới thực sự trờ lại sống luôn ở Đà Lạt. Một năm sau, chuyện tình của họ bắt đầu. Phương có trí nhớ thật ngắn ngủi. Tôi không nhớ được lời nhạc do chính mình sáng tác nhưng bà xã thì thuộc lời lắm. Khi hát anh phải hát theo vợ. Và đến câu chuyện tình của chính mình cũng chỉ nhớ loáng thoáng. Anh với tôi phải tìm những cái mốc thời gian một hồi mới xác định được là họ đã chính thức thành hôn vào tháng 11 năm 1968. Bậy quá hà! Sao mình không nhớ được gì hết! Anh vỗ trán than trách. Hồi đó Phi Anh từ Sài Gòn lên Đà Lạt học. Ở nội trú tại trường Virgo Maria. Nàng có người bà con ở gần nhà anh. Anh chỉ chỉ tay nói. Ở bên đây này. Căn phòng của anh ở đường Võ Tánh và tay anh chỉ về phía hồ Xuân Hương. Nàng quen em gái anh và thỉnh thoảng vẫn lui tới nhà. Lúc đầu nói chuyện thường thường rồi sau anh trở thành “cố vấn” của nàng. Nàng hỏi ý kiến anh đủ thứ chuyện kể cả chuyện yêu đương nhăng nhít. Họ yêu nhau lúc nào không biết. Tôi hỏi anh ngỏ tình yêu ở đâu. Trên đồi! Đà Lạt có những ngọn đồi mộng mơ cho những kẻ yêu nhau quấn quít. Một chiều xuân đê mê gối chăn còn ấm da nồng. Tình dài đâu anh ơi đứt dây hững hờ. Một lần vui cho nhau để sầu muôn kiếp gối đầu trên bờ vực sâu đớm đau (Ngồi Lại Trên Đồi).
Chuyện tình của họ đòi đoạn đớn đau. Gia đình nàng không chấp nhận. Họ mê say trong trốn chạy. Hồi Việt Cộng tấn công đợt hai vào tháng 5 năm 1968, hai người sống ở Sài Gòn. Họ không có một chỗ gặp gỡ nhau. Suốt ngày hai người ngồi trong sân nhà ga Sài Gòn. Thỉnh thoảng họ phải làm bộ ngoắc tay những hành khách ngồi trên xe ca của hãng Hàng Không Việt Nam cho ra vẻ ngồi chờ người nhà. Mỗi ngày chỉ có một mẩu bánh mì nhỏ trong bụng. Họ sống như vậy một tháng trời. Tình yêu của họ được kết hợp bằng những ngày không có nhau. Chính những ngày xa cách nhớ thương là thời gian anh sáng tác nhạc. Những bản nhạc đang dần dần quen thuộc với mọi người được kết tinh trong sự nhớ thương đó nên nặng mang sự chia phôi. Mười hai bài trong tập Khi Loài Thú Xa Nhau được viết trong thời kỳ này. Nó không còn mang tình yêu thơ mộng, tình yêu trong trí tưởng, thật xa và thật huyền diệu như mười bài trong tập Yêu Nhau Khi Còn Thơ được sáng tác trong thời kỳ trước đó khi chưa gặp Lê Uyên.
Tiếng Lê Uyên và Phương từ chiếc máy cassette quấn lấy nhau vọng ra. Giờ này còn gần nhau. Gần thắm htiết trong mối sầu. Gần bối rối biên giới từ lòng đau. Giờ này còn cầm tay. Cầm chắc mối duyên bẽ bàng. Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng. Cầm giá buốt thương đau. Ngày mai ta không còn thấy nhau… Lệ ngập ngừng bờ mi. Giọt nước mắt lăn nỗi buồn. Giọt nước mắt xa cách vời vợi trông. Giờ này còn nhìn nhau. Nhìn đắm đuối như suối bền. Nhìn suốt kiếp như chết mòn. Nhìn hấp hối thương đau. Ngày mai ta không còn thấy nhau (Cho Lần Cuối). Anh khẽ bảo tôi chính vì bài này mà người ta đồn là anh sắp chết. Bệnh tật của anh đã trở thành huyền thoại. Người ta bảo là anh chỉ còn sống được một năm nữa. Người ta đồn là vào năm 1972 anh sẽ chết. Tôi đã định hỏi về những chuyện này từ lâu nhưng thật khó bắt đầu. Lợi dụng cơ hội này tôi hỏi kỹ càng. Anh đưa bàn tay trái cho tôi coi. Trên lưng ngón tay trỏ nổi lên một cục bằng trái cà chua nhỏ đỏ au và mòng mọng. Những đường gân máu chạy nổi thấy rõ. Bác sĩ cũng chưa thể định là bệnh gì. Bây giờ nó đã nổi thêm trên mấy ngón khác và một vài chỗ trong người. Muốn chữa bây giờ chỉ có thể cắt ngón tay này nhưng tôi chưa muốn cắt. Anh xác nhận là những bài ca viết về sự chia phôi không phảo là do bị ám ảnh bởi cái chết nhìn thấy trước mà do sự rắc rối và xa cách của mối tình đẹp nhất đời anh và khi được hạnh phúc anh luôn luôn sợ ngày nó sẽ hết. Người nghệ sĩ không những sống cho mình mà còn thông cảm được với cuộc sống của những người khác. Anh đã nhìn thấy cái chết và đã nghĩ nhiều về cái chết. Dân Đà Lạt vẫn chưa quên vụ án mạng vì tình ở quán Tình Nhớ. Người con gái duyên dáng đã nằm xuống với những viên đạn trên người. Phương đã nhìn thấy đám tang, nghĩ về cái chết. Cuộc đời đó qua như ngày đông. Phòng lạnh giá môi xô nụ hôn. Người nằm đó xin cho được yên. Còn