PDA

View Full Version : Cởi Trói



Dan Lee
11-05-2007, 12:34 PM
CỎI TRÓI

Cho đến bây giờ tôi biết mình còn sống. Kẻ cởi trói cho tôi là kẻ chính gia đình tôi trói buộc họ. Sự việc xảy ra thế nào cho đến nay không ai rõ sự thật. Tôi nhớ thật rõ tối đó, tôi không uống nhiều vì biết phải về sớm mừng sinh nhật cháu trai. Sau khi uống vài chai với anh em, tôi chào vội lái xe về nhà. Đây không phải lần đầu tôi đi sớm về khuya. Con đường về nhà cũng không xa lắm lại rất an toàn vì chưa bao giờ xảy ra cố sự.

Tất cả những gì tôi nhớ là ra xe về còn việc gì xảy ra sau đó hoàn toàn không nhớ mảy may. Khi tỉnh dậy tôi thấy mệt, khó thở như có gì đè nặng trên ngực, từ từ hé mắt ra không nhìn thấy gì nhưng nhận biết mình đang nằm trong một nơi mùi hôi, ẩm ướt thộc vào mũi và tối như bưng. Với tay định lấy điếu thuốc hút như thói quen vẫn làm, không thấy gói thuốc đâu, mò vào túi quần trước sau đều trống rỗng, cái bóp đầy đủ giấy tờ cũng không còn. Tôi định ú ớ lên mấy câu xin nước uống nhưng lại thôi. Tỉnh táo hơn đầu óc báo có sự việc không hay xảy đến. Trong bụng run nhưng ngoài mặt cố làm ra vẻ bình tĩnh. Mắt đã quen với bóng tối, tôi đưa mắt quan sát đoán mình đang bị giam trong một căn phòng. Tối quá, khó phân biệt đâu là đâu. Phải lâu lắm tôi mới phát giác ra là đang bị nhốt trong căn phòng hôi ẩm. Không dám cựa quạy nhiều vì toàn thân còn đau ran. Tuy im lìm như thế vẫn không tránh khỏi con mắt cú vọ của kẻ canh gác. Người đó đến đưa cho điếu thuốc rồi bật quẹt mồi thuốc cho. Quẳng cho một câu.

‘Làm cho chúng tao một việc, làm xong được về bằng an’.

Việc gì mà cần thế. Nghĩ, chỉ nghĩ thôi. Nghĩ nhiều về gia đình về bữa tiệc sinh nhật của con, về vợ ở nhà lo lắng.

Người kia đến bên cửa phòng ngồi trên ghế như cũ. Qua ánh quẹt và ánh sáng lập loè của điếu thuốc tôi biết quanh mình còn một người nữa cũng nằm im bất động. Thấy có người đồng cảnh ngộ nên yên tâm hơn. Vì ít ra còn có người để xì xèo, âm thầm bàn tính.

Đêm sau lại có thêm người nữa như thế phòng đã hôi sẵn lại thối thêm. Không ai được ra ngoài, cũng không có ánh sáng trời, ngoại trừ cây đèn cầy leo loét toả ánh sáng mờ được thắp lên khi ăn uống. Cũng không rõ bao nhiêu người dính dáng trong vụ này. Nghe lén nhận được giọng kẻ trầm, người bổng, đứa ồm ồm; còn mặt mũi ra sao thì không nhìn được vì người nào cũng đeo kiếng râm khổng lồ và cái mũ phủ quá tai. Cách ăn mặc như thế báo hiệu một dấu hiệu lành ít dữ nhiều. Tuy nhiên theo cách đối xử thì chưa thấy gì khiếp lắm, ngoại trừ cái phòng tối, hôi, ẩm và khét mồ hôi người. Càng lúc càng trở nên thối hơn vì mấy ngày người không tắm, phòng chẳng được quyét dọn.

