PDA

View Full Version : “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”



Dan Lee
08-18-2007, 04:52 PM
“Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem lại sự chia rẽ”. Mới nghe qua lời Chúa trong bài Tin mừng ngày Chúa nhật thứ 20 thường niên trên đây có lẽ nhiều người cũng như tôi, cảm thấy lời Chúa thật ngược đời và không khỏi hoang mang.

Chúa đến để đem sự chia rẽ thì còn theo Chúa làm gì? Nhưng nếu bình tâm suy nghĩ và nếu nhìn vào những gì đã và đang xẩy ra trong lịch sử nhân loại, trong lịch sử dân tộc hay giữa những người được coi là anh em trong một nhà sẽ thấy lời Chúa nói ở trên không hề vô lý. Chúa không chủ trương sự chia rẽ nhưng sự hiện diện của Chúa, những lời giáo huấn của Chúa, cách hiểu cũng như cách thực hành lời Chúa đã tạo ra những đố kỵ, mâu thuẫn, bất đồng, chia rẽ.

Thật vậy, đố kỵ đã xẩy ra ngay khi Chúa vừa mới sinh ra đời. Bao nhiêu trẻ sơ sinh đã bị tàn sát dưới tay Hêrôđê chỉ vì con trẻ Giêsu. Mâu thuẫn cũng đã đến giữa những người tin theo Chúa và những người chống đối Chúa. Từ ngày lời Chúa được loan truyền trên trái đất, biết bao nhiêu người vì niềm tin đã bị bắt bớ, hành hạ, tù đầy thậm chí còn phải đổ máu trong các cuộc bách hại. Bất đồng cũng đã gây ngăn cách giữa những người tin theo Chúa nhưng thuộc những giáo hội khác nhau kéo dài từ thế kỷ này qua thế kỷ khác vẫn chưa hàn gắn được. Và rồi ngay cả những người tin theo Chúa và cùng là con cái trong một giáo hội vẫn không tránh khỏi sự chia rẽ. Hiện tượng này rõ nét hơn bao giờ hết trong hoàn cảnh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hôm nay.

Sự bất đồng bắt nguồn từ những nhận định không giống nhau khi cùng nhìn vào một số vấn đề. “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Người ở bên ngoài thì làm sao biết giống như người ở trong được. Một vấn đề được nhìn dưới những góc độ khác nhau thì không thể giống nhau. Và rồi từ những nhận định khác nhau ấy tất nhiên dẫn đến cách phản ứng cũng khác nhau. Dị biệt, bất đồng là chuyện bình thường nhưng ngặt một nỗi là có những người lại cứ khăng khăng muốn người khác phải nhìn theo cách nhìn của họ và phải hành động theo cách thế mà họ muốn. Không làm theo ý của họ thì họ cho là hèn nhát, là thế này thế nọ.

Ở những quốc gia không theo chế độ độc tài, bất cứ người dân nào cũng có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nhà cầm quyền bắt buộc phải làm theo ý kiến của từng người dân. Cũng vậy, những vị chủ chăn có trách nhiệm dẫn dắt giáo hội cũng không buộc phải làm theo ý muốn của bất cứ một cá nhân hay một phe nhóm nào. Các ngài có đường lối và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần các ngài hành động theo lương tâm và trách nhiệm của mình.

Mặt khác, trong các nước dân chủ những nhà chính trị thuộc phe đối lập thường tìm kiếm hậu thuẫn bằng cách bắt bẻ đối phương. Họ không ngần ngại dùng những ngôn từ cay độc để bài bác hoặc những lời lẽ kích động để tấn công địch thủ. Trong giáo hội không có đối lập cũng không có địch thủ. Tất cả đều là anh em cho nên cách nói năng với nhau cần giữ chừng mực và phải trong tinh thần bác ái, khiêm nhường. Tôi thật sự kinh ngạc khi đọc được trong một bài nói chuyện lời phê phán rằng “Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã tự bôi tro trát trấu lên bộ mặt của mình”. Thật quá đáng. Cho dù có biện minh cách nào đi nữa, con cái của giáo hội mà lại mắng nhiếc giáo hội như thế thì hoàn toàn không thích hợp và không thể chấp nhận được.

“Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”

Tháng 8/2007
Lại Thế Lãng