PDA

View Full Version : DĐ-Dùng bạo lực trấn áp là thách thức và khiêu khích niềm tin người tín hữu VN



Dan Lee
01-06-2008, 05:36 PM
THÊM DẦU VÀO LỬA: DÙNG BẠO LỰC TRẤN ÁP


LÀ THÁCH THỨC VÀ KHIÊU KHÍCH NIỀM TIN NGƯỜI TÍN HỮU

Những buổi cầu nguyện liên tiếp và ngày càng rầm rộ

http://www.vietcatholic.net/pics/80105conganthaiha.jpg,http://www.vietcatholic.net/pics/80106caunguyen1.jpg
http://www.vietcatholic.net/pics/80106caunguyen2.jpg,http://www.vietcatholic.net/pics/80106thieunhi.jpg
http://www.vietcatholic.net/pics/80106congandoimau.jpg,http://www.vietcatholic.net/pics/80106caunguyen0.jpg
Kể từ ngày 18 tháng 12 năm 2007, cuộc cầu nguyện biểu dương thái độ của Giáo dân Công giáo Hà Nội về việc đòi lại đất đai tài sản ở Tòa Khâm sứ mở đầu cho hàng loạt hành động đòi thực thi công lý trong hòa bình. Các cuộc cầu nguyện tiếp theo ngày càng rầm rộ và kiên quyết đã tạo nên làn sóng âm thầm, ôn hòa nhưng mạnh mẽ trong lòng người giáo dân, thu hút sự chú ý của xã hội, kể cả những người không công giáo, nhất là các phương tiện truyền thông trong nước và trên thế giới.

Những hình ảnh đoàn dân đông đúc ngoài hàng rào, trên hè phố cầu nguyện dưới trời rét lạnh, những ánh nến lung linh trong đêm, những lời hát thiết tha đã đốt lên niềm hi vọng vào Công lý và sự thật trong một đất nước được gắn với slogan “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”?

Điều này đã một phần góp vào việc đưa hình ảnh Việt Nam tiếp cận thế giới hiện đại. Một hình ảnh phản cảm với những điều mà hệ thống truyền thông nhà nước đang cố sức tô vẽ cho thế giới rằng: “Việt Nam là điểm đến, là nơi ổn định và an toàn, đất nước Việt Nam đang đổi mới dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng Cộng sản, nhân quyền được tôn trọng, người dân được hưởng đủ mọi quyền tự do được ghi trong Hiến pháp và cuộc phát động trong cả hệ thống chính trị một cách rầm rộ Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh”?…

Giáo hội Công giáo đã bị đặt vào thế chẳng đặng đừng khi bị đẩy vào cuối chân tường, buộc phải có những hành động thể hiện quyết tâm của mình, bất chấp những khó khăn nào có thể gặp phải. Chẳng ai muốn bỏ công ăn việc làm, bỏ cả sự yên bình để chấp nhận phải đối mặt với thực tế đầy những hệ lụy. Nhưng khi công lý cần được sự lên tiếng, sự thật cần được tỏ bày, con đường sống nhỏ hẹp đang bị chặn lại, thì không còn sự lựa chọn nào khác buộc họ phải lên tiếng và hành động.

Hệ thống chính trị đang lúng túng trước quyết tâm và sự dũng cảm không ngờ của người dân Công giáo. Qua một quá trình dài dưới thể chế Cộng sản độc tài cầm quyền, sự sợ hãi đã ngấm vào máu, ngấm vào từng đường gân, thớ thịt của mỗi người dân khi phải sống trong một nền “chuyên chính vô sản, chuyên dùng bạo lực cách mạng”. Kể cả những sĩ phu, những trí thức của đất nước buộc phải sống hèn với phương châm: Ai thổi lửa, người đó sẽ cháy miệng, miễn là lo cho đầy nồi cơm nhà mình. Và sự sợ hãi đó của người dân chính là cơ sở cho sự tồn tại của hệ thống. Bởi chưng, khi sự sợ hãi mất đi trong mỗi người dân, thì cái xấu, cái ác, sự tham nhũng, sự độc tài được nuôi dưỡng bằng tiền của nhân dân chắc chắn sẽ không còn chỗ đứng, dù nó được trang bị đầy đủ các loại vũ khí tối tân đến đâu. Một câu nói của ai đó đại ý rằng: Khi một dân tộc vui vẻ hiên ngang bước tới nhà tù, thì đó là ngày tàn của chế độ.

Những tưởng rằng, với người dân, sự sợ hãi đó đã không cho phép họ đứng lên nói tiếng nói dũng cảm, nguyện vọng của mình. Nhưng những ai có ý nghĩ đó đã lầm. Những buổi cầu nguyện bất chấp sự dọa dẫm, sự hằn học và những hệ lụy… đã nói lên điều đó. Chính vì vậy mới có sự lúng túng trong hành xử, trong việc trống đánh xuôi, kèn thổi ngược của hệ thống công quyền ở trường hợp này.