DI CHUYỂN

Khi di chuyển mắt bịt chặt nên không biết được đưa đi đâu chỉ thấy gió thổi ù ù qua tai, đường xóc lên đốc, xuống dốc, và tiếng hú của chim đêm. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng ho khụ khụ, hẳn là tiếng ho giả vờ của ai đó ngầm nhắn hỏi người đồng cảnh ngộ trong xe. Nghĩ thế tôi ho đáp lại, vài ba phút sau lại nghe tiếng ho khác và tiếng ho khác. Dường như có đến bốn tiếng ho thì phải, nhưng không chắc lắm. Cứ cho là có bốn người cùng lâm hoạn nạn. Xe ngừng, Cả đoàn đi bộ vào căn chòi tương đối khá hơn, ít ra là không còn hôi thối nữa, quần áo dính chặt vào người vì mồ hôi ra ẩm ướt rồi khô đi. Nơi đây tự do hơn và có tất cả năm người kể cả tài xế và người gác. Cả năm đều bịt mặt giống nhau nhưng phân biệt được vì cách ăn mặc lốc xốc, quần áo khác nhau, rõ nhất là cánh tay bị trói ra sau. Ba chúng tôi đều dùng mắt làm quen ngầm nói cho biết là cùng cảnh ngộ.

Chiều hôm sau một người vào cũng che kín mặt ra lệnh các anh chuẩn bị giúp chúng tôi một việc, xong việc là các anh về ngay với gia đình. Các anh cần nghỉ cho khoẻ và ăn nhiều hơn mọi khi vì cần dưỡng sức cho công việc. Nghe kiểu nói ai cũng đoán là công việc nặng nhọc, cần đến sức khoẻ đôi tay. Tôi cảm thấy yên tâm vì là dân võ biền, luyện tập thể dục hàng ngày nên tôi khá tự tin.

Người đó nói xong ra đi ngay. Một lát sau có thêm hai người nữa cũng bị trói tay được dẫn vào. Họ cũng làm thủ tục như chúng tôi, thay đổi y phục rồi được cho ăn một bữa thịnh soạn, sau đó mỗi người vào một nơi riêng biệt, cách li không liên lạc được với người khác bằng ngôn từ nhưng dùng ánh mắt nhìn nhau. Mấy tiếng đồng hồ sau thì một nhóm nữa hai người nhập nhóm. Đây cũng là nhóm cuối cùng. Tất cả là bảy người chúng tôi. Tuyệt nhiên không ai hé mặt cho người khác xem rõ khuôn mặt ra sao. Chỉ nhìn thấy hai con mắt và miệng, ngay cả mũi cũng bị bịt kín.

Theo dự báo thời tiết thì sắp có bão to. Chúng tôi khởi hành vào lúc có bão là tránh những trạm kiểm soát dọc đường. Nghe lén cách họ căn dặn, bàn tán với nhau, câu được, câu mất nhưng tôi phỏng đoán là chúng tôi sắp phải mang những món hàng lậu, bất hợp pháp. Nghĩ bụng mình là người có nhiệm vụ bảo vệ luật pháp lọt vào tay bọn họ lại thành kẻ vai mang hàng bất hợp pháp. Nghĩ thế nhưng không dám hé môi phản đối vì biết rõ cái hại lớn trước mắt.

KHỞI HÀNH

Mười người chúng tôi ra đi trong lúc trời chuyển mưa, cơn đen kéo đến. Tất cả ngồi xe bò ngụy trang bằng những bó củi khô cao ngất, chân bị xích lại với nhau. Người đi đường không thể nào biết được trong xe củi kia có nhân, bảy cái nhân sống động. Đôi bò ì ạch kéo khá lâu rồi ngừng lại một hốc núi đá thẳng tắp. Mỗi chúng tôi được phát cho một cái bị đầy đồ. Cách cột của họ cũng chuyên nghiệp được nghiên cứu kĩ càng. Rõ ràng tay không bị trói nhưng mọi cử động đều bị giới hạn và chậm chạp khiến nhân viên canh gác có đủ giờ phản ứng. Một sợi giây dù to bằng ngón tay cái xỏ vào khuy ngang cái bị rồi vòng hai vòng chung quanh cổ người và hai đầu giây cột chặt vào hai cánh tay sau đó vòng ra sau thắt chặt vào thắt lưng quần. Nhìn cách cột đó chúng tôi đoán ra tầm mức quan trọng của cái bị. Còn cái bị thì còn đời, mất bị là rồi đời. Hai tay không bị trói chặt, cử động được nhưng rất giới hạn vì bị sợi giây cầm giữ. Trước khi khởi hành người phát bị ra lệnh cho chúng tôi là tuyệt đối tin, nghe người hướng dẫn. Sau khi hoàn thành công việc sẽ được trả về gia đình. Chúc đi bằng an rồi quay gót. Tôi nghĩ bụng tên này khá đểu, chúc đi bằng an, còn lúc về thì sao? Không phải là chuyện của anh ta. Có thể họ bỏ rơi mình trên đường về không chừng.

