PDA

View Full Version : Đâu rồi ý nghĩa Mùa Giáng Sinh!



Dan Lee
12-07-2007, 06:09 PM
ĐÂU RỒI Ý NGHĨA MÙA GIÁNG SINH

- Này, làm gì mà cứ mang cái bộ mặt thứ Sáu Tuần Thánh vậy, làm như Chúa sắp chết vậy ông? Chúa sắp giáng sanh, chứ sắp "die" đâu ông rầu rĩ thế. Chúa trên thánh giá mà nhìn cái bộ mặt của ông lúc này, chắc Chúa cũng rơi nước mắt quá.

Ông bạn lè nhè, giơ cái hàm răng ám khói, tay chìa chai bia đòi cụng thêm.

Ừ nhỉ, đã từ lâu, tôi bỗng dưng ơ hờ với cái mùa giáng sinh. Tôi không nhớ lần cuối cùng mình gởi thiệp giáng sinh là lần nào, cho ai? Và cũng không mấy ai gởi thiệp cho tôi. Điều đó cũng dễ hiểu, mình có gởi cho ai đâu mà mong người ta gởi cho mình. Mà thú thật, tôi cũng không mong người khác gởi cho mình lắm. Tốn giấy? Phí thời gian? Chẳng ý nghĩa gì? Thủ tục quá? Cánh thiệp này gởi đi, cách thiệp khác gởi về? Đâu phải cứ đợi tới mùa giáng sinh mình mới nhớ tới người ta.



À, mà còn cây noel nữa, đừng nói là bạn mua cây noel nhựa plastic nhé, cái thứ recycled xmas tree đó ai mà chơi, dỏm thế. Dân sành điệu phải mua một cây noel thật. Không thì chặt một nhánh từ cây thông thật nào đó. Dĩ nhiên là phải tốn tiền hơn rồi. Có lần trong giáo xứ, đang chẩn bị cây noel trong nhà thờ, bỗng có một bạn trẻ có lẽ là thành viên trong nhóm green, môi trường xanh nào đó đến phàn nàn, sao giáo xứ không làm gương bảo vệ môi sinh? Phá huỷ môi sinh là có tội đấy. "Thank you, your concern has been noticed, cám ơn bạn nhé, tôi ghi nhận sự quan tâm của bạn". Nhưng, cũng không phải là vì sự quan tâm môi sinh mà tôi không cảm được cái niềm vui chung của thiên hạ. Tôi bị hội chứng giáng sinh, xmas syndrome?

Có một dạo, cũng lâu lắm rồi, năm một ngàn chín trăm hồi xưa nào đó, tôi cũng không nhớ lắm. Cầm ít tiền trên tay, tôi lang thang rảo hết tầng lầu một cho đến tầng lầu mười lăm của siêu thị. Dự tính mua một cái gì đó làm quà giáng sinh, nhưng rốt cuộc tôi trở về, với số tiền trong túi nguyễn y vân (vẫn y nguyên)! Không mua được cái gì cả. Mua cho ai? để làm gi? Thật sự tôi cũng không rõ lắm. Phải chăng tôi đang bị mắc phải hội chứng đám đông? Làm theo đám đông, mua cho có với người ta? Mình phải giống người ta, không giống hổng được.

Nhiều khi tôi cũng mang mặc cảm guilty vì không hoà đồng với ‘quần chúng’ trong ngày vui của nhân loại. Sao vậy cà? Nhìn cảnh thiên hạ làm thêm giờ để kiếm tiền mua sắm, rồi lại khổ sở nát óc tính toán mua cái gì đây? Không biết là người nhận sẽ vừa ý không? Hay là nhận xong bỏ vào một xó vì không cần đến. Tôi hỏi những người quen họ có enjoy thích thú shopping mùa giáng sinh không? Ít ai trả lời có lắm, chỉ nhức đầu mệt mỏi thêm. Toàn là những tiếng thở dài ngao ngán. Mua quà, gởi thiệp như là thủ tục phải làm, không làm không được. Sao lại tự hành hạ mình vậy trời, tôi tự hỏi.

Tôi vẫn yêu mến những kỷ niệm mùa giáng sinh thời thơ ấu. Tuy nghèo khố rách áo ôm, nhưng ấm tình người. Những mùa giáng sinh đầy tình người, thánh thiện đơn sơ, người ta vui vẻ mà không tốn kém tiền bạc, không mệt mỏi với những âu lo mua sắm. Thời đó mấy ai có tiền đâu mà mua với sắm, nhìn quanh ai cũng nghèo như ai thôi. Phải chăng vì nghèo khó nên người ta mừng giáng sinh với cái tâm nhiều hơn bề ngoài? Đám con nít chúng tôi, lăng xăng chạy tới chạy lui. Nào là tập hát, múa, kịch, làm hang đá, tập dợt lễ, trang trí, chuẩn bị văn nghệ…. Cái niềm vui là ở chỗ chuẩn bị. Cái thú chuẩn bị mới là hào hứng. Cũng như Tết vậy, cái thú là ở chỗ người ta chuẩn bị. Cái không khí của sự háo hức, sự chờ đợi một cái gì đó. Trẻ em thời trước tìm niềm vui trong những thú vui bình dị không tốn kém. Thế hệ con nít ngày nay, người ta gọi là thế hệ @, thế hệ email sanh sau năm 1980 (E-Gen) hình như không còn biết thưởng thức những cái thú vui đơn sơ không tốn kém đó. Trẻ em thời trước tự tay làm đồ chơi, tuy không xịn lắm, nhưng quí và gìn giữ những gì do công sức mình làm ra. Đồ chơi cho trẻ em thời fast food này hiện đại lắm, toàn là điện tử mua ở shop về. Không tốn công sức làm, chỉ tốn tiền. Chơi không bao lâu là hỏng, rồi vào sọt rác. Tốn kém quá. Ủa, sao tôi lại lạc đề vậy nè, trở lại đề tài giáng sinh đi, dừng lãng nhách nữa ông ơi. Rõ lẩm cẩm rồi...

Theo lịch phụng vụ giáo hội, chúng ta đang ở trong mùa vọng. Có nghĩa là chưa tới giáng sinh. Nhưng nhìn quanh, ở nơi công cộng, phố xá, cảnh buôn bán làm cho ta có cái cảm giác giáng sinh đã đến rồi. Những cây noel lấp lánh ánh đèn, lủng lẳng những gói quà tượng trưng, rồi là những cảnh tuyết rơi giả tạo làm như lạnh lẽo cho hợp với cái cảnh “đêm đông lạnh lẽo Chúa sanh ra đời…”. Ở cái xứ Úc thòi lòi mùa giáng sinh nóng chảy mở thiên hạ đến nhà thờ mặc quần short, coi không hợp cảnh chút nào. Vừa qua, nghe nói chị em xứ kangaroo ta cũng nộp đơn xin làm ông già noel ở những nơi shopping, nhưng lại bị từ chối, vì không thuộc giống đàn ông. Đã là ông già noel thì phải là giống đực mới được. Các chị em nhà mình đâu chịu thua. Cái thời buổi văn minh tấn bộ bình đẳng mà còn kỳ thị phái tính, hổng được đâu à. Trùm bộ đồ vía ông già noel vào thì giống đực giống cái gì cũng vậy thôi. Thế là chị em nhà ta đâm đơn kiện với lý do là kỳ thị phái tính trên nguyên tắc bình đẳng công ăn việc làm, equal job opportunity.

Ở cái thời văn minh tấn bộ, thiên hạ đều lên xế nổ, còn tôi thì cứ xế đạp chạy quanh thành phố Saigon. Saigon tháng 12 cũng còn nóng lắm, chạy xe đạp một hồi là vã mồ hôi rồi. Dừng chân nhìn vào bên trong những building tráng lệ, tôi lại thấy mấy cái thứ tuyết snow giả tạo bay phất phơ. Những con tuần lộc với ông già noel ngồi chễm chệ trên chiếc sledge trượt băng. Rồi một ông già noel ngồi đó cho trẻ em và cả người lớn nữa xúm nhau chụp hình. Cũng may là bên trong building có máy lạnh điều hoà, không thì làm cái job ông già noel cũng khổ lắm. Những bài hát phát ra từ những chiếc loa với chủ đề giáng sinh. Những tấm biển quảng cáo đại hạ giá nhân mùa giáng sinh để khuyến khích người mua, shop until you drop! Những cảnh đó thuần tuý thương mại, chẳng mang một ý nghĩa giáng sinh đích thật nào cả.

Một lý do khác làm tôi lâu nay hờ hững với mùa giáng sinh. Mùa giáng sinh là mùa người ta cảm thấy cô đơn nhất. Cũng như bao nhiêu người sống xa gia đình, cảm giác đó không có gì lạ. Ở Úc, mùa giáng sinh là mùa có con số tự tử cao nhất. Chính phủ mở ra đường dây điện thoại miễn phí, lifeline 24/24 giờ (1311 14), mục đích là tư vấn counseling cho những ai cảm thấy chán đời muốn về bên kia thế giới ‘Loài người ơi! Ta xin chào mi’. Theo các nhân viên thiện nguyện làm việc ở đó, giữa tháng 12 là bận rộn nhất. Tôi nghĩ tình cảnh đó ở các nước phương Tây cũng không ngoại lệ. Những người neo đơn tứ cố vô thân, sống lây lất, lấy vỉa hè làm nhà, cái cảm giác chứng kiến thiên hạ vô tư mua sắm, sum họp vui vẻ, còn mình thì không nơi chốn để gọi là tổ ấm family, mình không có belong. Cái cảm giác cô đơn cùng cực đó đưa đẩy nhiều người đến cảnh hết sức tuyệt vọng. Cảm giác là cảm giác, lý trí sao mà hiểu nổi.

Một hội chứng nghịch lý của giáng sinh mà nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ, sợ là béo phì, lên ký! Do ăn uống nhiều, hoạt động ít trong mùa xmas holiday, nên cái kim chỉ số cứ tăng vùn vụt, nhìn thấy mà phát ớn! Bên Úc, ngày 26/12 thường được gọi là Boxing Day. Tại sao gọi là Boxing Day thì vẫn là anyone’s guess, ai đoán cũng đúng, vì không ai biết rõ cái sự tích của Boxing Day từ đâu mà ra. Có người nói có lẽ vì ngày 26 là ngày người ta bắt đầu mở những hộp quà giáng sinh nên gọi là Boxing. Cũng có ý kiến cho là, trong mấy ngày trước noel, thiên hạ ăn uống nhiều quá, nên để giảm cân, người ta giành ra ngày 26 đi đấm box để giảm cân. Dân Úc vốn ưa chuộng cái môn boxing mà.

Giáng sinh tuy chưa đến nhưng đã và đang bị thương mại hoá. Giáng sinh đang gần như chỉ còn đồng nghĩa với mua sắp, tiêu xài, ăn uống. Ý nghĩa giáng sinh đang bị hijacked, bị làm con tin bởi những quay cuồng của thế giới thương mại. Ngày 24-25 tháng 12 rồi cũng sẽ đến, trong nhà thờ, người Công giáo bắt đầu mừng giáng sinh. Lúc đó mới thật sự là ngày giáng sinh. Nhưng, bạn ra phố mà coi. Giáng sinh đã hết rồi, finished! Những chủ đề giáng sinh đang bị tháo bỏ xuồng. Cơ hội kiếm tiền nhân dịp giáng sinh của thế giới thương mại qua rồi. Trong khi đó, trong nhà thờ mùa phụng vụ giáng sinh mới thật sự bắt đầu.

Nảy giờ bạn đọc nghe tôi ca cẩm tiêu cực về giáng sinh. Chắc có bạn cho rằng ông cụ đạo này lạc đạo mất. Mùa giáng sinh gì mà nghe ổng nói toàn chuyện bi quan. Đừng làm thiên hạ cụt hứng chứ. Bạn đọc thông cảm, tôi ca cẩm lòng thòng một chút để rồi xin ‘túm lại’ như sau.

Mùa giáng sinh trong cái thế giới quay cuồng vật chất ngày nay, không những không mất đi ý nghĩa, trái lại, giáng sinh còn là một thách đố lớn lao trong thế giới hiện đại văn minh bị phân hoá quá nhiều giữa người giàu và người nghèo. Cái thế giới toàn cầu hoá mà ‘kẻ ăn không hết, người lần không ra’. Nếu ta đặt giáng sinh vào đúng ý nghĩa nguyên thuỷ của nó. Giáng sinh là ngày sinh nhật, ngày Chúa xuống thế sanh làm người, đế chia sẻ thân phận con người trong cảnh nghèo khó khăn. Vì thế giáng sinh phải mang một ý nghĩa tâm linh. Thiên Chúa chia sẻ thân phân con người, mời gọi con người cũng thế mà hãy chia sẻ với nhau. Gạt bỏ đi cái chiều kích tâm linh đó, giáng sinh chỉ còn là một thứ thương mại rỗng toét. Một cái xác không hồn.

Tôi nhớ Đức cha địa phận Kumtom Michael Hoàng Đức Oanh trong một bài giảng lễ truyền chức, ngài nói chúng ta phải đồng hoá mình với một Thiên Chúa sanh ngoài đồng, sống ngoài đường, và chết ngoài đồi. Quả là một ý tưởng đơn sơ, nhưng nhiều gợi hứng cho chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của mùa giáng sinh nguyên thuỷ.

Giáng sinh đầu tiên, những kẻ đầu tiên đón nhận tin vui con Thiên Chúa làm người không phải là những nhà thông thái uyên bác, giàu sang phú quí, mà là những mục đồng cùng đinh, những kẻ sống lây lất bên lề xã hội. Họ là những người đầu tiên đến chiêm ngắm Chúa Hài đồng. Nếu hơn một nữa đa số dân chúng trong thế giới ngày nay sống cảnh khó nghèo, với những kẻ màn trời chiếu đất, lấy vỉa hè đường sá làm nơi dung thân, có lẽ ta cũng nên tìm thấy gương mặt của một Giêsu hài đồng ở một góc xó vỉa hè nào đó hơn là trong nhưng khu siêu thị nguy nga tráng lệ. Chúng ta cần phải tái khám phá cái ý nghĩa nguyên thuỷ của mùa giáng sinh, nếu không giáng sinh chỉ là sự kiện đã bị thế tục hoá, không còn mang ý nghĩa tâm linh. Không mang lại niềm vui nội tâm.

Mùa giáng sinh phải là mùa an bình, chứ không phải mùa mệt mỏi vì những lo âu toan tính, làm thêm giờ kiếm tiền để mua sắm, để rồi mệt mỏi tâm trí với những thứ chỉ mang lại niềm vui chóng qua. Tôi cũng tự cho mình một quyết tâm nhân mùa vọng, chuẩn bị cho mình một mùa giáng sinh mang ý nghĩa tâm linh, mùa của “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

quangdphan@yahoo.com
Lm. Phan Đình Quang, SVD