PDA

View Full Version : Tương quan giữa Cha Sở & các Nữ Tu giúp xứ... (1)



Dan Lee
07-09-2007, 10:47 PM
TƯƠNG QUAN GIỮA CHA SỞ

&

CÁC NỮ TU GIÚP XỨ


BAN HÀNH GIÁO

CÁC ĐOÀN THỂ


Thay lời ngõ:



Thư gởi Bố

Bố kính mến,

Với gần mười ba năm giúp xứ cho Bố, một giáo xứ ngay tại trung tâm thành phố Sài Gòn, nhưng lại là nơi có nhiều cái tệ nạn nhất của Sài Gòn văn minh: tệ nạn xã hội nhất, ma cô đỉ điếm nhất, thất học nhất, nghèo nàn nhất.v.v...thế nhưng từ nơi vùng đất với những cái “tệ nhất” ấy, đã trở thành Chủng Viện làm ơn gọi trong con từng ngày lớn lên, với sự dìu dắt đầy bao bọc thương yêu của Bố...

Con còn nhớ, khi Ban Đại Diện giáo xứ được thành lập với đủ hạng người nam, bắc, trung, với mọi trình độ. Và dĩ nhiên là phức tạp, nhưng Bố vẫn cứ bình tĩnh để hướng dẫn ban đại diện làm việc. Khi họ không thích nhau, chỉ trích nhau và nói với Bố là tại sao ông đó vậy mà cha không nhắc nhở, bà đó như thế sao cha để vậy.v.v...và Bố chỉ nói: “vậy hả” và cười hề hề. Bố không to tiếng nhắc nhở cũng không nghe người này bỏ người kia, nhưng rồi mọi người vẫn đoàn kết với nhau để xây dựng họ đạo. Và Bố đã “mạc khải” cho con bí quyết ấy: “Giáo dân họ có nhiều ý kiến lắm, đôi lúc làm mình bực mình, nhưng cứ lắng nghe họ, và kế hoạch mình đã đưa ra thì cứ thế mà làm, đừng chê bai gì họ cả”. Và quả thật như thế, khi thấy Bố không nói gì thì họ cũng chẳng nhắc lại vấn đề, và nhà thờ ngày càng khang trang hơn, giáo dân cũng vào nề nếp hơn.

Khi nhà cha sở chưa có, chỉ là cái phòng tạm bợ, thì Bố mở lớp học tình thương dành cho các con em gia đình nghèo đi kinh tế mới về trong giáo xứ, không kể lương giáo, hoàn toàn miễn phí. Khi Bố bắt đầu xây phòng ở cho các nữ tu đến dạy trẻ em, thì có vài giáo dân và ban đại diện “góp ý” với Bố: “Nhà cha sở chưa có mà cha đi xây nhà các nữ tu với đủ thứ tiện nghi”, lúc đó Bố cười nói: “ Các nữ tu họ sống theo cộng đoàn, có giờ giấc và kỷ luật của họ, phải làm nhà cho họ để xứng đáng với cương vị nữ tu của họ”. Và thế là các nữ tu đến dạy học lớp tình thương có chỗ nghỉ ngơi hơn cả cha sở.

Với các đoàn thể, thì Bố nhắc con một điều: “Các lớp giáo lý thì thầy phụ trách, nhưng ca đoàn thì đừng nhúng tay vào, bởi vì tụi nó kỳ cục lắm, để Bố kiếm người tập hát và coi sóc cho tụi nó”. Và con biết đó là kinh nghiệm của Bố, bởi vì trong các đoàn thể tại giáo xứ, không có đoàn thể nào “ồn ào” và rắc rối cho bằng ca đoàn, và có khi, nếu không “cứng cựa” thì thầy giúp xứ cũng sẽ “đi đong” hết ngày trở lại.

Bố kính mến,

Bây giờ con đã làm linh mục và làm cha sở của người ngoại quốc, nhưng cách quản trị giáo xứ thì hoàn toàn là kinh nghiệm học được từ những năm tháng giúp xứ của Bố. Tuy rằng giáo dân ngoại quốc không như giáo dân Việt Nam, nhưng cách quản trị giáo xứ thì chẳng khác nhau gì mấy, con triệt để áp dụng những bài học của Bố:

- Bàn hỏi với ban hành giáo lắng nghe ý kiến của họ và quyết định.

- Tôn trọng và giúp đỡ ưu tiên cho các tu sĩ đến giúp xứ.

- Không hạch hỏi khi đã giao công việc cho giáo dân.

- Không đi sâu chi tiết các đoàn thể, nhưng nắm chắc tình hình để hướng dẫn.

- Ý kiến của giáo dân nếu không rối đạo hoặc không gây mất tình đoàn kết thì cứ nghe và nghiên cứu.

