PDA

View Full Version : NHƯNG, ai là người thân cận của tôi ? (tiếp theo)



Dan Lee
07-20-2007, 06:35 PM
NHƯNG, ai là người thân cận của tôi ? (tiếp theo)


9. KINH “LẠY CHA” LÀM CHO CHÚNG TA

TRỞ NÊN NGƯỜI THÂN CẬN CỦA ANH EM

Để cho nhân loại nhận biết nhau là anh em, và cũng để cho nhân loại được tin tưởng hơn, yêu mến Thiên Chúa hơn trong khi cầu nguyện, thì Chúa Giê-su đã dạy cho các môn đệ (và cho cả chúng ta nữa) một “khẩu quyết” để cầu nguyện, lời cầu nguyện nầy khi thốt lên thì có sức mạnh kéo ân sủng của Thiên Chúa xuống trên mặt đất, và làm cho nhân loại nhận ra mình là anh chị em của nhau và có một Cha chung ở trên trời. Lời cầu nguyện nầy, bởi vì do chính miệng Chúa Giê-su dạy, cho nên, không những nó trở thành báu vật của Giáo Hội Công Giáo, của mỗi một người Ki-tô hữu, mà còn đem lại ích lợi cho những người chưa biết đến Thiên Chúa nhưng muốn dùng lời của Ngài để cầu nguyện.

Lời cầu nguyện ấy như thế nầy: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. (Mt 6, 9-13).

Không một ai chối cãi về tính chất trung thực và tầm quan trọng của kinh “Lạy Cha” nầy, trung thực là vì nó diễn tả được lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa đối với nhân loại; trung thực là vì nó đáp lại khác vọng của những ngưòi công chính: xin cho triều đại Chúa mau đến. Quan trọng vì nó là một lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất do chính Con Một của Ngài là Đức Ki-tô Giê-su dạy; nó quan trọng là vì Đức Giê-su là Thiên Chúa, mà vì là Thiên Chúa cho nên Ngài mới biết Thiên Chúa cần gì nơi con người, cái mà Thiên Chúa cần con người chúng ta nhận biết là: chúng ta có một Cha chung ở trên trời, Ngài cũng cần chúng ta nhận ra chúng ta là anh em của nhau, nên phải yêu thương nhau và biết tha thứ cho nhau những lỗi lầm, như Thiên Chúa đã tha thứ những lỗi lầm của chúng ta vậy (Mt 6, 14-15).


1. "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời"

Cha – con là hai chữ thân thương và thiêng liêng nhất của tình phụ tử, cha là niềm hạnh phúc và vinh dự của con, một người cha hiền lành biết yêu thương và săn sóc con cái thì đem lại hạnh phúc cho gia đình và là nơi nương tựa vững chắc cho con cái.

Chúa Giê-su đã dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, là để cho chúng ta nhận ra giá trị đích thực của kẻ làm con, nghĩa là chúng ta thật sự là nghĩa tử của Thiên Chúa, khi tin vào Đức Ki-tô là Đấng bởi Cha mà đến, và nhờ sự chết của Ngài mà chúng ta được hoà giãi với Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha của chúng ta ở trên trời. Người Do thái cũng đã có lần thừa nhận Thiên Chúa là Cha của họ (Ga 8, 41), nhưng Đức Ki-tô đã nói với họ như thế nầy: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến …” (Ga 8, 42).

Người Do thái “thua” chúng ta ở chỗ là họ không nhìn nhận Đức Ki-tô là Đấng bởi Cha mà đến, cho nên họ đã từ chối không đón nhận Ngài trong cộng đồng của họ, cũng có nghĩa là họ không coi Đức Ki-tô là người thân cận của mình. Còn chúng ta không những tin, mà còn đón nhận Đức Ki-tô vào trong cuộc đời của mình, và như lời thánh Phao-lô tông đồ đã nói : “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên:“Áp-pa, Cha ơi! ” (Gl 4, 6).Người Con duy nhất của Cha là Đức Ki-tô, mà chính nhờ máu của Người Con ấy đã đổ ra trên thập giá, mà nhân loại chúng ta được cứu chuộc và được thứ tha tội lỗi (Ep 1, 7) được giao hoà với Thiên Chúa, cùng được gọi Thiên Chúa là Cha, và Đức Ki-tô trở thành Anh Cả của mình. Thế là nhân loại đã trở nên anh chị em một nhà, có một Cha chung tràn đầy yêu thương và rất nhân hậu, có một Anh Cả biết hi sinh và làm Đấng trung gian gánh hết mọi bất toàn do tội lỗi mang lại cho đàn em của mình, và nhờ Thần Khí của Cha soi sáng, thúc đẩy mà mọi người trở thành thân cận của nhau và cùng nhau kêu lên : “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời ” (Mt 6, 9).