tìm đâu áo mát thanh xuân ấp hơi nồng trên da thịt đầy. Còn tìm đâu gối thắm đê mê, còn gì đâu. Tình tình ơi đã chết trong mơ, sống bên ngoài như qua mộng hờ. Đành vùi sâu số kiếp không đâu, còn lại đây khối trơ tình sầu (Đưa Người Tuyệt Vọng). Người con gái khiến anh sáng tác bản Tình Khúc Cho Em chỉ là mối tình mê đắm của cô nàng với bạn anh mà anh chỉ tham dự như một vai trò bất đắc dĩ. Cho em môi hôn vội vàng. Cho em quen ân tình sâu. Dù em không mong dài lâu. Xin cất lấy ước mơ đầu. Xin cho yêu em nồng nàn dù tháng năm buồn vui bàng hoàng. Vì đâu mê say phồn hoa, như áo gấm sáng lóng lánh, ôm rách nát không tâm linh, ôm tiếng hát không hơi rung nghèo nàn. Còn yêu chi hoa ngày xanh héo hon vì mong manh bỏ quên lại người sau ngỡ ngàng. Thương em khi yêu lần đầu. thương em lo ân tình sau, dù gương xưa không được lau, soi lấy bóng mối duyên sầu. Cho tôi yêu em nồng nàn dù biết yêu tình yêu muộn màng (Tình Khúc Cho Em).
Bệnh tật đối với anh phải là một nỗi ám ảnh không rời nhưng chính cái ngón tay tội nghiệp đó đã cản trở nhiều cho nghề nghiệp của anh. Năm 11 tuổi anh đã học vĩ cầm với Giáo sư Francois Régor, người Ý, lúc đó đã 80 tuổi. Anh chơi vĩ cầm rất khá nhưng nay đã phải bỏ hoàn toàn. Tôi nhìn hộp vĩ cầm đóng bụi nằm trên giá sách. Anh ngồi cúi mặt trầm ngâm. Tôi phá vỡ sự im lặng nặng nề bằng cách hỏi về số lợi tức kiếm được khi cho thâu cuộn băng 12 Tình Khúc Lê Uyên Phương. Tôi được chia 50% tiền lời. Tới bây giờ đã thu được 100 ngàn đồng. Tôi với tay lấy cuốn sách hình trẻ con nhỏ xíu và ngạc nhiên khi thấy nhiều cuốn sách loại này trên chiếc giá bằng sắt xinh xắn. Tôi có một cháu bé hai tuổi nhưng sách hình này để cho bà xã coi. Bà ấy thích coi hình lắm. Người nữ ca sĩ 20 tuổi nhưng có khuôn mặt từng trải lại mang một tâm hồn hết sức trẻ thơ. Nghe cái giọng khàn khàn khắc khoải của Lê Uyên không ai nghĩ tới cái sở thích vô tội như vậy. Bà xã mình hát nhạc của mình hợp ghê hả? Kỳ vậy chứ! Nhạc của anh đến trong đầu anh thật bất ngờ. Anh cố gắng tả cho tôi thấy là có những lúc tự nhiên anh nghe thấy rõ ràng cả một câu nhạc trong đầu. Như lần anh đi hội chợ Domaine de Marie. Mỗi năm hội chợ này được tổ chức trên một ngọn đồi đẹp dễ sợ. Khi anh đang đứng trong hội chợ vào một đêm mùa đông thì anh nghe được điệu nhạc và vội chạy về ghi lại. Tới hai giờ sáng, nghĩa là 5 tiếng đồng hồ sau, anh hoàn thành bản Đêm Chợ Phiên Mùa Đông.
Tập nhạc Thở Hơi Dã Thú mà anh định hoàn tất trong chuyến trở về Đà Lạt lần này sẽ bắt đầu bằng bài Vũng Lầy Của Chúng ta. Đây là bản nhạc anh đã thai nghén trong nhiều năm trời. Anh nghĩ về trách nhiệm khi đón nhận hôn nhân. Anh tự hứa là phải viết nhưng nhiều năm trôi qua bản nhạc mới được ghi những dòng cuối cùng. Theo em xuống phố trưa nay, đang còn ngất ngất cơn say. Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau. Cho nhau hết cả mê say. Cho nhau hết cả chua cay. Cho nhau chắt hết thơ ngây, trên cánh môi say, trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn tình buồn…Qua đi qua đi dứt cơn mê, tình buồn chồng chất lê thê. Qua đi qua đi dứt cơn say, tình này tình rồi thay. Ta sống trong vũng lầy một ngày vùi dần còn vùi sâu, còn vùi sâu trong ngao ngán không dứt hết cơn ê chề. Ta sống trong vũng lầy, một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu trong ngao ngán không dứt hết một lần đau.
Đà Lạt hoang sơ quyến rũ đã đưa anh trở về những rung cảm nguyên thủy của buổi hồng hoang. Không có Đà Lạt chắc khó có một thứ nhạc độc đáo Lê Uyên Phương. Mỗi ngày anh thức dậy từ sớm đi lang thang khắp núi đồi Đà Lạt tới khoàng nắng lên thì trở về nhà nghỉ. Khi mặt trời đi ngủ anh lại đi cho tới tối trở về ngồi vào viết tới sáng. Anh sẽ trở lại Sài Gòn khi Thở Hơi Dã Thú hoàn tất.
Trời cuối tháng mười lành lạnh. Tôi nhìn màu xanh Đà Lạt trong cơn mê ngủ quái dị. Em yêu dấu, anh một mình trở lại thành phố kỷ niệm này để lang thang trên những lối mòn đồi núi bị chặn lại bằng từng gốc cây ân tình. Anh như chênh vênh trong niềm hạnh phúc vẫn còn lãng đãng rơi rắc lại trên những ngọn cỏ non nớt. Trời Đà Lạt lạnh tê tái.


:idea:

delta
01-23-2008, 11:26 AM
VỚI LÊ UYÊN PHƯƠNG

Nhà văn Song Thao


Cả tuổi thanh xuân tôi mê đọc sách và có cái thú sưu tầm sách. Cho tới năm 1975, tủ sách của tôi đã gần hai ngàn cuốn. Đầu năm 1995, tôi trở về thăm nhà, tủ sách của tôi đã tiêu tan hết. May mắn chỉ còn một cuốn. Một tập nhạc. Nó còn sống sót được có lẽ chỉ vì lũ cháu con bà chị tôi còn thích tửng tưng gảy đàn. Tôi nhìn tập nhạc mà rưng rưng trong lòng. Chẳng phải vì nó tang thương quá lắm. Nhàu nát, quăn queo, nhiều trang đã được bện lại bằng những miếng băng keo nhuốm bụi. Nhưng vì nó là một kỷ niệm thiết thân của Lê Uyên Phương tặng tôi. Tập nhạc Yêu Nhau Khi Còn Thơ do nhà Quảng Hóa xuất bản năm 1970 được Lê Uyên Phương đề tặng như sau: Bản riêng tặng anh Song Thao, người đã cho tôi được thấy sự cảm thông tuyệt vời của một tâm hồn nghệ sĩ.
Sự cảm thông mà Lê Uyên Phương nhắc tới là một bài báo tôi viết về anh, bài Một Ngày Với Lê Uyên Phương, đăng trên tạp chí Thời Nay. Không hiểu sao anh rất thích bài báo này. Có lẽ vì tôi đã thực sự sống với anh một ngày tại căn nhà nhỏ bé nhưng vô cùng thân thiết và ấm cúng của anh tại Đà Lạt. Nơi đây anh đã trút hết tâm sự với tôi, những nghĩ suy, hoài vọng, khắc khoải, dự tính và ngay cả cuộc sống, bệnh tật. Cũng có lẽ vì tôi đã hứng thú viết ngay trong khung cảnh Đà Lạt. Của anh và của tôi. Anh ở với Đà Lạt, tôi đang níu Đà Lạt.
Hè 1995, tình cờ tôi gặp lại anh tại phi trường Dorval, Montréal. Tôi ra đón người thân từ Cali về, anh và Lê Uyên theo đoàn nghệ sĩ qua thu hình cho Asia. Đụng mặt nhau, chúng tôi ngớ ra nhìn sững nhau. Anh bật ra tên tôi. Chúng tôi mừng rỡ siết chặt tay nhau. Hơn hai chục năm không thấy nhau chứ ít ỏi gì. Chúng tôi vội vàng tách đám đông ra nói chuyện. Anh hỏi nhỏ khi chúng tôi chỉ một mình với nhau.
" Bà xã đi với anh có phải là người con gái ở Đà Lạt anh viết trong bài báo về mình không vậy?"
Tôi cười gật đầu. Anh thêm.
" Chuyện đẹp nhỉ! "
Tôi cười gượng. Lòng ngượng ngập khôn tả. Thực ra tôi đâu còn nhớ đã viết những gì trong bài báo đó đâu. Nhưng anh, anh vẫn nhớ. Chắc là nhớ rất kỹ. Tôi thì chẳng dám hỏi. Mặt mũi nào mà hỏi.
Tôi khoe với anh mới vừa may mắn tìm lại được tập nhạc anh tặng năm xưa và ngỏ ý muốn tặng lại anh. Anh từ chối. Của anh thì anh cứ giữ, cho lại mình cái photocopy lời đề tặng là được rồi. Tôi gửi cho anh tờ photocopy sau đó. Và chúng tôi nối lại liên lạc. Bằng điện thoại.
Tôi gặp Lê Uyên Phương lần đầu trên chuyến máy bay Air Vietnam từ Saigon lên Đà Lạt vào cuối thập niên 1960. Nhìn thấy anh ngồi một mình trên chiếc ghế trong góc cuối máy bay, tôi biết ngay là anh. Mái tóc đó, bộ râu đó, cặp mắt đó, sao mà lầm được. Tôi bước xuống tự giới thiệu, làm quen và ngỏ ý muốn phỏng vấn anh. Tôi đường đột.
" Anh đi một mình thôi sao? "
Gật đầu.
" Lê Uyên đâu? "
" Ở lại Saigon. Bận hát. "
" Một mình? "
" Ừ, một mình! "
" Hát nhạc của anh? "
" Không, cô ấy hát nhạc khác. "
Lặng im. Tôi thấy xót xa.
" Tôi nghĩ Lê Uyên chỉ nên hát nhạc của anh, với anh. "
" Tôi cũng nghĩ vậy. "
" Vậy tại sao anh để như vậy? "
" Kiếm sống ấy mà! "
Tôi đọc trên mặt anh sự chịu đựng. Cái khó bó cái khôn. Văn nghệ ít khi an bình sóng đôi với cái quay quắt của cuộc sống. Nó phải lùi một bước, chịu thua. Nhưng trong tôi, Lê Uyên và Phương vẫn cứ là một hình ảnh văn nghệ, thuần túy văn nghệ. Hát cho đời, cho người. Vui vậy thôi.
Nhạc của Lê Uyên Phương chỉ dành cho Lê Uyên và Phương. Ít ra tôi vẫn nghĩ như vậy. Người khác hát nhạc của Phương, nghe không đã, không phê. Thiếu cái man dã, thiếu cái nức nở, thiếu cái đam mê, thiếu cái ê chề. Chỉ có Lê Uyên và Phương mới đủ nồng nàn, đủ thiết tha, đủ tận hiến cho nhạc của anh. Mỗi lần hát, họ như một lần sáng tác lại. Mỗi lần nghe, người nghe như bắt được cái đam mê mới. Mặc sức mà thả hồn, mặc sức mà buông lỏng con tim.
Nghe Lê Uyên và Phương hát, dễ thấy sự khổ công của họ. Buổi sáng tinh mơ, mặt trời chưa thức giấc, nơi căn gác rộng trên căn nhà của gia đình Lê Uyên trong Chợ Lớn, tôi đã từng phen thấy hai người mồ hôi mồ kê nhễ nhại luyện giọng. Họ vươn cổ lên, hét ra những tiếng u u dài và cao. Cao đến nứt cuống họng. Cần cổ kéo đày gân, mặt đỏ gay, ngực như trút ra từng vũng hơi sức. Cái giá để giữ vững chỗ đứng trong lòng mọi người.
Trong một lần điện đàm với anh, tôi đã đốc thúc anh thu CD và vidéo để giữ lại giọng hát của hai người. Tôi đã xót xa khi thấy giọng của Phương đã yếu đi, giãn ra so với thời trẻ. Anh hứng khởi nói về những dự tính của anh. Phải làm trước khi quá trễ. Hè 1996, tôi có dịp qua Cali chơi, điện thoại cho anh. Số điện thoại tôi mang theo lại là số của Lê Uyên. Tôi xưng tên. Giọng Lê Uyên reo lên.
" Anh đang ở đâu vậy? "
" Ở Santa Ana đây. "
" Anh Phương ở dưới Long Beach. Để em cho anh số điện thoại của Phương. Anh rủ anh Phương rồi tụi mình rong chơi một bữa cho vui nghe! "
Đọc số điện thoại xong, Lê Uyên dặn.
" Nếu anh thấy anh Phương để answering machine thì anh cứ nói vào máy. Nghe giọng anh, anh Phương sẽ bắt liền. Anh ấy ở nhà nhưng bận làm việc, để máy, nghe giọng quen mới nhấc phôn lên nói chuyện. Hồi này anh ấy bận lắm. "
Tôi phân vân trước mười con số trên điện thoại. Nhấn ngón tay bấm thì dễ nhưng bấm rồi thì chắc Phương sẽ mất một ngày làm việc quí báu của anh. Chẳng nên. Để anh làm việc.
Ít lâu sau, CD Khi Loài Thú Xa Nhau ra đời kèm theo những hứa hẹn sẽ phát hành tiếp những CD khác. Nhưng chẳng biết những khó khăn nào chồng chất mà những hứa hẹn của anh vẫn chỉ là những hứa hẹn. Cho tới khi quá trễ. Chẳng thể nào trễ hơn được.
Những ngày Saigon còn chết mê chết mệt với nhạc Lê Uyên Phương, có những đêm tôi đã cùng Lê Uyên và Phương chạy quanh các phòng trà. Một cây đàn, hai khối đam mê, tôi đã nhìn thấy họ giữ nhịp thở người nghe như thế nào. Khung cảnh phòng trà vốn xô bồ đã thốt nhiên gọn ghẽ khi họ bước lên bục trình diễn. Hàng trăm hơi thở đã treo lên khi trên sân khấu Lê Uyên và Phương lặng yên chiêm nghiệm. Họ như hai tín đồ đang ngẩng lên trời cao dọn mình cho những lời kinh. Kinh tình yêu. Rồi đam mê cuộn lên với những ngón tay của Phương hừng hực đập vào đàn.
Vậy mà những ngón tay tài hoa đó đã buông xuôi.

Song Thao
Gió Văn,Gardland, Texas, số 3, tháng 8/2000
:idea:

delta
01-23-2008, 11:30 AM
Đọc Lại Lê Uyên Phương

“Hãy ngồi xuống đây, trên lưng cuộc đời,
thách đố thương đau”…
LUP

Tại sao không phải "nghe lại" mà là "đọc lại" Lê Uyên Phương (LUP)?

Nghe LUP thì nhiều người cũng đã từng nghe qua, từ các băng nhạc, đĩa nhạc, đến các sân khấu trình diễn. Thỉnh thoảng vẫn có những bài viết nhận định về nhạc LUP, về các buổi trình diễn, và cả về tính cách của người nhạc sĩ đã viết nên những ca khúc đó. Tôi đọc, có điểm đồng tình, có điểm vẫn còn chút nghi hoặc, và nói chung, vẫn có cảm giác thiêu thiếu một cái gì. Dường như vẫn có những điều chưa được nói đến, chưa được nói thật đầy đủ... Trong một lần tình cờ đọc lại cuốn sách cũ đó, cuốn sách duy nhất của LUP được in và xuất bản, tôi đã phần nào tìm thấy được những lời giải đáp, những câu trả lời. Ở đấy, trên những trang viết, là những nỗi niềm trăn trở, là những cảm xúc tràn bờ. Ở đấy còn là những bù đắp mà ngôn ngữ âm nhạc của LUP, dẫu có được thể hiện bằng những giai điệu đằm thắm, dẫu có cuốn hút người nghe tới đâu vẫn không chuyên chở hết được.

“Tôi muốn yêu, yêu cả cuộc đời”…

Đây chắc chắn không phải là một bài điểm sách... cũ. "Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles" (tập truyện và tùy bút LUP, nxb Tân Thư, 1990) không phải là một cuốn sách mới; tuy nhiên, nó vẫn cứ mới đối với những người chưa từng đọc nó bao giờ, hay chỉ đọc lướt qua trước đây. Nhiều cuốn sách còn cũ gấp bao nhiêu lần hơn thế nữa vẫn còn được người đời nhắc đến nhiều năm sau đó. Một bài thơ, một bài nhạc, một cuốn sách hay chẳng bao giờ cũ. Bài viết này không nhằm lập lại những điều đã từng được nói đến trước đây về LUP, người nhạc sĩ sáng tác và trình diễn ca khúc, mà chỉ muốn nói tới một LUP khác, một người viết văn đã có lúc phơi trải lòng mình lên những trang giấy.

Tôi đã gặp cuốn sách đó ngay từ những ngày đầu đặt chân lên đất nước này, nhưng thực tình là tôi đã không chú ý đến nó lắm. Tôi chỉ cầm cuốn sách lên, ngắm nghía cái bìa sách, rồi bỏ xuống. (Một trong những bìa sách đẹp nhất của Khánh Trường). "Anh chàng viết nhạc này bây giờ lại quay sang viết văn, làm thơ," tôi nghĩ. Thực tế cho thấy, một tác giả thành công ở một lãnh vực văn hóa nghệ thuật, khi nhảy sang một lãnh vực khác thường hiếm khi gặt hái được sự thành công tiếp theo. Sự tin tưởng vào thực tế ấy đã khiến tôi (và chắc là không ít người) có chút ân hận về sau này là đã bỏ lỡ cơ hội để hiểu thêm được về anh sớm hơn, để thấy được còn có những gì phía sau những đường kẻ nhạc, phía sau những ca khúc người nhạc sĩ đã hát lên bằng cả tâm hồn trước đám đông người nghe, những ca khúc một thời làm lay động lòng người. Mãi đến nay, tôi mới có dịp cầm lại cuốn sách đó, đọc lại từng trang, từng dòng, từng câu, từng chữ... Những dòng chữ vẫn nằm im trên những trang sách tự thuở nào, vậy mà tôi tưởng như mới được trông thấy lần đầu.

Có lẽ cũng nên nói qua ít hàng về nhạc LUP. Tôi nhớ đã từng nghe nhạc của anh từ lâu lắm, đâu từ những năm sáu chín, bẩy mươi thì phải. Giữa những năm mà loại nhạc trẻ, nhạc kích động ồn ào trên những sân khấu trình diễn, những ca khúc da vàng máu đỏ thi nhau rên rỉ, than vãn về thân phận đất nước, về quê hương chiến tranh trong những phòng trà, những quán café, thì dòng nhạc của anh lại lặng lẽ tách riêng một nhánh khác. Tình yêu trong nhạc của anh mang bộ mặt hoàn toàn khác lạ. Trong những lời nhạc của anh thuở đó, người ta nghe thấy những vũng lầy, những vực sâu, những cơn đau, những cơn say, những da thịt, những bàng hoàng, rồi sau đó là những ê chề, những héo hon, những vội vàng, những muộn màng... Khi tất cả những thứ đó trộn lẫn vào nhau, người nghe nhận ra được LUP. Tình yêu trong nhạc của anh vừa có những ray rứt, khắc khoải, lại vừa có những ngấu nghiến, hừng hực như vậy. Nhạc của anh không giống ai, và cũng không ai... giống anh. Cả lối trình diễn, cách thể hiện của Lê Uyên và Phương cũng đặc biệt, cũng không giống ai. Nghe Lê Uyên và Phương hát, ta nghe những tiếng hát đan quyện, quấn quýt, ôm riết lấy nhau, đeo bám vào nhau tưởng như không thể tách rời, không tài nào rứt ra được. Họ hát "hết mình", như thể chỉ hát cho họ, không phải hát cho khán giả, không biết tới khán giả trước mặt. Vậy mà khán giả vẫn tán thưởng, vẫn cứ chăm chú lắng nghe họ. Thật kỳ lạ. Và người nhạc sĩ đã làm nên những ca khúc ấy, anh là ai? Tôi luôn bị thôi thúc bởi ý tưởng muốn biết được những gì ở phía sau con người nghệ sĩ vẫn ôm đàn hát một cách say sưa mỗi lần xuất hiện trên sân khấu đó. Anh suy nghĩ ra sao? Con người thật của anh như thế nào? Cái gì đã làm nên những ca khúc của anh? Tôi vẫn cho là người ta khó mà có thể hiểu hết được tính cách con người đó nếu chưa từng đọc qua cuốn sách của anh (và những gì khác nữa anh đã viết, tôi không được rõ). Tất nhiên, không đơn giản đọc một cuốn sách là hiểu được một con người, nhưng dẫu sao qua những trang viết của tác giả LUP, độc giả của anh cũng "đọc" được ở người viết một đôi điều.

Cuốn sách ấy là một tập truyện và tùy bút. Tại sao lại "không có mây trên thành phố Los Angeles"? Bầu trời trong xanh lắm sao? Quả có như vậy. Trong một lúc nào đó, nhìn ra ngoài ô cửa, anh đã trông thấy bầu trời không gợn một chút mây nơi thành phố anh hiện đang sống, thật khác hẳn với cái "thành phố nhỏ nhoi đầy mây trắng và sương mù (1)" rất xa xôi trong trí tưởng của anh. Cái thành phố nhỏ nhoi mà đầy ắp kỷ niệm ấy vẫn luôn luôn ở một góc nào đó trong trái tim anh. Thực ra thì có gì khác nhau đâu giữa bầu trời này và bầu trời kia. Đâu cũng chỉ là một bầu trời. Khi thì trong vắt, khi thì dày đặc mây mù. Chỉ là anh tưởng tượng ra cái khác nhau đấy thôi. Có khác chăng là sự khác biệt giữa thành phố xa lạ mà anh đang sống và thành phố thân quen ngày xưa, nhưng thay vì nói về những khác biệt giữa hai thành phố đó, anh lại nói đến cái khác biệt giữa hai bầu trời để từ đó liên tưởng đến thành phố kỷ niệm của anh. Trong những dòng chữ anh viết luôn luôn thấp thoáng những nỗi niềm hoài niệm quá khứ. Hãy đọc thử một đoạn:

"Lúc đó hắn đang nhìn lên bầu trời của thành phố Los Angeles và chợt nhận ra là chưa bao giờ hắn nhìn thấy những đám mây trắng bay lượn trên đó như hắn đã luôn luôn nhìn thấy những đám mây trắng bay lượn trên thành phố nhỏ thân thuộc xa xôi của hắn...(1)"

Thành phố nhỏ nào vậy? Đó là thành phố với "những quán cà phê, những vũ trường, những thung lũng, những hồ, những đồi, những thác, những con đường dốc, những hàng thông xanh, những cánh đồng đầy hoa vàng, những con đường ngoằn ngoèo len lỏi giữa các biệt thự yên lặng, bí mật, trữ tình (1)". Đó chính là cái "thành phố đầy mây trắng và sương mù của hơn hai mươi năm về trước (1)".

Anh yêu biết bao thành phố ấy, yêu biết bao những mảng quá khứ ấy, như đã yêu biết bao những hình ảnh xa xưa của sân trường kỷ niệm, như đã thiết tha yêu cuộc đời, yêu loài người. Nỗi niềm thương yêu ấy từng được anh đưa vào trong câu hát:

Tôi muốn yêu. Tôi muốn yêu, yêu cả cuộc đời
Tôi muốn tin. Tôi muốn tin, tin cả loài người
như ngày xưa, yêu sân trường, lớp học
yêu thầy, yêu bạn, yêu anh, yêu em…
(Tôi Muốn Tin, Tôi Muốn Yêu Cuộc Đời)

Anh đã mơ mộng biết chừng nào, tâm hồn anh tràn đầy những ước mơ. Đó là tâm hồn gần gũi với thiên nhiên, hòa cùng tiếng đồng vọng của đất trời, của tiếng suối reo, của hơi gió thoảng, của cơn mưa bất chợt.

