PDA

View Full Version : Đêm Sài Gòn



Gadget
06-28-2007, 11:30 AM
Đọc báo trong nước: Đêm Sài Gòn


http://i19.tinypic.com/67ew5yd.jpg


Ban ngày Sài Gòn tấp nập, thế còn ban đêm? Đằng sau một Sài Gòn nhộn
nhịp và có phần xô bồ kia vẫn còn một thành phố khác với đủ các gam màu
nổi, trầm, nóng, lạnh...

Những gam màu nổi trong đêm

Về đêm Sài Gòn vẫn thức. Cuộc sống ở các quận trung tâm vẫn tiếp tục nhịp sống nhộn nhịp của ban ngày. Những đêm cuối năm se lạnh nhưng vẫn có nhiều người đổ ra đường để đeo đuổi cuộc chơi tới sáng. Gần 11 giờ khuya, chúng tôi ngồi trong một quán cà phê ven đường Đồng Khởi, người vẫn nườm nượp, phần đông là "dân chơi đêm". Những quán cà phê kiểu này có khá nhiều ở trung tâm quận l, nổi tiếng nhất là quán dưới chân cao ốc Sun Wah trên đường Nguyễn Huệ. Quán này tuy có nhiều thành phần khách nhưng tập trung rất nhiều dân chơi có "xế hộp”, vừa cà phê vừa bình phẩm xe để chứng tỏ giá trị của mình! Các quán cà phê này chỉ như một điểm tập kết, điểm đến tiếp theo sẽ là những quán bar hay vũ trường. Phía trước một quán bar khá nổi tiếng trên đường Nguyễn Huệ (đối diện Nhà sách Nguyễn Huệ) có khá đông người, đợi đến giờ "hoàng đạo". Đằng sau cánh cửa là hai vệ sĩ to cao với gương mặt rất ngầu, những vệ sĩ này vừa bảo đảm an ninh, vừa là "mốt" ở những quán bar hay vũ trường. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là một chàng trai đang gục đầu nôn mửa ngay trước cánh cửa kính ngăn giữa bên ngoài và bên trong quán. "Yếu mà còn đòi ra gió”, một cô gái với chiếc áo hở nguyên lưng và cái mini jupe lướt qua, buông lời trách thương! Trong diện tích chừng 100 m2 vô cùng ồn ào hầu như không còn chỗ trống, tiếng nhạc nhảy cứ dội huỳnh huỵch đến tức ngực. Vừa ngồi xuống trước quầy bar, lập tức đã có hai cô gái "xinh như mộng" sà đến chìa menu mời chúng tôi chọn thứ uống. "Uống giúp em chai rượu đi anh!", một cô niềm nở. Nhìn vào menu, chai rượu Remy Martin nhỏ (rẻ nhất) cũng có giá gần 700.000 đồng, gấp đôi giá bán bên ngoài. Thái độ ngọt ngào ban đầu bị thay đổi bằng một cái quay ngoắt người không thèm nhìn lại khi chúng tôi gọi hai chai Heineken, dù đã được tính gấp năm giá bên ngoài. Xung quanh, bàn nào cũng để những chai rượu bạc triệu mà phần lớn người uống rượu đều còn rất trẻ. Bàn nào có rượu sẽ có một em tiếp rượu đứng trò chuyện giúp vui và... uống phụ. Quy định là không được ngồi với khách nhưng vẫn có một số cô sẵn sàng “bay đêm" sau giờ làm việc, điều này còn tùy thuộc vào mức độ “chịu chơi” của khách.


http://i11.tinypic.com/6h73upj.jpg
Saigon Bia Ôm

Có người vào đây gọi hẳn một chai rượu Henessy X.O đến 3 lít, uống không hết thì gửi lại có thẻ gửi rượu tại các nơi như thế này là một cách thể hiện sự “sành điệu” và càng nhiều thì càng "sành điệu”. "Đẳng cấp” nhất vẫn là tay chơi nào dám uống chai rượu Louis XIII có giá bán tại Việt Nam hơn 30 triệu đồng! Ở bàn bên cạnh chúng tôi có một cặp nam nữ, người đàn ông đã ngoài bốn mươi còn cô gái thì khá trẻ. Họ vừa nốc rượu vừa có những động tác vô cùng kích động rất hiếm thấy được nơi đông người. Ở đây dường như ai có phần người đấy, quan tâm đến nhau làm gì!

