PDA

View Full Version : Cuộc Đời Mẹ Maria (phần 4)



Dan Lee
05-05-2007, 11:47 AM
Cuộc Đời Mẹ Maria Phần 4

42. Nơi Tòa Thượng Tế:
Khi đã điệu Chúa Giêsu đến nhà Thượng Tế Anna. Bọn chúng nộp Ngài cho Thượng Tế thẩm vấn. Chính lúc đó, Gioan và Phêrô vào được trong sân tiếp giáp với phòng xử án. Phêrô chối Thầy lần thứ nhất, làm cho Mẹ đau khổ hơn cả những tạt vả người ta đánh lên Chúa. Lòng Mẹ cảm thương rất chua xót đến rơi lệ máu.

Trước mặt Thượng Tế Caipha, vị này đem hết cung giọng châm biếm, chế diễu ra mà tiếp đón Chúa như một kẻ thua trận. Thực ra Chúa đã thắng tội lỗi, sự chết, và hỏa ngục, bằng đức nhẫn nại, chịu đựng, khiêm nhường và thương yêu của Ngài. Khi nghe các chứng nhân dối trá, vị Thượng Tế lại được Luxiphe xúi giục hỏi xem có phải Ngài là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không. Tất cả mọi người có mặt lúc ấy đều run sợ trước câu trả lời minh bạch của Chúa: "Phải, Tôi là Con Thiên Chúa". Bọn quỉ kinh hoàng nhất, chúng có thể xô nhau xuống hỏa ngục không dám xuất hiện trước tôn nhan Chúa, nếu Chúa quan phòng không xê xếp cho chúng nảy ra những hoài nghi mới. Caipha bực bội vì lời mà ông cho là phạm thượng đó. Còn dân chúng thì gào lên: "Nó đáng chết". Thế rồi mọi người đồng loạt nhào vào đánh đập Chúa Giêsu như một người đáng khinh bỉ nhất. Mẹ được đón chịu tất cả những đòn vọt, những vết máu đổ ra trên thân thể Chúa, nếu không có sức mạnh Thần Linh gìn giữ, thì Mẹ có thể chết ngất dưới sự đau đớn ấy.

Mẹ đặc biệt quan tâm đến Phêrô lúc ấy. Luxiphe xách động bọn nữ tì và quân lính đến hạch hỏi ông, đồng thời nó cám dỗ ông rất mạnh làm ông nao núng. Ông đã chối Thầy mình lần thứ nhất trong sân Caipha. Trước khi gà gáy lần thứ hai ông lại chối lần nữa, chối xong ông định bụng lẻn ra ngoài, nhưng vừa không thuộc lối vừa không dám ra phía cổng, bị canh giữ nghiêm ngặt, ông cứ luẩn quẩn mãi trong sân, cho tới lúc người bà con của Manchu nhận ra ông ở vườn Cây Dầu, mới quả quyết ông thuộc bọn Giêsu. Ông chối lần thứ ba. Thấy cảnh tượng ấy, Mẹ sấp mình xuống đất, châu lệ chan hòa, Mẹ xin ơn tha thứ cho ông. Chúa Giêsu tỏ tình thương ghé mắt nhìn ông, và ông hối hận cay đắng trong lòng. Ông lủi thủi lẻn ra một góc hang mà chua xót tội mình.

Giuda cũng vào dinh Thượng Tế Caipha. Khi thấy Thầy mình bị lên án bất công và bị hành hạ quá dã man, y đây nghiến tội ác mình. Ma quỉ lại thúc đẩy y điên cuồng căm phẫn chính mình, muốn lên tầng lầu nhẩy xuống mà chết, nhưng không đạt được ý định, y lao mình vào đường phố như một con thú điên khùng, nguyền rủa và chửi bới chính mình. Ý đem tiền trả cho các Thượng Tế, rồi đi thắt cổ trên một cây khô. Ma quỉ ném linh hồn y vào hỏa ngục.

Tra vấn Chúa đến quá nửa đêm, Caipha ra lệnh đem giam Chúa vào hầm tối. Vừa dong Chúa đi, bọn lính vừa đánh đập cho thỏa lòng nghen ghét, mà ma quỉ đã khơi lên trong lòng chúng. Chúng treo Chúa vào cột đá, treo lưng chừng không ngồi được, cũng không đứng được. Sau một hồi đánh khảo và chửi rủa, chúng khạc nhổ vào mặt, lấy giầy đánh ngang mặt, để cưỡng bách Chúa phải dùng tà thuật mà chống lại như chúng nghĩ. Nhưng Chúa không hề ngước mắt lên, không hề động đậy. Sự hiền từ vô địch ấy không làm chúng xúc động, mà lại làm chúng nổi xung cuồng bạo hơn. Chúng cởi dây trói, dẫn Chúa ra giữa nhà, để hành hạ cho dễ hơn.

Chúng lấy khăn bịt mặt lại rồi lần lượt đánh đập, khạc nhổ, reo hò chế nhạo: "Bói thử đi, ai đánh ngươi?" Chúng cười cợt và nói những lời rất tục tằn. Chúa vẫn hoàn toàn bình thản như một con chiên hiền từ. Điên giận lên, chúng lột trần Chúa ra để chọc chơi hết sức bất kính. Thấy vậy, Mẹ liền can thiệp. Với quyền lực thống trị muôn loài Chúa ban, Mẹ làm chúng tê bại cả chân tay lẫn trí óc. Bọn chúng tưởng là Chúa dùng phù phép làm hại chúng, nên chúng nói Chúa là một pháp sư cao tay. Chúng bèn bỏ ý định chơi cái trò bỉ ổi đó, và tứ chi chúng trở lại bình thường. Mặt Chúa đã biến dạng, sưng húp lên vì đánh đập, tạt vả, không còn hình giống người nữa.

43. Trước cửa Công Trường:
Vào tảng sáng ngày thứ Sáu, các Thượng Tế tới giải Chúa Giêsu qua dinh Trấn Thủ Philatô. Thành phố ồn ào nhộn nhịp đầy những người từ khắp nơi trẩy đến dự lễ Vượt Qua. Các Thiên Thần cũng dẫn Mẹ vượt qua đám đông ồn ào lộn xộn để gặp Chúa. Gặp được Chúa, Mẹ sấp mình xuống trước mặt Chúa, thờ lạy Chúa với một tâm hồn tôn kính cao vời. Khi Mẹ đứng dậy, hai Mẹ Con nhìn nhau rất thiết tha mà cũng đau đớn khôn tả. Mẹ đi lùi lại sau Chúa Giêsu một chút, rồi vừa đi theo vừa đem tâm hồn đàm đạo với Chúa và với Cha Hằng Hữu một cách tuyệt vời, không ngôn ngữ loài người nào có thể diễn tả được.

