PDA

View Full Version : Anh Em Hãy Sám Hối



Dan Lee
12-08-2007, 11:01 AM
Anh em hãy sám hối

Chúa nhật 2 mùa vọng A

Mt 3, 1-12

Cùng với Thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta đang ở trong hoang địa miền Giuđê- nơi truyền thống cho rằng Thánh nhân đã sống, rao giảng và làm phép rửa. Hình ảnh nổi bật của vị Tiền hô không chỉ bằng lời rao giảng hùng hồn thu phục nhân tâm mà còn là những lời khuyên đôi khi đanh thép nhưng chân thành.

Từ sám hối …

Thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, lời nói đầu tiên của ông chính là một lời mời gọi khẩn thiết : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Gioan Tẩy Giả chính là vị Tiền hô của Thiên Chúa. Công việc của ông không gì khác hơn là lời mời gọi, là tiếng hô vang vọng trong núi rừng Giuđê, kêu gọi con người trở về với Thiên Chúa, chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để đón chờ Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa sẽ đến.

Rõ ràng trong lời rao giảng, Gioan Tẩy Giả nhấn mạnh đến sự sám hối ăn năn. Tuy nhiên, sám hối như thế nào, áp dụng ra sao,… là điều không dễ dàng chút nào. Động từ Hy lạp metanoein để chỉ sự chuyển hướng nội tâm, trở về với Thiên Chúa. Sự trở về, sự chuyển hướng hay còn có nghĩa là thống hối, ăn năn (metanoia) không chỉ ở những hành vi bên ngoài mà còn thể hiện một sự thay đổi tận bên trong, một sự chuyển biến nội tâm. Như thế, sám hối, tức là thay đổi tận gốc rễ con người mình, trở về với Thiên Chúa từ trong sâu thẳm tâm hồn cho đến lối sống được thể hiện ra bên ngoài. Nói khác đi, sám hối chính là hành vi từ bỏ đời sống tội lỗi, từ bỏ những tính hư tật xấu để tin vào Thiên Chúa và bước theo đường lối Người.

… Đến những lời cảnh tỉnh

Nhìn vị Tiền hô của Thiên Chúa qua cung cách ăn mặc (mặc áo lông lạc đà, thắt dây da), qua cách sống (ăn châu chấu và mật ong rừng) cũng như lời rao giảng hùng hồn kêu gọi con người hãy trở về với Thiên Chúa, khiến cho không ít người có ấn tượng khá mạnh mẽ về ông. Vâng, Gioan Tẩy Giả không chỉ rao giảng bằng lời mà còn thể hiện qua lối sống khổ hạnh, tiết chế. Chính vì thế, khi nghe ông rao giảng, từ khắp nơi, người ta kéo đến với ông để thú tội, để chịu phép rửa, để xin ông một lời khuyên cho đời sống của họ. Đến đây, chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả còn là một vị lương y về tâm linh tài ba khi ông “chẩn đoán và bốc thuốc” chính xác cho từng con bệnh. Ông mạnh mẽ lên án những người Pharisêu và Sađốc; ông không ngần ngại gọi họ là “nòi rắn độc chạy trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”; nhưng đồng thời, ông cũng nhẹ nhàng ân cần khuyên họ “hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối”.

Ông cảnh báo họ về lòng tự phụ, tự mãn vốn cho mình là con cháu Ápraham, thì đương nhiên được Thiên Chúa cứu độ. Ông báo cho họ biết rằng trước mặt Thiên Chúa, họ chẳng có chút giá trị gì. Bởi từ những hòn đá vô hồn kia, Thiên Chúa có thể làm nên “con cái Ápraham”. Ông nhắc nhớ họ, điều trọng yếu không phải là dựa vào thế giá của ông này bà nọ, nhưng hãy dựa vào Thiên Chúa bằng cách trở về nẻo chính đường ngay.

Yếu tố thời gian với sự hối hả thúc giục vì “Nước Trời gần đến”, cũng chính là điều mà Gioan Tẩy Giả muốn nhắc nhở mọi người. Hình ảnh “chiếc rìu đặt sẵn gốc cây”, cũng như hình ảnh về “cái nia của người rê lúa trong sân” cho thấy sự cần thiết, sự gấp rút của thời gian khiến cho con người phải cải thiện đời sống, uốn nắn, chỉnh sửa lại những chỗ lồi lõm, u tối trong tâm hồn, hầu tránh được những điều đáng tiếc có thể xảy đến. “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả không chỉ gửi đến cho dân chúng miền Giuđê mà còn gửi đến cho tất cả chúng ta.

Và như thế, Mùa Vọng chỉ thật sự có ý nghĩa khi mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, lắng nghe giáo huấn của Giáo hội để từ đó dọi chiếu vào mọi ngõ ngách của tâm hồn, của cuộc sống hầu có thể uốn nắn, chấn chỉnh và hoàn thiện để trọn tâm hồn và đời sống chúng ta luôn ở trong tư thế sẵn sàng, không gì đáng trách trong ngày Thiên Chúa Giáng lâm.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb