PDA

View Full Version : M-Một chuyến đi về Miền Tây dịp mừng Lễ Chúa Giáng Sinh



Dan Lee
12-25-2007, 11:27 AM
Một chuyến đi về Miền Tây dịp mừng Lễ Chúa Giáng Sinh


AN GIANG -- Một ngày giữa tháng 12 năm 2007, tôi cùng các bạn trẻ lên núi Cấm, An Giang. Chẳng phải để làm chuyện gì to tát mà phát quà ở chân núi, sườn núi qua dạng ông già Noel, nhưng đặc biệt điểm dừng chân của chúng tôi là ngôi nhà của một người đàn ông bốn mươi hai tuổi, đang nuôi những đứa trẻ mồ côi.

Trước kia người ta gọi đây là núi Gấm, vì mây phủ đầy trên núi rất đẹp, sau đó có những người lính đóng quân, thời chiến tranh khó khăn nên không cho dân thường lên khu vực này, thế là người ta gọi là núi Cấm.

Để đến huyện Tri Tôn, chúng tôi phải đi qua thành phố Long Xuyên rồi đi thêm 60 km nữa mới tới. Đối với tôi, quả là đoạn đường xa nhưng vì lần đầu tiên đi qua vùng này tôi thấy lạ. Dọc con kinh Vĩnh Tế (con kênh do ông Thoại Ngọc Hầu cho đào) nhiều ngôi nhà lá, nhà tôn tềnh toàng chạy dài trên mô đất của bờ kênh, mà đằng trước là sông, đằng sau là ruộng. Không biết trong những căn nhà ấy đám trẻ con có được học hành, ăn no mặc ấm hay không? Tôi bâng khuâng nghĩ như thế khi lại nhìn thấy mái lá, nền đất và phần không gian bé nhỏ ẩn bên trong đó.

Gần đến xã An Hảo ở chân núi, quang cảnh đã thấy lạ. Có những ngôi chùa của người Khơ –me; hàng cây thốt nốt bên đường hay được trồng lác đác trên cánh đồng, mà quả kết thành chùm giống như trái dừa, bên trong ruột lại như dừa nước: hạt lớn mềm, trắng đục bằng hai ngón tay cái của người lớn, ăn chung với nước đường. Đặc sản ở vùng này là những cây đường thốt nốt, tán đường tròn như cái bánh xe của trẻ con. Nghĩa trang của người Khơ-me là những cái mộ vuông, xây giống như đỉnh chùa, sơn phết nhiều màu.

Chúng tôi phát quà cho trẻ em xã An Hảo. Đó là niềm vui và cũng là cơ hội tốt nhất để có người dẫn chúng tôi lên núi một cách an lành, hợp pháp. Thật là vui khi ông già Noel chính là anh Út Bông, người đàn ông nuôi trẻ mồ côi trên núi. Anh không lạ lẫm với công việc của ông già tuyết, có lẽ do sống chung với trẻ em chăng?

Khu vực này không có nhà thờ, chỉ có chùa và tịnh xá. Trẻ con nhận quà của ông già Noel với vẻ mặt lạ lẫm, khác hẳn với những đứa trẻ ở gần nhà thờ. Chúng cầm quà, ra về với đôi mắt quyến luyến đầy vẻ hiền lành; tôi thấy thương bọn trẻ quá!

Trời chiều vẫn còn sáng. Chiếc xe Sprinter phóng mạnh lên sườn núi. Con đường nhựa đang được làm để đón khách hành hương hai ngôi chùa lớn: chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn. Tượng Phật Di Lặc sừng sững giữa khoảng không gian rộng có cây cỏ sông nước. Đây là tượng Phật Di Lặc lớn nhất Đông Nam Á. Thôi thì nghe như vậy chứ chẳng biết đúng hay sai!

Từ sườn núi, phải đi xe ôm vào một đoạn. Đối với tôi, kinh hoàng nhất là phải đi bộ để leo lên đỉnh núi gần một cây số bằng lối đi nhỏ, dốc, đầy đất đá lởm chởm dưới chân, chung quanh là cây dại, đồ đạc phải quảy gánh. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là “rừng” trên núi. Nhìn các loại cây dại đan xen nhau tôi nghĩ đến Thiên Chúa Cha. Người để cây cỏ mọc tự do. Thứ tự do của rừng đó không mang lại lợi ích cho con người nhưng cũng vẫn biểu lộ được một nét đẹp của sự tạo dựng từ Thiên Chúa.