Nếu như những buổi cầu nguyện này xảy ra khi bức màn sắt còn chụp lên toàn bộ đất nước, cô lập với thế giới bên ngoài, thì liệu những gì đã xảy ra. Người dân từ chỗ nhìn thấy bóng công an, đã xiêu hồn bạt vía, đến nay, những người phụ nữ chân yếu tay mềm, đã can đảm nhìn thẳng vào mặt công an mà ứng xử, dù bên cạnh là xe bắt người, là lực lượng cảnh sát dày đặc.

Điều đó nói lên những gì? Phải chăng, đã đến lúc, công an, súng đạn, nhà tù không còn là nỗi sợ hãi của những người dân khi họ hiểu được quyền của họ: Quyền làm người và được bình đẳng trước pháp luật.

Đổ thêm dầu vào lửa – Kết quả và hậu quả

Bức tượng Đức Mẹ sầu bi dưới Thánh giá đang nằm trong khuôn viên Tòa Khâm sứ với hàng vạn con mắt chiêm ngưỡng những đau đớn của Mẹ Giáo hội, hứa hẹn con đường cầu nguyện đòi công lý sẽ còn diễn ra ngày càng rầm rộ ngoài ý muốn của chính quyền. Địa danh khu vực Tòa Khâm sứ có thể sẽ biến thành Vườn Thánh giá trên Phố Cầu nguyện. Chính quyền đang lúng túng bị động chưa có phương cách giải quyết êm đẹp, thì ngay ngày hôm nay, 6 tháng 1 năm 2008, cả hệ thống chính quyền, lực lượng vũ trang quận Đống Đa đã tạo nên một vụ việc mới tại Nhà thờ Thái Hà, trong khuôn viên đất đai của Dòng Chúa Cứu Thế.

Một lực lượng đông đảo công an, Cảnh sát 113, các cơ quan chính quyền đã hăng hái đi làm ngày Chúa nhật, để phục vụ cho việc cưỡng chiếm đất đai của Dòng Chúa Cứu thế, giáo xứ Thái Hà – Hà Nội.

Giữa đất thủ đô ngàn năm văn hiến, trong một thể chế chính trị “ổn định, trật tự an toàn” hàng loạt cảnh sát, cán bộ đã “ào ào như sôi”, với dây kẽm gai, dùi cui, súng đạn nhằm ép buộc giáo dân khuất phục, phục vụ cho việc cưỡng chiếm đất đai của Giáo xứ và Dòng Chúa Cứu Thế một cách ngang nhiên.

Ngay lập tức, những hành động đáp trả theo đúng tinh thần ôn hòa nhưng dũng cảm, hàng ngàn giáo dân Thái Hà không một tấc sắt trong tay nhưng đầy sự can trường đã quyết liệt thể hiện sự dũng cảm và can đảm đối mặt với vũ lực để bảo vệ công lý và sự thật. Chứng kiến những ánh mắt, hành động của họ chiều nay, mới hiểu được niềm tin nơi họ mãnh liệt đến nhường nào. Họ có thể là những bà nội trợ, ngay cả những em thiếu nhi hồn nhiên đơn sơ, có thể là những bác xích lô, có thể là những nhà trí thức… nhưng khi đó tất cả đồng tâm, đồng lòng một ý chí thể hiện quyết tâm của mình bảo vệ đất đai tài sản Giáo hội, bất chấp súng đạn, dùi cui kề cạnh. Thật là một sự thể hiện niềm tin mãnh liệt của những người Công giáo Việt Nam.

Người ta không thể đặt câu hỏi: Những hành động của Quận Đống Đa hôm nay nhằm mục đích gì vậy?

Phải chăng là để thực thi công lý? Xin thưa, chẳng có công lý nào được thực thi trên nền tảng của sự cướp đoạt trắng trợn tài sản đất đai của kẻ khác.

Phải chăng là để chứng tỏ cho những người Công giáo xứ Thái Hà biết sức mạnh bạo tàn của súng, đạn, dùi cui và nhà tù của cái gọi là “chuyên chính vô sản”? Xin thưa, với niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa, và công lý, sự thật, những sự dọa dẫm đó không có tác dụng tích cực, nếu có ai không tin điều này, xin đến tận nơi để nhìn vào ánh mắt của những giáo dân chiều nay, chắc sẽ hiểu.

