PDA

View Full Version : KHÔN KHÉO ĐỊNH LIỆU



Dan Lee
09-18-2007, 06:56 AM
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN, năm C

KHÔN KHÉO ĐỊNH LIỆU

Lc 16, 1-13

Thánh Phêrô được coi là con người dân dã,bộc trực, can đảm nhưng lại nhát đảm khi cần phải đương đầu. Thánh Phaolô xem ra hung hăng nhưng lại mau nhận ra tiếng Chúa. Hai vị thánh đều được Chúa yêu thương và Giáo Hội cung kính bởi vì các Ngài là những người đã biết khôn khéo định liệu những gì là cần thiết, những gì là quí trọng cho cuộc đời. Các Ngài đã coi thường của cải vật chất, địa vị, danh vọng để bước theo Đức Kitô và làm chứng cho Người. Các Ngài đã biết lo cho tương lai, coi thường mạng sống để loan báo Đức Kitô.Tin Mừng Chúa nhật XXV thường niên, năm C đề cập đến sự khôn ngoan để luôn luôn tích cực xây dựng Nước Thiên Chúa.

CÁI KHÔN NGOAN CỦA CON CÁI THẾ GIAN :

Dụ ngôn mà Đức Giêsu đưa ra hôm nay dựa trên một cuộc biển lận xẩy ra trong bất cứ thời nào, xã hội nào vv…Chúa Giêsu quả thực không có ý tán thành việc biển lận của người quản lý. Chúa chỉ khen cung cách giải quyết vấn đề của người quản lý là khôn ngoan. Ông đã biết mở mắt nhìn xa, thấy rộng để tìm phương thế cho hoạn nạn và những bất trắc sắp ập xuống trên ông.Ở đây, chúng ta có thể nghiệm ra rằng tại sao con cái thế gian lại biết khôn ngoan dùng tiền của phi nghĩa, bất lương để giải quyết vấn đề sao cho ổn thỏa, sao cho có lợi cho họ, tại sao con cái sự sáng lại không biết dùng tiền của nhỏ nhoi của mình để chia sẻ, để trao ban cho người nghèo, người túng quẩn hầu có thể xây dựng cho mình Nước Trời mai sau ? Chúng ta có thể rút ra từ dụ ngôn này bài học:” Con người phải biết tận dụng thời gian, biến tất cả thành cơ may để gặp gỡ Chúa Kitô và xây dựng Nước Thiên Chúa. Tin Mừng nói :’”Ai trung tín trong việc nhỏ, sẽ được trao việc lớn”. Biết dùng của cải đời này theo ý Chúa, chắc chắn con người sẽ đạt được Nước Thiên Chúa. Thái độ của con người thường là nổi loạn, buông xuôi, than trách khi gặp khó khăn, thử thách, khi gặp đói nghèo, bệnh họan, thiếu hụt. Chúa Giêsu luôn luôn khuyên con người phải có thái độ bình tĩnh, điềm tĩnh để nhận định, để biến những khó khăn, bất toàn, biến những thử thách, đau khổ thành cơ may đưa đến một điều cao quí hơn, đẹp hơn, tốt hơn. Thánh Phêrô khi biết mình chối Chúa ba lần, Ngài đã không thất vọng, buông xuôi như Giuđa Iscariốt mà Ngài đã ăn năn, khóc lóc biến bất hạnh trở thành cơ may hạnh phúc cho mình. Thánh Phaolô cũng thế, khi bị Chúa đánh cho té ngựa ông đã không chùn bước, bỏ cuộc mà đã biết quay về với lời mời gọi của Thiên Chúa.Điềm tĩnh va khôn ngoan là biết nhìn cách lạc quan những thất bại, mất mát trong cuộc đời, cuộc sống. Thánh Phaolô đã có cái nhìn lạc quan khi nói:” Đối với những ai yêu mến Chúa, thì mọi sự đều dẫn về điều thiện “.

CON MẮT CỦA CHÚA KHÁC VỚI CON MẮT CỦA CON NGƯỜI :

Sống ở trần gian này, con người thường nhìn nhau theo thứ tự, địa vị, danh vọng, bằng cấp và những tiện nghi hàng ngày, tuy nhiên, Thiên Chúa lại nghĩ khác, trong tình yêu của Ngài tất cả đều là ân huệ, tất cả đều là hồng ân. Người quản lý bất lương được Chúa khen vì đã biết sử dụng tiền của ông chủ để kiếm thêm bạn bè bảo đảm cho tương lai của anh ta. Chúa không dây con người học thói tham lam biển lận của người quản lý bất lương, nhưng là học sứ khôn ngoan, cố gắng, phòng xa như người quản lý trong Tin Mừng. Con người, loài người hãy tín thác cho Chúa, đón nhận mọi biến cố, mọi thử thách, đau khổ, khó khăn như lời mời gọi yêu thương của Chúa. Tin tưởng vào Chúa, cậy trông vào Người. Khác với những gì con người ước đoán, tưởng tượng, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người.

Do đó, chỉ khi nào con người biết chia sẻ, trao ban, đừng khư khư như người thanh niên giầu có trong Tin Mừng:” Anh ta không dám bán gia sản, của cải để phân phát cho những người nghèo vì anh ta có quá nhiều của cải”, con người mới thực sự là những quản gia làm theo ý chủ, những quản gia trung tín, đoán trước và khôn ngoan theo đúng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Và chỉ khi nào con người biết biến tất cả thành cơ may cho tình yêu của Thiên Chúa, con người mới thực sự làm tôi Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhận ra những gì là mau qua, là tạm bợ để chúng con biết dự trữ những gì là quí giá, là vĩnh cửu cho đời sống mai sau. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT