PDA

View Full Version : Y-Ý nghĩ vụn vặt nhân mùa Giáng Sinh



Dan Lee
12-24-2007, 06:26 PM
Ý NGHĨ VỤN VẶT NHÂN MÙA GIÁNG SINH

Lại một mùa Giáng Sinh nữa trở về. Bão tuyết ngập tràn những vùng đông bắc và trung tây của đất nước này. Cái rét đầu đông cũng ùa đến cả vùng viễn tây nắng ấm. Thiên hạ nô nức lao vào những khu thương xá, hoặc leo nhanh lên mạng mua sắm. Thật ra thì đây chính là nhịp điệu của nhân gian, mỗi khi bước vào mùa nghênh đón Vị Con Thiên Chúa nhập thể cứu đời. Khi đón nhận món quà tuyệt đối vô giá này từ tay Thượng Đế, con người tự nhiên cũng thấy ‘lòng chợt từ bi bất ngờ’ để rộng mở đôi tay chia sẻ món quà ân tình đến cho tha nhân, nhất là những kẻ xấu số, bất hạnh. Một bước tiếp nối tuyệt vời và đầy ý nghĩa.

Nhân mùa Giáng Sinh, trong muôn vàn ý nghĩa không thể nào nói hết được về cuộc nhập thể vô tiền khoáng hậu của Ngôi Hai Thiên Chúa, xin cống hiến bạn đọc chỉ ba ý nghĩa của mùa Giáng Sinh để ta cùng suy nghĩ.

Mùa Mua Sắm

Hay “Thời Trang Trinh Trắng”

Nói gì thì nói, Giáng Sinh là mùa mua sắm, bởi vì phải chuẩn bị các món quà Noel. Một trong những thứ được mua sắm nhiều nhất, bên cạnh các loại đồ chơi, các đồ điện tử, phải kể đến quần áo, trang phục. Nhân nói đến áo quần, trang Zenith.org ngày 11/26/07 vừa qua đã đăng tải cuộc phỏng vấn Brenda Sharman, người sáng lập phong trào gọi là “Thời Trang Trinh Trắng” (TTTT). Bà cho biết các thiếu nữ trong nhóm của bà đã phải lượn hàng giờ trong các khu thương xá, mà vẫn không tìm được món hàng ưng ý. Lý do đơn giản: y phục mà các nhà tạo mẫu đang lăng xê hiện nay không hội đủ tiêu chuẩn nết na của giới trẻ. Nói rõ hơn: thật khó mà kiếm được thứ nào “đẹp nhưng không khêu gợi.”

Thoạt nghe thì cứ y như “từ trên trời rơi xuống.’ Giới trẻ thời nào đây? Thập niên 60 hay 70 (của thế kỷ trước)? Tiêu chuẩn nết na là cái đí gì? Từ ngữ nào mà nghe sao lạ hoắc thế kia? Làm gì mà có của “đẹp mà không khêu gợi”được cơ chứ?

Thật ra, tôn chỉ của phong trào TTTT chính là gieo vào tâm hồn thiếu nữ tình yêu của Chúa Kitô, và giúp họ sống tình yêu ấy trong tất cả mọi sự. Hội viên gia nhập phong trào phải được huấn luyện trong vòng 8 tháng. Chương trình huấn luyện bao gồm các lãnh vực như: thời trang, quảng cáo, làm tóc và trang điểm, phát biểu trước công chúng và các khía cạnh thực tiễn của việc trình diễn cá nhân. Nhưng đó mới chỉ là các dụng cụ giúp khai mở tâm hồn các thiếu nữ mà thôi. Họ còn cần phải tham dự các buổi tĩnh tâm cuối tuần và làm các kế hoạch phục vụ cộng đồng. Mỗi khía cạnh của chương trình đều nhấn mạnh đến phẩm giá con người. Mục tiêu chính yếu là đào tạo cho hội viên trở thành mẫu mực về đức nết na và lòng thanh khiết tại môi trường mình đang sống: giáo xứ, học đường, công xưởng, và các cộng đoàn.