Sau cùng, Chúa tới dinh Trấn Thủ, theo sau là rất đông nhân viên Hội Đồng Cộng Tọa Do Thái và dân chúng đủ mọi tầng lớp. Theo tục lệ Do Thái cấm không cho người vào nhà, nên Philatô ra ngoài tiếp họ. Ông hỏi họ: "Các ông tố cáo người này vì tội gì?". Các Trưởng Tế trả lời: "Bẩm, Hắn đã gây xáo động khắp nước, Hắn tự xưng làm vua, cấm nhân dân nộp thuế cho Hoàng Đế và còn tự xưng mình là Con Thiên Chúa". Nghe nói đến Con Thiên Chúa, ông e ngại nói lảng đi: "Thế các ông cứ chiếu theo luật mà xét xử, bản chức chả có quyền gì để xét xử." Họ trả lời: "Chúng tôi không có quyền lên án ai cả". Philatô đem Chúa Giêsu vào trong dinh để tra hỏi.

Nhưng ông biết chỉ vì ghen tức mà bọn họ lên án Ngài. Ông đi ra ngoài dinh, nói với người Do Thái rằng: "Bản chức không có lý do để kết án". Người Do Thái làm ầm lên: "Sao lại không có lý do? Nó giảng đạo và xách động quần chúng suốt từ Galilê đến đây ". Nghe nói đến Galilê, Philatô thở phào như trút được gánh nặng, ông chuyển vụ rắc rối này đến nhà cầm quyền xứ đó. Thế là họ giải nộp cho Hêrôdê ngay bấy giờ.

Herôđê hoan hỉ tiếp đón Chúa Giêsu, với hy vọng Chúa làm cho ông một phép lạ coi chơi. Ông cũng vẫn coi Chúa là tay phù thủy. Ông hỏi Chúa rất nhiều điều, nhưng Chúa cứ im lặng, không đáp lại một lời nào. Các Thượng Tế và Kỳ Lão hết sức vu khống Ngài, nhưng Chúa Giêsu cũng im lặng. Hêrodê cố áp bức Ngài trả lời lấy một câu nhưng không được, nên ông căm tức mà nhạo cười. Bọn cận thần cũng nhạo cười Ngài như một người điên. Họ mặc cho Chúa một chiếc áo trắng, áo mà người Do Thái vẫn mặc cho người điên, để người ta thấy mà tránh. Nhưng đối với Chúa, áo đó lại là biểu tượng sự vô tội hoàn toàn của Ngài. Mẹ thờ lạy Chúa đang mặc chiếc áo trắng dài mầu nhiệm, mà Mẹ hiểu rõ được ý nghĩa tượng trưng ấy.

Bọn Thượng Tế lại giải Ngài về dinh Philatô. Dân chúng xô đẩy nhau, hối thúc nhau ào ào, làm Chúa ngã xuống đất nhiều lần. Bọn lính bất nhân cầm dây trói giật mạnh cách hung tàn, nên máu từ thân thể Chúa bắn ra, Chúa không dễ dàng đứng dậy được, vì hai tay bị ghì chặt vào thân thể. Trước cảnh tượng hung bạo tàn tệ ấy, Mẹ càng thêm đau khổ thống thiết hơn.

Philatô thấy Hêrôdê không xử mà lại trao lại cho mình, ông bối rối về sự vô tội của Chúa và về mối căm hờn của người Do Thái, ông bí mật cho gọi nhiều viên quan chức và thân hữu của các vị Thượng Tế vào bàn với họ nên trả tự do cho Chúa sau khi sửa phạt Ngài qua loa. Theo tục lệ tha cho một tội nhân vào dịp lễ Vượt Qua, để kỷ niệm việc thoát cảnh nô lệ Ai Cập, ông đề nghị với họ đừng tha cho Baraba mà tha cho Chúa Giêsu. Nhưng cuộc mật đàm không kết quả.

Lúc đó bà vợ của Philatô là Prôcula, sai người đến nói với ông là: "Chớ lên án kẻ vô tội, vì trong giấc mộng bà đã phải khổ nhiều". Philatô cũng do dự, nhưng những tiếng hô hoán đả đảo, đã thắng tính nhu nhược hèn nhát của ông. Mẹ nghe những tiếng gào thét man rợ đó một cách bình thản, nhịn nhục vô lượng, mặc dù tiếng đó xuyên thủng Trái Tim Mẹ. Mẹ rất bình tâm, mặc dù buồn thảm đến đâu cũng không làm Mẹ giảm bớt nhiệt tâm và đau khổ, đến đâu cũng không làm suy sút đức ái tuyệt vời, để xin Chúa nhân từ tha thứ hết những tội ác ấy.

44. Trước giờ hành quyết:
Với hy vọng hão huyền là dẹp yên được cơn cuồng nộ của người Do Thái, nên Philatô ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu để rồi tha cho Người. Bọn chúng chọn 6 tên lính vạm vỡ và tàn nhẫn để đánh Chúa. Trước hết chúng lột áo trắng ra, trói Chúa vào cột đá, rồi thay nhau đánh Chúa một cách hung dữ chưa từng có. Thân thể Chúa xé rách thành từng mảnh thịt. Có mảnh đứt ra rơi xuống đất, để lộ những mẩu xương rướm máu. Chúng còn đánh vào tay, vào chân, vào mặt, gây nên những vết thương không ai tưởng tượng được. Số các roi đòn in trên mình Chúa là 5115 lần.

Dân chúng đứng đầy sân dinh Trấn Thủ và các đường phố, đợi xem công việc kết quả ra sao. Cùng với thánh Gioan và ba bà Maria, Mẹ đứng trong góc sân. Mẹ đã được thị kiến và cảm nhận hết những roi đòn ấy, khiến mặt Mẹ biến dạng không còn nhận ra mặt Mẹ nữa.

Sau khi đánh Chúa, bọn lý hình cởi trói và mặc áo lại cho Ngài. Được viên Trấn Thủ cho phép, chúng đem Chúa Giêsu vào dinh phủ, sỗ sàng lột áo trắng ra và khoác cho Ngài một áo choàng đỏ, vừa rách vừa bẩn, để làm trò cười cho mọi người. Chúng đặt trên đầu Ngài một triều thiên kết bằng những cành gai nhọn. Chúng ấn mạnh xuống, khiến những chiếc gai nhọn ngập vào óc, lọt xuống tai, thấu đến tận mắt. Giả vương trượng, chúng bắt Ngài cầm que sậy, và quàng vào vai Ngài một tấm vải tím y như vị hoàng đế khoác long bào, rồi quì xuống mà chế nhạo "Tâu vua Do Thái". Có kẻ lấy cây sậy đập vào đầu Ngài, có kẻ khạc nhổ vào mặt Ngài.

Thấy Chúa đáng thương như thế, Philatô ngờ rằng những kẻ thù của Ngài có thể xúc động. Ông đem Ngài ra trình bày trước dân chúng: "Này là Người". Nhưng không hề xúc động, bọn dân vô tâm lại thét lên: "Đóng đanh nó đi, đóng đanh nó vào thập giá!" Philatô phàn nàn trước những cử chỉ ngỗ nghịch ấy. Ông nỗ lực cứu Chúa khỏi chết. Ông đưa Chúa vào dinh, nói với Chúa một câu chuyện riêng làm lương tâm ông xao xuyến, nhưng Chúa không nói lời nào, cho tới khi ông gằn giọng quyền thế ra mà hỏi, Chúa mới đáp lời: "Ơn Trên không ban cho, ông chẳng có quyền gì trên tôi cả. Vì thế kẻ nộp tôi cho ông có tội nặng hơn". Ông lại đưa ra những cố gắng sau cùng để tha Chúa. Nhưng người Do Thái đã nắm được nhược điểm của ông, bèn la lên: "Nếu ngài tha cho nó, ngài sẽ thất sủng với Hoàng Đế Roma." Philatô kinh hoàng vì lời đe dọa này, nên ông đành nhượng bộ người Do Thái. Ông cho làm án xử tử Chúa Giêsu.

Từ khắp các ngả đường, qua bản án được thông tri, người ta kéo nhau về dinh phủ và đến đồi Golgotha, để xem cuộc hành quyết. Khi thấy Chúa xuất hiện, những tiếng nhộn nhạo ầm ầm nổi lên, chẳng phân biệt được ai nói ai nghe. Các Thượng Tế thì vui mừng hân hoan vì thắng cuộc. Họ yêu cầu dân chúng im lặng để họ đọc lại bản án. Những bạn bè, thân nhân và những người chịu ơn Chúa khóc xướt mướt. Nhiều người có cảm tình với Chúa đứng ngây ra như lạc mất hồn phách. Thánh Gioan và 3 bà Maria đau đớn quá ngất lịm ngã xuống đất. Chỉ có mình Mẹ can đảm phi thường, dầu rất đau đớn nhưng rất bình tĩnh, không thấy nơi Mẹ tỏ ra yếu đuối nhát đảm như những người khác. Mẹ còn cầu xin cho họ đi với Mẹ cho tới lúc chấm dứt cuộc tử nạn của Chúa.

45. Trên đường hành quyết:
Người ta đã đọc xong bản án giết Chúa và đem Thánh Giá lại. Nhìn thấy Thánh Giá Chúa Giêsu tỏ dạ vui mừng. Mẹ cũng hợp với những tâm tình đó vì Mẹ biết rõ giá trị vô cùng của cây Thánh Giá đem lại, khi tiếp xúc với Thần Tính của Chúa Giêsu. Mẹ tôn kính và thờ lạy Thánh Giá cao quí ấy. Các Thiên Thần cũng thờ lạy Thánh Giá Chúa theo gương Mẹ.

Thánh Giá ấy rất dầy, bằng gỗ nặng, dài gần 5 mét. Bọn lính cởi tay Chúa ra để Chúa có thể giữ và vác lấy Thánh Giá, nhưng không cởi dây trói thân, vì chúng muốn buộc vào thân mình để kéo Chúa đi. Chúng lại buộc vào cổ Chúa một dây khác. Tên lính rao bản án đi trước. Theo sau là dân chúng ô hợp và quân lính chen chúc nhau, vừa vô trật tự vừa la ó om xòm. Bọn lính cầm dây đàng trước kéo Chúa đi, tên cầm dây đàng sau ghì lại. Những giằng co hung hăng ấy khiến Chúa nhiều phen phải nấc lên, ngã xo ngã giụi. Hai đầu gối quị xuống đá mặt đường nhiều lần vọt máu ra. Thánh Giá nặng đè xiết trên vai rách nát, làm thành một vết thương rất lớn.

Những lôi kéo giun giẩy của bọn lính làm cho Thánh Giá va mạnh vào đầu, làm cho những gai nhọn ở đầu cắm sâu thêm vào những phần dễ cảm nhất trên da thịt. Chúa đã bị khổ sở thế mà bọn lính còn chửi rủa những lời bỉ ổi, bốc bụi đường ném lên Chúa. Mắt Chúa mờ trong bụi nhơ, trong máu lệ, nhưng vẫn nhìn chúng một cách nhân từ thương hại. Muốn giết Chúa cho sớm, bọn lính cứ thúc Chúa dồn dập. Thân xác Chúa bị chèn vào một tình trạng yếu nhược, tưởng như sắp gục chết dưới bấy nhiêu cực hình tàn khốc.

Nhưng trong Trái Tim Mẹ, Chúa gặp được một niềm an ủi rất phấn khởi. Mẹ rời dinh Philatô đi theo Chúa, cùng với Thánh Gioan và 3 bà Maria. Dân chúng đông quá không thể gần Chúa được, Mẹ xin Chúa cho Mẹ ít là được đứng gần cây Thánh Giá. Mẹ ra lệnh cho các Thiên Thần dẫn Mẹ đi qua một dẫy phố tắt. Ở cuối phố Mẹ và Chúa gặp nhau. Hai Mẹ Con gặp nhau mà lòng quặn đau, không nói nên lời. Thấy Chúa gập mình dưới Thánh Giá nặng nề, Mẹ cầu xin Chúa gợi ý cho bọn lý hình bắt một ai vác đỡ Chúa. Muốn làm vui lòng Mẹ, Chúa sai Simon Cyrênê thân phụ của Alêxan và Ruphô vác đỡ. Vừa đi Mẹ vừa suy niệm những mầu nhiệm Cứu Chuộc.

Cũng có đám đông phụ nữ đi theo Chúa mà khóc thương. Chúa quay lại nói với họ: "Hỡi các thiếu nữ thành Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc thương con cái mình". Một lát sau khi đã kiệt sức, Chúa cũng đã lên tới núi Sọ, ngọn núi mà xưa kia Abraham đã sát tế con mình là Isaac, hình ảnh Chúa Cứu Chuộc. Trước khi đóng đanh vào Thập Giá, chúng pha mật đắng vào rượu cho tử tội uống thêm sức mạnh. Chúa chỉ nếm chứ không uống, để chịu hết mọi cực hình, không chối bỏ một đau khổ nào.

46. Treo trên Thập Giá:
Bấy giờ là giữa trưa ngày thứ Sáu, chúng lột áo Chúa ra khiến Chúa phải đau đớn kinh hồn. Nhưng không lột quần ngắn, chiếc quần mà chúng làm hết sức cũng không lột ra được. Quần ấy được táng vào mồ cùng với thân xác Chúa sau này. Bọn chúng dằn ngửa Chúa ra trên cây Thánh Gía. Một tên cầm tay Ngài đặt vào lỗ đinh, một tên khác dùng búa lớn đóng đinh xuyên qua tay Chúa. Khi đóng tay thứ hai, vì lỗ đinh quá xa không thể đóng được, chúng cột dây kéo ra cho tới lỗ đinh. Chúng cũng kéo thẳng hai chân xếp lên nhau rồi đóng hai chân vào một lỗ bằng chiếc đinh to và dài hơn. Xương cốt bị dãn ra, người ta có thể đếm được từng cái như Tiên Tri David đã nói.

Chúng dựng Thánh Giá lên, Chúa mới thật là đau đớn, máu xối xả chảy xuống. Trước sự dã man không ngờ tới, dân chúng thất thanh kêu lên phản đối ầm ầm. Có người quay đi bưng mặt khóc không dám nhìn. Trong khi các Tư Tế, các Luật Sĩ bước đi bước lại, vừa nhạo cười vừa hãnh diện vì mình đã thắng thế. Mẹ rất đau đớn tỏ niềm tôn kính đền tạ Chúa. Mẹ sấp mình dưới chân Thánh Giá, nài xin Cha Hằng Hữu tỏ ra những dấu lạ hiển hách bênh vực cho danh dự của Con Mẹ. Mẹ ra lệnh cho mặt trời, mặt trăng ngừng chuyển vận, núi non vỡ ra, mồ mả mở tung, màn trong đền thờ xé làm đôi, mặt trời tối sầm lại và trái đất chìm vào tang chế và mọi loài hãy tôn vinh Chúa Cứu Thế.

Nhìn các Thượng Tế, các binh lính và lũ dân chúng, Ngài cảm thương nên cất lời: "Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm". Nghe lời ấy, một trong hai đạo tặc cùng bị đóng đanh với Ngài, tên là Dimas nhận ra tình thương nhân hậu của Chúa, nên y tự trách mình và quở trách tên đồng bạn đã phạm thượng. Y kêu lên: "Lạy Chúa, xin nhớ đến tôi khi Ngài vào nước thiên đàng". Và Chúa Giêsu đã trả lời: "Hôm nay con sẽ được ở cùng Ta trên nơi hằng sống". Sau cuộc ban ân sủng chinh phục đó, Chúa Giêsu thưa với Mẹ: "Thưa Bà, đấy là con Bà". Rồi nói với Gioan: "Mẹ của con đấy". Qua lời ấy, Gioan nhận được ánh sáng mới về những vẻ cao trọng của Mẹ, và phục vụ Mẹ cách hoàn hảo hơn.

Khoảng 3 giờ chiều, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: "Ôi Thiên Chúa, sao Ngài bỏ Con?" Bấy giờ Ngài nhìn thấy bao kẻ bị trầm luân, Ngài đau đớn như ở vườn Cây Dầu trong đêm qua. Để tỏ tâm tình khát khao cho mọi người được cứu rỗi, Ngài kêu lên: "Ta Khát". Nhưng bọn lý hình hiểu nghĩa thường, chúng lấy bọt biển thấm dấm chua cắm vào đầu cây gậy, nâng lên tới miệng Ngài. Để làm trọn lời Tiên Tri David, Ngài nhấm một chút, tỏ ra rằng Ngài thương số phận của những kẻ bị trầm luân.

Sau cùng Ngài ngước mắt lên trời nói lời thứ bảy: "Lạy Cha, Con phó linh hồn trong tay Cha". Sau lời cuối cùng này, Ngài gục đầu xuống mà trút linh hồn. Với tư cách là Mẹ Đồng Công, Mẹ thấu hiểu tất cả những mầu nhiệm đau khổ trong cuộc tử nạn của Chúa, là một công trình cứu chuộc vĩ đại, Mẹ đã hoàn thành theo ý Chúa, nên Mẹ muốn cho mọi người biết bằng cách khiến cho trời đất rung động, các tầng trời ngưng vận chuyển, núi non vỡ ra, màn trong đền thờ xé ra làm hai, khiến nhiều người xúc động, sợ hãi, chạy toán loạn trước biến cố lạ lùng ấy, đã nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Thánh, là Đấng Cứu Độ muôn dân. Phần Mẹ, Mẹ vẫn đứng bên Thánh Giá vững vàng như một cột đồng trụ, giữa muôn lớp sóng đau khổ mãnh liệt hãi hùng. Mẹ hiểu ơn cứu chuộc của Chúa như trong bể bao la và Mẹ càng nghĩ đến sự bội bạc của loài người, Mẹ càng đau đớn. Niềm đau này lớn nhất trong mọi niềm đau của Mẹ.

47. An táng trong mồ:
Để chuẩn bị cho ngày mừng lễ mà không bận tâm đến tử thi, người Do Thái đến xin Philatô cho tháo xác tử thi xuống ngay chiều hôm ấy. Bọn lính đến đánh dập ống chân hai tử tội cho chóng chết mà tháo xác xuống. Đến lượt Chúa Giêsu, thấy Ngài đã chết, chúng không đánh dập ống chân nữa, nhưng một tên lính là Longinô muốn chắc Ngài đã chết thật, đã lấy lưỡi đòng đâm vào ngực Chúa. Đòng cắm vào thấu Trái Tim Chúa, liền có nước và máu chảy ra.

Mẹ cũng cảm nhận lưỡi đòng đâm vào lòng Mẹ cách nhức nhối hơn, nhưng cảm thương Longinô, Mẹ xin Chúa tha cho anh. Tức thì máu và nước từ trái tim Chúa rơi vào mắt anh, anh liền được sáng mắt, đồng thời mắt linh hồn anh cũng mở ra, nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật mà anh đã đả thương. Anh ra đi khóc lóc tội mình.

Lát sau một lũ người vác thang tiến lên núi. Đấy là ông Giuse người Arimathê và ông Nicodêmô cùng các gia nhân, họ là thân hữu và môn đệ của Chúa. Giuse đã can đảm đến xin Philatô cho tháo xác Chúa xuống. Đến đỉnh núi, họ phủ phục dưới chân Mẹ, tỏ lòng khiêm tốn và ý định của mình. Mẹ cảm ơn lòng đạo hạnh của hai ông. Đoạn hai ông bắt tay vào việc tháo xác Chúa xuống.

Hai ông đã hạ xác thánh Chúa xuống, Mẹ cung kính quì gối đón nhận xác thân rất thánh Con Mẹ mà ãm vào lòng. Các Thiên Thần, Thánh Gioan và tất cả những người khác lần lượt thờ lạy Xác Thánh rất cung kính thiết tha. Sau cùng hai ông xin phép Mẹ cho khâm liệm Xác Thánh mà an táng. Các ông xức thuốc thơm trên mình, rồi liệm khăn lại đưa vào trong mồ. Mẹ đau khổ theo dõi từng chi tiết nhỏ. Mẹ mời gọi các Thiên Thần từ trời xuống hợp với các Thiên Thần hầu cận, dự lễ an táng Chúa trong mồ. Trước khi ra về các ông vần một tảng đá lớn lấp cửa hang lại.

Lúc ấy mặt trời đã lặn, Mẹ từ núi Canvê trở về nhà Tiệc Ly, có đoàn người đáng kính đi theo. Mẹ vào nhà với Gioan cùng các bà phụ nữ, còn các người khác trở về nhà mình. Họ ra về với lòng tràn ngập ân sủng và cảm động vì đức khiêm nhu của Mẹ. Nhớ lại lời Chúa hứa trước là Ngài sẽ sống lại 3 ngày sau khi chết, họ xin Philatô cho đặt lính canh mồ Chúa. Nhưng sự đề phòng nham hiểm của họ chỉ làm vững vàng thêm cho phép lạ lẫy lừng Phục Sinh mà Chúa đã báo trước.

48. Huy Hoàng Phục Sinh:
Trong nhà Tiệc Ly, Mẹ cùng các phụ nữ đàm đạo. Mẹ cám ơn họ đã đi theo Mẹ suốt cuộc Tử Nạn của Chúa. Đoạn Mẹ giục họ đi ăn uống nghỉ ngơi, còn Mẹ vào trong phòng ẩn dật chờ Con Chí Thánh của Mẹ sống lại. Suốt đêm đó Mẹ thức trắng để chiêm niệm cuộc đời. Mẹ vừa tôn vinh Chúa vừa mặc cho tình yêu đổ dào dạt trên Mẹ. Mẹ xin Thánh Gioan đi tìm các môn đệ khác về. Ra khỏi nhà Gioan gặp Phêrô trước nhất. Ông đi ra từ hang ông đã ẩn, để khóc lóc tội mình đã chối Thầy. Khi gặp Mẹ ông sấp mình dưới chân Mẹ mà đau đớn xin Mẹ tha tội. Được Mẹ an ủi, ông vững mạnh trong niềm vui hy vọng. Dần dần các ông khác cũng về gặp Mẹ trong hối hận tha thiết. Mẹ lấy cơ hội ấy củng cố đức tin và nhóm thêm lửa yêu mến trong lòng các ông.

Buổi tối, Mẹ tạm biệt các ông lui vào phòng riêng mà suy niệm những việc Con Chí Thánh Mẹ làm từ khi lìa khỏi xác. Chúa Giêsu xuống ngục Tổ Tông. Linh hồn những bậc công chính được thấy Thần Tính Chúa, được hạnh phúc thiên đàng, nên hát lên nhiều bài ca chúc tụng Chúa Cứu Thế. Hôm ấy cũng là ngày kinh hoàng cho hỏa ngục. Ma quỉ rụng rời hoảng hốt, chen nhau chui rúc vào hang thẳm, chịu khổ hình nhục nhã đau đớn. Mẹ được biết rõ những mầu nhiệm ấy, Mẹ cảm thấy một nguồn vui khôn tả. Mẹ dâng lên Chúa những lời tán tạ không khen.

Vào 3 giờ sáng ngày Chúa Nhật, Linh Hồn Rất Thánh Chúa Giêsu vinh hiển trở lại mồ đá, theo sau là đoàn tháp tùng các Thần Thánh vừa được giải thoát khỏi ngục Tổ. Trong mồ cũng có rất nhiều các Thiên Thần canh giữ, để tôn kính Xác Thánh Chúa. Linh hồn Chúa Giêsu lại hợp nhất với Xác Ngài, làm cho sống động và mặc thêm cho một vinh quang bất tử. Ánh ngời sáng của thân xác vinh hiển của Chúa, vượt cao trên hết các xác thể vinh hiển khác, như ngày vượt trên đêm. Tính bất cảm thụ làm cho thân xác Chúa vượt bỏ tất cả những gì biến đổi. Tính linh mẫn thanh luyện khỏi hết những gì phàm tục, làm cho xác nên giống như Thiên Thần, thấu nhập vào được hết mọi vật thể khác, mà không gì ngăn cản nổi.

Các vết đinh ở tay chân vẫn còn, và sáng láng rạng rỡ, tăng thêm vẻ đẹp cho toàn thân lên một cách kỳ thú, như một nét đặc sắc lạ lùng nhất. Chúa Giêsu ra khỏi mồ rực rỡ với tất cả tráng lệ và huy hoàng, Chúa hứa cho loài người cũng được sống lại như hiệu quả cuộc phục sinh của Ngài, và hứa cho người công chính sau này cũng được vinh quang nơi thân xác như vậy. Nơi căn phòng ẩn dật tại nhà Tiệc Ly, Mẹ thấu triệt hết những sự lạ lùng ấy, và Mẹ tham dự vào tất cả qua một thị kiến đặc biệt. Thân xác Mẹ được hưởng nguồn vui từ linh hồn Mẹ thông sang, vào chính lúc Linh Hồn Chúa hợp nhất với Thân Xác Ngài. Tức thì Mẹ thoát khỏi mọi buồn khổ và biến sang một niềm vui thiên quốc.

Chúa Giêsu vào phòng Mẹ với cả đoàn Thiên Thần vinh hiển. Mẹ phủ phục xuống thờ lạy rất thẳm sâu. Chúa nâng Mẹ dậy và ban tặng Mẹ một ân huệ mà nếu không có Chúa tăng sức cho thì Mẹ ngất lịm. Ân huệ đó là Thân Xác vinh hiển của Chúa thấm nhập vào thân xác rất trinh sáng trong ngời của Mẹ, làm cho trở nên hoàn toàn thấu suốt như một trái cầu pha lê chứa đựng toàn thể mặt trời. Ân huệ rất phi thường này nâng Mẹ lên chiêm niệm những mầu nhiệm tuyệt vời cao cả.

Sau khi đã lãnh những ân huệ đó, Mẹ truyện trò với Các Thánh đi theo Chúa Giêsu. Mẹ vừa nhận ra các vị ấy, vừa ca tụng Thiên Chúa vì ơn này. Mẹ hàn huyên với Thánh Giuse, Gioakim, Anna và Thánh Gioan Tẩy Giả, Tổ Phụ Adong và Evà. Các vị đều phủ phục dưới chân Mẹ với niềm tôn kính là Mẹ Đấng Cứu Thế. Sau cuộc tiếp xúc đó, Mẹ mời các vị cùng ca lên những khúc hát tôn vinh Thiên Chúa, Đấng chiến thắng tội lỗi, sự chết và hỏa ngục.

49. Chúa lên trời:
Sau cuộc thăm viếng Mẹ, Ngài hiện ra trước hết với Maria Madalena, sau đó với các bạn hữu của bà. Mãi sau Chúa mới hiện ra với Phêrô, với hai môn đệ đi làng Emmau là Luca và Clêôpha. Ít lâu sau lại hiện ra với các Tông Đồ tụ họp với nhau trong nhà. Chúa cũng đã hiện ra với Tôma nữa. Mẹ còn biết rõ những cuộc hiện ra khác nữa của Con Chí Thánh Mẹ. Mẹ rất là hạnh phúc, vì Chúa vẫn ở lại với Mẹ trong nhà Tiệc Ly cho tới ngày Ngài về trời.

Ngài cũng tụ họp cả 120 người, trong số đó có 11 Tông Đồ, 72 môn đệ và các vị khác, khuyên giải nhiều điều trước khi Ngài về trời. Sau cùng, tới giờ Chúa phải về trời, Ngài cùng với 120 người ra khỏi nhà Tiệc Ly, đi qua thành phố Giêrusalem, qua Bêtania rồi lên núi Cây Dầu. Tới nơi, đoàn người vây quanh Chúa. Mẹ sấp mình thờ lạy Chúa và xin Chúa ban phép lành lần cuối cùng. Sau khi đã nói lời cuối cùng, Chúa Giêsu chắp tay lại tỏ vẻ uy nghiêm lộng lẫy, rồi bắt đầu tự nâng mình lên cao khỏi đất, để lại hai vết chân thánh của Ngài trên đá. Các môn đệ say sưa nhìn ngắm trong mê man. Một đám mây trắng đến che khuất Chúa khỏi tầm mắt họ. Các Thiên Thần từ giã Mẹ để về trời. Các vị chúc mừng trái đất vì có Mẹ là Đấng Nữ Vương của các vị ở với.

50. Chờ đón Thánh Linh:
Mẹ trở về nhà Tiệc Ly với tư cách là người thay Con Mẹ trong Giáo Hội mới. Mẹ trở về tràn ngập những ân sủng cao vời để thi hành chức vụ. Mẹ chuẩn bị tâm hồn cho các Tông Đồ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Mẹ an ủi họ, hàng ngày Mẹ dành thì giờ để giải thích cho họ về các mầu nhiệm đức tin, dạy họ cách cầu nguyện và đọc Thánh Vịnh. Chiều về, dùng bữa với một chút bánh và cá khô, ngủ cũng ít, để trong những ngày chay tịnh và cầu nguyện, họ sốt sáng dọn mình lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần.

Khi tuần tĩnh tâm chấm dứt, Thiên Chúa báo cho Mẹ biết phải tìm một vị Tông Đồ bù vào chỗ của Giuda cho đủ số. Mẹ chuyển lệnh cho 11 Tông Đồ đang hội họp tại nhà Tiệc Ly. Các vị xin Mẹ tự ý đặt, nhưng với trí năng khôn ngoan và sâu sắc, Mẹ hiểu chính vị nguyên thủ Giáo Hội phải lo việc ấy mới hợp lẽ. Nên Mẹ nói với Phêrô tổ chức cuộc tuyển chọn. Phêrô viết hai tên Giuse và Mathia bỏ vào một cái bình, rồi mọi người cầu nguyện rồi bốc thăm. Phêrô rút thăm được Mathia, tức thì mọi người đều hân hoan nhìn nhận ông là Tông Đồ. Các vị kia ôm hôn chúc mừng rồi mọi người ý hiệp tâm đầu cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự đến.

Chín giờ sáng hôm sau, bỗng dưng nghe thấy tiếng từ trời vang xuống như tiếng sấm sét, và một hơi gió mạnh có chen lẫn những chớp sáng lòa. Hiện tượng ấy bùng ra trên nhà Tiệc Ly. Rồi ánh sáng tràn vào đầy nhà, lửa Thần Linh chan đổ trên đầu từng người có mặt tại đó, với hình một lưỡi lửa. Đó chính là Thánh Linh ngự trên họ. Tất cả mọi người đều cảm thấy hậu quả của Chúa Thánh Linh hiện xuống cách lạ lùng, nhưng không ai tuyệt diệu như Mẹ. Mẹ hoàn toàn ngây ngất, được lên tới tận lòng Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa đổi mới tất cả các hồng ân đã ban cho Mẹ từ trước. Mẹ tán dương tạ ơn Chúa trong vinh quang chói ngời.

Các Tông Đồ được tràn đầy Thánh Thần, đầy khôn ngoan, hiểu biết, minh luận, đạo đức, lo liệu, sức mạnh và kính sợ Thiên Chúa. Các ông bắt đầu ngay vào việc thiết lập Giáo Hội và anh hùng vui tươi thực hiện việc giảng dạy. Cả những môn đệ không có mặt ở nhà Tiệc Ly lúc ấy, cũng được phúc thông phần những ân sủng này.

51. Hướng dẫn Giáo Đoàn đầu tiên:
Toàn dân Giêrusalem đều xúc động trước những việc xẩy ra ở nhà Tiệc Ly. Một số đông các người ngoại quốc ùn ùn kéo đến nghe các Tông Đồ giảng dạy. Mẹ sấp mình xin Chúa cho mọi người trở lại. Kết quả thật đáng lạ lùng. Các Tông Đồ chỉ giảng bằng tiếng Do Thái mà thính giả nghe ra tiếng nước mình. Phép lạ bất ngờ và sự can đảm của các Tông Đồ trước đó thật yếu hèn, nhất là hiệu năng ân sủng đã kích động họ sốt sáng gia nhập Giáo Hội mới. Nhưng cũng có người không tin, nổi giận với các Tông Đồ và coi các vị là phường say rượu.