Chúng tôi được dặn kĩ, thực phầm của ai người đó dùng, và suốt chặng đường không được nói truyện, hút thuốc hay trao đổi với nhau, nhất là không để lại vết tích, dấu hiệu gì. Cái bị nặng trên chục kilo có hai ngăn. Ngăn phía trên không có khoá chứa thực phẩm khô, luơng thực ăn đường. Ngăn thứ hai to hơn có khoá không được phép mở và cũng không thể mở vì chìa khoá không biết ai giữ. Vả lại hai tay bị trói chặt thế kia cố với lấy lương khô đã khó. Nếu đứng thẳng với thì không thể nào lấy được thực phẩm. Muốn lấy phải vặn chéo nửa người phía trên rồi cúi khom lưng xuống mới lấy được thực phẩm. Đây cũng là cách kiểm soát thực phẩm ăn đường, không được ăn riêng mà phải ăn theo lệnh. Cứ hai giờ chúng tôi được ngồi nghỉ xả hơi 15 phút, rồi lại tiếp tục. Mới đầu cái bị không nặng là bao nhưng càng lúc nó càng trì xuống hình như nặng theo độ cao của núi. Leo hoài, leo hoài mà vẫn chưa thấy chỗ bằng phẳng cứ phải leo lên mãi, không biết độ cao bao nhiêu nhưng chùn chân lắm rồi. Người dẫn đường rất là tiết kiệm lời nói, họ không nói chuyện với nhau, cũng chỉ ra lệnh từng chữ một. Mỗi lần nghe chữ ‘Nghỉ’ lòng thấy vui. Nghe chữ ‘Đi’ chân bủn rủn mặc dù vừa mới nghỉ xong. Đường lúc này trơn nhiều vì cơn mưa trước đó, có lẽ cũng mới thôi vì lá còn vương nước và đâu đó kẽ đá còn nước đọng. Gió to hơn, đường đi là đầu gềnh bên sườn núi. Phía trong là núi cao; phía ngoài là thung lũng. Mỗi bước chân là một bước nguy hiểm dường như cái hiểm nguy cũng tăng theo độ cao của núi. Trời tối quá, nhờ ven theo sườn núi tuy không nhìn được xa nhưng vẫn còn có thể. Cứ mỗi làn chớp loé lên tôi lại nhìn thấy những ngọn cây tít xa dưới chân. Tự nói với chính mình, cẩn thận đấy, nếu ngã xuống đây sẽ tan xác.

NGỦ

Mưa đổ hột nặng hơn, thêm gió to, ai cũng ướt như chuột, người hướng dẫn ra lệnh ngồi. Tôi ngồi cạnh cây cổ thụ, gốc nó bọng vừa lọt một người. Nếu tin dị đoan thì tôi coi như bị chôn sống vì ngồi lọt tỏm trong cây gỗ bọng. Bó gối, hai tay khoanh chặt lại ôm lấy đầu gối. Cố xiết chặt chút nữa cho nó ấm, hơi ấm toả lan cũng là lúc đầu gối mỏi rời, phải đổi thế khác cho máu lưu thông. Mỗi lần đổi thế người tôi lại lọt sâu vào chỗ bọng của cây. Mệt, lạnh ngồi khổ sở thế mà tôi cũng ngủ thiếp đi. Tiếng sét nổ tung ngay chỗ tôi ngồi. Một cành cây gẫy rơi bịch trên sườn núi. Không rõ do sức ép hay sét đánh cây cổ thụ đổ vèo rơi tọt xuống vực thẳm. Tiếp theo là tiếng nổ ầm ầm của cành cây gẫy do thân cổ ngụ nghiến đứt. Sự việc xảy ra nhanh như làn chớp. Tôi chỉ kịp phản ứng bằng cách hai tay ôm chặt sợi giây cho khỏi ngẽn cổ. Bên ngoài tiếng đá rơi, tiếng lăn xô ào ào pha lẫn tiếng nước đổ xối xả, bắn tung toé vào đầy người. Không biết thời gian trôi chuồn như thế bao lâu nhưng biết chắc mình đã tọt xuống đáy thung lũng.