Kết thúc chương trình huấn luyện là buổi trình diễn ‘Thời Trang Trinh Trắng,’ với hi vọng rằng các người mẫu của TTTT sẽ thực sự trở thành những người làm gương sáng cho các thiếu nữ đến tham dự, đồng thời đặt ra một tiêu chuẩn mới cho ngành thời trang, vừa thời thượng vừa đẹp măt, vừa có nét thẩm mỹ mà không hề khêu gợi.

Được hỏi TTTT đã khơi nguồn từ đâu, Brenda trả lời rằng nguồn gợi hứng chính là nền thần học xác thân (THXT) do ĐGH Gioan Phaolô II chủ xướng, theo đó, hồn và xác hòa quyện vào nhau, bất khả phân ly. Do đó, trang phục người phụ nữ khoác lên người thấy được ở bên ngoài thì bộc lộ con người ở bên trong. Nếu thân xác thụ tạo là một ngôn ngữ nói về Tạo Hoá, thì trang phục cũng là một thứ ngôn ngữ nói về người phụ nữ đang mặc các trang phục ấy. Điều này xem ra thật hiển nhiên, nhưng tiếc thay lại đang mất dần đi trong nền văn hóa tây phương hiện nay. Nết na, đức hạnh, thanh khiết (cùng với nó là sự kiêng kem, hãm mình, ép xác) là các nhân đức đang bị lãng quên, thậm chí còn bị đem ra giễu cợt nữa. Đã qua rồi cái thời mà bố mẹ thường nhắc nhở con gái: “Ra đường phải ăn mặc cho kín đáo nhé con!” Ngày nay, cùng với càng nhiều những gia đình đổ vỡ thì có vẻ như bố mẹ lại hãnh diện khi thấy con gái ăn mặc thật ‘hot’ hoặc ‘sexy.’ Trong khi đó, với ảnh hưởng của các chương trình quảng cáo, tạo mẫu, báo chí, truyền hình, phim ảnh, cũng như của giới điện ảnh và các ca nhạc sĩ, giới trẻ đua nhau trưng diện, ăn mặc cho thật chải chuốt, bảnh bao, hợp thời, thậm chí lạ mắt, nhằm thu hút sự chú ý của người khác. Cứ làm như thể con người chỉ là thân xác, giá trị con người chỉ là sắc đẹp, và chỉ có tuổi xuân phơi phới mới là đáng giá. Thế là người ta tìm đến những thẩm mỹ viện, dù có ở tận chân mây cuối trời. Xu hướng này đương nhiên sẽ dẫn đến chỗ dung dưỡng xác thịt, buồng tuồng về giới tính, để rồi kết thúc bằng những hậu quả thiếu lành mạnh, đáng buồn, và nhiều khi rất bi thảm.

Ăn mặc nết na là cho thấy rằng giá trị chân thực của người phụ nữ vượt xa hơn những gì người khác có thể nhìn thấy nơi thân thể họ. Một cách sâu xa hơn, con người nói chung, hay phụ nữ nói riêng, là tạo vật đầy huyền nhiệm và diệu kỳ, được trang bị bằng những khả năng và tài trí nhận được từ nơi Chúa và sử dụng nó nhằm dẫn đưa tha nhân về với Ngài. Đó phải là ý nghĩa tối hậu của cuộc đời.


xxx

Đến đây tôi chợt nhớ tới những lời kinh đã thuộc nằm lòng nhưng lâu nay không hề có dịp đọc. Đó là mấy đoạn trong kinh ‘Đền tạ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu’: “Bấy nhiêu tội đáng khóc lóc đau đớn dường ấy, thì chúng con quyết chí đền hết thay thảy, lại dốc lòng đền riêng những tội này, như cách ăn ở buông tuồng mất nết, những thói tục xấu xa làm dịp cho kẻ hãy còn thanh sạch mất lòng khiết tịnh...” Như vậy xem ra vấn đề buông tuồng mất nết đã xưa lắm rồi. Sách Sấm Truyền Cũ đã đề cập đến, từ thời của ông Nô-e, rồi ông Lót, đến thời Vua Thánh Đavit...và mãi cho tới hôm nay. Thì ra đây là vấn đề muôn thuở của con người xác thịt. Nó chính là ngọn nguồn cội rễ của muôn vàn tội lỗi và thống khổ trên mặt đất này. Nhưng, diễm phúc thay, Thiên Chúa giáng sinh làm người là để giải thoát con người khỏi vòng tục lụy này.

