PDA

View Full Version : Phiếm luận về thơ văn Việt Nam



my lady
09-12-2007, 09:29 AM
Thu Nguyệt và triết lý ‘Cả đời làm một cuộc rơi không thành’


Phạm Lưu Vũ



Tập thơ bìa cứng, trang nhã một màu vàng nâu, mới nhìn tưởng như một mảnh... ván ép. Trong ruột tuyền một loại giấy dày, trình bày giản dị, thậm chí cố làm như cẩu thả, sơ sài. Tên tập thơ, hai chữ: “Theo mùa” chân phương, viết tay như thể bằng bút chì, ngay dưới bức tranh thiếu nhi thu nhỏ như cũng được nguệch ngoạc bằng bút chì.

Bức tranh của một cô bé tám tuổi cực kì ấn tượng. Tất nhiên không thể thiếu mấy chữ: “thơ thu nguyệt” (không viết hoa) nhỏ li ti nhìn tinh mới thấy, lại chia thành từng chữ cái mà trình bày theo hàng dọc, nom như bóng của một... cây tăm.

Thế mà bên trong lại chẳng “tăm” tí nào. Tôi phải lấy ngay câu hay nhất, trong một bài thơ vào loại tuyệt bút của tập thơ làm “tít” cho bài viết này. Câu: “Cả đời làm một cuộc rơi không thành”. Bài thơ có tên: lá giả. Nguyên văn như sau:

Sống dai hơn lá ngoài trời
Cả đời làm một cuộc rơi không thành

Gió đùa không biết rung rinh
Nắng mưa không thấm, trơ mình mà xanh
Giọt sương cũng giả long lanh
Hình như chỉ bụi đeo quanh thiệt lòng!!!


Bạn đã thấy hồn vía của lục bát chưa ? Nhuyễn đến mức làm người ta quên rằng mình đang đọc một bài... lục bát. Nhưng trên hết là cái tư tưởng xuất thần của tứ thơ. Té ra con người làm ra những chiếc lá giả (bằng ni lon, bằng vải...) chẳng qua là một cách mô phỏng chính... cái kiếp người. Phật dạy kiếp trần tục chỉ là tạm bợ, là giả. Thì có khác gì chiếc lá bằng nilon, bằng vải... ấy. Tất cả đều là giả hết. Giả từ màu xanh cho đến sự long lanh... Nhưng mà cái thứ bám vào là bụi, bụi đời kia thì... có thật. Bài thơ ngắn, nhẹ nhàng mà thấm thía. Câu: “Cả đời làm một cuộc rơi không thành” có thể ám ảnh bất cứ người nào (chẳng may) đọc phải.

Cần phải nói rằng trong “phong trào” mới mẻ, cách tân, phá phách... thi ca, chữ nghĩa, văn chương sôi sục, lục bục như một nồi cháo khê vĩ đại hiện nay, Thu Nguyệt là một nhà thơ trẻ vẫn bình tĩnh giữ cho mình một giọng điệu truyền thống. Có vẻ như nữ sĩ này cho rằng hình thức, giọng điệu không quan trọng. Quan trọng là có cái gì ở trong “thơ” hay không. Không chọn trước giọng điệu, tôi biết có nhiều người làm thơ như thế. Cứ mặc cho cảm xúc nó “hạ” ta xuống “con đường” nào, ừ thì đi theo “con đường” đó. Mọi “con đường” đều dẫn tới... thi ca! Một tập thơ gồm bốn mươi tám bài, có đến ba phần tư (ba mươi sáu bài) viết dưới thể lục bát. Vậy mà đọc vẫn không nhàm. Bài theo mùa mở đầu tập thơ, chính là nói đến cái “tâm” ấy của nhà thơ. Một thứ “tuyên ngôn” giản dị của một tâm hồn nữ sĩ:

Lòng người chẳng hạ chẳng đông
Lòng ta hạt nhớ đem trồng đất quên

Cây đời ta mọc mình lên
Ngả nghiêng rồi cũng làm nên bóng tròn
Lẽ thường nắng tắt mưa tuôn
Ta không có bóng vẫn còn có ta
Không cần trái, chẳng cần hoa
Xanh xanh vài chiếc lá là có cây

Lộc non chăm chút tháng ngày
Vậy rồi...
ta thả lá bay theo mùa.


Bạn cứ đọc tiếp tập thơ đi, rồi bạn sẽ tin rằng Thu Nguyệt đã đạt tới cái “nhẽ” của một nỗi lòng tâm thế. Những bài thơ, những câu thơ không còn mang “giới tính” của người đã sáng tạo ra nó. Đây là điều khác biệt hẳn đối với đa số các nữ thi sĩ ở xứ ta hiện nay. Thơ của các “nàng” đọc một bài, thậm chí một câu cũng biết ngay đó là của một nhà thơ nữ. Nếu không xưng “em”, thì cũng có gì đó điệu đàng như được phớt qua son phấn, thậm chí có “nàng” còn không ngần ngại lôi cả “của quý” của mình vào thơ. Thơ Thu Nguyệt hoàn toàn không giống như thế. Cả tập thơ chỉ hai ba bài có chữ “em” thì hình như lại để ở ngôi... thứ hai. Ngôi thứ nhất trong mấy bài ấy vẫn là chữ : “Ta”. Cứ như thơ của một chàng trai tặng cho người tình của mình vậy. Ví dụ bài gió tan:

Luôn vòng tránh nẻo bình yên
Tình yêu, ngọn gió luôn quên bầu trời
Biết lòng gió chỉ vậy thôi
Mênh mông em vẫn bầu trời đa đoan

Vẫn thừa một ánh trăng sang
Vẫn dư một mặt trời khan ngắm mình
Rối ren ngàn ánh sao xinh
Lung tung hàng triệu thứ tình không đâu

Ta tìm hoài gió trong nhau
Gió tan lại miệt mài đau suốt đời
Ta quên có một bầu trời
Bên ngoài ngọn gió có rồi lại tan...


Kể ra bài này vẫn có chút gì lý sự, làm dáng chữ nghĩa, phảng phất một giọng thơ học trò. Cái gì mà “ánh trăng sang”? rồi lại “ánh sao xinh”?... Nhưng đến mấy câu trong bài ngoái sau đây thì các bậc mày râu thi tửu xưa nay chắc cũng viết đến thế là cùng:

...
Kẻ ngông bày ra rượu
Người trí bày ra trà
Ta không ngông không trí
Trà rượu đều chán ta.
...


Đã tâm thế thì không thể không triết lý. Con người trôi theo dòng chảy cuồn cuộn của cuộc đời thật khó mà nhận ra một cái gì đó của riêng mình. Thu Nguyệt viết về cái triết lý ấy rất giản dị mà rõ ràng. Bài thơ có tên: miền không bay:

Ta là cái kiếp thiên di
Nương theo lực hút mà đi theo đàn
Thuận theo thời tiết mùa màng
Một chiều trở chứng rẽ ngang thình lình

Xứ xa đứng hót một mình
Thấy hoàng hôn giống bình minh lạ lùng

Quay về lực hút đàn chung
Phận non thì phải bay cùng thế thôi
Lâu lâu làm chuyện ngược đời
Tách đàn ra đứng khơi khơi...
lại vào!

Lạc đàn ta chẳng muốn đâu
Mà sao thi thoảng cứ nhào ra riêng

Gió lùa theo hướng chữ DUYÊN
Ta bay chung để đến miền không bay.



Tôi có thói quen đọc thơ khác với đọc tiểu thuyết. Tiểu thuyết thì phải đọc lần lượt từ trang đầu đến trang cuối, hết tập nọ rồi mới đến tập kia. Thơ thì không cần phải như thế, thậm chí không nên như thế. Một tập thơ có thể đọc bắt đầu bằng bất cứ trang nào, bất cứ bài nào, thậm chí câu nào. Mở ra rồi gấp lại. Gấp lại lại mở ra... Cái kiểu đọc ấy rất thú, nó không làm ta nhàm chán đã đành, lại rất dễ “tóm” được những câu thơ hay. Chẳng hạn:

Biển ngàn năm vẫn mênh mông
Ta ngàn năm vẫn nghe lòng cạn khô.
- Bài cạn trang 18

Hoặc:

Núi rừng cứ đẹp trơ trơ
Làm cho ta bỗng nghi ngờ chính ta...
- Bài mỏi mòn trang 27

Hay là:

Gió nương mái cũ đi nhờ
Hiên nhà dấu nước vẫn chờ giọt mưa.
- Bài vẫn y trang 25

Đến những câu như thế này thì thật thích:

Hình như núi sững sựng buồn
Mây bay trần tục như luồng khói xe.
- Bài mốt trang 13
...


Tập thơ còn có hai bài lục bát, hiện đại bởi dùng ngay những thuật ngữ vi tính, biến ngôn ngữ trên bàn phím, trên màn hình máy vi tính thành ngôn ngữ thơ rất khéo, rất tài hoa. Bài keyboard thơ:

Ta cầm tinh tuổi con mèo
Vừa đì lít (delete) đã vội seo (save) nỗi buồn

Việc đời nửa nắm nửa buông
En tơ (enter) vừa mất, cuống cuồng ân đu (undo)
Cắt dán (cut paste) dữ liệu lu bu
Phai (file) tình, phai nghĩa... không lưu cũng đầy!
Muốn được an (alt) cũng bó tay
Đời như kiếp chuột (mouse) cứ xoay vòng vòng...”

Bài không cần password:

“Ta mong mở cổng niềm vui
Mà không biết password đời đặt ra...”


Tôi cũng đã từng đọc tạp văn của nữ thi sĩ này. Một giọng Nam Bộ rất chi là tự nhiên, máu thịt. Thơ của chị cũng thế. Có những câu thơ tỏ ra hơi dễ dãi, nhưng vì âm hưởng vùng quê của nó mà vẫn không nỡ trách:

Cái trò tát nước đầu đình
Bỏ quên áo xống linh tinh mắc cười...

- Bài chỉ một chữ HƯ


Đến cái tên bài thơ đôi khi cũng giản dị như một câu nói miệt vườn. Bài vậy cũng ngon rồi:

Cám ơn chiếc dép người kê
Cho ta ngồi giữa bốn bề cỏ hoa
Bàn chân nhấm dấu đường xa
Dép ngồi sát đất có mà như không!

Dẫu sao còn một chút lòng
Cho nhau tựa giữa mênh mông cuộc đời.
Đâu cần dép phải đủ đôi
Chỉ cần một chiếc kê ngồi cũng ngon!



Chỗ ngồi này hẳn là ngồi thiền, không thì cũng ngồi bên cạnh chùa. Thiền thì không thể có đôi. Ngồi bên chùa thì chớ ngại lẻ loi. Tập thơ còn có mấy bài viết về thiền, về chùa song chưa có ấn tượng mấy. Chắc tại hồn vía thơ của những vị đại sư kiêm thi sĩ như Mãn Giác thiền sư, Trần Nhân Tông... vẫn còn văng vẳng đâu đây chăng?

my lady
09-12-2007, 09:33 AM
Lai rai chử nghĩa



Trong một kỳ trước đây, Lẩm Cẩm đã mua vui qúy vị trong giây lát về chuyện tập làm văn, tức là về chuyện chữ nghiã. Kỳ này, Lẩm Cẩm lại xin lải nhải hầu chuyện qúy vị thêm chút nữa về cùng đề tài . Vì các ngôn ngữ loài người hiện sử dụng đều là những sinh ngữ, nghiã là chúng là các thứ tiếng còn được sử dụng, chứ không phải là những ngôn ngữ không còn được dùng nữa, hay dùng rất ít, nên được gọi là tử ngữ, ví dụ như tiếng La Tinh.

Vì là sinh ngữ, nên ngôn ngữ có đời sống như con người. Và vì đời sống luôn luôn tiến hoá, nghiã là luôn có những thay đổi, cho nên trong ngôn ngữ cũng không thiếu những đổi thay. Một trong những thay đổi trong việc dùng chữ mà một bạn hiền của Lẩm Cẩm thấy rõ khi về thăm quê hương gần đây là việc dùng từ “vô tư”.

Theo bạn hiền cho biết thì việc dùng từ “vô tư” bên quê nhà bây giờ rất đa dạng, đa dạng đến độ có thể khiến một số bà con về thăm quê hương lần đầu cảm thấy ngạc nhiên về các cách sử dụng mới của từ này! Vì ngạc nhiên, nên bạn hiền đã yêu cầu người thân bên nhà giải thích “vô tư” nghiã là gì trong một số trường hợp từ này được sử dụng.

Đã hỏi thì được giải thích, và trong tất cả những lời giải thích bạn hiền nhận được thì bạn hiền cho Lẩm Cẩm biết là lời giải thích của một cô tiếp viên tại một quán bia thuộc loại “vui vẻ” mà ổng ghé thăm ở Hà Nội cách đây không lâu là lời giải thích hay nhất, bay bướm nhất, dễ hiểu nhất, dễ thương nhất!

Chuyện như thế này:

Trong một quán bia “vui vẻ”, một cô tiếp viên luôn miệng chào mời khách: “Mấy anh cứ vô tư đi!”

Một ông khách cho biết ông ta thường nghe nói như vậy, nhưng thực sự chưa hiểu “vô tư” là gì?

Thấy khách thắc mắc, cô tiếp viên bèn nhanh nhẩu đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của khách bằng cách ứng khẩu ngay một bài thơ như sau:

Vô tư là cái tròn tròn

Dùng đi dùng lại vẫn còn đến sáng mai

Vô tư là cái dài dài

Dùng đi dùng lại đến sáng mai vẫn còn

Vô tư là cái vô tư

Vô tư là cái từ từ nó vô...


Đã đọc thơ của Bà Huyện Thanh Quan, ai cũng biết một trong những thi phẩm nổi tiếng của bà và được rất nhiều người thuộc lòng là bài “Qua Đèo Ngang”:

Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà

Cỏ cây chen lá, lá chen hoa...


Cũng trong lần mới về thăm quê hương nói trên, bạn hiền của Lẩm Cẩm được một cậu cháu họ ở Hà Thành, đang trong tuổi yêu đương là chính và hiện chuyên ve vãn mấy cô nường, đọc cho nghe bài thơ nhái theo thi phẩm nổi tiếng của Bà Huyện như sau:

Bước tới nhà em, bóng xế tà

Đứng chờ năm phút, bố em ra

Lơ thơ phía trước, vài con chó

Lác đác đằng sau, chiếc chổi chà

Sợ quá anh chuồn, quên đôi dép

Ông già ngoác mỏ, đứng chửi la

Phen này nhất quyết mua cây kiếm

Trở về chém ổng đứt làm ba!!!


Nhân đang nói tới thơ tình, Lẩm Cẩm chợt nhớ tới một bài thơ nói về một cuộc tình rất gắn bó, gắn bó như xi-măng với cốt sắt, như hủ tíu với nước lèo mà Lẩm Cẩm đã đọc được ở đâu đó:



Nếu như em là sắt,

Thì anh là carbon,

Dẫu dài ngắn vuông tròn,

Vẫn sắt son trong một.

Nếu như em là cột,

Anh xin làm căn nhà,

Dù bão tố phong ba,

Vẫn ôm em che chở.

Nếu như em là phở,

Thì anh là nước lèo,

Đời có cuốn vèo vèo,

Ta bên nhau em nhỉ.

Nếu như em là chỉ,

Anh lại biến thành kim,

Dù kim có khó tìm,

Dù chỉ gầy dễ đứt...

Giả sử em có sứt,

Thì anh cũng rốn lồi,

Lồi rốn với sứt môi,

Chúng ta đi cùng lối.

