PDA

View Full Version : NHƯNG,......AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI ? (còn tiếp)



Dan Lee
07-20-2007, 06:23 PM
NHƯNG,
AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI ?


Lời ngỏ:

"Nhưng ai là người thân cận của tôi" (Lc 10,29) là câu hỏi của thầy thông luật đã hỏi Chúa Giê-su, một câu hỏi mà mới nghe qua, tìm một chút ấn tượng cũng chẳng có, nó chỉ là một câu hỏi rất đời thường; nhưng thật ra nó là một câu hỏi chứa đầy tính nhân bản, và nói theo kiểu tu đức nó giúp chúng ta xét mình về việc thực thi bác ái đối với anh em đồng loại, những người thân cận của chúng ta. "Nhưng ai là người thân cận của tôi" là một loạt suy tư (10 bài) được gợi ý sống động từ những tiếp xúc với anh chị em giáo hữu, đối thoại với những anh chị em bị xã hội coi là “thành phần bất hảo”, và những cảm nghiệm suy tư từ trong cuộc sống.

Xin được chia sẻ với anh chị em, những người thân cận của nhau, trong Đức Ki-tô.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.



------------------------------------


1. YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT

Mức độ yêu thương thì không có giới hạn, không phân biệt cao thấp, rộng hẹp; nhưng tự nó, hai chữ yêu thương đã trở thành quan toà phán xét mỗi một cá nhân về những hành vi của họ đối với anh em đồng loại, người thân cận của mình (Mt 25 31-46).

Thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13, 10). Và một khi đã chu toàn lề luật rồi, thì tất cả những việc làm của chúng ta đều trở thành hành vi của bác ái, của yêu thương.

Luật và lệ đều được phân biệt rõ ràng nơi những người có tri thức, có kiến thức. Và trước một vấn đề thực tế như giúp đỡ “người thân cận” như thế này mình có lỗi luật không, và mình có được ích lợi gì không ? Cuối cùng, họ không dám cúi xuống cứu người bị nạn nằm thoi thóp bên vệ đường, vì:

họ sợ lỗi luật.

họ nghi ngờ không biết mình có phạm luật lệ không?

và thế là suốt đời họ không thể chu toàn lề luật được.

Nhưng những Kitô hữu biết sống Lời Chúa thì không phải như thế, khi thực hành công việc bác ái, họ không đem lề luật ra phân tích đúng sai. Mà trái lại, họ đã đem con tim biết xúc động trước cảnh hoạn nạn của người anh chị em, đem tinh thần yêu thương người thân cận như chính mình của Đức Ki-tô mà phân tích: tôi phải giúp đỡ họ vì đây là người thân cận của tôi, là anh em tôi, đơn giản thế thôi. Và thế là họ đã chu toàn lề luật hơn các thầy tư tế, hơn các thầy Lê-vi và hơn cả những người thông luật.

Mười điều răn Đức Chúa Trời, sáu điều luật Hội Thánh, đều là những lề luật dạy con người ta biết ăn ở ngay lành, kính Chúa, yêu người, không làm thiệt hại ai.v.v…và các luật lệ của các quốc gia trên thế giới cũng –một cách nào đó- đều từ Mười điều răn Đức Chúa Trời mà ra, và không một giới răn hay một luật lệ nào dạy con người ta phải đi ăn cướp, gian dâm, ngoại tình, đánh giết đồng loại của mình.

Đúc Ki-tô khi mang thân phận con người sống ở trần gian, thì Ngài cũng đã chấp nhận lề luật của con người (Lc 1, 22-24; Mt 17, 24-27) và chính Ngài đã tuyên bố: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17).

