PDA

View Full Version : Linh mục và các mối tương quan



Dan Lee
12-11-2007, 06:55 PM
Linh mục và các mối tương quan


NHỮNG VẤN ĐỀ KHÚC MẮC VÀ NAN GIẢI VỀ CÁC MỐI TƯƠNG QUAN CỦA CÁC LINH MỤC ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÁC VỤ MỤC VỤ VÀ ĐỜI SỐNG CỦA HỌ

Tác giả : Giám mục Vianney Fernando

Ủy ban về giáo sĩ thuộc Liên Hiệp các Hội Đồng Giám mục Á châu đã tổ chức Hội Nghị Các Giám Mục về “CHĂM SÓC CÁC LINH MỤC, ĐẶC BIỆT CHO NHỮNG LINH MỤC ĐANG GẶP KHÓ KHĂN”, tại Trung Tâm Dòng Chúa Cứu Thế, Pattaya - Thái Lan, từ ngày 27/8-1/9/2007, qui tụ 74 tham dự viên gồm 1 hồng y, 69 Tổng Giám mục và Giám mục, và 5 chuyên viên. Hội Nghị đã thảo luận xoay quanh các chủ đề liên quan đến trách nhiệm của Giám mục Giáo phận đối với hàng giáo sĩ, như bản đúc kết của Hội Nghị ghi nhận: “Các giám mục suy tư về vai trò mục tử của mình trong Giáo hội, sự quan tâm đến toàn giáo phận, ngoài ra diễn tả tình yêu đặc biệt dành cho linh mục, là những cộng tác viên thân cận nhất trong sứ vụ. Nhu cầu đặc biệt của thời đại chúng ta là việc thường huấn liên tục để sứ vụ của linh mục có thể đáp ứng cách tương xứng với các nhu cầu của nhân loại”. Được sự đồng ý cho dịch và phổ biến của Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Chủ tịch UB Giáo sĩ-Chủng sinh, NGUUỒN VUI xin giới thiệu đến độc giả bản dịch một trong những bài thuyết trình có giá trị tại Hội Nghị nêu trên của Đức cha Vianney Fernando.

DẪN NHẬP

Nhiều năm trước đây, lúc đó tôi còn làm Tổng Đại Diện, vị giám mục tiền nhiệm của tôi nhận được thư giới thiệu của một cha Giám Tỉnh, xin cho một tu sĩ trẻ từ Hội Dòng của ngài được chuyển sang ơn gọi làm linh mục giáo phận. Lá thư của cha Giám Tỉnh nói rằng tu sĩ này là một người có tài năng, nhưng Hội Dòng xét thấy thầy này không có tính cộng đoàn, nghĩa là thầy không thể thích ứng được với bất kỳ cộng đoàn nào mà thầy được gởi tới. Nhưng Cha Giám Tỉnh khẳng định trong thư rằng thầy này có thể sẽ là một linh mục giáo phận tốt, bởi vì thầy sẽ không phải sống đời cộng đoàn.

Đức Cha tiền nhiệm của tôi, một người rất đạo đức tốt lành, không nhận thấy lập luận đó là sai lầm, nên đã chấp nhận tu sĩ đó vào Giáo phận và rồi sau cho thụ phong linh mục. Vị tiền nhiệm tội nghiệp của tôi đã phải trả giá cho sai lầm đó của mình. Bắt đầu từ lúc vị linh mục trẻ lãnh “bài sai”, là bắt đầu xảy ra thảm hoạ, vì cha này đã không thể giao tiếp lâu dài với bất kỳ ai và đã đụng chạm với mọi người.

“Chức linh mục tự bản chất có tính cộng đoàn. Do đó, việc linh mục có khả năng giao tiếp với những người khác là điều có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là điều tuyệt đối cần thiết đối với một người được kêu gọi để lãnh trách nhiệm về một cộng đoàn và để làm một con người của sự hiệp thông” (Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, 1992).

Chủ đề của tôi cho buổi thảo luận này là “Những vấn đề khúc mắc và nan giải về các mối tương quan của các linh mục có ảnh hưởng đến tác vụ mục vụ và đời sống của họ”.

Theo kinh nghiệm 24 năm làm giám mục, tôi thấy rằng phần lớn thời giờ và năng lực của một Giám mục được sử dụng để giải quyết những vấn đề nan giải về các mối tương quan của các Linh mục của ngài – hoặc với Giám mục, hoặc giữa họ với nhau, hoặc với dân chúng, và không ít lần với các tu sĩ làm việc trong giáo xứ.

Tôi muốn bắt đầu suy tư của tôi bằng việc phác hoạ một số chuyện khúc mắc có thật về các mối tương quan, tuy các danh tính nêu lên ở đây đã được hư cấu hoá.

PHÁC HOẠ

1. Cha Cliff là một linh mục thông minh đã nỗ lực hết sức để theo đuổi việc học vấn. Cha rất có năng lực và làm việc rất có phương pháp. Cha có nhiều ý tưởng rất độc đáo. Cha tin Giáo Hội phải là của người nghèo, cho người nghèo và với người nghèo. Cha có những quan điểm rất mạnh mẽ về các vấn đề xã hội dựa trên sự hiểu biết của cha. Tuy nhiên cha có một nét rất rõ ràng là không chấp nhận những quan điểm khác của các thành viên khác trong linh mục đoàn. Trong khi cha hoạt động rất tích cực trong cánh đồng mục vụ, cha hay phê bình mọi người khác, đặc biệt là các anh em linh mục của cha. Đối với cha, trong tương quan giữa cha với những người khác, chỉ có “trắng” và “đen”. Cha quên một điều này, là người khác không phải hoàn toàn sai cũng như không phải hoàn toàn đúng. Cha chẳng có một ý niệm nào rằng con người là một pha trộn phức tạp giữa xấu và tốt, có những khía cạnh đáng yêu nhưng cũng có những khía cạnh không thể chấp nhận.

Vì những thái độ và quan điểm này, cha Cliff trở nên bất khoan dung với phần đông các linh mục đồng nghiệp. Bất cứ ai không chấp nhận quan điểm của cha, đặc biệt về những vấn đề xã hội và giáo hội, đều bị loại khỏi đời sống và mọi tương quan của cha. Dần dần, cha bị cô lập. Cha rất khổ tâm vì vị thế bị cô lập của mình và cảm thấy là mình không thể giao tiếp với phần lớn các linh mục. Cha trở nên dễ cáu kỉnh và điều đó ảnh hưởng đến mối tương quan của cha với đàn chiên. Cha soạn bài giảng rất kỹ nhưng thường có khuynh hướng phê bình quyền bính và những người không đồng ý với cha. Vì vậy, tuy là một linh mục thông thái, dấn thân, có phương pháp, nhiệt tình, nhưng kết cuộc là cha không hạnh phúc chút nào, vì những mối tương quan của cha đã bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng bởi những thái độ và quan điểm cứng nhắc của cha.

(Đây có lẽ là một điển hình cho loại người có nhiều thành tích trong những năm được đào tạo về tri thức và thần học. Tuy nhiên sự thiếu quân bình giữa cảm xúc và trí tuệ đã để lại một lỗ hổng trong các mối tương quan nhân bản. Người đó để cho các cảm xúc thống trị các hành vi và thái độ của mình. Người đó không sử dụng những khả năng trí tuệ mình có để điều khiển đời sống và tác vụ của mình. Rõ ràng là nếu biết cải thiện các mối tương quan của mình thì người ấy sẽ là một kho tàng cho bất kỳ cộng đoàn nào.)

2. Cha Jim là một người vui tính. Tuy nhiên, cha giao tiếp với các linh mục chỉ bằng mặt. Cha có chương trình riêng của cha và có khả năng ngụy trang con người thật của mình bằng cách tỏ vẻ rất thân thiện. Nhưng có vẻ như không ai có thể thăm dò được con người thật của cha. Cha lúc nào cũng bận rộn nhưng không dành ưu tiên cho những trách nhiệm mục vụ. Cha luôn hiếu động nhưng không hẳn là dấn thân về mục vụ cho giáo xứ của cha. Dân chúng khó có thể gặp cha vì cha không giữ hẹn. Ngay cả đối với những nhu cầu mục vụ bình thường, các tín hữu phải cố gắng nhiều lần mới gặp được cha.

Cha Jim lấy làm ngạc nhiên khi người ta chỉ cho cha thấy những nhược điểm này. Cha xác quyết là cha làm việc rất hệ thống. Cha rất đòi hỏi khi gặp những người nghèo và những người bên lề xã hội, mặc dù chính cha lại không giữ nguyên tắc khắt khe mà cha đòi hỏi nơi đàn chiên. Cha không tỏ ra là một người yêu thương, chăm sóc trong những tương quan mục vụ của cha. Khi nghe những lời phàn nàn, cha lại càng bất bao dung hơn và có khuynh hướng trả đũa những người phàn nàn. Phản ứng của cha là tỏ ra rất cục cằn với họ.

Mặc cho nhiều lần được nhắc nhở, cha vẫn tiếp tục đối chọi với đàn chiên trong những trách nhiệm mục vụ của mình.

Trong khi ai cũng thấy sự thiếu sót trách nhiệm mục vụ gây nguy hại này, thì cha vẫn không hề nhận ra thực trạng của mình. Có lẽ điều này có thể nhận thấy được qua việc người tín hữu không ngừng phàn nàn rằng bài giảng của cha phần lớn là kể ra những lỗi lầm của họ và thường chêm vào những lời nói bóng gió gây tổn thương cho họ. Cha Jim là nguyên nhân gây suy sụp cho bất kỳ cộng đoàn giáo xứ nào, và là cái gai bên sườn cho mọi giám mục giáo phận.

(Thiếu hồi tâm hình như là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề nan giải về các mối tương quan của cha Jim. Chúng ta có thể ghi nhận là có một lỗ hổng nghiêm trọng rất rõ trong động cơ và sự dấn thân mục vụ của cha. Những lãnh vực này đã không được lưu ý đến trong những năm đào tạo. Không có gì tệ hơn việc phải làm việc với một linh mục không chấp nhận những giới hạn của mình và do đó, không chịu thay đổi. Rốt cuộc sứ vụ mất chất lượng và các tín hữu phải chịu đau khổ.)

3. Cha Young là một linh mục sáng giá, một tự điển bách khoa sống. Cha chu toàn nhiệm vụ học tập rất chu đáo. Cha có một vành đai các linh mục ngưỡng mộ những thành quả học vấn của cha. Tuy nhiên, cha rất dị ứng với mọi quyền bính, bắt đầu là Đức Giám mục. Không nhất thiết là bản thân Đức Giám mục. Cha không thể chịu được bất kỳ người nào có quyền bính. Cha dị ứng mạnh mẽ với quyền bính, điều đó khiến công việc của cha không sinh hiệu quả. Thái độ tiêu cực của cha trong vấn đề này ảnh hưởng tai hại cho các cha trẻ trong linh mục đoàn đang ngưỡng mộ kiến thức học vấn và sự đóng góp của cha. Ngay cả trong lãnh vực chuyên môn của cha, cha cũng không cộng tác đầy đủ vào bất cứ dự án nào cần đến sự giúp đỡ của cha nếu như dự án đó phát xuất từ những người có quyền bính.

(Cha Young có thể là nạn nhân của những hoàn cảnh trong những năm cha còn ở tuổi đang lớn. Thái độ dị ứng với quyền bính của cha có lẽ có gốc rễ là lúc còn nhỏ, cha đã sống với một người cha độc đoán quá đỗi nghiêm khắc với cha. Như vậy, cha đã bị tổn thương nặng về phương diện tâm lý, và mặc dầu cha đã đạt được nhiều tiến bộ về tri thức, nhưng những vết thương lòng của cha vẫn chưa được chữa trị, và việc đào tạo nhân bản cho cha xưa kia đã là thiếu sót và nó đã không giúp cha vượt thắng chiều kích cảm xúc này. Do đó thay vì tác vụ của cha mang lại nhiều hiệu quả rất giá trị, thì lại bị hạn chế vì cha không có khả năng có mối tương quan với các bề trên của cha một cách trưởng thành và vô tư.)

4. Cha Michael là một linh mục có trí thông minh trung bình. Nói chung cha là một mục tử khá tốt. Cha không có nhiều sáng kiến lắm trong việc mục vụ. Cha khá chậm không dám mạnh dạn khởi đầu các công việc mục vụ. Trong tác vụ linh mục, cha đúng là loại người chỉ biết “kinh sách lễ lạc”. Cha Michael thuộc loại người khép kín, có rất ít bạn bè trong linh mục đoàn. Cha có khuynh hướng rất dễ nản lòng khi gặp thất bại hoặc thử thách. Trong những trường hợp như thế cha không ngần ngại xin thuyên chuyển đi nơi khác. Nhưng khi khủng hoảng qua rồi thì cha lại xin hoãn thuyên chuyển, dĩ nhiên điều đó gây nhiều khó khăn cho Giám mục.

Cha cũng gặp khó khăn trong tương quan với cộng đoàn dòng nữ trong giáo xứ. Chỉ cần một hiểu lầm nhỏ liên quan đến một vấn đề mục vụ, cha cũng không ngần ngại cắt đứt mọi tương quan với các nữ tu đang tích cực hoạt động tông đồ. Khi cha đến dâng lễ tại các điểm truyền giáo có các nữ tu đang làm việc, cha từ chối “đồng bàn” với họ, đến độ ngay cả một tách trà của nhà dòng cha cũng từ chối. Cha còn vội vàng quyết định cấm các nữ tu làm các công tác mục vụ thông thường. Thậm chí cha Michael còn dùng cả tòa giảng để kể tội các nữ tu. Mối bất hòa giữa cha Michael với các nữ tu đã ảnh hưởng rất xấu đến cộng đoàn giáo xứ. Các tín hữu bình thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi gương mù gương xấu đó. Họ mất lòng tin nơi vị mục tử của mình. Bài giảng của cha không còn đáng tin cậy nữa. Rất khó sửa chữa tổn thương này, bởi vì các tín hữu mất lòng kính trọng cả vị linh mục lẫn các nữ tu, những người đáng lẽ ra phải là gương mẫu của “tình hiệp thông”.

Đây là hiện tượng chung nơi nhiều linh mục, chỉ vì một vài hiểu lầm hoặc với bề trên hoặc với một cá nhân của một cộng đoàn dòng tu, đã không ngần ngại tẩy chay họ và gây gương mù gương xấu cho giáo xứ.

(Một lần nữa, những khúc mắc của cha Michael cũng do thiếu trưởng thành về mặt tình cảm mà làm tổn hại các mối tương quan, và do đó, làm hỏng thừa tác vụ. Cha Michael mặc dù ít nói nhưng lại rất cố chấp những khi đụng chạm đến các mối tương quan, và không sao thấy được những tiền hậu bất nhất trong thái độ của cha, ngay cả khi người ta trình bày cho cha những vấn đề này một cách hết sức hợp lý. Rõ ràng là chiều kích nhân bản trong nhân cách của cha cần phải lớn lên nhiều hơn nữa.)

5. Cha Charles là một người làm việc âm thầm làm cho người ta có cảm tưởng cha là một “lãng tử đơn độc”. Cha làm việc cật lực và có tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên các mối tương quan nhân bản của cha còn chưa tốt. Trước hết cha luôn luôn đa nghi. Cha thấy khó mà tin tưởng được những người khác. Gặp ai cha cũng nhìn người đó như một kẻ đáng phải đề phòng.

Khuynh hướng cẩn thận quá đáng này lập tức tạo nên một rào cản trong các mối tương quan. Cha thậm chí có thái độ nghi ngờ cả với những người làm việc trong nhà và thế là không ai có thể ở lại phục vụ cha lâu dài. Ngay cả đối với các anh em linh mục, cha cũng “đề phòng” trong các công việc chính thức. Bằng cách ấy cha tạo nên một cảm giác xa lánh và vô tình xúc phạm các anh em linh mục của cha do thái độ nghi ngờ và thiếu cởi mở.

Cha cũng giữ thái độ này trong tương quan với các vị bề trên có thẩm quyền của cha. Sự hiệp thông với những người như thế có thể bị gãy đổ nghiêm trọng, bởi vì người ta không biết chính xác cha đang nghĩ gì. Cách chung một linh mục với cá tính như vậy cũng chẳng cởi mở cả với Giám mục, vì lúc nào cũng thấy là cách Giám mục đối xử đều không tốt.

(Một lần nữa, ta thấy có một số thiếu sót trong sự “trưởng thành nhân bản” của vị linh mục khá tốt lành này. Mặc dù nhiều lần được Giám mục thúc giục cải thiện các mối tương quan với các linh mục và dân chúng, coi bộ cha vẫn không cải thiện được mấy. Mọi người khác đều thấy sự thiệt hại do não trạng “đa nghi” này gây nên, nhưng chính vị linh mục này hình như không nhận ra là cha phải thắng vượt thái độ sai lầm này. Hậu quả là Giám mục phải tốn nhiều công sức và thời giờ để giải quyết những thiệt hại do cách cư xử thiếu trưởng thành của cha gây ra.)

6. Cha Philip là một linh mục trẻ nhiều tài năng. Cha có tài về khoa hùng biện và được phú cho một cá tính dễ thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, trong những năm đào tạo cha luôn bị đánh giá là “khó nắm bắt” và không cởi mở. Không mấy ai có khả năng hiểu được con người thật của cha. Cả khi còn ở Chủng viện dường như cha luôn có chương trình riêng cho mình. Mặc dù linh đạo của cha “thiên về đoàn sủng”, đã có những lời tố cáo là cha đã thân thiết quá mức một cách không lành mạnh với các cô gái trẻ. Vì những lời tố cáo này cha đã bị đình hoãn không được phong chức linh mục. Cuối cùng cha cũng được chịu chức, nhưng rồi chẳng bao lâu sau, cha Philip đã gặp rắc rối nghiêm trọng, vì đã quan hệ tình dục với một phụ nữ trẻ và điều này kéo theo những hậu quả trầm trọng. Khi điều tra kỹ mới biết rằng quan hệ này đã bắt đầu khi cha còn là một chủng sinh trẻ. Dù đã trải qua nhiều năm huấn luyện, những vần đề này đã không hề được cân nhắc và quan hệ như thế vẫn cứ diễn ra cho đến khi nó đưa đến thảm hoạ, không lâu sau khi cha thụ phong linh mục. Cha Philip đã không hề thấy rằng những quan hệ như thế là bất tương hợp với sự cam kết sống độc thân.

