PDA

View Full Version : Lệ Thu và Những Dòng Nhạc Tình



delta
01-14-2008, 11:43 AM
Lệ Thu và Những Dòng Nhạc Tình

http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/LeThu.jpg

Tiếng Hát Bay Trên Hàng Phố Bâng Khuâng…

Đó là lời mở đầu một ca khúc của nhạc sĩ Trường Sa ghi dấu ấn tượng về tiếng hát của danh ca Lệ Thu. Những người yêu tiếng hát Lệ Thu đều nhận ra chính cái "bâng khuâng" đó mang đến cho họ cả một khung trời kỷ niệm. Trong lần trình diễn của Lệ Thu hai năm trước một thân hữu của Weekend xúc động rơi nước mắt khi Lệ Thu cất tiếng hát trong đêm "Những Tình Khúc Một Đời Người". Nhiều năm trước nghe Lệ Thu, bây giờ nghe Lệ Thu, và không nghi ngờ gì, sau này nghe Lệ Thu người ái mộ vẫn sẽ yêu mến tiếng hát này, mỗi lần nghe mỗi xao xuyến không mai một.
Vì khi Lệ Thu hát, cô hát bằng cả tấm lòng, bằng một nỗi đam mê lớn, mỗi lời, mỗi tiếng đều chứa đựng tâm hồn của người nghệ sĩ. Do đó nếu nói rằng Lệ Thu có kỹ thuật trình diễn cao, làn hơi thiên phú, e rằng còn hời hợt và thiếu xót. Phải nói rằng Lệ Thu hát như rót từng dòng tâm sự đến người nghe: tâm sự của vườn hoang trinh nữ, của thuyền viễn xứâ, của con nhện giăng tơ, ca kỹ đêm đông, ngậm ngùi thi sĩ…Nhạc sĩ Phạm Duy đã cực tả "Nước Mắt Mùa Thu" để nói về sức truyền cảm sâu xa của giọng hát này.
Đời Ca Sĩ của Lệ Thu quả là một nghiệp dĩ, bắt đầu khởi đi bằng chính cái tên Lệ Thu. Cô kể rằng khi xưa, lần đầu hát tại phòng trà Bồng Lai, chủ nhân phòng trà mời cô ký giao kèo trình diễn, Lệ Thu rất bối rối vì không chuẩn bị một danh xưng (nếu dùng tên thật là ca sĩ Bùi thị Oanh thì không tiện, theo lời Lệ Thu), cô không suy nghĩ nhiều, đặt luôn cái tên Lệ Thu. Từ đó đến nay qua bao thay đổi (Queen Bee, TưÏ Do, Ritz…), bao nhiêu biến chuyển (Sài Gòn sụp đổ, di tản, trại tị nạn) Lệ Thu vẫn ca hát như tiền định, của một đời ca sĩ hát trong buồn tênh (PD). Mặt khác khán giả khắp nơi vẫn dành cho người nghệ sĩ này niềm ứu ái như chưa từng thấy trước đây.
Về giọng hát Lệ Thu ở đây xin đề cập đến một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng là cách phát âm lời nhạc. Chúng ta nhận thấy các ca sĩ độc đáo luôn luôn phát âm rõ ràng, không lập lờ liếm láp mất chữ. Các nghệ sĩ đích thực của chúng ta còn chú tâm hết mức để mỗi tiếng được phát âm trọn vẹn, có tác dụng cao và chính xác. Lệ Thu, đi xa hơn nữa, rất sáng tạo trong cách phát âm để có thể gây xúc cảm riêng, làm không khí chung của bản nhạc đậm nét hơn. Xin đan cử vài thí dụ ở đây:

-mai chị về em gởi gì không, mai chị về nhớ má em hồng…(Mai Chị Về)
-vườn đào thơm chập chờn cánh bướm, bướm quơ râu ngơ ngác bay ngang…(Em Lễ Chùa Này)
-chiều nay sương khói lên khơi, thùy dương rũ bến tơi bời…(Thuyền Viễn Xứ).

Những chữ nhấn mạnh trong mỗi câu nhạc trên được hát duyên dáng khác thường, nghe qua một lần sẽ vĩnh viễn ghi nhớ sắc thái riêng Lệ Thu, không bao giờ có thể lầm lẫn với ai khác.

Để đáp ứng với lòng ái mộ của người yêu nhạc và yêu tiếng hát Lệ Thu, trong chương trình "Lệ Thu và Những Diòng Nhạc Tình", cô cho biết chương trình sẽ được trình bầy và hòa âm theo đúng cung cách của mỗi bản như mọi người biết đến trong những album trước đây. Chẳng hạn Thuyền Viễn Xứ sẽ được bắt đầu với khúc dạo của dương cầm, khúc dạo lan tăn như gơn sóng gắn bó với giọng hát của Lệ Thu trong cách trình bầy bất hủ của người ca sĩ này. Đây là nổ lực rất lớn và đáng quý, được thực hiện để đáp lại lòng mến mộ và yêu cầu thẩm mỹ cao của khán thính giả khắp nơi đến với Lệ Thu. Chúng tôi tin rằng "Lệ Thu và Những Dòng Nhạc Tình" cũng sẽ để lại một kỷ niệm đẹp, một ấn tượng đậm nét về người nghệ sĩ tài danh này.
:idea:

delta
01-14-2008, 11:45 AM
Lệ Thu - "Tôi đã đến với cuộc đời này bằng chính trái tim tôi"

- Thưa chị Lệ Thu, xin được mở đầu buổi nói chuyện thân mật hôm nay với 2 sự kiện đã xảy ra - Khoảng năm 1979, vaò một buổi tối ở một phòng tù trong trại giam Chí Hoà, một tù nhân cất tiếng hát bài "Nửa hồn thương đau" của Phạm Đình Chương; dứt tiếng hát, tù nhân này nói rằng: "bây giờ mà được nghe Lệ Thu thì chỉ có chết thôi !!". Một đêm mưa tuyết đầy trời năm 1989 ở thủ đô Praha của Cộng Hoà Tiệp, một sinh viên xuất thân từ chế độ CS ôm đàn và cũng hát bài "Nửa hồn thương đau" - Anh ta nói : Lệ Thu hát cực kỳ hay ".
Chị có nghĩ rằng cả hai cách biểu tỏ đó là một lời khen tặng nồng nàn, chân chất đối với tiếng hát của chị?

Lệ Thu : Tôi rất cảm động về câu chuyện anh vưà kể, và tôi nghĩ rằng đó là một trong những phần thưởng to lớn trong đời ca hát của Lệ Thu.

- Tiếng hát LT đã là cảm hứng cho nhiều cây viết. Nhìn ở khía cạnh nào, thì tựu trung, những nhà văn, nhà báo từng viết về chị đều nhìn nhận rằng tiếng hát LT đã nuôi nấng nhiều ước mơ. Trong cuộc nói chuyện hôm nay tôi sẽ không đề cập nhiều đến LT, trên lãnh vực một nghệ sĩ tài danh, mà xin hỏi thăm chị về đời thường của LT - Chị có thể cho nghe một ngày trong đời của LT hiện nay ra sao?

LT : Câu anh hỏi khiến tôi nhớ đến cuốn truyện nổi tiếng: "Một ngày trong đời Denisovich" của văn hào Alexander Solzhenitsyn, trong đó tả về sinh hoạt 24 giờ của một tù nhân khổ sai ở nước Nga dưới chế độ CS - Tôi thì may mắn hơn (cười thoải mái) Denisovich - Sinh hoạt một ngày của tôi giống như mọi người - Sáng dậy, tập thể dục, rồi đi chợ nấu ăn, sau đó trả lời thư của khán thính giả bốn phương, và học hỏi thêm những điều tôi thiếu sót. Tôi còn phải đi thâu băng những bài hát - Như thế là đủ hết một ngày.

- Chị đề cập đến việc bếp núc làm tôi nhớ, là những bạn hữu thân tình của chị đều biết chị nấu ăn ngon lắm, nhất là món cá thu kho riềng. Nhiều bạn của chị đã được thưởng thức món tuyệt chiêu này. Chất Bắc trong món độc đáo đó, chị thừa hưởng từ ai ??

LT : Hương vị Bắc trong món cá thu kho riềng là ảnh hưởng từ gia đình tôi. Phải nói là gia đình tôi cổ hủ lắm. Sở dĩ tôi nấu ăn tương đối được là vì cứ nhìn các cụ, các thím, các dì bếp núc trong những ngày giỗ Tết, những hình ảnh và cách thức chuẩn bị bữa ăn đã ăn sâu trong tiềm thức của tôi, và cứ thế mà tôi bắt chước thôi.

- Một số bạn của chị sau khi thưởng thức món cá thu kho riềng đã nhờ chị hướng dẫn cách nấu, và dù chị không giấu diếm gì cả, rốt cuộc họ nấu vẫn không ngon bằng chính tay chị làm - Thành ra nếu có dịp thuận tiện, với số người yêu mến LT quá nhiều, chắc hẳn là chị phải mua cả tầu cá thu, và mướn nguyên một sân vận động để đãi mọi người.

LT: (cười) Nấu ít thì may ra mới ngon, chứ nấu nhiều thì chưa chắc.

- Những người ở lại quê nhà sau 75, thỉnh thoảng có nhìn thấy chị ở Saigon - Một số người biết chị có cơ hội và phương tiện để ra đi vào những ngày tàn của cuộc chiến. Điều gì đã giữ chị lại?

LT: Tôi ở lại VN 5 năm với mẹ già của tôi. Bởi vì cụ tôi không đi và như một số bạn thân đã biết, mẹ tôi chỉ có một mình tôi thôi. Khi gia đình tôi (...) từ miền Bắc vào miền Nam năm 53, cụ tôi mang tôi theo. Nên ngày chót của tháng Tư năm 75, chẳng lẽ tôi bỏ lại mẹ để đi hay sao... Vì vậy tôi quyết định ở lại mặc dù đêm 28 tháng Tư, tôi đã có mặt tại phi trường AN, và tôi đã bước lên phi cơ rồi; nhưng tôi lại bước xuống - Lúc đó, nếu tôi ra đi, thì mẹ tôi ở lại một mình với ai. Dù có họ hàng quen thuộc, nhưng không thể bằng chính con mình. Bởi vậy tôi đã trở về với mẹ.

- Xin chị tha lỗi cho, thế còn cụ ông thân sinh ra chị thì sao?

LT: Thầy tôi mất lâu rồi anh ạ. Lúc đó mẹ tôi đã mang tôi vào miền Nam năm 53 - Thày tôi mất vào lúc tôi mới lên 12 tuổi.

- Như vậy chắc chị ít có kỷ niệm với cụ ông?

LT : Có anh ạ. Tôi nhớ rằng cụ mặc áo the, quần trắng, đi đôi hài đen và tay cầm dù.

- Chị mô tả cụ ông là người mặc áo the, quần trắng, đi hài đen, tay cầm dù- Đây là hình ảnh của những người quí tộc ở Hà Nội thời xa xưa. Có đúng không ạ ??

LT : Cứ cho là như thế đi anh (cười)

- Mới đây tuần báo Viet Tide có đăng bài phỏng vấn chị. Đọc bài này, người ta có cảm tưởng chị đòi hỏi quá tuyệt đối trong đời sống lứa đôi. Nếu nhìn một cách khác, độc giả có thể nghĩ rằng chị phần nào đó tuyệt vọng vì không tìm được người đúng ý với "trong mộng" của chị?

LT : Anh nhắc đến câu trả lời của tôi với báo Việt Tide rằng : "99 chấm 9 % đàn ông không chung thủy, và cho tới nay tôi vẫn dõi tìm 1% còn lại" - Đó là câu tôi nói đùa thôi, vì tôi vẫn thường nghĩ tếu rằng, nếu có 1 % đó, thì chắc hẳn là người đàn ông này phải đần lắm (cười vui vẻ)

- Chị nói thế thì chắc có nhiều người muốn đần lắm. Nhưng xin hỏi, theo chị thì thế nào là chung thủy?

LT: Có thể tôi có quan niệm lệch lạc hoặc cũ kỹ, hoặc do gia đình tôi nhồi nhét vào đầu tôi, và ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của tôi, là đàn bà là phải tứ đức tam tòng. Từ đó tôi nghĩ đàn ông cũng phải thế. Nhưng mà tôi sai. Sau này càng lớn lên, tôi càng thấy mình sai, và ngay bây giờ tôi lại càng thấy tôi sai hơn nữa. Tôi luôn nghĩ rằng tôi sống dưới ánh đèn, vây bủa bởi nhiều cạm bẫy, mà tôi không hề sa ngã, nên tôi đòi hỏi đối tượng của tôi cũng phải như vậy. Thực tế cho thấy không phải thế. Bởi vì tôi là đàn bà. Mà muôn đời, đàn bà là đàn bà, đàn ông muôn đời là đàn ông. Có phải vậy không ạ ?

- Nói chị và quí thính giả tha thứ cho, từ trước đến giờ, nhiều người có cái nhìn không chính xác, nếu không nói là lệch lạc về giới nghệ sĩ. Nhiều người cho rằng nghệ sĩ không đặt nặng vấn đê` thủy chung. Nhưng Lệ Thu là điển hình cho thấy, nghệ sĩ có đời sống sân khấu, nhưng trong cuộc sống riêng tư thì có những chuẩn mực mà không hẳn người thường nào cũng có.

LT : Tôi biết có rất nhiều nghệ sĩ có đời sống hết sức mực thước - Tôi biết nhiều anh chị như thế lắm, mà không tiện nêu tên.

- Lâu lắm rồi, có một tờ báo bên Pháp phỏng vấn 2 nhà văn Jean Paul Satre & Simon de Bouvoir về ý nghĩa hạnh phúc. Câu trả lời của Sartre là "hạnh phúc là ngày hôm qua", còn Bouvoir thì cho rằng "hạnh phúc là ngày mai".
Phải chăng hạnh phúc là điều mà người ta chỉ có thể tiếc nuối, hoặc chờ đợi chứ không hưởng được ngay trong những phút giây của hiện tại. Chị nghĩ sao?

LT : Đối với tôi, hạnh phúc ở trong tầm tay mình, hạnh phúc là giây phút mình đang có. Buổi sớm mai khi mình thức dậy, rồi khi hoàng hôn xuống, mình vẫn nhìn thấy bạn bè thân quen, và nhất là nếu mình có người tình bên cạnh, thì đó là hạnh phúc.

- Chữ "nếu" trong câu trả lời của chị có ý nghĩa lắm ( cười ). Nói về hạnh phúc và khổ đau, tôi nhớ đến cựu Tổng Thống Richard Nixon. Khi ông buộc phải từ chức, ông đã đi thăm Grand Canyon, và xuống đến tận đáy của vực. Từ dưới nhìn lên, ông nói rằng : " Cho tới khi xuống đến tận cùng của đáy vực, tôi mới hiểu ý nghĩa sự cao vời vợi của trời xanh". Nghĩa là, khổ đau tột cùng, hạnh phúc tột cùng. Phần chị vinh quang trên sân khấu, chị đã đạt. Còn khổ đau tận cùng, chị đã trải qua bao giờ chưa?

LT: (im lặng khá lâu, giọng buồn , nghẹn ngào): Khi nghe tin mẹ tôi mất. Tôi thấy lúc đó trái đất quả thật là sụp đổ.Trong đời tôi, duy nhất chỉ có mẹ tôi. Tôi là con một, không có anh em để nâng tôi những khi tôi ngã, hoặc giúp đỡ ý kiến những khi tôi cần, hoặc an ủi những lúc tôi đau buồn. Thành ra, sự ra đi vĩnh viễn của mẹ tôi là nỗi đau tột cùng của tôi, và là nỗi mất mát không gì bù đắp được.

- Chúng tôi được biết là chị có 3 cháu và các con chị đã thành tài, và được sống trong không khí đầm ấm của gia đình, cũng như trong vòng tay yêu thương của mẹ. Phải chăng nỗi đau mất mẹ và không có anh em ruột thịt đã khiến chị dồn hết tình thương cho các con, và vun xới cho các con có ngày hôm nay?

LT: Tôi cho rằng tất cả cũng do ảnh hưởng của gia đình. Tôi theo nếp của gia đình tôi để dạy dỗ các con tôi. Đôi khi cũng quá khắt khe, nhưng khi các cháu lớn lên thì chúng mới nhận thấy là mẹ làm đúng.

- Một nhà thơ tiền chiến cuả VN nói rằng: "tôi là một con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi ". Khi nghe LT hát trên sân khấu, người ta có cảm tưởng LT với âm nhạc là một. Phần chị lúc đó, trong lòng chị nghĩ gì?

LT: Quả thật khi hát, tôi không còn thấy ai cả, chung quanh tôi không có ai cả. Tôi chỉ tập trung tư tưởng để hát theo nhịp đập của con tim mình, hát theo niềm hạnh phúc của mình. Tôi hát do những rung động phát ra từ tâm hồn tôi.

Nếu tôi nhớ không lầm, trong phần mở đầu của tập Mười Tình khúc Bất tử của Nhân loại, nhạc Ngoại quốc, lời Việt của Phạm Duy, nhà thơ Trần Dạ Từ có viết rằng: Hạnh phúc cho những cặp tình nhân được cùng nhau nghe những bản tình ca này. Vì mai sau, dẫu có xa nhau, một lúc tình cờ nào đó, họ chợt nghe lại những âm điệu này, cả một thời có nhau sẽ xô về trong nỗi nhớ.
Chị đã từng hát những tình khúc bất tử của VN và của thế giới, chị có cảm thấy hạnh phúc không, vì tiếng hát của mình đã là dấu ấn một thời của những đôi lứa yêu nhau?

LT: Có ai không hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho người khác. Câu hỏi của anh cũng là câu trả lời giùm tôi rồi.

- Nhìn lại đoạn đời đã qua, nếu cần không làm 1 điều đã từng làm, thì chị sẽ phát biểu ra sao ?

