PDA

View Full Version : T-Tình Ca Cho Người Được Yêu



Dan Lee
12-22-2007, 02:27 PM
TÌNH CA CHO NGƯỜI ĐƯỢC YÊU

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG (Năm A) (Mt 1, 18 – 24)

KÈO TRÊN

Miền Bắc Việt-Nam là nơi xuất phát của hai lễ hội truyền thống cho tới nay vẫn được duy trì và mở rộng: môn vật và chọi trâu. Phần thưởng không đáng kể gì: như trong lễ hội chọi trâu, phải tốn bao công phu để nuôi nấng, rèn luyện, gìn giữ, mới có được con trâu vô địch, để rồi lại “được” xẻ thịt để dân làng dâng cho thần phật và chia nhau cái lộc, cái hên và cả vinh dự nữa. Đô vật hoặc con trâu thắng cuộc được gọi là ở “kèo trên”. Hôn nhân với những tính toán hơn thiệt, cũng chẳng khác nào cặp đô vật hoặc cặp trâu chọi: luôn có ý tưởng chiếm thế thượng phong,- kèo trên - , để nếu không chủ động trong giao ước, thì cũng không đến nỗi bị động và thua thiệt. Xét về góc độ tình lý, thì tình huống của Maria lúc nầy – tình ngay lý gian - đã đặt Giuse ở thế “kèo trên”, gần như là nắm quyền sinh sát, nhất là ở một vùng mà những cái đầu luôn luôn sôi sục như Israel. Thực ra tâm trạng Giuse lúc nầy đang rối bời : Dù không nghi ngờ gì về tiết hạnh của vị hôn thê, nhưng việc bầu bì của Maria cứ lù lù ra đó, đẩy ông vào thế tiến thoái lưỡng nan. Bà con anh em nhìn vào, sẽ cho là hai người “ăn cơm trước kẻng”. Nếu ai để ý hơn, biết rằng Giuse chưa hề đụng chạm gì tới Maria, thì không ngần ngại chế diễu ông đang bị “cắm sừng”. Tất cả đều vô cùng bất lợi cho Maria. Ông chờ đợi một lời giải thích từ Maria : Maria đã không đưa ra một lời giải thích nào! Thẳng mục tàu, đau lòng gỗ! Vì thế, trong ba mươi sáu chước, “tẩu vi thượng sách”: nguyên đơn duy nhất là ông; người chứng duy nhất cũng là ông. Rồi mọi sự sẽ tự dàn xếp và Maria sẽ bảo toàn được danh dự, bởi ông tin rằng Maria có những điều khó nói.

Maria giải thích thế nào được, khi điều Thiên Chúa thực hiện lại là cả một mầu nhiệm vô cùng lớn lao trọng đại, mà Maria chỉ biết “thưa xin vâng”, trong khi hầu như chẳng hiểu gì. Việc Thiên Chúa làm, chỉ có Thiên Chúa mới “giải thích” được một phần những gì thuộc bề nỗi cho lý trí và chiêm niệm loài người nói chung và cho Giuse nói riêng : “Nầy ông Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về…” (Mt 1,20). Nhưng cũng đâu hiện ra tỏ tường như với Zacharia và với Maria. Giuse có hiểu không? Có thể trả lời ngay là : không! Chỉ cần biết đó là ý Chúa, vậy là đã quá đủ đối với một người công chính như Giuse rồi. Ý Chúa luôn tốt lành, thánh thiện, cho dù tư tưởng sâu thẳm không thể thăm dò và thường khác xa tư tưởng loài người. Thái độ của Giuse cũng như Maria khi đón nhận ý Thiên Chúa : sẵn sàng thưa vâng. Giuse đã không hồ đồ và cũng không hề tự cho mình ở “kèo trên”. Phá bỏ, giải phóng khỏi mặc cảm tự tôn “kèo trên”, thì ngay cả những chuyện “ngang trái” tưởng chừng bế tắc, cũng đều giải quyết ổn thoả tốt đẹp. Không lạ gì với một người đàn ông mà có tìm đỏ mắt cũng không tìm ra được một câu nói dù là ngắn gọn trong Kinh Thánh, lại làm cho hậu thế kinh ngạc, tôn sùng, và suy gẫm nhiều, viết nhiều về ông như thế, đến nỗi có thể nói về ông như thường nói về Mẹ Maria: De Joseph, nunquam satis (Nói viết về Thánh Giuse,thì không bao giờ cùng). Người ta còn gọi hai chương đầu của Phúc Âm theo Thánh Mat-thêu là Phúc Âm Thánh Giuse, vì vai trò chủ đạo của Ngài.

Thế thượng phong, - kèo trên – là điều mà người ta luôn làm mọi cách để có được, hầu tạo điều kiện thuân lợi trong các cuộc thương thuyết, tranh chấp hoặc hợp tác, trong mọi lãnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá và có khi cả tôn giáo nữa (như Hội Nghị Liên Tôn Chính Thống và Công giáo ở Ravenna). Những lúc ấy, sự khiêm nhường, chín bỏ làm mười, chẳng những không làm cho đối tác (hoặc đối thủ)cảm kích và noi theo để mau chóng có kết quả tốt đẹp và bền vững, mà lại bị nhìn nhận như là yếu thế, đầu hàng, kèo dưới. Kinh nghiệm cho thấy hàng ngàn hiệp ước, hoà ước, chưa ráo mục chữ ký, đã bị vi phạm có khi đến mức hủy bỏ. Tương quan giữa người với người mà chỉ được xây dựng trên sự dè chừng, dối trá, thủ lợi và coi thường đối tác (đối thủ) thì sẽ mau chóng bị lột mặt nạ và niềm tin một khi đã đánh mất, thì không bao giờ có thể khôi phục được nữa. Người đời vẫn nói : một lần bất tín, vạn lần bất tin.