Như thế, từ nay giữa Thiên Chúa và con người sẽ không còn có sự xa cách nghiêm khắc nữa, nhưng rất gần gũi thân thương, và mọi người sẽ không còn xa lạ với nhau nữa, vì theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Kitô (Ep 1, 5). Được gọi Thiên Chúa là Cha, đó là một hồng phúc, được trở thành anh em của nhau đó là một niềm vui, và niềm vui nầy sẽ trở nên to lớn khi chúng ta trở thành “người thân cận” của nhau.


2. “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”

Các viện bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới, đều có lưu lại những tên tuổi và tác phẩm của các nghệ thuật gia lừng lẫy từ cổ chí kim của thế giới; các nhà đại tư bản tiền bạc xài không hết, đem bố thí từ thiện cho các bệnh viện dưỡng lão, các cô nhi viện.v.v… để lưu lại tên tuổi cho hậu thế. Có những người do thiên tài mà để lại danh thơm tiếng tốt cho đời; nhưng cũng có những người không phải do thiên tài hay do nhân tài chi cả, mà chỉ chơi ngông, vì kiêu ngạo, cũng đã để lại cho hậu thế những tiếng chửi rủa.

Con người ta, ai cũng muốn tên tuổi của mình được nổi tiếng vang cùng bờ cõi trái đất, cho nên đã không ngừng tìm mọi điều kiện, tạo mọi phương tiện để đạt được mục đích ấy. Nhưng thử hỏi, từ thuở tạo thiên lập địa cho đến nay, có bao nhiêu người đã sinh ra trên mặt đất, và có bao nhiêu người, cho đến nay hậu thế còn nhắc đến tên tuổi của họ ? Con người nay sống mai chết, như hoa sớm nở chiều tàn, như ngọn đèn (đèn dầu chứ không phải đèn điện) trước gió mà cũng muốn như thế, huống chi là Thiên Chúa!

Nhưng Thiên Chúa thì không phải như thế, Ngài không tìm mọi cách để được nhân loại tôn vinh và tri ân Ngài, bởi vì dù cho tòan thể con người từ ông A-đam cho đến nhân loại hôm nay tung hô ca tụng Chúa “lên tận trên mây”, thì Ngài cũng chẳng tăng thêm chút uy quyền vinh dự nào, hoặc toàn thể nhân loại từ trước đến nay, đều đồng thanh chán ghét Ngài, chửi rủa Ngài, thì Thiên Chúa cũng vẫn cứ là Thiên Chúa đầy quyền năng và nhân ái, Ngài không cần nhân loại tôn vinh Ngài, bởi vì ngay chính trong những tạo vật do Ngài sáng tạo, dù thấp hèn đến đâu, cũng lưu lại danh của Ngài, như lời thánh vịnh đã ca khen tung hô : “Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài" (Tv 145, 10). Thiên Chúa không cần chúng ta ca tụng Ngài để Ngài thêm vinh hiển, bằng chứng là nhân loại qua bao thế hệ, không phải ai cũng ca tụng Thiên Chúa cả đâu, thậm chí có nhiều kẻ phản đối Ngài, không chấp nhận sự hiện hữu của Ngài trong vũ trụ, nhiều quốc gia dân tộc đã tẩy chay Ngài. Nhưng Thiên Chúa đâu có nói năng gì, Ngài không trách mắng, Ngài không giận hờn như các cô gái bị các chàng trai quên mất cái tên Hoa, tên Hồng của mình, Thiên Chúa chỉ muốn nhân loại nhận ra Ngài là Đấng hiện hữu, biết Ngài là Thiên Chúa toàn năng, là Cha nhân từ tràn đầy yêu thương, và tin vào Đức Ki-tô Con Một của Ngài, đã giải bày tình thương ấy cho nhân loại thấy qua cái chết trên thập giá của Ngài, để nhân loại sống yêu thương nhau hơn trong tình huynh đệ, thế thôi.

Nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Đấng nhân hậu, thì đem danh thánh của Cha khắc ghi trong tim, để trong trí, và bày tỏ ra trong cuộc sống đời thường của mình, đó là điều mong ước của Thiên Chúa và của những người công chính.

Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, đối với người Ki-tô hữu không phải là xây một nhà thờ thật to thật đẹp, và trước mặt tiền nhà thờ khắc bảng chữ đồng màu vàng thật nổi với hàng chữ: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU, rồi để đó ngắm lui ngắm tới rồi khen rằng đẹp và có ý nghĩa thần học và tình yêu học, nhưng giáo dân trong giáo xứ thì vẫn cứ đấu đá nhau, cứ chửi rủa nhau như kẻ thù, như nước với lửa thì có ích chi ?

Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, cũng không phải mở miệng là kêu tên “Giê-su Ma” mà được Chúa vui lòng, vì có rất nhiều người vừa kêu tên Chúa Mẹ xong thì chửi như tát nước vào mặt người hàng xóm, vì người hàng xóm nầy tối hôm qua thả gà qua bươi đất nhà của họ, ca tụng thánh danh vinh hiển của Chúa không phải như thế, mà như lời thánh vịnh dạy bảo chúng ta : “Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Ngày lạy ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời”. (Tv 145, 1-2)

Nhân loại nhận biết danh thánh Chúa không phải qua hàng chữ đồng màu vàng đẹp mắt, cũng không phải qua lời kêu (thét) Giê-su Ma-ri-a Giu-se trên miệng của chúng ta, nhưng họ nhận ra danh thánh Chúa Giê-su qua chính những việc làm và hành động bác ái cụ thể của chúng ta. Danh thánh Cha ở đâu thì Nước Cha cũng sẽ ở đó, cũng như ngày xưa, Thiên Chúa đã ở với dân Ngài trong Lều Hội Ngộ, và nơi đây, ông Mô-sê đã kêu cầu danh thánh Đức Chúa (Xh 33, 7-17) và danh thánh Chúa được hiển trị nơi dân Ít-ra-en. Ở đâu có yêu thương thì ở đó có Cha ngự trị, ở đâu có Cha ngự trị thì đó chính là Nước Cha đã đến, và cầu xin cho nhân loại mỗi một người mau mắn nhận ra danh thánh vinh hiển của Cha trong cuộc sống của mình, và Nước Cha mau đến trong mỗi một tâm hồn của con người.

Nước của Cha là nước tình yêu, nếu chúng ta có tình yêu của Thiên Chúa trong tâm hồn, thì chính chúng ta là những người làm cho Nước Cha mau đến, cũng có nghĩa là mỗi một người trong chúng ta là những sứ giả tình yêu của Nước Cha, là đại diện cho Nước Cha ở trần gian nầy, và nhờ Thần Khí tác động mà chúng ta tiếp xúc, trò chuyện thân mật, giúp đỡ mọi người và coi họ như là người thân cận của mình vậy. Đó chính là những dấu chỉ mà nhân loại dễ dàng nhận ra danh thánh vinh hiển của Cha và Nước Cha mau đến, như lời của Chúa Giê-su đã chất vấn những người Pha-ri-sêu : "Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông ” (Mt 12, 28).

Nước Cha đã đến rồi, đến trong tâm hồn những kẻ tin, danh thánh Cha đã vinh hiển rồi, nhưng chỉ vinh hiển trong các nhà thờ, trong các kinh sách, nơi những cuộc rước kiệu rầm rộ trong khuôn viên thánh đường. Nhưng còn rất nhiều tâm hồn, nhiều nơi trên thế giới chưa đón nhận Nước Cha và không biết danh thánh vinh hiển của Cha là gì cả. Do đó, Giáo Hội với sứ mệnh đã lãnh nhận nơi Đức Ki-tô Phục Sinh, và được Thần Khí của Ngài sai đi, đã không ngừng nổ lực loan báo cho con người hôm qua, hôm nay và ngày mai một sứ điệp của Thiên Chúa (Lc 4, 18-19) : “Sứ điệp tình yêu”, là Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy (Ga 15, 9). Đây là một sứ điệp được chuẩn ấn bằng sự chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, cho nên nó có giá trị vượt trên mọi giá trị, để nhân loại nhận ra mình là những người thân cận của nhau trong Đức Ki-tô.


3. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời

Khi cầu nguyện, chúng ta thường cầu xin cho mình được điều nầy điều nọ, cầu xin cho gia đình được làm ăn phát tài.v.v…nhưng hình như không ai cầu nguyện xin cho được vâng theo thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình ! Trong vườn Giết-sê-ma-ni Chúa Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén nầy. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Ý con là ý của thân xác mỏng dòn, ý của hưởng thụ, ý của sung sướng thoả mãn, ý của sự chết; ý Cha là ý của tinh thần, ý của hi sinh, ý của sự sống. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, mà ở dưới đất nầy ngoại trừ ông Môi-sê ra (Xh 33, 11) thì nhân loại -từ trước đến nay- chưa có ai thấy Cha bao giờ, thì làm sao mà biết được ý của Cha chứ ? Không biết cho nên mới hỏi, nhưng khi nhân loại chưa hỏi thế nào là ý của Cha, thì chính Cha đã trả lời cho nhân loại biết ý của Ngài là như thế nào rồi, Thiên Chúa đã trả lời và dạy dỗ cha ông chúng ta qua miệng các ngôn sứ trong thời Cựu ước: “Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh …” (Is 56, 1), nhưng con người đã không chịu nghe theo ý của Thiên Chúa để thực hành điều công minh chính trực, cho nên, vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã tỏ ý của Ngài cho nhân loại biết qua Con Một của Ngài (Dt 1, 2), cũng như cánh hoa hồng là biểu tượng của tình yêu nam nữ, thì ý muốn của Thiên Chúa cũng tương tự như thế, nhưng nổi bật hơn, ấn tượng hơn và thực tế hơn, nhìn vào là biết ngay, và ai cũng nhìn thấy, cũng hiểu ra là Thiên Chúa yêu mình và tỏ ra cho mình thấy tình yêu của Ngài: đó là Đức Ki-tô và thập giá.

Khi Con của mình bị treo trên thập giá, thì chính lúc ấy ý của Cha tỏ rõ mạnh mẽ nhất, hiệu lực nhất, đó là tình yêu Cha đã dành cho nhân loại tội lỗi qua cái chết của Con yêu dấu, bởi vì, không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15, 13). Hi sinh con mình, tức là tâm hồn Cha đã chết với con, vì vậy, có thể nói, chính Chúa Cha đã vì yêu thương nhân loại mà chia sẻ cái chết với Con Một của mình là Đức Ki-tô vậy. Chính Đức Ki-tô đã hiểu rõ ý của Cha cách tường tận, cặn kẻ, vì thế, trong những lời di chúc cuối cùng cho các tông đồ, Ngài đã nói: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15, 8). Trở thành môn đệ của Thầy, cũng có nghĩa là mọi người trở thành anh em với nhau, trở thành người thân cận của nhau trong tình yêu của Đức Ki-tô, đó là ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời rồi vậy.

Vậy, khi chúng ta cầu nguyện, thì điều quan trọng trước tiên là xin cho ý của Thiên Chúa thể hiện dưới đất cũng như trên trời, mà ý của Thiên Chúa là: anh em hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương anh em (Ga 15, 12). Điều quan trọng thứ hai là xin cho được chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa qua mọi hoàn cảnh vui buồn, hạnh phúc, đau khổ trong cuộc sống của mình.


4. “XIn Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”

“Xin Cha cho chúng con” là lời cầu vừa khẩn thiết vừa thân thương của những đứa con tội nghiệp đối với cha chúng nó, là lời van nài bày tỏ sự bất lực của mình đối với hoàn cảnh hiện tại, và cũng là niềm hy vọng của những đứa con khi kêu cầu cha chúng nó. “Xin Cha cho chúng con” không phải là một lời cầu xin đơn độc, mà là lời cầu xin của toàn thể những người có niềm tin trên mặt đất, hướng về Đấng nắm quyền vận mệnh của toàn thể vũ trụ nhân loại; là lời của người Ki-tô hữu tuyên xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa là Cha của mọi loài thụ tạo hữu hình và vô hình, và thừa nhận mình là con cái của Cha trên trời, mọi ngưòi đều là anh em, chị em thân cận của nhau. Bởi đó, khi chúng ta mở miệng kêu cầu : XIn Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, là chúng ta phải tin chắc là được như thế, vì Chúa Giê-su đã nói: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em họp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, đấng ngự trên trời, sẽ ban cho ” (Mt 18, 19).

Lương thực là nhu cầu cần thiết của con người để duy trì sự sống, không có lương thực thì con người phải chết, đó là điều tự nhiên ai cũng biết. Các nước trên thế giới, được phân chia ra ba giai cấp rõ ràng : giai cấp phát triển (các nước tư bản), giai cấp đang phát triển (các nước đang bước qua giai đoạn kinh tế thị trường) và giai cấp chậm tiến (hay gọi là các nước thế giới thứ ba), dù là giai cấp nào đi chăng nữa, thì cũng có người giàu và người nghèo, giàu nghèo là vấn đề nhức nhối cho các chính phủ, vì vậy họ lập ra cái gọi là tổ chức Công Nông Lương thế giới, để các nước giàu có hổ trợ cho các nước nghèo, thế nhưng mức độ giàu nghèo vẫn chênh lệch nhau giữa các quốc gia nói chung, và mỗi người trong các quốc gia nói riêng.