Con nghiệm ra rằng, dù bất cứ giáo dân nào người Việt hay người ngoại quốc, cũng đều mong muốn cộng tác với cha sở để xây dựng giáo xứ, và họ càng vui hơn khi ý kiến của họ được cha sở lắng nghe, và giao việc cho họ làm với sự tin tưởng vào năng lực của họ.

Con viết tập sách này là để chia sẻ với các anh em linh mục trẻ và các chủng sinh, để hy vọng giúp họ được chút gì khi ra làm mục vụ ở giáo xứ.

Thời gian gần mười ba năm liên tục không gián đoạn giúp xứ, con cũng nghiệm ra rằng, nếu tất cả các cha sở có lòng yêu thương ơn gọi, tin tưởng nơi các thầy đang thực tập giúp xứ cho mình, thì chắc chắn sẽ có những linh mục tương lai đầy nhiệt thành, trách nhiệm và thánh thiện trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội.

Xin Bố luôn cầu nguyện cho con.

Con, Nhân Tài, csjb.

-------------------------------------



ƠN GỌI CỦA LINH MỤC


Thánh công đồng Vatican II đã định nghĩa bản tính ơn gọi linh mục như sau: “Để hợp thành một thân thể duy nhất, trong đó mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng, chính Chúa đã cắt đặt giữa các tín hữu một số thừa tác viên, nhờ Chức Thánh họ được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Chúa Ki-tô họ chính thức thi hành chức vụ linh mục cho loài người” (1) .

Bản tính của thiên chức linh mục chính là tha tội và tế lễ trong cộng đoàn tín hữu, chính bởi việc đặt tay của giám mục mà người thanh niên được trở nên kẻ dành riêng cho Thiên Chúa và cho cộng đoàn, bản tính linh mục này, từ đây và suốt đời sẽ không tách khỏi con người linh mục. Và vì cho loài người, cho nên người linh mục không thể từ bỏ thực tại trần thế để nên thánh một mình, hoặc rao truyền Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (Mt 16, 15) mà không cần nhờ đến một ai cả, nhưng chung quanh các ngài có rất nhiều tâm hồn của những con người thiện chí sẵn sàng cộng tác, để Lời Chúa được mau mắn chạy đến với mọi tâm hồn.

“Là những người cai quản và chăn dắt Dân Chúa, các linh mục được tình yêu của Chúa Giê-su nhân lành thúc đẩy để hiến mạng sống cho con chiên” (2) , đó chính là động cơ thúc đẩy để các linh mục thực hiện hoàn hảo sứ mệnh mà mình đã lãnh nhận nơi Hội Thánh, qua sự đặt tay của giám mục: sứ mệnh làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa Giê-su (Mt 28, 19).

Do đó, người linh mục được sai đi đến với mọi người không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ trong yêu thương, nhờ đó mà người ta nhận ra hình ảnh của Chúa Giê-su mục tử nơi người linh mục.

Ơn gọi làm linh mục là một ân huệ thiêng liêng (3) đến từ Thiên Chúa để phục vụ tha nhân, chứ không phải một chức vụ đến từ loài người để được người khác cung phụng, bởi vì –tự bản chất- linh mục là người được chọn và sai đi, cho nên người được sai đi không thể lớn hơn người sai đi (Ga 13, 16b) là Chúa Giê-su Ki-tô, chính Ngài đã đến trong thế gian, đã phục vụ, đã hy sinh và đã chết và đã sống lại để cứu chuộc nhân loại. Thật đúng như vậy, được nên giống Đấng đã sai mình đi là một ân huệ cao quý, mà bất cứ linh mục nào cũng phải cảm nhận được với tâm hồn hân hoan và yêu mến, để trong khi thi hành chức vụ được giao phó, thì các ngài cảm thấy mình càng ngày càng trở nên giống Đấng đã sai mình hơn.

Con người thời nay rất nhạy bén với những gì làm cho người linh mục mất đi bản tính linh mục, chẳng hạn như yêu mến bản thân mình, thích hưởng thụ, thích được cung phụng và mong muốn được người khác chăm lo cho mình, chính những điều ấy làm cho họ -giáo dân- ngày càng nhìn thấy linh mục cũng như bao nhiêu người công chức khác không hơn không kém, chính những điều ấy làm cho đàn chiên phân đàn lẻ đám hơn là những gương mù gương xấu do xã hội gây ra.

Bởi vì Chúa Giê-su hành động (4) qua các thừa tác viên của Ngài chứ không qua người khác, cho nên chính các linh mục cần phải trở nên giống Chúa Giê-su trước, sau đó mới làm cho người khác giống Chúa Giê-su. Đó chính là một đòi hỏi, một thách đố của linh mục trong thời đại hiện nay: đòi hỏi linh mục phải ngày càng hoàn thiện trong sứ vụ được giao phó, thách đố linh mục phải chống chọi với làn sóng tục hóa với nhiều cám dỗ, để vươn đến bờ trọn lành là Chúa Giê-su.



ƠN GỌI CỦA CÁC TU SĨ


Giáo luật dạy rằng: “Hoạt động tông đồ của các tu sĩ tiên vàn hệ tại việc chứng tá của đời tận hiến. Họ có bổn phận hun đúc đời sống chứng tá nhờ lời cầu nguyện và việc đền tội” (5).. . và “Hoạt động tông đồ cần được thực hiện nhân danh và ủy nhiệm của Giáo Hội, cũng như trong sự thông hiệp với Giáo Hội” (6) . Đó chính là “chân dung” người tu sĩ của Giáo Hội đang sống trong thế giới hiện nay, do đó, mà dù bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người tu sĩ cũng không thể sống khác với ơn gọi của mình, là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Thánh công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng: “Các tu sĩ nam nữ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái để phụng sự và làm vinh danh Ngài với một danh hiệu mới và đặc biệt” (7) , danh hiệu mới và đặc biệt đó chính là “người được hiến dâng cho Thiên Chúa”, bởi việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm. Và “những lời khuyên Phúc Âm đưa đến đức ái, và nhờ đức ái, những lời khuyên ấy kết hiệp các tu sĩ cách đặc biệt với Giáo Hội và với mầu nhiệm Giáo Hội" (8).

Chính vì quảng đại đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa để phục vụ Ngài nơi các chi thể của thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh, các tu sĩ nam nữ -tùy theo ơn gọi và tôn chỉ của hội dòng mình- đã hy sinh tất cả không phải vì để được mọi người khen thưởng, nhưng là để chia sẻ sự đau khổ nhọc nhằn Thánh Giá với Chúa Giê-su nơi những con người đau khổ, là tiếp tục vác thánh giá với Chúa Giê-su trên đường dương thế.

Do đó, tất cả các hội dòng được thành lập không ngoài mục đích là rao truyền tình yêu của Chúa Giê-su đến cho mọi người, vì Chúa Giê-su mà phục vụ tha nhân nơi học đường, giáo xứ, bệnh viện hoặc sống giữa đời để chia sẻ cuộc sống với người nghèo qua ba lời khuyên của Phúc Âm: Vâng Lời, Khó Nghèo và Khiết Tịnh.

Chính Chúa Giê-su là nguồn cảm hứng của những tâm hồn thiện chí muốn dâng hiến đời mình trong một hội dòng, để tiếp bước con đường mà Chúa Giê-su đã đi, tức là đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người qua hành động phục vụ vô vị lợi của các tu sĩ nam nữ, mà như thánh Công Đồng Vatican II đã khen ngợi: “Các hội dòng sống đời chiêm niệm hay hoạt động, cho đến nay, đã và đang góp phần rất lớn vào việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới. Thánh Công Đồng vui mừng nhìn nhận công lao của họ và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao nỗ lực được thực hiện để làm vinh danh Chúa và phục vụ các linh hồn” (9) . Như thế thì quá rõ ràng, nhờ đời sống tận hiến và hy sinh của các tu sĩ nam nữ mà có rất nhiều người biết và tin vào Chúa Giê-su, trở thành môn đệ của Ngài.

Là những phần tử trong gia đình Giáo Hội của Chúa Giê-su, các tu sĩ nam nữ cũng cần phải được mọi người kính trọng, không những vì họ là những người được chọn mà còn là những người đã can đảm anh hùng sống đời tận hiến; không phải ích kỷ cho mình, nhưng là cho tha nhân là những hình ảnh của Thiên Chúa, như lời Thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cor 12-27), không phải những bộ phận vô dụng, nhưng đều là những bộ phận rất hữu ích trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giê-su, đó chính là Hội Thánh của Ngài vậy.

Chính nhờ việc tận hiến này mà các tu sĩ nam nữ gần gủi với mọi người hơn, qua việc dấn thân phục vụ tha nhân trong các môi trường mà họ được sai đến, như: trường học, bệnh viện, giáo xứ.v.v...và không ai phủ nhận rằng, chính các tu sĩ đã góp phần xoa dịu đau khổ của những con người bất hạnh, và chính nhờ việc dấn thân vô vị lợi ấy, mà rất nhiều người nhìn thấy Chúa Giê-su đang hiện diện nơi các tu sĩ, và dần dần nhận biết Chúa Giê-su rồi yêu mến và trở nên chứng cho Ngài trong cuộc sống của họ.

(còn tiếp)

----------------------------------------

(1) Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 1.

(2) Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 3, 13.

(3) Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 2, 10.

(4) Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 3, 14.

(5) Giáo luật, chương 5 điều 673.

(6) Giáo luật chương 5 điều 675. 3

(7) Hiến chế tín lý về Giáo Hội, chương 6, 44.

(8) Hiến chế tín lý về Giáo Hội, chương 6, 44.

(9) Công Đồng Vat. II “Sắc lệnh về truyền giáo” chương 40.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.