"Tôi nghe bầu trời, tôi nghe cây cỏ, núi đồi, tôi nghe xúc động trong tôi, tôi nghe xúc động trong người cùng lúc với những gì tôi nhìn thấy chúng (2)".

Tình yêu đôi lứa trong những bài tình ca của anh luôn luôn đan quyện với tình yêu thiên nhiên, với những trăng sao, nắng gió, mưa bão...

Ngày em thắp sao trời
chờ trăng gió lên khơi
mà mưa bão tơi bời
một ngày mưa bão không rời

Trên đôi môi thanh xuân
ướp hôn nồng bên gối đắm say
ánh sao trời theo gió rụng rơi đầy…
(Dạ Khúc Cho Tình Nhân)

Tình yêu như mật ngọt trong những câu hát đó. Tôi đã nghe lại tình khúc này bằng cảm giác lâng lâng, bằng rung động dạt dào đượm chất men tình ái. Nếu đời sống luôn luôn được vỗ về bởi những bài tình ca nồng nàn như vậy thì nhạc LUP quả là đáng yêu biết chừng nào, và người nhạc sĩ của chúng ta sẽ mang hình ảnh chàng "nghệ sĩ với cây đàn" đi gieo rắc những lời ngợi ca tình yêu cho người người khắp nơi, khắp chốn. Trong một truyện ngắn, LUP cũng đã bày tỏ điều này khi mượn lời người cha nói với đứa con để giải thích về ý nghĩa những buổi trình diễn của anh:

"Hình ảnh của ba má với cây đàn dưới ánh đèn màu và trong âm điệu đằm thắm của những bài tình ca đã gây cho khán giả cái cảm giác: tình yêu không phải là một ước mơ mà là một cái gì có thật. (3)"

Anh mơ làm loài chim hiền, hót mãi những lời yêu thương ngọt ngào, mang tin vui đến cho mọi nhà.

Tôi đang làm một con chim giữa đời
cất tiếng hát để đánh thức bình minh
những tiếng hát ngắn một giây đồng hồ
nhưng dài bằng cả cuộc đời…
(Cất Tiếng Hát Giữa Đời)


"Tôi muốn hát mãi những bài tình ca”…

Thế nhưng cuộc sống đâu có là những phút giây êm đềm, bình lặng. Đến một lúc nào đó, anh đã phải thất vọng khi lần lần nhìn ra được cái mặt trái của cuộc đời, nhìn ra được những chiếc mặt nạ giả trá che đậy những tâm địa nhỏ nhen, hèn mọn, những thói tật tham lam, ích kỷ... của người đời. Đến một lúc nào đó, những sợi dây đàn đã cứa vào những đầu ngón tay anh, làm nhức buốt trái tim anh.

Nhưng, nhưng cuộc đời khốn nạn
đã giết chết trong tôi những tình yêu đầu...
(Tôi Muốn Tin, Tôi Muốn Yêu Cuộc Đời)

Nhạc của anh đã bắt đầu có những lời nguyền rủa. Thật tội nghiệp cho anh, anh thiết tha, háo hức yêu cuộc đời. Vì yêu cuộc đời, yêu cái đẹp, nên anh cũng thù ghét cái xấu, thù ghét những trò chơi gian lận. Những cái tồi tệ, xấu xa ấy từ đâu tới làm ô nhiễm không khí những bài tình ca của anh. Những bài tình ca không chống chọi nổi những xâm phạm thô bạo đó. Anh cảm thấy mình gần như bất lực. "Tôi đã cất lời ca và cảm thấy từ trong xương tủy mình sự vô ích của những lời ca đó. (4)" Anh đau xót, phẫn nộ vì những bài tình ca đã bị dập tắt một cách phũ phàng. Và nhạc của anh bắt đầu có những chuyển hướng từ lúc đó. Không thể tiếp tục viết mãi, hát mãi những lời ngợi ca tình yêu, nhạc của anh bây giờ còn hướng tới những mục tiêu khác nữa. Anh lên án, vạch mặt, chỉ tên những kẻ phá hoại đã làm vấy mực những bản tình ca của anh, làm vẩn đục tình yêu của loài người.

"Chúng tôi đã hát về tình yêu, về những con rối, về những trò chơi, về những danh từ, về những giáo điều, về sự tin tưởng và sự mất tin tưởng... (5)"

Không chỉ viết về tình yêu, anh còn viết về những thảm trạng của của cuộc sống.

"Những bài hát tôi gởi đến các bạn hôm nay, không phải là những bài tình ca, nhưng dứt khoát nó không phải là những ca khúc chính trị, nó trình bày cho chúng ta thấy vì sao mà chúng ta đã không có tình yêu trong cuộc sống, vì sao mà những bài tình ca của chúng ta lại bị dập tắt một cách phũ phàng như vậy. (5)"

Tình yêu trong cuộc sống, cũng vẫn còn đấy chứ. Và những bài tình ca, đâu có dễ gì dập tắt được. Anh vẫn chưa mất tin tưởng. Vậy thì tình ca LUP bây giờ ở đâu?

"Ở đâu không có những âm thanh chói tai của chính trị, của giả ngụy, của tham vọng con người..., ở đó có tình ca. Ở đâu không có cái không khí của sự lọc lừa, sự phản bội, sự vị kỷ..., ở đó có tình ca. (5)"

Anh kêu gọi sự thức tỉnh của lương tri, anh kêu đòi phải trả lại những gì đã bị tước đoạt mất, "Hãy cứu lấy con tim của ta. Hãy trả lại cho những bài tình ca cái không khí trong lành của nó. (5)" Anh cũng bày tỏ lòng biết ơn về những "ân sủng của cuộc đời mà chúng tôi đã đón nhận được từ những niềm vui, những nỗi buồn, những ước mơ, và những hối tiếc không bao giờ nguôi. (6)"
Những ước mơ và những hối tiếc luôn đến cùng một lúc.

Ta mơ về một quê hương xa
Ta mơ đến một quê hương gần
Nằm ngủ trong nấm mồ
ta mơ về những gì đã mất
và nước mắt lưng tròng...
(Những Giấc Mơ Trong Cuộc Đời)

LUP có từ bỏ những bài tình ca? Không đời nào. Anh vẫn còn tiếp tục viết đấy chứ? Chắc chắn là như vậy. Vì đó là hơi thở, là hương vị ngọt ngào của đời sống, như anh vẫn nói:

"Tôi đã viết rất nhiều tình ca và tôi yêu tất cả những bài tình ca đã từng có trên trái đất này, nó như những dòng nước trong, nó chính là hy vọng của chúng ta, nó chính là ước mơ của chúng ta trong cuộc sống. (7)"

Thế nhưng những bài tình ca của anh bây giờ đã khác trước, đã mang những âm hưởng khác, đã rẽ sang một hướng khác, đã không còn là những bài tình ca một thời làm mê đắm lòng người. Đã hết rồi những mùa vui, những bầu trời trăng sao, những dòng suối trong vắt. Anh viết:

"Nếu trước đây những bài tình ca của tôi được viết từ phía này, phía của dòng nước trong; giờ đây những bài tình ca của tôi được viết từ phía kia, phía của dòng nước đục. Nếu trước đây tôi đã viết về hy vọng, thì giờ đây là thất vọng. Nếu trước đây tôi đã viết về những ước mơ, thì giờ đây là một thực tại. Nếu trước đây tôi đã viết về tình yêu, thì giờ đây là sự thù ghét... (7)"

Anh đã viết về những ước mơ. Ước mơ của LUP, đó là những gì vậy?

"Tôi đã mơ đến một chân trời mở ra bất tận, tôi đã mơ đến những hải đảo, đến những dòng sông, đến những thành phố lạ tràn ngập ánh đèn, tôi đã mơ đến những bài hát sẽ được bay xa, bay xa mãi, tôi đã mơ đến những nụ cười thân ái không xen lẫn một chút nghi kỵ, sợ hãi nào; tôi đã mơ đến một tình người thật ấm áp không pha trộn những tranh chấp hèn mọn nào của cuộc sống; tôi đã mơ đến một cuộc sống không bị khô héo vì những độc dược của chủ nghĩa, vì những đeo đuổi mỏi mòn theo cơm áo. Chúng tôi đã mơ, đã mơ, và chúng tôi đã hát, đã hát. (6)"

Anh đã hát về những ước mơ ngậm ngùi, "hát về những ước mơ đã từng có trong quá khứ, những gì thuộc về quá khứ và đã từng sụp đổ ở trong quá khứ. (3)"
Dẫu sao, còn ước mơ là còn tiếng hát. Trái tim LUP là trái tim biết yêu, biết ghét, biết cảm phục, biết khinh miệt. "Tôi muốn hát mãi những bài tình ca, vì thế mà tôi đã viết những ca khúc này...,(5)" anh nói, giải thích về sự ra đời của những ca khúc ấy. Những ca khúc nào vậy? Hãy nghe thử một đoạn:

Tôi đã ghét những tên nịnh thần bằng bông nhồi
Tôi đã cảm phục những người hùng bằng gỗ lim
Tôi đã yêu những tình nhân không trái tim
vì tôi đã biết
chính hắn đứng sau hậu trường
với mười sợi dây trên mười đầu móng tay nhọn
như phù thủy đã tạo nên mọi thảm kịch của cuộc đời…
(Tôi Đã Nhìn Thấy Trong Trò Múa Rối)

Viết lên được những dòng nhạc mới này, hát lên được những giai điệu mới này, anh thấy lòng mình yên ổn hơn, gắn bó với thực tại hơn, gần gũi với cuộc sống hơn, dòng máu chảy trong anh như được hòa nhập vào dòng máu nóng của đồng loại.

"Chúng tôi đã hát, và đã lắng nghe từ trong trái tim mình nhịp đập của trái tim đồng loại, trái tim của những con người đã bị thử thách quá nhiều bởi mọi nỗi thống khổ của quả địa cầu... Chúng tôi đã hát, và đã cảm nhận trong từng mạch máu mình sự luân lưu của máu đồng loại, dòng máu của những con người luôn luôn bị xô đẩy trong cuộc sống và đã gục chết như cỏ cây. (8)"

Trong những ca khúc LUP đã viết, có những ca khúc bộc phát từ tấm lòng thương yêu trẻ thơ, từ nỗi ước mong dựng lên được tấm lá chắn để che chở cho những khối óc non nớt, những tâm hồn trong trắng không bị vấy bùn vì những thói xấu xa, những trò chơi kém lương thiện của người lớn.

Này em bé ơi! Này em bé ơi!
đừng nghe chúng tôi chơi trò chính trị
Hãy đi rong chơi, đi đây đi đó
Hãy xếp chiếc thuyền
tìm soi hang dế, hay chơi bắn bi
Ngày sau khi lớn lên, em sẽ biết rằng con người lầm lạc biết bao…
(Này Em Bé Ơi)

Về phía người nghe, về phía khán giả, thái độ họ ra sao, phản ứng họ thế nào đối với những ca khúc mới, đối với sự chuyển hướng sáng tác của anh? Liệu họ có đáp nhận những thông điệp anh gửi gấm đến cho họ(?). Liệu họ có chia sẻ với anh được chút nào(?). Những ca khúc anh viết sau này có lôi cuốn được họ, có được họ yêu thích như đã từng yêu thích những ca khúc của anh trước đây(?). Kết quả có lẽ không mấy khả quan. Tôi sẽ tỏ dấu ngờ vực nếu có ai đó nói rằng những ca khúc mới của anh được giới thưởng ngoạn đón nhận và tán thưởng nồng nhiệt. Dường như chưa có một tín hiệu rõ rệt nào như vậy. Khán giả như ngỡ ngàng khi đứng trước một LUP có vẻ mới mẻ, lạ lùng. Và LUP, anh cũng nhận biết được điều này, anh cũng tiên liệu được chuyện này. Anh tự hỏi, "Có phải vì thế mà những bài ca của tôi đã trở thành xa lạ với khán giả của mình? (7)" Bằng một giác quan tinh tế, bén nhạy, anh nhận ngay ra là:

"Có một khoảng yên lặng khá lâu giữa nốt cuối cùng của bài hát và tiếng vỗ tay của khán giả. Khoảng yên lặng đó thật là lạ lùng. Khán giả đã không đánh giá được những gì họ nghe thấy. Mọi sự kỳ lạ quá. Đó là những ca khúc sao? Khán giả đã không thấy một điều gì cả, không cảm một điều gì cả. (7)"

Họ có lắng nghe anh nhưng không chắc là đã hiểu được anh. Những tiếng vỗ tay (phát xuất từ lòng yêu mến anh) sau "khoảng yên lặng khá lâu" đó có thể được hiểu như là "chúng tôi không hiểu rõ lắm, nhưng chắc là phải... hay". Khán giả "không cảm một điều gì cả", nhưng LUP thì lại cảm thấy rõ ràng "có một cái gì rất khác lạ đã dội lại chúng tôi từ phía của những người nghe, không phải là một sự phản đối, không phải là một sự hưởng ứng, cũng không phải là một sự thông cảm, hình như đó là một sự ngỡ ngàng, ngỡ ngàng vì những điều đã được trình bày. (7)"

Những ca khúc của LUP sau này ít được phổ biến rộng rãi, ít gặt hái được sự thành công, hiểu theo nghĩa ít được sự tán thưởng về phía người nghe so với những ca khúc thuở trước. Tôi nhớ có lần đọc được một bài báo nào đó tường thuật một buổi trình diễn của LUP, có đông người xem. Lần đó anh có giới thiệu những ca khúc mới của mình. Khán giả có chăm chú nghe nhưng có vẻ không mấy hứng thú, tiếng vỗ tay rời rạc. Họ chờ đợi một điều gì khác hơn. Chỉ đến lúc Lê Uyên và anh trình bày lại những tình khúc quen thuộc ngày trước, những tràng pháo tay mới nổi lên giòn giã... Đó vẫn là những gì họ chờ đợi, vẫn là những gì họ muốn nghe lại, vẫn là "theo em xuống phố trưa mai, đang còn nhức mỏi đôi vai… (9)" Với họ, đó mới là LUP.

Khán giả của LUP ở đâu? Nhạc của anh hầu như có một đối tượng khán giả nhất định, và đối tượng khán giả này hầu như ít muốn có sự thay đổi. Dường như vẫn còn một khoảng cách, một bức màn ngăn cách giữa những ca khúc mới của LUP và những người nghe nhạc anh. Dường như mọi người vẫn chưa thực sự hiểu được anh, hoặc anh vẫn chưa làm cho mọi người hiểu được mình. LUP, anh đã có những lúc thật cô đơn đến tội nghiệp.

“Nhớ chôn tôi với cây đàn guitar”…

Trái tim LUP như những sợi dây đàn, như những phím đàn nhạy cảm, chỉ cần chạm nhẹ đến là đã rung lên những nốt nhạc thảng thốt. Trên những trang sách của anh, rất dễ nhận ra những biểu hiện của một tấm lòng nhân ái, một trái tim nhân hậu. Thử đọc một đoạn anh viết:

"Tôi đã xúc động đến chảy nuớc mắt khi thấy và nghe một cô gái ôm cây đàn guitare đứng hát giữa công viên Central Park của New York, bên cạnh chiếc thùng đàn mở ra, trong đó có những đồng tiền lẻ của những người đứng nghe vây quanh bỏ vào sau mỗi bài hát... Lúc đó tôi đã nghĩ đến tôi qua hình ảnh của người con gái đó. Tôi không biết được đích xác những gì đã đến với tôi lúc bấy giờ, nhưng tôi đã thực sự xúc động. (4)"

Nếu LUP biết được rằng, chỉ ít năm sau khi anh viết những dòng chữ này, những khán giả của anh cũng "đã thực sự xúc động" đến chảy nước mắt khi trông thấy Lê Uyên xuất hiện trên sân khấu với chiếc áo dài mầu đen tuyền, đứng hát một mình với một màn hình lớn ở phía sau chiếu rọi lại hình ảnh Phương ôm đàn cùng hát chung với nàng ở một buổi trình diễn nào đó của hai người vào lúc anh còn sống. Vì anh không còn nữa nên người ta phải tìm cách vá víu, lắp ghép cái màn hình giả tạo đó để làm tái hiện trước mắt khán giả hình ảnh quen thuộc của đôi nghệ sĩ vẫn thường hát chung với nhau những ca khúc từng được mọi người yêu thích. Những ca khúc cần có hai người. Lê Uyên đã phải mượn đến hình ảnh Phương trên màn ảnh video như mượn đến cây gậy để vịn vào đó mà đứng dậy, như mượn một hình nhân giả cho nàng tựa vào đó để có thể đứng vững, để có thể gượng dậy mà đứng hát một mình. Bi thiết đến mức đó sao! Cái hình ảnh người nữ ca sĩ đứng hát một mình đó sao mà tội nghiệp đến vậy! "Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau... (10)" Bài hát về Saigon ấy thực ra cũng không có gì đặc biệt lắm trong số nhiều bài hát nói về Saigon (về những nỗi nhớ nhung, tiếc thương, chia lìa...), nhưng tiếng hát của Lê Uyên quả tình đã gây xúc động. Bài hát thực sự có ý nghĩa gì hay chỉ để nhắc nhở những kỷ niệm. Hát khi xa Saigon. Hát khi vĩnh biệt LUP. Tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt của khán giả. Thực tình, khán giả đâu có nghe Lê Uyên hát, người ta chỉ nghe thấy những tiếng nấc, không phải là tiếng hát. Có thể là khán giả cũng "không biết được đích xác những gì đã đến với họ lúc bấy giờ, nhưng họ đã thực sự xúc động".

Và tôi, người khán giả đêm ấy, bên cạnh nỗi xúc động ấy, còn cảm thấy có chút gì bất nhẫn, lẫn chút gì khó chịu. Tại sao người ta lại cố tình dàn dựng như vậy? Tại sao người ta lại muốn nàng phải làm như vậy? Liệu có thực sự cần thiết phải làm như vậy? Để làm gì chứ, để gợi lại nỗi tiếc thương, để cố ý làm mủi lòng người xem chăng(?). Người sống hát chung với người chết. Cái xảo thuật máy móc đó thật kỳ cục, và chỉ là một sự chắp vá khập khiễng, què quặt. Có lẽ không ít người có cùng một cảm giác nặng nề như tôi vào lúc ấy.

Không có Phương, tiếng hát Lê Uyên chỉ còn là tiếng hát một nửa, và chỉ khiến người nghe càng thêm nhớ LUP. Một nửa tiếng hát thì không là gì cả. Không phải là LUP. Nếu không còn những tiếng hát đan quyện vào nhau, quấn quýt với nhau, đeo bám lấy nhau, đâu có còn là tiếng hát LUP.
"Trước và sau, LUP vẫn là người duy nhất không ai thay thế được". Khi nghe những lời bộc bạch của Lê Uyên cùng khán giả sau bài hát đó, tôi không nghĩ rằng đấy là câu nói tự nhiên, bình thường... Tôi có cảm tưởng chị muốn phân giải điều gì đó với mọi người... Tôi cũng tự hỏi không rõ chị có nói cho Phương biết điều này khi anh còn sống(?). Không rõ Phương có nghe được những lời này trước khi anh lìa đời(?). Nếu có, thật may mắn cho anh. Nếu không, quả là điều chua xót. Nghe đâu đời sống tình cảm của anh cũng ít được suông sẻ (dường như anh cũng có thừa nhận đâu đó trong một bài phỏng vấn). Có phải vì vậy mà trong những tình khúc của anh thường chất chứa những nỗi giằng xé, dằn vặt, dày vò... Có phải vì thế mà trong cuốn sách của anh vẫn có những trang viết về bộ mặt khác của tình yêu: sự nhàm chán, sự dối trá, những tham vọng, những lầm lạc...

Hãy đọc thử một vài định nghĩa của LUP về tình yêu, về thiên đường, địa ngục qua một mẩu đối thoại giữa người cha và đứa con:

"Địa ngục? Đó là cái gì vậy?"
"Địa ngục là nơi của sự dối trá, sự đối phó, sự bất an, sự sợ hãi, sự ghen tức, sự đau đớn, sự buộc tội, sự cay nghiệt..., là tất cả mọi điều mà con người muốn thoát khỏi mà không bao giờ thoát được."
"Còn thiên đàng?"
"Hiểu theo một nghĩa rộng rãi, đó chính là tình yêu."
"Tình yêu là một dòng nước trong sau khi đã được gạn lọc mọi rác rến, bùn đất lẫn lộn trong đó. (3)"

Định nghĩa tình yêu theo cách đó, anh vẫn luôn luôn vỗ về, dặn dò với lòng mình hãy yêu thương thật nhiều, hãy cho đi thật nhiều, hãy nâng niu chút hạnh phúc hiếm hoi trong những ngày còn sống trên cõi nhân gian đầy hệ lụy này.

Khóc nhau trong cuộc đời
giấc mơ xưa khăn phủ vành sô
Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau
chết bên nhau thật là hồn nhiên…

Sống cho nhau mặn nồng
vì ta không còn cho nhau tiếng cười
không còn nhớ bóng dáng người tình ấp ôm
đến khi lìa cõi đời gắt gao...

Sống cho nhau nụ cười
vì biết sẽ có ngày nhìn thấy nhau mắt môi lạnh mất rồi…
(Yêu Nhau Trong Phận Người)

Lời nhạc như những lời trăn trối, dặn dò. Cái chết như đã được chuẩn bị. LUP suy nghĩ về cái chết, về những gì mỗi người sẽ mang theo trong phút giây lìa bỏ cõi đời. Anh đã viết ra những suy nghĩ ấy:

"... Cứ mỗi lần đi dự một đám táng nào, đến lúc người ta bắt đầu ném những viên đất đầu tiên lên nắp quan tài nằm sâu dưới đáy huyệt, bao giờ cũng thế, tôi không thể nào tránh được cái ý nghĩ là ở trong đó, trong chiếc quan tài đó, đang có một cây đàn được chôn theo cùng với người quá cố. (11)"

Tôi tự hỏi là không rõ trong đám táng của LUP, người ta có nhớ chôn theo cùng với anh cây đàn của anh(?). Anh chỉ mong có vậy. Như là câu thơ của Federico García Lorca, “Khi tôi chết, nhớ chôn tôi với cây đàn guitar…” Nếu không có cây đàn ấy, thì thật là điều đáng tiếc. Anh sẽ cô đơn biết chừng nào. Và tôi vẫn nghĩ, cuối cùng có lẽ cũng chẳng có gì gần gũi với anh hơn, thân thiết với anh hơn là cây đàn ấy. Cây đàn đã luôn luôn ở bên cạnh anh, bầu bạn cùng anh trong những tháng năm tươi đẹp, suốt những thời kỳ khốn khó, đã chia sớt cùng anh những niềm vui, nỗi buồn, những hạnh phúc, khổ đau. Chỉ có cây đàn ấy mới thực sự là người bạn đồng hành thân thiết nhất, thủy chung nhất đáng được anh mang theo trong những giây phút cuối của cuộc đời.

Tôi nhớ trước đây có lần một người bạn hỏi tôi nhận xét thế nào về con người LUP, tôi đã trả lời, "Tay này có nội lực." Và đến bây giờ, đọc lại những gì anh viết, tôi càng tin là quả có một nội lực mạnh mẽ tiềm ẩn trong anh, trong cái dáng vẻ khiêm tốn, trong giọng nói nhỏ nhẹ, trong nụ cười hiền lành và trong ánh mắt đăm chiêu chứa đầy những sức sống mơ hồ. Anh mất đi ở cái tuổi vẫn còn gọi là trẻ đối với sức sáng tác của một nghệ sĩ, trong lúc nội lực vẫn còn sung mãn, tiềm tàng... Những ca khúc của anh đã đi vào lòng người, và đã ở lại lâu dài trong lòng người. Người nhạc sĩ nào có lẽ cũng chỉ mong đến được như vậy. Cái mất mát, thiệt thòi lớn nhất là từ nay người ta không còn được nghe anh hát nữa. Không còn tiếng hát LUP nữa. Vì nghe nhạc LUP là phải nghe chính anh, phải nghe bằng giọng hát của chính người nhạc sĩ đã viết nên những ca khúc ấy.

Tôi viết bài này khi cái chết của anh đã tạm lắng xuống. Giờ này, linh hồn anh chắc đã bay về lại quê hương cũ, về lại thành phố "đầy mây trắng và sương mù", thành phố đầy ắp những kỷ niệm mà anh đã luôn ước ao được một lần nhìn ngắm lại bầu trời, nhìn ngắm lại từng cụm mây trắng lững lờ bay. Thành phố suốt đời mây bay đó, chứ không phải là thành phố Los Angeles hay bất cứ thành phố nào khác trên đất nước mà anh đã tạm sống trong những năm rời xa quê hương. Tâm hồn LUP là tâm hồn nặng trĩu những hồi tưởng, nặng trĩu những hoài niệm quá khứ, trái tim LUP là trái tim luôn háo hức tìm về một quê hương xa vời, có con sông xưa, có thành phố cũ.

LUP, chàng nghệ sĩ "ôm đàn tới giữa đời". Anh đã tạt ngang qua cuộc đời này, đã bất ngờ biến mất khỏi cuộc đời này, đã từng tham dự vào những trò chơi tốt xấu, vui buồn lẫn lộn, đã rong chơi đây đó, đã có những năm sống sôi nổi, đã có những hạnh phúc ngắn ngủi, đã luôn luôn chống chọi với những cái xấu, luôn luôn khát khao làm được điều gì có ý nghĩa cho đời sống. Cùng với cây đàn ấy, anh đã góp mặt với cuộc đời, đã cất lên tiếng hát ca ngợi thương yêu. Trong những năm sống đó, dẫu có lúc phải đối đầu với những nghiệt ngã, những chua xót đắng cay, anh vẫn luôn giữ thái độ thản nhiên, vẫn cứ dửng dưng, chấp nhận, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng "trên lưng cuộc đời, thách đố thương đau" (12). Thách đố thương đau, đó là LUP, đó là thái độ nhìn thẳng vào cuộc sống, đương đầu với thử thách, thách thức với số phận. Trên những dòng nhạc của anh, trên những trang viết của anh, chúng ta nghe được những nốt nhạc, đọc được những dòng chữ chứa chan tình yêu, ấm áp tình người, phát xuất từ một trái tim nhân ái, một tấm lòng nhân hậu, khoan dung và độ lượng.

Lê Uyên Phương, anh là một nghệ sĩ đích thực.

lê hữu


(1) Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles, truyện
(2) Âm Nhạc Từ Thiên Đường, truyện
(3) Cha, Con và Biển, truyện
(4) Ở New York, tùy bút
(5) Ca Khúc Của Những Tình Ca, tùy bút
(6) Hát Trong Quán Cà Phê, tùy bút
(7) Trên Những Biên Giới, tùy bút
(8) Ở Tây Bá Linh, tùy bút
(9) Vũng Lầy Của Chúng Ta, nhạc LUP
(10) Khi Xa Saigon, nhạc LUP (thơ Kim Tuấn)
(11) Tuổi Nhỏ, Những Cây Đàn Và Đà Lạt, tùy bút
(12) Hãy Ngồi Xuống Đây, nhạc LUP

--------------------------------------------------------
(Tạp chí Hợp Lưu, Calif., số 55, 10&11/2000)

:idea:

delta
01-23-2008, 11:48 AM
http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/heaven02.jpg
http://www.freewebtown.com/delta08/HayNgoiXuongDay_LUP.wma

Bấm Vào Nghe Nhạc

Download (http://www.freewebtown.com/delta08/HayNgoiXuongDay_LUP.wma)
:alert:
Hãy Ngồi Xuống Đây
Sáng Tác: Lê Uyên Phương
Trình Bày : Lê Uyên Phương

Hãy ngồi xuống đây
Hãy ngồi xuống đây
xa cơn buồn phiền
dẫu biết chia phôi
nhưng trong cuộc đời vẫn có đôi ta

Hãy ngồi xuống đây
như trong lần đầu bối rối bên nhau
vai rung thẹn lời mắt sáng môi trinh da thơm tình ngời

Trên trời có mây sau cành lá xanh
mây bay từng đàn lá thắm hoa tươi
em ơi ngày buồn sẽ chóng qua đi

Hãy ngồi xuống đây hôn nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây cho nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây chia tay lần này

Hãy ngồi xuống đây
như loài cỏ tranh chen nhau từng hàng
xoắn xít bên nhau vui chơi cuộc đời có dáng hôm nay

Hãy ngồi xuống đây
trên lưng cuộc đời thách đố thương đau

Vuốt ve cuộc đời
từ mùi son phấn trên mặt người
trong đau đớn điên cuồng đó
Vun kiếp sống không ngơi
Cách xa vời vợi
Một ngày qua giấc mơ vùi dần

Rồi mùa Đông đến
Rồi mùa Xuân đến
Cuộc đời vẫn quay đều

Hãy ngồi xuống đây
như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng
duới nắng ban mai
phô thân trần truồng kiếp sống hoa sơ

Hãy ngồi xuống đây hôn nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây cho nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây chia tay lần này

Hãy ngồi xuống đây vai kề sát vai
cho da thịt này đốt cháy thương đau
cho cơn buồn này rót nóng tung hoang
cho thiên đường này bốc cháy
trong cơn chia phôi chia phôi tràn trền

Hãy ngồi xuống đây
bên con vực này ngó xuống thương đau


:dizzy1: