Log in

View Full Version : Hối hận



Dan Lee
11-05-2007, 12:28 PM
HỐI HẬN

Càng ngày Đọt càng tỏ ra ân hận vì có lần lỡ tay đánh Ét khiến người con có tài bẩm sinh mang tật suốt đời. Ét là một đứa trẻ thông minh, có nhiều sáng kiến và giầu óc tưởng tượng. Ét có trí nhớ đặc biệt. Những gì đã đi qua mắt Ét một vài lần là in hình ảnh đó vào trong đầu, không phai với năm tháng. Những gì Ét nhớ được hoặc tưởng tượng ra trong đầu được đôi tay khéo léo chải chuốt thành hình ảnh sống động. Đó là tài thiên phú bẩm sinh trời ban cho Ét. Cái tài đó không may bị ông Đọt vừa coi thường vừa làm lụt đi. Khi ông nhận ra cái tài bẩm sinh của con thì đã quá trễ có thể thay đổi được món quà tặng đặc biệt này. Ông hối hận suốt cuộc đời còn lại và luôn mong làm sao để bù đắp thiệt hại mà ông gây cho con mình. Xây dựng bao giờ cũng dễ hơn tàn phá. Tàn phá một tài năng thiên phú còn khó hàn gắn hơn tàn phá một lâu đài.

Chính cái khéo tay điêu luyện biến Ét thành một họa sĩ tài ba. Trong làng ai cũng biết đến Ét và thân thiết với Ét vì họ biết sớm muộn gì cũng phải nhờ đến chú Ét một lần. Ét có tài về hội họa, nó vẽ tranh giống hệt như tranh thật, có hồn, sống động. Nhìn vào tranh họa của Ét người ta có cảm tưởng như người hay cảnh vật trong tranh âm thầm nói chuyện với người thưởng lãm tranh. Năm lớp năm nó đoạt giải vẽ tranh toàn quốc cấp tiểu học. Trước khi đi dự đấu tranh Ét phải giấu gia đình vì người cha coi thường tài của con. Ét phải vẽ lén lút, không cho ông bố biết rồi chính chàng phải dành dụm tiền bạc để gởi tranh đi dự thi. Nhà trường có lớp học vẽ và âm nhạc chung với nhau do một thầy dậy tất cả các môn học nên Ét chẳng học được gì ngoài cái tự do được vẽ. Ông Đọt cấm con vẽ. Theo ông vẽ chỉ thêm tốn giấy, tốn mực, tốn thời giờ. Ông hay mắng con bằng câu

‘mày không chịu học hành cứ vẽ vọt suốt ngày mai lớn có bán tranh ra gạo ăn không’.

Ét không biết đối đáp vì chính nó cũng chưa biết vẽ tranh có kiếm sống không. Ét chưa bao giờ nghĩ là tranh vẽ của Ét có người mua. Cả làng Ét hằng mấy trăm gia đình có gia đình nào treo tranh trong nước đâu. Thỉnh thoảng có một vài người biết tiếng Pháp hay tiếng Tầu treo khoe tranh tây, tranh tầu, để tỏ cho mọi người biết cái kiến thức cũa họ. Treo tranh để thương lãm tuyệt nhiên không xảy ra trong làng. Không ai treo tranh vẽ trong nước, ngoại trừ ông cả Đốn. Gia đình ông cả Đốn trưng tranh trong nước vì người vẽ bức tranh đó là ông cố tổ của gia tộc nên treo tranh của cố tổ để tôn kính tiền nhân, ngoài ra không có mục đích về hội họa. Ét biết chàng khéo tay, có nhiều sáng kiến và vẽ rất đẹp nên thích vẽ. Còn vẽ để làm gì có kiếm đủ cơm cháo sống qua ngày không Ét chưa bao giờ nghĩ đến. Khi Ét chiếm giải thưởng tranh thiếu nhi toàn quốc Ông Đọt hãnh diện đôi chút nhưng vẫn khinh thường tài mọn của con. Ông nói

‘tranh của trẻ con thì có ra gì. Được giải cho vui chớ ăn thua mẹ gì’.

Ông vẫn không tin nghề vẽ tranh kiếm miếng cơm, tấm bánh nên ông coi thường nghề này. Đối với ông một là học thành tài hai là làm ruộng. Cả hai nghề đều ăn chắc mặc bền. Ngoài ra các nghề khác đều phụ.

Ét thích vẽ vì nhiều lí do một là cái tài thể hiện ra không vẽ đôi tay ngứa ngáy khó chịu. Cái tư tưởng trong đầu cứ cào cấu đôi tay như ngụ ý nói phải sanh nó ra bằng hình ảnh sống động. Nếu không vẽ trên giấy thì ngón tay Ét cũng mân mê trên mặt bàn, mặt đất hoặc ngay trong lòng bàn tay mình. Một hình ảnh mờ ảo nào đó giúp bộ óc bớt đòi hỏi. Lí do thứ hai là bạn bè Ét đứa nào cũng thích hình ảnh màu mè sặc sỡ để bọc những cuốn tập mang đi học. Ét không phải kiếm những tấm tranh đó bọc tập. Ét tự vẽ cho mình những tranh bọc tập. Nhiều bạn Ét không thích hình ảnh đó vì chúng quá gần với cuộc sống vất vả của cha mẹ chúng. Những năm sau trên cấp trung học Ét luôn chiếm giải thưởng trong các chương trình thi vẽ toàn trường. Những giải thưởng tượng trưng này không đáng giá là bao. Giá trị của nó nằm ở chỗ khi gọi tên Ét đi lên với hàng ngàn con mắt ngó chàng. Lần đầu tiên lãnh giải thưởng chàng run run đi lên. Lần sau chàng đi một cách ngang nhiên và những lần gần đây chàng không thích lắm vì có học sinh huýt sáo phản đối. Những tiếng sì sầm nơi cuối hội trường chàng cảm thấy không vui khi đi lên lãnh giải thưởng.

Có một lần tờ báo địa phương in hình tranh vẽ Ét trên trang nhất với bài viết khen lẫn phê bình tranh của Ét. Chàng hãnh diện vô cùng. Trong cái hãnh diện đó có hoài bão thêm một giấc mơ. Giấc mơ có tiền hay giải thưởng giúp trang trải tiền học hoặc ít ra có ai thuê vẽ trợ giúp gia đình trong hoàn cảnh túng thiếu. Ét mong chờ từng ngày. Một ngày trôi qua không thấy gì. Chàng tự an ủi còn quá sớm. Một tuần lễ trôi qua, hai tuần trôi qua trong im lặng không có gì xảy ra. Cái vui đầy hy vọng sự gì xảy ra cho chàng đi vào quên lãng. Khi nhìn tranh mình trên báo Ét tưởng tượng trong đầu rồi đây sẽ có người tới tặng quà, cho đi chơi đây đó, thuê chàng vẽ tranh hoặc gì gì đó. Ét vẽ ra trong đầu bao nhiêu ước mơ, chương trình làm việc khi có tiền. Càng mong càng biệt tăm. Tờ báo chẳng giúp được gì nên chàng thất vọng âm thầm về với con trâu hiền lành nhai cỏ mỗi chiều. Thực tế vậy là hơn.

Năm lớp bảy Ét sáng đi học chiều về đi chăn trâu. Ngày kia theo bạn bè đi chăn trâu ham thả diều. Hôm đó chàng mơ màng nhìn cánh diều với hai con đại bàng trên con diều bay đảo đi đảo lại trông thích mắt vô cùng. Chàng thả hồn vào hai con đại bàng chàng vẽ đó rồi quên luôn coi trâu. Trâu đàn năm bảy con tràn vào đám khoai làng nhà ông Tạp ăn mất mấy luông khoai. Nó ăn lá thì ít nhưng đạp lên luống khoai thì nhiều. Ông Tạp giận lắm tức tốc đến tại nương khoai quát tháo, chửi bới rượt đánh bọn trẻ châu. Đuổi không lại chúng vì chúng khỏe sức chạy nhanh. Ông tức tối đạp xe đến ngõ từng nhà một đứng chửi. Ông Đọt nghe có tiếng ồn ào ngoài cổng ngõ định ra hỏi cho biết đầu đuôi câu chuyện. Vừa trông thấy ông Đọt ông Tạp chỉ ngay mặt chửi

‘cha nào con nấy, cả họ nhà mày không biết dậy con để trâu ăn lang nhà tao’.

Ông Đọt nhún nhường chờ cho ông Tạp bớt giận hỏi lại cho rõ rồi thay mặt con xin lỗi. Khi ông Tạp đi khỏi ông Đọt trở lại ngồi chẻ nạt tre như cũ. Những lời nói của Tạp làm ông ứa gan. Hai tai nóng bừng mong cho thằng con về nện cho nó một trận. Đi chăn trâu mà để họ đến nhà chửi thì bực lắm, không nhịn được. Ông nhịn ông Tạp vì nhà ông Tạp có của. Người túng thiếu trong làng mượn của nhà ông ăn trước đến mùa gặt thì trả nợ. Nhà ông Đọt cũng trong hoàn cảnh đó nên khi nghe ông Tạp mắng từ cha đến con ông Đọt chỉ nín khe xin lỗi. Ông biết giây nhời với ông Tạp thì sau này khó mà vay hỏi được một xu. Vì nghĩ thế nên ông ráng nhịn. Để bớt nhục ông mong cho Ét về để đét cho nó một trận xả cơn bực dọc. Chờ mãi mới thấy Ét dắt trâu về. Cột trâu vào cọc Ét nghe bạn nó nói ông Tạp đến nhà từng đứa một chửi rủa. Ét biết ngay khi về thế nào nó cũng không tránh khỏi trận lôi đình. Vì tin như thế nên Ét lắm lét nhìn bố và suy nghĩ cách chạy tội. Ét không biết ông Tạp đã đến nhà chửi rủa cha nó như thế nào. Đối với Ét trận đánh nào của bố cũng như trận nào. Không khác nhau là mấy. Ông cầm roi hoặc cây gần đó quất cho năm bảy cái rồi cấm bữa cơm tối. Ét dự liệu trận lôi đình của bố là như thế. Nó không ngờ lần này bố nó tức hơn những gì nó dự liệu. Ét vừa cột xong con trâu vào cột trâu. Nó xoa hai tay vào mông như chuẩn bị cho những roi đòn sắp tới, chậm chậm bước lại. Bố nó thấy Ét từ đàng xa đi lại, ông thủng thẳng bỏ con dao rựa xuống sân, hai tay phủi phủi quần áo cho bớt tre bụi dính quần áo rồi lên tiếng. Trong khi đó mắt liếc nhìn mấy thanh tre xem chiếc nào dẻo vừa tầm tay. Nghe tiếng bố ra lệnh.

‘Ét đến đây tao bảo. Hồi chiều mày coi trâu làm sao mà để ông Tạp đến nhà mắng tao’. Mặc dầu đã chuẩn bị sẵn nhưng nghe tiếng rít trong răng của bố nó. Người nó nổi gai ốc nơi gáy, hai chân hơi run lên rồi toàn thân nhảy thót lên lập bập đáp.

