PDA

View Full Version : K - Kinh Truyền tin lễ Chúa chịu phép rửa



Dan Lee
01-15-2008, 07:07 PM
Kinh Truyền tin lễ Chúa chịu phép rửa

http://vietcatholic.net/pics/capt_4fe9c3e8cef74ef6a16d7c369d6870cf_vatican_pope_baptism_rom107.jpg, http://vietcatholic.net/pics/r3486590940.jpg,http://vietcatholic.net/pics/ra968483787.jpg
ĐTC cử hành Thánh Lễ tại nguyện đường Sistina, ĐTC rửa tội cho 13 trẻ em, ĐTC sau thánh lễ

Vào Chúa Nhật sau lễ Hiển Linh, phụng vụ mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Hoà giang. Biến cố này đánh dấu việc khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu vào lúc trạc 30 tuổi, và như vậy hoàn toàn cách xa mùa Giáng sinh. Tuy nhiên, truyền thống phụng vụ bên Đông phương coi đó như thành phần của lễ Hiển linh, mà theo nguyên ngữ Hy-lạp (Epiphania) có nghĩa “Thiên Chúa tỏ mình ra”: Thiên Chúa tỏ mình ra cho muôn dân qua ngôi sao kêu gọi các đạo sĩ từ phương Đông đến thờ lạy hài nhi giáng sinh tại Belem. Thiên Chúa tỏ mình ra vào lúc Đức Giêsu chịu phép rửa, khi từ trời cao tiếng nói phát ra: “Đây là người con yêu dấu của Ta”. Tại Vatican, nhân dịp lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, đức thánh cha cũng ban bí tích thánh tẩy cho các em nhi đồng (năm nay con số là 13 em); còn vào đêm Vọng Phục sinh thì ngài ban ba bí tích khai tâm cho người lớn. Trong bài giảng thánh lễ cử hành hồi 10 giờ sáng tại nguyện đường Sixtina, ngài đã giải thích ý nghĩa của lễ phụng vụ và của bí tích rửa tội. Đề tài này được nhắc lại vào lúc 12 giờ trưa, trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin, và sau khi ban phép lành Tòa thánh, một chủ đề thời sự khác cũng được thêm vào, đó là ngày quốc tế dành cho người di dân. Trước hết xin quý vị theo dõi bài huấn dụ.


Anh chị em thân mến

Với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay, mùa Giáng sinh đã kết thúc. Hài đồng Giêsu mà các đạo sĩ đến thờ lạy tại Bêlem cùng với các lễ vật, thì hôm nay đã lớn và đến chịu phép rửa của ông Gioan tại sông Giorđanô (xc Mt 3,13). Sách Tin mừng ghi nhận rằng sau khi đức Giêsu đã chịu phép rửa và ra khỏi nước, thì trời mở ra và Thần khí của Chúa đáp xuống trên Người như một chim bồ câu (xc Mt 3,16). Thế rồi người ta nghe một tiếng từ trời nói rằng: “Đây là con rất yêu quý của Ta, Ta rất hài lòng vì Người” (Mt 3,17). Đây là lần đầu tiên đức Giêsu xuất hiện công khai, sau 30 năm sống ẩn dật tại Nazareth. Trong số những chứng nhân của sự kiện độc đáo này, ngoài ông Gioan Tẩy giả ra, còn có các môn đệ của ông ta, và một số đã trở thành đồ đệ của đức Kitô (xc Ga 1,35-40). Như vậy biến cố Hiển linh vừa là sự tỏ hiện của Thiên Chúa vừa sự tỏ hiện của đức Kitô. Đức Giêsu tỏ ra như là Kitô: trong tiếng Hy lạp, Kitô (Christos, tương đương với Mêsia trong tiếng Do thái) có nghĩa là “kẻ được xức dầu”. Đức Giêsu được xức dầu không theo kiểu như các vua và thượng tế của dân Israel, nhưng là do Thánh Linh. Đồng thời, cùng với sự tỏ hiện của Con Thiên Chúa thì cũng tỏ hiện những dấu hiệu của Thánh Linh và Chúa Cha.

Đức Giêsu đã đến chịu phép rửa để tuân theo ý định của Chúa Cha, bất chấp thái độ do dự của ông Gioan (xc Mt 3,14-15). Ý nghĩa của hành vi này là gì? Ý nghĩa sâu xa của việc này sẽ được tỏ lộ vào lúc cuối đời dương thế của đức Giêsu, nghĩa là vào lúc chết và phục sinh. Khi đến chịu phép rửa của ông Gioan cùng với bao nhiêu người tội lỗi khác, Đức Giêsu bắt đầu gánh vác tội lỗi của toàn thể nhân loại, như là Chiên Thiên Chúa xoá tội trần gian (xc Ga 1,29). Người sẽ hoàn tất công cuộc này ở trên thập giá, khi mà chính người sẽ lãnh một phép rửa khác nữa (xc Lc 12,50). Thực vậy, khi hiến mạng sống của mình, Người đã “dìm mình” trong tình yêu của Chúa Cha, và trút đổ Thánh linh, ngõ hầu những ai tin vào Người thì có thể tái sinh vào nguồn mạch vô tận của cuộc sống mới và vĩnh cửu. Tất cả sứ mạng của Đức Kitô có thể tóm lược như thế này: thanh tẩy chúng ta trong Thánh Linh, ngõ hầu giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của sự chết và “mở cửa trời” cho chúng ta, nghĩa là cho chúng ta đạt được sự sống đích thực và sung mãn, được chìm ngập trong sự sống bất diệt, và đầy tràn hạnh phúc (Spe salvi, 12).

