PDA

View Full Version : “Đảo Đài Loan”ở đồng bằng sông Cửu Long



Dan Lee
08-29-2007, 04:30 PM
“Đảo Đài Loan”ở đồng bằng sông Cửu Long

Cù lao Tân Lộc được mệnh danh là xứ vườn, hiền hòa, thơ mộng nằm giữa sông Hậu thuộc huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, gần đây Tân Lộc còn có tên gọi mới: “Đảo Đài Loan”. Cũng đúng, bởi vài năm nay, Tân Lộc trở thành một trong những xã ở đồng bằng sông Cửu Long có đông người lấy chồng ngoại.


I- Nhắm mắt đưa chân mong đổi đời


Không cần lật sổ tay, chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã thuộc nằm lòng từng ấp, từng gia đình… có người lấy chồng Đài Loan. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng phần lớn có một điểm chung là “nghèo”, lấy chồng ngoại để mong đổi đời, giúp gia đình vượt qua khó khăn.

Trong căn nhà tường vừa mới cất, rộng rãi và thoáng mát với những tiện nghi chẳng thua gì nhà ở thị thành, chị Nguyễn Thị Thu Kiều, chủ nhà, khoe với chúng tôi: Trước đây, gia đình sống nhờ vào mấy công ruộng, cả nhà có đến 9 nhân khẩu. Làm xong mùa vụ, quay qua quay lại thiếu trước hụt sau. Những lúc túng thiếu phải đi hỏi nợ, cứ vậy ngày qua ngày, nợ mẹ đẻ nợ con, 7 công đất ruộng lần lượt mang ra bán, không trả đủ. Cùng đường, đành gả con “xa xứ” với hy vọng nhỏ nhoi còn lại.

Nói đến đây, chị Kiều ươn ướt nước mắt: “Năm đó (1998) có biết gì đâu, chỉ nghe người ta nói lấy chồng Đài Loan được nhiều tiền, họ cưng con gái lắm… nhưng tui nửa tin nửa ngờ. Chồng tôi cằn nhằn, gả con xa mà không biết mặt mày bên chồng thế nào, về bển làm sao sống. Gả đi thì dễ, nhưng biết bao giờ nó về… Gần 2 tháng, con điện về cho biết, chồng đi làm tài xế, nhà chồng thương nó lắm… tui mới bớt lo”. Từ ngày gả con đến nay, chị Kiều được “báo hiếu” gần 400 triệu đồng. Ngoài việc cất nhà, số vốn còn lại chị mở đại lý buôn bán vật liệu xây dựng, mỗi tháng lời khoảng 2 triệu đồng. Cả nhà dư sống, không còn trông chờ “tiền ngoại”.

Đến ấp Trường Thọ, chúng tôi nghe nhiều người khen tính cần cù của vợ chồng ông Bảy Nhát. Mặc dù đã hơn 55 tuổi, nhưng suốt ngày ông “đeo” miết hầm cá rộng gần 3.000m2. Ông bảo: “Cách nay 4 năm, nghèo rớt mồng tơi, nợ nần tùm lum không dám ra đường. May nhờ gả con sang Đài Loan, nó khéo ăn khéo ở nên được bên chồng thương.

Bây giờ thoát nghèo rồi, cuộc sống khá lên cũng nhờ con. Thương con vất vả xứ người, bao nhiêu tiền gởi về, tui tính chi ly phải sử dụng cho ý nghĩa. Cất nhà xong là tui mua đất đào ao nuôi cá, ngoài ra đầu tư gần 100 triệu đồng mua ghe máy đi chở cát mướn kiếm sống hàng ngày”.

Trong 594 trường hợp lấy chồng Đài Loan, phần lớn gia đình thoát được nghèo, biết sử dụng đồng tiền đúng hướng. Nhiều hộ đầu tư vốn mua đất, vườn, lập cơ sở làm ăn tạo cuộc sống ổn định.


II Và Nỗi Buồn của Thanh niên Tân Lộc

Nhiều người bảo “con gái cù lao Tân Lộc rất xinh”, thoạt đầu, tôi cũng chưa tin. Nhưng khi đến nơi và chứng kiến những thiếu nữ Tân Lộc mới thấy xao lòng. Một số người sống lâu năm cho biết, dù không nổi tiếng bằng gái Nha Mân (Đồng Tháp), hay Cái Mơn (Bến Tre), nhưng xứ cù lao Tân Lộc cũng có nhiều thiếu nữ tuyệt sắc. Có người cho rằng, nhờ phong thổ cù lao ngọt mát, nhiều vườn cây bao bọc nên con gái ở đây có nước da trắng và rất xinh.

Chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Lộc, luyến tiếc: “Từ khi có phong trào lấy chồng ngoại, mấy “ông” Đài Loan nườm nượp về đây “ẵm” hết những dĩa “mứt gừng”. Hàng trăm thiếu nữ tuổi mới mười tám, đôi mươi, nhan sắc tuyệt vời, đã lấy chồng xa xứ và không hẹn ngày về. Mấy năm qua, Tân Lộc chỉ “xuất” một chiều. Đưa người đẹp đi, mà không được nhận về, chỉ bù lại là những đồng tiền ngoại giúp nhiều gia đình khá lên”. Thật ra, ban đầu nhiều người ở Tân Lộc đã lên án, thậm chí tỏ ra “dị ứng” với những gia đình cho con lấy chồng Đài Loan. Nhưng dần dần, họ thông cảm hơn với những hoàn cảnh khốn khó cho dù điều đó gây ra nhiều bi kịch tình yêu. Hồi đầu năm, người dân ấp Trường Thọ không hiểu sao anh T. (23 tuổi), buồn bã bỏ Tân Lộc sang Đồng Tháp học sửa xe gắn máy. Sau khi T. đi rồi, nhiều người mới té ngửa ra chuyện tình giữa anh và cô Q. (20 tuổi) lỡ dở. Cách nay 4 năm, lúc Q. còn học cấp 3, mối tình giữa hai người đã nhen nhóm. Nhưng, do gia đình nghèo Q. chỉ học đến lớp 12 rồi nghỉ giữa chừng. Nghe lời cha mẹ, Q. đành cắt đứt tình riêng theo chồng về Đài Loan, mong giúp gia đình vượt qua khốn khó.

Hay như trường hợp của anh N. ở ấp Phước Lộc và cô H. (21 tuổi). Quen nhau gần 2 năm, nhưng cuối cùng tan vỡ bởi nghèo nên H. phải nghe gia đình đi lấy chồng ngoại. Hôm gặp chúng tôi, anh N. tâm sự: “Gần 2 năm rồi vẫn không quên được người yêu cũ, nhưng phải cảm thông vì hoàn cảnh mỗi người mỗi khác…”. Hội Phụ nữ xã Tân Lộc thừa nhận: Sự ra đi quá lớn của những thiếu nữ đã để lại hệ quả mất cân đối về giới tính. Mấy năm gần đây, thanh niên Tân Lộc lớn lên phải đi các nơi xa tìm vợ. Đến nay, các ngành chức năng chưa lường được việc này sẽ đến đâu và chưa có giải pháp tháo gỡ.


III. Nhũng Vấn Đề Đặt ra


Không chỉ ở Tân Lộc, mà chuyện “lấy chồng Đài Loan” đã trở thành hiện tượng xã hội lan rộng khắp các vùng nông thôn ĐBSCL. Theo số liệu của Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh, tính từ năm 1995 đến tháng 1-2004 đã có 76.251 cô gái Việt Nam kết hôn với đàn ông Đài Loan; tập trung chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, phần lớn là thiếu nữ tuổi từ 18 – 20 và 21 – 25 tuổi, học vấn thấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hàng loạt cô gái nông thôn lấy chồng Đài Loan, trong đó, chủ yếu là gia đình nghèo khó. Nhiều người kỳ vọng cuộc sống xứ người sẽ khá hơn, đảm bảo về mặt kinh tế và có điều kiện báo hiếu cha mẹ. Trong khi, tương lai ở nông thôn hiện nay chưa có gì đảm bảo. Đây cũng là lý do xuất hiện nhiều cô gái gia đình khá vẫn thích lấy chồng ngoại. Chính từ suy nghĩ đó, nhiều người chấp nhận phiêu lưu “may nhờ, rủi chịu”. Hôn nhân không dựa trên tình yêu mà cốt lõi là “cô dâu Việt Nam cần cuộc sống ổn định về kinh tế, còn chú rể Đài Loan cần một người vợ”. Từ đó cho thấy, làn sóng lấy chồng ngoại hiện nay tỏ ra “không bình thường”. Các cặp vợ chồng tuổi tác chênh lệch nhau quá lớn, thường từ 10 – 20 tuổi. Sự bất đồng ngôn ngữ, thiếu hiểu biết về văn hóa ứng xử của xã hội Đài Loan sẽ ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Ấy là chưa kể các cô dâu bơ vơ nơi đất khách, không người bảo vệ khi xảy ra biến cố…

Một vấn đề khác phát sinh gần đây là hàng ngàn đứa con lai Đài Loan, được đưa về quê ngoại Việt Nam sinh sống nhưng không làm được giấy khai sinh, quốc tịch, đi học… thậm chí bị phân biệt đối xử. Tương lai những đứa trẻ này sẽ ra sao?Chúng ta không khuyến khích cũng không thể ngăn cản việc lấy chồng ngoại, tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn vấn đề một cách thấu đáo. Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo các cuộc hôn nhân Việt – Đài bền vững, cấp thẩm quyền hai nước cần thỏa thuận ban hành những văn bản bảo hộ công dân Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng. Các ban, ngành, địa phương… có biện pháp giúp người dân nâng cao trình độ dân trí, đời sống kinh tế, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng môi giới, lừa đảo.

Đặc biệt, chính quyền địa phương và hội phụ nữ cần giúp người dân nông thôn những thông tin chính xác về kết hôn Đài – Việt, để họ hiểu và quyết định tương lai của mình.
Trích Tuổi Trẻ