PDA

View Full Version : Vì dốt nát mà phạm tội?



Dan Lee
07-21-2007, 12:02 PM
Vì dốt nát mà phạm tội?


Ngày xưa khi còn ở bậc Trung học, lần đầu tiên được học Triết, tôi cảm thấy sao mà nó buồn chán thế. Càng thấy chán và khó nhai, chỉ tiếp thu qua loa, và hậu quả là ở kỳ thi Tú tài 2, tôi mém rớt chỉ vì thiếu điểm môn Triết học.

Vì tiếp thu qua loa nên tôi cũng chẳng nhớ các thầy có giảng về những nguyên nhân khác đưa đến phạm tội hay không. Thế nhưng sau thời gian sống gần trọn cuộc đời, thì có lẽ tôi cũng như các người khác thấy rằng tội lỗi còn do những nguyên nhân khác đưa đẩy. Thật ra cái kinh nghiệm sống này cũng bắt đầu bằng những giáo huấn của đạo Công giáo mà tôi được hấp thụ ngay từ khi còn bé, và cả của Phật giáo khi về sau này tôi có dịp được tiếp cận.

Tôi tin rằng rải rác trong giáo huấn của Đạo chúng ta, chúng ta được dạy rằng tội lỗi còn do tính kiêu căng khi con người chỉ muốn hơn người, và tội lỗi này xảy ra là do con người ‘lỗi đức khiêm nhường’. Nếu sự kiêu căng này không bị kềm chế thì người ta sẵn sàng giết nhau chỉ vì muốn có tí tiếng là ‘hơn người’. Quả vậy, ở một thời điểm nào đó, người ta đã thách đố nhau qua các màn đấu kiếm, đấu súng để gọi là ‘rửa nhục’, hay đơn giản hơn, chỉ để xếp hạng ngôi thứ đánh kiếm hay, bắn súng giỏi. Ở một mức độ ít bạo lực hơn, sự kiêu căng phản ảnh khá rõ nét trong cuộc sống của chúng ta khi người ta nói xấu nhau, xuyên tạc và bôi nhọ nhau để tạo ra ‘cái ta đúng’, ‘cái ta hoàn toàn’, ‘cái ta giỏi’, một cái TA to tướng.

Lại có sự kiêu căng mà người ta chỉ thấy nó mờ mờ ảo ảo, nhưng nó lại có thể tạo ra hậu quả trầm trọng hơn là mất đi một hai mạng người trong các trận so kiếm hay bắn súng. Cái tính kiêu căng này cộng với ‘học thức cao’ hay ‘tri thức rộng’ như quan niệm của Triết gia Aristotle thì cái hậu quả của nó nặng nề lắm. Để tỏ ra mình hơn người khác trong cuộc sống, để tỏ ra mình cũng quan tâm tới cuộc sống với những khó khăn, với những trăn trở còn đè nặng lên đa số đồng loại, người ta đã dùng ‘tri thức’ để đưa ra những giải pháp cho cuộc sống. Đó là việc làm tốt, cực tốt. Thế nhưng những giải pháp của họ đưa ra lại mang tính áp đặt, không có cơ sở thực tiễn, rõ nét nhất là cái gọi là ‘giải pháp’ đó không được nhiều người đồng tình chấp nhận và áp dụng. Và rồi những người số ít đưa ra giải pháp lên án những người đa số người khác không đồng ý hay không nghe theo họ là dốt nát, là … đủ thứ…. Thậm chí, cái số ít người còn đi xa hơn khi họ ví von những người không theo ý của họ, trong đó có những người có chức vị và được đa số tôn trọng, họ còn nhục mạ những người không đồng quan điểm là "những con vật".

Só người này có khi nhân danh -- làm điều thiện, ngay cả nhân danh Thiên Chúa -- để mạt sát người khác, một cách rất hồ đồ, là những con vật ư? Thật là hết ý! Họ đã quá nóng nảy đến mức quên rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ, muôn vật, muôn loài, và mỗi vật, mỗi loài đều có chức năng riêng của nó; riêng loài người thì Ngài cho mang hình ảnh của Ngài.

Trong việc mạt sát nhau, tôi chợt nhớ đến hai mẩu chuyện xảy ra nơi tôi đang cư ngụ. Một người phụ nữ Mỹ gốc Đông Dương đã bắn chết một phụ nữ Mỹ bản địa chỉ vì bị nhục mạ so sánh với con vật. Mẩu chuyện thứ hai có vẻ tự chế hơn: Một người Mỹ cũng gốc Đông Dương bị một người Mỹ bản địa chửi là ‘Đồ chó đẻ’. Người này bình tĩnh trả lời rằng “You không biết hay quên Hiến pháp Mỹ rồi. Hiến pháp Mỹ đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, nghĩa là loài người được tạo ra giống hình ảnh Ngài. Hiến pháp Mỹ còn viết rằng ‘Mọi người sinh ra đều bình đẳng’. Vậy tôi là chó đẻ thì you là gì?”

Việc mạt sát tha nhân dù bất cứ lý do gì chắc cũng nên phải xét lại, nhất là khi người bị mạt sát không thể trả lời đưọc vì nhiều lý do. Trong xã hội loài người ngày nay, đi tìm sự thật quả là khó khăn. Trong thư gởi báo Công giáo và Dân tộc và các Cơ quan Truyền thông Công giáo, ĐHY Phạm Minh Mẫn đã viết “Thực tế cho thấy cơ quan truyền thông xã hội nơi này nơi khác thông truyền có khi là sự thật thật, có khi là sự thật ảo, có khi sự thật bị cắt xén, thêm râu ria, có khi sự thật một chiều, một mặt”. Tôi tin rằng chúng ta chấp nhận sự phát biểu này không phải do người phát biểu là một ĐHY, mà là do lời phát biểu đó rất đúng, rất thật. Vậy khi mà chúng ta lên án những sự thật ảo, bị cắt xén, thêm râu ria, một chiều, một mặt, nhưng đồng thời lại dựa vào những những ‘sự thật’ kiểu này để làm ra những giải pháp có tính áp đặt thì quả thực hậu quả chỉ đem lại thêm rối rắm. Nếu chúng ta thực tâm muốn đi tìm một giải pháp cho một vấn đề mà chỉ với ‘một tầm nhìn bị giới hạn’ thì trong trường hợp này tội lỗi đã được sinh ra do ‘tri thức bị giới hạn’, một hình thức dốt nát cao hơn.

Lm. James V. Schall, S.J. đã quan niệm rằng ‘không làm gì cả…’ là phạm tội do dốt nát. Nhưng nếu chúng ta muốn đi tìm một giải pháp cho một vấn đề mà không dựa trên ‘sự thật thật’, mà chỉ để chứng tỏ cái TA, thì phải chăng ngoài chất liệu dốt nát phức tạp của tri thức, sự kiêu căng, sự lỗi ‘đức khiêm nhường’ đã cùng góp phần tạo ra tội lỗi?

Trần Bảo Kỳ