PDA

View Full Version : Hãy là người biệt phái trong cuộc sống và là người thu thuế trong Đền Thờ.



Dan Lee
10-30-2007, 12:19 PM
Bài chú giải Tin mừng Chúa nhật 28.10.2007

của Giảng sư Nhà Giáo hoàng, Linh mục Raniero Cantalamessa OFM Cap.

Xin đọc Luc 18, 9-14.

Đức Giêsu chỉ cho chúng ta hai cách thức quan niệm phần rỗi.

Bài Phúc âm chúa nhật này là dụ ngôn người biệt phái và kẻ thu thuế. Câu đầu tiên đã làm tròn nhiệm vụ giới thiệu nhân vật : “Hai người lên Đền Thờ cầu nguyện. Một là biệt phái, người kia là thu thuế”. Và ở kết cục của câu chuyện, cũng chỉ một câu đã gọt dũa thật đẹp lời mô tả : “Người sau cùng trở về nhà, và trở nên công chính; chứ không phải người đầu tiên”.

Người ta thường nghĩ rằng thầy biệt phái là người tốt, là người “ không thể trách vào đâu được về sự tuân thủ những điều phát xuất từ lề luật” và cho rằng thầy biệt phái chỉ có lỗi duy nhất là thiếu khiêm nhượng. Điều này chưa hẳn đã là chính xác lắm. Đức Giêsu kể dụ ngôn này “cho một số người tự cho mình là công chính : không phải cho những kẻ đã công chính, mà là cho những kẻ tin rằng mình là người công chính”. Trong thực tế, thầy biệt phái đã làm gì ? Thầy biệt phái đã chế cho mình một thứ đạo đức như bộ áo hợp với riêng mình. Người biệt phái đã xác định cho chính họ đâu là những điều mà người ta có thể dựa vào đó để quyết định ai công chính, ai không; ai tốt, ai dữ dằn. Những điều quan trọng là những điều mà họ làm và người khác không làm : ăn chay, nộp thuế thập phân … Người biệt phái đã thực hiện một bức chân dung tự họa. Từ cách thức này, họ luôn hãnh diện tất thắng trong những lần đối chất. Họ không nhận ra rằng mình đã quên đi việc đưa vào trong bức tranh tự họa này một điểm rất quan trọng của Lề luật, đó là tình thương tha nhân.

Nhưng thái độ của thầy biệt phái còn đáng thương hại hơn vì một lý do còn trầm trọng hơn nữa, đó là : thầy biệt phái đã đảo ngược vai trò giữa Thiên Chúa và ông ta. Ông ta đã biến Thiên Chúa thành một “con nợ” (còn có nghĩa là “người chịu ơn, mang ơn”- ND) và biến mình thành “chủ nợ” (còn có nghĩa là “kẻ gia ân”-ND) ! Thầy biệt phái đã thực hiện vài hành vi tốt rồi sau đó trình diện trước mặt Thiên Chúa để đòi nhận những gì ông ta đáng được nhận ! Vậy, trong trường hợp này, Thiên Chúa còn có thể làm được điều gì lớn lao và lạ thường hơn nữa ? Không có gì hơn nữa cho bằng Ngài đành làm như một kẻ bán hàng, là giao trả hàng hóa cho kẻ đã trình cho Ngài cái “phiếu tính tiền” (ticket de caisse) !

Bây giờ chúng ta cùng chuyển mục tiêu về người thu thuế. Kẻ thu thuế này không “đọ sức” với người khác như thầy biệt phái đã làm, nhưng ông ta đã tự đánh giá mình với chính mình và với Thiên Chúa. Ông ta không dám bước lên Bàn Thờ vì tự cho mình bất xứng, không đáng đến gần Thiên Chúa – thậm chí ông không dám hướng mắt lên trời. Ông đấm ngực. Và tự thâm tâm ông phát ra một lời nguyện ngắn hơn rất nhiều so với lời nguyện của thầy biệt phái kia. Nhưng ông ta đã đặt vào lời nguyện ấy cả tấm lòng ăn năn và khiêm hạ : “Chúa con ơi, xin thương đến đứa có tội là chính con đây !”.

Đức Giêsu chỉ rõ cho chúng ta hai cách thức quan niệm ơn cứu độ khác nhau về căn bản : hoặc xem ơn cứu độ như một cái gì đó mà con người nghĩ rằng họ thực hiện được bằng chính sức riêng họ, hoặc xem ơn cứu rỗi như một tặng vật của ân sủng và lòng nhân từ Thiên Chúa. Hai cách thức quan niệm ơn cứu độ này vẫn còn hiện diện và công hiệu trong toàn cảnh tôn giáo ngày nay. Nhiều người gọi là “có những cách giữ đạo mới” – hiện tại đang rất thịnh hành – quan niệm ơn cứu độ như một cuộc chinh phục cá nhân, nhờ vào những kỹ thuật suy niệm, vào những tập quán dinh dưỡng, hay nhờ vào một vài kiến thức triết lý riêng biệt. Niềm tin kitô quan niệm ơn cứu rỗi là ơn nhưng không của Thiên Chúa trong Đức Giêsu-Kitô, điều này chắc chắn đòi hỏi nỗ lực cá nhân và tuân giữ giới răn Thiên Chúa, nhưng những nổ lực cá nhân và tuân giữ giới răn này phải được xem như là sự đáp trả những ân sủng Thiên Chúa hơn là nguyên nhân để nhận được ân sủng.

Bây giờ chúng ta hãy áp dụng dụ ngôn này cho chúng ta. Không ai, hoặc hầu như không ai, theo mãi hoặc về phía thầy biệt phái hoặc về phía người thu thuế. Phần lớn chúng ta đều là một ít biệt phái và một chút thu thuế. Điều tệ hại nhất là chúng ta xử sự như người thu thuế như trong đời thường của họ và như thầy biệt phái đang ở trong Đền thờ. (Trong đời thường), các người thu thuế đã bị xem – và quả thật họ là như thế – như những tội nhân, là những người không ngại ngùng đặt đồng tiền và các vụ áp-phe lên trên tất cả. Ngược lại, – trong đời sống thực tế – các thầy biệt phái cũng rất khổ hạnh và tôn trọng Lề luật. Vậy chúng ta đang giống người thu thuế trong đời thường và giống các thầy biệt phái trong Đền Thờ : giống người thu thuế, chúng ta là những tội nhân và, giống thầy biệt phái trong Đền Thờ, chúng ta tin mình đã công chính.

Nếu chúng ta phải cam chịu mình đang là một chút biệt phái và một chút thu thuế, thì mong sao chúng ta là như thế nhưng với cách ngược lại : chúng ta hãy là thầy biệt phái trong cuộc sống thường ngày và hãy là người thu thuế trong Đền Thờ ! Như thầy biệt phái, trong mọi ngày sống, chúng ta hãy ra sức không trộm cướp, không bất công và chẳng ngoại tình; chúng ta hãy ra sức tuân giữ tốt hơn giới răn Chúa Trời. Như người thu thuế – lúc trình diện trước Thiên Chúa – chúng ta hãy nhận chân rằng : một chút ít mà chúng ta thực hiện được đều toàn là tặng vật của Thiên Chúa, và hãy cầu khẩn lòng nhân hậu của Ngài cho chúng ta và cho cả tha nhân.

Theo Zenit, 26.10.2007

Trương Văn Tiến