PDA

View Full Version : Sống đạo hôm nay: Chúa muốn chúng ta nên thánh



Dan Lee
11-19-2007, 04:46 PM
SỐNG ĐẠO HÔM NAY: CHÚA MUỐN CHÚNG TA NÊN THÁNH


Cha cố Đỗ Minh Trí đã có lần giảng: “Chúng ta cần chú ý đến tình trạng thánh thiện của chúng ta thay vì đến hành động của chúng ta (The quality of our action depends on the quality of our being)" và cha nêu thí dụ của bà thánh Teresa Hài Đồâng Giêsu ở Lisieux là người nên thánh mà không làm nhiều việc bên ngoài. Đức Mẹ cũng thế, trong thời gian ngài còn sống, ngài không làm phép lạ, không đi rao giảng Tin Mừng, cũng không làm nên một công việc lớn lao nào ngoài việc sinh hạ Chúa Giêsu. Vậy mà người lại là Nữ Vương các Tông Đồ. Người đã được Chúa Cha chuẩn bị kỹ lưỡng nghĩa là được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ nguyên tội để ban Đức Chúa Giêsu cho thế gian. Mẹ là người, nhưng rất thánh, đầy ơn Chúa, rất trong sạch, xinh đẹp, xứng đáng làm Mẹ của Thiên Chúa.

Chúa cũng muốn con người của chúng ta trở nên thánh, chứ không phải làm nhiều việc bên ngoài. Kế hoạch của Chúa về con người chúng ta theo Cộng Đồng Vatican II (Lumen Gentium 39) là "tất cả mọi người trong Giáo Hội đều được kêu gọi để nên thánh, như lời thánh tông đồ dậy: vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa."

Đây là kế hoạch của Chúa về con người chúng ta! Còn lý tưởng của chúng ta thì sao?

1. Nên thánh có được thấm nhuần trong tư tưởng mình không? Có phải lý tưởng đời sống của mình không?

a. Đời sống hoạt động bên ngoài phải bắt đầu và chấïm dứt từ đời sống nội tâm.

Có rất nhiều hoạt động được tổ chức dưới bề mặt của sự thánh thiện, nhưng lại có mục đích chính là đạt được sự ngợi khen của thế gian, và sự nổi danh vì một khả năng đặc biệt. Những người khởi sướng ra những hoạt động này sẽ quyết chí đạt được sự thành công bất kể đến cái giá phải trả, và có thể dùng cả những phương tiện không thể nào chứng minh nổùi.

Có những hoạt động khác có mục đích tốt, cứu cánh và phương tiện cũng không có chỗ chê, nhưng vì người đứng ra tổ chức chỉ có một chút đức tin lung lay vào quyền năng của đời sống thiêng liêng, kết quả, dù có cố gắng cách mấy, cũng hầu như là vô ích.

Linh mục Đom Jean Baptiste Chautard trong cuốn "Linh Hồn của người Tông Đồ" đã viết, "Tôi đã thấy rõ ràng rằng bất cứ công việc nào chỉ được xây dựng trên nền tảng của con người sẽ đi đến chỗ xụp đổ, và chỉ có những việc nhắm vào sự đem mọi người đến gần Chúa hơn bằng đời sống nội tâm mới được Chúa chúcï làïnh."

b. Đời Sống Hoạt Động và Đời Sống Nội Tâm hoàn toàn phụ thuộc vào nhau.

Cũng như tình yêu Chúa được thể hiện bằng những hành động của đời sống nội tâm, tình yêu tha nhận được thể hiện bằng các hoạt động của đời sống bên ngoài, và do đó tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhận không thể nào phân tách được, và hai hình thức của đời sống này không thể nào hiện hữu một mình. Hai đời sống ấy phụ thuộc vào nhau, hòa nhập với nhau và bổ túc cho nhau.

Thánh Bernard là vì thánh chiêm niệm nhiều nhất những đồng thời cũng là người hoạt động nhất vào thời đại của ngài. Có người đã viết về ngài như sau, "Sự chiêm niệm và hoạt động nơi thánh Bernard hòa hợp với nhau khiến cho ngài có vẻ như cùng một lúc hoàn toàn chăm chú vào công việc bên ngoài, nhưng lại hoàn toàn bị thu hút trong sự hiện diện và tình yêu Thiên Chúa."

