PDA

View Full Version : Phỏng Vấn MC Nam Lộc Từ Úc Châu - Nguyễn Vi Túy thực hiện



delta
01-15-2008, 05:15 PM
Phỏng Vấn MC Nam Lộc Từ Úc Châu

http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/23132-namloc.jpg

Nhân dịp đến Úc cùng Thùy Dương làm MC cho chương trình “Asia Production” với các ca sĩ Thanh Tuyền, Đặng Thế Luân, Loan Châu, Lâm Thúy Vân, Hồng Ngọc, cùng các danh hài Quang Minh, Hồng Đào, Kiều Oanh, Lê Tín... và lưu diễn tại ba thành phố Sydney, Melbourne, Perth, vào cuối tuần qua - nhạc sĩ kiêm MC Nam Lộc đã đến thăm Văn Nghệ tuần báo và dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngắn sau đây.

Hỏi: Cho đến giờ phút này, bản “Saigòn ơi! Vĩnh biệt” của anh vẫn còn sống trong tim những người Việt tị nạn. Xin anh cho biết, anh đã hoàn thành nhạc phẩm này trong hoàn cảnh nào?

Đáp: Thưa anh, sau khi sống mấy tháng trong trại tị nạn, rồi ra ngoài ở với mấy người bạn. Một đêm nọ vào tháng 11 năm 1975, sau khi đi làm về, tôi buồn chán và cảm thấy cuộc đời sao vô nghĩa quá, thế là tôi ngồi vào bàn và cầm bút viết, và chỉ khoảng 45 phút sau là tôi đã hoàn tất bản nhạc này. Lời lẽ trong bản nhạc, có lẽ nó ứa trào ra từ những chất chứa đè nén trong thời gian mình ở trong trại tị nạn. Và đây cũng là lần đầu tiên mà tôi viết cả nhạc lẫn lời cho một bản nhạc, vì thếâ tôi nghĩ rằng nếu mà mình không có một nỗi niềm xúc cảm chân thật nào đó thì khó có thể mà viết ra được một bài nhạc như vậy.

Hỏi: Hồi đó cộng đồng tị nạn mình còn nhỏ, sinh hoạt văn nghệ cũng thưa thớt, nghèo nàn. Anh làm nào cách nào để phổ biến bản nhạc này đến mọi người?

Đáp: Vào tháng Giêng năm 1976 khi có dịp đi ngang Los Angeles, tôi đã đưa bản nhạc và chia xẻ với chị Khánh Ly, và từ đó chị Khánh Ly thường hay hát bản này mỗi khi lên sân khấu. Phải thành thật mà nói, bản “Saigòn ơi! Vĩnh biệt” đã nhờ chị Khánh Ly rất nhiều, để được “chắp cánh” đến mọi người Việt tị nạn trên toàn thế giới.

Hỏi: Trong bài “Saigòn ơi! Vĩnh biệt” của anh, đã nói là “vĩnh biệt” tại sao lại có câu “tôi xin hứa rằng tôi trở về”? Điều này có gì “mâu thuẫn” không?

Đáp: Tôi công nhận là đúng, là có mâu thuẫn thật. Nhưng anh phải đặt hoàn cảnh của anh của tôi và của hàng mấy trăm ngàn người ra đi khác vào lúc ấy thì mới hiểu và thông cảm cho lời lẽ đó. Vào thời điểm đó ai cũng thấy là mình không những mất Saigòn mà còn mất cả quê hương, mất thật và không thể nào có lối để quay về! Và khi nỗi thương nhớ nó dâng tràn lên quá lớn, thì tôi thấy việc đó “không thể nào chấp nhận được”, và thực sự trong lòng tôi muốn phải trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, để gặp lại gia đình mình và những người thương yêu của mình...

Như thế cái câu sau “tôi xin hứa rằng tôi trở về” trong bản nhạc nó chỉ là một câu nói, một lời hứa để tự an ủi mình, mặc dù lời hứa ấy chưa chắc đã thực hiện được, nhưng tối thiểu thì mình cũng phải có một lời hứa, như viên thuốc an thần cho chính mình trong lúc đó, cũng như cho cả những người còn ở lại!

Nhiều người cũng như anh, nói tôi là “mâu thuẫn”, nhưng nếu bất cứ “người tị nạn buồn” nào mà không mâu thuẫn trong thời điểm 1975 thì họ là những người hạnh phúc nhất, vô tư nhất, khi không có gì để phải vấn vương lúc phải rời bỏ Việt Nam.

Hỏi: Tôi nghe nói cuộc vượt thoát khỏi Saigòn của anh cũng “ly kỳ” và khác biệt với nhiều người?

Đáp: Đúng vậy, tôi rời Saigòn trong một trường hợp rất tình cờ, khi có một người bạn đưa tôi vào sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 25.4.1975. Tôi là người không có “hoàn cảnh” để được “bốc”, thì lại có một người bạn thân có công tác rủ tôi đi theo. Khi vào được bên trong sân bay TSN thì người này nói tôi nên ở lại để tìm đường ra đi, chứ trở ra lại còn gặp nhiều khó khăn hơn. Tại đây tôi lại gặp một người bạn thân khác nữa là nhạc sĩ Đức Huy đang phụ trách việc đọc tên những người được Mỹ di tản... thế là tôi được lên theo...

Như anh thấy, tất cả mọi diễn biến đổi đời của tôi chỉ là một sự tình cờ, và ngẫu nhiên, khi một người bạn vô tình đưa vào Tân Sơn Nhất, rồi một người bạn khác trong TSN lại đưa mình đi... trong khi mình chẳng có thứ giấy tờ gì để đi cả.

Tôi rời Việt Nam như thế, để lại tất cả cha mẹ, anh chị em... nên cái nỗi thương nhớ ấy nó to lớn lắm, nó hằn sâu lắm... Và chính những điều ấy nó đã “sai khiến” tôi hoàn thành bản nhạc “Saigòn ơi! Vĩnh biệt”.

Hỏi: Mới đây Văn Nghệ tuần báo có đăng tải bài tùy bút “Tôi đưa con sang Đông” của anh. Bài báo rất cảm động, nhưng độc giả lại có thắc mắc là tại sao anh có con “trễ” quá vậy?

Đáp: Tôi lập gia đình năm 1980, lúc 35 tuổi, và đến năm 1988 lúc tôi 43 tuổi mới có cháu đầu lòng, chính vì vậy mà đến bây giờ mới có con vào Đại học. Tôi viết bài ấy là vì nghĩ phần lớn các gia đình người Việt đều có con đi học xa, và trong hoàn cảnh của mình thì quả thật có sự xúc động khi đứa con thân yêu từ bấy lâu nay sống trong vòng tay ấp ủ và thương yêu của mình mà nay lại phải sống xa nhà, và phải tự lo liệu lấy hết mọi sự.

Bài viết này nó cũng giống như một bài tâm sự gửi cho vợ con mình, cũng như thông cảm với những nỗi đau đớn của những bậc cha mẹ đã phải xa cách con vì những hoàn cảnh khác. Thế nên mình tự an ủi mình trước, đến vợ con mình, rồi đến những người bạn đồng cảnh ngộ, kể cả những người còn gặp các hoàn cảnh khó khăn hơn mình...

Hỏi: Chắc là anh ít con, nên sự biểu lộ tình cảm có khác hơn những người khác?
Đáp: Có lẽ đúng vậy, vì vợ chồng tôi chỉ có 2 cháu gái.

Hỏi: Ai cũng thấy anh có một vị trí quan trọng trong các chương trình thu hình của Trung tâm Asia. Anh nghĩ sao về đường lối hiện nay của Trung tâm, khi luôn hướng về dĩ vãng và kỷ niệm?

Đáp: Đây đúng là ý hướng của anh em chúng tôi, bởi nếu bất cứ chuyện gì mà không có người ghi lại, lưu lại, giữ lại... thì chắc chắn nó sẽ bị phai nhạt hoặc bị bóp méo hay sai lệch trong tương lai. Trung tâm Asia không có tham vọng ghi lại được hầu hết các câu chuyện về quá khứ, nhưng chắc chắn một điều là con cháu chúng ta khi muốn tìm một tài liệu nào đó về cha anh của chúng, thì các em sẽ tìm thấy dễ dàng hơn nếu ngay từ bây giờ chúng ta đã có kế hoạch tổng hợp và lưu lại.

Các đề tài về lịch sử cuộc chiến, thuyền nhân vượt biển, lao động xuất cảng, các cô dâu Việt ở Đài Loan, Nam Hàn, và kể cả những trường hợp cần được vinh danh và khích lệ... đều được Trung tâm Asia chú trọng và thâu hình để lại cho hậu thế.

Hỏi: Còn đối với người Việt trong nước?

Đáp: Như anh thấy, không riêng gì băng của Trung tâm Asia mà còn có cả băng DVD của các Trung tâm khác, đều được phổ biến một cách mạnh mẽ tại quốc nội. Một khi những chương trình của mình trở thành món ăn tinh thần của họ, thì phần nào đó chúng ta cũng đã thành công trong việc đem nguồn tư tưởng và văn hóa của người Việt hải ngoại vào trong nước, để họ biết rõ hơn những gì chúng ta đang làm.