Phải chăng đó là cách trả lời cho Giáo hội Công giáo Việt Nam trên con đường đòi hỏi công lý thực thi? Xin thưa, Giáo hội Công giáo Việt Nam biết rõ mình đang làm gì, và tất cả những hành động của Giáo hội được sự đồng lòng của lương tâm mọi con người, bất kể họ là ai, họ là tôn giáo nào. Vì vậy, phương pháp nói chuyện bằng súng đạn, đã không còn là cách hữu hiệu với những người can trường, dũng cảm sẵn sàng hi sinh cho niềm tin chân lý của mình.

Phải chăng, đó là cách thể hiện kết quả của đợt học tập đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh vừa qua? Xin thưa, dù những người Công giáo không học điều đó, cũng hiểu rằng: Không có một thứ đạo đức tư tưởng nào được ca tụng và tồn tại nếu dựa trên nền tảng của bạo lực và cướp đoạt.

Phải chăng là hành động thể hiện cảnh sát và chính quyền Việt Nam có đủ năng lực thực thi nhiệm vụ khi Việt Nam vừa mới được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Chống khủng bố của Liên Hợp quốc? Xin thưa, đây là những công dân Việt Nam đang không một tấc sắt trong tay, ôn hòa đòi lại quyền lợi của mình, họ không thể là khủng bố, khủng bố chính là kẻ lấy vũ lực, lấy thịt đè người, bất chấp công lý và công bằng? Hay họ đang thao diễn khả năng này?

Vậy những hành động đó để lại những kết quả hay hậu quả gì?

Có thể những hành động đó đưa lại một kết quả: Khi lấy thịt đè người, dùng súng đạn cưỡng chiếm, đất đai sẽ được một tập thể hoặc cá nhân nào đó sử dụng. Tuy nhiên, không có ai có thể sử dụng đất đai, tài sản của nhà thờ, Thánh thất mà được yên ổn trong cuộc sống, ít nhất là trong tâm hồn, dù đó là những kẻ vô thần, thậm chí là những kẻ cướp. Theo đúng Chủ nghĩa duy vật biện chứng Mác – Lênin, thì quy luật nhân quả cũng là một điều không thể chối cãi. Họ sẽ gặt lấy những hậu quả ngoài mong muốn từ những nguyên nhân mà họ đang gây ra.

Những hành động đó, trong thế giới của truyền thông, đã làm xấu đi hình ảnh của một đất nước Việt Nam đang muốn làm bạn với cả thế giới tiến bộ. Mà thế giới tiến bộ, văn minh thì không có chỗ ca tụng cho những hành động cướp đoạt, cưỡng chiếm tài sản hay phân biệt, kỳ thị tôn giáo. Những hành động đó, vừa xảy ra, chỉ mấy phút sau, cả thế giới đã được chiêm ngưỡng, càng làm cho những ý nghĩ tốt đẹp về một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh như những khẩu hiệu nhan nhản khắp nơi.

Những hành động đó, như đổ thêm dầu vào lửa, vốn đang chờ dịp cháy bùng lên sau bao nhiêu năm nhẫn nhục chịu đựng của những người Công giáo, và cho đến nay, sự nhẫn nhục đã vượt xa giới hạn có thể chịu đựng của nó.

Những hành động đó, càng tạo nên khó khăn cho việc đối thoại của các cấp chính quyền với Giáo hội, càng đào sâu thêm hố ngăn cách trong khi xu thế hòa bình, đối thoại đang là xu hướng hợp thời đại và có tác dụng nhất trong sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau.

Đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trong các văn kiện chưa bao giờ hết câu: “Các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài”. Những hành động đó của Quận Đống Đa, phải chăng muốn biến các công dân mình về phía thù địch với chính quyền hiện tại, khi niềm tin của họ bị chà đạp, khi những bất công, nghịch lý được hệ thống công quyền bảo hộ?

Trong khi cả hệ thống này chưa đặt nổi và giải thích rõ ràng một câu hỏi: Tại sao chính thể này, đất nước này có lắm “kẻ thù” đến thế? Phải chăng, những hành động của mình đã là một câu trả lời đầy tính thực tế?

Khi niềm tin bị mất đi, thì tất cả những lời nói hoa mỹ, những hành động lừa mỵ hoàn toàn không có tác dụng, dù chúng được thực hiên công phu, huy động tất cả nhân tài vật lực có thể.

Vì vậy, hành động ngày hôm nay của Quận Đống Đa với Xứ Thái Hà, không thể nói gì hơn, là việc đổ thêm dầu vào mồi lửa đang rực cháy.

Cũng xin nhắc lại câu ngạn ngữ: “Kẻ chơi dao sẽ chết vì dao, người châm lửa sẽ chết vì lửa” đó là một điều khó tránh.

Nguyện xin Thiên Chúa soi sáng cho lương tâm của những tâm hồn đen, để họ được thấy con đường sáng.

Hà Nội, Ngày 6 tháng 1 năm 2008
J.B. Nguyễn Hữu Vinh