Không khí như đặc quánh lại bởi khói thuốc và bởi đủ các thứ mùi bia rượu và mùi nước hoa... Rải rác trong quán là những nhân viên trật tự, họ sẽ có mặt kịp thời để ngăn chặn những hành động quá khích. Không thể chịu lâu hơn cái không khí xô bồ cuồng nhiệt ở đây, chúng tôi rời quán...

Đường phố đêm đã thưa người qua lại, nhưng ở những nhà hàng sang trọng như Hoàng Thành trên đường Lê Lợi hoặc các quán nhậu dọc đường Nguyễn Thái Học hay dưới chân cầu Kiệu, dọc bờ kè mới bắt đầu là giờ đông khách. Dân chơi đang đổ tới từ các quán bar, vũ trường. Nhà hàng như Hoàng Thành thì chỉ dành cho các đại gia. Một bữa ăn khuya ở đây tốn vài triệu là chuyện bình thường còn ở những quán nhậu ven đường khác thì giá cả vẫn bình dân hơn.

Một điểm đến khác của dân đi đêm là những tụ điểm Internet trên đường Trần Quang Khải, Q.l. Những tụ điểm này mở cửa đến sáng để phục vụ cho những ai có nhu cầu... không muốn về nhà! Vào một điểm Internet trên con đường này có tên Web Station, chúng tôi đã gặp một nhóm "gay" còn rất trẻ. Người lớn nhất và cũng là "má mì” của băng chỉ mới 23 tuổi. Một trong số những thành viên này nói với tôi: "Đêm nào em cũng phải đi chat, quen rồi, thiếu chịu không nổi. Tụi em đi thành một băng để khỏi bị bắt nạt. Ban ngày thì ngủ đến 6, 7 giờ tối, dậy đi loanh quanh một tí rồi lại vào đây chat đến 5, 6 giờ sáng thì về”. Nhưng bức tranh vẽ Sài Gòn đêm đâu chỉ có những sắc màu lòe loẹt như vậy. Đâu chỉ có màu sắc quyến rũ của những đôi chân dài, vòng eo thon, màu hỗ phách của rượu tây, màu xanh của những tờ đô la vứt ra không thấy tiếc. Vẫn tồn tại song song với nó là những sắc màu trầm, lạnh của một thế giới khác.

...và sắc màu chìm của đêm Sài Gòn

Bên cạnh thế giới của những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, Sài Gòn còn có một cuộc sống khác hẳn về đêm. Đó là cuộc sống nhọc nhằn của những người chạy xe ôm, của những người phu khuân vác tại các chợ sớm, những người đạp xe rong khắp thành phố làm nghề tẩm quất và cả những bước chân lê khắp các con phố trung tâm của trẻ bán thuốc lá dạo, đánh giày. Chúng tôi đã gặp Quý, một cậu bé có khuôn mặt thông minh quê ở Khánh Hòa, Quý 14 tuổi nhưng mới nhìn cứ tưởng cậu chỉ chừng 9 - 10 tuổi. Gầy guộc, xách trên tay chiếc hộp gỗ bày đủ thứ thuốc lá, kẹo cao su, Quý cất tiếng mời tôi mua thuốc. Tôi kéo ghế mời em. Ly sữa nóng gọi ra nhưng cậu bé vẫn ngại ngần, tôi phải nói mãi cậu mới cầm lên và uống một hơi hết ngay. Từ đầu hôm đến giờ, cu cậu chỉ mới ăn một ổ bánh mì. Quý vào Sài Gòn đã ba năm, thuê nhà ở cùng với mẹ tại quận 8, hằng ngày hai mẹ con đi xe buýt sang quận l bán thuốc lá dạo. Quý cho biết, em đã nghỉ học mấy năm, rất muốn đi làm để phụ mẹ gửi tiền về quê. Một đêm làm việc tuy mệt nhưng cũng được 20-30 chục ngàn. "Sắp tới, em sẽ xin mẹ cho đi học nghề thợ điện, chẳng lẽ bán thuốc lá dạo cả đời sao được phải không anh?”. Quý nói với tôi trước khi vội vã chạy theo hai du khách nước ngoài.