LT: Tôi sẽ không lập gia đình sớm như tôi đã lúc còn trẻ. Lý do, vì lúc còn nhỏ, tôi vừa thiếu kinh nghiệm, vừa nông nổi, vừa háo thắng, nên tôi ước gì thời gian đó là bây giờ để tôi có thể làm được tất cả mọi chuyện.

- Chị thường chọn nhạc buồn, và ít hát nhạc vui. Có lý do nào đặc biệt không?

LT : Nhạc VN đa số có âm điệu buồn. Nhưng không phải tôi không hát nhạc vui, thí dụ baì "Quên đi tình yêu cũ" và bài "Mây lang thang" trong điệu Chachacha. Tôi hát nhiều thể loại, nhưng lời nhạc thì cũng bàng bạc nỗi buồn về những cuộc tình tan vỡ.

- Khi chọn bài để hát, chị dựa trên yếu tố nào chính? Vì nó phù hợp với tâm trạng của chị, hay vì bài nhạc đang được người nghe yêu thích?

LT: Anh có tin rằng tâm trạng của tôi lúc nào cũng vui, cũng yêu đời. Nghĩa là tôi chọn nhạc không phải vì tâm trạng của tôi lúc đó, mà do cảm quan của tôi. Trước hết là tôi đọc lời , sau đó tôi dạo đàn một chút để xem tiết tấu của nét nhạc. Sau khi thấy bài nhạc hợp với mình, tôi miệt mài bất kể giờ giấc cho tới khi bài hát với tôi là một. Hát và sống, sống và hát, là niềm hạnh phúc của Lệ Thu.

- Chị còn điều gì muốn tâm sự với thính giả của Little SG Radio?

LT: Trong những ngaỳ gần đây, tôi có trả lời phỏng vấn của một số báo chí, và tiếp xúc với những người còn yêu mến tiếng hát LT. Đây là dịp để cho tôi thấy rằng không có gì hạnh phúc cho người nghệ sĩ bằng không bị quên lãng. Tôi nghĩ rằng đó là phần thưởng cao quí bởi vì bản thân tôi đã đến với cuộc đời này bằng chính trái tim tôi. Xin cám ơn quí thính giả.

Bài phỏng vấn Lệ Thu do Đinh Quang Anh Thái thực hiện , đã được phát trên làn sóng của Little SG Radio


--------------------
Lệ Thu

là một ca sĩ nổi tiếng, một trong những giọng ca lớn của tân nhạc Việt Nam. Tiếng hát của Lê Thu tuy không gắn với một nhạc sĩ nào, nhưng cô là người trình bày rất thành công nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến... và nhiều nhạc phẩm tiền chiến, tình ca 1954-1975 khác.

Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 tháng 07 năm 1943 tại Hải Phòng, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông. Bố mẹ Lệ Thu sinh được tất cả 8 người con, nhưng 7 người con đầu đều qua đời vào năm lên 3 tuổi. Do đó Lệ Thu là người con duy nhất còn lại trong gia đình. Mẹ Lệ Thu là người vợ thứ hai, vì những khó khăn do người vợ cả gây nên, năm 1953 Lê Thu cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.

Trong khi đang theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers, vào năm 1959 trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm Dang dở. Ngay sau đó, ông chủ phòng trà đã mời Lệ Thu ký giao kèo biểu diễn. Cũng từ đó cô lấy nghệ danh Lệ Thu, trong một cuộc phỏng vấn, Lệ Thu trả lời: "Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu". Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng một thời gian sau cô quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường ca hát.

Theo sau Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát và kế đó là vũ trường Tự Do vào năm 1962. Thời kỳ đó Lệ Thu thường trình bày những nhạc phẩm lời Pháp và Anh, nổi bật nhất là các bản như La Vie En Rose, A Certain Smile, La Mer, Love Is A Many Splendored Thing... Cũng thời gian đó Lệ Thu thành hôn với một người đi học ở Pháp về tên Sơn.

Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn. Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz. Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hàng đêm cô còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát. Đến giữa năm 1969, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do cho đến khi vũ trường này bị nổ hơn một năm sau.

Lê Thu tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và Mẹ Việt Nam và thu âm cho nhiều băng nhạc. Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lê Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn cho tới 1975. Sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, Lệ Thu kết hôn với ký giả Hồng Dương nhưng hai người chia tay sau khi có một con gái tên Thu Uyển.

Trong sự kiện tháng 4 năm 1975, Lệ Thu quyết định ở lại Việt Nam vì còn mẹ, dù ngày 28 tháng 4 cô đã tới phi trường, bước chân máy bay nhưng rồi quay về. Lệ Thu gia nhập đoàn Kim Cương để đi trình diễn. Thời gian đó Lệ Thu hát những ca khúc nhạc đỏ và cũng có những thành công như bài Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân. Khoảng năm 1978, Lệ Thu có mở một hàng cà phê mang tên con gái út là Thu Uyển trên đường Phan Tôn, Tân Định với sự cộng tác của Thanh Lan và nhạc sĩ Lê Văn Thiện.

Tháng 11 năm 1979, Lê Thu cùng con gái út vượt biển đến Pulau Bidong, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980. Hai năm sau hai người con gái lớn của Lệ Thu cũng vượt biên và đoàn tụ với Lệ Thu tại nam California.

Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát, tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt do Nam Lộc tổ chức tại Beverley Hills. Sau đó cô cộng tác cùng các vũ trường như Tự Do, Làng Văn và Maxim's. Năm 1981 Lệ Thu thực hiên băng nhạc đầu tiên của mình ở hải ngoại mang tên Hát trên đường tử sinh. Tiếp theo là những băng Thu hát cho người gồm nhiều ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của cô.

Đến nay Lê Thu vẫn tiếp tục ca hát. Sau khi con cái trưởng thành và lập gia đình, Lệ Thu sống một mình ở thành phố Fountain Valley.