Giả như em sợ tối,

Anh sẽ là ngọn đèn,

Dù dầu đắt, xăng lên,

Anh vẫn luôn tỏa sáng.

Còn nếu em là ván,

Anh sẽ xin làm đinh,

Đóng một triệu chuyện tình,

Cũng không khi nào hết.

Nếu em làm biển biếc,

Anh làm sóng bạc đầu,

Dù tận dưới lòng sâu,

Cũng ngoi lên mặt biển...


Là người mê phở nồng nàn, có khả năng ăn phở 24/24, Lẩm Cẩm thích nhất đoạn này:

Nếu như em là phở,

Thì anh là nước lèo,

Đời có cuốn vèo vèo,

Ta bên nhau em nhỉ.


và khi tác giả hạ bút viết:

Giả như em sợ tối,

Anh sẽ là ngọn đèn,

Dù dầu đắt, xăng lên,

Anh vẫn luôn tỏa sáng.



thì Lẩm Cẩm thắc mắc chẳng biết tác giả sáng tác bài thơ tình keo sơn, gắn bó ni vào lúc nào mà ông hay bà ấy diễn tả đúng boong cái thực tế hiện không lấy gì làm vui đối với bà con ta ở Canada, cũng như qúy bà con ở mọi miền khác trên thế giới: giá xăng hiện tăng ào ào khiến mọi người chóng mặt! Và vì thế, cái mối tình gắn bó nói trên chắc chắn sẽ khiến cho túi của người trai nhẹ đi hơi nhiều!

Cũng trong chữ nghiã, những câu nói hay, đầy ý nghiã, đáng được để đời được gọi là danh ngôn.

Một ngày đẹp trời nọ, một bạn hiền gửi cho Lẩm Cẩm đọc một lô những câu ý hay chữ tốt, nhưng bạn hiền cảnh báo ngay rằng cái ni không phải là danh ngôn mà là “ranh ngôn”! Lẩm Cẩm xin chia sẻ cùng bạn đọc:



· Nếu ở gần một người mà bạn thấy thời gian trôi qua thật nhanh, còn khi xa người đó bạn lại thấy thời gian trôi qua thật chậm, thì bạn nên đem đồng hồ của bạn đi sửa là vừa!

· Khi một cô gái đứng đối diện tôi mà cúi mặt xuống thì có nghiã là cô ấy đang thẹn thùng vì cô ấy thích tôi; còn nếu mà tôi nhìn xuống khi đứng trước mặt một cô gái thì đơn giản là tôi thích... cặp đùi của cô ấy!

· Có những điều mà một người không biết, hai người không biết, rồi đến ba, bốn người cũng không biết, thì đơn giản là họ có biết cái quái gì đâu!

· Nếu bạn thấy không ai quan tâm tới mình, bạn hãy thử vào nhà hàng ăn và quên trả tiền đi. Sẽ có người quan tâm đến bạn ngay lập tức!

· Một người phụ nữ toàn diện là sáng diện, trưa diện, chiều diện và tối cũng diện luôn!

· Hôn nhân luôn luôn tặng cho bạn một đặc ân: chỉ có ai có nó mới có thể ly dị được!

· Trăm năm bia đá cũng mòn, bia chai cũng bể, chỉ còn bia... ôm!

· Thiếu nữ là chữ viết tắt của thiếu... nữ tính!

· Còn nói, còn... tát!

· Bạn có thể là anh hùng nếu bạn tên là Hùng và bạn có một đứa em!

· Bạn có thể là bác sĩ mà không cần học y khoa nếu bạn tên là Sĩ và có một đứa cháu!

· Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn!

· Sao cái thằng ấy dốt thế! Mình không biết thì mới hỏi nó chứ!

· Thà hôn em một lần rồi chịu tát, còn hơn cả đời nhìn thằng khác hôn em!

· Xăng có thể cạn, lốp có thể mòn, nhưng số máy, số khung thì không bao giờ thay đổi!

· Được voi đòi... Hai Bà Trưng!

· Một điều nhịn là chín điều nhục!

· Gần mực (khô) thì... bia, gần đèn thì... hút (á phiện)!

· Bọn này đúng là càng lớn càng... nhiều tuổi!

· Bạn hãy nhớ là đừng bao giờ nhìn thẳng vào mặt mình, mà hãy... nhìn qua gương!

· Trông bạn quen quen. Hình như mình... chưa gặp nhau bao giờ!

· Bạn có biết ai là người bạn ghét nhất và căm thù nhất không? Đó chính là kẻ thù của bạn!

· Đừng hỏi tôi bạn là ai, hãy hỏi mẹ của bạn!

· Nếu bạn không mua được cái gì bằng tiền, thì bạn hãy tin rằng nó sẽ mua được bằng... nhiều tiền hơn nữa!

· Muốn thắng cuộc chạy điền kinh thì tốt nhất là vừa chạy vừa rải... đinh!

· Bom nguyên tử là phát minh để chấm dứt các phát minh khác!

· Muốn giấc mơ thành sự thật thì phải dậy sớm mỗi ngày!

· Đầu óc con người ta giống như cái dù: nó chỉ tốt khi được mở ra!

· Đừng bao giờ cắt sợi dây mà bạn có thể cởi ra được!

· Phụ nữ mà mặc đồ của “Victoria Secret” thì chẳng còn cái quái gì là “secret” cả!

· Không bao giờ uống thuốc xổ và thuốc ngủ cùng một lúc!

· Người ta không làm việc khi đã có việc làm!

· Con ơi, 2 giờ sáng rồi đấy. Dậy rửa mặt rồi uống thuốc ngủ đi con!

· Trông mày khôn lắm cơ, thằng ngu ạ!



Không biết qúy vị có “nhất trí” với Lẩm Cẩm là ba cái ranh ngôn ni đúng thuộc loại huề vốn?

st

my lady
09-12-2007, 09:38 AM
Xin ...

Cho tôi xin chữ
nhẫn
Viết lên lòng bàn tay
Để mai về nắm lại
Giữ kìm những mê say

Cho tôi xin chữ
phúc
Viết lên trán cao gầy
Cho mai về tắm gội
Sạch những điều không may

Cho tôi xin chữ
chí
Viết đều lên hai vai
Để mai hồn bớt nhọc
Nốt ba phần trần ai

Cho tôi xin chữ
tâm
Viết thẳng vào trong óc
Để mai mòn thân xác
Tâm chìm trong núi sông

Vô Thường

my lady
09-12-2007, 09:40 AM
Xin ...

Xin nghiêng xuống nửa bờ vai
Nâng giòng nước mắt buông dài trên mi
Để cho phiền não ra đi
Tình người ở lại vô vi giữa đời
Xin chia nhau một nụ cười
Dẫu riêng lòng vẫn trùng khơi nụ sầu
Quanh người còn lắm bể dâu
Buồn ta nào có thấm đâu vạn lần
Xin trao ánh mắt ân cần
Hồn toang mở chẳng ngại ngần bước vô
Mạch tim ngày tháng nghẽn khô
Giờ cuồn cuộn chảy vỡ hồ tâm tư
Xin khoan dung những ngôn từ
Dịu lành cơn giận toan nhừ nát tâm
Từ tim hóa tiếng thâm trầm
Lời yêu là khúc hồ cầm thăng hoa
Xin lắng nghe nỗi xót xa
Hiểu đời còn những trầm kha quanh mình
Chẳng cần nói, hãy lặng thinh
Mà nghe sâu thẳm có tình tri âm.
Diêu Linh

my lady
09-12-2007, 09:44 AM
LÂM CHƯƠNG
Đời Ta Rất Tầm Thường



Ta ở nhà thuê. Nghèo. Thất nghiệp
Ít bạn bè lui tới làm thân
Lấy trà rượu một mình khuây khỏa
Dù không vui cũng tiếng cười khan

Ta ốm yếu thường hay bệnh vặt
Mưa nắng nhiều, sổ mũi ho hen
Trời trở gió, đau xương thấp khớp
Sức trói gà nên ngại bon chen

Đêm ngủ muộn. Nhà un khói thuốc
Mắt nhập nhòe chữ nghĩa. Đèn soi
Bài thơ viết nửa chừng, cạn ý
Vợ buồng trong, ngái ngủ. Khuya rồi

Mai thức dậy thấy mình vẫn thế
Vẫn rong rêu, râu tóc bòm xờm
Thân cũ quá dường như đóng bụi
Trong cái vòng lẩn quẩn áo cơm

Ta biết ta bất tài vô tướng
Lại chây lười lêu lổng rong chơi
Tri thiên mệnh đâu cần năm chục
Thuở đầu xanh ta đã biết rồi.

Cũng có lúc buồn tình ngẫm nghĩ
Muốn vô chùa, cạo trọc đi tu
Nhưng còn tiếc cái mùi tục lụy
Dứt không đành nên khó làm sư

Người xưa lánh đời lên núi ẩn
Ta lánh đời chẳng biết di đâu
Thôi, đóng cửa ngồi nhà uống rượu
Túy ngọa trên giường. quắc cần câu

Chẳng lý chuyện yêu đời hay chán
Sống tàng tàng nhưng cứ sống chơi
Có kẻ chê rằng vô tích sự
Lời thị phi ta bỏ ngoài tai

Người quân tử ăn chẳng cầu no
Ta thị phi quen thói hàm hồ
Lấy dĩ thực vi tiên làm trọng
Và giữ lòng thanh thản nhàn cư

Ai chí lớn bao đồng thiên hạ
Ta trí cùn lo việc tu thân
Không làm thiện cũng không làm ác
Chỉ làm người đi thẳng hai chân

my lady
09-13-2007, 09:19 AM
Rượu Qua Thi Ca Việt Nam
Dương Viết Điền




Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm, tì-bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa-trường, quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh-chiến kỷ nhân hồi

(Rượu đào chén ngọc kề môi,
Chớm say, nhạc đã giục người ra đi.
Sa-trường say khướt cười chi?
Xưa nay chinh-chiến mấy khi trở về!)
(Chi-Điền dịch)

Nhan đề của bài thơ trên đây là Lương Châu từ (Bài hát Lương-Châu) của thi-sĩ nổi tiếng Vương-Hàn đời nhà Đường bên Trung-quốc. Trong những giờ rổi rảnh ở chốn sa-trường, bi lính thường hay uống rượu để tiêu sầu, để quên đi những tháng ngày xa gia-đình, xa vợ xa con. Lắm lúc họ cũng uống để quên đời vì nghĩ rằng trong tương lai, không biết có trở lại quê nhà không hay là cổ lai chinh-chiến kỷ nhân hồi. Nói chung, nhiều khi vì buồn chán một việc gì người ta hay uống rượu để quên đi những nỗi buồn da-diết. Các nhà thơ cũng vậy, khi trong tâm-hồn có những chuyện gì sầu tình lai-láng, các thi-nhân thường hay uống rượu để tiêu sầu. Bởi vậy mỗi lần đi đâu họ luôn luôn mang theo túi thơ và bầu rượu để làm bạn đường, lắm lúc cũng là bạn đời luôn. Người ta cho rằng trong số 2200 thi-sĩ đời nhà Đường bên Trung-quốc, hầu hết đều uống rượu hằng ngày. Các thi-sĩ nỗi tiếng về rượu phải nói là Thôi-Hiệu, Giả-Đảo, Vương Hàn, Lý bạch, Đỗ-Phủ vv...Họ say sưa suốt ngày đêm, vừa uống rượu vừa làm thơ vừa làm thơ vừa uống rượu.
Lắm lúc đi chân xiêu bên nọ vẹo bên kia, chếnh-choáng hơi men triền-miên suốt năm tháng. Thời Ngũ-Đại bên Trung-Hoa khi soạn sách "Chính ngôn", Vương Định Bảo đề-cập đến thi-sĩ Lý-Bạch viết rằng: "Lý-Bạch mặc áo cẩm bào, chơi trong sông Thái-Thạnh (ở huyện Đang-Đồ), ngạo-nghễ tự-đắc, xem như không có ai bên cạnh; nhân say rượu, nhảy xuống nước bắt bóng trăng rồi chết". Còn thi-sĩ Giả-Đảo mỗi năm cứ đến đêm trừ-tịch, ông đem tất cả thơ sáng tác trong năm đặt lên bàn, đốt hương vái lạy rồi rót một ly rượu thật đầy xong đổ xuống đất và nói rằng: "Đó là nỗi khổ tâm của ta trong suốt năm nay!" Nói xong ông liền uống rượu, ngâm thơ cho đến lúc say túy-lúy. Còn tại Việt-nam thì sao, các thi-sĩ có hay uống rượu tiêu sầu, đêm ngày say túy-lúy như các thi-nhân đời nhà Đường nói trên hay không? Điểm qua một số thi-sĩ của Việt-nam ta, ta thấy họ uống rượu cũng không phải là ít. Nhiều thi-nhân say mèm suốt ngày đêm không kém gì các bợm rượu bên Trung-Hoa đời Đường. Mặc dầu nhiều người dở duyên với rượu nhưng khi có ai mời thì sẵn-sàng uống ngay, không từ chối:

Trời đất cho ta một cái tài,
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Dở duyên với rượu không từ chén,
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.
Cờ sẵn bàn sơn, xe ngựa đó,
Đàn còn phím trúc, tính tình dây
Ai say, ai tỉnh, ai thua được,
Ta mặc ta, mà ai mặc ai.
(Bài "Cầm kỳ thi-tửu" của Nguyễn công Trứ)

Bởi vì trót đã khuya sớm với ma men, trót đã nghiện rượu triền-miên nên nhà thơ ngày đêm vẫn uống rượu cho dù mặc người đời khen hay chê thì cứ bỏ ngoài tai thôi, miễn sao vào vòng cương tỏa chân vẫn không vướng, tới cuộc trần ai, áo cũng chẳng hoen:

Trót đà khuya sớm với ma men,
Mặc kệ người chê, mặc kệ khen.
Ngó lại hàng rào hương cúc lộn,
Trông ra cửa sổ bóng trăng chen.
Vào vòng cương-tỏa chân không vướng,
Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen.
Cứ những ai hay tình thú ấy,
Có chăng Bành-Trạch với Thanh-Liên
(Bài "Uống rượu tự vịnh" của Nguyễn công Trứ)

Bởi vì uống rượu thì phải say và đành chấp nhận tiếng say. Khi say thì sẽ quên đời, quên những nỗi buồn man-mác chia phôi đang tung-hoành và giày xéo tâm-hồn. Vì vậy mà buồn ruột cho nên men phải nhấp, vui với ma men thế mà hay để rồi khi ma men tác-oai tác-quái trong cơ-thể, hai tay bắt đầu quờ-quạng vơ đũa, vơ chén trước mặt; lắm lúc say mèm nằm gục đầu bên cạnh mâm thức ăn mà ngủ li-bì không ngồi dậy được:

Đời này thực tỉnh những ai đây?
Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say.
Buồn ruột cho nên men phải nhấp,
Dở mồm nào biết giọng là cay.
Bạn cùng quỉ dẫy chi cho bận,
Vui với ma men thế cũng hay.
Ngất-ngưởng hai tay vơ đũa chén,
Đố ai đã được cái say này.
(Bài "Say rượu" của Trần kế Xương)

Có nhiều thi-nhân vui với ma men vì nhung-nhớ người yêu đã thành người thiên cổ. Vì thế càng nhớ người yêu càng say túy-lúy. Nếu cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa, thi-nhân lại uống thêm rượu vào sao cho cổ nóng lên như có lửa đang rực cháy, đầu nhức như búa bổ rồi thấy trời đất đang quay cuồng trước mặt. Lúc đó chàng đi xiêu bên nọ vẹo bên kia, miệng thốt lên liên hồi rằng say đi em! Say đi em! Say cho lơi-lả ánh đèn. Thế rồi chàng quá say, chân chàng đã rã-rời quay cuồng không được nữa, gối mỏi gần rơi, say rồi chàng không còn biết chi đời. Say như thế mà chàng vẫn thấy thành sầu vẫn chưa sụp đổ, nỗi buồn tê-tái vẫn còn ngự-trị trong lòng chàng!:
---
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!
Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh-choáng.
Chưa cuối xứ Mê Ly, chưa cùng trời Phóng Đãng.
Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men.

Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi-lả ánh đèn
Cho cung-bực ngả-nghiêng, điên rồ xác-thịt.
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát bờ môi.
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi
Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi,
Đất trời nghiêng-ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ;
Đất trời nghiêng ngửa
Thàng Sầu không sụp đổ, em ơi!
(Trong bài "Say đi em" của Vũ hoàng Chương)
Nhiều người uống rượu lâu ngày đến nỗi ghiền bỏ không được. Vì thế nhiều kẻ đã trở thành những Ông nghiện rượu suốt đời. Họ uống hết ngày này sang ngày khác, tháng nọ đến tháng kia. Nhiều khi để thỏa-mãn sự thèm khát, họ đưa chai lên miệng rồi "tu" một hơi cạn hết nửa chai! Thế rồi họ uống suốt tháng quanh năm không bao giờ ngưng được:


Một năm mười hai tháng,
Một tháng ba mươi ngày.
Hũ lớn cạn, hũ bé cạn,
Hay!
(Bài "Người say rượu" của Phạm đan-Phượng)

Chính vì uống rượu liên-tu bất tận suốt đời ở dương-gian như thế nên khi thác về dưới âm-phủ, Diêm-vương thấy anh chàng say rượu này mang kè-kè bên mình một vật gì liền hỏi thì chàng ta trả lời rằng đó là cái BE!:


Sống ở dương-gian đánh chén nhè
Thác về âm-phủ cắp kè-kè
Diêm-vương phán hỏi mang gì đó,
Be!
(Bài "Anh nghiện rượu" của Phạm đan-Phượng)

Tuy-nhiên không phải người nào uống rượu cũng muống say mèm đề rồi đi chân bên nọ đá chân bên kia. Trái lại nhiều người uống rượu chỉ để tiêu sầu, hay mỗi lúc xuân về nhắp đôi ly rượu để đón xuân sang. Cũng có lúc chán-chê đường danh vọng, họ chỉ muốn về quê vui thú điền-viên. Thế rồi một tay cầm cuốc một tay cầm cần câu, họ tìm nơi vắng-vẻ ngồi nhìn trời xanh mây trắng nắng hồng, lưng dựa vào gốc cây, miệng nhắp vài ly rượu hồng rồi thưởng thức cảnh thanh-bình nơi miền hoang-dã:

Một mai một cuốc một cần câu
Thơ-thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao-xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú-quý tựa chiêm bao.
(Nguyễn Bỉnh-Khiêm)
Thật thế, nhiều người uống rượu để ngồi nhìn thế-thái nhân tình xảy ra trong đời như thế nào thôi. Vì thế ngày nào họ cũng uống lai-rai năm ba ly nho nhỏ để rồi mang tiếng là uống rượu hay nhưng hay chẳng là bao nhiêu, nhiều khi mới nhắp năm ba chén đã say rồi:

Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy,
Độ năm ba chén đã say nhè.
(Trong bài: "Thu ẩm" của Nguyễn-Khuyến)

Vì có nhiều người mới uống một hai ly nhỏ đã thấy say ngà ngà rồi nằm ngủ luôn một giấc chẳng đụng chạm tới ai cả, nên người yêu thỉnh thoảng mua rượu cho chàng uống đề chàng say vài ba giờ cho đời thêm tươi mà trong lòng không có gì hậm-hực hay buồn lòng:

Đốt than nướng cá cho vàng
Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi
(Ca-dao Việt-nam)

Nhưng thường thường khi tửu nhập thì ngôn xuất, mà ngôn lại xuất lúc trí óc không sáng suốt nên lắm lúc nói năng lung-tung, lời qua tiếng lại đụng chạm tha-nhân làm mất lòng người. Đó là chưa nói đến những anh chàng say sưa suốt ngày suốt đêm, miệng luôn luôn lẩm-bẩm những lời lẽ thiếu nhã-nhặn, lắm lúc nói dai-dẳng không bao giờ ngưng khiến ai cũng sợ nên phải tránh mặt:

Ở đời chẳng biết sợ ai
Sợ thằng say rượu nói dai cả ngày
(Ca-dao Việt-nam)

Ai cũng biết rằng khi say rượu thì không thể làm gì được cả. Bởi vì khi ma men đang điều-khiển thì lý-trí bị lu mờ làm sao có thể kiềm soát được mà chỉ thị cho cơ-thể hành-động. Cuối cùng đành phải bỏ dở công việc vì đầu nhức như búa bổ sau khi say tít cung thang:

Ai ơi uống rượu thì say
Bỏ ruộng trâu cày bỏ giống ai gieo.
(Ca dao Việt-nam)

Đã thế, khi say lại nói năng đủ điều. Chuyện gì bí-mật trong đời cũng cho tuôn ra ngoài như thác đổ. Thảo nào một nhà tư-tưởng phương Tây đã nói rằng khi yêu và khi say rượu, người ta thường nói hết sự thật:

Mang bầu đến quán rượu dâu
Say sưa quên hết những câu ân-tình
(Ca dao Việt-nam)

Đã thế gặp lúc chuếnh-choáng hơi men, người đi không vững, mặt mày đỏ lên khiến mọi người trông thấy ai cũng chê cười và nguyền rủa. Chính điểm này mà nhiều người muốn chừa không uống rượu nữa. Tuy-nhiên nhiều lúc họ nghĩ rằng khi say rượu, tâm hồn họ thấy lâng-lâng thích thú như đang bay bỗng trên mây. Vì thế mà nhiều khi chừa cũng được nhưng họ lại chẳng muốn chừa!:

Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
Hay ưa nên nỗi không chừa được.
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.
(Bài "Chừa rượu" của Nguyễn-Khuyến)

Nói thế không phải những người say rượu lỡ nghiện rồi không thề bỏ được. Mà nhiều người cũng có thề bỏ được khi họ bị dồn vào thế phải chọn lựa giữa việc bỏ rượu và bỏ cái khác ngon hơn rượu nữa. Cuối cùng họ đành quyết-định bỏ rượu nhưng vẫn còn nằm trong ý-nghĩ "may ra" hay là "họa chăng" mà thôi:

Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng-nhăng cứ quấy ta
Chừa được cái nào hay cái ấy
Họa chăng chừa rượu với chừa trà.
(Trần kế-Xương)
Tóm lại, chẳng khác gì các thi-sĩ bên Trung-Hoa như Lý-Bạch, Đổ-Phủ vv…,tại nước ta các thi-sĩ cũng uống rượu như điên nên họ đã mang rượu vào trong thơ khiến lắm lúc khi đọc thơ, ta cứ tưởng ta cũng đang uống rượu rồi say mèm đến tít cung thang vậy.

Dương Viết Điền

my lady
09-13-2007, 09:26 AM
Trần Thị Vĩnh Tường
Tản mạn về màu tím hoa sim

Khác với nhiều bài thơ khiến nhân gian sướt mướt ướt hàng tấn khăn tay rốt cuộc chỉ là chuyện mơ màng tình ái. Nhưng “Màu tím hoa sim” là chuyện thật, có sinh ly tử biệt của một người vì vậy là bâng khuâng của nhiều người.

Màu tím hoa sim ở miền Nam

Ai đã một lần nhìn thấy hoa sim, không quên hoa. Nó xinh và nở dễ dàng. Hàng giậu, triền đá, nương rẫy, bờ sông, nhà ga, bến đò… Tím từ Lai Châu tím qua, tím từ Kontum tím lại. Cánh hoa đơn, rất mỏng. Gió tạt ngang, hoa lung lay. Nhuỵ vàng nhuỵ tím vươn lên như tóc cô tiên. Dưới nắng màu hoa long lanh. Hoa trong “Màu tím hoa sim” là hoa mua hay hoa sim, màu tím đỏ hay tím Huế, tím cà hay tím hồng? Màu nào cũng biêng biếc đẹp. Với Hữu Loan, màu hoa trong thơ là màu của “ngày xưa, nàng thích màu hoa sim tím”.

Từ 1957, chương trình thi văn của ban Tao Đàn trình bày bài thơ nhiều lần trên đài phát thanh Saigon. Giọng Huế Tô Kiều Ngân u hoài, bi nhưng không thảm, sầu nhưng không luỵ. Thật tiếc, sau ông, không có giọng nào gần bằng.

Có thể ở một dân tộc khác, một hoàn cảnh khác, một thế hệ khác, người ta không yêu bài thơ ấy đến thế. Năm 1954, đất nước vừa chia đôi. Người Bắc di cư tưởng chỉ mang theo vài tay nải may quàng. Có ngờ đâu, trong ấy cả thơ nhạc ca dao, cả văn hoá sông Hồng. Dù ông lão nhà quê hay thiếu nữ thành thị, cái nết của người Bắc là quyến luyến với tất cả những gì mang hơi hướng quê hương ấy.

Từ lịch sử và cả văn chương, ký ức của người Việt, nhất là người miền Bắc - “những người mang mệnh biệt ly” - vẫn còn phủ đầy bóng tối của chia lìa. Từ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm:


“Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng.
Trước hoa, dưới nguyệt, trong lòng xiết đau”
(Chinh phụ ngâm)


đến “Hòn vọng phu”:


“Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn.
Vui ca lên rồi đi tiễn binh ngoài ngàn” [1]


Chiến tranh lúc nào cũng ngồi chờ ở bực cửa. Trong lòng chứa ba bốn năm điều trôi giạt, chưa kịp hoàn hồn, năm 1954 lại thêm sáu bảy mối phân ly. Từ Phạm Duy:


“Giờ em ơi, giờ em ơi.
Mây trùng dương cách chia” [2]


đến Đan Thọ (thơ Đinh Hùng):


“Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao.
Nếp chinh bào biếc ánh sao” [3]


Cứ đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng thì biết, khúc chinh phu-chinh phụ bao giờ cũng là bản song tấu ngẩn ngơ nhất. Vì vậy, tuy không biết mặt mũi hoa sim thế nào, màu tím xuất hiện trong lưu bút nữ sinh. Các cô gái nhỏ mới lớn, mơ màng hoa sim cài tóc “Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo”. Các nàng cũng không nề hà “Tôi ở đơn vị về, cưới nhau xong là đi”. Vì vừa vặn thời gian ấy, khoảng 1963, chiến tranh bắt đầu khốc liệt, các lứa đôi không có lựa chọn khác.


Hoa sim đồi Vọng Cảnh, Huế [4]


Trong Nam, “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”. Hình như ông Kiên Giang Hà Huy Hà chỉ làm một bài này, nhưng cũng đủ làm thế hệ nam sinh nữ sinh những năm 60 yêu nhau, yêu màu tím, và coi tình yêu dở dang mới là tình yêu không… dang dở:


Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng


Khuynh hướng này dường như vẫn theo đuổi thơ nhạc sát nút đến tận bây giờ.

Giới mê tuồng cải lương biết đến hoa sim qua sơn nữ Phà Ca Thanh Nga. Cô mặc áo chẽn cài khuy bạc, phá (váy) sọc màu xanh lục, tóc bới cao cài hoa sim, tay đeo vòng bạc leng keng, lưng mang gùi. Cô hé đôi môi đẹp như trái sim ca mùi rệu “Đói lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Màu sim cũng nhuộm tím mục “tìm bạn bốn phương” trong suốt gần nửa thế kỷ. Trên báo, có những lời rao làm duyên làm dáng rất… nghìn lẻ một đêm tổng hợp lỉnh kỉnh “thiếu phụ cô đơn, 24 tuổi đời, 15 tuổi lính, mắt bồ câu con bay con đậu, mũi dọc dừa, môi trái tim… hơi mẻ, buồn nhiều hơn vui, yêu nhạc tiền chiến, thích màu tím hoa sim, đang đi tìm khúc xương của đời mình, nếu hợp sẽ… trèo qua vòng lễ giáo…” Phong trào “yêu màu tím” linh đình đến thành sáo rỗng/vô nghĩa. Đến nỗi trong bài “Ngàn thu áo tím” [5] , nàng sụt sùi méc thính giả rằng bị chàng hạ một câu quyết liệt “Từ khi yêu anh, anh bắt xa màu tím”. Có thể anh sợ màu tím xui xẻo, hoặc anh điên tiết vì em không biết hoa sim ra sao, tối ngày tím tiếc sốt cả ruột gan. Dẫu vậy, mối tình cũng không khá, “Thế thôi tàn giấc mơ”, đủ hiểu màu tím không ăn thua gì tới chuyện tình buồn hay chuyện tình vui. Hoa sim không hàn gắn mối tình của đôi trẻ hay làm rã rượi mối tình của đôi già.

Nhưng với những người lính xa nhà, thơ nhạc cải lương thật sự là nương tưạ duy nhất. Trong cơn bồn chồn không biết có còn sống sót cho đến ngày về phép hiếm hoi, người lính mượn làn điệu êm ái gột rửa bớt cái tàn nhẫn của chiến tranh. Họ hát “Người đi khu chiến thương người hậu phương. Thương màu áo gởi ra sa trường” [6] làm như không phải họ đang kề cận bom mìn.

Họ mường tượng cả đến điều bất hạnh nhất như trong thơ Hữu Loan “Lỡ khi mình không về, thì thương người vợ chờ, bé bỏng chiều quê”. Toàn bài “Màu tím hoa sim”, hay nhất chữ “lỡ” ấy. Chữ “lỡ” xoá tan mọi ranh giới trong cơn bão cuồng quay của súng đạn vô tình, và hứa hẹn những duyên tình ở kiếp sau. Ừ, không về! Rồi sao! Người lính tập rùn vai, ra vẻ bất cần. “Những người chinh chiến bấy lâu. Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây” (Chinh phụ ngâm). Cuối cùng, khi mảnh kim khí như vết cắt nghiệt ngã xoáy toang bức tranh rực lửa, thì màu tím hoa sim là một gam màu nâng thân thể lên cao rồi đỡ rất êm khiến cái chết dịu dàng và đỡ lẻ loi. Nếu không như thế, ít ra cũng tin như thế.


Hoa sim năm 2007

Tàn cuộc binh đao. Đầu ai rồi chẳng bạc. Tóc Hữu Loan bạc trắng từ lâu. Cuối đời, bốn phương ân cần gửi vọng về ông ngàn vạn hoa sim. Ông không đến nỗi bất hạnh như nhà thơ Đỗ Phủ, suốt đời làm “Con thuyền ngọn gió chia phôi. Bạc đầu sóng bạc đầu người ra đi” [7] . Hữu Loan đã thành một… bụi lão sim, cùng với người vợ tảo tần, ông có 10 con 40 cháu. Hoa sim của Hữu Loan làm tròn bổn phận, đã đến lúc nhân gian cho hoa yên nghỉ, như ông cũng nói “Mọi chuyện đã qua”.

Người yêu hoa nên giở một trang khác cho hoa sim.