Cái tâm lý, hay nói dúng hơn là mặc cảm tự tôn – thường là tự phong cho mình “kèo trên” – là một khởi điểm “bệnh hoạn” trong mọi giao tiếp, tương quan. Nó như một ảo ảnh đánh lừa tri giác con người, để rồi luôn sống trong tâm lý muốn chế ngự tha nhân, muốn tha nhân phải quỵ lụy tôn vinh mình, nhìn nhận lẽ phải của mình và tất nhiên, ở phía đối ứng, là thế kèo dưới, lẽ trái, lép vế, thua cuộc và phải khuất phục. Nhưng ảo ảnh vẫn chỉ là ảo ảnh, chỉ đủ đánh lừa đương sự, mà chẳng làm gì được ai, ngoại trừ gây rối và chia rẽ. Và cũng tất nhiên nữa, ấy là “bệnh tự kỷ ám thị”, cái mặc cảm tự tôn sai lầm ảo tưởng ấy ngày càng trầm trọng, khiến cho những kẻ như thế trở nên cố chấp, hết khả năng phân tích chân lý và dễ mất hết khả năng sửa đổi, cho dù nhận ra cái dỡ, cái sai. “Kèo trên” luôn tìm ăn trên ngồi trốc, chỉ hài lòng khi được địa vị cao, vị trí tốt, không phải để phục vụ, mà để hưởng thụ. Đó là điều hay xảy ra trong Hội Thánh. “Kèo trên” là những gì chúng ta quan sát thấy nơi những người chủ trương, tuyên bố, viết lách nghịch với Tin Mừng, với giáo huấn Hội Thánh, chống lại Đức Thánh Cha, Đấng Đại Diện Chúa Giêsu Kitô ở trần gian. Không ít người trong số đó đã gần như vô phương cứu chữa. Bệnh của họ đã quá nặng và họ hăm hở mang mầm bệnh đi lây truyền cho nhiều người. Không ít người trong số họ suy nghĩ rằng đã “lỡ phóng lao, phải theo lao” và rằng một sự quay lui sẽ làm họ mất hết sĩ diện và cho đối phương cơ hội để hả hê. Khi một giám mục, một linh mục, một tu sĩ hủy bỏ những lời thề hứa vâng lời, nghèo khó, khiết tịnh, (mà họ đã tự nguyện, ý thức và tự do chọn nhận) để ôm ấp kiêu căng, hận thù và ích kỷ, thì họ trở thành kẻ tự hủy và hủy diệt tha nhân, theo ý của Xa-tan. Một chiến sĩ xông trận mà chỉ theo ý mình, thậm chí làm theo ý đồ của đich thủ, là kẻ phản bội và phá hoại còn hơn mọi sức công phá từ phía địch.

Lạy Chúa Giêsu, nếu khi loài người phản bội, mà Chúa cứ giữ “kèo trên”, chưa nói tới chuyện hứa thứ tha, cứu chuộc nầy nọ, mà chỉ nghĩ tới cơn giận chính đáng của Chúa, thì sẽ như thế nào? Nếu trong cuộc sống Kitô-hữu nầy, mà Thiên Chúa vẫn giữ “kèo trên”, thì sẽ ra sao với thân phận tội lỗi của chúng con? Nếu Thánh Giuse khư khư suy nghĩ và giữ “kèo trên”, - chẳng ai có thể trách phạt gì ông được - dẫn tới việc Đức Maria chẳng nhũng bị ô danh, mà còn chịu hình phạt theo luật lệ vô cùng khắt khe của dân Do Thái, thì lịch sử cứu độ đã về đâu? Giuse luôn có tự do để quyết định và lựa chọn. Sở dĩ Giuse chọn lựa đúng đắn, là bởi vì “ông là người công chính”. Sự “công chính”, bản tính “công chính” nơi ông không phải là “nhân chi sơ”, mà được tôi luyện qua bao suy gẫm Kinh Thánh, cầu nguyện và cố gắng thực hành Lời Chúa trong cuộc sống. Sự công chính không phải là lý thuyết, mà là cả một cuộc sống khiêm nhường, đón nhận và thực hành ý Chúa trong mỗi chọn lựa, quyết định: không có chọn lựa nào, quyết định nào là nhỏ trong đời sống Kitô-hữu. Mọi chọn lựa, quyết định, hành vi đều có tính chất thánh hoá và thánh hoá là ân phúc Thiên Chúa ban, vì thế luôn quan trọng và ngang bằng giá trị trước mặt Thiên Chúa. Linh đạo “con đường thơ ấu” của Thánh Nữ Têrêxa đã chứng thực điều đó.

Giuse Nguyễn Thế Bài