‘Con đi thả diều với mấy đứa bạn rồi cả đàn trâu vào ăn lang, nhưng trâu nhà đâu có ăn’.

‘Mày còn chối à’.

Ông Đọt không kịp với cây roi. Trong tầm tay với ông vung tay táng cho nó một bạt tay. Cái bạt tay trời giáng xô Ét té dụi vào cây cột phía sau lưng nghe rầm. Đầu nó táng mạnh vào cột té xuống nằm bất động. Bà mẹ ngồi gần đó thấy con đụng đầu vào cột nhà làm mấy vì kèo kêu két két, bà kêu lên

‘Giêsu lậy Chúa tôi. Đánh con vậy à. Sao không lấy roi dậy dỗ con đang hoàng’.

Ông Đọt liếc mắt nhìn vợ không đáp rồi ra lệnh cho Ét.

‘Mày có đứng dậy không thì bảo.’

Thấy nó giẫy te te nơi mặt đất. Ông đứng sõng lưng quát.

‘Không đứng dậy được thì quỳ xuống đó tao tính tội cho’.

Thấy nó vẫn không nhúc nhích, ông quát to hơn.

‘Tao bảo quỳ xuống, có quỳ không. Mày càng lớn càng hư.’

Nó vẫn nằm yên bất động. Bà mẹ thấy thế bỏ cây kim xuống cái áo cũ đang vá dở nhỏm dậy chạy đến. Ét vẫn nằm yên. Bà sà xuống chỗ con ngã dúi khóc bù lu bù loa

‘Ét ơi Ét mày còn sống không mà sao không nói hả con’.

Ông Đọt lúc đó hơi chột dạ. Ông đứng sững nhìn vợ lên tiếng biện hộ cho mình.

‘Bà thấy đấy tôi táng nó có một cái thôi bà cũng thấy đấy’.

Tiếng bà Đọt khóc to như vỡ chợ khiến hàng xóm nghe được bủa vây lại xem sự gì. Mấy người nhanh chân kháo nhau. Ông Đọt đánh chết thằng Ét vì nó cho trâu ăn lang nhà ông Tạp. Nhờ trận đòn của Ét mà những đứa kia không bị ăn đòn nhưng chỉ bị đe nạt mấy câu rồi được tha.

Cáy máy đuôi tôm được vác ra đò máy chở ngay Ét đi bệnh viện cứu cấp. Bà Đọt với vội chiếc nón ra đi. Được mấy bước bà ngoái lại hỏi người bà con bạn dì.

‘Dì có tiền cho tôi mượn ít lỡ có phải thuốc thang cho cháu.’

‘Bác chờ em tí’.

Vừa đáp vừa chạy vội.

Chiếc đò máy phóng đi thì đám đông cũng giải tán. Ông Đọt thu xếp đám lạt tre cho gọn lại rồi vào nhà ngồi vân vê điếu thuốc. Lòng ông chùng xuống thảm thiết vì lỡ đánh con không biết sống chết ra sao. Ngồi trong nhà lắng nghe tiếng đò máy chạy qua. Chiếc nào chạy qua ông cũng ngóng cổ ra xem có phải vợ con mình không. Mọi ngày ít đò nhưng hôm nay sao lắm thế. Nó chạy đi chạy lại hoài khiến ông cứ thấp thỏm ngó ra sông. Hơn nửa đêm chiếc đò ngưng lại. Ngồi trong nhà ngó ra cho biết chắc Ét không sao lúc đó ông mới lò dò đi ra. Bà Đọt lên bờ trước lom khom giữ chặt đầu giây kéo chiếc đò sát bờ cho người lái đò bồng Ét lên. Trông thấy hình ảnh đó. Ông Đọt yên tâm Ét không chết. Ông phóng nhanh khỏi chiếc ghế chạy vụt ra sân giúp bà vợ đang khom lưng giữ chiếc đò. Khi vào nhà bà thuật lại câu chuyện trước khi cả nhà đi ngủ. Theo bác sĩ khám nghiệm cho biết Ét bị bầm tím phía sau ót. Đầu chàng bị đập vào một vật cứng làm bầm tím phía sau. Hiện nay không biết rõ sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ như thế nào. Có thể những nguy hại không xảy ra ngay nhưng tương lai sẽ có những biến chứng xuất hiện. Ông Đọt cướp lời vợ chen vào. ‘Mấy ông bác sĩ chỉ lo xa. Âu cũng là cách làm tiền của họ. Chắc họ bảo ít bữa nữa ra khám lại chứ gì. Đúng là câu khách, nuôi bệnh.’

Bà Đọt không đáp lời chồng, chờ cho ông nói xong bà tiếp. Bác sĩ dặn

‘khi thấy có những triệu chứng bất thường xuất hiện cần đi khám nghiệm ngay’.

Ông Đọt nghe vợ nói xong thở dài như trút được cả một khối chì trong lòng. Suốt từ chiều tới giờ ông thầm hứa với lòng mình sẽ không bao giờ đánh con nữa. Ngay đêm đó đợi cho cả nhà đi ngủ, ông Đọt mang chiếc đèn chai ra chỗ hồi chiều Ét bị té. Quan sát kĩ hiện trường ông phát hiện cái nguyên nhân Ét bị xỉu. Đúng rồi. Cái mỏ sắt ngày nào ông đóng vào cây cột để bện thừng trâu. Hai ba sợi tóc đen còn dính bện vào mỏ sắt. Ông tưởng tượng ra cái té của con. Khi bị cú bạt tay Ét té nhằm cây cột sau lưng. Toàn thân mất thăng bằng, cả khối thịt nặng đổ dồn về phía đầu, đúng ngay cái mỏ sắt. May mắn thay cái mỏ sắt đã được đánh cong lại. Nếu nó nhọn thì Ét đã mất mạng.