:idea:

delta
01-14-2008, 11:48 AM
http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/lethu2.jpg

Trở lại quê nhà, Lệ Thu sẽ trình diễn tại TP.SG trong vài ngày tới trong chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn. Trong lần tái ngộ này, vẻ tươi tắn của người ca sĩ đã hơn 40 năm theo nghề hát khác hẳn với câu ca: “Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh...” được viết tặng riêng cho chị một thời.


- Lần trở về này có ý nghĩa thế nào với chị?

- Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là khán giả. Ở tuổi này vẫn còn được mong chờ, khao khát nghe mình hát thì lòng mình cũng có những cảm xúc nôn nao hệt như thế. Tôi đã đi nhiều nước, hát cho nhiều người nghe thì tại sao không trở về để hát cho khán giả trên quê hương của mình?

- Chị nghĩ thế nào về thời điểm trở về sau hơn 30 năm?

- Một tí nữa thì trễ.

- Âm nhạc hiện đại luôn đi kèm với tiết tấu, vũ đạo, màu sắc... Còn chị, hơn 40 năm, vẫn mang phong thái tĩnh để hút lòng người. Vì sao?

- Thật ra những ngày đầu tiên, lý do tôi đứng sững một chỗ là do tôi sợ quá chứ không có lý do gì đặc biệt như nhiều người nghĩ. Tôi hát nhạc buồn thì không có cách gì nhún nhảy cả, bạn có đồng ý với tôi không? Mỗi người có một sắc thái riêng biệt, giữa một “cái tĩnh” và “cái động” thì tôi vẫn phải giữ cái tĩnh của mình, nếu “động” thì chắc không làm lại người khác đâu.

- Theo chị, điều gì đã tạo nên đỉnh cao của tiếng hát Lệ Thu?

- Có rất nhiều người hát hay, nhưng không phải ai cũng gặp may mắn để đi đến đỉnh cao của mình. Tôi không cho là mình hát hay, nhưng tôi có được cái may mắn... “khác người”. Vào khoảng năm 1960, khi các ca sĩ đàn chị Ngọc Lan, Thái Thanh... hát giọng mũi, tôi chọn hát giọng thật, có lẽ điều đó và phong cách “đứng sững một chỗ” cho tôi trở thành đặc biệt chăng?

- Vào đời sớm trên một con đường thênh thang như vậy, chị có cảm thấy cô đơn?

- May mắn cho cuộc đời tôi, tôi có niềm đam mê sách, mê ghê gớm lắm. Tôi cứ ôm lấy sách mà đọc, như một “con mọt” nên gần như không có thời gian để... cô đơn. Khi mình đọc sách là mình nói chuyện với nhà thông thái, người ta phải dày công để cô đọng cuộc sống lại trong một tác phẩm, mình được đọc những cái đó, đọc được tư tưởng hay của họ thì còn gì quí giá hơn. Có thể nói đọc được nhiều tác phẩm hay là diễm phúc của tôi.






- Còn bài Nước mắt mùa thu mà nhiều người nghĩ là viết cho nghiệp ca hát của chị?

- Đúng là nhạc sĩ Phạm Duy viết bài hát này để tặng riêng cho tôi, nhưng đó là cảm nhận của riêng ông. Đôi khi dưới ánh đèn màu mình có một cuộc sống khác, nhưng như tôi đã nói, cuộc sống của tôi không “buồn tênh” lắm đâu.

- Còn điều gì chị chưa hài lòng trong cuộc sống và sự nghiệp của mình?

- Trong 40 năm theo nghề hát, điều mà tôi hối tiếc nhất có lẽ là tôi đã không giữ được hạnh phúc gia đình như những người phụ nữ khác. Tôi nổi tiếng sớm quá, được may mắn sớm quá nên nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ vì thế đã không biết giữ gìn, nâng niu hạnh phúc riêng. Nếu làm lại từ đầu, có lẽ tôi sẽ thay đổi điều này
:idea:

delta
01-14-2008, 11:50 AM
Lệ Thu: 'Âm nhạc là thứ quý giá của đời tôi'

Trẻ trung, sang trọng và hài hước là những cảm giác đầu tiên mà ca sĩ Lệ Thu mang lại cho người đối diện. Trong ngôi nhà xinh xắn của mình tại TP HCM, chị tâm sự về cảm xúc đứng hát trên sân khấu quê nhà sau hơn 20 năm đi xa.

- Tham gia chương trình "Rơi lệ ru người" mang lại cho chị cảm xúc gì?

- Dù tôi quá quen với việc xuất hiện trên sân khấu lớn nhưng đêm nhạc này khiến tôi hết sức hồi hộp. Tôi biết trong số đông khán giả ngồi bên dưới, nhiều người mong chờ được thấy và nghe tôi hát với tất cả niềm yêu quý của họ.

Đó là trên sân khấu, còn trong hậu trường, ngồi ngắm khuôn mặt của các nhạc sĩ, người thiết kế sân khấu, những khuôn mặt trẻ, thật thông minh và xán lạn, làm việc hăng say, bỗng dưng tôi thấy sung sướng vì mình đã chọn đúng cái nghề của mình và được làm việc với họ.

- Chị tự đánh giá giọng hát mình như thế nào trong lần tái ngộ đầu tiên?

- Trong 2 đêm vừa rồi, tôi biết rằng mình chưa hát hết sức. Một phần cũng vì tôi mới về Việt Nam có mấy ngày. Sự hồi hộp còn chưa hết nên chưa lột tả được những gì mình muốn thể hiện. Nhưng điều đó cũng khiến tôi vui là mình còn cảm xúc. Nói nôm na, dù cái cây không còn mơn mởn nữa, nó vẫn luôn mang màu xanh tươi. Tôi hy vọng những lần hát sau mình sẽ chuẩn bị tốt hơn khi đến với khán giả.

- Chị có nhận xét gì về các ca sĩ trẻ mà mình có dịp làm việc chung trong chương trình "Rơi lệ ru người"?

- Họ hát hay quá!

- Hơn 40 năm trung thành với một phong cách tĩnh, giản dị và để lại dấu ấn trong lòng nhiều người nghe, chị có lời khuyên gì với những ca sĩ trẻ thích phô diễn kỹ thuật và thay đổi phong cách?