http://i13.tinypic.com/4uewe3q.jpg
Em bé bán thuốc lá dạo



http://i12.tinypic.com/4unwkua.jpg
Chợ đêm

Sài Gòn về đêm có rất đông người làm nghề xe ôm, ngã tư nào cũng thấy một hai người đợi khách. Họ chập chờn trong giấc ngủ trên yên xe để được chạy một cuốc xe cho những bà đi chợ sớm hoặc cho các cô gái đi đêm trở về. Người chạy xe ôm nào cũng có cho mình những mối "ruột như vậy". Những cô gái thường cho tiền rất hào phóng, một anh xe ôm nói, nhưng đôi khi cũng sợ, vì lỡ gặp công an đi tuần tra họ lại tưởng mình là “ma cô" chở gái. Nhưng lo sợ lớn nhất của cánh xe ôm vẫn là sợ bị cướp xe, vì vậy khi có khách yêu cầu chở ra ngoại thành, họ đều từ chối. Chạy xe đêm rất ít khách, đêm nào khá thì được 50-70 ngàn. Ai có khu vực của người đó, chạy sang khu vực khác để tranh khách là điều tối kỵ. Nơi tập trung đông xe ôm nhất vẫn là những khu chợ tạm. Những khu chợ này họp rất sớm, từ 12 giờ đêm, và tan cũng rất sớm. Trên đường Hậu Giang, quận 6 có một chợ nông sản được bày bán kéo dài mấy trăm mét. Chúng tôi ghé vào một xe mì lề đường, vừa ăn vừa nghe ông chủ vui tính kể chuyện: "Đêm nào cũng họp chợ như vậy, đông đúc ồn ào nhưng tui quen rồi, khu chợ này có từ trước 1975. Ở đây cũng phức tạp lắm, đêm nào cũng có đua xe, đánh nhau nhưng chẳng thấy bóng dáng anh công an nào". Như minh họa cho lời ông, lát sau bên kia đường liền xảy ra một vụ ẩu đả, cả khu chợ ồn ào lên. Ở các khu chợ như thế này ngoài buôn bán, còn có một nghề khác nữa, đó là nghề bốc vác những cần xé nông phẩm. Một người bốc vác vừa lau mồ hôi nhễ nhại dù trời khá lạnh, vừa cố gắng xốc chiếc cần xé nặng chừng 70 - 80 kg lên chiếc xe đẩy. Bặm môi, anh ta đẩy chiếc xe chở hai cần xé rau quả đi về phía cuối chợ. Một lần như vậy được 2.000 đồng nhưng nhiều đêm cũng không có hàng để bốc do đội ngũ bốc vác quá đông. Bởi vậy ẩu đả tranh giành xảy ra là... chuyện thường ngày ở chợ. Dịp cuối năm thường có nhiều hàng nên có đêm dân bốc vác cũng kiếm kha khá, chừng 40-50 ngàn.


http://i18.tinypic.com/5yvt8as.jpg
Ngủ ngày cầy đêm

Còn rất nhiều nghề, nhiều cuộc đời khác nữa chúng tôi đã gặp trong những đêm lang thang khắp Sài Gòn. Nghề tẩm quất thì chuyên "trị" bởi những chàng trai gốc Bắc. Những quán cà phê cực rẻ dành cho dân lao động chỉ bán đến 5 giờ sáng. Những người xích lô già không nhà cửa ngủ co ro bên hè phố. Những cánh bướm đêm trên xe máy đuổi theo mời mọc khách ở những con đường nhỏ. Luôn có hai thế giới cùng tồn tại song song trong đêm Sài Gòn. Ở một thế giới thì đồng tiền quá sức nhỏ bé và không có bao ý nghĩa. Một thế giới với những đồng tiền mặn chát mồ hôi và cả nước mắt.

Theo DNSGCT & nld.com.vn