PDA

View Full Version : Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi!



Dan Lee
12-14-2007, 11:48 PM
Chủ nhật III Mùa Vọng A

Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi!

Chủ nhật thứ 3 mùa vọng, được gọi là chúa nhật vui mừng. Vì chủ đề chính của chúa nhật này là niềm vui. Hôm nay, ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa sai đến loan báo cho cộng đoàn đang sống trong thử thách biết rằng, “ngày vui mừng của họ sắp đến, đó là ngày nơi hoang địa cằn cỗi vui mừng, vì Thiên Chúa sẽ giải thoát họ khỏi thử thách đau thương.” Cho nên sứ điệp loan báo hôm nay mời gọi mọi người hãy can đảm lên, đừng sợ hãi, vì Ngài sẽ đến và cứu độ các ngươi. Và bấy giờ, mắt người mù sẽ nhìn thấy và tai người điếc sẽ nghe được và người què sẽ nhảy như nai.

Còn thánh Phaolô thì nói rằng, “anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại cho anh chị em là hãy vui lên, hãy vui lên vì Chúa đã đến gần.”

Thưa anh chị em, tại sao phụng vụ chủ nhật này lại chọn niềm vui làm đề tài chính? Lý do là vì chúa nhật III Mùa Vọng này chia mùa vọng làm đôi, điều này còn là dấu hiệu của ngày đại lễ Giáng Sinh sắp đến, và giáo hội thấy thời điểm này là thuận tiện nhất để nhắc chúng ta nhớ. Mùa vọng không được mang màu sắc ảm đạm, bi thảm gây ấn tượng nặng nề. Chúng ta đang chờ đợi Chúa đến, nhưng không chờ trong tuyệt vọng, chờ trong nghi ngờ không biết người mình chờ có đến không? nhưng phải chờ với lòng cậy trông. Trái lại, ngay khi chờ đợi, chúng ta phải cảm thấy Chúa gần gũi, tâm hồn phải cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài. Cho nên, niềm vui trong Thiên Chúa không phải là niềm vui vì mình có được nhiều của cải vật chất, mà là niềm vui có Chúa hiện diện và vì có Chúa hiện diện cho nên tâm hồn người tín hữu được sự bình an. Nơi đâu Thiên Chúa hiện diện, thì nơi đó xuất hiện tình thương và sự bình an cho con người. Bình an đó là gì “người mù được xem thấy, què đi được và kẻ chết sống lại” những lời loan báo này đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa Nhập Thể làm người.

Cho nên, thưa anh chị em, niềm vui lớn nhất của người Kitô hữu là niềm vui có Chúa hiện diện. Là kho tàng quí giá vô tận, qúi giá là bởi vì có Chúa làm cho chúng ta no thoả nỗi khao khát mong chờ. Chính vì vậy, người tín hữu cần phải khao khát được chiếm hữu Chúa nhiều hơn, tràn đầy hơn, trọn vẹn hơn.

Cũng vậy, trong khi nhiều người quá lo lắng theo đuổi những ước mơ vô vọng, theo đuổi mà chẳng tin tưởng bao nhiêu, thì người kitô hữu lại với tâm trạng hoàn toàn thanh thản, an tâm. Thanh thản an tâm là vì mình đã và đang có Đấng mình khao khát. Mà một khi đã có Chúa mà lại biết mình có mãi mãi và càng ngày càng có nhiều hơn, thì làm sao có thể lo lắng, phiền muộn được. Chính vì thế mà thánh Phaolô cất cao lời mời gọi là “ anh em hãy vui mừng trong Chúa”

Vui mừng trong Chúa là vì Thiên Chúa có thể biến những đau buồn trở thành niềm vui cho chúng ta. Cho nên, dẫu người tín hữu có những nghịch cảnh đưa đến, những khó nhọc đè chĩu đôi vai, những tai hoạ có bất ngờ chụp xuống trên mình, thì cũng không thể dập tắt nổi bình an và niềm vui trong lòng người tín hữu. Bởi vì niềm vui của người tín hữu là trong Chúa và bởi Chúa.

Thưa anh chị em, có lẽ ít khi chúng ta nghĩ đến niềm vui trong Chúa. Có khi chúng ta thường quên rằng, niềm vui là nét tiêu biểu của đời sống kitô hữu. Có lẽ bởi vậy mà ít khi chúng ta vui thật, vui sâu xa và lâu bền trong lòng. Một niềm vui đem đến sự bình an cho tâm hồn. Là vì sao? Nếu không phải là vì, chúng ta chưa biết đặt niềm vui của chúng ta trong Chúa, cho nên chúng ta thường lo đi tìm nguồn vui độc hại ở nơi khác ngoài Chúa. Chính vì thế, nó dẫn chúng ta đến hậu quả đáng tai hại, đó là những lo âu, thất vọng, buồn chán và mất sự bình an, và còn làm cho tâm hồn chúng ta cảm thấy trống rỗng, không còn tha thiết gì cuộc sống này nữa là vậy.