- Tôi không thể có lời khuyên. Điều đó tùy thuộc vào khán giả, có người thích thế này, có người thích thế kia. Người ca sĩ phải biết đối tượng khán giả của mình là ai để có phong cách phù hợp.

- Nhưng ở vị trí của một người giàu kinh nghiệm trong nghề, chị nghĩ gì về điều đó?

- Chắc chắn đến một lúc nào đó, ca sĩ trẻ phải tự hiểu họ có cần thiết như vậy nữa hay không.

- Sao đến lúc này chị mới xuất hiện trở lại trên sân khấu Việt Nam?

- Mới đây tôi có nghe tin đồn là Lệ Thu từ chối về Việt Nam hát vì ngại mệt do khác múi giờ. Đồn như thế thì tếu quá. Lúc trước tôi chưa về hát chỉ vì tôi còn suy nghĩ xem mình hát ở đâu, với ai và hát như thế nào. Ai sẽ là người đứng ra tổ chức những buổi hát cho mình. Và lần nào về tôi cũng phải cố dứt ra khỏi công việc và những sô diễn ở bên ấy. Lần này cũng vậy, công việc bận rộn tại TP HCM khiến tôi phải bỏ mất mấy sô ở Mỹ, phải gọi về xin lỗi và hoàn tiền.

Chỉ vì tình cờ cách đây hơn 2 năm tôi có dịp tiếp xúc với chị Phan Thị Lệ, Giám đốc công ty văn hóa Phương Nam và được mời hợp tác. Đó cũng là cái duyên. Lần về này với tôi là vừa kịp lúc. Không đến nỗi là một bà già chống gậy run rẩy hát trên sân khấu (cười).

- Vì sao tên tuổi chị gắn bó với nhiều nhạc sĩ mà không chuyên về một ai cả?

- Tôi không gắn liền với một người nhạc sĩ nào vì thích tự chọn cho mình sáng tác nào phù hợp riêng với tôi. Anh Sơn cũng có những bài không hợp với tôi. Có thể Thái Thanh hát hay nhiều bài của Phạm Duy nhưng tôi chỉ chọn được cho mình vài bài từ nhạc sĩ này. Với Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Cung Tiến... cũng thế.

Mỗi một nhạc sĩ có một biệt tài riêng. Tôi không chọn nghiêng hẳn về ai không có nghĩa họ dở mà vì tôi không thể hát hay được thôi. Và nếu mình chuyên như thế sẽ phí mất cơ hội được khám phá tài năng của những người khác.

- Nhưng tên người nhạc sĩ nào có những ca từ in đậm dấu ấn trong chị?

- Nếu tôi nói rằng nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn là hai người nhạc sĩ mà tôi thán phục thì liệu tôi có bị đánh giá là xu thời không? (cười).

Ví dụ, khi lần đầu tôi biết bài Tôi ơi đừng tuyệt vọng của anh Sơn, cảm giác của tôi lúc đó là bàng hoàng. Trong cuộc đời ai cũng có lúc tuyệt vọng chứ, nhưng mình cứ mong chờ từ những nguồn an ủi đâu đâu. Phải đợi đến lúc anh Sơn nói mình mới ngộ ra: Ừ nhỉ, tại sao không ngồi một mình trong tĩnh lặng mà tự nhủ "Tôi ơi đừng tuyệt vọng". Điều giản dị này khiến tôi quá khâm phục.

- Có người cho rằng, xuất hiện lại trên sân khấu quê nhà là một chặng mới trong cuộc đời ca hát của Lệ Thu, chị nghĩ sao?

- Đây chỉ là giai đoạn tiếp diễn chặng đường ca hát của tôi chứ không phải bắt đầu. Ở đâu cũng vậy, bất cứ nơi nào trên thế giới này có người Việt sinh sống, có tiếng Việt thì chắc chắn có nghệ sĩ Việt, ca sĩ Việt hát cho họ nghe những giai điệu của quê hương.

- Đâu là nguồn năng lượng giúp chị giữ phong độ trên sân khấu 40 năm qua?

- Tôi đọc được ở đâu đó có viết rằng, thời gian người ca sĩ thể hiện thành công một bài hát bằng 6 giờ lao động. Ca hát cũng bào mòn thể chất và tinh thần của người nghệ sĩ ghê gớm. Thế nhưng, nếu mình biết sống trong âm nhạc, hiểu rằng thứ nghệ thuật này là một phần sự sống của mình. Nó là thứ "máu" mà nếu mình biết cách để nó chảy vào tim nó sẽ duy trì được cảm xúc của người nghệ sĩ.

Gần như một đời gắn bó với âm nhạc, tôi nghiệm ra một điều kỳ lạ. Mỗi lần tôi cảm thấy bị bệnh, sốt gì đấy mà đến sô phải hát thì tự nhiên thấy khỏe khoắn và hát hay lạ. Dù sau đó có kiệt sức thì khoảnh khắc được hát thật quý giá. Những ca sĩ bạn tôi cũng thường cảm thấy như vậy đấy.

- Cuộc sống bên Mỹ của chị như thế nào?

- Rất yên bình và hạnh phúc. Tôi không có nhu cầu, đòi hỏi gì nhiều, hàng chục năm nay chỉ có hát và hát thôi. Ăn uống thì vài miếng rau, đậu hũ là được. Tôi tự hào được sống trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, vì theo cảm nhận của riêng tôi, người Việt mình giỏi trên rất nhiều lĩnh vực.

- Nhìn lại những đoạn đường thăng trầm của cuộc đời mình, chị nghĩ về điều gì?

- Có thể nhiều người nghĩ rằng cuộc đời tôi nhiều thăng trầm, nhưng thật ra không phải thế. Tôi sống một cuộc đời thuần túy của văn nghệ sĩ, chỉ biết có âm nhạc.

Ngoài ra, tôi may mắn có người bạn thân là sách vở. Khi rảnh, tôi la cà nhà sách suốt. Về Việt Nam cũng vậy, tôi làm được bao nhiêu tiền thì sách ngốn mất không ít. Còn tình cảm riêng thì cũng có chuyện buồn, nhưng không có gì quá đáng. Chỉ là hết duyên hết nợ với nhau thì chia tay thôi.

