PDA

View Full Version : G-Gia đình là vườn ươm



Dan Lee
12-28-2007, 12:45 AM
[B]GIA ĐÌNH LÀ VƯỜN ƯƠM


LỄ THÁNH GIA

Tôi rất thích bài hát “Tình con cho ba” của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên. Tôi thường hát tặng khi gặp gỡ chia sẽ với giới gia trưởng, giới trẻ, giới thiếu nhi. Lời hay, nhạc êm ái như lời tri ân của người con dành cho ba của mình:

“Ba thương yêu dắt con vào đời. Ba bên con giúp con học chăm.

Ba hy sinh khuya sớm nắng mưa, gió rét khó khăn ngại chi, khuyên con vững tâm học hành.

Ba ru con những đêm trăng rằm. Ba bên con từ lúc thưở hàn vi.

Con yêu ba nguyện ước có ngày, tương lai sáng tươi thành công, vinh danh người ba kiêu hùng.

Khắc ghi sâu những lời ba khuyên, lương tri trong sáng xây đời, cội nguồn lòng con ghi nhớ.

Bao yêu thương kỷ niệm ngày mơ, bên ba nô đùa tuổi thơ, con vui ở bên ba hiền.

Ba khuyên con ngẩng cao yêu đời. Thương tha nhân và giúp ai người đơn côi.

Không tham lam lợi danh thế trần. Vinh danh giống dân rồng tiên, thoả lòng người ba ước mong

Ba ơi, con xin nghe lời. Ba ơi, con nghe lời ba khuyên

Ba ơi, con yêu người. Ba ơi, con muôn đời ghi ơn”.

Lễ Thánh Gia, Phụng Vụ Giáo Hội hướng người tín hữu về một gia đình mẫu mực nhất. Giáo Hội như người mẹ hiền mong muốn con cái mình hãy noi gương bắt chước Thánh Gia hầu mang lại hạnh phúc đầm ấm cho mỗi gia đình Công Giáo.

“Hàng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua...” (Lc 2,41). Một gia đình đi hành hương để thờ phượng Thiên Chúa: Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Hai ông bà là người sùng đạo, tuân giữ lề luật cách trung tín. Họ thao thức chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa là Đấng phải yêu mến trên hết mọi sự.

Theo luật quy định người Dothái phải hành hương về Giêrusalem “mỗi năm ba lần mọi người nam phải trình diện trước Đấng Toàn Năng là Đức Chúa”. Một lần đi bộ hành hương về Nhà Chúa phải mất một tuần lễ. Họ vừa đi vừa hát Thánh Vịnh Lên Đền: “Tôi vui sướng biết bao khi người ta nói với tôi rằng nào ta tiến về Nhà Chúa”.

Năm nay, Chúa Giêsu lên 12 tuổi, được cha mẹ đưa đi cùng đoàn hành hương tiến về Đền Thờ theo tập tục ngày lễ. Đối với người Do-thái 12 tuổi là tuổi trưởng thành. Chúa Giêsu đã bộc lộ sự khôn ngoan trước các bậc thông thái. Sau khi dự Lễ Vượt Qua, Người ở lại Đền thờ tranh luận với các tiến sĩ luật “mọi kẻ nghe Người đều sửng sốt về trí thông minh và các lời Người đối đáp”.

Phụng Vụ muốn đem câu chuyện này vào kể trong mùa Giáng Sinh, mùa Chúa tỏ mình ra. Người là đấng khôn ngoan am tường đường lối Thiên Chúa để dạy dỗ nhân loại. Hai ông bà tìm được con trong Đền thờ. Mẹ trách nhẹ: “Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48). Người đáp lại: “Sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận đối với nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh bản tính siêu phàm của Người. Cha Người không phải là ông Giuse mà chính là Thiên Chúa. Cần chu toàn bổn phận đối với Cha trên Trời...

Sau đó cả gia đình trở về Nadarét. Chúa Giêsu hằng vâng phục hai ông bà. Người đã chu toàn cả hai phận sự đạo và đời.

Con Thiên Chúa làm người và thuộc về một gia đình: Thánh Gia. Chúa Giêsu có thể sinh ra như một nhân vật thần kỳ nào đó trong các huyền thoại hay được giáng trần như Thánh Gióng, Tiên Nga... Nhưng Đức Giêsu không muốn làm thế. Ngài muốn có một tổ ấm, một mái gia đình, có cha có mẹ. Chấp nhận làm người là chấp nhận thuộc về một gia đình.

Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Mái nhà là trường học đầu tiên, cha mẹ là thầy cô căn bản. Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt trong Thánh Gia đạo hạnh. 30 năm sống dưới mái nhà Na-da-rét, Đức Giêsu đã thành một người chín chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao phó. Thánh Giuse đã “dắt trẻ Giê-su vào đời, hy sinh khuya sớm nắng mưa, ru trẻ Giê-su những đêm trăng rằm, dạy những bài học yêu thương tha nhân giúp người đơn côi...”