Giáng Sinh cũng là mùa của những phép lạ, của những chờ trông bất ngờ, như trong mẩu chuyện vui sau đây.

Mùa của Phép lạ

Hay câu chuyện “Bán Chỗ Thiên Đàng”

Đã khá lâu rồi, tại vùng đông bắc nước Ba Tây, có đôi vợ chồng kia nghèo đến nỗi chỉ có con gà mái là tài sản duy nhất. Cả hai chỉ trông vào mấy trái trứng gà để sống qua ngày. Rủi thay, vào ngày vọng Giáng Sinh, con gà lăn ra chết ngắc. Chỉ còn vài xu lẻ trong tay thì làm sao mừng lễ đây. Ông chồng đành phải chạy vào cầu cứu cha xứ.

Thay vì giúp đỡ ‘cụ thể,’ cha xứ phán rằng: “Khi mà Chúa đóng cửa ra vào, thì thế nào Ngài cũng sẽ mở cửa sổ ra. Tuy chỉ còn vài xu lẻ, không hy vọng mua bán được gì, nhưng ông cứ ra đầu chợ, mua ngay cái thứ gì đó mà người đầu tiên mời chào ông mua. Ông nên nhớ, Giáng Sinh là mùa của những phép lạ, thế nào cũng có một may mắn nào đó Chúa cho xẩy đến, biết đâu có thể làm thay đổi cả cuộc đời. Đi đi, cha chúc lành cho ông đó.”

Tuy không hứng thú gì về cái ‘giải pháp’ mà cha xứ đề nghị, nhưng đến nước này rồi, còn biết làm gì hơn, ông chồng lang thang ra đầu chợ cầu may. Bỗng có gã trọc phú chặn ngang đường, hất hàm hỏi: “Lễ lậy tới nơi rồi, ra đây kiếm chác gì thế anh bạn?” “Cũng chẳng biết nữa,” ông chồng trả lời, “cha xứ bảo thì ra đây cầu may thế thôi. Ai rao bán gì thì cứ mua.”

Giầu có nhưng sẵn tính keo kiệt, cho dù biết lão nhà nghèo này chỉ còn mấy xu dính túi, gã trọc phú cũng không tha: “Thôi đưa mấy đồng xu lẻ đây, tôi bán cho cái này.” Rồi vừa chộp lấy mấy đồng xu, gã trọc phú chìa ra mảnh giấy, vừa nói: “Cha xứ phán đúng đấy, tôi đây lúc nào cũng từ tâm thương người, tôi bán cho ông cái chỗ của tôi trên Thiên Đàng nhé. Chứng thư đây, cầm về đi!”

Anh chồng nghèo cầm chứng thư ra về. Gã trọc phú cũng quay gót, hí hửng vì cái ‘phi vụ’, tuy chẳng ra gì nhưng cũng kéo được vài đồng xu lẻ. Đêm hôm ấy, khi đang chờ gia nhân dọn bữa ‘réveillon’ thịnh soạn, gã thuật lại phi vụ sau cùng cho bà vợ nghe, không quên bình luận thêm rằng mình giầu có là vì biết nhanh trí và nhất là không bỏ lỡ một cơ hội nào, dù là chỉ để kiếm thêm vài ba đồng bạc cắc.

“Tôi thật không ngờ ông lại bần tiện và tồi tệ đến thế,” bà vợ bất thình lình nổi giận quát to. “Đêm Chúa Giáng Sinh, ông không giúp người ta thì thôi, lại còn tham lam mấy cắc bạc lẻ. Khôn hồn thì đi lấy cái tờ chứng thư ấy về đây ngay, không thì đừng có mà bước vào căn nhà này bao giờ nữa!”

Nhất vợ, nhì trời. Lão trọc phú quắp râu vội vàng đi tìm ông nhà nghèo, đang loay hoay không biết phải làm gì với tờ chứng thư vừa tậu được.