Tài nguyên thiên nhiên đã được Thiên Chúa trải rộng ra cho con người hưởng dùng trên mặt đất không thiếu, nhưng 2/3 nhân loại vẫn thiếu đói, và con người vẫn không ngừng tranh chấp nhau để thống trị và giành lương thực của nhau qua mọi hình thức văn minh và mọi rợ. Nói văn minh là hình thức viện trợ để các nước nhận viện trợ bị lệ thuộc vào nước viện trợ mà không làm lụng phát triển chi cả (mà có làm thì cũng làm rất ít) cho đất nước của mình (thực dân); nói mọi rợ là đem quân xâm chiếm tàn nhẫn, gây chết chóc đổ máu cho mọi người v.v…để dành dân chiếm đất cho mình (chiến tranh). Đức Ki-tô muốn con người sống công bằng và bác ái hơn, khi Ngài dạy cho chúng ta cách cầu xin: xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Cũng có nghĩa là, xin Chúa ban cho chúng ta hằng ngày có lương thực cần thiết để sống, để chúng ta làm cho mặt đất này ngày càng phát triển, và mọi người có cơm ăn áo mặc xứng với phẩm vị con cái của Thiên Chúa.

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” không có nghĩa là ngày ngày sáng tối đọc kinh Lạy Cha, để rồi ngày ngày đi lông bông kết bạn rượu chè, ngồi lê đôi mách và đòi xin Chúa làm phép lạ để có cơm có thịt ăn mà không cần phải làm lụng chi cả. Nhưng cầu xin cho có lương thực hằng ngày, chính là đem hết sức lực trí óc ra làm việc, bàn tay lem luốc dầu mỡ trong nhà máy, nhưng lòng đầy niềm tin phấn khởi, mồ hôi trên mặt rơi xuống trên ruộng đồng, nhưng mặt mày thì rạng lên nét hân hoan hi vọng ngày bội thu: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống mùa gặt mai sau khấp khởi mừng; họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126, 5-6). Thiên Chúa không làm phép lạ cho những người biếng nhác, nhưng Ngài làm cho đất đai của những người tin tưởng vào Ngài trở nên màu mỡ, và họ được hưởng thành quả do tay mình làm nên: “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128, 2).

Bởi vì thân xác con người được dựng nên bằng bùn đất (St 3, 19), nên nó cần thứ lương thực từ bùn đất mà ra để tồn tại (St 2, 9), rồi một ngày nào đó lại trở về với bụi đất. Và trong thân xác nầy, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào và nhờ đó con người trở nên sinh động, chúng ta gọi là linh hồn. Linh hồn không từ đất mà ra, nhưng bởi từ Thiên Chúa mà có nên nó bất tử, vì vậy, nó cũng cần thứ lương thực bất tử để được sống vĩnh hằng với Thiên Chúa, do đó, khi chúng ta cầu xin: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” cũng là chúng ta cầu xin lương thực cho linh hồn. Thế giới hôm nay có rất nhiều người đã tự kết liễu đời mình bằng những viên thuốc ngủ, bằng phát súng trên đầu, mặc dù họ có danh vọng tột đỉnh, có quyền uy tột cùng, tiền bạc đốt cũng không hết.v.v… tại sao vậy? Thưa vì họ đói lương thực linh hồn.

Lương thực linh hồn của chúng ta chính là Mình và Máu thánh của Chúa Giê-su, và lời hằng sống của Ngài, chính Ngài đã hứa với chúng ta: “Vì Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51). Ở đời ai cũng thích ăn của ngon vật lạ, nhưng những thức ăn ấy không làm cho con người được sự sống đời đời, bánh hằng sống mà Chúa Giê-su đã ban tặng cho nhân loại chính là lương thực nuôi dưỡng linh hồn bất tử, là bánh bởi trời xuống nên nó quý hơn tất cả mọi thứ lương thực trên đời, vì vậy những ai thành tâm tin tưởng và yêu mến cầu xin thì mới được ban tặng, và chính họ cũng sẽ nếm mùi thơm ngon của hạnh phúc Nước Trời ngay tại trần gian nầy. Ngoài ra Lời của Ngài cũng là thứ lương thực hằng sống để kiện toàn đức tin cho chúng ta trong cuộc sống hôm nay, như ông Phê-rô đã trả lời với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời ” (Ga 6, 68).