Từ ngày đó ông Đọt không bao giờ đánh con nữa. Nhiều lần ông cầm roi lên rồi nghĩ ngợi sao đó lại bỏ xuống. Ét trông rất bình thường. Nó vẫn ăn học, vẫn thông minh, nhớ giai như ngày nào. Cho đến khi nó thi xong lớp mười hai thì mắt mờ hẳn đi không nhìn thấy rõ nữa. Nhiều lần bà Đọt la toáng lên khi nó không xỏ cho bà được cây kim, mũi chỉ. Mỗi lần xỏ kim lại phải chờ em nó đi đâu về. Bà Đọt tức quá nói.

‘Không khiến mày, mới mấy tuổi ranh mà không xỏ được cây kim còn làm gì ăn.’

Ét không biết trả lời sao chỉ biết ậm ực cho qua chuyện.

Sang đến năm thứ hai đại học nó phải đổi chỗ ngồi lung tung khắp giảng đường thế mà nó vẫn thấy các hàng chữ nhảy múa trong mắt. Mọi bài làm đều lệ thuộc vào trí nhớ của giảng sư. Sách vở đã hiếm Ét lại đọc rất chậm vì phải dùng kiếng lúp phóng lớn từng chữ nên việc đọc sách rất vất vả. Hai ba lần định viết thơ về nhà kêu gọi gia đình viện trợ tiền mua kiếng đọc sách. Mỗi lần như thế Ét lại nghĩ đến cảnh gia đình lầm than, chạy ăn từng bữa. Ét ngần ngại khất lần không chịu làm. Thực tế gia đình không có tiền đi cắt kiếng cho con. Ét biết rõ muốn cắt được kiếng phải đợi đến cuối năm có hạt thóc bán đi mới có tiền mua kiếng. Tính đi tính lại từ nay đến cuối năm còn tới sáu tháng nữa. Cuối năm đó Ét thi rớt thế là chương trình cắt kiếng cho Ét cũng rớt theo cái kì thi vừa qua. Ét không bao giờ nhắc nhở đến việc mua kiếng nữa.

Về nhà chơi ít lâu thấy chán, Ét mở trường dậy học. Lúc đầu có một số học sinh con nhà nghèo đến nhờ Ét dậy kèm cho. Một số dề bỉu thằng thi rớt có học nó rồi cũng rớt như nó. Lời phê bình trên khiến một số phụ huynh không cho con đi học nữa. Còn một số nhỏ học dốt quá cha mẹ cố gắng cho đi học. Vì Ét không nhìn rõ từng học trò nên nhiều cu cậu ngồi cuối lớp phá phách khiến các bạn khác học không được. Thế là trường đóng cửa. Ét buồn rầu không biết làm gì ăn, không lẽ cứ để gia đình nuôi bó cô. Trong cơn túng cực đó may thay trong làng có cậu Dậu mê đá gà. Dậu có con gà đá nổi tiếng trong các trận thi đá gà. Một tay chọi gà nào đó thua đặm tìm cách đâm cây kim vào cổ con gà của Dậu. Trận đó gà Dậu lăn ra chết. Dậu tiếc con gà nên thuê Ét vẽ cho bức tranh con gà. Hai ông khách làng bên đi thăm nhà Dậu trông thấy bức tranh vẽ khéo nên thuê Ét họa cho hai bức chân dung của mình. Từ lúc đó Ét không dậy kèm nữa nhưng hành nghề họa chân dung cho các cụ lớn tuổi. Phong trào vẽ chân dung để dành khi hữu sự lan nhanh. Gia đình nào có cha mẹ già cũng đến nhờ Ét họa chân dung cho các cụ. Năm đó Ét làm tiền nhiều hơn cả vụ lúa gia đình ông Đọt trồng trong năm. Tiền bạc vào nhà nhiều hơn cả gia đình lam lũ. Ét càng làm ra tiền ông Đọt càng mang nặng mặc cảm tội lỗi, hối hận vì tiếng thiên hạ nhục mạ đánh con đến mang tật nguyền. Ông hứa cố gắng tìm thầy chữa mắt cho Ét.

Việc thay đổi đầu tiên trong ông là thái độ cư xử tốt lành với con cái trong nhà. Trước đây ông luôn gọi Ét là thằng ăn hại, nay ông gọi Ét bằng cậu Ét. Cái quan niệm họa hình kiếm gạo, vẽ ra tiền của ông cũng thay đổi. Ông không khinh chê nghề họa như xưa, trái lại đi quảng cáo cho nghề của Ét. Năm sau Ét làm ăn ra vì các cậu choai choai trong làng có phong trào vẽ hình gà làm kỉ niệm. Con gà nào bị đá chết thua trong trận đấu, chủ nó cũng cố gắng bòn nhặt ít tiền đến nhờ Ét họa hình mang về treo phòng khách. Ai vào nhà không biết lầm tưởng gia đình là tay đá gà chuyên nghiệp, biết cách chơi. Có tiền bạc rủng rỉnh trong túi. Ông Đọt hóa kiếp nghèo qua cách ăn vận của kẻ trưởng giả làm sang. Ông mua cho mình bộ quần áo mới, mặc vào trông lịch sự sáng sủa. Cái áo bà ba đen và cái quần sàlỏn biến mất. Những ngày đầu cái quần tây làm ông bực bội khó chịu, nó gò bó con người. Suốt ngày ông cứ mặc vào, cởi ra liên tục. Khi có khách đến nhờ họa hình, ông lại đánh bộ quần áo mới vào, khách ra khỏi cửa ông lại trụt ra. Không phải ông tiếc của nhưng mặc không quen nó gò bó, bực bội, khó chịu, ngứa ngáy. Lâu ngày quen dần. Đôi giầy mới khổ. Mỗi lần bỏ giầy ra cả nhà phải nhăn mũi vì cái mùi chuột chết lâu ngày. Không ai nói cho ông biết là đôi vớ cần thay và giặt luôn. Ông mang nó ngày này qua ngày khác, từ lúc mua cho đến lúc rách mang mạng lại chỗ rách. Không bao giờ nó được tắm gội một lần nên cái mùi chuột thối kia ướp vào đôi chân của ông.

Nơi tiệc tùng ông không còn đi đôi dép cao su mòn ngày xưa nhưng thay bằng đôi giầy da cho lịch sự. Ông giải thích ‘đi đâu phải ăn bận đàng hoàng không phải cho mình nhưng cho gia chủ được vẻ vang. Ăn bận xoàng quá chủ nhà cũng hơi ngượng’. Nếu cách giải thích trên đúng thì mấy chục năm qua ông đã làm cho không biết bao nhiêu gia đình phải ngượng về cách ăn mặc của ông trong quá khứ. Ông còn tặng cho mình một chiếc xe đạp đàn ông khung sơn màu xanh coi rất bắt mắt. Một đôi lần trong bàn tiệc câu chuyện xoay vần thế nào mà thiên hạ nhắc chuyện Ét lúc còn nhỏ. Sợ thiên hạ nhắc đến việc ông đánh con đến mang tật ông mau chóng giải thích câu ‘có tật có tài’. Đây là nguyên lí công bằng của tạo hóa. Trời gởi tật nguyền cho ai thì trời cũng cho người đó tài để tự nuôi thân. Nhiều người không đồng ý với ông Đọt nhưng không cãi lại vì mấy người trong bàn đang là con nợ nhà ông Đọt.

Đến lúc này Ét chỉ còn nhìn thấy những gì trong vòng tay với. Chàng phải khom lưng xuống mới nhìn thấy con đường đang đi trước mắt. Hai hàng cây bên đường xa lạ đối với Ét. Tiếng chó sủa chàng nghe nhưng không nhìn thấy, trừ khi con chó chạy đến trước mặt sủa vang. Ai muốn chàng họa chân dung thì phải ngồi thật sát. Ét quan sát con người đó thật kĩ như in hình bóng người đó vào trong đầu rồi truyền thần ra đôi tay. Chính vì thế mà hình chân dung của Ét trở nên sống động lạ thường. Công việc đến dồn dập chàng làm không hết. Gia đình không ai giúp được. Để cho bớt căng thẳng ông Đọt tăng giá họa hình gấp đôi rồi gấp ba thế nhưng số người đến nhờ họa vẫn đông. Ông trở thành ông bầu cho thằng con. Ai muốn họa hình không phải gặp anh họa sĩ nữa mà qua tay ông bầu. Các cuộc thương lượng giá cả, thời gian vẽ, khổ hình lớn nhỏ đều qua tay ông bầu. Ét làm ăn được là nhờ số các cụ già trong làng. Các cụ không đi phố chụp hình nhưng muốn hình vẽ. Các cụ lí luận hình vẽ có hồn hơn và lâu phai hơn. Hình chụp rẻ hơn nhưng chóng phai.

Nhìn thấy con hái ra tiền. Ông Đọt bắt đầu nghĩ đến việc chạy thuốc cho Ét được sáng mắt. Nhờ vào tiền họa hình của Ét gia đình ông đã xây được căn nhà khang trang, rộng rãi sạch sẽ hơn trước. Ông để hẳn một gian nhà phía trước làm phòng hội họa cho Ét. Gia đình chịu ở phía sau. Tuy thế ông vẫn thấy thoải mái, khang trang hơn trước gấp bội. Bây giờ thì ông Đọt tin là nghề hội họa lắm tiền hơn nghề cầy quốc mà gia đình ông từ đời nọ sang đời kia vẫn tin. Ông để dành tiền chạy thuốc cho Ét. Nơi nào nghe nói có thầy thuốc giỏi về mắt là nơi đó có dấu chân ông Đọt. Tuy thế Ét vẫn sống trong cảnh sương mù dầy đặc. Ét càng làm ra nhiều tiền ông Đọt càng thấy lương tâm cắn rứt. Ông lỡ tay đánh con đến mù lòa suốt đời. Ét không bao giờ hở môi phàn nàn hay tỏ thái độ trách móc. Ét làm ra tiền, Ét âm thầm chịu đựng cái tối tăm của mình làm cho ông Đọt càng nhức nhối, khổ sở về lầm lỡ của mình.

Đến lúc này Ét không còn nhìn thấy gì nữa. Khách đến thuê chàng họa hình cũng bớt đi nhiều. Ét chỉ có thể vẽ những hình ảnh quen thuộc mà chàng nhớ được hồi trước. Có những cụ đã qua đời năm bảy năm. Gia đình muốn có bức họa của cha mẹ nhưng nghèo không tiền thuê vẽ. Nay gia đình làm ăn khá hơn nhờ Ét vẽ theo trí nhớ. Những tấm hình như thế vừa trung thực vừa trẻ trung. Thế là Ét xoay sang vẽ chân dung trong trí nhớ. Trong số tất cả các tấm hình họa theo trí nhớ chỉ có tấm hình của ông Tạp là đáng ghi nhớ hơn cả. Năm đó ông Tạp qua đời bất thình lình. Gia đình không có tấm hình trong ngày đám tang. Người nhà ông Tạp cho người sang thuê Ét vẽ hình ông Tạp theo trí nhớ của chàng. Để cho công việc mau chóng gia đình ông Tạp đưa tiền trước lại còn trả gấp hai giá vẽ bình thường với lí do họa hỏa tốc. Ét vẽ xong nhìn tấm hình ai cũng tấm tắc khen là chính xác, giống như chụp, không sai một mảy may. Chỉ có người nhà ông Tạp là không hài lòng. Họ mang tấm hình ném trả rồi đòi lại tiền. Gia đình Ét đang đôi co thì mấy người chăn trâu ngày trước hùng tiền mua tấm hình lịch sử thời thơ ấu. Sự việc trở lên trầm trọng hơn khi bức tranh ông Tạp được mua với giá gấp mười lần giá gia đình ông Tạp thuê lúc đầu. Ét họa tấm hình thứ hai của ông Tạp theo yêu cầu của gia đình. Hình ông Tạp được họa lại trong trí nhớ của Ét nơi nương khoai. Hai mắt xếch trợn ngược lên, mắt phải toàn tròng đen; đối lại mắt trái toàn tròng trắng. Trông dữ tợn như một tay anh chị nhà nghề. Vầng trán nhăn lằn từng lớp bắt đầu hai bên thái dương rồi dúm lại nơi giữa trán trông giống hệt củ tỏi dựng ngược. Phía trên trán là mái tóc trắng ngược đời. Đường rẽ ngôi phân chia mái tóc làm hai thái cực. Bên trái tóc quăn tít hất ngược ra sau, rối như tổ đỉa xuống sát gáy. Bên phải tóc lại nằm tịt xuống phủ mất một bên tai. Nhìn vào tấm hình người ta mường tượng ra người một tai. Trên khuôn mặt một cánh mũi phồng to, một cánh xẹp ép xuống vặn méo khuôn mặt đầy đặn thành mặt anh hề có con mắt to, mắt nhỏ trông thật hài hước. Đôi môi cong cớn lạ lùng. Môi trên cong hếch lên từ phía cánh mũi bên phải. Môi thâm phía dưới dề ra, trễ xuống phía mép, khóe góc trái hơi chúm lại trong tư thế một người sắp mửa, còn để lòi mợt chút lưỡi lè ra ngay chỗ ba cái răng bị gẫy thời còn trẻ. Hai ba sợi gân cổ to như chiếc đũa cong dán chặt lấy cần cổ, chạy quanh qua cái má bạnh ra rồi nhỏ dần biến sau thái dương.

Người nhà ông Tạp cho người đến lấy hình về làm đám ma. Ét có tiếng họa hình truyền thần nên khi lấy hình về không ai để ý soi mói. Cả gia tộc đang lo chuyện nhà héo nên không ai quan tâm hình đẹp xấu. Tấm hình được gia nhân mang về để ngay đầu quan tài, phía dưới là hương nhang nghi ngút. Bên cạnh đó bà Tạp ngồi khóc chồng. Đối lại bên kia là một hàng vừa con vừa cháu đến hai chục người gục đầu bên cạnh quan tài. Cái lạ lùng của tấm hình truyền thần là nếu nhìn thẳng thì ông Tạp là người nhân hậu, khuôn mặt hiền lành phúc hậu. Nếu nhìn xéo thì khuôn mặt lại phản ảnh khuôn mặt một anh hề. Nếu nhìn xéo hơn nữa thì khuôn mặt ông là khuôn mặt của một tướng cướp, cái mặt vênh lên lộ rõ chân tướng một tay chuyên hà hiếp người cô thế. Người nhà ông Tạp nhìn thẳng vào bức họa và hài lòng với những gì Ét họa cho.

Trong khi những người đến tham dự đám táng nhìn xéo rồi kháo nhau, một đồn mười, mười đồn trăm. Cứ thế lan ra hết làng trên xóm dưới. Chính vì cái nét đặc biệt đó mà người nhà ông Tạp nhận không ra khi nhìn thấy bức họa.

Đám ma ông Tạp to, có số người đi đưa đông vì thiên hạ là con nợ gia đình ông. Số người đi xem vì tiếng đồn hình ông Tạp hóa kiếp cũng đông ngang số người đi đưa đám. Những người đi đưa đám tương đối nghiêm trang, tôn trọng người quá cố. Kẻ đứng vệ đường không cần ý tứ gì hết chỉ lại trỏ rồi kháo nhau cười, người lùn, con nít cố chen lấn coi cho bằng được bức họa ông Tạp để còn góp ý với người đứng xem. Khung cảnh vệ đường xốn xang như một buổi rước. Người ta gọi nhau ơi ới nhắc nhở xem kìa ông cụ phúc hậu đang biến thành anh hề. Đám tang đi được mươi bước thiên hạ lại kháo nhau đằng sau anh hề là tên tướng cướp đến ngày trả nợ.

Người đi tham dự đám ma ông Tạp mang nhiều cảm tưởng trái ngược nhau. Người trai cả đội khăn trắng phủ quá gót hai tay trịnh trọng bưng hình bố đi trước quan tài. Những người đi dự đám đứng xéo nhìn tấm hình anh hề do một người thảo não trịnh trọng bưng đi. Không sao nín cười được. Trong khi đó kẻ đứng xéo hơn thì nhìn hình ông Tạp là hình một tên tướng cướp được mang đi chôn. Dân làng còn mong đợi gì hơn, vui hơn khi một tướng cướp qua đời. Cảnh thanh bình trở lại.

Sau ngày an táng. Cứ thế thiên hạ kháo nhau. Thân nhân ông Tạp nghe những lời kháo đó nhưng làm sao được khi vừa chôn người nhà. Tiếng dân làng kháo quá bà Tạp nhịn không được. Bà triệu tập gia đình lại tìm cách đối phó. Khi gia đình ngồi lại nghiên cứu xem xét, tỉ mỉ. Quả nhiên những điều đồn thổi không sai chút nào. Bà quả phụ Tạp vừa nhìn xéo bức họa bà đã quát lên.

‘Mang ngay lại trả nó. Đòi tiền về cho tao’.

Một vài người thân nhân hùng hổ còn đòi đến đánh cho Ét một trận cho hả giận. Bà Tạp lườm họ rồi lên tiếng. Ngày trước còn được bây giờ thanh thế nhà nó to rồi động đến nó không xong đâu. Nói xong bà ra lệnh cho con ở khiêng hình đi trả.

Hai người con ở nhà ông Tạp khệ nệ khiêng ngay bức tranh lại trả Ét. Con cả ông Tạp thủng thẳng đạp xe theo sau đến lấy tiền. Đang đôi co thì có người lại đòi mua cho kì được. Ông Đọt cầm tiền trao lại cho con trai ông Tạp; trong khi đó tay trái lại nhận tiền của nhóm người kia. Thế là sự việc đi đến đôi co. Mấy người kia chẳng phải ai xa lạ mà chính là con cái của con nợ của gia đình ông. Cha mẹ họ vay tiên ăn lãi cắt cổ của ông cho con đi học, những người này thành tài. Bây giờ họ thành ông, có gia đình hẳn hoi, có việc làm vững chắc nên hùng tiền mua bức tranh làm kỉ niệm đời chủ nợ.

Thực sự Ét không chủ tâm trả thù ông Tạp. Trong đầu chàng chỉ có được những hình ảnh đó. Khi bà Tạp nói vẽ hình ông Ét hơi lưỡng lự vì chàng chưa bao giờ nhìn thấy ông Tạp trong lúc thảnh thơi, thoải mái, dáng vẻ hiền lành. Lúc vẽ chành nhớ đến hình ảnh ông Tạp giận giữ chửi bọn chăn trâu. Khi bị bố đánh anh nằm bệnh viện tưởng tượng ra khuôn mặt ông Tạp đến nhà đòi nợ. Hình ảnh cuối cùng là hình ông Tạp có lần bắt nợ. Mình ông vác nguyên cái chõng nhà bà Tí. Cái chõng nặng đè trên lưng khiến ông vác lẽ lưỡi ra, mặt đỏ xạm lại và gân cổ nổi lên vì sức nặng của chõng. Ét không sao xóa bỏ được cả ba hình ảnh đó. Chàng liên kết cả ba hình ảnh có được trong trí nhớ vào đôi tay điêu luyện trời ban. Chính vì thế mà trong hình tương phản hình ảnh ba người trong một bức tranh. Thực tế Ét không thù oán gì ông Tạp nhưng hình ảnh chàng có được không sao xóa tan trong đầu và hình ảnh đó chỉ phản ảnh những gì chàng ghi nhớ về một con người. Bà Tạp cũng không vừa gì. Bà tính toán hơn thiệt với hai lí do khi mời Ét họa hình cho ông. Một là bà muốn thử xem Ét thật tình đến đâu khi vẽ hình cho ông trong ngày an táng. Hai là bà muốn có một tấm hình đoàng hoàng cho chồng con để khỏi mang tiếng với đời. Bà cho đầy tớ đến đón Ét về nhà họa hình chồng theo ý bà hướng dẫn. Tốn bao nhiêu cũng được, không quản ngại miễn là ý bà được thể hiện, họa được tấm hình vừa ý. Ông Đọt tham số tiền lớn vì mục đích riêng. Mục đích của ông là có thật nhiều tiền để chữa mắt cho Ét. Do đó ông không ngại khi dẫn con đến nhà bà Tạp. Bà Tạp ngồi trên phản gỗ, bên phải là khay trầu, phía trái là Ét ngồi gọn, lọt tỏm trong chiếc ghế tràng kỉ. Ông Đọt ngồi cạnh con làm phận sự một thông dịch viên cho Ét. Hình ông Tạp được phác họa sơ rồi đưa cho bà Tạp coi. Bà Tạp cẩn thận hơn sợ bị hố lần nữa bà coi bức họa ngang, dọc, dựng ngược dựng xuôi, đứng thẳng, đứng ngang cho thật kĩ bức họa trước khi trao bức họa cho Ét nhỏ nhẹ: cậu làm ơn sửa lại con mắt cho nhà tôi. Đôi mắt ông nhà tôi đâu có dữ tợn như vậy. Mới nhìn qua thì có nét giống ông nhà nhưng nhìn lâu thì thấy xa lạ quá. Ông Đọt cũng thấy như vậy nếu để đúng như nét họa của Ét thì còn giống nhưng sửa theo lời đề nghị của bà Tạp thì không giống chút nào. Ông Vọt nói ngọt ‘con sửa đôi mắt cụ lại trông cho có vẻ phúc hậu, đúng dáng dấp của cụ nhà. Ét ngồi yên lắng nghe rồi cầm cọ sửa lại. Chàng cố nhớ hình ảnh hiền lành của ông Tạp. Trong đầu chàng không bao giờ ghi nhớ đôi mắt phúc hậu của ông. Ét sửa chưa kịp bỏ cọ xuống. Bà Tạp liếc qua nói nhanh. Đây là đôi mắt của người xung máu, sắp sửa đánh nhau thì đúng hơn. Ét lại sửa theo gợi ý của bà Tạp. Đến lần thứ ba bà vẫn chưa vừa ý nhưng tạm chấp nhận. Bà Tạp không còn ngôn từ nào diễn tả cho Ét hiểu được ý bà muốn nên đành chấp nhận. Sang đến cái miệng. Bà muốn sửa cho miệng ông trông sang trọng một chút, không đến nỗi dề ra như miệng của người sắp sửa ói. Ét sửa lại trông giống miệng một người đang ngáp sau giấc ngủ trưa. Chàng sửa thêm lần nữa thì đúng là miệng thằng say. Sang lần thứ tư miệng ông Tạp có đôi môi mím lại hai hàm răng cắn khít nhau giống miệng anh nhà giầu khinh người, cao ngạo, riết róng, keo kiệt. Đó là tất cả những hình ảnh Ét ghi nhớ được nơi con người ông Tạp. Chàng không thể tưởng tượng ra được hình cái miệng dễ thương của ông. Tuy tài giỏi nhưng chàng chỉ có khả năng họa ra những gì đã ghi nhớ trong đầu. Bà Tạp biết rõ Ét không thể nào vẽ được tấm hình phúc hậu của ông. Bà thở dài bỏ đi.

Ét mệt nhừ người, chàng vã mồ hôi trán, hai tay run lên vì suy nghĩ cố hình dung hình hiền lành có được trong đầu của ông Tạp. Chàng ngồi lung lắm, như kẻ xuất thần rồi lắc đầu nguầy nguậy nói cho chính mình nghe, không có được, không ghi được bao giờ hình ảnh hiền lành, nhân đức ấy. Ông Đọt hiểu ý con nhắc khéo đồng tình. Đúng vậy, đời bố cũng chưa thấy ông ấy nhân lành với ai bao giờ. Thôi thì cứ chiều theo ý cụ bà vậy. Điều này ngoài khả năng của Ét. Chàng không thể làm được điều chàng không nhớ. Nếu chàng còn nhìn thấy họa may chàng có thể tưởng tượng ra được hình ảnh nào. Đàng này vẽ trong trí nhớ. Nhớ sao vẽ vậy nên không chiều ý bà Tạp được.

Cuối cùng hình ông Tạp vẽ xong do ông Đọt gợi ý, chỉ đạo. Ông Đọt ngồi cạnh con gãi đầu, gãi tai. Trong khi đó Ét ngồi thừ người ra không biết làm thế nào. Bỏ họa hình cho ông Tạp thì mất mối bở mà họa hình ông theo ý bà thì khó quá. Trong cơn bĩ cực, ông Đọt vò hai tay vào nhau tìm cách giải quyết. Ông cố nhớ hết người này đến người kia xem có ai trông dáng dấp giống ông Tạp. Không một ai cả. Người giống tướng đi nhưng khác khuôn mặt. kẻ giống vành tai nhưng khác đôi mắt. Một ý kiến đến trong đầu. Ông Đọt nảy ra ý kiến thủ thỉ vào tai Ét. Con hình dung ra hình miệng bà cụ Bất mà vẽ, miệng cụ trông khôi hài nhưng tươi lắm. Vẽ cho môi dưới dầy ra một chút cho giống môi đàn ông. Đôi tai thì nhớ lại đôi tai cụ Chỉ. Đôi vành tai lớn vành tai của người làm quan. Mắt thì đôi mắt cụ Nhân là đẹp, tinh anh hơn cả. Cằm phúc hậu thì cằm ai nhỉ. Đúng rồi cằm bà cụ Nhất nhưng họa cho cằm đầy ra một chút là giống cằm đàn ông. Họa đầy chỗ cằm trái tim chẻ đôi là giống cằm ông Tạp. Mỗi lần nhắc đến tên người nào Ét lại ngồi cầm cọ suy nghĩ, nhớ ra người đó rồi chàng vẽ không chút do dự. Những gì trong đầu chàng lướt nhanh qua cây cọ, chạy tới, chạy lui, đôi khi vuốt ngược lên khi hạ thấp xuống dăm bảy lần là xong.

Bà Tạp đi đâu về miệng nhai ngót ngoét miếng trầu gật gù nói. Không giống miệng ông nhà lắm nhưng cũng không quá thô, cục mịch. Cụ nhà ít cười lắm nhưng nhìn vào hình ai cũng tưởng tượng ra cụ là người vui tính, hòa nhã với mọi người. Nếu sửa cho nghiêm chút nữa thì tốt hơn. Nhưng thôi, sửa không khéo lợn lành hóa ra lợn què mất. Mắt không được sang như lúc cụ còn trai trẻ nhưng đầy tinh anh, hàm chứa một túi khôn. Đôi vành tai kia đúng là tai tướng công, không làm quan đại thần cũng đứng hàng khanh tướng. Bà hài lòng với tấm hình mang dáng dấp phúc hậu, nhân lành của một cụ già nhân đức, chồng bà.

Những người tinh ý sẽ thấy rõ hình họa cụ Tạp là những vay mượn từ năm bảy người khác ghép lại. Cái giỏi của Ét là ghép lại thật khéo từng phần tạo nên khuôn mặt mà những ai chưa gặp ông Tạp không thể biết đây là di sản vay mượn của nhiều người khác nhau. Cái trớ trêu trong hình đối lại với cuộc đời của ông Tạp. Suốt đời ông Tạp chuyên môn đi đòi nợ thiên hạ. Sau khi chết hình ông Tạp lại được mượn miệng người này, tai người kia, mắt người nọ, mũi người đó ghép lại làm thành tấm hình ông. Oái oăm thay những phần trên khuôn mặt này có vay mà chẳng bao giờ trả. Làm sao diễn tả thực sự cuộc đời chuyên đòi nợ của ông Tạp.

TÌM BÀI CŨ :

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html
Lm Vũđình Tường