Đức Giê-su đã học nơi Thánh Giuse tinh thần lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành thánh ý Thiên Chúa, lòng nhiệt thành chu toàn trách nhiệm đối với gia đình. Đức Giê-su học nơi Đức Mẹ Maria nét đẹp hiền lành đơn sơ, tế nhị, tận tuỵ phục vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Các nhà tâm lý học cho biết rằng: đứa trẻ cần đến sự nâng đỡ của người cha cũng như người người mẹ. Người cha tạo cho con cái hùng, cái nghiêm trang mực thước. Người mẹ ảnh hưởng trên cảm tình con cái về sự tế nhị, dịu dàng, bao dung. Vì thế đứa trẻ mồ côi cha thường sống uỷ mỵ, nhát đảm, thiếu cương quyết và nghị lực. Đứa trẻ mồ côi mẹ thường mang tính cứng cỏi, cộc cằn, dễ u buồn, thiếu tế nhị vui tươi. Trẻ thơ cần được giáo dục về đời sống tình cảm và lý trí. Tình cảm dễ ảnh hưởng nơi người mẹ, lý trí thường nhờ cậy người cha. Do đó người Ý có lý khi nhận xét: “Người mẹ yêu thương dịu dàng, người cha yêu thương khôn ngoan”. Người dân Anh nhận xét chí lý: “Khi còn thơ con cái bú mẹ, lúc lớn khôn chúng lại bú cha...”. Tục ngữ Việt Nam thì có câu: “Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng...”.

Nền tảng cho việc đào tạo lý trí và tình cảm của một con người là đạo đức. Trên nền móng đạo đức vững chắc, xây một ngôi nhà gia đình hạnh phúc. Nếp sống đạo đức của Thánh Gia đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời Đức Giêsu. Người thừa hưởng nơi Thánh Giuse và Đức Mẹ lòng yêu mến lề luật, gắn bó với đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa.

Người học nơi cha mẹ tâm tình vâng phục thánh ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình,sự chuyên chăm làm việc, sự ân cần âu yếm đối với con cái. Gia sản quý báu từ Thánh Gia bàng bạc trong những lời Người giảng dạy, trong đời sống của Người.

Gia đình thật quan trọng. Chính gia đình quyết định tương lai của trẻ thơ. Gia đình là vườn ươm. Hạt giống tuổi thơ lớn mạnh được là nhờ vườm ươm có đầy đủ nước, phân bón và sự ân cần chăm sóc. Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành thì trẻ thơ mới phát triển được mọi mặt. Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng có định hướng thì tương lai trẻ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt cuộc đời.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hằng nhắc nhở về sự thánh thiêng của gia đình khi Ngài gọi gia đình là nền tảng của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phaolô VI gọi gia đình là Cung Thánh của Giáo Hội, là trường học đầu tiên của con cái mà cha mẹ là thầy cô.

Một gia đình mà cha mẹ, con cái siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên chăm Kinh Nguyện tại gia, biết dùng Lời Chúa làm ánh sáng soi đường chỉ lối, luôn sống hoà thuận yêu thương nhau thì đó chính là gia đình gương mẫu theo Thánh Gia. Từ gia đình tốt này sẽ trao tặng những người con hữu ích cho xã hội và Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Piô XI trong Thông Điệp về Giáo Dục Kitô giáo đã dạy rằng: “Nền giáo dục bền bỉ nhất và hữu hiệu nhất là nền giáo dục được nhận lãnh từ một gia đình Kitô giáo có quy củ khuôn phép. Gương lành cha mẹ càng chiếu tỏa, kết quả giáo dục càng lớn lao”.

Đức Thánh Cha Gioan XXIII, trong một lá thư gởi cha mẹ nhân ngày mừng ngũ tuần của mình có đoạn: “Thưa ba mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức tước trong Hôi Thánh, được đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không có trường học nào dạy dỗ và làm ích cho con bằng hồi con được ngồi trên chân ba mẹ”.

Đức cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận cũng từng viết: “Chủng Viện thứ nhất, Đệ Tử Viện thứ nhất, trường Sư Phạm thứ nhất là Gia Đình Công Giáo. Không vị giám đốc tài ba nào, hay chuyên môn đến đâu có thể làm thay cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội Thánh và xã hội cũng rung rinh sụp đổ”.

Thánh Gia là một gia đính lý tưởng, đạo đức, yêu thương, hạnh phúc ngập tràn. Nguyện xin Thánh Gia luôn nâng đỡ và gìn giữ gia đình chúng con...

LM. Giuse Nguyễn Hữu An