Đó là hai thứ lương thực cần thiết cho linh hồn của người tín hữu, cũng như lương thực nuôi thân xác là để bồi bổ sự mất sức lực, thì Thánh Thể cũng tăng cường sức lực cho đức ái là nhân đức có khuynh hướng bị yếu đi trong cuộc sống thường nhật. Do đó, khi chúng ta cầu xin với Cha trên trời: xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày cho thân xác, thì cũng đừng quên cầu xin Ngài ban cho chúng ta lương thực linh hồn, để khi được hồn an xác mạnh, chúng ta không quên những anh chị em, là những “người thân cận” của chúng ta, đang cần đến lòng bác ái quãng đại của chúng ta giúp đỡ họ, như Thiên Chúa đã yêu thương và quãng đại với chúng ta vậy.


5. “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”

Chúa Giê-su là Thiên Chúa cho nên Ngài hiểu rất rõ bản tính mỏng dòn yếu đuối và dễ dàng sa ngã của con người, vì vậy Ngài đã dạy chúng ta hằng ngày phải cầu xin Thiên Chúa tha tội cho mình, bởi vì không lúc nào mà chúng ta không xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa do sự kiêu căng của mình, cùng những cám dỗ do dục tình và của cải phù vân đem lại. Nếu chúng ta, mỗi người bình tâm tự kiểm lại đời sống trong ngày của mình, đếm những tội trọng, tội nhẹ mà mình đã phạm đến tình yêu của Thiên Chúa từ khi có trí khôn cho đến bây giờ, thì chúng ta sẽ thấy kinh khiếp và sợ hãi, vì nào có ai đếm được tội của mình đâu, và quả thật, nếu luận theo sự công minh của Thiên Chúa, thì chẳng có ai còn sống sót trên mặt đất.

Thế nhưng, qua một thị kiến, Thiên Chúa đă cho tiên tri I-sai-a thấy lòng nhân từ xót thương của Ngài đối với nhân loại tội lỗi: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng hoá trắng như bông” (Is 1, 18), vải trắng mà bôi màu đỏ lên thì khó mà làm cho nó trắng lại được, mà lại trắng như tuyết mới chết chứ ! Vải điều màu đỏ thẫm thì làm sao mà tẩy ra trắng như bông cho được? Vậy mà vì yêu thương, Thiên Chúa làm được mọi sự, và trước mặt Ngài tất cả tội lỗi chúng ta đều được xoá bỏ, nếu chúng ta thật lòng nghe theo lời của Thiên Chúa mà “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1, 17).

“Xin tha tội cho chúng con” chính là một lời kiêu cầu khiêm tốn của người con biết nhận ra tội lỗi của mình mà xin cha tha thứ, và Thiên Chúa là Cha nhân từ lập tức tha thứ cho chúng ta một khi đã nghe lời cầu xin của chúng ta. Bởi vì chính Thiên Chúa đã không tiếc thương Con Một của mình, Ngài đã để Con mình là Đức Giê-su Ki-tô phải chết nhục nhã trên thập giá vì mục đích duy nhất là YÊU THƯƠNG nhân loại tội lỗi, và chính nhờ máu Con Ngài đã đổ ra trên thập giá, mà lời cầu xin khẩn thiết của chúng ta được nhận lời và tội đỏ như son, thẫm như vải điều đã được xoá bỏ. Bởi vậy, Chúa Giê-su đã dạy chúng ta - cũng tha cho những người có lỗi với chúng ta, như Cha đã tha thứ tội lỗi cho chính bản thân mình- và Ngài, sau khi kể câu chuyện dụ ngôn tên mắc nợ không biết xót thương, cũng đã nhấn mạnh đến tính chất quan trọng và thiết yếu của việc phải tha thứ cho nhau: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).

Khó mà tha thứ cho nhau được nếu mỗi người trong chúng ta không hết lòng khiêm tốn nhìn nhận rằng, mình cũng có tội lỗi ngang hàng hoặc hơn anh chị em đã mắc lỗi với mình, có như thế, chúng ta mới hết lòng tha thứ cho tha nhân. Chúa Giê-su trên thập giá đã xin Chúa Cha tha tội cho những người đã lên án tử cho mình: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34), và noi gương Thầy chí thánh của mình, các thánh tử đạo là những người đã trở nên giống Chúa Giê-su khi tha thứ cho những người làm hại mình, thánh Tê-pha-nô đã kêu lớn tiếng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội nầy” (Cv 7, 60), xin đừng chấp họ tội nầy, cũng có nghĩa là “tôi tha thứ cho anh để tôi được tha thứ”. Tha thứ cho người anh em là biểu lộ một tấm lòng nhân hậu của con cái Cha trên trời, là để nói cho mọi người nghe biết chúng ta là anh chị em, là người thân cận của nhau trong Chúa Ki-tô.