Theo trang “Bách thảo trong thi ca” của nhóm Huệ Diệp Chi [8] :

Tên Việt: sim
Tên Hoa: đào kim nương
Tên Anh: rose myrtle, downy myrtle, Isenberg bush
Tên Pháp: myrte-groseille, feijoarte-groseille, feijoa
Tên khoa học: Rhodomyrtus tomentosa Wight.
Họ: Sim (Myrtaceae) anh em con dì con già con chú con bác có tới 3000 loại khác nhau.

Khi giáo sư Phạm Hoàng Hộ bước vào, mơ màng bước ra. Theo ông, có hai loại sim: hồng sim, hoa màu đỏ tươi, mọc ở rừng còi, thưa ở độ cao 10-1500m, lá dùng nhuộm đen, rửa vết loét, trị tiêu chảy; tiểu sim, hoa trắng, phân bố từ rừng Hòn Gai đến Phú Quốc, rễ, lá trị đau bao tử, phụ nữ sau khi sanh. Theo tiến sĩ H. T. Hoà, ở Phú Quốc gọi hồng sim là "sim bà", và tiểu sim là "sim ông”. Lạ thật, nội tên hoa sim cũng có ý thiên vị, cho bà đẹp hơn ông. Trong một bức ảnh rất hiếm có của Viện Đại học Cần Thơ, cho thấy màu “đỏ tươi” của hồng sim thật ra có sắc hồng đậm, hơi lả lơi nghiêng về màu hoa cà. Trong bức ảnh độc đáo này, nàng hồng sim và chàng tiểu sim cùng mọc trên một cành [9] . Hoa tươi trên đá xám. Một loại nhị nguyên nương nhau, đẩy nhau, cho vẻ đẹp hoang sơ rất lạ.


Hoa mua, em ở đâu?

Cả cây sim và cây mua cùng thuộc bộ Myrtales, cũng là bộ sim, chỉ khác họ. Một người bạn gửi cho ảnh hoa tím chụp trên dãy Hoàng Liên Sơn, giống in hệt hoa mua bên dãy Trường Sơn, dù theo cậu dẫn đường người Giáy, người Sapa gọi là hoa sim.

Rầy rà thật! Thôi thì cây sim cho hoa sim, cây mua cho… hoa mua. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ gọi cây mua là Muôi Đa Hùng, tên khoa học: Melastoma affine, họ Melastomataceae, 200 chi và 4.500 loài. Trong ký ức một người bạn sơn nữ, sim và mua ở Bảo Lộc mọc chen nhau trên đồi, giữa kẽ đá, ven đường mòn ra suối. Chủ nhân đồi chè (trà) để sim và mua mọc tự nhiên, vừa đỡ sói đất, vừa là dấu hiệu cho hay nơi nào sim, mua mọc nhiều, đất ấy trồng chè rất tốt. Hoa sim, hoa mua mọc chen nhau ở các tầng khí hậu. Từ Đông Nam Á qua Nhật, Trung Hoa, Úc, Hoa Kỳ và cả Phi châu.

Gần nơi tôi ở, có hoa Tibouchina màu tím Huế, cũng thuộc họ mua, Melastoma. Chỉ tiếc Tibouchina không có quả ăn thử. Định mua về trồng, ra điều lãng mạn còm, tình cờ vớ được chi tiết này, xin ghi ngay “lỡ” lọt vào mắt ai xanh, hứng chí làm thí nghiệm xem dược tính của loại mua này thế nào. “Lỡ” may có ích cho bà con mình: “Tại địa phương, cả bụi Tibouchina dùng làm thuốc cầm máu, hay thuốc giải độc. (The entire bush is used in local medicine to treat poisoning and to stop bleeding” - Toptropicals).


Hoa mua [10]


Nhớ ai, hoa mua bé mọn!

Trong làng khoa học và văn hoá Việt, còn một bông hoa mua lạ lùng lắm. Ông Nguyễn Từ Chi viết “Trong làng viết xâm thực ấy, giữa đá nhọn và cỏ ống, cùng vài cây bút hiếm hoi khác, nép mình như những khóm hoa mua…” [11] Bông hoa mua nép mình ấy là Jeanne Cuisinier. Cô cử nhân trẻ trung bỏ nước Pháp sau lưng, dấn thân nơi núi rừngViệt Bắc, nơi cô điền dã suốt 15 năm nơi các làng bản người Mường, soạn hai bộ sách. Bộ mà ông Từ Chi gọi là hoa mua bé mọn vì chỉ dày 140 trang, La Danse Sacrée en Indochine et en Indonésia [Múa thiêng ở Đông Dương và Indonesia]. Bộ kia đồ sộ hơn, Les Mương, Geographie Humaine et Sociologie [Người Mường, địa lý nhân văn và xã hội học], Université de Paris, 1946, dày 622 trang; đã có bản dịch tiếng Việt. Cả hai là những bộ sách đầu tiên về người Mường, nửa kia của cuộc hôn nhân dị chủng Lạc Long Quân với Âu Cơ. Âu Cơ, biểu hiệu là con hươu đốm sao, tiên nữ trong truyền thuyết Hồng Bàng, thái quốc mẫu bị bỏ quên, vì sử sách và lòng người không hiểu sao chỉ nhắc đến rồng, Lạc Long Quân, mà không hề biết đến “tiên” là ai, hạ lạc nơi nào. Con hươu sao ngơ ngác một mình dẫn đàn con lắt nhắt 50 đứa đi về đâu? Đồ ăn thức uống có đủ chăng? Núi rừng có chứa mẹ con bé bỏng? Lòng vả có tựa lòng sung nhớ đến lang quân họ Lạc cùng 50 đứa con kia? Lạc Long Quân có bao giờ “đi tìm người thương”? Chẳng lẽ ở với nhau có đến trăm con mà sao lạnh lùng làm vậy! Thiệt vô tình hết biết! Dù lúc nào trưởng thượng, cũng nhắc nhở nhi đồng “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Thiệt ngộ!

Chỉ mình Jeanne là người đầu tiên nhớ đến hươu sao Âu Cơ. Sơn nữ, nhà sàn, cơm lam, vòng bạc, nương chiều… Có ai cùng nghiêng mình thoảng nhớ tới bông hoa mua bé nhỏ Jeanne Cuisinier không nào?


Rượu sim

Năm 2007, sim coi bộ... tiến bộ hơn, không than thở lỗi hẹn kiếp này chờ nhau kiếp khác. Sim lắc lư nhảy tót vào trong rượu. Trước nay sim ở Phú Quốc mọc hoang rất… vô tư. Cho đến một hôm, vài du khách từ Đắc Lắc ra thăm đảo mới tận tình chỉ cho bà con Phú Quốc cách đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên đã biết làm rượu sim trị các chứng nhức mỏi, đau khớp chống khí hậu núi rừng [12] . Cái này hay! Hơn là ôm một chùm sim tím lịm khóc than đau cả lưng.

Không rõ rượu sim Phú Quốc uống với ly nào, chân dài hay chân thấp hay đong trong mắt thuyền của giai nhân (lại cứ phải có giai nhân mới uống được rượu, trời ạ!). Uống lạnh như rượu vang hay uống ấm như rượu saké? Màu rượu tím, hồng hay đỏ? Có cần vĩ cầm réo rắt cho ai kia nâng chén? Dẹp! Không cần những thứ lãng mạng còm xưa như trái núi ấy. Sao cũng được. Miễn có sản phẩm ngon-đẹp-rẻ và đúng tiêu chuẩn quốc tế, không uổng đất, lại vẫn giữ đựơc màu sắc núi rừng.

Cứ mở vài trang web về rượu ở California [13] từ Nava Valley, Sonoma, Temecula đến Santa Barbara, kỹ nghệ làm rượu tới bến, đến nỗi mới năm ngoái, một chai nho đỏ, màu đẹp như môi, mùi thơm như tóc, vị rất dịu, không biết uống cũng yêu, giá lẻ ở Trader Joe’s 1.99 đô la thay vì cứa cổ hàng trăm đô la 1 chai như hồi mấy ông Tây quý tộc còn mặc quần thủng tứ tung.

Phú Quốc có nhiều màn bắt mắt khách du lịch, họ đã quá chán ngán đô thị bê tông cốt sắt, toà nhà cao ngất xỉu che chắn núi rừng sông biển. Họ chỉ muốn tìm thiên nhiên, hoang dại chừng nào tốt chừng ấy. Phú Quốc có thể hơn cả Hawaii [14] và Bali. Ủa, đâu phải hải đảo nào cũng có từng ấy thứ: hoa lan, trượt sóng, đua thuyền buồm, mái lá, thịt rừng nướng, vỏ ốc, hạt trai, nữ trang dừa [15] , trầm hương/kỳ nam, rừng nguyên sinh, di tích lịch sử thời Gia Long tẩu quốc, rong ruổi xe ngựa [16] ngắm đồi sim, vũ khúc Sim Tây Nguyên bên đống lửa rừng! Chắc chạy lên vùng Banar kiếm Đinh Y Chương học múa, chàng chỉ liền một khi. Nhớ cho sơn nữ ăn mặc in hệt người Banar nguyên thuỷ, hoang sơ và ngây thơ, cho các nàng áo tứ thân xanh đỏ là lạc quẻ chết người. Hoa sim có thể đựoc chọn làm “chữ ký” của đảo. Chúc hoa sim Phú Quốc may mắn.


Sim Tây Nguyên khóc hay cười

Người Tây Nguyên yêu hoa cách khác. Đinh Y Chương [17] người Banar ở làng Kon Blo sáng tác bài “Hoa sim” (Pơ kao lơ ngữm):


“Lơ ngữm brưt pơ kao hluôi rang
Bũng lang brưt pơ kao hluôi keh
Pơ kao kơ đeh in ya liêm hech
Pơ kao Wech in ya liêm loi,
Wa phe, inh kli pơ kao… yôp jăm


Tạm dịch:

Tim tím mùa hoa sim
Tim tím cánh hoa mùa
Hoa nào thấy cũng đẹp
Đọng mãi trong ánh mắt
Muốn hái nhưng sợ hoa… cười”


Về khoản này, có lẽ người “thiểu số” Tây Nguyên dân chủ và hồn nhiên hơn… chúng mình hai đứa: thơ vẫn làm, rượu vẫn ủ, thú vẫn săn, hoa nào cũng đẹp. Để yên trên cành cho hoa tươi mãi, chớ có hái, sợ hoa… cười. Yêu đời và yêu hoa thế là cùng!

Vì hoàn cảnh của lịch sử, đã có một thời để yêu hoa và một thời để khóc. Chắc đã đến lúc vẫn yêu hoa, nhưng đừng khóc nữa. Khóc mãi sợ hoa cười.

http://i2.photobucket.com/albums/y18/MusicMonster/hoatigon2.jpg

http://i2.photobucket.com/albums/y18/MusicMonster/hoatigon1.jpg

Cánh hoa có tựa như tim vỡ?
Hoa tigôn.

http://i2.photobucket.com/albums/y18/MusicMonster/phuongtim2rs.jpg

my lady
09-15-2007, 05:08 PM
Văn chương với ẩm thưc.

CƠM TÀU VÀ QUÀ RONG TÀU
Ăn Tại Việt Nam Trước Ðây
Lê Văn Lân


Chúng ta người Việt Nam vẫn thường có dịp ăn cơm Tàu. Nếu như trước đây ngoài Bắc năm thì mười họa rất đặc biệt người ta mới đi ăn " hiệu khách", ăn "cao lâu", thì trong Nam chuyện ăn tửu lầu khá thường xuyên hơn qua những tiệc cưới hay những dịp đãi đằng khao mừng hay tiếp đón tiễn đưa, nhất là tại Saigon vùng Chợ Cũ hay tại Chợ Lớn ...Ngoài ra thì ở mỗi thành phố lớn khác của miền Nam VN như Huế, Đà nẵng, Faifoo, Nha trang, Mỹ tho, Cần thơ ...cũng có hiện diện ít nhất một tửu lầu của Hoa kiều nhưng vì trong thời chiến, tôi không có cái may mắn lê chân khắp bốn vùng Chiến thuật nên không rành các tên hiệu. Hình như trở thành một thông lệ chăng, những tiệm ăn nào có tên hiệu kèm chữ " Ký" như Khê ký, Sáng ký, Vĩnh ký ...thì ít nhiều cũng là liên hệ gốc Tầu, không đặng 72 phần dầu chánh gốc gia phả thì ít ra cũng lai căng đầu gà đít vịt, hay mối tình chồng Tàu vợ Việt...

Những tiệm ăn lớn của Hoa kiều ở Việt nam theo tôi hiểu thì đại đa số nấu nướng theo kiểu bếp Quảng Đông, kỳ dư nghe nói thì cũng có vài tiệm nấu theo kiểu Triều Châu hay Phước Kiến hay Hẹ (Khách gia hay Hakka) gì đó ... Tuy nhiên , có những tiệm lai lai, ký này ký nọ ở các tỉnh miền Tây như Cần thơ Tây Đô thì nấu bếp rùa rắn cho dân nhậu tưng bừng ... Ưu thế đa số của bếp Quảng Đông cũng dễ hiểu vì kể từ thời cuối thế kỷ 17, đám Minh thần gốc Quảng Đông không phục nhà Mãn Thanh như Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu ...đã đến xin thần phục Chúa Nguyễn Đàng Trong để được tá túc lập nghiệp thành những xóm Minh Hương miền Đông phố Biên Hoà hay Hà tiên rồi. Kể đúng ra thì khi tra lại sổ bộ thuế thuyền bè ngày xưa ở Hội An thì chúng ta còn thấy nhiều người Tầu đủ gốc ở các vùng khác đến buôn bán ở Đàng Trong như Sơn Đông, Thượng Hải, Quảng Đông, Phước Kiến, Hải Nam, Mã cao ...nhưng họ đến thì rồi phải đi như " Tàu từ Phước kiến đến thì nạp thuế 2.000 quan, lúc tàu trở về thì chỉ nạp thuế 200 quan... (trích Phủ Biên tạp lục, quyển IV của Lê Quí Đôn). Theo Lê Quí Đôn, tàu buôn từ Quảng đông đến Hội An thuận gió mùa thì chỉ hai ba ngày thôi. Có lẽ vì thương khách Trung Hoa đến tấp nập, đông đảo trên các tàu buôn lớn nên dân ta bèn gọi họ là " dân Tàu" cho tiện! Về sau, trong thời Pháp thuộc, còn có vài đợt dân Tàu chạy giặc xin nhập cảnh cư trú mà ta quen gọi là dân"Các Chú" do chữ Khách trú mà ra, lần này thì thêm nhiều dân Tàu khác, do đó họ mới thành lập nhiều bang hội khác nhau. Có cả thảy 5 nhóm Hoa Kiều lập thành Ngũ Bang là Quảng Đông, Triều Châu, Phúc kiến, Hải Nam, Khách Gia (Hẹ hay Hakká) nhưng đa số vẫn là hoa kiều từ Quảng Đông, sau đó là dân Tiều nên các danh từ Quảng đông và Triều Châu được Việt- âm- hóa rất nhiều.

"Các chú" Quảng đông vẫn là đa số buôn bán" chạp phô"- tạp hóa- ở nhiều nơi, còn các " chệc" Triều châu thì phần lớn ở Bạc Liêu hay Trà vinh làm rẫy, một số Tiều chuyên làm trà . Cũng nên lưu ý về tiếng Tiều gọi trà là " té" nên do đó có những chữ " thé" và " tea" trong Pháp và Anh ngữ, còn tiếng "Tsà"theo tiếng Quảng Đông thì chuyển qua thành " chai" hay "chá" trong tiếng Nga và Bồ đào nha... [Theo Lê ngọc Trụ trong Tầm-Nguyên Tự- điển Việt- Nam, " chệc" là tiếng Tiều gọi chữ Thúc, nghĩa là "em trai của cha" Người bình dân gọi Chệc để chi người Hoa. Nhưng người Quảng Đông cho là giọng khinh bỉ, người Triều Châu trái lại, chấp nhận vì họ được tôn là " chú": Chú chệc, thím xẩm. Theo nhiều người nói thì " các chú" Quảng làm ăn buôn bán khá hơn các " chệc" Tiều lam lũ làm rẫy tằn tiện nên không biết có phải vì vậy mới có câu khá ngộ sau: Quảng Đông ăn cá bỏ đầu , Tiều Châu lượm lấy đem về kho tiêu! ]. Theo một người bạn Việt gốc Tiều của tôi, người Tiều chê dân Quảng không biết ăn cá: Món cháo cá Tiều ăn ngọt đặc biệt nhờ nấu cá chỉ rửa sạch bên ngoài còn giữ nguyên...vảy, đầu và cả ruột. Dân Tiều ở Việt nam chuyên trị về những món sau như Cá chim hấp, bò viên, tôm viên, ruột heo nấu cải chua...và nhất là nấu " hủ tíu Tiều Châu" hay " hủ tíu Nam vang"!

Dù xa quê hương chúng ta vẫn không quên những lần dậm xà (ẩm trà) tại các tiệm các chú bán cà phê, mì, hoành thánh (vân thốn hay hổn độn)"hủ tiếu"(qua điều) đóng chốt ở các góc đường, những xe mì bán khuya về đêm và nhất là những tiệm ăn sáng ở Chợ Cũ với các tên" phổ ky" (hỏa kế) chạy bàn bưng những món"xíu mại" (thiêu mãi), "há cẩu" (hà giao), những ly " phé nại" (cà phê sữa - gia phi ngưu nãi). Theo các nhà văn Bình Nguyên Lộc hay Minh Hương, một thời tiền chiến trước 45, các phổ ky còn có thói rao ê-a như rao lô tô bằng tiếng Quảng Đông khi gọi lớn vào bếp những tên món ăn mà khách đặt:

- Bàn số 3 , bên Đông, bà lùn, cà phê ít sữa nhiều!
- Bàn số 4, bên Đông, hủ tíu không giá.
- Bàn số 1, bên Tây thêm bánh bao ngọt thằng nhỏ
- Bàn số 2, bên Tây, ông già râu, cà phê đen ly lớn, xíu mại to

Chủ quan thường biết rõ tính nết và sở thích ăn uống của mỗi khách quen, nên họ thường đặt cho mỗi người một cái ngoại hiệu hỗn danh nên khi khách ăn xong lại quầy trả tiền thì phổ ky rao những câu hóm hỉnh bằng tiếng Quảng Đông sau:

- Ông đầu hói mang khăn rằn, một đồng hai cắc
- Bà hai mập, ba đồng sáu cắc
- Ông chủ ốm nón nỉ, tám đồng tư, hai bánh bao mang về

Bên cạnh những tiệm ăn, ta thấy ở mỗi khu thị tứ đầy Hoa kiều, đều có ngự trị ít ra một tiệm bán gọi chung là " lạp gia" bán những món gọi là " lạp vị " như lạp nhục, lạp áp (thịt heo hay vịt muối mặn) cùng với heo quay, vịt quay treo đỏ chói vui mắt, quyến rũ lạ kỳ... Ở nước Tầu rộng lớn, chỉ có dân Quảng Đông là nổi tiếng về món thịt heo ướp ngũ vị hương quay, ngoài thì da dòn rụm, trong thì thịt vừa mềm vừa thơm ... khiến người sống ở dương gian thèm thì không nói làm gì, linh hồn ông bà ông vải và cô hồn các đẳng ở âm ty địa phủ cũng đòi hưởng mỗi năm vào rằm tháng bẩy... [ Món " Lạp xưởng" tức là Lạp trường là thịt heo có lộn mỡ, ướp diêm tiêu dồn vào ruột (trường) rồi phơi nắng tháng Chạp (gọi theo lịch Tàu là Lạp Nguyệt). Lạp xưởng phơi là lạp xưởng khô, còn không phơi là lạp xưởng tươi.

Tôi không biết có nên kể thêm những xe bán đồ ngọt của các chú Quảng đông không? Họ bán Sắn pủ lường (Thanh bổ lương), các loại chè hổ tai (hay phổi tai - do chữ hải đái là rong biển), pạc quỏ (bạch quả hay trái của cây ngân hạnh - ginko)... Cũng nên lưu ý dân Tầu cũng ăn thịt cầy nấu thuốc Bắc gọi là " hướng dục" (hương nhục) ăn trời lạnh cho ấm con tì con vị. Dân học sinh chắc không thể nào quên món lòng heo, lòng bò " phá lấu" ăn kẹp với bánh mì. Phá lấu do chữ đả lỗ tức là ướp mặn bằng nước tương và ngũ vị hương rồi đem um lên cho rặc săn lại. Lại còn những xe bán " ngầu dìn" (hay thịt bò vò viên - ngưu viên) Ngầu dìn chấm tương cay cay, nhai vừa dẻo dai vì có trộn gân bò, và vừa dòn vì trộn hàn the (hay bằng sa). Chú bán ngầu dìn còn bày ra trò đổ ba hột lúc-lắc chơi " xí ngầu lác" để dụ các em trai học sinh chơi để "thiếm xực " ăn thêm (xí ngầu lác tức là tứ-ngũ-lục!). Các em gái nhỏ khoái ăn chua chua, ngọt ngọt thì có các thứ : cà- na, cánh- chỉ, xí mụi! Cà na tức là trái trám hay Cảm lãm; Cánh chỉ do chữ Gia ứng tử đọc từng âm là cá-dính chỉ nhưng đọc lướt nhanh nuốt âm là kính chỉ hay cánh chỉ. Còn xí mụi hay xín mụi là quả mai chua (toan mai)

Lẽ tất nhiên, nói cho công bằng, bên cạnh đa số tiệm Tàu gốc Quảng Đông, ở Sàigòn Chợ lớn cũng có lai rai một vài tiệm Tàu khác như tiệm hủ tíu Triều Châu ở đối diện Chợ Lớn mới, Cơm Gà Hải Nam ở Chợ An Đông, hay đường Tôn Thọ Tường.

Cái kiểu ăn quà vặt thì dân Quảng đông gọi là xỉu-xực (tiểu thực). Nếu đi chơi đêm coi xi nê hay hành lạc về khuya ăn để dằn bụng trước khi về nhà ngủ thì gọi là "xíu dề" (tiêu dạ) Kỷ niệm kể lại có lẽ còn cơ man nhiều cái linh tinh lỉnh kỉnh khác, không kê đủ ra đây. Bây giờ thì tôi mời các bạn tới tửu lầu ăn đàng hoàng theo bữa hay đặt " thồi" (đài là cái bàn). Dịp ăn cơm Tàu thông thường nhất là đám cưới. Tôi xin nhắc lại đây tên vài nhà hàng Tầu nổi tiếng vùng Chợ lớn như Đồng Khánh, Arc-en-ciel, Soái kinh lâm, Bát Đạt, Á đông, Đại La thiên, Triều châu...Ba nhà hàng kể chót thì chủ nhân tuy gốc Tiều nhưng vẫn nhận đặt tiệc cưới nấu theo Quảng Đông, nhưng họ vẫn nấu ăn Tiều cho khách đồng hương nếu yêu cầu...

Trước đây, tôi có nghe người ta kháo rằng các ông lớn tham nhũng được Các Chú Ba mời mọc mua chuộc hối lộ với những buổi liên hoan Orgy " Nhất dạ đế vương" trong những Cercle Rouge kín đáo nào đó. Lẽ tất nhiên, kiểu ăn không giống kiểu tiệc" rừng thịt ao rượu - nhục lâm, tửu trì" của Trụ vương với nàng Đát Kỷ! nhưng tôi nghĩ cũng phần nào chắc cũng giống những bữa yến diên có đầy mỹ nữ hầu rượu của nhân vật Hàn Hi Tái trong lịch sử Trung Hoa. Thực đơn chắc chắn phải có nhiều món huyền thoại danh bất hư truyền về cái tính chất bổ dương khích dục đi đôi với các thứ rượu quí mấy ngàn Mỹ kim một chai. Đối với người dân thường kiếm đồng lương khiêm tốn lương thiện thì đi ăn cưới tại nhà hàng Tàu là một đại tiệc rồi. Thực đơn đám cưới đặt theo bàn tròn hay "thồi" (đài) - 10 hay 12 người, theo đủ loại giá. Thành phần thì đại khái có ba phần: phần đầu là phần khai vị (entrées, hay hors- d'oeuvres hoặc appetizers), phần giữa là phần chủ lực gồm các món nặng, vừa ăn vừa uống rượu, phần chót là phần dằn bụng với món cơm trắng ăn với món mặn hay món cơm chiên hay mì xào cho chắc trước khi bế mạc với phần tráng miệng. Theo lệ đám cưới Á đông, vào giai đoạn chót của phần chủ lực để bước sang phần dằn bụng" chấm dứt chương trình văn nghệ tạp lục Tùng Lâm", có màn chào bàn của tân lang và tân giai nhân, muốn uống rượu gì thì cố cạn ly mà uống đi chứ sau đó thì nên ngưng mà ăn cơm, ăn mì cho chắc dạ, kẻo về nhà khuya khoắt lại ăn mì gói nhé! Món ăn dằn bụng ở cuối tiệc Tàu thường là món cơm Dương Châu.

Ở Trung Hoa có hai địa danh Dương Châu: một Dương Châu là một vùng thị tứ nằm ở giao điểm sông Trường giang hay Dương tử với kinh Đại Vận Hà, con kinh đào lưu thông chuyên chở sản vật vùng Giang Nam lên Bắc kinh cống nạp cho triều đình. Một Dương Châu khác tuy là thuộc địa phận Quảng đông nhưng không sản xuất Cơm chiên Dương Châu (Dương Châu xảo phạn)! Cơm này chỉ là một trong những cách nấu nướng tiêu chuẩn từ những món ăn còn dư lại đem chế biến thành một món ăn mới ngon miệng hơn. Cơm vốn là " cơm nguội" nấu dư từ hôm trước, nhưng còn nguyên, chưa dọn ra bàn cho thực khách đụng đũa ăn bỏ mứa lại, cũng như nhiều phụ gia phẩm khác như jambon, trứng tráng, đậu Hòa lan, hành lá...đi chợ còn dư được xắt lát rồi trộn với cơm mà chiên lên...Chiên là gì? Nó không phải là xào chính hiệu (stir-frying) hay chiên ngập dầu (deep frying), mà là một thứ xào rất ít dầu mỡ, để cho chín lâu trên lửa, - tạm gọi tương đương là " sautéing"- khiến những hột cơm từ từ hút dầu săn lại rồi đến đúng độ nào thì lại nở tung ra nên khi ăn hột cơm thì thấy trong mềm dẻo nhưng ngoài lại dòn do lớp vỏ chiên. Cơm mới nấu không thể nào chiên như thế vì còn ướt, chỉ có cơm nguội đã ráo chiên mới ngon, bây giờ cơm nguội để tủ lạnh chiên còn ngon hơn. Điều ngộ là món cơm chiên Dương Châu không phải là một thứ " danh thái" hàng đầu trong bếp Quảng Đông, nhưng thực khách trên thế giới ăn cơm Tầu phải nhớ tới nó, cũng như nhớ tới một món Quảng Đông tương đương khác là " ch'ao mien" (mì xào). Mì đã luộc chín rồi để ráo, đem xào với măng tre xắt chỉ, giá đậu và thịt heo ... [ Cũng nói trong dấu ngoặc, Tàu hay bán món " bánh bao" (Quảng Đông gọi là " tài báo") - một thứ bánh ngon lành mà vỏ làm bằng bột mì hấp nở xốp phình ra trông vô cùng hấp dẫn, trong có nhân thơm phức bằng thịt xào, lạp xuởng và trứng. Theo cuốn phim tàu Thần Bếp (Thần trù) rất ăn khách hiện nay, nhân bánh bao cũng là những món dư của nhà bếp từ hôm trước chế biến lại. Món bánh bao được vua Khang Hi nhà Thanh ăn khen ngon khi ông giả thường dân đi vi hành ngoài cung cấm. Về sau, vua biết bánh bao chế bằng đồ ăn thừa ông lại khen nức nở cho tinh thần dân Hán tiết kiệm nhưng biết sáng chế.]

Nhân nói về cái ngon của cơm Quảng Đông, ngạn ngữ Trung Hoa có câu khen tứ đại danh của lãnh thổ Trung Quốc như sau: Thực tại Quảng Châu, Y tại Hàng Châu, Thú tại Tô Châu, Tử tại Liễu Châu (Cơm ngon ăn tại Quảng Châu, Áo đẹp may vải Hàng Châu, Vợ xinh cưới ở Tô Châu, Hòm chết chôn không bao giờ mục ở Liễu Châu). Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông. Tỉnh này rộng lớn ở vùng Hoa Nam thuộc miền bán nhiệt đới, mưa nhiều vào khoảng giữa tháng 5 và tháng 9 dương lịch. Vùng châu thổ sông Châu Giang của Quảng Đông và duyên hải là vùng nông nghiệp phát đạt thịnh vượng phì nhiêu. Lúa một năm trồng haivụ và gạo là cốc loại để ăn chính, mỗi ngày người dân ăn hai lần, ngoài các hoa màu khác cũng nhiều nhu khoai lang, bắp, khoai môn và ngay cả lúa mì cũng trồng. Về chăn nuôi thì có nhiều trại heo, trại gà, ao cá . Các thứ rau cải lá xanh lớn mọc sum xuê, trái cây nhiệt đới như cam, đào, thơm và lệ chi (vải) thì ê hề. Biển duyên hải thì nhiều loại hải sản ngon như cá (đặc biệt là hoàng ngư - yellow croaker), sò ốc, cua...Một yếu tố nhân sự khác quyết định cái ngon của Bếp Quảng Đông là nhiều đầu bếp ngự thiện của cung đình phương bắc đã chạy giặc lánh nạn ở miền Hoa Nam, nên họ có dịp thi thố tài năng giữa đống sản vật địa phương phong phú, hơn nữa đây là vùng hải cảng giao tiếp với những nước ngoài nên họ không ngần ngại dùng những thứ rau củ ngoại lai như Cà chua (phiên gia), cà rốt ( Tầu chỉ có củ cải trắng gọi là la-bặc nên họ gọi cà rốt là hồng la bặc), khoai tây (mã linh thự - củ khoai hình lục lạc ngựa),củ la-đì (radish), hành tây (dương thông)...Do đó, bếp Quảng Đông rất uyển chuyển, thích nghi và đa dạng và thoát sáo...Thức ăn Quảng đông không nêm nhiều gia vị cay nồng như bếp Tứ Xuyên, nhưng có nghệ thuật pha trộn phong phú dung hòa nên khẩu vị nổi bật...Trên lịch sử, Bếp Quảng Đông phát triển muộn nhưng nó biết đầu sư học đạo sẵn lòng làm môn đệ thông minh của các địa phương danh tiếng ở miền khác ở Trung Hoa. Phần lớn các đầu bếp Tầu ở Mỹ đều là dân Tàu Quảng đông vùng Tứ Ấp di dân qua vào cuối đời Thanh trong giai đoạn cực kỳ loạn lạc. Sau đây là một thực đơn " Tứ hải giai huynh đệ" của một nhà hàng Trung Hoa mà tôi đặt thành vần điệu cho vui, nói lên cái đa dạng phong phú dung hòa của Bếp Quảng Đông:

Bóng Cá khai mào Hải vị thang
Chả giò Tam giác chúc an khang
Giỏ hoa Đồ Biển mừng vui nhộn
Heo Tứ Xuyên viên đón rỡ ràng
Sơn Đông Ngưu Xảo mời tân khách
Vịt rút xương mềm tiếp túy lang
Đông Cô Gà nấu duyên văn nghệ
Hoan hỉ Cơm Chiên thêm nở nang.