Trong tuần tám ngày sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, các Tông Đồ cứ tiếp tục nói tiếng mọi nước, làm nhiều phép lạ mà khuyên dụ nhiều người trở lại. Cả thành phố Giêrusalem nhôn nhao lên, đâu đâu người ta cũng nghe nói đến những việc lạ lùng ấy. Cả ngoài thành người ta cũng vào thành để chứng kiến. Lúc trở về không những họ được ơn lạ chữa bệnh phần xác mà lành cả bệnh linh hồn nữa. Số tín hữu mỗi ngày một tăng thêm. Đức tin của họ thật sống động và đức mến thật nhiệt thành. Họ theo gương Thầy Chí Thánh sống đời trong sạch, đơn giản, khiêm nhu và cầu nguyện, chỉ lo đến phần rỗi đời đời thôi. Họ bỏ của cải làm của chung. Giáo Hội lúc đầu thật hạnh phúc.

52. Trong cơn bách hại buổi đầu:
Giáo Hội khởi đầu thành lập được hưởng bình an hưng thịnh trong một thời gian dưới sự hướng dẫn của Mẹ. Một hôm Mẹ dâng lên Chúa cả mạng sống Mẹ và cả đoàn chiên nhỏ Chúa trao cho Mẹ và xin ơn gìn giữ chúng. Chúa Giêsu trả lời Mẹ: "Giáo Hội Con thành lập phải theo vết chân Con, do đó phải đi trên đường khổ giá. Giáo Hội phải chịu nhiều sự bách hại". Mẹ biết được ý Chúa nên sấp mình suy phục và chỉ cầu nguyện cho Giáo Hội được phát triển theo thánh ý Chúa.

Hồi đó, Thánh Phêrô và Thánh Gioan vừa chữa lành cho một người bất toại ở cửa đền thờ, các Tư Tế liền cho điệu hai ngài đến hạch hỏi, và cấm không được nói đến danh hiệu Giêsu nữa rồi thả cho về. Các ngài về thuật lại cho Mẹ, tưởng rằng Mẹ chưa biết. Mẹ cầu nguyện cho các ông được chịu khó cho nên. Lần khác nhân vụ vợ chồng Anania và Saphira hà tiện, bị ma quỉ cám dỗ, chừa lại một phần tiền bán gia sản, không nộp cho Giáo Hội. Khi Thánh Phêrô tỏ cho họ biết sự gian dối, họ liền ngã chết dưới chân ngài. Hình phạt khủng khiếp đó làm náo động toàn thể dân thành. Các quan chức bèn bắt giam các ngài. Được ánh sáng Chúa ban, Mẹ thấy áp lực của ma quỉ, liền sấp mình giang tay xin Chúa thương cứu thoát các ông, để các ông hoạt động cho Giáo Hội.

Được Chúa chấp nhận, Mẹ sai Thiên Thần vào tù cứu hai vị Tông Đồ ra. Các ngài lại tiếp tục đi giảng, rồi lại bị giam lần nữa. Lần này Mẹ không lo cứu các ngài bằng phép lạ nữa. Mẹ sai các Thiên Thần đến dinh quan và các Tư Tế, xua đuổi ma quỉ ra khỏi họ, và gợi cho họ những tư tưởng khoan dung, công bằng với hai Tông Đồ. Nhờ sự can thiệp đó mà nhà Tiến Sĩ Luật Gamaliel lên tiếng trong hội đồng, khiến các quan chức cho điệu hai Tong Đồ vào nơi hội nghị, truyền đánh đòn rồi tha về.

Gioan và Phêrô vui mừng vì đã được chịu xỉ nhục vì danh Chúa Giêsu, các ngài về thuật lại mọi biến cố đó cho Mẹ nghe. Mẹ tiếp đón các ngài với hết tình từ mẫu úy lạo. Không phải Mẹ chỉ nâng đỡ các ngài ở Giêrusalem mà thôi, nhưng bất cứ chỗ nào các ngài đến, đều có Mẹ theo giúp, bằng lời cầu nguyện và bằng ánh nhìn trong tâm hồn. Hễ thấy các ngài bị lâm khổ là Mẹ sai Thiên Thần đến an ủi và xua đuổi ma qủi đang bách hại các ngài. Mẹ cũng săn sóc các giáo hữu nữa. Mẹ cứu trợ họ trong những nhu cầu hồn xác: Chữa lành bệnh tật, thăm viếng, an ủi và mang tặng họ những gì họ cần.

53. Tham gia chỉ đạo Giáo Hội:
Khi Chúa Giêsu trao quyền chỉ đạo Giáo Hội cho Mẹ, Ngài cũng thông cho Mẹ một tri thức cân xứng với chức vụ tuyệt vời ấy. Không những Mẹ nhận biết tất cả các tin hữu, mà còn biết tất cả các công việc họ làm, nên Mẹ cư xử với họ rất công bằng. Mẹ để các Tông Đồ toàn quyền chỉ đạo, Mẹ chỉ cầu nguyện xin Chúa ban ơn soi sáng và chỉ dẫn các ngài, vì các ngài thường đến học hỏi nơi sự khôn ngoan thần linh của Mẹ.

Một trong những người Mẹ đặc biệt âu yếm là Thánh Stêphanô, một trong 7 vị Phó Tế đầu tiên. Ông có tâm hồn khiêm nhượng, hiền hòa và trong sạch. Ông nuôi chí quả cảm vô địch, dám tranh luận với các Luật Sĩ Do Thái thông minh, và nói thẳng với họ là mình khát khao được chết vì Chúa. Ông là người đầu tiên chịu tử vì đạo. Sau cái chết của Stêphanô, cuộc bách đạo bùng lên dữ dội. Mẹ củng cố các Tông Đồ và khuyên họ tản ra khắp xứ Giuđê. Khi họ gặp thử thách, Mẹ sai Thiên Thần đến cứu trợ, khuyến khích họ và đem họ đi như trường hợp Thầy Phó Tế Philiphê trên đường Gaza. Những ai nguy tử Mẹ sai Thiên Thần đến giúp và không quên họ khi họ đã xuống luyện ngục. Mẹ săn sóc cho từng nhu cầu, lo lắng đến từng hoàn cảnh. Mẹ hành động cách tràn đầy khôn ngoan thánh thiện, hiền từ và nghiêm nghị tùy từng trường hợp.

Mẹ nghĩ đã đến lúc phải có một bản tổng yếu về đức tin, để mọi tín hữu có thể học hỏi và Giáo Hội vững lòng tin giữ, nên Mẹ đã cầu nguyện, ăn chay 40 ngày để chuẩn bị. Chúa hiện đến cho Mẹ biết: Không những Chúa hứa trợ lực các Tông Đồ trong việc soạn thảo kinh Tin Kính, mà còn mạc khải cho Mẹ biết từng lời của Tín Biểu ấy nữa. Chúa muốn Mẹ phải khiêm nhường chịu nhận việc dành cho Mẹ một khoản trong kinh ấy cách rất hiển vinh. Chúa lại ban cho Mẹ nhiều ơn mới và chúc lành cho Mẹ rồi Chúa về trời.

Từ trên trời Chúa soi sáng cho Thánh Phêrô và các Tông Đồ ý định cùng nhau làm một bản Tín Biểu. Các Ngài bàn luận với Mẹ và hợp lòng ăn chay cầu nguyện trong 10 ngày để chuẩn bị. Tới ngày đó mọi người tụ họp trong phòng, cử hành Thánh Lễ, Mẹ cùng các Tông Đồ đều hiệp lễ, rồi tất cả cùng cầu nguyện xin Thánh Linh soi sáng. Một lúc sau nghe có tiếng động lớn, nhà Tiệc Ly rực sáng và mọi người đều được ơn Chúa Thánh Thần. Bấy giờ Mẹ mời các Tông Đồ đọc lên một khoản phải tin, theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Bắt đầu từ Thánh Phêrô rồi đến các Tông Đồ khác.

Bản Tuyên Tín như sau:

Thánh Phêrô: Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng. Đấng tạo thành trời đất.
Thánh Anrê: Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, Chúa chúng tôi.
Thánh Giacôbê Trưởng: Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người chịu thai, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria.
Thánh Gioan: Người chịu nạn đời Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh vào Thập Gía, chịu chết và chịu mai táng.
Thánh Tôma: Người xuống ngục Tổ Tông và ngày thứ ba Người sống lại từ cõi chết.
Thánh Giacôbê Thứ: Người lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng.
Thánh Philiphê: Và Người sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Thánh Batôlômêô:Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.
Thánh Mathêu: Tôi tin Giáo Hội Công Giáo, Các Thánh hiệp thông.
Thánh Simon: Tôi tin phép Tha Tội.
Thánh Tađêô: Tôi tin xác thể sống lại.
Thánh Mathia: Tôi tin sự sống đời đời. Amen.

Kinh Tin Kính vừa làm xong, Thánh Thần chuẩn y qua lời nói: "Các con đã định tín rất đúng". Tất cả mọi người đều cảm tạ Thiên Chúa. Còn Mẹ, Mẹ đến quì dưới chân Thánh Phêrô mà tuyên nhận các chân lý các Tông Đồ vừa định tín, rồi Mẹ hôn kính tay Ngài. Sau đó Mẹ cho sao ra nhiều bản và nhờ các môn đệ đem chia cho các nơi. Chúa Thánh Thần đã làm nhiều phép lạ khi bản tuyên xưng này được đọc lên.

54. Phù trợ các Tông Đồ:
Một năm trôi qua kể từ khi Chúa Giêsu chịu chết, các Tông Đồ được ơn Chúa soi sáng, quyết định đi rao giảng khắp thế giới. Để biết mỗi vị phải đi xứ nào, các ngài đã nghe lời khuyên của Mẹ là hợp lòng ăn chay cầu nguyện trong suốt 10 ngày liên tiếp, để xin Chúa chỉ định. Sau những ngày cầu nguyện, một ánh sáng hiện xuống trong nhà Tiệc Ly, bao phủ mọi người và có tiếng phán rằng: "Vị đại diện của Thầy chỉ cho mỗi người những địa phương thuộc về phần mình. Thầy sẽ ban ơn Thánh Linh soi sáng cho". Phêrô liền chia thế giới thành các phần như sau: Ngài nhận các xứ Pongtiô, Galatia, Bitinia, Capađocia, Antiôkia và Roma nơi đế đô của Giáo Hội hoàn cầu. Thánh Anrê đi xứ Sythia, Epina, Tracia và Ahai. Thánh Giacôbê đi xứ Giuđê, Samari và Tây Ban Nha. Thánh Gioan ở lại với Mẹ tại Giêrusalem và khi Mẹ lên trời sẽ đi Tiểu Á. Thánh Tôma sang Persia. Thánh Giacôbê Thứ ở lại Giêrusalem. Thánh Philiphê giảng cho xứ Prysia và Sythia. Thánh Bartolômêô đem tin mừng cho xứ Lycaoni, Ấn độ và Tiểu Amêni. Thánh Mathêu đi Ai Cập và Ethiôpi. Thánh Simon cũng đi Ai Cập và Ba Tư. Thánh Tađêô sang Mesopotania, Babylon và Persia. Sau cùng Thánh Mathia đi Ethiôpi, A rập và Palestina.

Phêrô vừa công bố xong thì nhà Tiệc Ly vang lên một tiếng động lớn, tràn đầy ánh sáng, mọi người đều nghe thấy tiếng êm ả: "Mỗi người hãy nhận lấy phần mình". Mọi người đều phủ phục tỏ một niềm hoan hỉ nhận phần mình, lại được ơn nhận biết đầy đủ về địa phương mình rao giảng, các ngài mau lẹ đi khắp các xứ và được Thiên Chúa ở cùng. Mẹ được Chúa cho tri thức vượt trên các Tông Đồ, lại còn nhìn thấy các đau khổ mà các ngài phải chịu nữa.

Sau khi các ngài phân tán, Chúa quan phòng lại ban tiếp cho các ngài một vị tông đồ nữa. Ngài là một người thông minh, có trí khôn sắc sảo, tâm hồn quảng đại và tính tình cương nghị. Thanh niên đó là Saulô, ông đã từng tham dự vào việc giết Stêphanô. Thấy con người sắc sảo sẽ đem lại nhiều ích lợi cho Giáo Hội, Mẹ xin Chúa biến đổi lòng ông. Chúa nhận lời và kéo ông trở lại. Chúa rất mãn nguyện, vì ông là khí dụng ưu tuyển của Hội Thánh.