Log in

View Full Version : Giảng Mùa Vọng của Cha Raniero Cantalamessa: Chỉ một mình Thiên Chúa mới khiến cho con ngư



Dan Lee
12-15-2007, 10:52 PM
Chỉ một mình Thiên Chúa mới khiến cho con người hạnh phúc
(Bài giảng Chúa nhật 16.12.2007 của Linh mục Raniero Cantalamessa, Giảng sư Phủ Giáo Hoàng)

Vui mừng lên anh chị em, Thiên Chúa đang gần ta. (x. Mt. 11, 2-11)

Bằng khẳng định của Đức Giêsu để trấn an các môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả rằng đúng Ngài là Đấng Messia : “Tin Lành đã loan báo cho kẻ nghèo hèn”, chúng ta bắt đầu suy tư [trong chúa nhật này].

Tin Mừng là thông điệp của niềm vui : đó là điều phụng vụ Chúa nhật thứ ba mùa vọng công bố – cảm hứng từ những lời của thánh Phaolô trong “điệp ca mở màn”- đã gọi Chúa nhật này là Chúa nhật Gaudete (Chúa nhật của Vui Mừng) : Hãy vui lên !

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Tiên tri Isaia là một bài tụng ca niềm vui :
“Hoang mạc

Trái đất
Mỏi mòn khát mong
Hãy mừng vui !
Vùng đất cỗi cằn
Hãy hân hoan nở hoa !
[…]
Hãy nhảy mừng thét lên vui sướng …
Hạnh phúc khôn nguôi rạng rỡ nét ngài;
Hoan hỉ vui tươi trở về với họ,
Đau khổ kêu ca chóng biến tan.”

(tạm dịch: “Le désert et la terre de la soif, qu’ils se réjoissent ! Le pays aride, qu’il exulte et fleurisse … qu’il exulte et crie de joie … un bonheur sans fin illuminera leur visage; allégresse et joie les rejoindront, douleur et plainte s’enfuiront.”

Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Nếu chúng ta muốn miêu tả toàn thể nhân loại theo cách dễ thấy nhất – trong những biến động thâm sâu nhất của nhân loại – chúng ta sẽ nhìn thấy nhân loại là một đám đông vô hạn nhón chân quanh một cây ăn trái và vô vọng trong cố gắng đưa tay hái một trái đang tuột khỏi [tầm tay]. [Thi sĩ, văn sĩ và chính trị gia-ND] Dante (1265-1321) đã viết trong tác phẩm “Divine Comédie” : Hạnh phúc là “trái ngọt ngào mà nỗi lắng lo chết người sẽ phải kiếm tìm trên nhiều cành sai quả” (Dante Alighieri, Divine Comédie, Purgatoire, 27) : trái ngọt ngào mà con người mãi tìm kiếm giữa ngàn vạn nhánh đời.

Nhưng, nếu tất cả chúng ta đều kiếm tìn hạnh phúc, thì tại sao những người hạnh phúc lại quá ít và họ lại sống hạnh phúc trong thời gian quá ngắn ? Tôi nghĩ rằng : trong quá trình “leo núi hạnh phúc” (l’scension de la montagne du bonheur), chúng ta nhầm sườn núi, chúng ta chọn sườn núi không đưa chúng ta đến đỉnh. Mạc khải nói : “ Thiên Chúa là Tình Yêu.”; còn con người chúng ta đã nghĩ rằng mình có thể đảo ngược mạc khải và nói rằng : “Tình Yêu là Thiên Chúa!”. (Khẳng định này là của Feuerbach – Triết gia và là nhà nhân chủng học người Đức – 1804-1872). Mạc khải nói : “Thiên Chúa là Hạnh phúc.”; con người một lần nữa lại đảo ngược thứ tự và nói : “Hạnh phúc là Thiên Chúa !”. Và điều ấy có nghĩa gì nhỉ ? [Điều ấy có nghĩa là] trên trái đất, chúng ta khôngnhận biết được hạnh phúc ở trạng thái nguyên tuyền, cũng như chúng ta không nhận biết được tình yêu tuyệt đối; chúng ta chỉ nhậnbiết được những mảnh vụn của hạnh phúc vốn tự hạn chế trong những đam mê chóng vánh của giác quan. Vậy, lúc chúng ta nói : “Hạnh phúc là Thiên Chúa !”, chúng ta đang thần thánh hoá những trải nghiệm nhỏ bé của chúng ta, chúng ta đang gọi công việc của bàn tay và trí óc chúng ta là “Thiên Chúa”. Chúng ta đang biến hạnh phúc thành ngẫu tượng. Điều này giải thích tại sao những ai tìm kiếm Thiên Chúa thường gặp thấy hạnh phúc trong khi những người tìm kiếm hạnh phúc lại khó tìm gặp Thiên Chúa. Con người đã rút gọn việc kiếm tìm Hạnh phúc của Thiên Chúa trên bình diện định lượng bằng cách theo đuổi những thú vui cùng những cảm xúc ngày càng mãnh liệt hoặc bằng cách thêm một cái thú vui vào một thú vui khác, giống như người nghiện hút luôn cần những liều lượng ngày càng lớn hơn để có được cùng một mức độ thích thú.

Chỉ một mình Thiên Chúa là Hạnh phúc và khiến cho con người hạnh phúc. Vì lý do này, thánh vịnh 37(36) khích lệ : “ Hãy đặt niềm hỉ hoan bạn vào Đức Yavê : Ngài sẽ cho bạn nhiều hơn cả điều tim bạn ước mong.” (Tv.37(36), 4). Với Ngài, ngay cả niềm vui của đời dống hiện tại cũng giữ được vị ngọt ngào của nó và không hoá thành nỗi đắng cay. Không chỉ những niềm vui linh thánh mà cả những niềm vui nhân loại cao thượng như niềm vui sướng thấy con cái mình khôn lớn, niềm vui có công việc đúng lúc, niềm vui do tình bạn, do sức khoẻ được phục hồi, niềm vui sáng tạo, niềm vui nghệ thuật, niềm vui được nghỉ ngơi giữa thiên nhiên. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể lôi từ đôimôi của một vị thánh lời thét gào như sau : “Chúa ơi, với niềm vui, thế là đủ quá rồi; tim con chẳng thể chứa thêm điều gì !”. Tất cả những gì con người có thói quen kết hợp với chữ Hạnh phúc đều được tìm thấy trong Thiên Chúa và còn hơn như thế nữa, bởi vì “ Điều mắt chưa từng thấy, tai chẳng hề nghe, và lòng người không hiểu tới, đó lại là điều Chúa đã chuẩn bị cho những ai đang yêu mến Ngài.” (x.1C 2,9)

Đã đến giờ công bố “Phúc Am”, với lòng cam đảm, rằng Thiên Chúa là Hạnh Phúc, rằng hạnh phúc - chứ không phải là đau khổ, là hư mất, là khổ giá – sẽ là kết luận, rằng đau khổ chỉ có lợi cho việc loại bỏ những chướng ngại vật để dẫn đến niềm vui, đau khổ chỉ được dùng để mở rộng tâm hồn hầu một ngày nào đó tâm hồn có khả năng đón nhận niềm vui lớn lao nhất mà nó có thể đón nhận.

Trương văn Tiến