Hỏi: Các chủ đề thâu hình của Trung tâm Asia, thường được dựa trên những tiêu chuẩn nào?

Đáp: Như anh biết, Asia Entertainment là của tư nhân, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ “thế lực” nào, và chính vì thế khi thực hiện các chương trình ca nhạc, anh em chúng tôi hoàn toàn dựa vào cảm quan và nhu cầu thưởng ngoạn của người tiêu thụ. Nếu thấy một chủ đề nào đó phù hợp, và các bản nhạc được nhiều người ưa thích thì chúng tôi sẽ lựa chọn và đưa vào chương trình.

Hỏi: Nhân khi đề cập đến “chủ trương” của Trung tâm Asia, tôi xin hỏi anh việc “sa thải” MC Trịnh Hội có phải đã đến từ áp lực của một số người chống đối khi Trịnh Hội và Nguyễn Cao Kỳ Duyên lên tiếng về việc Cộng đồng người Việt ở Úc biểu tình chống các ca sĩ “nội” có mặt trong một buổi Đại nhạc hội trước đây?

Đáp: Nói thật với anh: Trịnh Hội bỏ Asia, chứ Asia không bỏ Trịnh Hội. Điều đáng tiếc là việc này xảy ra trùng với lúc có cuộc tranh luận từ Úc, nên nhiều người lầm tưởng rằng Trung tâm Asia “khai trừ” Trịnh Hội. Tôi xin xác nhận điều này là không phải, và Trung tâm Asia không làm việc ấy!

Trịnh Hội là một “thằng em” rất dễ thương của chúng tôi, Hội đã làm được nhiều việc tốt, và có những việc cần có thời gian mới rõ thêm giá trị. Người trẻ đôi khi có những quyết đoán, mạnh mẽ, và không chịu khuất phục, và đối với Asia, Trịnh Hội đã làm được nhiều việc hơn cả những gì đã xuất hiện và được phổ biến.

Hỏi: Nhiều người nói Trịnh Hội “trẻ người non dạ” nên dễ bị lợi dụng?

Đáp: Trịnh Hội là người có lòng, có lòng thật chứ không phải làm “nổi” để đạt được một mục đích gì. Chuyện thuyền nhân bên Phi chẳng hạn, nếu không có Trịnh Hội xung phong đi đầu, và nếu không có Cộng đồng tại Úc hỗ trợ thì chắc gì đã có kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay. Đồng ý là việc này không phải chỉ có riêng Trịnh Hội, nhưng không có Trịnh Hội thì làm gì có những người “tiếp nối” ấy?!

Tôi làm việc nhiều với Trịnh Hội, tôi hiểu tâm tư và tình cảm của Hội nhiều lắm, Hội chẳng chịu áp lực từ bất cứ ai, vì vậy nói Hội bị lợi dụng hay làm việc này việc nọ vì “ai đó” thì quả là chuyện khó tin! Hội chỉ làm cho Hội và những gì Hội tin là đúng.

Hỏi: Nhưng Trịnh Hội đã “bảo vệ” cho những ca sĩ đến từ Việt Nam, và chống lại quan điểm của Cộng Đồng?

Đáp: Tôi cho là Trịnh Hội đã đi “hơi sớm” khi “đối đầu” với Cộng đồng người Việt ở Úc, chứ chuyện này lại xảy ra khá bình thường ở Mỹ. Trong thời gian gần đây gần như tuần nào, ngày nào cũng có ca sĩ trong nước đến Mỹ trình diễn. Từ Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc, Phương Thanh, đến Quang Dũng, Mỹ Tâm, Hồng Nhung, Thanh Thảo, Hồ Ngọc Hà... Nhiều người trong số này nay đã thay đổi tư cách “tạm trú” của họ để có thẻ xanh và sẽ có ngày trở thành công dân Mỹ.

Có thể Hội đem chuyện ở Mỹ ra nói, nhưng chưa phù hợp với ở Úc. Khi tôi sang Úc, ở Mỹ cũng đang xảy ra vài chuyện liên quan đến các ca sĩ trong nước ra hát ở hải ngoại, nhưng phần đông dư luận đều chấp nhận việc nếu họ hát đàng hoàng và trân trọng cộng đồng hải ngoại thì mình cũng dành cho họ đất đứng, còn không thì những người tổ chức và khán giả sẽ có thái độ với họ.

Hỏi: Asia là một Trung tâm có đường lối rõ rệt hơn các Trung tâm khác, nhưng tại sao vẫn có các ca sĩ “nội” xuất hiện trên chương trình?

Đáp: Như anh biết, bất cứ ca sĩ nào từ trong nước mà tham dự vào chương trình của Asia là tức khắc bị nhà nước và báo chí trong nước chỉ trích và lên án một cách mạnh mẽ. Điển hình là Ngọc Huyền, Y Phụng, Phương Thảo, Ngọc Lễ, Bảo Yến, Kim Tử Long, Tấn Tài... mặc dù những tiết mục mà họ đóng góp chỉ là những bài tình ca quê hương. Chính vì thế, việc đưa các ca sĩ trong nước lên sân khấu của mình nên được coi là một thành công có tính nhân bản hơn là nghĩ thế này thế kia... Nhiều chủ đề của Asia cũng bị lên án là “có nội dung phản động”, và hầu hết các cuốn DVD của Asia được bán lậu ở Việt Nam đều bị cắt bỏ những phần mà họ cho là “bất lợi”.

Hỏi: Lâu nay tôi không nghe thấy hoạt động văn nghệ nào của Trịnh Hội?

Đáp: Trịnh Hội đã về Việt Nam làm việc trong một Công ty Luật của Mỹ, và là Luật sư chuyên coi về thuế. Hợp đồng đầu tiên là 2 năm...

Hỏi: Trước đây Trịnh Hội từng thực hiện nhiều đoạn phim, với những lời phát biểu khá mạnh mẽ của các nhà đối kháng ở Việt Nam. Nhiều người đặt nghi vấn là tại sao Trịnh Hội lại làm được các đoạn phỏng vấn này một cách dễ dàng như thế?

Đáp: Tôi không cho là dễ dàng, nhưng với Trịnh Hội thì điều gì càng khó thì càng thúc đẩy Hội làm việc nhiều hơn. Những đoạn phim do Trịnh Hội thực hiện đều có giá trị lịch sử, mà chỉ có một người trẻ, không sợ bạo lực và có lý tưởng mới dám làm, dám quay như thế.

*Cảm ơn anh Nam Lộc đã dành cho Văn Nghệ cuộc phỏng vấn này.

Nguyễn Vi Túy thực hiện
:idea:

NEP
01-16-2008, 12:45 AM
Tuy Nam Lộc làm rất nhiều việc giúp đỡ người Việt ở nước ngoài...nhưng nói tới MC thì npe thấy Nam Lộc (và đa số các MC người Việt khác) không có duyên với cái nghề nầy. Có ông Nguyễn Ngọc Ngạn là hợp với cái nghề nầy.

delta
01-16-2008, 10:22 AM
Tuy Nam Lộc làm rất nhiều việc giúp đỡ người Việt ở nước ngoài...nhưng nói tới MC thì npe thấy Nam Lộc (và đa số các MC người Việt khác) không có duyên với cái nghề nầy. Có ông Nguyễn Ngọc Ngạn là hợp với cái nghề nầy.

Delta cũng đồng ý với bro Npe, nếu trung tâm Thúy Nga thiếu đi MC Nguyễn Ngọc Ngạn, chắc lẽ chương trình Thúy Nga sẽ mất đi một nửa linh hồn, Theo Delta nghĩ, MC Nguyễn Ngọc Ngạn, vừa là một nhà giáo, nhà Văn, cọng vào năng khiếu và làm việc lâu năm, chịu khó nghiêng cứu những diễn biến từ xưa đến nay, nên dẫn chương trình rất mạch lạc.

Dù sao Nam Lộc cũng không đến nỗi tệ lắm, mỗi MC có một sắc thái riêng, như vậy cũng giúp cho khán giả đỡ nhàm chán. Tuy Nam Lộc không là một MC đem lại cho khán thính giả những giây phút vui nhộn và linh động như Nguyễn Ngọc Ngạn, nhưng MC Nam Lộc và Việt Dũng là hai MC đã có tiếng nói mạnh mẽ trong cao trào tranh đấu, đóng góp một phần không nhỏ, cho người dân trong nước sớm ngày tìm được hai chữ Tự Do.

Cũng như MC Việt Thảo, một MC dẫn chương trình thiếu ngăn nắp... nhưng bù lại... Việt Thảo là một MC đầy lòng hảo tâm, không nề hà khi đóng vai trò MC của mình, đến những nơi nghèo khó.. và hòa đồng cùng những người kém may mắn

Đào tạo một ca sĩ hát hay, thu hút khán giả không khó, nhưng đào tạo một MC, thu hút, đủ điều kiện về mọi mặt như MC Nguyễn Ngọc Ngạn... Việt Dũng, Nam Lộc ...thật khó khăn... đây là mối lo ngại cho các trung tâm cũng như giới thưởng ngoạn... Không biết thế hệ sau nầy ai có thể thay thế...

:cool: