PDA

View Full Version : Chúng tôi đi về thiên đàng đây



Dan Lee
11-20-2007, 10:10 PM
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (07)


“Chúng tôi đi về thiên đàng đây”

1. Tử đạo là thế đó :

Nếu trong ngày lễ Các Thánh nam Nữ, sách Khải huyền đã xác định rằng : các thánh đó là “những người từ đau khổ lớn lao mà đến và đã giặt áo mình trong Máu Con Chiên”, thì hôm nay, lễ Các Thánh Tử đạo Việt nam, Phụng vụ mượn Lời của sách Khôn Ngoan để trình bày chân dung của các Thánh Tử Đạo một cách đầy đủ và thâm thúy : “Linh hồn người công chính ở trong tay Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa…Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu…Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Ngươi….”

Và nếu chưa đầy đủ thì chúng ta hãy nhớ lại lời của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma trong BĐ 2, như một chứng từ rõ nét về thân phận của những người quyết chọn Chúa Giêsu làm tình yêu tuyệt đối đến độ mọi thực tại khác trở thành nhỏ rức : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh”.

Nhưng liệu những lời Kinh Thánh của Phụng Vụ đó, có thật sự “tương thích” với cuộc đời và lời chứng của 117 anh hùng tử đạo của Việt nam chúng ta chăng ?

Để trả lời cho vấn nạn đó, không gì bằng chúng ta thử tìm về đôi chứng từ của các Cha ông anh hùng được mừng kính hôm nay :

- Thánh Phêrô Cao đã tâm nguyện : “Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Ki-tô, được đón nhận ngành lá tử đạo về tới bến thiên đàng”

- Thánh Phêrô Quí với những dòng thơ gởi cho mẹ hiền :

“Dù trăng trói, gông cùm tù rạc

Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề

Miễn vui lòng cam chịu một bề

Cho trọn đạo trung thần hiếu tử”

- Thánh Phaolô Tịnh can đảm thưa với quan án : “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”

- Thánh Phaolô Khoan đã hát lên lời nguyện hiến tế cuộc đời : “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là Chúa Cả trời đất, chúng con xin dâng mạng sống cho Ngài”

- Thánh Anrê Kim Thông : “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo”.

Có khác không cái chết của các Thánh Tử Đạo với bao cái chết của các bậc anh hùng thế tục khi thất thế sa cơ? Thưa có đấy. Cái chết của những vị nầy tuy can đảm đó, anh hùng đó, nhưng tận thâm tâm vẫn pha lẫn một chút hận thù, một chút cay cú, một chút hờn căm như kiểu anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, trước khi bị xử bắn đã hô to “đã đảo đế quốc Mỹ...” hay như Chu Thần Cao Bá Quát khi sắp bị chém đầu đã để lại câu đối mang đầy uất hận :

Ba hồi trống giục mồ cha kiếp

Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời

Trái lại, Các Thánh Tử Đạo của chúng ta đã đón nhận chén đắng theo mẫu gương của Thầy Chí Thánh Giêsu trong tình yêu phó thác, trong tha thứ khoan dung, trong bình an thanh thản, trong vui tươi đón nhận như lời chứng của Thánh Giám Mục Phêrô DUMOULIN-BORIE Cao [1] :

Khi viên quan vừa đọc xong bản án tử hình ngài nói : "Thưa quan, từ bé đến nay tôi chưa lạy ai, vì bên Âu châu đó là hành vi kính trọng chỉ dành cho Đấng Tối Cao. Nhưng điều tôi vừa nghe làm tôi quá vui mừng, xin được bày tỏ lòng tri ân của tôi theo lối Đông Phương". Rồi ngài quỳ xuống định lạy, nhưng viên quan đã kịp thời ngăn cản lại.

2. Những cánh sen giữa đời thường :

Nhưng, để viết đời mình thành chứng từ sống động cho Tin Mừng Phục Sinh, để biến cuộc sống trở thành hy lễ, 117 Vị Thánh Tử đạo được kính tôn trên bàn thờ Giáo Hội hôm nay là những ai thế ?

Thưa đó là :

- Những người nông dân thật thà chân chất : như Thánh Lô-ren-sô Ngôn, Đa-Minh Ninh, An-rê Tường, Đa-Minh Nhi…

- Những anh dân chài trên sông nước bềnh bồng : như Thánh Đinh văn Dũng, Đinh văn Thuần, Đa-Minh Toại, Đa-Minh Huyên

- Hoặc là một chàng thợ mộc nghèo nàn, đơn bạc : như Thánh Phêrô Đa.

- Họ cũng chỉ là những giáo dân rất bình thường, sống mộc mạc giản đơn, thực hành kinh bổn nơi xóm đạo nhà quê, hay lo lắng việc nhà Chúa với chức danh Trùm họ, Câu xứ : như Giuse Túc, Phaolô Hạnh, An-rê Kim Thông, Nguyễn Văn lựu.

- Đặc biệt trong số nầy có cả một người đàn bà, một người vợ đảm đang, một người mẹ hiền lành đạo đức trong một gia đình với 6 mặt con : Nữ Thánh Anê Lê Thị Thành.

- Cũng có cả những người từng là “bộ đội” của triều đình, sống cuộc đời lính : Thánh Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể…

- Dĩ nhiên làm sao thiếu được những gương mặt sáng ngời của các Vị Mục Tử chăn dắt đoàn chiên : đó là các Thánh Giám Mục như Stê-pha-nô Thể, Va-len-ti-nô O-choa, Linh mục An-rê Dũng Lạc, Lê Bảo Tịnh, Nguyễn Bá Tuần…

- Có cả những chàng thanh niên tuổi đời đầy mộng ước như chủng sinh Tôma thiện nhưng cũng có cả những vị quan uy quyền nơi cung đình như Thánh Hồ Đình Hy…

Họ khác nhau về giới lớp, về thân phận xã hội, về trình độ tri thức, về chức vụ giữa cộng đoàn...nhưng họ đều giống nhau : thuộc trọn về Chúa Kitô và coi cái chết nhẹ như lông hồng, bởi chưng họ đều xác tin về cuộc phục sinh vinh thắng ở bên kia ngưỡng cửa sự chết như chứng từ sau đây :

Thầy Mậu đại diện cho anh em nói với quan : "Thưa quan, chúng tôi mong ước tìm về bên Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy". Ông Án Khảm vui vẻ nói với mọi người : "Cha con chúng tôi hôm nay vào nước Thiên Đàng đây". Linh mục Hạnh cũng tươi tĩnh đi chào mọi người : "Anh em ở lại nhé ! Chúng tôi đi về Thiên Đàng đây". Ông Cỏn thấy người anh em sụi sùi nước mắt, ông nói : "Sao anh lại khóc, lẽ ra phải mừng cho tôi chứ ?".

3. Tỉnh táo trước những cơn bách hại hôm nay :

Ngay từ đầu, chúng ta đã khẳng định với nhau rằng : Tử đạo là một hồng ân. Nếu không có ơn Chúa, không ai có thể vỗ ngực tự mình đứng vững trước bao cực hình thảm khốc. Trong cuộc bách hại khủng khiếp suốt gần 200 năm, giữa hàng ngủ giáo dân Việt nam đã có không ít người “đạp qua thánh giá”, “chối từ phẩm chức Kitô hữu”, “chối Chúa, bỏ đạo”. Tuy nhiên, đừng vội trách cứ những anh chị em yếu đuối đó. Bởi chưng, giữa thế giới văn minh, tiện nghi, việc đạo được tự do thoải mái, e rằng đang có rất nhiều người trong chúng ta “đạp lên Thánh giá”, chối bỏ đức tin, phản bội Giáo Hội...mà vẫn không hay.

Đó là khi chúng ta sống ích kỷ nhỏ nhen không bao giờ biết cho đi và phục vụ.

Đó là khi chúng ta tìm kiếm bạc tiền và chức quyền danh vọng bằng mọi thủ đoạn bất lương.

Đó là khi chúng ta yếu nhược trước những bất công và lãnh đạm thờ ơ trước những khổ đau nghèo đói của anh chị em đồng loại.

Đó là khi chúng ta vứt bỏ lời thề ước của hôn nhân để tự do luyến ái ngoại tình.

Đó là khi những người mẹ giết con bằng hành vi phá thai, nạo thai.

Đó là khi những thanh niên nam nữ vứt bỏ các nguyên tắc luân lý của hôn nhân, tính dục, vứt bỏ đức trong sạch, nết na, để yêu cuồng sống vội, đam mê buông thả.

Đó là khi chúng ta coi trọng những cuộc nhậu nhẹt say sưa, những mánh mung lợi nhuận hơn là những cuộc họp mừng Chúa Nhật.

Đó là khi chúng ta chia rẽ, hận thù và phá đỗ mối giây hiệp nhất, hiệp thông trong cộng đoàn.

Thời nào cũng có bách hại, cũng có những bạo chúa Nêrô, Minh Mạng, Tự Đức. Nhất là thời nào cũng đầy những cạm bẫy, những cám dỗ, những mua chuộc, những dối gạt phĩnh phờ...Chính vì thế, hãy luôn khiêm hạ và tỉnh thức, hãy nhiệt tình và quảng đại, hãy cầu nguyện và hy sinh.

Chính vì thế, mừng kính các Thánh Tử Đạo hôm nay cũng là một lời đoan hứa mới, một quyết tâm mới trước Anh Linh Tiên Tổ : quyết tâm “Làm Kitô Hữu cho đến chết” như lời xác quyết của Thánh Phaolô Hạnh, một Kitô hữu sẵn sàng thuộc về Đức Kitô và Tin Mừng trên mọi nẽo đường cuộc sống; một kitô hữu can đảm thực thi những lời dạy Phúc Âm, những việc đạo đức hằng ngày, những bổn phận trong gia đình, những ứng xử khoan dung, yêu thương và tha thứ.

Nói cách khác, cử hành mầu nhiệm Tử đạo cũng có nghĩa là quyết tâm sống “chiều kích tử đạo” trong giây phút hiện tại của đời thường; hay, biến cuộc sống hôm nay trở thành cuộc hành hương tiến về thiên quốc, như kiểu nói của Thánh linh mục Hạnh : "Anh em ở lại nhé ! Chúng tôi đi về Thiên Đàng đây".
LM.Giuse Trương Đình Hiền