Đó là điều đã diễn ra cho 13 em bé mà tôi đã ban bí tích thánh tẩy sáng hôm nay trong nguyện đường Sixtina. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ gìn giữ các em và thân nhân các em. Chúng ta cũng hãy cầu cho tất cả mọi người Kitô hữu, ngõ hầu họ am hiểu hồng ân của bí tích Thánh Tểy, và nỗ lực sống bí tích ấy cách xứng hợp qua việc làm chứng cho tình thương của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh.

Sau phép lành Toà thánh, đức Bênêđictô XVI nói thêm đôi lời nhân ngày Quốc Tế di dân như sau:

Hôm nay là ngày Thế giới dành cho những người di cư và tị nạn. Năm nay chủ đề hướng đến các thanh niên di dân. Thực vậy trong số người di dân, số lớp người trẻ khá cao. Họ buộc lòng phải rời xa gia đinh và quê hương bởi nhiều lý do khác nhau. Những thành phần gặp nguy hiểm hơn hết là các thiếu nữ và trẻ em. Một số nhi đồng và thiếu niên đã chào đời và lớn lên trong các trại định cư: những người này cũng có quyền lợi được có một tương lai sáng sủa. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến những ai đang dấn thân bảo vệ giới trẻ tị nạn, cùng với gia đình của họ, và tìm cách đưa họ vào hội nhập với xã hội và tìm công ăn việc làm. Tôi xin mời gọi các cộng đoàn Giáo hội hãy niềm nở tiếp đón các người trẻ tị nạn, cùng với cha mẹ của các em, bằng cách hiểu biết câu chuyện của họ và giúp cho họ được hội nhập vào xã hội. Các bạn trẻ tị nạn thân mến. Các bạn hãy cố gắng, cùng với những người cùng lứa tuổi, xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn; các bạn hãy chu toàn những nghĩa vụ của mình, tôn trọng luật pháp, và đừng để bị lôi kéo vào vòng bạo lực. Tôi xin ký thác các bạn cho Đức Maria, người mẹ của toàn thể nhân loại.

Như đã nói trên đây vào lúc 10 giờ sáng, đức thánh cha đã cử hành thánh lễ trong nguyện đường Sixtina, và ban bí tích rửa tội cho 13 em bé, con cái của những nhân viên làm việc tại Vatican. Ngoài cha mẹ và những người đỡ đầu tham dự nghi lễ, một chỗ đặc biệt cũng được dành cho anh chị của các bé, cách riêng khi mang lễ vật lên bàn thờ.

Trong bài giảng, đức thánh cha đã suy niệm cách riêng về đề tài sự sống. Các em bé ra đời đã lãnh nhận sự sống. Với việc lãnh bí tích, các em nhận được sự sống mới, sự sống của ân sủng, sống trong tương quan với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ tàn. Tiếc rằng, con người có thể làm tắt ngúm sự sống mới này do tội lỗi, đi đến tình trạng mà Kinh thánh mô tả như là “chết lần thứ hai”. Đang khi con người được mời gọi vào sự sống vĩnh cửu, thì tội lỗi đã tạo ra một hố thẳm vùi dập chúng ta mãi mãi. Vì thương yêu chúng ta, Thiên Chúa đã nghiên mình xuống, giơ tay ra để lôi kéo chúng ta ra khỏi vực chết, và đưa chúng ta vào ánh sáng. Tất cả chúng ta đều mong mỏi sống sung mãn, sống hạnh phúc. Chúng ta có thể lãnh nhận sự sống đó khi đón nhận hồng ân Chúa ban qua việc lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Mầm sống này cần được bồi dưỡng phát triển, nhờ sự đóng góp của cha mẹ, các người đỡ đầu, cộng đoàn Giáo hội. Trong nghi thức cử hành bí tích, vị chủ sự trao cho cha mẹ và người đỡ đầu ngọn đèn, với lời khuyên nhủ hãy gìn giữ nó luôn được thắp sáng. Đó là biểu tượng của việc vun trồng sự sống ân sủng, qua việc lắng nghe lời Chúa, cầu nguyện, tham dự bí tích, thực hành các nhân đức.

Bình Hòa