“Kiện” là lập, là xây dựng …

“Toàn” là hoàn toàn, đầy đủ, toàn bộ…

“Kiện toàn” có nghĩa là làm (xây dựng) cho đầy đủ hơn, hoàn toàn hơn và có ý nghĩa hơn. Chúa Giê-su không bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn để cho lề luật có được bộ mặt mới hơn. Và chính Ngài đã không ngần ngại trách cứ các kinh sư và người Pha-ri-siêu về những phong tục truyền thống đã in sâu vào trong tâm não của họ, mà họ cho là lề luật của Thiên Chúa, của cha ông. Chính Đức Kitô đã trả lời cho những người Pha-ri-siêu và các kinh sư đã bắt bẻ Ngài khi họ thấy các môn đệ của Ngài không rửa tay trước khi ăn: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ?” (Mt15, 3). Các ông biệt phái và các kinh sư đã chú trọng đến những tập tục truyền thống hơn là tuân giữ các lề luật của Mô-sê, họ coi những tập tục của cha ông như là lề luật của Thiên Chúa, rửa tay hay không rửa tay trước khi ăn, đó không phải là lề luật của Thiên Chúa, nhưng chỉ là thói quen cho hợp vệ sinh thế thôi. Cái chính yếu và quan trọng nhất chính là phải rửa cho sạch tâm hồn để xứng đáng là người biết tuân giữ lề luật của Thiên Chúa cách tốt lành.

Và vì chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài, cho nên các viên chức cao cấp trong đạo Do thái thời bấy giờ, đã không ngần ngại bước qua thân xác người bị nạn mà đi, dù người bị nạn ấy là đồng hương của họ, và thế là họ đã không chu toàn lề luật được cách tốt lành, và có thể nói, những phong tục tập quán của họ, chính là “người thân cận” của họ vậy.

Đức Giê-su đã kiện toàn lề luật, không những để cho lề luật trở lại “khuôn mặt” đẹp đẽ, hoàn trả lại cốt cách tinh thần tích cực ban đầu của nó, mà còn làm cho nó trở thành mối tương quan giữa người với người cách hoàn hảo và thân thiện hơn, Ngài nói: “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốtng …” (Mt 5, 21-22).

Như thế là đã rõ, luật dạy chớ giết người, vì giết người là trọng tội phải bị đưa ra toà, nhưng luật không có dạy người ta đừng giận anh em mình, đừng mắng anh em mình là đồ ngốc, không dạy người khác đừng bội nhọ danh dự của tha nhân, đừng vu họa cáo gian.v.v...và vì thế, trong cuộc sống thường ngày, dù người ta không ai cầm dao, xách súng bắn giết anh em như là kẻ thù, (nhưng họ vẫn cứ thóa mạ, cáo gian người anh em) cho nên họ vẫn cứ lên mặt kênh kênh kiệu kiệu tuyên bố với người hàng xóm rằng: cuộc đời tôi không hề giết người, không hề cầm dao phay doạ nạt anh em...

Không cầm dao chém người, không xách súng bắn người, nhưng có biết bao nhiêu lần trong cuộc sống đời thường chúng ta chửi mắng anh em rằng: thằng cha nầy ma cô, con mẹ đó đĩ thõa; biết bao lần chúng ta nói hành nói xấu người anh em, vu oan giá hoạ cho người khác, đó không phải là “giết người không gươm dao” sao ? Đức Ki-tô đã kiện toàn lề luật như thế nào: luật dạy chớ giết người, còn Chúa Giê-su dạy chớ ghen ghét người (Mt 5, 21-22); luật dạy chớ ngoại tình, còn Chúa Giê-su dạy ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình rồi (Mt 5, 27-28); luật dạy đừng thề thốt, còn Chúa Giê-su dạy có thì nói có, không thì nói không (Mt 5, 33-37)...

Luật dạy những gì cụ thể, “sự đã rồi” mới là tội, chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ bội thề, đều là những tội cụ thể mà trong cuộc đời của con người ít ai phạm đến, bởi vì xét theo lương tâm, thì những luật ấy đều được khắc ghi trong lòng của mỗi người rồi, và trên một khía cạnh nào đó, luật đã làm cho người ta xa cách nhau hơn nếu xét nét từng chữ bên ngoài, và không còn thấy được “người thân cận” của mình trong cuộc sống. Nhưng Đức Kitô đã đến trong thế gian, và Ngài đã làm cho giữa lề luật và tình cảm con người có một mối tương quan gắn bó, thân thiện, và mọi người trở nên thân cận của nhau hơn.

Trở nên người thân cận của nhau, bởi vì Đức Kitô đã tuyên bố: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiép Đấng đã sai Thầy ” (Mt 10, 40). Do đó, khi tôi đón tiếp ngưòi mà tôi gặp gỡ trong ngày, người mà tôi cùng với họ cùng làm chung một công xưởng, hoặc người mà tôi chỉ gặp qua đường nói vu vơ vài chuyện nhỏ, tất cả họ đều là hình ảnh của Đức Ki-tô, cho nên khi tôi đón tiếp họ, thì chính tôi đã đón tiếp Đức Ki-tô, tức là đón tiếp “người thân cận” của tôi vậy.

