PDA

View Full Version : T- Tàng Hình



Dan Lee
12-29-2007, 12:28 PM
TÀNG HÌNH

http://www.vietcatholic.net/pics/holyfamily.jpg

Nhắc đến lễ Thánh Gia mấy ai quên được hình ảnh năm xưa Giuse dắt lừa, chân đất cùng bà Maria, bước thấp bước cao, theo lệnh vua, về quê cũ khai sổ kiểm tra. Ánh chiều vàng nhạt, tâm tư hai ông bà phai tàn theo.

Màn đêm buông xuống, tối tăm bao phủ không gian, lấn át che lấp niềm tin, hy vọng tìm được quán trọ trước trời tối. Ánh đen bủa vây vì nghèo nên bị hất hủi, xua cửa này, đuổi cửa nọ. Đêm nay ngủ đâu? Câu trả lời. Chuồng bò. Súc vật sống được ta sống được. Còn hài nhi? Ít ra là lúc sanh ra có cha, có mẹ, có tình thương.

Cây muốn lặng, gió chẳng ngừng. Đời không êm đềm cho kẻ nghèo. Đời tị nạn. Chưa kiếm đủ miếng cơm manh áo ngay trên quê hương mình. Sống sao nơi đất khách, quê người. Trốn đâu? Không đi hài nhi bị giết. Đi thì khổ. Đêm đen âm thầm giã từ xóm làng, bồng con tất tưởi chạy trốn, dù đứa bé mới sanh vô tội. Đời lắm oan khiên.

CẢM NGHIỆM

Lớn lên trẻ Giêsu sớm chứng kiến cảnh cha mình xẻ gỗ, mồ hôi lăn dài trên trán, cổ áo ướt đẵm, lưng vải khoáng trắng muối mồ hôi. Hình ảnh ông Giuse gì gẵng khệ nệ, khom lưng bê khúc gỗ trên cánh tay trần. Cong lưng trải dài trên thảm gỗ tay duỗi thẳng đến đâu vỏ bào bắn ra đến đó, Tiếng bào gỗ rào rạo, tiếng vỏ bào sột soạt bay là là mặt đất.

Trẻ Giêsu có lần cưa phụ bố, mới kéo vài ba phút đã thấm mệt, trán vã mồ hôi, tim đập nhanh, người nóng bừng, tay rã rời. Gỗ gì vừa khô, vừa cứng, hơn nữa mạch cưa ngoác ra không thẳng mịn như mạch cưa của cha. Cầm búa cũng không xong cố gắng đóng đi, đóng lại, đổi hết đinh gỗ sang đinh tre, gẫy hai ba lần, đinh đóng vẫn chưa xuyên tâm. Đến khi đục càng khó hơn nữa, đo đi do lại cho chắc ăn thế mà khi ráp vào lỗ đục vừa to vừa méo nên khung sườn méo mó, dọ dẹo, lúc lắc, đứng không vững. Cần đến bàn tay chuyên nghiệp của cha sửa cho. Không giúp được việc còn mất giờ sửa đi, sửa lại. Cha vẫn kiên tâm giúp. Đụng vào cái chàng càng tệ hơn nữa. Làm sao làm nhẵn được khúc gỗ mới cưa, vẹt xong phía trên, méo phía dưới. Cặm cụi cưa đục, đẽo, bào, chuốt chàng lầm bẩm nói với chính mình. Nghề này không dễ kiếm ăn.

HIỂU LẦM

Lao nhọc, vất vả, cầy sâu quốc bẫm, đầu đội thúng lúa cao vời vợi, đòn gánh nặng oằn trên vai vì thúng rau tươi, chân chập choạng bước trên đường lầy lội, những hình ảnh lao nhọc đó ngày nay biến mất. Không còn cảnh người bào nằm dài trên phản gỗ, tìm đâu ra cảnh cưa xẻ, đục đẽo, Câu ví von đổ mồ hôi mới có miếng cơm manh áo, ngày nay không giúp các em liên tưởng đến cái vất vả, lao nhọc của cha mẹ.

Ở các quốc gia công nghệ hoá đời sống càng văn minh con cái càng khó nhận biết sự hy sinh của cha mẹ. Con cái không thấy cha mẹ hy sinh. Có em lầm tưởng làm người lớn rất sướng nên mong mỏi sớm thành người lớn. Tình thương dường như bị các phương tiện đời sống che lấp.

Sáng mưa cũng như nắng, nóng cũng như lạnh, con đi học bằng xe bus, cha mẹ lái xe hơi đi làm. Ai cực hơn ai.

Tối đến con cái ráng làm cho xong bài, cha mẹ rảnh rỗi coi tivi.

Ai sướng hơn ai.

Cuối tuần con đi học thêm hoặc chạy mướt mồ hôi trong sân banh. Cha mẹ đứng ngoài vỗ tay, la hét. Ai mệt hơn ai.

Công cha như núi Thái, nghĩa mẹ như nước nguồn. Núi Thái không cao hơn đỉnh Hy Mã lạp Sơn có nhiều người leo lên đỉnh. Nước nguồn không biết nhưng biết sóng thần Tsunami nên hình ảnh núi Thái nước Nguồn biến mất không gợi lại trong em hình ảnh hy sinh vô cùng vĩ đại.

Cha mẹ thương con nhưng không biết cách diễn tả, làm sáng tỏ tình cha mẹ thương con. Nhắc đến vất vả kiếm miếng cơm manh áo rất thừa vì tủ nào cũng đầy nhóc, kiểu mẫu tân thời đủ cả, lâu lâu còn lén vất đồ cũ lỡ mua chưa mặc.

Lo cơm ăn? Các bữa tiệc thực phẩm dư thừa, chan chứa nói chi đến đói ăn.

Nhiều khi ép con ăn vì sợ chúng đói. Phụ huynh và con em không hiểu nhau. Thách đố mới của thời đai là làm thế nào cha mẹ diễn tả tình thương giúp con cái hiểu và cảm nhận được tình thương đó. Cảm nhận càng sâu đậm, càng in sâu vào tâm trí chúng và chúng sẽ đáp lại bằng tình yêu.

Lm Vũ đình Tường