Linh mục Saint-Jure mô tả sự liên hệ của hai đời sống ấy như sau: "Trái tim biểu hiệu cho đời sống nội tâm hay đời sống chiêm niệm, cánh tay biểu hiệu cho đời sống hoạt động hay đời sống bên ngoài. Trái tim không ngừng đập suốt ngày đêm. Nếu bộ phận này chỉ ngưng đập một thời gian ngắn thì con người sẽ chết. Tuy nhiên cánh tay, là một bộ phận của cơ thể, chỉ thỉnh thoảng mới cử động. Và do đó đôi khi chúng ta phải tìm một chút nghỉ ngơi trong công việc bận rộn bên ngoài, nhưng không bao giờ được lơ là trong sự chú tâm đến những việc thiêng liêng. Trái tim đem cho cánh tay sức mạnh nhờ máu được tim đưa tới, nếu không cánh tay sẽ chết. Cùng một cách nói, đời sống nội tâm, đời sống kết hợp với Chúa, nhờ vào ánh sáng và sự kết hợp thường trực của linh hồn với Chúa, đem lại sức sống cho các hoạt động bên ngoài của chúng ta."

Do đó nên thánh phải được thấm nhuần trong tư tưởng của chúng ta thường xuyên. Nên thánh phải là lý tưởng của đời sống chúng ta vì nếu không có một đời sống thánh thiện, mọi nỗ lực ngoài đời của chúng ta sẽ bất toàn và vô ích.

Câu hỏi sau đây mà cha Trí đặt ra đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều, "Có khi nào các bạn cầu xin Chúa giúp các bạn nên thánh không? Các bạn có dành ưu tiên cho việc nên thánh, lớn lên trong sự hiệp nhất với Đức Kitô, hay lao mình vào sinh hoạt bên ngoài?"

Tôi nhớ lại thời gian từ năm 1976 đến 1982, đây là gián đoạn mà tôi hăng say làm các việc bên ngoài để tổ chức các lớp tiếng Việt, các hoạt động gây qũy, các công tác sửa sang, tu bổ, và xây cất thánh đường. Tôi làm tất cả các việc này hùng hục, vì thấy có nhu cầu, nhưng trong suốt thời gian này tôi không có một đời sống nội tâm. Tôi đi lễ, chịu lễ, xứng tộâi như một cái máy. Tôi không đọc kinh hàng ngày, không có phút hồi tâm, không tâm sự với Chúa. Tôi cũng không rờ đến chuỗi tràng hạt. Đời sống nội tâm của tôi khô khan như cái cây khô héo. Tôi làm việc chỉ nhằm hoàn tất mục tiêu bất kể đến những sự bất hòa và trái ý. Tôi cũng đánh giá thành quả của công việc bằng những con số (số người tham dự, số tiền thâu được). Tôi thúc đẩy và lôi kéo mọi người quanh tôi cũng làm việc như tôi. Ai không hưởng ứng và không chấp nhận ý kiến của tôi là tôi gây gổ. Cái "tôi" của tôi đã trở nên cứu cánh và mọi hoạt động chỉ là phương tiện để cho tôi được tự mãn là đã đề xướng và giúp đỡ cho những việc vĩ đại được hoàn thành. Tôi chỉ tin tưởng vào bàn tay và trị óc của tôi, thay vì cầu xin sự giúp đỡ của Chúa. Tôi không bao giờ nghĩ đến việc nên thánh và cũng không cầu xin Chúa giúp cho tôi được nên thánh. Do đó dĩ nhiên việc nên thánh và lớn lên trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô không phải là ưu tiên của đời sống tôi. Tôi đã hoàn toàn lao mình vào đời sống bên ngoài và để cho con tim tức là đời sống nội tâm của tôi khô héo và chai đá. Tôi không thể cầu nguyện vì buổi tối quá mệt mỏi, hễ cứ lên giường là tôi lăn ra ngủ.

May mắn cho tôi là cha xứ của tôi lúc bây giờ là đã nói với các bạn của tôi rằng, "Nếu anh ấy mà đi tĩnh tâm thì tốt biết mấy?" Cha đã khuyên tôi đi cấm phòng hai ba lần mà tôi từ chối vì lý do có quá nhiều công việc phải làm. Cuối cùng vào năm 1983 cha đã đích thân đến nhà và chở hai vợ chồng tôi đến núi Bryce để dự một khóa cấm phòng. Tôi đã bị Chúa "Zap" cho tơi bời hoa lá. Khi tôi xuống núi để trở về đờïi tôi đã trở thành một con người mới. Từ đó đến nay đã trên hai mươi năm tới biết cầu nguyện, biết chú ý đến đời sống nội tâm, biết bỏ mình, đẹp bớt cái "tôi", dằn tình nóng nảy, tôn trọng ý kiến của mọi người. Từï đó tôi tìm được sự bình an tương đối. Con người tôi tuy thế vẫn còn nhiều sân si. Khi tôi nóng nảy tôi cũng vẫn làm những việc thiếu suy nghĩ, gây bấùt hòa chia rẽ. Nhưng rồi tôi cầu nguyện, hồi tâïm và tôi biết mình sai trái. Tôi xin lỗi và làm hòa với những người tôi đã làm phật lòng.

Tôi đã dạy giáo lý các lớp 10, 11, và 12. Trong năm năm, vợ chồng tôi đã theo học các lớp Thánh Kinh được tổ chức hàng tuần tại giáo xứ Nữ Vương Việt Nam Maryland. Vợ chồng tôi cũng theo học các lớp thần học tại Washington Theological Union. Nhờ học hỏi nhiều hơn về Kinh Thánh và thần học, chúng tôi hiểu biết Chúa nhiều hơn và yêu Chúa nhiều hơn.

Cách đây năm năm, vợ chồng tôi được làm quen với kinh thầân vụ. Rồi chúng tôi được học hỏi về linh đạo của Thánh Đa Minh và chúng tôi gia nhập Dòng Ba. Từ đó với sự hướng dẫn và dạy giáo lý và Kinh Thánh của cha tuyên uý và việc đọc kinh thần vụ hàng ngày, chúng tôi đã chú ý đến việc sống đạo đứng đắn hơn.

Tạ ơn Chúa đã hướng dẫn và dìu dắt chúng tôi từng bước. Nhờ đó mà trong những năm gần đây tôi đã về hưu và chuyên tâm vào việc giúp đỡ các cha trong nhiều công tác của giáo xứ. Tôi đã thay đổi rất nhiều và trưởng thành hơn trong đời sống nội tâm. Tôi biết khiêm nhường hơn và đối xử với mọi người dễ thương hơn. Tôi ân hận vì trong qúa khứ tôi đã quá kiêu ngạo và làm cho nhiều người khó chịu.

2. Nên thánh có liên hệ gì đến sự an lạc, đến hạnh phúc gia đình, đến các cơ quan xãù hội và các cơ quan chính phủ không?

Tôi xin chia sẻ tiếp kinh nghiệm của tôi về câu hỏi này. Trước đây, khi còn làm việc tại các trường trung học, tôi luôn luôn gây gổ với các bạn đồng môn với tôi là các nhà giáo. Tôi không chấp nhận sự thiếu sót hay các khuyết điểm của những người làm việc với tôi. Tôi hục hặc với một người chỉ vì họ làm biếng và cứ đùn việc cho tôi làm. Đến một lúc chịu không nổi tôi đã báo cáo lên cấp trên. Khi cấp trên không giải quyết và còn bênh người này thì tôi tỏ ra rất bất mãn. Tôi tự cô lập trong việc làm và phòng sở của tôi. Tôi không tham dự các sinh hoạt của tập thể. Trên mặt tôi không bao giờ nở một nụ cười. Những sự đụng chạm ở trường sở làm cho con người tôi trở nên cáu kỉnh. Phải lái xe một ngày hai tiếng để đến sở và trở về là một cực hình đối với tôi. Khi kẹt xe, tôi khó chịu, bứt rút, nếu có ai cúp qua đầu mũi xe của tôi là tôi chửi thề. Về đến nhà tôi chỉ thở ngắn than dài, khiến cho vợ con tôi phải chịu đựng cái bộ mặt nhăn nhó của tôi. Tôi cũng hay la rầy con cái và làm cho không khí gia đình nhiều khi căng thẳng.

Bây giờ tôi đã thay đổi nhiều, các con cái của các bạn tôi thấy tôi dễ thương hơn. Tôi có thể sinh hoạt vui vẻ với cả giới già lẫn giới trẻ. Ở nhà tôi cũng bớt sự căng thẳng, các con tôi cảm thấy gần tôi hơn và thương tôi hơn. Gia đình tôi có nhiều hạnh phúc hơn. Ở sở tôi luôn luôn vui cười. Dù gặp những sự trái ý tôi cũng bỏ qua không gây sự. Tôi bình tâm làm việc của tôi và không còn bực mình về những khuyết điểm của người khác ngang hàng và trên tôi. Tôi cũng dễ dãi hơn đối với người dưới. Tôi không la rầy và chỉ nhỏ nhẹ khuyên lơn. Khi tôi bị đau bao tử và nghi ngờ bị ulcer, thì các bạn trong sở đã nói rằng, "anh luôn luôn tươi cười, chúng tôi không thể tin rằng anh đang bị căng thẳng và lo lắng." Tôi thấy rõ là nụ cười trên môi có thể làm cho không khí nói sở làm, ở nhà, ở nhà thờ, và ngoài xã hội trở nên để thở hơn. Tôi đã bỏ qua được những lời kết án và chỉ trích vô cớ và có tính cách dèm pha. Tôi vẫn vui vẻ với những người làm tôi phật lòng và cầu xin cho họ được bình an. Với thời gian, những sự xích mích hay hiểu lầm cũng được xoá nhoà.

Như tôi đã tâm sự ở trên, tôi vẫn còn nhiều sân si, và tôi phải tiếp tục sửa đổi và cầu nguyện để xin Chúa giúp tôi mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn.

3. Trong lối sống của người Việt, nhất là trong cách cư xử với nhau có điều gì nâng đỡ hay ngăn cản sự thánh thiện?

Những điều nâng đỡ sự thánh thiện chắc chắn là tinh thần đức tin, lòng đạo đức và lòng quảng đại. Khi tôi tin cậy ở Chúa và biết cầu nguyện cho mọi nỗ lực của tôi, tôi sẽ không bực bội khó chịu khi công việc không thành. Tôi sẽ không đổ tội cho người khác khi thất bại hay kiêu ngạo khi thành công. Khi có lòng đạo đức và quảng đại, tôi sẽ không xét đoán mọi người một cách nông nổi, tôi sẽ không kết án bừa bãi. Tôi sẽ thông cảm, tha thứ, an ủi và nâng đỡ. Nếu tôi làm được như vậy tôi sẽ là muối, là men, là ngọn đèn được thắp sáng trên ghế. Tôi có thể ảnh hưởng đến lối sống của người khác. Lòng bác ái và yêu thương sẽ làm cho thế giới này vui thú hơn.

Ngược lại, tinh thần chia rẽ, đố kỵ, tị hiềm, tranh dành quyền hành và ảnh hưởng là những nguyên nhân chính cản trở sự thánh thiện. Tôi phải luôn luôn nhớ rằng "Tôi phải nhỏ bé lại để cho Chúa lớn lên trong tôi" và tôi phải nhỏ bé lại để cho anh em tôi lớn lên.

Tôi không được thủ thế, kéo bè kéo cánh để xây dựng, bảo vệ địa vị và quyền hành của tôi. Khi có người nhảy ra đòøi làm cái này cái khác tôi không được nghi ngờ thiện chí của họ. Những hành vi gây chia rẽ sẽ ảnh hưởng đến người khác. Những sự dèm pha và nói xấu sẽ làm cho cộng đồng bị phân hóa và hoang mang. Khi một người làm việc gì xấu thì cũng gây nên những phản ứng không tốt đẹp nơi các đối phương của họ. Sự bất hòa sẽ leo thang qua những sự trao đổi lời qua tiếng lại. Kết quả là có nhiều người sẽ không nhìn mặt nhau, không ngồi lại với nhau và không lui tới với cộng đồng nữa. Do đó tình trạng thánh thiện của các cá nhân và cộng đồng sẽ bị suy đồi.

Linh Mục Chautard đã viết, "Vì sự thánh thiện chính là đời sống nội tâm đạt được mức độ ở đó ước muốn của chúng ta được kết hợp với Thánh Ý của Chúa. Suốt trong quá trình thánh hoa tâm hồn, hoạt động của Chúa và của linh hồn tỉ lệ nghịch với nhau. Mỗi ngày qua Chúa làm nhiều việc hơn và linh hồn làm việc ít hơn." Nếu tôi biết kết hiệp với Chúa và hoàn toàn vâng theo Thánh Ý Chúa trong mới nỗ lực hàng ngày, Chúa sẽ làm việc nhiều hơn trong tôi và giúp tôi thánh hóa bản thân.

Lạy Chúa xin giúp con bỏ cái "tôi" của con để luôn luôn nhận biết và vâng theo Thánh Ý Chúa. Xin Chúa tiếp tục hướng dẫn và nâng đỡ con trên quá trình thánh hóa linh hồn con.
Bùi Hữu Thư