TREO ĐẦU GHỀNH

Khi tỉnh dậy mới biết toàn cây cổ thụ lơ lửng giữa ghềnh đá. Cũng may mà cây đổ lăn ngang nếu không tôi bị máu dồn ngược chết tự bao giờ. Trời sáng khá rõ, ngọn cổ thụ còn đọng sương mù tựa khói toả bay. Nhìn lên ngút tầm mắt không nhận ra chỗ tối qua đã ngồi, nhìn xuống cây cối trập trùng, không rõ có những gì ngoài tiếng thác đổ ầm ầm. Tôi gượng ngồi dậy nhưng không nhúc nhích được. Chung quanh bao bọc bởi đất cát và đá. Phải mất lâu lắm tôi mới moi hết cát đá quanh người cho đôi chân cử động. Lúc này mới thấm cái đau tê dại của đôi chân bị nằm yên quá lâu. Hai cánh tay sưng khá lớn vì sợi giây kẹp. Tôi nằm im khá lâu, tập thở cho cơ thể giãn nở theo thói thiền hay nói kiểu võ biền là vận nội công. Khoảng giờ sau thấy khoẻ hơn và cơ thể sinh hoạt tốt hơn, có lẽ nhờ vận nội công và nhờ ánh nắng chiếu dọi sưởi ấm cơ thể. Từ từ nhỏm dậy, cái cảm giác kinh hoàng trước mắt. Cây cổ thụ phóng xuống làm gẫy ngọn biết bao cây khác. Cây gẫy ngọn đứng thẳng; cây đổ rạp; cây gẫy ngang, nhìn gớm đến rợn gáy. Nhìn ngược lên chỉ thấy một vệt trắng tít trên tầng mây cao; nhìn xuống phía dưới thấy âm u, tối thui. Rất cẩn thận tôi moi thực phẩm ăn cho lại sức. Nước uống chính là nước nằm trong bọng cây do trời mưa đêm sót lại. Bẻ miếng gỗ mục ngậm hút khô nước rồi bẻ miếng khác ngậm tiếp. Lúc đầu thấy chát nhưng ngậm mãi thấy cũng hay hay vì cái mùi gỗ mục.

XUỐNG NÚI

Quanh đi quẩn lại mãi không có cách thế xuống khỏi thân cây cổ thụ đã cưu mang mình. Ngọn nó kẹp vào giữa hai tảng đá, gốc nó theo đà trườn gác lên tảng đá to hơn và hai phần ba cây chênh vênh giữa đất trời. Mấy lần tôi mò vào hốc đá tìm cách lần xuống. Hốc đá này cheo leo quá, lại trơn vì rong đóng lớp dầy như thảm. Rong rất mềm lại dòn, đụng mạnh rơi từng mảng, không giúp cho việc xuống núi. Quanh đó không có giây leo gần, cũng chẳng có cây nào khả dĩ có thể leo xuống. Chỉ còn cách tháo sợi giây dù trong bị ra làm giây leo. Tôi ướm chừng cũng được khoảng dăm thước, cộng thêm quần áo vào thử xem tới đâu. Ngoài cách đó ra không còn cách nào khác. Nghĩ thế tôi bắt đầu cưa sợi giây dù. Ngồi sát vào thân cây đưa người đi lại theo thế cưa, từ sáng đến chiều sợi giây vẫn chưa sờm được mấy. Thất bại, chán nản, buồn, lo, sợ. Đủ mọi thứ tiến đến cào cấu tinh thần.

CHẾT

Cái chết bắt đầu gặm nhấm, nó tiến đến từ từ nhưng bước nào bước đó chắc nịch. Cứ vậy ngày đêm nó tiến đến. Lúc đầu còn tự tin so sánh mình quá nhỏ so với vũ trụ, nhỏ hơn cả hạt sương mai thì chết có là chi. Chết trở nên thực hơn, rõ hơn, gần hơn tôi lại thấy mình quan trọng, đáng sống và đáng được sống. Khát sống là thế mà vẫn không sao đi khỏi cái bọng cây đã từng cưu mang mình. Thực phẩm hết, nước trong bọng cây cũng khô dần, sáng sáng tôi liếm sương đọng trên mặt rong dọc theo sườn núi. Mùi sương lạnh tan nhanh trong lưỡi tạo một cảm giác khoẻ, tâm trí sảng khoái. Càng cảm thấy hạnh phúc chừng nào khát sống càng mãnh liệt chừng đó. Tôi dùng đá đập nát cái khoá của túi xách tìm thức ăn vì phần lương khô phát cho đã sạch. Mùi thơm ngát mũi của những củ sâm nâu sẫm toả ra. Tôi lượm một củ nhai vội, chất đắng đến lợm giọng. Người ta vẫn nói ăn sâm sống cầm hơi nên tôi cố nuốt chất đắng chát xuống cổ. Không thèm ăn nữa vì nó chẳng ngon lành gì. Lạ một điều sau vị đắng là vị ngọt, cái ngọt trong miệng cứ còn mãi, nuôt hết nước miếng miệng vẫn còn ngọt. Quả là lạ. Tôi vui mừng vì biết sự sống mình nằm trong bọc này. Cái bọc mà trước kia tôi đeo chặt vào cổ. Còn nó là còn mạng, mất nó là mất mạng. Nghĩ thế mà đúng. Sức sống bừng lên trong tôi và chương trình tìm đường về lại phát hoạ trong đầu.

Qua được vấn đề thực phẩm nhưng vấn đề nước cam go hơn. Sáng sớm dậy liếm sương cũng phải tính toán. Chỗ nắng sớm tôi liếm trước, bóng râm mát dành cho buổi trưa và gần chiều vạch đám rêu ra dùng lưỡi liếm ‘mồ hôi’ đá. Sau này khôn hơn tôi dùng miếng giẻ rách đề sau lớp rêu, suốt đêm giẻ thấm nước, khi cần ngậm giẻ ướt cầm hơi.

NGÀY VỀ

Tôi tập leo, tập nhảy, tập mọi động tác giúp cho cơ thể nhanh nhẹn hơn. Ăn sâm sống được nhưng người vẫn võ đi, tóc dài, râu rậm. Thật nửa người nửa khỉ. Ngày định hướng mặt trời, đêm định hướng sao để tránh lạc đường. Nhờ những quan sát đó tôi tạm phác hoạ cho chuyến trở về. Bò vách núi tước vỏ cây bện làm thừng. Sơi giây dài tới năm chục thải tay. Tập cho đôi tay mạnh đủ giữ cân bằng cơ thể vì thế mỗi ngày tôi tập đeo giây, leo lên leo xuống cho thuần thuộc. Tự tin đủ tôi quyết định phiêu lưu, từ bỏ cái bọng cây nơi tôi trú ẩn bấy lâu. Để giữ sợi giây tôi quyết định leo từng đoạn một nghĩa là không leo một lúc năm mươi thước nhưng leo từng đoạn mươi thước rồi cuộn giây lại leo đoạn kế tiếp. Cứ thế ngày leo, tối đến cuộn giây làm sọt ngủ vừa ấm vừa an toàn.

Nhìn thấy chân núi tự nhiên sức sống vần vũ trong người, hy vọng sống dâng lên từng đợt, từng đợt chập chùng. Tối đó tôi cuộn sợi giây quanh một chạng ba của cây ngủ qua đêm. Sáng hôm sau nằm trên ngọn cây quan sát. Nơi đây quả là hoang vắng, thiếu bóng chân người. Chiều đến tôi nhìn thấy một em bé chăn trâu. Lưỡng lự mãi rồi cũng phải gọi chú bé. Em bé nhìn tôi hoảng hốt định cỡi trâu bỏ chạy nhưng khi nghe tiếng gọi tha thiết em rón rén đến gần nhưng vẫn trong tư thế bỏ chạy nếu thấy nguy. Để cho em yên tâm tôi hỏi em cách về làng làm sao cho an toàn, đồng thời kể cho em nghe là đi rừng bị lạc cần em giúp đưa về làng. Em bé say mê nghe chuyện tôi kể nên đồng ý giúp.

Mẹ em mất mấy tháng trước đây, em hiện ở với ba. Gia đình lập nghiệp được hai năm. Ba phá rẫy còn em chăn trâu. Khi trời tối em huýt sáo gọi đàn trâu, một mẹ và hai con về. Cỡi trâu không dễ như ta tưởng, mỗi bước nó đi là có thể té ngã. Nhà em là một cái chòi lá vách bằng cây rừng do mấy cha con dựng nên, chung quanh trống vắng. Ba em tâm sự. Không rõ chủ đất là ai thấy đất hoang chân núi mấy cha con làm chòi tạm trú, sống qua ngày. Gia tài chỉ có ba con trâu. Con trâu cái đẻ hai lứa được hai con. Nếu bình yên vô sự, sau năm bảy năm bày trâu này bán đi làm vốn mua đất nhà gần làng lúc đó mới cho cháu đi học. Gặp được ba em tôi mừng vô kể, coi như mình sống sót trở về. Chính anh là người cởi trói cho tôi. Anh dùng giao cứa đứt sợi giây dù quanh cổ tay tôi.

KHÔNG NHẬN CỐ NHÂN

Qua câu chuyện tôi nhận ra gia đình anh bị gia đình tôi trói buộc vì nợ nần. Gia đình mượn tiền nhà tôi chạy giấy tờ cho anh đi du học. Tiền đóng cho người ta được ít lâu thì có đảo chánh thế là người nhận tiền hứa giúp cho anh đi du học mất việc. Không biết đòi vào đâu được. Ba anh đi tù ba tháng về nhà uất ức quá sinh bệnh chết. Mẹ anh nai lưng ra làm vừa nuôi gia đình vừa lo trả nợ. Trả không nổi món nợ quá lớn. Bà buôn thúng bán bưng vừa đủ trả số tiền lời hàng tháng. Vài năm sau do làm việc quá sức bà lâm bệnh nhưng không dám nghỉ, cứ tiếp tục sương nắng và chết vì thương hàn. Anh phụ giúp mẹ kiếm thêm tiền nhưng miền quê việc thì nặng tiền công nhẹ, kiếm thêm chẳng là bao. Lo cho gia đình đủ ăn đã khó, lo thêm đám ma cho mẹ nên đành cắn răng vay công mượn nợ. Không ai cho cuối cùng anh đành thế đất hương hoả và căn nhà đang ở lấy tiền ma chay cho mẹ. Sau khi cầm cố đất hương hoả anh không thể nào chuộc lại được nên gia đình dọn đi khỏi xóm tránh tiếng đời dị nghị. Hy vọng làm ăn khấm khá sẽ về chuộc lại phần đất hương hoả.

Nghe chuyện anh kể tôi mường tượng ra người ép anh cầm cố nhà cửa không ai xa lạ mà chính là cha mẹ mình. Tuy thế tôi không dám lộ tông tích không biết anh sẽ phản ứng ra sao. Thực ra tôi không biết rõ công việc mẹ làm, tôi học ở thành phố. Kì hè về quê chơi nghe kể chuyện này, chuyện nọ. Lúc đó tôi vô tâm không để ý. Vì có nghe qua, nay nghe anh thuật lại nên nhớ là đã có nghe qua. Tôi hứa bằng mọi cách giúp anh chuộc lại phần đất gia tiên. Nghe hứa giúp anh mừng cho có lệ vì lấy đâu làm bằng chứng. Tôi ngủ vùi hai ngày cho lại sức. Trước khi ra đi tặng anh một ít củ sâm như món quà mọn.

Về đến xóm mới biết vợ con đã dọn nhà đi khỏi. Không ai biết là đi đâu chỉ nghe nói loáng thoáng là về quê nội. Quê đó ở đâu cũng không ai biết. Tôi lập tức ra đi về thăm cha mẹ. Cả xóm ùa đến xem kẻ chết lại về. Không ai rõ câu chuyện chỉ biết cha mẹ tôi làm ma khá lớn cho con. Lí do chết vì mất tích và có tin xác nhận đã chết. Gian nhà chính hình tôi trên bàn thờ, cây nhang mới cháy dở phân nửa.

Niềm vui tràn ngập gia đình, người thân quen ai cũng đến chúc mừng và không ai để ý đến chuyện cây nhang cúng hồn đang cháy dở. Tôi kể cho gia đình rõ mọi sự và người cởi trói cho tôi lại chính là người cha mẹ tôi trói buộc cha mẹ anh và bản thân anh.

Xin cha mẹ cởi trói cho họ, tha nợ, đồng thời trả lại phần đất hương hoả của gia đình. Không một ai trong gia đình phản đối. Nội tuần đó gia đình tôi sửa sang lại căn nhà chu đáo rồi thuê xe đi đón gia đình anh về. Nhác thấy cha mẹ tôi, anh hơi lo, nhưng khi thấy tôi anh yên tâm hơn. Cha mẹ tôi trình bày ý định đón anh về căn nhà cũ đồng thời cám ơn anh đã cởi trói cho tôi. Vừa xúc động vừa vui mừng anh không nói được câu gì mới ngoại trừ lập đi lập lại năm lần bảy lượt câu.

Lại chính là anh.

Từ ngày cởi trói đó gia đình anh và gia đình tôi trở thành thân thích.
Lm Vũđình Tường