Trong cuộc sống hằng ngày không ai là không mắc nợ nhau, nhưng hãy mắc nợ nhau về đức ái, đừng lấy oán báo oán, Chúa đã tha thứ cho chúng ta thì chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau (Cl 3, 13). Ai không biết tha thứ cho người anh em, thì không đáng nhận sự tha thứ của Thiên Chúa; ai không biết tha thứ cho anh em, thì không phải là người thân cận của mọi người, vì tha thứ là dấu hiệu của con cái Cha trên trời.

Có người miệng thì nói tha thứ cho anh em, nhưng không muốn gặp mặt trò chuyện với anh em, đó là sự tha thứ dối trá của con cái thế gian; cũng có người miệng nói tha thứ cho anh em, nhưng tìm cách để bôi nhọ danh dự anh em, đó là sự tha thứ của lòng ghét ghen. Phải tha thứ cho anh em bảy mươi bảy lần bảy (Mt 18, 22), nghĩa là phải tha thứ luôn luôn như Thiên Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta vậy, “vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ ”.

Đó cũng là cách để chúng ta nhìn thấy anh chị em là người thân cận của chúng ta, trong Chúa Giê-su Ki-tô.


6. “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Chúa Giê-su không dạy chúng ta cầu nguyện: xin cho chúng con không bị cám dỗ, bởi vì bao lâu còn sống trên cõi đời tạm nầy, thì con người vẫn luôn luôn bị cám dỗ, nhưng Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ, tức là khỏi sa vào cạm bẩy của ma quỷ là kẻ chủ mưu của những cám dỗ.

Cám dỗ hay là mê hoặc, là động từ nói lên một trạng thái hay một vật có sức thu hút tâm trí con người, làm cho con người quên mất mình là ai, quên mất thực tại mà chỉ chú ý đến nó mà thôi. Nhưng bị cám dỗ chưa phải là tội, mà tội là do lòng mình ưng chịu hay không khi cơn cám dỗ đến, chẳng hạn như có một cô gái đẹp, đẹp đến nỗi hoa phải nhường nguyệt phải thẹn, thì sắc đẹp nầy không phải là tội, mà trái lại, chúng ta càng phải cám ơn Thiên Chúa đã tạo dựng nên cái đẹp và ban tặng cho cô gái, nhưng nếu cô gái nầy dùng sắc đẹp nầy để đi “dụ khị” đàn ông con trai vì mục đích bất chính thì cô ta mắc tội; và đàn ông con trái nào nhìn thấy sắc đẹp của cô gái mà ao ước cùng cô ta phạm tội và tìm mọi cách để thoả mãn dục vọng, thì họ đã phạm tội (Mt 5, 28). Như thế, cám dỗ thì luôn luôn có sẵn trên mặt đất nầy, và không ngừng đeo đuổi chúng ta, do đó, Chúa Giê-su đã dạy chúng ta phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa vào chước cám dỗ (Mt 26, 41).

Cầu xin để khỏi sa chước cám dỗ thì việc trước tiên là phải cầu nguyện, cầu nguyện để xin ơn chiến thắng cơn cám dỗ, để tìm ra phương pháp hữu hiệu tránh né mê hoặc, cầu nguyện cũng là một cái “máy điện đài cá nhân” liên lạc trực tiếp với “tổng đài” là Thiên Chúa để xin cứu viện và để chiến đấu với kẻ thù là ma quỷ. Và kinh nghiệm của nhiều vị thánh khi đối mặt với cám dỗ, khôn ngoan hơn cả là chạy xa nó, đừng khinh thường nó, đừng chần chừ với nó, đừng thương lượng với nó, vì con cái đời nầy khôn khéo hơn con cái ánh sáng (Lc 16, 8), không những trong giao tiếp mà ngay cả trong lời mời mọc mê hoặc.