(Khi một ứng viên nhập chủng viện, anh mang theo mình cả một “hành lý” cồng kềnh là những vết thương tình cảm không được chữa trị, chúng đã cản trở tiến trình lớn lên và trưởng thành của anh. Bởi vì phần lớn những điều này bị chôn sâu bên dưới, nên việc huấn luyện nhân bản cần giúp cho nhà huấn luyện “khai quật” những nhu cầu tình cảm này và giải quyết chúng. Không thể có một linh đạo huấn luyện đích thực nếu không có tiến triển đúng đắn về mặt tình cảm, một sự tiến triển bao gồm sự tự thức tỉnh, tự biết mình và tự bộc lộ chính mình. Như Meister Eckhart, nhà thần bí dòng Đa-minh nói: “Để đạt đến nơi sâu thẳm của Thiên Chúa, trước tiên con người phải vào tận nơi sâu thẳm của mình hết sức có thể”.)

Ngoài những nhận xét ngắn gọn sau mỗi trường hợp, tôi không có ý phân tích chi tiết những trường hợp riêng rẽ này bởi vì tôi không phải là nhà tâm lý. Mục đích trình bày những trường hợp này và những lời nhận xét nhằm làm sáng tỏ đề tài của tôi. Các vấn đề mà mỗi cá nhân gặp phải có thể bị quy cho nhiều thứ nguyên nhân chẳng hạn nóng tính, thiếu phán đoán, thiếu tự chủ, những kinh nghiệm thời thơ ấu. Nhưng tất cả những thiếu sót này có thể được giảm thiểu phần lớn nếu như để ý hơn đến sự trưởng thành về tình cảm của người đó trong những năm đào tạo. Những trường hợp nêu trên đều có một điểm chung là thiếu trưởng thành về mặt tình cảm và thiếu sự huấn luyện về tình cảm. Các linh mục được kêu gọi để trở thành những nhà lãnh đạo. Để mang lại hiệu quả trong vai trò lãnh đạo, trong số những công cụ không thể thiếu, là “những kỹ năng liên quan đến con người” (people skills). Những kỹ năng như thế chỉ phát triển trong một môi trường huấn luyện, trong đó điều được nhấn mạnh thích đáng không chỉ là phát triển trí thức mà còn là phát triển về tình cảm và xã hội, hoặc còn gọi cách khác là khả năng hiểu biết về tình cảm và khả năng hiểu biết về xã hội. Vào những thập niên gần đây, trong thế giới hợp tác chặt chẽ, đã có sự thay đổi tận gốc rễ về các đòi hỏi đối với vai trò lãnh đạo. Lãnh đạo không phải là thống trị. Đó phải là một nghệ thuật thuyết phục con người làm việc hướng đến một mục tiêu chung. Đã qua rồi thời đại của những người điều khiển bằng thủ thuật, hoặc những ông chủ “tự tung tự tác, múa gậy vườn hoang”. Nhà lãnh đạo có khả năng bậc thầy trong việc kiến tạo các tương quan liên nhân vị sẽ là tương lai của cộng đồng.

Tiếp theo đây, tôi sẽ rút từ những tài liệu của Giáo Hội và xã hội để trình bày những chiều kích mới đã xuất hiện trong việc tìm kiếm giải pháp cho những khúc mắc về các mối tương quan, là đặc trưng cho các vấn đề nan giải mà các linh mục gặp phải khi thi hành tác vụ của mình, giống như những vị trong các câu chuyện mà tôi đã trình bày ở trên.

CHỨC LINH MỤC GẮN LIỀN VỚI CÁC MỐI TƯƠNG QUAN

Một người được truyền chức, không phải để hưởng đặc ân, nhưng là để đảm nhận một mạng lưới các mối tương quan. Vị linh mục đứng trong cộng đoàn với tư cách là một phần tử của Hội Thánh. Ngài sống trong Hội Thánh bởi các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể, y như tất cả các tín hữu khác. Đồng thời, qua bí tích Truyền Chức Thánh, ngài đứng trước cộng đoàn với tư cách là thừa tác viên của dân Chúa, đến với dân Chúa, và cho dân Chúa. Căn tính của linh mục được liên kết mật thiết với cộng đoàn. Ngài nổi bật giữa các thành viên của cộng đoàn do cách ngài liên kết với họ như thế nào. Căn tính của ngài hệ tại ở cách ngài đứng trong cộng đoàn như thế nào, chứ không phải cách ngài tách biệt khỏi cộng đoàn. Vấn đề là trong vai trò duy nhất là người có chức thánh, ngài là tiêu biểu của điều gì đối với cộng đoàn (Markham & Repka, 1997).

Đây không phải là trở nên đặc biệt hay nổi bật vì được hưởng đặc ân. Ấn tín bí tích không phải là một quyền lợi của cá nhân. Đây là một trách nhiệm đặc biệt của thừa tác viên có chức thánh, đó là mối tương quan của ngài với Chúa Kitô và với cộng đoàn.

Chúa Giêsu là nhân vật trung tâm trong mối tương quan này. Đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu là để điều chỉnh các mối tương quan. Người quan tâm đến việc sắp đặt lại đời sống ở mọi cấp độ - cá nhân, xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo. Các mối tương quan được sắp đặt lại theo tầm nhìn của Người về cộng đoàn, với tính cách là “sự hiệp thông” – nước Thiên Chúa. Qua mầu nhiệm Phục Sinh, Thánh Thần đã được ban cho chúng ta để tiếp tục công việc tái sắp đặt các mối tương quan.

Do đó, là hiện thân của Đức Kitô (in persona Christi), linh mục có một nhiệm vụ độc đáo là phải sắp đặt các tương quan đúng đắn. Giống như Đức Kitô, linh mục thực hiện vai trò này gắn liền với tầm nhìn của ngài về cộng đoàn và về nước Thiên Chúa.

Linh mục tham gia Sứ Vụ; đây không phải là một sự dấn thân thụ động hoặc riêng tư vào thừa tác vụ nhưng là một dấn thân tích cực mang tính cộng đoàn với Thiên Chúa và dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Căn tính của linh mục là ngài được chọn để phục vụ nước Thiên Chúa và phục vụ trần gian.

Đồng thời linh mục cũng hành động với tư cách là hiện thân của Hội Thánh (in persona ecclesiae). Ở giữa cộng đoàn, cũng như khi ở trước cộng đoàn đòi hỏi sự đánh giá mục vụ không ngừng. Linh mục đóng vai trò là lăng kính đối với cộng đoàn, phản chiếu lại những khía cạnh khác nhau về đời sống của họ và sự thật về họ. Ngài phục vụ con người nhưng không theo sở thích của họ. Đây là một động lực mang tính tương tác:

Ngài lắng nghe

Đáp trả

Thách đố

Nâng đỡ

Ngài và cộng đoàn cảm nghiệm sự phụ thuộc lẫn nhau trong việc lớn lên, trong sự thánh thiện và tầm quan trọng. Ngài ở đó không phải để làm vừa lòng dân Chúa nhưng để sắp đặt các khả năng theo sứ vụ. Là linh mục, ngài được cắt đặt và ủy thác làm công việc này – “Điều này thuộc về ‘sự sắp đặt’ của Bí tích Truyền Chức”.

TƯƠNG QUAN VỚI GIÁM MỤC

Cha Roger A. Statnick có những cách nhìn rất sâu sắc khi nói về tương quan giữa linh mục với giám mục. Bản chất của mối tương quan giữa giám mục với linh mục chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng của Bí tích Truyền Chức. Điều này dựa trên một thực tại có tính thần học.

Các giám mục có những cá tính, triết lý và thần học khác nhau. Các linh mục thường có khuynh hướng giảm thiểu tương quan với giám mục vào chuyện thích hoặc không thích vị đó. Vai trò của giám mục là giám sát sự hiệp thông, giám sát đoàn dân được hình thành trong và bởi Chúa Thánh Thần. Như vậy mối tương quan này được cắm rễ trong mầu nhiệm Hợp Nhất của Chúa Ba Ngôi. Đây là một tương quan sâu xa – sâu xa hết sức có thể trong đức tin của chúng ta.

Giám mục giáo phận chia sẻ việc sắp đặt các đoàn sủng, với người được truyền chức. Căn tính của linh mục được thành hình trong mối tương quan duy nhất giữa ngài với vị giám mục của giáo hội địa phương.

Ngày nay, chúng ta nói lễ “truyền chức giám mục” (ordination) chứ không nói lễ “thánh hiến giám mục” (consecration) như trước đây nữa. Sự thay đổi thuật ngữ này biểu lộ một thay đổi quan trọng trong cách suy nghĩ của Hội Thánh. Trong quá khứ giám mục được coi là “thượng tế”. Sự phân biệt giữa linh mục với giám mục không dựa trên nền tảng thần học cho bằng trên quyền bính chính thức về mặt thể chế. Trước kia, vai trò của giám mục đã được quan niệm trước tiên là quyền tài phán và uy quyền. Sau Công đồng Vatican II, chúng ta nói về vai trò của giám mục như “vị thụ phong” (ordained). Ngài được chọn để sắp đặt (order, do từ “ordinare”) các đoàn sủng trong giáo hội địa phương. Ngài thụ phong giám mục để trở thành thành viên của giám mục đoàn. Ngài có trách nhiệm chăm sóc Giáo Hội địa phương hay Giáo phận. Như Đức Kitô, ngài có nhiệm vụ kiến tạo các mối tương quan đúng đắn.

Ngài thực hiện nhiệm vụ này bằng cách gợi lên các đoàn sủng (khả năng Chúa ban); ngài điều phối các đoàn sủng đó, có thể đó là đoàn sủng của giáo dân, tu sĩ hoặc giáo sĩ, vì lợi ích của cộng đoàn và vì sứ vụ truyền giáo. Ngài phải làm vậy để xây dựng sự hợp nhất giữa hàng giáo sĩ của ngài, đặc biệt, không phải để tạo ra một tinh thần tranh đua, nhưng đúng hơn, để kiến tạo tinh thần hợp tác. Ngày nay hơn bao giờ hết, những người lãnh đạo mục vụ phải thấm nhuần thái độ này và ước ao nhìn thấy, như một trong những mục tiêu chính yếu của mình, việc tăng cường và duy trì các ơn ban và đoàn sủng của tất cả mọi người dưới sự lãnh đạo của mình, nếu không, họ có thể là những người làm việc tốt, nhưng không phải là những nhà lãnh đạo tốt biết cổ võ mọi người làm việc.

Ngay cả trong vấn đề bổ nhiệm các linh mục, Statnick (1999) đã nói rất đúng rằng: Giám mục phải đặt điều đó lên hàng đầu. Các linh mục thường cảm thấy những việc bổ nhiệm như là quyền lực áp đặt trên họ, chứ không phải như một cách sắp đặt các đoàn sủng vì ích lợi của toàn Giáo Hội. Đối với các linh mục, vẫn còn khuynh hướng như bị đe doạ bởi việc bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển, và do đó họ có thể trở thành người theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ nghĩ đến mình, chỉ tìm tư lợi khi đến lúc Giám mục thấy cần có những thay đổi.

Điều cần thiết là xây dựng một bầu khí cộng tác để thi hành thừa tác vụ. Những lần thuyên chuyển các linh mục có thể tạo cơ hội cho mọi thành phần tham gia vào việc củng cố sự hiệp thông mà mọi người cùng dự phần với nhau, vào việc đặt ra những vấn đề về sứ vụ chung, về những đoàn sủng cần có, và về việc mọi người có thể làm việc chung với nhau như thế nào. Vị Giám mục, qua đối thoại và phân định, cố gắng tìm hiểu xem những thay đổi đó có làm cho toàn thể cộng đồng trở nên tốt hơn không. Ngài làm điều này với tư cách là người có trách nhiệm “sắp đặt” các đoàn sủng trong các Giáo Hội địa phương.

Trong bối cảnh việc khéo léo sắp đặt các đoàn sủng, có lẽ nói đôi điều về Chủ nghĩa duy giáo sĩ (Clericalism) và tham vọng (Ambition) cũng là điều hữu ích. Chủ nghĩa duy giáo sĩ có thể ảnh hưởng đến cả Giám mục lẫn linh mục. Trong nhật ký của mình, Alexander Schemen nói: “Chủ nghĩa duy giáo sĩ làm cho nghẹt thở: nó xen mình vào toàn bộ đặc tính thánh thiêng của Hội Thánh; nó cho là mình có quyền kiểm soát, hướng dẫn, điều khiển; có quyền thực hiện các bí tích, nhưng lại hiểu sai một cách chung chung rằng bất cứ quyền lực nào cũng là “quyền đã được ban cho tôi”. Chủ nghĩa duy giáo sĩ luôn luôn là sai chức năng và ngạo mạn, nó làm tê liệt sự trưởng thành thiêng liêng và tình cảm của linh mục, giám mục và phó tế trong mạng lưới của nó. Người giáo dân một cách tự nhiên chống lại các khuynh hướng kẻ cả và khống chế nơi các linh mục có đầu óc theo chủ nghĩa duy giáo sĩ. Linh mục độc đoán có khuynh hướng luôn nóng giận và nản lòng. Chủ nghĩa duy giáo sĩ cản trở sự hiệp thông nhân bản chân thành và cuối cùng làm cho các giáo sĩ bị cô lập.

Một tâm lý gia-linh mục đã nhận xét: “Tham vọng là một bản năng cơ bản của con người, cũng như tính dục”. Những phần thưởng có tính thể chế, với những cạm bẫy và quyền lực của chúng, rất được ưa chuộng trong cơ cấu hiện tại của chúng ta. Trong nền văn hóa phong kiến đề cao giáo sĩ, trong đó nhiều linh mục vẫn sống, hoạt động và làm việc, cái gật đầu chấp thuận của giám mục, ánh mắt nồng ấm của ngài, là những điều nhiều người tìm kiếm. Trong khi giám mục có bổn phận khuyến khích, chấp thuận và tuyên dương việc tốt của một linh mục, nếu linh mục đó chỉ tìm kiếm sự chấp thuận theo kiểu loài người cốt để “được lên chức”, thì điều đó có thể ngăn cản sự phát triển giá trị thật của ngài.

Giám mục là người đầu tiên phải phục vụ và xây dựng sự hiệp thông trong giáo phận. Thật sự giữa giám mục và các linh mục của ngài, có một “sự hiệp thông do bí tích” (communio sacramentalis), sự hiệp thông này được đặt trên nền tảng là sự tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô, mặc dầu ở cấp độ khác nhau, nhờ thừa tác vụ duy nhất của những người được truyền chức thánh và cùng một sứ vụ tông đồ.

TƯƠNG QUAN GIỮA LINH MỤC VỚI LINH MỤC ĐOÀN

Khi một nam nhân được truyền chức, ông trở thành thành viên của một nhóm các linh mục phục vụ Giáo Hội địa phương. Người ta gọi nhóm này là linh mục đoàn (Presbyterate, Presbyterium). Đây là một thực tại có tính thần học. Nhờ bí tích truyền chức, những người này chia sẻ vai trò của giám mục là sắp đặt các đoàn sủng trong Giáo Hội địa phương. Họ không đơn thuần là một “nhóm bạn thân” hay những bạn đồng đội. Họ tham dự “bí tích truyền chức” và là những người được tham dự vào sự quan tâm của giám mục lo cho toàn Giáo Hội địa phương. Họ dấn thân làm việc chung với nhau cũng như với giám mục. Có một mối dây không thể cắt đứt giữa giám mục và hàng giáo sĩ của ngài – mục đích của nó thành hình từ mối tương quan của họ với giám mục và với nhau. Nếu một linh mục tự tách mình ra khỏi giám mục – về mặt thể lý, tình cảm, tâm lý, tinh thần, là ngài cắt đứt chính đường chuyền sự sống của mình với Hội Thánh và với Đức Kitô.

Tất cả chúng ta đều biết một số linh mục, những người vì lý do này hay lý do khác, lý do có thật hoặc tưởng tượng, đã tự tách mình khỏi giám mục và làm gương xấu cho các tín hữu, bằng cách từ chối, ngay cả việc đọc tên Đấng Bản Quyền trong Kinh nguyện Thánh Thể!!! Thường chính giám mục cũng có một phần trách nhiệm trong những trường hợp như vậy, vì thiếu đối thoại hoặc sai lầm trong việc phân định các đoàn sủng.

Căn tính chính yếu của linh mục là hành xử như hiện thân của Đức Kitô và của Hội Thánh (in Persona Christi et in Persona Ecclesiae). Căn tính của linh mục thành hình trong mối tương quan duy nhất của ngài với Giám mục của Giáo Hội địa phương. Sự nối kết, trong Chúa Thánh Thần, là qua Giám mục Giáo phận – chứ không phải theo cách sắp đặt của trần gian trong đó Giám mục phục vụ như Tổng giám đốc điều hành (Chief Executive Officer). Linh mục thi hành thừa tác vụ cùng với và dưới quyền Giám mục, trong bầu khí trao đổi và cộng tác.

Linh mục đoàn không đơn thuần là một “tình huynh đệ” của các linh mục. Một tình huynh đệ có là để nâng đỡ các thành viên, hoặc về mặt xã hội, về mặt thiêng liêng, hoặc nhờ vào sự chia sẻ những mối quan tâm. Điều đó là quan trọng. Nhưng linh mục đoàn tồn tại chính yếu là vì lý do khác. Cùng với nhau, tất cả các linh mục của một giáo phận chia sẻ trách nhiệm về Giáo Hội địa phương và sứ vụ của Giáo hội đó – và họ chia sẻ trách nhiệm đó với Giám mục Giáo phận. Do đó các thành viên của linh mục đoàn bó buộc phải củng cố mối tương quan huynh đệ sâu xa với nhau, nhằm một mục tiêu chung là làm tăng tiến sứ vụ của Giáo Hội địa phương.

Sự quan tâm và nâng đỡ nhau, sự cộng tác và cùng làm việc, là những điều cần thiết để thực hiện vai trò lãnh đạo của các linh mục trong Hội Thánh, cùng với và dưới quyền Giám mục Giáo phận. Phải thấy rõ rằng linh mục đoàn tồn tại là vì Hội Thánh, chứ không vì chính mình. Do đó, lối sống tìm phục vụ bản thân, chẳng hạn như hành vi và lời nói phá hoại, bàn tán xấu, những tham vọng, mưu mẹo, biển lận tài chính, quấy rối tình dục trẻ em và những lạm dụng tình dục khác, làm cho sứ vụ bị hao mòn năng lực và hậu quả là làm tan nát những mối tương quan vốn được thiết đặt để phục vụ cho sứ vụ đó. Nó làm cho giáo phận bị sa sút và không còn hữu hiệu trong thừa tác vụ của mình.

TƯƠNG QUAN GIỮA LINH MỤC VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC ỦY THÁC CHO NGÀI

Đây là một lãnh vực quan trọng khác của sự hiệp thông mà linh mục dấn thân phục vụ và củng cố.

Đây là điểm bánh xe tiếp giáp với mặt đường. Ngài phải sắp đặt một mạng lưới những mối tương quan trong tất cả sự phức tạp của nó, bao gồm cả các tương quan cá nhân của ngài. Mọi tương quan khác đều tùy thuộc vào việc ngài tự đào luyện để vận dụng các tương quan cá nhân đó như thế nào.

Cũng như căn tính của linh mục giáo phận không thể tách rời khỏi mối tương quan với Giám mục Giáo phận, căn tính của ngài cũng được nối kết với Dân Thiên Chúa trong Giáo Hội địa phương. Vai trò của linh mục, như chúng ta đã thấy ở trên, là để trở nên thành viên của Hội Thánh, để đứng trong Hội Thánh, cũng như đứng trước Hội Thánh với tư cách là người lãnh đạo-phục vụ dưới quyền Giám mục. Linh mục và Giám mục cùng với nhau nhắm đến việc sắp đặt mối tương quan đúng đắn để đưa Sứ vụ đi tới và mối tương quan này vượt trên cá tính, vượt trên những động lực điều hành và những quan tâm khác.

Andrew Greeley phân biệt “một người lãnh đạo máy móc” (Instrumental Leader) và “một người lãnh đạo diễn cảm” (Expressive Leader).

“Người lãnh đạo máy móc làm cho các công việc được thực hiện bằng cách tổ chức, quản lý, hoàn thành các nhiệm vụ. Ông là một người chịu làm, một người sắp chương trình, một người ra quyết định”.

“Người lãnh đạo diễn cảm quan tâm hơn đến toàn cảnh và đến những người ông lãnh đạo. Ông đảm bảo tầm nhìn của cộng đoàn được rõ ràng và tinh thần của các thành viên đều cao. Ông xoa dịu những tình cảm bị tổn thương, an ủi những người gặp khó khăn, khuyến khích những người ngã lòng, hòa giải những người nóng giận và truyền cảm hứng cho những người thất vọng”.

NHỮNG TƯƠNG QUAN CÁ VỊ VÀ NHỮNG TƯƠNG QUAN THEO CHỨC NĂNG

Một linh mục, đặc biệt vị mới được truyền chức, có thể cảm thấy an toàn, được bảo vệ, và được chăm sóc, trong khuôn khổ những mối tương quan theo chức năng, trong một mô hình cộng đoàn cơ chế, khi ngài liên hệ với Giám mục, Tổng Đại Diện, Đại diện Giám mục, Giám đốc điều hành nhân sự, các Giám đốc khác, các Vị giám sát của các hoạt động tông đồ khác nhau. Phần đông có tương quan tốt theo cách thức này trong mô hình có cơ chế. Xét cho cùng, chúng ta được đào tạo trong chủng viện để sống phù hợp với cơ cấu phẩm trật này. Nhưng ý thức về sự liên kết mà chúng ta có được theo mô hình có cơ chế này có thể phai tàn, kẻ sớm người muộn. Do đó, một số linh mục có thể bắt đầu cảm thấy không được chăm sóc và bảo vệ một cách đầy đủ. Họ không chắc chắn lắm về những vai trò họ đảm nhận, và có thể bắt đầu cảm thấy không còn là một thành viên của giáo phận, hoặc thậm chí của linh mục đoàn nữa.

Với thời gian, linh mục đó có thể và thật sự bắt đầu khao khát một mô hình tương quan “mang tính cá vị hơn”, trong đó, sự bảo đảm và an toàn phát sinh do ý thức rằng mình được đánh giá cao và được chăm sóc. Tuy nhiên, mặc dù khao khát sự liên kết “mang tính cá vị” này, nhiều linh mục không có những kỹ năng cần thiết để thực hiện sự biến đổi.

Về điều này, Clark (1986) nói: “Tôi không nghi ngờ rằng chức linh mục giáo phận có thể hoàn toàn là một thực thể được thể chế hóa. Tôi cũng không mong ngày mà tất cả chúng ta đều ý thức về mối tương quan hoàn toàn mang tính cá vị”; ông cho rằng phải mất nhiều công sức lắm mọi người mới thừa nhận được điều đó. Tuy nhiên, ông yêu cầu rằng “chúng ta cần quân bình, nhưng ngày nay sự quân bình đó cần được nghiêng về phía ủng hộ một tương quan mang tính cá vị hơn”.

Chính nơi đây chúng ta thật sự bắt đầu đi sâu vào vô số những khúc mắc về tương quan mà một linh mục phải đối diện. Từ lòng mẹ chúng ta đã mang trong mình bản năng là được giao tiếp và thiết lập mối tương quan với những người khác.

Cha Clark trong quyển sách của ngài về “Con người có giới tính và độc thân” (“Being sexual and celibate”) đưa ra một số nhận định rất sâu sắc và có giá trị. Ông nói: “Nhu cầu của tôi và những khả năng nhận thức của tôi về việc liên kết với những người khác có nghĩa là phải phát triển đến mức trưởng thành nhân bản, lúc đó là lúc có thể đạt đến sự thân mật với những người khác. Sự thúc đẩy, động cơ, nhu cầu giao tiếp với người khác, tất cả đều là thành phần của hữu thể có giới tính của tôi. Nó cho phép tôi giao tiếp với những người khác bằng những mối tương quan vượt quá những mối tương quan theo chức năng. Nhưng những sự thúc đẩy, động cơ và nhu cầu đó của tôi tự chúng không đảm bảo là nhờ chúng, tôi sẽ đạt được sự giao tiếp mang tính cá vị. Tôi cần phải học và rồi lựa chọn thái độ nào sẽ làm cho sự liên kết nảy sinh” (Clark, 1986). Văn chương ngày nay về “Phát triển nhân bản” đang tràn lan với nhu cầu phát triển tâm sinh lý qua khả năng sống thân mật trong các tình bạn giữa người với người.

Sự thân mật là một quan niệm quan trọng liên quan đến sự phát triển nhân bản. Khi nhắc đến “Sự thân mật” chúng ta thường rất băn khoăn e ngại, mặc dầu chúng ta biết rất rõ là có những nhà chiêm niệm và những vị thánh thời danh đã không hề sợ sự thân mật như thế. Chẳng hạn, thánh Phanxicô Assisi và thánh Clara, thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá. Nguyên nhân khiến chúng ta băn khoăn e ngại, là vì từ “sự thân mật” thường được hiểu là sự thân mật thể lý, thân mật giới tính, hoặc thậm chí thân mật tình dục. Trong khi đó từ ngữ này được sử dụng trong văn mạch của chúng ta được chú trọng hơn theo nghĩa tâm lý. Sự thân mật phải đi đôi với sự cởi mở. Cởi mở là sẵn lòng và có khả năng bộc lộ những vấn đề riêng tư của cá nhân với một ai khác, cho người đó hiểu biết về chính mình, hơn là chỉ có ngoại diện của mình. Điều này vượt quá sự hiểu biết mà bạn có được khi bạn thực thi chức vụ của bạn.

Ngày nay các nhà tâm lý nhấn mạnh nhu cầu cần sự thân mật trong sự phát triển toàn vẹn của con người. Wilkie Au và Noreen Cannon nói: “Sự thân mật là dấu hiệu xác nhận phẩm chất của đời sống Kitô hữu… Là Kitô hữu chúng ta được kêu gọi để cảm nghiệm rằng mình là người được Thiên Chúa yêu thương và để ôm lấy những người khác cũng y như chính chúng ta đã được Thiên Chúa ôm lấy một cách hết sức thân mật. Chúng ta gặp gỡ và bày tỏ Thiên Chúa là tình yêu chỉ qua cách chúng ta tương quan với nhau”.

Erickson nói: “Sự thân mật bao gồm một số mặt mạnh của cá nhân để hỗ trợ cố gắng xích lại gần nhau của chúng ta: khả năng cam kết với những cá nhân đặc biệt bằng những mối tương quan vượt thời gian, khả năng đáp ứng những đòi hỏi kèm theo về việc phải thay đổi, mà vẫn không làm hại sự toàn vẹn của bản thân mình”. Chúng ta quên rằng một người độc thân vẫn là một người có giới tính với những nhu cầu thật sự về sự thân mật, những nhu cầu này phải được đáp ứng một cách thích đáng và đầy đủ. Điều này chỉ có thể xảy ra khi một người đã trưởng thành về phương diện tình cảm và giao tiếp với tư cách là một người có giới tính.

Các văn kiện của Hội Thánh và của Đức Thánh Cha cũng khẳng định điều đó. Trong tông huấn Pastores Dabo Vobis, Đức Gioan Phaolô II đáng kính nói rằng: “Toàn bộ công trình đào tạo linh mục sẽ không có nền tảng cần thiết, nếu nó thiếu việc đào tạo nhân bản thích hợp”. Đào tạo nhân bản được mô tả là “sự đào tạo cần thiết” mà tất cả các phương diện khác của việc đào tạo linh mục lệ thuộc vào. “Đó là một yếu tố thật sự nền tảng đối với ai được mời gọi làm người lãnh trách nhiệm về một cộng đoàn và làm ‘người của hiệp thông’” (PDV, 44).

Trong các văn kiện chính thức của Hội Thánh vấn đề này được đề cập đến dưới tựa đề Sự Trưởng thành Nhân bản trong việc đào tạo linh mục. Đó là sự trưởng thành về mặt tình cảm và giao tiếp của các linh mục tương lai. Nói cách khác, trưởng thành nhân bản là cố gắng đạt tới sự trưởng thành thể lý và tâm lý trong bối cảnh của sự trưởng thành thiêng liêng. Chúng ta biết rằng ân sủng xây dựng trên bản tính tự nhiên.

Pastores Dabo Vobis (Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục 1990) liệt kê các phẩm chất mà một linh mục phải có:

a. khả năng giao tiếp với những người khác để vị linh mục trở thành con người của hiệp thông;

b. trưởng thành về mặt tình cảm, điều này có nghĩa là vị linh mục ý thức rằng tình yêu có một vai trò trọng tâm trong đời sống con người, đời sống đó đòi hỏi:

c. một nền đào tạo vững chắc và rõ ràng về sự tự do có trách nhiệm, sự tự do đó được nối kết cách chặt chẽ với:

d. việc giáo dục về lương tâm luân lý (PDV, 43-44).

Trong bối cảnh của những vụ tai tiếng nghiêm trọng về tình dục ở Phương Tây và không ít lần nổi cộm ở Châu Á, vấn đề huấn luyện và đào tạo để đạt được sự trưởng thành về mặt cảm xúc và tình cảm phải được chúng ta quan tâm một cách khẩn cấp.

Các Giám mục Hoa Kỳ trong chương trình đào tạo linh mục của họ (xuất bản lần V, 2006, số 77), nói rất dài về chiều kích quan trọng này (trích dẫn: các trang 4, 77-80; 90-92).

“Đào tạo nhân bản đi đôi một cách đặc biệt với lãnh vực giới tính con người, và điều này đặc biệt đúng cho những người đang chuẩn bị sống đời độc thân. Những chiều kích khác nhau của việc làm người – thể lý, tâm lý và thiêng liêng – hội tụ trong sự trưởng thành tình cảm, bao gồm cả giới tính con người”.

“Bởi vì đoàn sủng sống độc thân, cả khi nó là chính hiệu và đã được tôi luyện, vẫn để cho tình cảm của con người với những thúc đẩy của bản năng còn nguyên vẹn, nên các ứng viên linh mục rất cần một sự trưởng thành về tình cảm, sự trưởng thành này là khôn ngoan, là có khả năng từ khước tất cả những gì đe doạ đoàn sủng sống độc thân, là cảnh giác cả về thể xác lẫn tinh thần, và có khả năng quí mến và tôn trọng đối với những tương quan liên vị giữa người nam và người nữ” (PDV, 44).

“Những phương tiện để sống tốt đức khiết tịnh của bậc độc thân là những tình bạn đích thực; tình huynh đệ linh mục; một mối tương quan nâng đỡ, tức là việc linh hướng; sự khổ chế của linh mục, trong đó phải chân thành kể đến những hy sinh mà đời độc thân đòi hỏi; và nhất là bí tích Hòa Giải.

Nói chung, việc đào tạo nhân bản được thực hiện trong một tiến trình gồm ba phương diện: tự biết mình, tự chấp nhận mình và tự hiến chính mình – và tất cả được thực hiện trong đức tin. Khi tiến trình này mở ra, con người trở nên đồng hình đồng dạng một cách hoàn hảo hơn với nhân tính hoàn hảo của Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời làm người”.

Sự trưởng thành như thế có thể được biểu lộ bằng sự phán đoán cẩn thận và chính xác; ý thức trách nhiệm và óc sáng kiến cá nhân; một khả năng lãnh đạo can đảm và kiên quyết; một khả năng thiết lập và duy trì tình bạn lành mạnh; và một khả năng làm việc hợp tác và chuyên môn với người nam và người nữ, từ bỏ những quyền lợi riêng để nỗ lực hợp tác vì lợi ích chung.

Chuẩn bị cho đời độc thân là một trong những mục tiêu chính yếu của chương trình đào tạo nhân bản của bất kỳ chủng viện nào. Chủng viện phải có một chương trình hài hòa và đa dạng về giảng dạy, phân định trong tinh thần cầu nguyện, đối thoại, và khích lệ, tất cả nhằm giúp cho các chủng sinh hiểu rõ bản chất và mục đích của sự khiết tịnh đời độc thân và họ đón nhận điều đó với cả tấm lòng trong suốt cuộc đời. Giới tính gặp được ý nghĩa đích thực của nó trong tương quan với tình yêu trưởng thành. Các chủng sinh cần hiểu biết và biểu lộ một tình yêu trưởng thành như sự chuẩn bị cho đời độc thân. Để thực hiện điều đó, những khám phá của khoa tâm lý học hiện đại có thể giúp ích một cách đáng kể. Mục đích của việc phát triển tâm sinh lý, xã hội và thiêng liêng là đào luyện các chủng sinh thành những người độc thân, khiết tịnh, là những mục tử đáng mến của những người mà họ phục vụ” (Các Giám Mục Hoa Kỳ, Chương Trình Đào Tạo Linh Mục, in lần thứ 5, 2006, các số 77,78, 90-92).

Đào tạo nhân bản để sống độc thân phải nhắm đến một sự trưởng thành về mặt tình cảm, đó là khả năng sống một tình yêu chân thật và có trách nhiệm. Các dấu chỉ của sự trưởng thành về mặt tình cảm nơi ứng viên linh mục là thận trọng, cảnh giác cả về thể xác lẫn tinh thần, biết cảm thương và quan tâm đến những người khác, khả năng diễn tả và nhận biết các loại xúc cảm, và khả năng quí mến và tôn trọng các mối tương quan liên vị giữa người nam và người nữ. Vì vậy, tình bạn chân thật là một sự giáo dục để đạt được sự trưởng thành về mặt tình cảm.

Nhiều vấn đề cá nhân của các linh mục như cô đơn, không có khả năng đương đầu với sự đơn độc, nghiện rượu, lạm dụng tình dục trẻ em, đều có liên quan đến sự thiếu trưởng thành về mặt tình cảm. Những vấn đề nằm ở dưới cho thấy những thiếu sót trong cách đào tạo khiến người ta chỉ có lối thoát là tự dồn nén (“nín thở sang sông”). Sự dồn nén, như các nhà tâm lý cho ta biết, là một tiến trình vô thức rất nguy hiểm, qua đó, người ta phủ nhận những thực tại hiển nhiên, điều này dẫn đến sự đình bộ, làm chậm trễ sự lớn lên. Hậu quả là một loạt những vấn đề nảy sinh trong quãng đời sau đó, khi những cảm xúc bị dồn nén trước kia bây giờ nổi lên theo những cách thức không thể chấp nhận được.

Vì vậy, rõ ràng là điều sai lầm không phải là sự độc thân, nhưng là những người sống độc thân đã không được huấn luyện để đối mặt với những thách đố mà họ phải đương đầu. Độc thân là một cách yêu thương độc nhất vô nhị. Giới tính là một hồng ân Chúa ban để làm cho chúng ta có khả năng bước vào những mối tương quan lành mạnh và phong phú trong thừa tác vụ của chúng ta. Những ham muốn tình dục về mặt sinh học và những ham muốn tâm sinh lý tính dục phải được hiểu theo ý nghĩa thật được Thiên Chúa ban cho chúng.

Một dấu chỉ rằng tôi đang phủ nhận những ham muốn và những xu hướng tình dục của tôi (và có lẽ tôi đang phớt lờ nhu cầu của tôi là cần sự thân mật), là tôi đang hợp lý hóa hành vi lãng mạn hoặc tình dục, một hành vi không tương hợp với vị thế của tôi và với những cam kết mà tôi đã làm hoặc tôi đã không làm (trong trường hợp của những người độc thân). Với sự sáng suốt và tự do, tôi cần định hướng những ham muốn đó xem các mối tương quan có tương hợp với vị thế của tôi và với vị thế của những người khác hay không.

NHU CẦU VỀ SỰ THÂN MẬT VÀ TÌNH BẠN

Quan trọng hơn, “các linh mục phải biết và làm chủ nhu cầu về sự thân mật và vạch ra những kế hoạch để làm cho nhu cầu đó được thoả mãn trong bậc sống độc thân của họ” (Clark, 1986). Nhiều linh mục không nhận ra và không giải quyết tốt sự thân mật. Sự thất bại này là nguyên nhân của rất nhiều nỗi đau và thất vọng mà vị linh mục cảm nghiệm trong khi cố gắng sống trung thành với cam kết độc thân của ngài.

Một số người sợ chính từ “thân mật”, và làm giảm giá trị việc sử dụng nó. Những người khác tin là họ đã vượt khỏi những khúc mắc như vậy và một cách đơn giản họ phớt lờ hoặc phủ nhận việc họ có một nhu cầu nào đó về sự thân mật. Cũng có những người khác không hy vọng rằng đời sống trong tác vụ linh mục của họ lại có thể là một nguồn mạch của thân mật và họ chối từ những cách ứng xử cho phép sự thân mật được tiến triển. Một số người giải quyết tốt vấn đề thân mật của họ. Chính chúng ta cũng đã cảm nghiệm sự thân mật đích thực đặc biệt với những đôi hôn phối yêu mến và kính trọng chúng ta, và thậm chí họ còn bảo vệ các linh mục khỏi những mối tương quan nguy hiểm và do đó giúp chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện và lòng nhiệt thành. Cha Clark nói rằng “Những người độc thân mà không nhận biết và không làm chủ nhu cầu về sự thân mật của họ sẽ thấy tình dục là một vấn đề nan giải”.

Tuy nhiên, không phải cam kết sống độc thân của họ làm cho họ gặp khó khăn, mà chính việc họ từ chối không chấp nhận và giải quyết nhu cầu của họ về sự thân mật mới gây ra khó khăn. Giả như họ có bỏ chức linh mục (Clark, 1986) để đi theo một mối tình lãng mạn và tình dục, “mà không hề có sự thân mật đích thực nào”, thì họ vẫn cảm thấy một sự thất vọng y như vậy”.

Nói cách khác, chỉ vì chúng ta đã chọn lựa sống đời độc thân trong đó không chấp nhận hành vi tình dục hoặc lãng mạn, nên chúng ta vẫn phải quan tâm đến vấn đề thân mật, một vấn đề có thể được sống trong bậc độc thân của chúng ta. Trong một nghiên cứu của Dean R. Hoge, về “Năm năm đầu đời linh mục”, người ta đã khám phá ra rằng, trong khi một trong những đặc tính của một thừa tác vụ tốt là biết sống các mối tương quan, thì nhiều linh mục được trình bày trong nghiên cứu đó, nói chung dường như không có khả năng sống các mối tương quan. Hình như họ không có khả năng giải quyết sự cô đơn, tình cảm, tình yêu xây dựng và sự độc thân (Dean R. Hoge, The first five years of Priesthood).

Nghiên cứu nói trên đưa ra một số đặc tính đối nghịch với những thừa tác viên thành công trong tương quan:

- Họ đau khổ vì những vấn đề liên ngôi vị

- Họ tỏ ra rất lo lắng về sự thân mật

- Họ thường xuyên sống xa cách về phương diện tình cảm

- Họ sợ những gắn bó

- Họ tìm cách tiên quyết nghi ngờ các mối tương quan

- họ sợ để mình bị tổn thương hoặc sợ bị bỏ rơi

- mặc dù họ khao khát tình yêu và sự thân mật, những kinh nghiệm quá khứ của họ ngăn cản họ kết giao những mối tương quan có ý nghĩa.

Những linh mục như thế chắc chắn sẽ là những nhà lãnh đạo nghèo tinh thần cộng tác. Sofield nói đến những điểm sau đây:

“Các chương trình đào tạo linh mục và thường huấn linh mục cần nhắm đến các đề tài về sự thân mật, sự cô đơn, và định hướng tình dục bằng những phương cách trực tiếp”.

Thiếu sự cân bằng đúng đắn có thể dẫn đến thái cực khác. Thánh Tôma Aquinô nhắc chúng ta rằng “Nhân đức thì trung dung” (in medio stat virtus): Đối với thánh Tôma “sự vô cảm” (insensitivitas) cũng như là có tội. Sự độc thân không được làm cho chúng ta ra lãnh cảm và lạnh nhạt, nhưng nó phải giúp chúng ta yêu thương tất cả mọi người như chính Đức Kitô đã yêu.

Giữ khoảng cách về mặt tình cảm cũng có thể làm nghèo một linh mục độc thân. Chúng ta thường nghe nói đến giá trị làm chứng của đời độc thân. Paul J. Bernier (1995) có lý khi nói rằng “sự độc thân không làm chứng cho điều gì hết. Những người độc thân mới làm chứng. Nếu họ lạnh lùng và xa cách, họ làm chứng cho điều này là cuộc đời họ đã không có đủ tình yêu Thiên Chúa và họ đã teo quắt lại như những trái mận héo. Còn nếu họ nồng ấm và cởi mở, họ trở thành những mẫu gương ngời sáng rằng quyền năng của tình yêu Thiên Chúa có sức biến đổi trọn cuộc đời. Tình yêu của người độc thân bao hàm cách rộng rãi một sự hiện diện nồng ấm với anh chị em của mình, nhạy cảm với tính cá nhân và riêng tư của họ, quan tâm đến phúc lợi và sự lớn lên của họ, đồng thời có khả năng bộc lộ cho họ thấy tính chất có thể bị tổn thương của chính mình, và biểu lộ tình yêu của mình một cách phù hợp. Ngược lại, sẽ là thiếu sót nếu người độc thân thiếu khả năng nhạy cảm và hữu hiệu trong tình yêu đối với cả người nam và người nữ; sẽ là thiếu sót nếu chỉ bị lôi cuốn hướng tới một giới; sẽ là thiếu sót nếu bị lôi cuốn hướng tới những người khác chỉ về mặt thể lý, đó cũng là một thiếu sót giống như thiếu sót là xa cách về mặt tình cảm” (323-324). Lời cảnh báo của Bernier (1995) cũng đáng được lưu ý: “Cho nên không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều linh mục cao niên, giàu kinh nghiệm và nhiệt tình theo cách riêng của họ, cuối cùng trở thành những ông già độc thân lãnh cảm trong tác vụ”.

Nói như vậy không có nghĩa là không cần phải cảnh giác. Những mối tương quan nguy hiểm là do những nhu cầu của chúng ta bị thiếu hụt. Chúng ta có thể quá thiếu những mối tương quan hoặc cảm thấy quá đơn độc đến nỗi chúng ta đi tìm những mối tương quan riêng biệt hơn, những tương quan kiểu này làm cho chúng ta cảm thấy mình được người khác cần đến và đề cao. Hoặc có những người muốn dính chặt với chúng ta, có thể là chính họ đang thiếu tình yêu và sự hiệp thông sâu xa trong cuộc đời của họ. Những mối tương quan như thế chỉ là phục vụ chính mình, và hầu như chỉ là tự yêu mình hay tự thương hại mình. Và chúng dẫn chúng ta đến việc sử dụng người khác để thỏa mãn những nhu cầu của mình.

Chúng ta cần ý thức nhu cầu thân mật một cách đặc biệt trong linh mục đoàn. Cộng đoàn linh mục là nơi chúng ta cảm thấy thoải mái, nơi chúng ta được chấp nhận, bất chấp những điều lập dị của chúng ta, là nơi chúng ta có thể trở về và biết là chúng ta thuộc về nơi đó. Ý thức về tình đồng nghiệp trong linh mục đoàn là một bảo đảm mạnh mẽ cho vị linh mục độc thân.

Rèn luyện sống trong sự thân mật và tình bạn trong những năm đào tạo là điều thiết yếu như một phương tiện giúp phát triển những mối tương quan lành mạnh. Sự độc thân đòi hỏi sự trưởng thành về mặt tình cảm. Keith Clark, nhà đào tạo dòng Capucinô có một câu rất hay: “Những người chọn đời sống độc thân là những người có giới tính”. Tất cả chúng ta đạt đến ý nghĩa của việc “là người có giới tính” bằng cách sống và yêu thương một cách nào đó để sự thân mật là khả thể, không chiếm hữu, không dùng thủ thuật để điều khiển, nhưng giúp “người kia” có thể trưởng thành về mặt nhân bản. Để thân mật thật sự, việc chúng ta đến với nhau phải được thực hiện một cách nào đó để chúng ta không làm hại chính mình hoặc người kia, phải có một sự nối kết và một điểm đối kháng của các cá tính. Chỉ có thể có sự đối kháng này nếu có một tình yêu tôn trọng đối với chính mình và với người kia (Clark, 1986).