Thưa anh chị em, người kitô hữu phải sống sao cho mình cảm thấy như Chúa đang hiện diện, và cố gắng để có Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời của mình mãi. Và nếu muốn cho Chúa hiện diện trong cuộc đời mình mãi mãi, thì trước hết, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa hiện diện, qua việc lãnh nhận Bí Tích Giao Hoà, phải siêng năng lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Mà bởi vì nơi đâu có Chúa hiện diện, thì ở đó có tình yêu thương, đó là con đường dẫn chúng ta đến với tha nhân, qua việc sống bác ái chia sẻ, giúp đỡ cho người khốn cực. Chỉ có lòng yêu thương bác ái, là dấu chỉ có Chúa hiện diện nơi người ấy.

Cho nên, trong những ngày của những tuần cuối của mùa vọng này, anh chị em không chỉ dọn tâm hồn mình bằng cách đi xưng tội của mình mà thôi, nhưng hãy làm một nghĩa cử bác ái nào đo, cho người anh chị em nghèo đang sống chung quanh khu xóm chúng ta, để công việc chúng ta làm mới là lời chứng thực sự có Chúa hiện diện nơi tâm hồn anh chị em. Bởi vì, nếu nói sự hiện diện của Chúa thì chúng ta phải trở nên chứng nhân, chứng nhân sống cái điều mình xác tín, đó là phải biết yêu thương anh chị em đói khổ.

Cũng như khi các môn đệ Gian Tẩy Giả được sai đến hỏi Chúa Giê-su “thầy có phải là Đấng cứu thế không?” Chúa Giê-su trả lời cho các ông rằng, hãy về tường thuật cho Gioan những gì các ông đã nghe, đã thấy, tức là người mù được thấy, què đi được, người phong hủi được khỏi, kẻ điếc đượcx nghe và người chết sống lại và Tin Mừng được loan báo cho người nghèo.

Qua câu trả lời trên đây, Chúa Giê-su muốn nói rằng, Tin Mừng không là những lời loan báo suông, mà trước tiên phải là những việc làm được thực hiện một cách cụ thể. Cho nên, người tín hữu phải trở nên chứng nhân từ trong gia đình của mình. Là bởi vì, Có khi mình chỉ biết làm chứng nhân ở đâu đó, còn trong gia đình thì mình chẳng quan tâm gì cả. Vì vậy, chứng nhân trước tiên phải từ trong đời sống gia đình, bằng cách sống yêu thương phục vụ gia đình mình để cho cuộc sống nó tốt hơn. Làm chứng bằng cách, cùng nhau quan tâm và giáo dục con cái hơn nữa, chứ không phải như từ trước đến nay, chỉ biết lo làm kiếm tiền là đủ, mà còn phải có bổn phận và trách nhiệm dạy bảo con cái, để con cái nó cũng mang cái hình ảnh, cái khuôn mặt của ChúaKitô. Chứng nhân, rất khó chứ không phải dễ dàng đâu. Cho nên, để có Chúa hiện diện và mọi người trở nên chứng nhân cho Ngài, thì tự sức mình không bao giờ làm gì được, nhưng cần phải có ơn Chúa giúp, và để có ơn Chúa ta phải cầu xin cho mình biết mở rộng con tim và cõi lòng ra, để có thể dành cho Chúa nơi ở xứng đáng trong tâm hồn mình, qua việc sống thánh thiện tốt lành, việc thay đổi cách sống cũ kỹ không phù hợp với thánh ý Chúa từ trước đến nay. Và như vậy, chắc chắn, tâm hồn chúng ta lúc nào cũng cảm thấy được niềm vui, vì có Chúa hiện diện trong cuộc đời của mình.

Chúa nhật vui mừng chẳng những gợi lên tính vui tươi của mùa vọng, mà còn chỉ cho chúng ta thấy, nguồn vui vô tận luôn tiềm ẩn trong lòng người tín hữu. Nguồn vô tận ấy chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong mỗi tâm hồn. Và điều quan trọng đó là, chúng ta hãy giữ Chúa ở lại mãi trong tâm hồn của mình, đó chính là mình phải từ bỏ con đường tội lỗi, con đường cũ kỹ và chọn lựa con đường mới, con đường phù hợp với thánh ý Chúa Amen.

LM. Phêrô Vũ Minh Hùng