Căn nhà bằng cây lợp tôn ở đỉnh núi hiện ra trong hơi thở mệt nhọc của tôi. Anh Út Bông và những đứa trẻ túa ra nhìn trong khi tôi ngồi bệt xuống cái nền xi măng thềm nhà, miệng lẩm bẩm: “Chúa ơi, con mệt quá! Sao có người lại sống được ở trên này cơ chứ!?”

Anh Út Bông nuôi các cháu từ năm 2001. Lúc đầu là một cháu, rồi tăng dần lên đến mười hai. Hiện nay ở đây là bảy cháu; gửi lên Bình Dương ba cháu; nhờ người em nuôi dùm một cháu, tức là còn mười một cháu vì có một cháu nhỏ mới qua đời vì bệnh.

Anh Út Bông nói: “Tôi có người quen làm ở bệnh viện phụ sản. Thấy có người bỏ rơi cháu bé, tôi rước về nuôi. Rồi nhiều người bỏ nên tôi nhận nuôi tiếp. Tôi chỉ làm rẫy, trồng tỉa cây ăn trái trên đỉnh núi này. Khi thu hoạch thì gánh xuống núi bán cho mấy người ở chợ, nên có được bao nhiêu thì nuôi các cháu bấy nhiêu. Mẹ của tôi 72 tuổi cũng ở đây. Hai vợ chồng người em phụ giúp tôi chăm sóc các cháu. Gạo, thuốc, mì gói, sữa là những thứ các cháu cần. Khi bệnh, tôi ôm các cháu xuống núi để chích thuốc….Gia đình tôi cùng có một lời khấn trên núi này là nuôi các cháu với tất cả tình thương chứ không có ý gì khác. Tôi ao ước mua được miếng đất ở chân núi, xây lên để cho các cháu xuống đó ở, rồi sau này để chúng đi học và nhiều điều thuận lợi khác, còn tôi vẫn trồng tỉa trên núi.”

Anh nói chuyện với chúng tôi có vẻ e dè, vì đây là vùng sát biên giới; phải sau bữa cơm tối, anh mới nói chuyện cởi mở hơn. Những đứa bé nhận được đồ chơi, chúng thích thú quá. Thường ngày, chúng mê cái ti vi bé 14 inch đã cũ rồi. Chúng còn quá bé nên không chú ý đến quần áo mới mà chúng tôi đem đến.

Thằng bé 18 tháng lẫm chẫm bước đi có đôi mắt to tròn và nước da trắng bóc; mẹ của nó khá đẹp, bán bia ôm, sinh ra nó rồi bỏ lại; dù chưa biết gì nhưng thấy con búp bê kêu lên được nó tròn mắt thích thú cười híc híc.

Đêm xuống, chúng tôi trải chiếu ngủ trên nền đất, cái mùng rộng bao bọc hết chúng tôi. Cái lạnh về đêm của núi cũng buốt, không có cái chăn đắp là không thể ngủ được. Cách đó mười bước là chỗ “bố con” anh Bông ngủ. Cũng nền gạch men trắng có giăng mùng nhưng chắc vẫn không đủ ấm cho những đứa trẻ thiếu mẹ! Đang đêm, tôi thót lòng khi có một cháu khóc. Cả nhà anh Bông cố dỗ dành cháu nín vì hôm nay có khách trọ qua đêm trong khi những cháu khác vẫn ngủ ngon lành. Vì sống độc thân nên tôi không thể cảm nhận nỗi khổ cực của anh Bông khi nuôi những cháu bé này, song tôi nghĩ rằng phải có tình thương thực sự mới chấp nhận cách sống thế này.

Sáng sớm, khi chúng tôi uống cà phê thì các cháu ăn mì gói và cơm chiên. Có một buồng chuối chín ở góc nhà. Vì phải xuống sườn núi làm ông già Noel phát quà nên chúng tôi hôn các cháu bé và rời căn nhà nhiều tiếng khóc cười đó một cách vội vã.

Phát quà cho các cháu ở sườn núi theo từng tốp, vì các em ở xa, đến lác đác nhưng lòng chúng tôi cứ nghĩ về căn nhà trên núi.

Một tấm lòng trên núi. Cái lạnh ban đêm của núi. Gạo, thuốc, mì gói, cái ti vi nhỏ. Tương lai những đứa trẻ. Xây một căn nhà dưới chân núi. Đó là tất cả những gì ẩn hiện trong lòng tôi khi rời huyệnTịnh Biên về Sài Gòn sau chuyến đi đầy thú vị này.
Maria Vũ Loan