Còn một vấn đề mà, mượn kiểu nói của Adrian Van Kaam, ông gọi là “Giữ một khoảng cách đầy kính trọng”. Nghĩa là ngay cả khi hai người đến với nhau trong một tình thân mật sâu xa nhất có thể có được, thì đó là một tình yêu không áp đặt và không chiếm hữu. Sự thân mật này cũng bao hàm một tình yêu kính trọng chính mình, khiến cho người đã cam kết sống độc thân không cho phép mình bị điều khiển bằng thủ thuật, bị thống trị, bị nô dịch hoá hoặc bị tổn thương bằng bất cứ cách nào khác trong mối tương quan thân mật. Một linh mục trưởng thành về mặt tình cảm biết rằng có những ranh giới không bao giờ được vượt qua nếu chúng đi ngược lại sự cam kết sống độc thân của ngài.

KẾT LUẬN

Hội Thánh ngày nay được coi là “một cộng đoàn của tình yêu và ân sủng, được đánh dấu bởi mối tương quan cá vị thân mật giữa chính các thành viên thuộc mọi tầng lớp, bên trên, bên dưới và giữa mọi người với Thiên Chúa. Linh mục, với tư cách là nhà lãnh đạo, là người chịu trách nhiệm hàng đầu về việc làm phát triển các mối tương quan này, cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Được giao trách nhiệm này, chính linh mục phải tỏ ra khả năng thiết lập các mối tương quan lành mạnh và đem lại sức sống. Chỉ dựa vào sự tốt lành và nhân hậu riêng của mỗi người để chu toàn nhiệm vụ này là không đủ. Như đã nói trong các tham chiếu được trưng dẫn ở trên, cần thiết là phải phát triển một cách có ý thức những khả năng nhân bản để phục vụ cho nhiệm vụ này. Trên đây cũng đã đề nghị rằng, một trong những phương tiện để phát triển những khả năng như vậy là qua những tình bạn đích thực. Sự thân mật là một sức mạnh quan trọng có thể giúp giải quyết không những các xáo trộn tình dục mà còn tất cả những khúc mắc về tương quan. Những tình bạn sâu xa sẽ tạo điều kiện dễ dàng để cải tạo và thống nhất “cái bóng” (the shadow) - đó là thấy mình là vô ích, mình bị từ chối, mình còn ấu trĩ của “cái ngã” (the self) (Johnson, 1991; Zwieg & Abrams, 1991). Một trong những mục tiêu của tất cả việc đào tạo linh mục là phải làm sao để đạt tới sự trưởng thành về tình cảm. Nếu đạt được điều này, nhiều khúc mắc tiềm ẩn trong câu chuyện của những linh mục chúng ta đã phác hoạ ở đầu bài, và tất cả các trường hợp mà mọi người chúng ta đều biết, có thể được giảm thiểu tối đa, nhờ đó các linh mục này không những có thể là những người tốt lành, mà còn là những người thật sự đáng yêu.

Bởi vì hội nghị chuyên đề này chủ yếu được dành cho các giám mục, xin cho phép tôi thêm một phần “tái bút” vào bài thuyết trình này.

Các linh mục là những người cộng tác gần gũi nhất của chúng ta trong việc chăn dắt đàn chiên. Nếu họ hạnh phúc thì chúng ta không có lý do gì phải lo lắng. Một cách nào đó, việc mục vụ của chúng ta phải bắt đầu bằng việc chúng ta chăm sóc các linh mục của mình. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói với một nhóm các giám mục mới thụ phong (23 tháng 9 – 2002), báo L’Osservatore Romano tường thuật rất hay. Tôi xin trích lại nguyên văn lời của Đức Thánh Cha: “Trong lễ phong chức linh mục, khi ứng viên linh mục hứa ‘tôn kính và vâng lời’ giám mục, thoạt nhìn thì có vẻ như đó là một cử chỉ một chiều. Nhưng thực ra, cử chỉ này là một cam kết của cả hai: Linh mục và Giám mục. Vị linh mục trẻ lựa chọn phó thác chính mình cho Giám mục và về phần mình, vị Giám mục thấy mình có bổn phận phải chăm sóc những bàn tay đó”.

Chúng ta không bao giờ được quên rằng các linh mục cũng là con người, họ cũng bị tổn thương và những vết thương này có thể theo họ từ hồi niên thiếu. “Giám mục phải cư xử với các linh mục của mình như một người cha và một người anh em yêu mến họ, lắng nghe họ, tiếp đón họ, sửa sai họ, nâng đỡ họ, mời gọi họ cộng tác, và bao nhiêu có thể, quan tâm đến hạnh phúc của họ về nhân bản, thiêng liêng, tác vụ và tài chánh” (Đức Gioan Phaolô II, Pastores Gregis, 2003, số 47).

Chính các giám mục chúng ta là những người “vừa bị thương vừa là thầy thuốc” (“wounded-healers”). Chúng ta cần “tự vấn lương tâm” thật nhiều mỗi ngày để xem, một cách nào đó, đến một mức độ nào đó, chúng ta có là nguyên nhân khiến các linh mục của chúng ta có những khúc mắc và thành kiến về các mối tương quan hay không. Những thái độ của chúng ta, những thành kiến của chúng ta, những cái nhìn thiên lệch của chúng ta đối với mỗi linh mục của mình có thể gây nhiều nỗi đau cho một số người trong hàng giáo sĩ của chúng ta.

Chúng ta có thể vô tình là nguyên nhân của nhiều nỗi đau và lo lắng khiến các linh mục của mình không hạnh phúc và bị tổn thương. Trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng về các “Giám mục, Tôi tớ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vì niềm hy vọng của thế giới”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã minh định như sau:

“Chức Giám mục là để phục vụ, chứ không để tìm vinh dự, và vì vậy, vị Giám mục phải cố gắng mang lại lợi ích cho những người khác hơn là hống hách ra oai với họ. Đó là lệnh truyền của Thầy Chí Thánh…. Quyền bính trong Hội Thánh có mục đích là để xây dựng Dân Thiên Chúa, chứ không phải để đánh đổ họ (2Cr 10,8). Việc xây dựng đoàn chiên của Đức Kitô trong chân lý và trong sự thánh thiện đòi vị giám mục phải có một số phẩm chất, trong đó phải kể đến một đời sống gương mẫu, khả năng thiết lập những mối tương quan đích thực và mang tính xây dựng với những người khác, một thái độ biết khích lệ và làm phát triển sự cộng tác, một tâm hồn tốt lành và nhẫn nại, một sự hiểu biết và thương cảm đối với những người đau khổ về thể xác và tinh thần, một tinh thần khoan dung và tha thứ. Điều cần thiết là phải hết sức tích cực noi theo Mẫu gương tuyệt hảo là Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành” (Pastores Gregis, 2003, số 43). ¡

Bản dịch của Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo và Lm. Giuse Bùi Văn Hoàng giáo phận Mỹ Tho


THƯ MỤC

1. John Paul II, Pastores Dabo Vobis, St. Paul’s Publication, 1992.

2. John Paul II, Pastores Gregis, Vatican City, 2003.

3. Pastoral Guide for the Diocesan Priests in Churches Dependant on the Congregation for the Evangelization of Peoples, 1989.

4. The Bishop and his ministry, Urbana University Press, Vatican City, 1998.

5. US Bishops’ Programme in Priestly Formation (Fifth Edition, 2006).

6. Hundred Fold Harvest, the Formation of Priests in Circumstances of the Present Day Asia; Second Seminar for Rectors and Spiritual Directors of Asia, FABC, 1995.

7. Pinto, Lawrence (Ed.), Clergy of Asia: Human Formation of Priests – Some Current Concerns, Mangalore, 2006.

8. Hoge, Dean R., The first five years of the Priesthood: a study of Newly Ordained Catholic Priests, Cleretian Publication, Quezon City, Philippines, 2001.

9. Cozzens, Donald B., The Changing Face of the Priesthood, Collegeville, Minnesota, Liturgical Press, 2000.

10. Clark, Keith, Being Sexual and Celibate, Ave Maria Press, Notre Dame, Indiana, 1986.

11. Pinto, Lawrence, Current Sexual Issues affecting the lives of Priests, FABC-Clergy of Asia, 2006.

12. Sperry Len, Profiling Sexual Abusers, “Human Development” Vol. 24, Spring 2003.

13. Statnic, Roger A., The Priest-to-Bishop Relationship, “Human Development” Vol. 20, Summer 1999.

14. Parappuly, Jose, Human Formation of Priests: Challenges and Psycho-Spiritual Interventions, Clergy of Asia, FABC-OC, 2006.

15. Machado, Felix, “On Spiritual Formation, a Direction for Future Priests” in Hundred Fold Harvest, FABC-OE, 1995.

16. Bernier, Paul J., “The meaning of Celibacy” in Hundred Fold Harvest, FABC-OE, 2995.


Lm. Lê Tấn Bảo và Bùi Văn Hòa (dịch)