Cám dỗ không ở đâu xa, nó ở ngay trong tâm trí chúng ta mà các nhà tu đức học gọi là ba thù: thế gian, xác thịt và danh vọng, khi gặp hoàn cảnh thuận tiện nó liền chổi dậy và giục lòng ham muốn của chúng ta, nó bày vẻ ra lắm điều mê hoặc lý trí con người, kích thích tính tò mò, lòng hiếu thắng.v.v…để chúng ta sa ngã và đắm mình trong sự tội. Chúa Giê-su đã ba lần bị tên cám dỗ đến làm mê hoặc, nhưng cả ba lần nó đều thất bại trước lời cầu nguyện và quyết tâm chống trả của Ngài (Mt 4, 1-11; Mc 1, 12; Lc 4, 1-13), vì vậy, Ngài đủ kinh nghiệm để dạy chúng ta phải cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ, nhưng đồng thời cũng phải quyết tâm để chiến thắng cám dỗ, và như lời thánh Phao-lô đã nói: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là đấng trung tính: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10, 13).

Vậy, chúng ta có thể nói : cám dỗ là chuyện thường tình của ma quỷ, luôn tỉnh thức sẵn sàng để chiến đấu với cám dỗ là chuyện của chúng ta, và chiến thắng cám dỗ hay không là do sự cầu nguyện và quyết tâm của chính bản thân mỗi người.


7. “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ".

Sóng to gió mạnh, biển động kinh hoàng làm cho con thuyền lắc lư như muốn lật úp, các môn đệ kinh hãi và cầu cứu với Chúa Giê-su: “Thưa ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”. (Mt 8, 23-25).

Sự dữ là sóng to gió mạnh trên cấp 12, con thuyền là mỗi một người trong chúng ta đang hành trình trên biển trần gian. Con người từ khi sinh ra cho đến khi trở về với bùn đất, thử hỏi chúng ta có bao nhiêu ngày nếm mùi hạnh phúc chân thật trên trần gian nầy? Người ta thường nói thế gian là biển khổ, khổ là vì thế gian đã bị sự dữ thống trị, mà ở đâu sự dữ thống trị thì ở đó có tội lỗi và những mầm mống của nó là gian dâm, ngoại tình, kiêu căng, ghen ghét.v.v…

“Sự dữ (điều ác) không phải là một quan niệm trừu tượng, nhưng là một ngôi vị, là sa-tan, là Kẻ Dữ, là thiên thần chống lại Thiên Chúa”; sự dữ và tội lỗi liên kết mật thiết như cha con cùng nhau thống trị thế gian, làm cho thế gian ngày càng xa rời Chân-Thiện-Mỹ là khuôn mặt tốt đẹp ban đầu của nó.

Trong cơn sợ hãi của các môn đệ, Chúa Giê-su vẫn hiện diện giữa các ông, vẫn bình thản trong giấc ngủ, và chỉ thức dậy sau khi các môn đệ cầu cứu, và chỉ một lời nói, tức thì biển yên sóng lặng như tờ (Mc 4, 39). Cuộc hành trình về nước trời của chúng ta ngày hôm nay cũng như thế, giữa những tấn công như bão táp của sự dữ là sa-tan, có những lúc chúng ta tưởng mình như bị ngọn cuồng phong ấy cuốn mất trôi trong giòng chảy của tội lỗi, nhưng dù chỉ còn một hơi thở, chúng ta vẫn luôn luôn trông cậy và cầu xin sự cứu giúp của Thiên Chúa, như các môn đệ đã cầu xin: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”.

“Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” cũng là lời cầu xin cho được bình an trong tâm hồn, một tâm hồn bình an thì sa-tan khó mà làm gì nổi, bởi vì sự bình an được xây dựng trên nền tảng của Lời hằng sống, và được củng cố bằng các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng và kiện toàn đời sống tâm linh, để đủ sức đương đầu với sự dữ và chiến thắng nó. Do đó, khi chúng ta cầu xin cho đựơc thoát khỏi sự dữ, thì cũng có nghĩa là chúng ta cầu xin cho cuộc sống hôm nay và ngày mai được thoát khỏi tay Kẻ Dữ là sa-tan, và trong giờ phút sau hết của cuộc đời, được thoát khỏi bàn tay Kẻ Dữ, bình an trở về với Cha trên trời.

Quả thật, kinh “Lạy Cha” là một lời cầu nguyện độc đáo, không những làm cho chúng ta ý thức mình là con của Cha trên trời, mà còn làm cho chúng ta trở thành anh em chị em thân cận với nhau hơn, trong Đức Ki-tô. Vì thế, nó phải chiếm vị trí hàng đầu trong những lời cầu nguyện của chúng ta, và phải được ưu tiên trên miệng chúng ta hơn những lời cầu xin khác; như trẻ con luôn miệng gọi ba nó trong gia đình, chúng ta cũng không ngừng kêu lên : “Áp-ba, Cha ơi ! ”. Ước gì được như vậy ! Amen.

(còn tiếp)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.