- Những kế hoạch sắp tới của chị là gì?

- Sau hai đêm diễn tại nhà hát Hòa Bình, tôi nghỉ xả hơi độ vài hôm sẽ bắt đầu ghi âm cho album đầu tiên. Tôi cũng xuất hiện tại vài phòng trà. Mọi chuyện sẽ do bên Phương Nam sắp xếp và lên lịch trình, vì bây giờ tôi là ca sĩ độc quyền của họ tại Việt Nam.

Album này có khoảng 10 bài, tuyển chọn những ca khúc tôi thích, và chưa ghi âm lần nào. Dự định album này thực hiện trong hơn 2 tháng. Trong album có bài hát Tôi mong về Hà Nội (nhạc sĩ Dương Thụ), ca từ rất hay, nên có thể tôi chọn cái tiêu đề như thế.

- Bao giờ chị về định cư tại Việt Nam?

- Thật sự mà nói, tôi không biết trước được tương lai của mình. Hiện tại, nhà cửa, gia đình, con cháu của tôi đều ở Mỹ nên tôi chưa quyết định được gì cho mình đâu.

Thoại Hà thực hiện
:idea:

delta
01-14-2008, 11:52 AM
Lệ Thu Sinh Ra Chỉ Để Hát

"Có lẽ nghiệp ca của tôi nặng quá thành ra tôi phải đeo đuổi. Còn những người khác đã yên bề không phải chịu sóng gió như tôi, không bay bổng như tôi", nữ ca sĩ tâm sự.
> Lệ Thu: 'Âm nhạc là thứ quý giá của đời tôi'

- Nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gắn liền với tên tuổi Khánh Ly, sao chị lại có cái duyên là người đầu tiên hát ca khúc "Hạ trắng"?

- Bài hát đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi xin hát là Xin mặt trời ngủ yên. Bài Hạ trắng, anh Trịnh Công Sơn sáng tác lúc đang ở Huế. Tôi có gặp chị Hà Thanh, chị nói anh Sơn sáng tác một bài hát rất lạ, anh đang tìm Thu để thu băng. Hồi đó phương tiện liên lạc chưa hiện đại như bây giờ, tôi đã viết thư cho anh Sơn và anh Sơn gửi cho tôi bài Hạ trắng.

- Còn mối duyên của chị với nhạc Phạm Duy thì sao?

- Trong những tác phẩm của ông, tôi chỉ chọn hát những bài tôi yêu thích và hợp với chất giọng như: Thuyền viễn xứ, Nghìn trùng xa cách, Đừng xa nhau, Hẹn hò, Ngậm ngùi... Một kỷ niệm của tôi với nhạc sĩ Phạm Duy đó là ca khúc Nước mắt mùa thu được nhạc sĩ viết riêng cho tôi vào những năm 69-70. Thời gian đó, tôi đang hát ở phòng trà Queen Bee. Nhạc sĩ Phạm Duy đã đến phòng trà Queen Bee nghe tôi hát. Sau đó bài này đã được tái bản nhiều lần.

- Nghe đồn ngày trước thi sĩ Nguyên Sa có ví von tiếng hát Lệ Thu là "tiếng hát vàng mười". Thực hư ra sao?

- "Tiếng hát vàng mười" và "tiếng hát vàng ròng" là do nhà văn Duyên Anh và nhà văn Nguyên Sa yêu thương gán cho tôi. Tôi còn giữ nó như một kỷ niệm đẹp.

Bây giờ nếu thực hiện một mini liveshow tại phòng trà, chị sẽ chuẩn bị như thế nào?

- Tôi sẽ chọn lọc những bài hát tâm đắc nhất mà tôi từng hát và đặc biệt, đó là những bài hát về mùa thu. Nếu khán giả yêu cầu, tôi sẽ hát những bài khán giả yêu thích. Mỗi một chương trình như thế, Lệ Thu luôn chuẩn bị không dưới 20 bài hát để cống hiến khán giả. Lần này, tôi ở lại đây ba tháng, nên rất sẵn lòng hát cho khán giả nghe thật nhiều. Công ty văn hóa Phương Nam sẽ nhận lịch diễn cho tôi tại phòng trà cũng như sân khấu lớn.

- Ở tuổi này, chị làm thế nào để hát live được cả 20 bài mà không mệt?

- Dĩ nhiên muốn có một sức khỏe để giữ làn hơi tốt thì mình phải trả giá, đó là thường xuyên tập thể dục và không được thức khuya, trừ khi đi hát. Thêm vào đó, chắc bố mẹ và trời cho tôi một cơ thể không biết mệt là gì. Thú thật là mỗi khi bước ra sân khấu, tôi có thể hát say sưa, càng hát càng hăng.

Khán giả đến với chương trình là nghe tiếng hát của mình, nên tôi luôn chuẩn bị một sức khỏe đầy đủ để hát trọn vẹn. Có như vậy khán giả mới không cảm thấy bị thiệt thòi, bản thân mình được hát cho "đã".

- Với chị, khả năng hát của ca sĩ với phong cách trình diễn kèm vũ đạo - yếu tố nào quan trọng hơn?

- Tôi nghĩ rằng, mỗi giai đoạn mỗi khác. Thời buổi này sân khấu cần phải vui, có vũ công nhảy "máu" cũng là điều hay.

- Chương trình "Bước chân hoàn vũ" bị đánh giá là "hơi tạp". Liệu tên tuổi của chị sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi tham gia sô đó?

- Theo tôi thì ca sĩ cần có nhiều thị trường để thử thách. Tôi xác định sẽ hát dòng nhạc nào, bài gì, nhưng không thể kén chọn chương trình xuất hiện. Tôi luôn tâm niệm mình phải tìm đến nhiều thành phần khán giả và hát cho họ nghe. Ở Mỹ tôi nhận sô ở mọi nơi chứ không kén chọn vì muốn hát cho người Việt nghe.

- Chị nghĩ gì khi những ca sĩ cùng thời đã vắng bóng trên sân khấu ca nhạc từ lâu?

- Tôi thấy đau lòng... Nhưng có lẽ nghiệp ca của tôi nặng quá thành ra tôi phải đeo đuổi, còn những người khác đã yên bề không phải chịu sóng gió như tôi, không bay bổng như tôi.

- Dòng nhạc mà chị chọn theo đuổi có thể không hợp số đông khán giả bây giờ. Chị nghĩ sao?

- Hiện có nhiều loại nhạc chỉ là trào lưu. Mà là trào lưu sẽ có "phát" và "tàn". Dòng nhạc mà tôi theo đuổi không phải là trào lưu. Tôi chỉ hơi lo là lớp khán giả nghe mình hát sẽ ít đi. Nhưng cũng như các thế hệ ca sĩ tiếp nối dòng nhạc thời mình, tôi tin sẽ có những lớp khán giả tiếp nối.

- Chị tưởng tượng ra sao về cái ngày phải từ bỏ nghiệp ca?

- Tôi đã chuẩn bị cho kết cục này từ lâu rồi. Mình phải nghĩ đến cái xấu trước rồi mới nghĩ đến cái đẹp, biết chấp nhận thực tại, như thế dễ sống hơn. Nếu không được khán giả đón nhận nữa, chuyện lui vào bóng tối sẽ không là bi kịch mà là một thực tế, ca sĩ nào mà chẳng đến lúc buông micro.

- Một số ca sĩ hải ngoại về nước ngoài việc hát còn làm kinh doanh, còn chị?

- Tôi từng hợp tác với mấy người làm một tờ báo hải ngoại. Tôi cũng hợp tác mở tiệm ăn và mỹ viện. Những việc đó đều không thành công. Tôi nhận ra mình sinh ra chỉ để hát thôi.

- Mỗi lần đến tiết mục của Lệ Thu, khán giả đinh ninh là lại thấy chị mặc áo dài. Chị nghĩ sao nếu khán giả thấy nhàm chán về trang phục của mình?

- Áo dài là thời trang riêng của Lệ Thu rồi, tôi đi hát chứ đâu đi biểu diễn thời trang. Nhiệm vụ của tôi chỉ là hát thôi. Khi đi hát tôi rất ít nói, mình sẽ bị phân tâm. Cho nên mọi người thường nhận xét Lệ Thu nghiêm trang.

- Tên tuổi của chị gắn liền với ca khúc "Nước mắt mùa thu". Chị có sợ "một đời ca sĩ hát trong buồn tênh" vận vào đời mình không?

- Nhiều người nghe tên Lệ Thu, nghe tôi hát cứ nghĩ đời tôi rất buồn. Thật sự thì tôi luôn cố gắng sống vui, con đường ca hát của tôi từ hồi nào đến giờ cũng thêng thang lắm, nên không có chuyện "buồn tênh" đâu.

- Các con chị đều đã trưởng thành và không nối nghiệp mẹ. Chị thấy sao?

- Tôi thấy điều đó thật may mắn, bởi không phải bạn trẻ nào nối nghiệp ca hát của cha mẹ đều thành công. Ca sĩ Ý Lan là trường hợp hiếm hoi. Nếu các con tôi đi hát mà không nổi tiếng bằng mẹ, điều đó là áp lực và nỗi buồn của chúng.

- Mọi người đều thấy chị rất tự hào về quê hương Hà Đông...

- Đúng, vì tôi là người Hà Đông... Người ta hay nói "sư tử Hà Đông", nhưng đó là một làng Hà Đông ở Trung Quốc, còn Hà Đông của mình thì có lụa mềm mại. Tôi sống ở Hà Đông lúc 5-6 tuổi, học ở trường làng, từ Hà Đông ra đến Hà Nội khoảng 10 cây số thôi.

- Chị nghĩ sao về ý định viết hồi ký?

- Tôi đắn đo, vì có những sự mất lòng mà hồi ký thì không thể nói dối được.

- Album mới của chị tại Việt Nam bao giờ phát hành?

- Đến nay đã chọn bài xong, album sẽ gồm những ca khúc cũ và mới, toàn là những bài hát tôi thích. Tôi chọn bài Tôi mong về Hà Nội của nhạc sĩ Dương Thụ làm chủ đề của album. Album sẽ ra mắt vào đầu tháng 10.

- Cuộc sống của chị bên Mỹ thế nào?

- Rất yên bình và hạnh phúc, có phần đơn giản. Gần chục năm nay tôi gần như chỉ hát thôi. Ăn uống thì vài miếng rau và đậu hũ cũng xong bữa. Tôi đọc sách nhiều, khi rảnh tôi thường lang thang ở các hiệu sách
:idea:

delta
01-14-2008, 12:03 PM
http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/shadow.jpg
http://www.freewebtown.com/noyesno/AoAnhLeThu80.wma

Bấm Vào Nghe Nhạc

Download (http://www.freewebtown.com/noyesno/AoAnhLeThu80.wma)
:alert:
Ảo Ảnh
Sáng Tác: Y Vân
Trình Bày Lệ Thu


Yêu cho biết sao đêm dài
Cho quen với nồng cay
Yêu cho thấy bao lâu đài
Chỉ còn vài trang giấy

Giòng mực xanh còn đấy
Hứa cho nhiều dù bao lời nói
Đã phai tàn thành mây thành khói
Cũng xem như không mà thôi

Những ân tình em đong bằng nước mắt
Khóc cho đầy hai chữ tình yêu
Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo
Đã phai màu ân ái từ lâu...

Những nẻo thuyền yêu đương thường dễ đứt
Khiến bao chiều trên bến tịch liêu
Vắng con tàu sân ga thường héo hắt
Thiếu anh lòng em thấy quạnh hiu...

Xưa đêm vắng đưa nhau về
Nay đơn bóng đường khuya
Khi vui thấy trăng không mờ
Lòng buồn nên trăng úa

Kìa phồn hoa còn đó
Những con đường buồn vui lộng gió
Những ân tình chìm trong lòng phố
Cũng theo hư không mà đi

:dizzy1: