PDA

View Full Version : T - Từ chối không để ĐGH đọc diễn từ là sợ đối thoại giữa đức tin và lý trí



Dan Lee
01-17-2008, 07:21 PM
Từ chối không để ĐGH đọc diễn từ là sợ đối thoại giữa đức tin và lý trí

http://vietcatholic.net/pics/sapienza.jpg
Rome (CNA) – Viết về chuyện phản đối sự xuất hiện của Đức Thánh Cha – nay đã hoãn lại - tại trường Đại học La Sapienza, giáo sư Giorgio Israel cho rằng sự chống đối của các đồng nghiệp của ông là một dấu hiệu cho biết họ sợ việc đối thoại giữa đức tin và lý trí sẽ xảy ra.

Trong một bài báo đăng tải trên L'Osservatore Romano, ông Israel, cũng là một giáo sư môn toán tại Đại học La Sapienza lý luận rằng sự chống đối bài diễn văn đã hoạch định của Đức Thánh Cha “là điều đặc biệt làm ta ngạc nhiên bởi vì các trường đại học được coi là những nơi rộng mở cho mọi quan điểm, và chỉ có mình vị Giáo hoàng là người bị từ chối không cho tới là điều vô lý.”

Theo giáo sư Israel, lý do tại sao người ta bỏ qua “sự cởi mở” không thành kiến trong trường hợp Đức Thánh Cha “đã được giải thích do Marcello Cini – là một người trong nhóm nhà trí thức phản đối cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha – nơi bức thư ông ta gửi cho Viện trưởng trường Đại học.”

“Điều mà ông Cini coi là ‘nguy hiểm’ là sự kiện Đức Thánh Cha có thể thử mở một cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí, nhằm tái lập mối liên hệ giữa truyền thống Do thái-Kitô giáo và Hy lạp, cũng như khoa học và đức tin có thể không bị ngăn cách bằng một bức tường bất khả xâm nhập.”

Giáo sư viết: “Việc chống đối cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha do đó không được thúc đẩy do một nguyên lý trừu tượng của chủ nghĩa thế tục (secularism). Sự phản đối có tính chất ý thức hệ và nhắm vào Đức Thánh Cha như một mục tiêu đặc biệt vì ngài muốn nói về khoa học cũng như liên hệ giữa khoa học và đức tin, thay vì chỉ tự giới hạn nói thuần túy về đức tin.”

Giáo sư Israel nói rằng lá thư của một nhóm khoa học gia chỉ trích Đức Thánh Cha vì gán cho ngài đã biện minh cho chủ trương của Giáo hội đối với Galileo trong quá khứ “chỉ là một biểu hiện tình cảm chống lại chính con người của Đức Thánh Cha mà thôi.”

Thực ra, nhóm các nhà khoa học chỉ trích Đức Thánh Cha, lúc đó còn là hồng y Joseph Ratzinger, vì đã trích dẫn triết gia về khoa học là Paul Feyerabend trong cuộc hội thảo tại trường Đại học La Sapienza ngày 15 tháng hai năm 1990. Hồng y Ratzinger trích lời Feyerabend khi ngài chủ trương rằng trong thời đại Galileo sống “Giáo hội vẫn trung thành với lý trí hơn chính cả Galileo nữa.”

Trong bài báo này giáo sư Israel nói rằng các khoa học gia phê phán Đức Thánh Cha đã không đọc toàn bộ bản phúc trình. Theo ông cho biết, Hồng y Ratzinger trích dẫn từ một nhà khoa học theo thuyết bất khả tri (agnostic) và những người khác, không phải để bảo vệ Giáo hội nhưng nhằm “nêu rõ vấn đề là tính chất hiện đại đã trở nên nghi ngờ về chính nó và nghi ngờ cả khoa học và kỹ thuật ngày nay ra sao.”

Nói cách khác, ý kiến Giáo hoàng đưa ra lúc đó “là một bảo vệ rõ rệt cho tính duy lý theo kiểu Galileo chống lại chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa tương đối của nền văn hóa hậu hiện đại của chúng ta.”

Giáo sư Isreal nói rằng “việc đọc không chú ý, hời hợt và thiếu cẩn trọng” luận văn của Đức Thánh Cha năm 1990 phải được coi là “một điều đáng xấu hổ và một thất bại về chuyên nghiệp.”

“Nhưng tôi sợ rằng ở đây, sự khắt khe về trí thức chỉ là lý do rất nhỏ (thúc đẩy họ chống đối) và ý định của họ là đắp một hàng rào ngăn chận bằng bất cứ giá nào” nhất là khi xét thấy một số trong những người ký tên nơi lá thư phản đối Giáo hoàng “chưa bao giờ từng phát biểu một lời phê phán nào chống chủ nghĩa chính thống Hồi giáo hoặc chống lại những kẻ từ chối không công nhận có Shoah (Lò Thiêu Sinh thời Đức quốc xã).”

“Đây chỉ là một phần của nền văn hoá thế tục không có biện luận, vì thế nó tạo ra ảnh hưởng quái ác (demonize), nó không tranh luận như một văn hoá thế tục đích thực, nhưng tạo ra những quái vật.”

Giáo sư Israel kết luận: “Đó là lý do tại sao sự đe dọa chống lại Giáo hoàng là một thảm kịch xét theo quan điểm văn hóa và công dân.”

Phụng Nghi