“Tôi đến đây xin lỗi vì đã đánh lừa ông,” lão trọc phú nói. “Tôi muốn chuộc lại tờ chứng thư. Tiền ông đây xin trả lại ông.” Nói rồi lão chìa mấy đồng xu ra trả lại cho ông nhà nghèo.

“Không, ông đâu có làm điều gì sai trái mà phải xin lỗi tôi,” ông nhà nghèo đáp. “Tôi chỉ nghe lời cha xứ. Cái chứng thư này chính là hồng ân Chúa ban cho tôi.”

“Nhưng nó chỉ là tờ giấy lộn thôi mà,” gã trọc phú phân trần. “Vả lại, Thiên Đàng có phải là đại hí viện để xem văn nghệ đâu mà bán chỗ. Nếu ông muốn, tôi xin chuộc lại bằng gấp đôi số tiền của ông.”

Vì tin vào phép lạ, ông nhà nghèo nhất định không cho chuộc. Gã trọc phú cuối cùng ra giá 10 đồng tiền vàng.

“Thực ra thì chưa tới đâu cả,” ông nhà nghèo nói. “Để vợ chồng tôi được sống cho xứng con người, ít ra cũng phải cần đến cả trăm đồng tiền vàng. Đây chính là phép lạ mà vợ chồng tôi đang mong chờ trong đêm Giáng sinh này.”

Biết rằng không thể cù cưa được nữa, gã trọc phú đành bấm bụng xì ra đủ 100 đồng tiền vàng mới chuộc được tờ chứng thư về.

Thế là chính trong đêm Giáng Sinh, phép lạ đã xẩy ra cho đôi vợ chồng nghèo. Còn với gã trọc phú, lệnh tối cao của nội tướng đã được nghiêm chỉnh chấp hành.

Lễ đêm vừa xong, bà vợ gã trọc phú vào gặp cha xứ để thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Kể xong, bà hỏi: “Liệu một chỗ trên Thiên Đàng có đáng giá 100 đồng tiền vàng không cha?”

Cha xứ ôn tồn bảo: “Trước hết, chồng con đã làm một việc thiện là tỏ lòng quảng đại đặc biệt trong ngày trọng đại nhất của niên lịch Phụng vụ Kitô giáo. Tiếp đến, chồng con đã trở thành khí cụ Chúa dùng để làm phép lạ. Còn để trả lời câu hỏi của con thì thế này: Chỗ ở trên Thiên Đàng không đắt như thế đâu, thế nhưng, 100 đồng tiền vàng chồng con bỏ ra chỉ để làm cho con vui lòng thì thật đáng giá lắm!”


xxx

Với bạn đọc nào cho rằng câu chuyện trên đây chỉ là ngụ ngôn, thì sau đây, xin cống hiến qúy vị một câu chuyện thật, một trăm phần trăm. Câu chuyện được Thượng Nghị Sĩ (TNS) John McCain của tiểu bang Arizona, hiện là ứng viên Tổng Thống sáng giá của Đảng Cộng Hòa, đăng tải trong cuốn sách nhan đề: “Character Is Destiny” (tạm dịch: Tính Khí chính là Định Mệnh). TNS John McCain là cựu phi công của Hải Quân Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam. Tháng 10 năm 1967, phản lực cơ của ông bị quân Bắc Việt bắn hạ. Ông bị bắt sống và bị giam suốt 5 năm rưỡi tại nhà tù Hỏa Lò, nơi đó hàng ngày ông thường xuyên bị hành hạ và ngược đãi, đôi khi còn bị tra tấn dã man. Sau đây là câu chuyện xẩy ra cho ông vào một buổi sáng ngày lễ Giáng Sinh.

Mùa Yêu Thương

Hay “Giây Phút Tôi Thấy Thương Yêu Kẻ Thù”

Thời gian bị tù, có một dịp đã gây cho tôi nhiều xúc động vì cảm nghiệm được tình yêu cao vời của Chúa. Hôm ấy tôi bị bắt quả tang—tuy không phải là lần đầu tiên—đang trao đổi (liên hệ) với bạn tù khác. Thế là tôi bị biệt giam suốt đêm trong xà lim, chân và tay bị trói gô…

Đêm ấy, còn đang buồn phiền nguyền rủa số phận hẩm hiu của mình, và cố gắng cựa quậy làm sao cho đỡ khó chịu bởi các nút trói quá chặt, thì cửa xà lim xực mở. Bước vào là anh bộ đội trẻ, súng ống đầy đủ. Anh là người tôi đã nhìn thấy đôi lần khi đi tuần tra trong trại tù. Anh đặt tay trên môi, ra dấu cho tôi im lặng. Thế rồi, không cười, và cũng chẳng nhìn vào mặt tôi, anh lẳng lẽ cởi trói cho tôi, và rồi lẳng lặng bước ra. Khi trời hừng sáng, anh trở lại xà lim, lấy dây trói tôi lại như trước. Phiên trực của anh sắp mãn; anh không muốn ai biết việc anh làm.

Những tháng ngày sau đó, đôi lúc tôi có dịp nhìn thấy lại người “Samaritanô nhân hậu” của tôi, trong những lần chuyển chỗ trong trại. Anh không bao giờ nhìn tôi, dù chỉ một liếc mắt; càng không hề nói với tôi câu gì, mãi cho đến một buổi sáng ngày lễ Giáng Sinh, khi tôi được phép ra khỏi lán, đứng một mình ngoài trời, đưa mắt nhìn lên bầu trời trong xanh. Đúng lúc ấy, tôi nhận ra anh đang tiến gần đến bên tôi, rồi sát bên tôi. Vẫn chẳng nói, chẳng cười, chẳng nhìn. Anh chỉ đăm đăm nhìn xuống đất, phía trước mặt chúng tôi, và rồi lấy mũi giầy vẽ hình thánh giá trên mặt đất. Chúng tôi đứng lặng người trong giây lát. Anh lại lấy giầy xóa hình vẽ đi, rồi lặng lẽ quay bước.

Trong khoảnh khắc ấy, trong tôi, bao nhiêu nỗi căm hận và thù oán đối với kẻ thù chợt tan biến hết. Tôi như quên mất những trò giễu cợt khích bác mà những kẻ bách hại đã đổ xuống trên tôi và bè bạn. Tôi quên luôn chiến tranh, quên cả những tai ác mà chiến tranh vẫn còn gieo rắc. Chỉ còn lại vỏn vẹn nơi tôi một người con của Chúa, đang cùng với một kẻ đồng đạo tôn thờ thánh giá Ngài, trong buổi sáng ngày lễ Giáng Sinh.

Tôi còn trông thấy anh một đôi lần nữa. Nhưng anh thì không bao giờ nhìn tôi và không hề nói với tôi câu gì. Chúng tôi không có dịp nào để cùng với nhau tôn thờ Chúa. Nhưng tôi không bao giờ quên được anh, sự từ tâm của anh đã tỏ ra cho tôi như dấu chứng của niềm tin mà chúng tôi cùng chia sẻ. Cảm nghiệm này giúp tôi tiếp tục ôm ấp mãi niềm tin tôn giáo của mình. Chính niềm tin của kẻ thù đã mạc khải điều đó cho tôi; niềm tin ấy chỉ hợp nhất chứ không hề chia rẽ; niềm tin đã bắc nhịp cầu kết nối những phân cách nhân lọai tưởng như không hề hàn gắn được; niềm tin nói với ta rằng—dù là tội nhân hay thánh nhân—chúng ta đều là con cái Chúa. Tôi đã trở nên một con người khá hơn, mạnh dạn hơn, trung thành hơn, và nhất là, dù chỉ trong một khoảnh khắc, có thể thương yêu chính kẻ thù của mình được. (xem www.beliefnet.com)


xxx

Cầu chúc tất cả bạn đọc một mùa Giáng Sinh đạo hạnh, đầy yêu thương từ ái, để có thể chứng kiến, hay ít là dùng lòng tin mà cảm nghiệm hoặc thấu hiểu được thế nào là phép lạ.

Mùa Giáng Sinh 2007
Nguyễn Kim Ngân