Và sau đây cũng là một thực đơn tiệc cưới tôi xin nhắc lại cũng để nói lên cái nét khẩu vị uyển chuyển dung nhập hài hòa nhiều nguồn gốc của nhà hàng Quảng Đông:

Súp vi cá mở đường Bát bửu
Vịt Bắc kinh , Hải vị Tổ chim
Kế là: Cá hấp thơm lừng
Tôm Hùm vị ngọt xào gừng thiệt cay
Mời nhau tiếp: Gà Quay tuyệt hảo
Hãy gắp lên Đồ Biển Mì Xào
Cơm Chiên Tôm đỏ làm sao
Cải Xanh xào với Ngư Bào tuyệt ghê!
Cứ vui nhé! Chớ hề khách sáo
Rượu rót luôn, huyên náo nâng ly
Tiệc vui hồ hởi một khi
Chúc mừng phu phụ "happy" một nhà

(Lê văn Lân)

Cơm Tầu ăn ở Việt Nam theo bếp Quảng đông được đa số Việt nam chúng ta nhận định là thích khẩu, dù sau này người Việt đi tỵ nạn năm châu bốn biển ăn cơm Tàu khắp nơi và du lịch ở Trung Hoa vẫn nhớ và cho rằng không đâu ngon bằng cơm Tầu mình ăn đầu tiên trên quê hương mình! Điều này có lẽ là tại dân mình bị " điều kiện cách", vả lại trước đây có dịp nếm cơm nhiều xứ khác đâu mà nhận định và so sánh một cách khách quan. Thôi ta đành nhại thơ thi sĩ Tế Hanh mà tự thổn thức tâm tình vậy:

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Vị cơm Tàu quyến rũ chốn quê tôi
Thoáng con thuyền tỵ nạn chạy muôn nơi
Tôi thấy nhớ cái mùi... Chợ lớn quá!

my lady
09-15-2007, 05:25 PM
CÁ VÀ MẮM XỨ HUẾ

Lê Văn Lân


Một kho tàng thi tứ “mặn mòi”!

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.
Trên thế giới hiện nay, duy nhất chỉ có dân Mỹ là không bị vấn đề thiếu thịt ăn, còn kỳ dư phần lớn dân của những quốc gia khác đều ở hoàn cảnh “ đói thịt”( meat hunger ). Dân Thừa thiên Huế đã chia xẻ một mẫu số chung về sự ăn cá và mắm với những người dân vùng Đông Nam Á nói chung và dân ba miền đất nước Việt Nam nói riêng . Cá và các loài thủy sản cùng với mắm và nước mắm chính là những thức ăn cơ bản sau cơm gạo và rau dưa cà muối.
Kho tàng phong phú của hằng trăm câu tục ngữ và ca dao Việt Nam đã khẳng định điều trên:
_ Nói về cá thì:
Cơm với cá như mạ với con;
Ngon cá khá cơm;
Con cá đánh ngã nồi cơm;
Cá bống kho tiêu, cá thiều kho ớt;

Cá dở thì hấp hành tươi,
Cá ngứa thêm nấm, cá buôi thêm ngò;

Cá thiều mà nấu canh chua,
Một chút dư thừa cũng chẳng bỏ đi;

Ong, hương,hanh múi, ngạnh nguồn,
Cá rìa, lệch núi chẳng nhường thịt heo

v.v và v.v…

_ Nói về nước mắm và mắm thì:

Nước mắm ngon dầm con cá liệt,
Em có chồng nói thiệt anh hay;

Cá kèo mà gặp mắm tươi,
Như nơi đất khách gặp người cố tri;

Cơm mắm, lắm cơm;

Liệu cơm mà gắp mắm ra,
Liệu cửa liệu nhà em lấy chồng đi;

Muối mè ăn với ruốc kho,
Có chết bên mồ cũng dậy mà ăn;

Khách quen thân ruột rà,
mới được chủ nhà mời ăn mắm ruột
v.v và v.v…
Chấm trên bản đồ, các xứ ăn cá và mắm ở dọc bờ biển và qui tụ nhiều nhất ỡ Viễn Đông là Việt Nam, Cao miên, Thái lan, Mã lai, Miến điện, Nhật bản, Cao ly. Dân Tàu các vùng duyên hải ở Hoa nam, Hải Nam, Phúc kiến, Quảng đông cũng ăn nước mắm và mắm. Tuy nhiên, cũng thời là nước mắm và mắm, mỗi xứ lại những kỹ thuật chế tạo nhìn đại thể thì giống nhưng lại có những tình tiết riêng biệt do đó mùi vị không giống nhau. Và cách pha chế để ăn cũng đương nhiên thay đổi tùy theo “gu” từng nước, thậm chí từng vùng, từng tỉnh…

Bờ biển Việt Nam dài hơn 2500 cây số , bắc có vịnh Hạ long, tây nam có vịnh Thái lan, chưa kể với nhiều vụng biển, đầm phá cùng những hải đảo cùng nhiều dòng hải lưu. Do đó có thể nói dân Việt Nam từ ngàn xưa đã biết làm nhiều thứ mắm . Duyên hải Trung phần Việt Nam dài nên chuyện ăn mắm mặn tương đối nhiều hơn miền Bắc. Trong khi dân Bắc thường chỉ hay nhắc đến mắm tép và mắm rươi…, dân miền Trung làm hàng chục loại mắm: mắm ruốc, mắm nêm, mắm tôm chua, mắm gạch cua, mắm cá ngừ, cá nục, cá cơm, cá rò …Còn miền Nam với hai nhánh Tiền và Hậu giang của giòng sông Cửu long là nguồn thủy sản nước ngọt quan trọng nên Châu đốc và Vĩnh long là hai vựa lớn về mắm đồng (dã hàm). Tỉnh Phan thiết và đảo Phú quốc là hai nơi sản xuất nước mắm quan trọng cho cả nước và xuất khẩu.

Nguồn thủy sản của Thừa Thiên – Huế.

Theo Tô-Hữu- Quỵ (Hoàn cảnh Địa lý Huế – Thừa thiên / Đặc san Tiếng Sông Hương của Lê Chí Thảo 1983) vùng Thừa Thiên – Huế rộng khoảng gần 5 ngàn cây số vuông , nhưng đồng bằng chỉ chiếm khoảng 1/3 diện tích trên, được nhuần tưới bằng 2 sông chính là sông Hương và sông Bồ Địa thế tổng quát của Thừa thiên - Huế cũng giống các tỉnh miền Trung, gồm đủ núi, rừng, sông, biển, đồng bằng. Nhưng điểm đặc biệt của Thừa Thiên- Huế là vùng đồng bằng trước khi ra đến biển giao hòa cùng nước mặn đã tạo thành những vùng đất phụ, trũng chiếm một diện tích quan trọng gọi là “phá” hay vùng nước “lơ lớ”. Có ba phá là Tam Giang ( 49 km2), Thuận An (54km2), Cầu Hai (114km2). Nhìn chung thì đồng ruộng chỉ chiếm 500km2 và đất khô để ở trồng trọt khoảng 200km2, còn bao nhiêu là đầm pha,ù đất hoang và núi. Đất đai chỉ có vùng nằm hai bên Quốc lộ 1 tương đối bằng phẳng , mầu mỡ nhờ đất phù sa và đất mùn của vùng cận sơn bồi bổ.
Nguồn thủy sản của Huế chính là do biển và các đầm phá. Chiều dài bờ biển là 78 dặm, nhưng diện tích chung của các phá là 217 cây số vuông. Riêng đầm phá Cầu Hai nhờ có độ mặn đặc biệt nên cung cấp nhiều hải sản ngon như tôm cá.
Thủy sản từ sông Hương thường không đáng kể, chỉ cung ứng cho các chợ địa phương do các vạn chài, nhất là vào mùa lụt. Cảnh lụt thì người dân Huế rất sợ vì cuốn theo người ,nhà cửa, bò trâu nhưng theo bác sĩ Tôn nữ Phùng Mai, lụt cũng đem lại cho người dân vài thứ thủy sản bất ngờ:
…….
Lụt là khi cá lúi trứng thơm.
Diếc, dầy, hồng sáp, ong hương
Ngạnh nguồn là cá lụt thương mang về

Chim mỏ nhát, triết, cò chim nghịch
Ấy sơn hào, hải vị cố đô
Cá chình, lệch huyết thơm tho
Bước ra Chợ Mới. mắm rò có ngay

Khế xâm nấu thịt gây hương vị
Lại dưa nưa, dưa kiệu , chuối cây
Chờ khi mưa lụt mới bày,
Bắp cau trộn với mè xay đỡ ghiền.

(Nhớ Vỹ Dạ của Phùng Mai)

( Chú thích về cá Ngạnh-nguồn : Cá này sống ở khe núi trên Nguồn của sông Hương, ít thịt nhiều xương, ở ngoài hai mang tai có hai cái ngạnh dài. Vùng Nguồn này có một thứ “ măng giang” ăn mùi vị không ngon nên do đó có câu hát sau:

Măng giang nấu cá ngạnh nguồn,
Đến đây nên phải bán buồn mua vui.

Theo cụ Tiểu Cao Nguyễn văn Mại, đây là một câu phong dao lịch sử nhắc đến cảnh cực khổ của đám dân ngoài Bắc theo chân Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm vùng miền đất Ô Lý hoang vu nhưng họ đồng lòng quyết chí khai phá)

Bão lụt thường gâùy ảnh hưởng trầm trọng về môi trường sinh thái cho nguồn thủy sản ở Thừa thiên – Huế. Bão lụt bất ngờ thường do những trận mưa trái mùa xuống những sườn núi dốc của dãy Trường sơn. Để ngăn ngừa lũ lụt, nạn chặt cây rừng phải được nghiêm cấm và người ta đang dự trù công trình do ngoại viện để xây một đập trên nguồn Tả trạch của sông Hương (Nguồn này phát nguyên từ núi Trường động, dài quanh co cả trăm dặm rồi lao mình xuống với 55 ngọn thác nước đổ sống reo rồi từ từ chảy đến ngã ba Bảng Lãng để hợp với nguồn Hữu Trạch thành con sông Hương chảy lững lờ ra biển).
Phá Tam giang ngày xưa vào cái thuở

“Nhớ em anh cũng muốn vô,
Sợ Truông nhà Hồ, sợ Phá Tam giang”

thì sâu nhưng vì phù sa bồi lắng nên càng ngày càng trở nên cạn đi với chiều sâu hiện nay khoảng 2 thước. Phá Tam giang là một trong những phá lớn vùng Đông Nam Á. Một hoạt động khởi sự vào năm 1977 trong sự nuôi dưỡng rong biển nguyên thủy càng ngày càng gia tăng làm cho đầm phá trở thành thuận tiện cho sự dưỡng ngư đem lại nhiều thu nhập hơn đánh cá ở biển ví du vào năm 1994 thâu hoạch của sự đánh cá ở biển cao ba lần hơn thâu hoạch của dưỡng ngư nhưng giá thành bán cá nuôi cao bốn lần hơn cá bắt và tôm cao chin lần hơn. Tuy nhiên trận lụt vào tháng 11 năm 1999 là một trận lụt lớn nhất thế kỷ đã gây một thiệt hại khủng khiếp. Trước khi lụt này, phá chỉ thông với biển Đông bằng hai cửa nhưng sau lụt thì làm lở trôi thêm một phần giải đất ngăn đầm phá với nước biển và chỗ lở này nằm trên đường thẳng với giang khẩu nên đã gây nhiều rối loạn về cấp độ mặn của nước lợ trong đầm phá nên ãnh hưởng trầm trọng cho dân dưỡng ngư và nhà nông ví dụ như tôm Cá đầm Cầu Hai sở dĩ ngon là nhờ độ mặn lý tưởng của vùng nước ở đây.

Mâm cơm của Mạ

Nhìn lại hoàn cảnh địa lý thiên nhiên với thiên tai lũ lụt hằng năm của vùng Thừa thiên - Huế, hột cơm con cá đối với người bình dân chưa hẳn đã dễ làm ra nếu không phấn đấu cơ cực. Do đó, cách ăn uống của đa số người dân là “chém to kho mặn". Ta hãy nghe Huy Phương tả những mâm cơm gia đình của anh hồi nhỏ:

Thuở ấu thời , mắm cà cùng muối đậu
Con đã quen ngon miệng món nhà bần

Lúc mớ rạm ngoài đồng đem rang muối
Mùa nước lên con bống thệ kho khô.
Những chột nưa mạ nấu cùng tí ruốc,
Rau tập tàng vị ngọt những ngày thơ.

Đọt rau khoai ngọt ngào con tôm đất
Hũ tép chua có những lát măng vòi.
Bánh tráng nướng còn thơm mùi mít trộn
Những món quen con vẫn nhớ trọn đời.

Ngày mưa bão, trên mâm thường trứng luộc,
Trưa mùa hè, nước rau muống thay canh.
Chút dưa, muối cũng vội vàng xong bữa
Sao mạ hay… ngồi ăn cuối một mình.

( Con là con mèo Trạng Quỳnh của Mạ_ Huy Phương)

Cái ngon đến nhức chân răng!

Qua hồn thơ Huy Phương, tôi bỗng hiểu tại sao tâm lý của những người Việt trăm người như một ,khi nhắc món ngon quê mẹ nhất là mắm đều ca tụng hết lời tưởng chừng chỉ có nó mới đáng gọi là ngon. Qua mắm muối dưa cà kham khổ họ đã tìm lại hình ảnh của người mẹ lam lũ hy sinh. Khẩu vị của họ đã bị “ điều kiện cách” nên trước miếng hamburger của Hoa Kỳ , họ dửng dưng như con mèo của Trạng Quỳnh ngày xưa vậy.

Về phương diện tiến hóa, mọi sinh vật sơ đẳng đều phát triển sơ khởi trong môi trường nước biển và cơ thể con người là một thùng nước muối đẳng trương di động. Do đó, thực phẩm chúng ta ăn đều ít nhiều phải có muối và vị “mặn” là nòng cốt của vị giác. Một người bạn đã hỏi tôi về một bà tôn nữ ở Huế trước khi đi lấy chồng đã đãi người yêu một bữa ăn gồm 21 món muối, chuyện đó có thực không?” Tôi thú thực có nghe chuyện cơm muối này với tình tiết tương tự, nhưng con số thì khác! Người nói 10 kẻ nói 12 đại khái kê ra là :muối sống, muối trắng, muối rang, muối hầm,muối tiêu, muối tiêu chanh, muối ớt, muối sả, muối ruốc, muối khuyếc, muối đậu, muối dầu lai…
Thông điệp của bà tôn nữ qua bữa cơm muối “vừa ăn vừa ngậm mà nghe” trên phải chăng gói ghém một cách lửng lơ: Ai biết tình ai có đậm đà? Riêng tôi, bữa cơm này phải gọi là bữa cơm Chương đài! Vì phần nào khi gặp lại về sau thì ” Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay” và phần nào cũng giống chuyện:” Một mình ăn hết …12 vại cà “ của một anh chàng làm rể nào đó qua ca dao! Đậm đà mặn mòi đâu thì chưa biết , nhưng chắc chắn là tha hồ mà khát….không phải khát tình mà là khát nước chết bỏ. Cũng may là không có bữa cơm Chương đài dọn ra với nhiều thứ mắm.

Nói chí tình, mắm muối quả là rất ngon bổ và lành mạnh. Mắm một khi quen ăn thì bắt ghiền vì đây là thành phẩm của nhiều diếu tố thiên nhiên trong tế bào tôm cá gây ra một tác dụng tự phân giải cộng với tác dụng lên men của các vi khuẩn hiếu diêm ( chịu muối). Nhờ cá và mắm, dân Việt nam nghèo không bị thiếu dinh dưỡng về protein, thiếu calcium trong xương cá và thiếu sinh tố B 12 rất nhiều trong những rong rêu trong ruột cá. Mắm lại chứa hơn 100 hóa phẩm dễ bay hơi gồm hydrocarbons, alchohols, carbonyls, acid béo, esters ; do đó mắm dễ dậy mùi, ăn vào đúng là “ngậm mà nghe” vì hương vị của những amino-acids lừng lên để tác dụng trên gai lưỡi và kích thích các tiêm mao trong xoang mũi.

Người ta thường ăn mắm kèm theo nhiều rau cỏ và nhiều phụ gia phẩm mà mỗi thứ đóng góp những hương vị riêng : khế chua, vả chát, ớt cay, tóp mỡ béo, mè và đậu phọng bùi, tỏi nồng, riềng the ngai ngái,… Đúng là Trùng dương mở hội khi ăn một đọi cơm hến nêm nếm vô với trên dưới 21 thứ phụ gia phầm và gia vị. Dân Huế có đặc tính ăn rất cay với đủ “giai tần cấp độ về thống khổ” do tác dụng của capsicain của ớt trên các giác quan: cay chẩy nước mắt, cay sặc đến nấc cụt, cay xé lưỡi, cay điếc lỗ nhĩ, cay toát mồ hôi …cay đến tận hậu môn, chu choa là sướng. Cái ngon của mắm- quả là “bất khả tư nghì” bằng ngôn ngữ của nhân gian, họa chăng với thành ngữ đơn sơ “ngon đến nhức răng” nghe ra ý vị và mênh mang ! ( Tên gọi trái” ớt “ của Việt ngữ nghe âm hưởng giống những tên Nga-yok của Miến điện, Prik yuak của Thái lan trong khi tiếng Tầu gọi ớt là “lạt tiêu “ (Q.đông: lat chiếu/ Bkinh:la chieo)

Nét ăn của người Huế

Thủy sản là nguồn thực phẩm cơ bản cho người dân xứ Huế. Chị Nguyễn thị Hiệp ở Austin đã giúp tôi nhận diện điểm danh ra vài loại cá mà chị từng quen thấy ở Huế trong cuốn Seafood of South-East Asia của Alan Davidson (Federal Publications 1976).
1) Cá sông có đối,hanh, hương vàng,mối,mú, mú heo, phèn, úc.
2) Cá biển có bạc má, bè cam, cơm , chuồn, mòi, nhồng, sòng, thu.
Sự liệt kê trên đương nhiên còn thiếu nhiều ví dụ như sách trên không nhắc đến:
_ cá phác lát (thát lát), cá lóc gốc từ trong Nam đem ra nuôi do bà Từ Dũ. Cá phát lát đem ra nuôi ở cống Phác lát lạng thịt làm chả.
_ cá bống thệ (thường dùng kho lửa riu riu với thịt ba rọi rau răm ,ờt bột tiêu đường nườc màu cho đến khi cá nhìn trong như hổ phách) ;
_ các loại nuốc ( nuốc tai, nuốc chân) dùng ăn giấm nuốc
_ những con mực giã để làm chả thơm lừng mùi tỏi
Nét ăn của dân Huế có một đặc thù ít nơi khác theo kịp là mùa nào thức nấy phải theo đúng thời điểm lý tưởng như câu thơ theo trường phái tượng trưng của Nguyễn xuân Sanh :Đáy dĩa mùa đi nhịp hải hà.
Đất Huế – Thừa thiên, mỗi năm có hai mùa: mùa nắng ráo và mùa mưa lụt. Dựa theo Sách dậy nấu ăn lối Huế của bà Hoàng thị Cúc, cách chọn tôm cá theo mùa như sau:
_ Về cá:
*Mùa nắng là những tháng hè là mùa của các thứ cá nục, thu, ngừ …Trong thơì gian từ tháng 2,3 cho đến tháng 7,8 thì giữa tháng 4.5.6 là cá biển nhiều và ngon hơn cả.
* Mùa mưa lụt thì sẵn có các loại giếc, lúi, cấn, mại (từ tháng 9 đến 11.12); còn cá trầu, rê, trê, phát lát từ tháng 10 đến tháng 3.
_ Về tôm:
* tôm gân thì mùa nào cũng có, nhưng tôm đất có từ tháng 10 đến tháng 2;
* Các loại tôm sú, rằn là ngon nhứt vào tháng 3.4.5 ( món tôm chua cần phải tôm rằn )
_ Về Cua: phải kiếm mua vào những tháng 4,5,6 tuy rằng tháng nào cũng có nhứt là tìm những cua lột (hay cua bấy), còn cua gạch thi có trễ hơn.

Riêng về hến, ta hãy đặc biệt tìm hiểu thêm: Nghề cào hến tại Cồn Hến để bán làm cơm hến có lẽ có từ lâu nhưng chỉ bắt đầu phổ biến dưới triều vua Thiệu trị. Nhân một người đầu bếp thượng thiện dâng món cơm hến cho vua ăn, vua thấy khoái khẩu bèn hỏi thăm lai lịch và biết rằng việc cào hến cực nhọc nên thương tình ban sắc lệnh miễn thuế cho nghề này. Cơm dùng ăn cơm hến phải là cơm nguội. Đây chính là một món ăn dân giả được lọt vôkhẩu vị của chốn cung đình. Ngoài ruột hến xào với bún tàu thì à các phụ gia phẩm cho một đọi cơm kể ra rất nhiều như ruốc, ớt bột, ớt trái xắt nhỏ, đường, muối, nước mắm ruốc , tỏi đâm, dầu phụng hay mỡ, đậu phụng rang, tóp mỡ, một rổ rau gồm rau thơm, môn ngọt, chuối sứ , khế chua xắt nhỏ trộn chung…Cái đặc thù của cơm hến là sau khi người bán bỏ cơm, ruột hến cùng các phụ gia phẩm thì người ăn nếm thử có vừa miệng không rồi nhân tâm tùy thích tự tay mình nêm thêm gia vị pha chế… ( viết theo Lê đình Hạnh: Cồn Hến và Cơm Hến tháng 6/ 2003)

Cung đình và dân dã

Huế nguyên là đất dấy nghiệp của nhà Nguyễn từ giữa thế kỷ 16 rồi sau đó trở thành kinh đô trong 143 năm ( 1802 – 1945) , do đó có một sự giao lưu ảnh hưởng về lề lối ẩm thực giữa hàng vương giả với kẻ thứ dân. Ngót 100 phủ đệ của ông hoàng, bà chúa sống hòa lẫn với khu vực dân cư ở các vùng như Kim Long, Vĩ dạï, An Cựu . Bằng chứng điển hình về sự giao lưu nhất là cuốn Thực Phổ Bách Thiên của bà Trương Đăng thị Bích, phu nhân Hiệp tá Đại học sĩ Hồng Khẳng tuy làngười ở vương phủ biên soạn năm 1910 nhưng chỉ nói đến 34 món ăn cung đình, còn lại là món ăn dân dã kê ra nào là 7 loại dưa cà, 14 loại mắm…
Riêng kể điển hình về các cá biển, cá sông thì sách trên kê ra các món: cá ngừ kho thịt, cá ngứa kho rim, cá dìa, cá đối kho nước,, bống thệ dừa kho rau răm, cá rô um muối, cá mú chiên bọc trứng, cá hanh hấp, canh cá trầu nấu ám, cá ốc mó nấu thơm, cá kình nấu măng chua, cá tràng . cá khỏe nấu ngót. Về cách kho cá bình dân phần lớn ỡ miền Trung và ở Huế thi cá biển thường kho lẫn với các rau quả như khế, cà chua, dưa hường , mít non hay xơ mít. Sau đây là món “Cá Ngừ kho với thịt” trích trong sách của bà Trương Đăng thị Bích để lem thèm quí vị chơi:

Cá ngừ cắt lát phải hơi dày,
Thịt xắt thêm vào nửa cũng hay
Muối với tiêu đường cùng vỏ ớt
Nước ngang kho rặc duống liền tay

Đặc biệt có món “tôm sú kho đánh” rất phổ biến ở Huế , chúng ta thấy kê ra trong sách Thực phổ bách thiên không biết có nguồn gốc cung đình hay dân dã?

Một chút chi dí dỏm về tiếng Huế!

Cũng trong chuyện ăn cá, dân Huế chữ nghĩa cũng sáng tác ra vài giai thoại khá lý thú:
Trước hết là đặt tên cho một loài cá gọi là Cá Long Hội, mới nghe ra thì nghĩ là con cá gì đặc biệt trong sách Nho, ai ngờ đó là con cá rất nhiều xương, ăn vô phải “ lôi họng” ra!
Sau là câu chuyện một ông nhà giầu muốn kén rể thâm nho. Một hôm, có hai anh chàng muốn ngấp nghé làm rể được ông mời ăn cơm. Trên mâm cơm, ông cho dọn ba món : canh, kho, xào dọn trong những chén dĩa đẹp đẽ quí phái đàng hoàng, nhưng đặc biệt giữa mâm lại bày thêm một cái vịm nhỏ có nắp đậy rất ư lịch sự bên trên dán một tờ giấy trang kim viết hai chữ nho là Thuận Đức. Khi bắt đầu ăn, hai chàng thí sinh đông sàng mới thấy ba món trong mâm, món nào cũng dọn ra toàn cá Long hội, nên khiến hai chàng này ăn chẳng vô mà khạc ra thì vô lễ… Bỗng một anh bèn với tay ra lấy cái vịm Thuận Đức để trước mặt anh, xong anh bắt đầu ăn thoải mái những món cá dù là cá nhiều xương lôi họng! Anh ăn từ tốn lấy lưỡi lừa xương ra rồi đưa cái vịm lên để thủng thẳng nhả xương vô rồi xong đậy nắp vịm lại rồi ăn đến món khác. Còn anh kia ngớ người ra không biết làm sao? Kết cuộc, ông nhà giầu gả con gái cho anh chàng đã biết “ nhả xương vô vịm”!
Lý do là trong sách Nho có câu nói không nhớ biết có phải của cụ Khổng tử không, câu này nguyên 4 chữ là Thuận Đức Dã Xương. ( ý nghĩa có thể là làm thuận những điều đức hạnh, ấy là tốt đẹp thay). Ông nhà giàu bèn thử xem những anh chàng muốn lấy con gái ông có thuộc câu này hay không? ( Người Huế có tật nói chớt phụ âm kép NH như nói cái” nhà ” thành cái “ dà ”, nên chữ “ dã xương” trở thành” nhả xương”!! Do đó, cái vịm Thuận đức kia chính là cái vịm đựng xương cá mà người ta “nhả” vô đó!)
Cũng nói thêm là về một giai thoại khác liên quan đến chữ “nhà” là một ông nọ cất một căn nhà mới, nhưng ông dự trù rất nhiều vật liệu trên mức cần thiết tối thiểu, mà con cháu thì lo lắng hỏi tại răng? Ông bèn giảng là khi cất nhà tức thị phải “ làm già” ! chứ ai lại đi làm non thiếu hụt chết!

Ủ các loại mắm Huế theo Thực Phổ bách thiên

Nói chung, nguyên liệu chính của món mắm là thủy hải sản và muối nhưng tùy theo phong thổ từng vùng mà mỗi loại có những dị biệt về phân lượng muối và thời gian ủ chín nên do đó mùi vị, màu sắc và ù cách chế biến pha trộn khi ăn cũng khác nhau.
Theo kinh nghiệm đúc kết của bà Phan thị Ngọc Liên, chủ cơ sở Mắm Ngọc Liên thì : Người miền Tây có xu hướng thích ăn mắm vị mặn vừa phải, thịt ngọt, không sử dụng ớt trong quá trình ủ mắm mà sử dụng lúc chế biến thành món ăn.Gu ăn mắm của người sống ở miền Trung trở ra chủ yếu: mặn và cay.( Mắm xưa và nay – Saigon Tiếp thị).
Thành ra chủ yếu là cái kinh nghiệm của người làm mắm cho từng loại cá và khẩu vị của dân từng miền đã định đoạt trong sự chế biến. Thủy hải sản càng nhỏ, sống gần vùng nước mặn có thời gian chín thành mắm ngắn hơn loại cá cỡ lớn sống gần vùng nước ngọt. Mắm đồng thời gian chín từ 4 – 6 tháng trong khi mắm làm từ cá biển thời gian chín trung bình 2 – 3 tháng, mắm nước lợ chín sau khi ủ khoảng 3 – 4 tháng.
Bây giờ dựa vào nhận xét trên, ta thử khảo sát lại cách làm mắm của bà Trương Đăng thị Bích:
Đối với loại cá biển cỡ lớn thì cá mười, muối ba:
* Ngừ, gai, nực chuối thịt như nhau
Lấy ruột riêng ra ướp được lâu
Cá chục, muối ba dằn thiệt kỹ
Rồi rang thính lại bỏ theo sau.

*Ướp đối cùng dìa xẻ ruột ra
Cá mười, ba muối chẳng chi già
Đá giằn ít bữa coi vừa đặng,
Rang bắp xay dần bỏ thính qua

Một chi tiết cần chú ý là những ruột cá thơ sớ mềm và chứa nhiều vi khuẩn phải đề riêng ra kẻo ảnh hưởng đến thời gian ủ muối. Nhưng khi làm Mắm nạc Ngừ xây bột trộn với Ruột thì phân lượng là Cá mười, Muối một , chỉ trong vòng 10 ngày là ngứu rồi:
Nạc ngừ làm bột, ruột làm pha
Vằm nhỏ mười phần, một muối mà.
Xắt tỏi cùng riềng đều trộn lại
Mười ngày chín ngứu rắc tiêu qua.
Còn đối với các thứ cá cỡ nhỏ thì phân lượng bớt như sau: Cá 10, Muối 2
Mắm nêm cá cơm:
Cơm than, nục chuối mắm nêm ngon
Cá chục, mói hai cũng chẳng non
Nhận chặt gài mê cho kỹ lưỡng.
Để lâu thơm chín đỏ như son
Mắm nêm cá nục:
Nục nhỏ làm nêm lắm kẻ ưa,
Đong ngang chục cá, muối hai: vừa
Ghè khô nhận chặt phơi mươi bữa
Gió bẩy mùi thơm biết chín chưa
Nghệ thuật làm thơ của tác giả Thực Phổ bách thiên dạy về kỹ thuật làm mắm quả là nghệ thuật “trói voi bỏ rọ”, bao nhiêu chi tiết cần thiết cô đọng lại (Zipping !) trong vài chữ, muốn hiểu ta phải unzip ra từng chữ đó như câu thứ ba 7 chữ phải chặt làm ba: “ ghè khô” “nhận chặt””phơi mươi bữa” nghĩa là:
· ghè phải khô sạch nếu không chùi kỹ thì những loại vi khuẩn xấu làm nhiễu hại sự lên men tự hủy mà gây ra rữa thối (putrefaction)
· nhận chặt để tránh hiện tượng “nong nước” của thớ cá
· phơi mươi bữa để dùng cái ấm của nắng làm xúc tiến sự lên men tự nhiên

Mắm tôm chà quí phái ở Huế nghe đâu do bà Từ Dũ mang ra từ quê hương Gò công của bà.

Mắm Tôm Chua xứ Huế ra răng?
Bây giờ, chúng ta khảo sát về cách làm Mắm Tôm chua:
Tôm tươi phèn rửa hớt đầu đuôi
Muối rượu say sưa để một hồi
Ớt, tỏi, măng, riềng, xôi đủ vị
Trộn đều gài chặt ấy là rồi!

Đây là một sự “lên men chua”( lactic acid bacterial fermentation) với tác dụng của nhiều thứ vi thể (microorganism) như leuconostoc mesenteroids, pediococcus cerevisiae, lactobacillus plantarum..Ở Phi luật tân, mắm Burong dalag làm bằng cá, thính và mẻ (ang-kak) để lên men chua. Trong mắm tôm chua Huế , để ý có cho thêm măng và xôi hay mật ong để khởi động sự lên men chua khác cách làm nơi khác. Món riềng cũng đặc biệt. Riềng (galanga) có hương vị đặc biệt mà phần lớn dân Đông Nam Á (trừ Tầu) rất thích vì nó hợp với mắm tôm, mắm tép. Tương truyền rằng mắm tôm chua do Chúa Nguyễn Hoàng trấn Thuận Hóa đã chuyển mắm tép đồng muối bằng thính thành tôm chua. Nghe nói mỗi phủ chúa đều có bí quyết làm mắm tôm chua riêng. Tôm chua kén loại tôm bạc đất hay tôm rằn nhỏ (còn nhẩy tanh tách), còn các loại tôm khác vỏ dầy cứng làm không ngon. Ở Huế, ngày Tết món tôm chua được trịnh trọng dọn ra ăn. Thời tiết một chạp lành lạnh, nên tôm đòi hỏi ba tuần mới chua nhưng ăn ngon đặc biệt.
Dân Bắc không gọi là “ tôm chua” mà là “ tôm điềm” ( điềm nghĩa chữ nho là ngọt!) không hiểu tại sao? Nhưng một điều chắc chắn món tôm chua của Huế giữ một độ chua đặc biệt ăn rất bắt với thịt ba chỉ thái mỏng, và với khế chua, vả chát thật là dung hợp tuyệt vời. Mắm tôm chua trong Nam thì quá ngọt!

Miếng ngon xứ Huế sẽ đi về đâu?

Đối với dân Đông Nam Á nói chung, dân Việt nói riêng, toàn là những dân tộc “ăn cơm” thì thủy hải sản là nguồn cung cấp protein chính yếu hơn cả thịt thú vật. Mắm là thành phẩm do muối và tôm cá tạo ra với một kỳ diệu làm khẩu vị con người được thăng hoa một cách huyền bí.
Cá và Mắm đã đi vào ca dao. Đề tài Cá và Mắm xứ Huế nhìn chung là một vấn đề tưởng là giản dị tầm thường, nhưng càng bàn vô những chi tiết tôi có cảm tưởng đụng vào cái đáy tận cùng sâu thẳm của văn hóa.
Des gouts et des couleurs il ne faut pas discuter!( Proverbes _ le Petit Larousse). Nói đến cái ngon và cái đẹp thì xin hãy miễn bàn vì mỗi người tha hồ tự do có những nhận định riêng. Tuy nhiên tôi cũng mạo muội trình bày cái sở kiến của tôi nói về cái miếng ngon xứ Huế.
Kể từ sau khi có chính sách mở cửa kinh tế thị trường và cố đô Huế được quốc tế công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, thành phố này từ lâu sống khép kín như nàng công chúa trong giấc ngủ ngàn năm bỗng bừng trỗi dậy trước cảnh thăm viếng của khách viễn du. Cái đẹp của những vật thể như những cung điện, thành quách, lăng tẩm thì rõ ràng hiển hiện được thu vào ống kính còn cái ngon _ nét văn hóa phi-vật- thể thì sao? Theo tài liệu của sở Du lịch và Phát triển Huế, du khách đến Huế ngoài chuyện “ăn cơm vua” có thể thưởng thức những món ăn dân dã ở những nơi như:
_ Bún bò có quán bà Bê ( đường Lý Thường Kiệt)
_ bánh bèo, nậm lọc có quán bà Đỏ ( đường Nguyễn Bỉnh Khiêm)
_ bánh khoái Cửa Thượng tứ,
_bánh chưng ở quán bà Thêm ( đường Nhật Lệ)
Ngoài ra còn có cơm Hến Vĩ Dạ, bánh canh Nam Phổ, mè xửng Thiên Hương, tôm chua Cô Ry ở chợ Đông ba…
Cái ngon của những món quà Huế được tiếp thị giới thiệu quảng cáo trên chưa chắc đã làm hài lòng những người du khách “ gốc Huế” khi về thăm lại cố hương . Ví dụ chúng có được cải tiến ngon thên chăng nữa thì cái ngon này là cái ” ngon gượng” vì “ ai tri âm đó, mặn mà với ai”, nói chí tình trong tâm tư của những người trở về còn nặng trĩu những hoài niệm về quá khứ với những địa danh khác như : bánh bèo Ngự Bình, bánh khoái Đông ba, mè xửng Thím Chăn… Nói thêm về cái ngon, thì ví dụ như trên tô bún Huế hiện nay được cải biên bỗng xuất hiện những miếng tôm trộn gân ăn tuy lạ miệng nhưng chưa chắc đã ngon. Tâm lý của người trở về muốn tìm lại cái tinh thần “y cựu” tiếu đông phong của những nhánh đào năm xưa thôi. Một điểm mà chúng ta phải thành thật công nhận về tâm lý khi bàn về cái ngon: người ta không bao giờ tắm được cùng một giòng nước trên một con sông. Cái miếng ngon của quê hương tìm lại chỉ là miếng ngon tâm tưởng! Ai ơi, trở lại mùa thu trước, Nhặt lấy cho tôi chiếc lá vàng! Thực tế mà nói, phần lớn du khách “gốc Huế” trở về đều suýt soát cái tuổi “ thất thập” thì có thể nói đa số những gai vị giác của các cụ đã biến mất, đâu còn đầy đủ như xưa!
Về cái ngon của con cá Huế và của những vị mắm Huế, người khách “ gốc Huế” chỉ có thể tìm lại thưởng thức trong những mâm cơm gia đình thôi vì phẩm chất của chúng dính liền với bản thổ địa phương, và tài khéo nấu nướng pha chế của người nội trợ không dễ dàng đem ra tiếp thụ thương mãi hóa được. Ví dụ nói về Tô cơm Hến ăn ở Huế trong muôn một dẫu sao còn ngon vì những hến này được cào ở Cồn Hến nhưng theo người sành ăn thì chỉ nên ăn Cơm Hến rong, chứ không thể ăn trong khách sạn được. ( Có kẻ còn khó tính nhiễu sự, ăn xong một đọi cơm Hến canh xè xuýt xoa với bao nhiêu phụ gia phẩm thì phải đòi uống một đọi chè Tuần say chát để “hãm” cái vị thủy sản đặc biệt của con hến Sông Hương, kẻo nay mai trở về Mỹ khi thèm ăn chỉ có dùng hến hộp mà thôi).
Chúng ta có thể nào “gói ghém chút mắm quê hương” mang theo về làm quà khi trở về Mỹ không? Tôi muốn đề cập đến Mắm công nghiệp dưới hình thức đóng hộp. Nhiều người chê mắm đóng hộp làm mất 50% mùi vị nhưng theo những nhàsản xuất thì cách thức chế biến của mắm thủ công và mắm công nghiệp đều giống nhau theo kiểu ông bà xưa truyền lại, ví dụ như về dùng muối để ủ mắm. Dù kỹ thuật công nghệ có cải tiến, muối dùng phải là “muối hột” chứ không thể nào thay thế bằng các loại muối tinh khiết , muối sấy khô khác. Trong trường hợp xài muối hột, quá trình cá chín thành măm sẽ tiến hành song song với giai đoạn hột muối tan nên cá chín và ngấm đều gia vị, còn dùng muối dạng bột thì cá chỉ chín mặt ngoài. Aâu đó là một trong nhiều khía cạnh kỹ thuật đáng ghi trong sự duy trì cái ngon của cá mắm trong công nghiệp. Ngoài còn vấn đề bao bì, bảo quản, hạn sử dụng, khiến người ta phải dùng dầu mè hay dầu phọng có thể làm thay đổi mùi vị. Nhìn về tương lai, trong chiều hướng toàn cầu hóa, món ngon của một địa phương khép kín” khi xưa phong gấm rủ là” như cá mắm muốn phổ biến đương nhiên phải cải tiến theo trào lưu chứ.
Một điều suy nghĩ sau cùng của tôi là hột cơm, ngọn rau, cá mắm cùng bao nhiêu món ngon của quê hương muốn duy trì về phẩm lượng trên phương diện kinh tế văn hóa rõ ràng tùy thuộc cái tài năng quản lý, bảo vệ và cải thiện môi trường của chính quyền hữu trách. Trường hợp của địa bàn Thừa thiên- Huế là xây đập trên nguồn sông Hương để kiềm chế lưu lượng giòng nước chảy về hạ bạn, ngăn chận phá rừng bừa bãi, sửa chữa kiên cố lại phần đất lở của đầm phá trổ ra biển gây hậu quả tai hại cho vấn đêø dưỡng ngư trong đầm phá. Đó là những khía cạnh khoa học kỹ thuật về các ngành như Sinh thái học, Ngư nghiệp phối hợp với khoa Nghiên cứu về Thực phẩm lên men, về khoa Dinh dưỡng, về Công nghệ đóng hộp…đang muốn tìm hiểu để cải thiện môi trường hầu cho đất Huế có thể sản xuất thủy sản và cá mắm cho người dân tiêu thụ và xuất cảng ra ngoài theo đúng nhu cầu.

LÊ VĂN LÂN

my lady
09-19-2007, 08:22 AM
Rắc rối vì cái tên cúng cơm!

Sống tại Âu Mỹ, người Việt Nam mình thường hay bị rắc rối vì cái tên. Theo kiểu của mình thì cái tên luôn luôn phải ở chót, sau cái họ và sau cả chữ lót nữa nếu có. Ở đây, theo kiểu Tây phương thì phải đảo ngược lại, bắt đầu là tên, kế đến là chữ lót, rồi cuối cùng mới là họ.



Nội cái vụ chữ lót không thôi mà đôi khi cũng phải nhức đầu. Tây họ thường hay hỏi mình nó là cái gì vậy? Mà thật ra đôi khi mình cũng không biết tại sao phải cần có chữ lót để làm gì, tại sao có người thì có chữ lót còn người khác thì lại không! Rồi mình lại phải cắt nghĩa vòng vo Tam Quốc cho họ hiểu, mà cũng không chắc họ hiểu gì cho lắm đâu...Thôi thì bỏ quách chữ lót cho nó nhứt cử lưỡng tiện. Có nhiều người còn có tên đôi tên kép nữa! Có tên thì dài ngoằng dài ngoèn một hơi bốn năm chữ, cho nên mỗi khi phải điền vào hồ sơ hay giấy tờ thì gặp rất nhiều khó khăn, vì không đủ chỗ viết, mà cũng không biết điền biết viết vào hàng nào cho nó đúng tên đúng họ của mình!

Các con em VN sống tại Canada và Hoa Kỳ thường được cha mẹ đặt thêm tên Tây tên Mẽo cho bạn bè, thầy cô của chúng nó dễ kêu, nhưng người mình thường hay có thói quen sửa lại thành tên mít hết cho dễ gọi, thí dụ như thằng Lít (Philippe), con Ri (Marie), con Rết (Henriette), thằng Na (Bernard), thằng Ni (Tony), thằng Tôm (Tommy) vv... Lại còn cái vụ tên VN ở đây mình không được bỏ dấu theo kiểu việt ngữ cũng gây rất nhiều phiền toái hết sức, vì không biết gọi sao cho đúng tên cúng cơm của người ta chớ không thì kỳ chết đi, mích lòng lắm... Tên Việt Nam mà dịch ra tiếng ngoại quốc cũng ngon lành lắm chớ bộ, thí dụ như Thắng là Frein hoặc Victoire, Bạch Tuyết là Blanche Neige, White Snow, Tốt là Bon, Good, Tân là Nouveau, New, Thu là Automne, Fall, Xuân là Printemps, Spring. Giàu hay Phú là Riche, Đức là Allemand, Lễ là Fête, Lan là Orchidée, Thơm là Good Smell hay Pineapple, Mai là Demain, Tomorrow...

Còn tên Tây tên Mẽo mà dịch ra tiếng Việt đôi khi cũng thấy ngồ ngộ lắm, như Toronto là Tổ Rồng To, Montreal là Mộng lệ An, San Francisco là Một Trăm Quan Tiền Sáu Cô, Jean Talon là Jean Tà Lởn, Côte des Neiges là Dốc Tuyết, Bush là Bụi Cây, Charette Xe Bò, LeBoeuf Con Bò, Paradis là Thiên Đàng, Bouvier là tên một loài chó, Armstrong là Cánh Tay Mạnh, Pierre, Stone là Đá hay Thạch, Gate Cái Cổng, LeBlanc là Trắng hay Bạch, LaMontagne là Núi, Sơn, PainChaud Bánh mì nóng, Claire Lavoie là Đường trống, LaRivière là Con Sông hay Hà, và Sovo là cái tên quốc tế rất độc đáo của đại đa số đàn ông trên thế giới! Cũng có những cái tên VN rất ư là đẹp đẽ thanh tao, chẳng hạn như Dung, Cao, Vân, Phát vv...nhưng nếu phát âm theo kiểu Anh kiểu Mẽo thì kẹt lắm vì nó sẽ có ý nghĩa không mấy đẹp đẽ gì cho lắm!!

Còn cái vụ nói lái nữa chớ... Chỉ cần thêm một vài chữ sau cái tên cúng cơm là nó sẽ trở thành một cái tên mới thật ác liệt lắm, thí dụ như các tên Hậu, Thu, Đạm, Lan, Công, Tốt, Tôn, Môn, Paul, Đức, Đậu, Bồn, Dũ, Đệ, Tu, Cự, Đạo, Bắc, Mao, Thái, Lài, Đại, Hai, Hải vv...Cũng có một số tên rất tương khắc lẫn nhau, nếu cặp đôi lại thì nghe kỳ lắm như Bà Lê thị Sướng, Trần văn Lâu, Ông Nguyễn văn Chơi, Ông Tôn thất Nghiệp, Ông Lê văn Giàu... Rồi còn vụ gán thêm cái bí danh vào tên cúng cơm làm cho nó càng thêm rõ nghĩa, thêm đậm nét nữa chớ, chẳng hạn như Tuấn mập, Minh cò (vì ốm nhom ốm nhách và cao như con cò), Lộc bụng (vì có mang thùng nước lèo khá đồ sộ ở đằng trước), Phước lùn, Tâm rổ (mặt đầy xẹo vì bị té trong thùng đinh lúc còn nhỏ), Cô Hồng coi bói, Cô Xuân bánh cuốn, Con Thủy áo dài (vì chuyên may áo dài), Đức garage (chuyên sửa xe)...Hồi còn đi học, thì nhứt quỉ, nhì ma thứ ba là học trò, nên thầy cô gì cũng đều bị học trò đặt thêm cho một cái tên hết.... Nghĩ lại thấy cũng vui vui.

Nguyễn Thượng Chánh