Luật mới của đức Kitô là như thế, chính Ngài đã đem Ngài ra “thế thân”, để bảo đảm cho những ai đã vì Ngài mà thi hành luật yêu thương với “người thân cận”: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp đấng đã sai Thầy” (Mt 10, 40), và như thế Ngài đã xác định rõ ràng: lề luật là để cho tình người giữa người với nhau càng tràn đầy hơn, và danh Thiên Chúa được vinh quang hơn nơi các loài thụ tạo do Ngài tạo dựng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 37-39).

“Yêu thương là chu toàn lề luật” cũng có nghĩa là đem những câu những chữ trong lề luật, biến thành hành động cụ thể trong đời sống hàng ngày, mà không làm tổn thương đến tính cách, nhân phẩm của người anh em, chị em thân cận. Cũng có nghĩa là quyết tâm thực hành lề luật, không vì tình cảm cá nhân mà làm tổn thương đến cộng đoàn (Mt 18, 15-17), hoặc vì yêu thương theo cảm tính tự nhiên mà làm rối loạn trật tự, nề nếp đã có trong cộng đoàn. Bởi vì khi tuân giữ lề luật thì đã bộc lộ hành vi yêu thương, và khi yêu thương là đã chu toàn lề luật rồi vậy.

Đức Ki-tô đã nghiêm khắc lên án các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình (Mt 23, 12-32), không phải vì Ngài ghét họ, nhưng là vì những thói giả hình của họ đã làm cho người ta nhìn lề luật của Thiên Chúa cách méo mó, và việc tuân giữ lề luật là chất thêm gánh nặng cho họ (Mt 23, 4-5). Nhưng đồng thời Chúa Giê-su cũng đã nhẹ nhàng dạy bảo các môn đệ: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em (Mt 23, 11). Vì hơn ai hết, Chúa Giê-su đã hiểu rõ tính chất của yêu thương chính là phục vụ, cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống để làm giá chuộc muôn người (Mt 20, 28).

Phục vụ và hiến dâng, chính là yêu thương cách trọn hảo mà Chúa Giê-su đã giảng dạy và đã thực hành trong cuộc đời trần thế của Ngài. Và như thế, Chúa Giê-su đã chu toàn lề luật, vì Ngài đã yêu thương, và yêu thương đến cùng, cho đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá (Pl 2, 8).

Chúa Giê-su đã chu toàn lề luật, vì Ngài đã yêu thương hết mình.

Là những môn đệ của Chúa Giê-su, những người tín hữu hôm nay đã cố gắng, đang cố gắng và sẽ cố gắng thực hành lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ dạy: “Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người (Rm 12, 18), và khi đã thực hành được lời dạy đó, thì chính là chu toàn lề luật yêu thương của Chúa Giê-su rồi vậy.


2. PHỤC VỤ LÀ YÊU THƯƠNG.

Trước bữa ăn cuối cùng vào chiều thứ năm, trước khi đi chịu chết, Chúa Giê-su đã rửa chân cho các tông đồ, đây là hành vi phục vụ (Ga 13, 4-15), và chính Ngài đã nói với các tông đồ sau khi đã rửa chân cho các ông : “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau …” (Ga 13, 14). Ngài đã trở nên người thầy và người anh em của mọi người để yêu thương và phục vụ họ, để chia sẻ những vui buồn, sung sướng và đau khổ của kiếp người với họ. Và cuối cùng trong thân phận con người, Ngài đã trở nên vị cứu tinh nhân loại khi bị treo trên thập giá, như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3, 15).

Thánh Phao-lô đã làm người phục vụ Đức Kitô giữa các dân ngoại (Rm 15, 16), và Ngài đã hãnh diện nói : “Vậy, trong Đức Kitô Giê-su, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa ” (Rm 15, 17).

Thánh Damien De Veuster linh mục thuộc dòng Thánh Tâm Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a (người Bỉ) sau mười năm phục vụ người cùi ở hòn đảo Molokai thuộc quần đảo Hạ Uy Di đã lây bệnh cùi, và ngài đã chết trong sự tiếc thương của họ. Ngài đã yêu thương và đã phục vụ cho đến chết, chết trên mảnh đất bất hạnh, để trở thành niềm hạnh phúc cho những người cùi bất hạnh trên hòn đảo nầy.

Linh mục Vincent Lebbe (người Bỉ) đã vì người Trung Quốc mà phục vụ, và phục vụ cho đến chết, câu nói nổi tiếng của ngài đáng để cho chúng ta suy tư khi làm công tác truyền giáo, và phục vụ người anh em đồng loại: “Không nên nhìn mũi của tôi, không nên nhìn mắt của tôi, nên nhìn thấu lòng thành của tôi, tôi là một người Trung quốc chính hiệu” . Câu nói này đã thể hiện được tâm hồn của ngài –tâm hồn truyền giáo- đã dành trọn cuộc đời phục vụ cho người Trung quốc và Giáo hội Trung quốc.

Mẹ thánh Têrêxa Calcutta (người Anbani) đã nhìn thấy “người thân cận” của mình chính là những người dân nghèo khó, bất hạnh của Ấn Độ, hay nói cách khác, mẹ đã nhìn thấy Chúa Giê-su trong những người nghèo khổ ấy, nơi mà sự phân biệt giai cấp được hợp thức hoá bằng những đẳng cấp xã hội cũng như tôn giáo, đã làm cho những người thuộc đẳng cấp nghèo, càng nghèo nàn càng khổ sở hơn. Và mẹ đã phục vụ những con người bất hạnh ấy cho đên hơi thở cuối cùng.

Phục vụ là yêu thương, là quên đi cái tư tưởng bố thí khi giúp đỡ anh chị em, nhưng luôn tự nhận mình như là người thân cận của người anh chị em mà mình đang phục vụ. Đó chính là tâm tình của người môn đệ Đức Ki-tô vậy.

Không một thánh nhân nào mà không có “thành tích” khi còn sống, mà thành tích nổi bật nhất của các ngài chính là phục vụ tha nhân. Động cơ phục vụ nơi các ngài chính là yêu thương, vì các ngài đã nhìn thấy được hình ảnh của Đức Kitô đang đau khổ nơi người anh em, các ngài đã quên đi thân phận của mình. Để phục vụ Đức Ki-tô nơi người thân cận của mình.

- Phục vụ mà không yêu thương, thì như quan hệ giữa đầy tớ và chủ nhân ông, giữa họ có một bức tường giai cấp chủ-tớ ngăn cách, và mục đích của họ chính là vì quyền lợi cá nhân.

- Yêu thương mà không muốn phục vụ thì chỉ là lừa dối Thánh Thần, bởi vì, chúng ta đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm (1 Ga 3, 18), bởi vì hoa quả của yêu thương chính là phục vụ, mà phục vụ người thân cận trong khiêm tốn chính là ân sủng của Thánh Thần ban tặng, đó cũng chính là dấu hiệu để người ta nhận ra mình là người môn đệ đích thực của Đức Kitô (Ga 13, 35).

Có những người khi phục vụ chỉ mong được một tiếng khen của mọi người. Và họ đã được mọi người trả công bằng những tiếng khen.

Có những người phục vụ anh em chỉ vì lòng thương hại, và họ đã được thoả mãn khi người ta cám ơn mình.

Có những người khi phục vụ thì với cung cách của một chủ nhân, và họ đã được người ta kính nể, sợ sệt khi thưa bẩm.

Nhưng cũng có những người phục vụ, không vì tiếng khen, không vì thương hại, không vì để được mọi người kính nể, nhưng vì họ có tấm lòng nhân hậu, yêu thương của Đức Ki-tô. Họ nhìn thấy Đức Ki-tô đang đau khổ trong người anh em đau khổ, họ nhìn thấy Đức Ki-tô hạnh phúc nơi người anh em hạnh phúc của mình, họ đã phục vụ người anh em như phục vụ Đức Ki-tô vậy, và họ đã được tình thương của mọi người, họ đã trở nên người thân cận của “người thân cận”. Bởi vì khi phục vụ như thế, thì chính họ đã trở thành một thành viên trong gia đình của Chúa Giê-su, vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi (Mt 12, 50).

(còn tiếp)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.