PDA

View Full Version : Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu: ĐBQH không nên tự ti



kiephantinh
05-03-2007, 03:58 AM
"Đã là đại biểu Quốc hội thì dù là Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh hay là giáo viên cấp 1, doanh nhân… đều bình đẳng, đều có quyền hạn và nghĩa vụ ngang nhau với tư cách là đại biểu của nhân dân". Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu trả lời bạn đọc Báo Điện tử Đảng Cộng sản và Tuổi trẻ trong cuộc đối thoại trực tuyến kéo dài 2 giờ với chủ đề “Một Quốc hội của dân, do dân, vì dân” sáng nay, 2/5.



"Chúng tôi đã phải hỏi ý kiến Phó Chủ tịch trước khi đưa ra 3 trong số gần 40 câu hỏi và quyết định không "né" bất kỳ câu nào", TBT Báo Điện tử Đảng Cộng sản nói sau cuộc đối thoại.

Ông Đào Duy Quát không tiết lộ 3 câu hỏi mà ông phải hỏi ý kiến vị khách mời buổi đối thoại trực tuyến là gì, nhưng ông không giấu vẻ hài lòng vì tất cả các câu hỏi được cho là nhạy cảm nhất đều đã được đặt lên bàn Phó Chủ tịch QH, chỉ một ngày trước khi mở màn các cuộc tiếp xúc với cử tri của 876 ứng cử viên ĐBQH khóa mới và 18 ngày trước khi bỏ phiếu.

Có vẻ như Phó Chủ tịch QH, đồng thời cũng là trưởng tiểu ban tuyên truyền cuộc bầu cử lần này đã đối thoại một cách thoải mái với 34 người đặt câu hỏi cho ông, trong đó người trẻ nhất mới 20 tuổi, sẽ đi bỏ phiếu lần đầu tiên vào ngày 20/5 tới.

Là ĐBQH, thủ tướng bình đẳng với giáo viên tiểu học

Có thể nói, các câu hỏi của bạn đọc Báo Điện tử Đảng Cộng sản và Tuổi trẻ đều thể hiện mối quan tâm sâu sắc của cử tri đến hoạt động lập pháp, chức năng giám sát của QH, chất lượng của đại biểu cũng như kỳ vọng lớn lao của mình đối với hoạt động QH khóa tới.

Ngay ở câu hỏi đầu tiên về việc nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc giữa cử tri và ĐBQH mà bạn Nguyễn Thị Thanh cho rằng "vẫn được tổ chức theo đoàn và có chuẩn bị", ông Nguyễn Văn Yểu đã thẳng thắn: "Không ai hạn chế việc đại biểu tiếp xúc cử tri... ĐBQH không nên tự ti, không nhất thiết mình phải là lãnh đạo cấp cao hay nắm một chức vụ gì ở địa phương thì việc tiếp xúc cử tri mới có trọng lượng. Đã là đại biểu Quốc hội thì dù là Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh hay là giáo viên cấp 1, doanh nhân… đều bình đẳng, đều có quyền hạn và nghĩa vụ ngang nhau với tư cách là đại biểu của nhân dân".

Nhiều bạn cũng gửi đến vị lãnh đạo kỳ cựu của QH những băn khoăn về chất lượng ĐBQH, đặc biệt là đại biểu kiêm nhiệm. Theo ông Yểu, trên thế giới không phải tất cả các Quốc hội các nước đều có 100% đại biểu chuyên trách cả. "Ở Việt Nam, số đại biểu chuyên trách đã tăng lên đáng kể. Quốc hội khóa XI đã có 25% tổng số đại biểu Quốc hội chuyên trách. Sắp tới, chúng ta sẽ nâng dần lên 30% và hơn nữa. Nhưng theo tôi, Quốc hội Việt Nam chỉ nên có tối đa 50% đại biểu chuyên trách. Có như vậy thì Quốc hội mới đại biểu được cho ý chí của toàn dân, đại biểu cho các tầng lớp, các địa phương, các giai cấp, các tôn giáo, các dân tộc", ông Yểu nói.

Phó Chủ tịch QH cũng cho rằng, với đại biểu kiêm nhiệm, theo quy định của pháp luật thì ít nhất phải có 30% số thời gian trở lên làm việc cho Quốc hội. Nhưng vấn đề quan trọng là phải thu xếp công tác, thường xuyên đổi mới phương thức làm việc mới để nâng cao chất lượng hoạt động.

Ở phương Tây, đảng viên cũng phải tuân theo quy định của đảng mới được ra ứng cử

Khóa XII phải vượt qua cái bóng của khóa XI

"Các câu hỏi đều rất sắc sảo, chứng tỏ sự kỳ vọng của nhân dân vào QH khóa XII. Đó cũng là một thách thức đối với QH khóa XII. "Cầu" tăng thì cung cũng phải cải thiện, thì mới vượt qua được thách thức này".

Nhận xét của Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sỹ Dũng sau khi tham dự buổi đối thoại.

Nhiều khúc mắc liên quan đến cuộc bầu cử lần này cũng được bạn đọc gửi đến cuộc đối thoại. Về số người tự ứng cử được HN hiệp thương 3 giới thiệu ít, ông Yểu cho rằng nguyên nhân đã "rất rõ ràng", chủ yếu trên cơ sở sự tín nhiệm của cử tri và tự cân nhắc của người tự ứng cử.

"Đương nhiên cũng có trường hợp là đảng viên do phải tập trung vào công việc đang làm, nên cấp ủy có ý kiến chỉ đạo là không nên ứng cử, mà đã là đảng viên thì phải chấp hành theo ý kiến chỉ đạo của cấp ủy".

"Việc ứng cử đại biểu Quốc hội là quyền của công dân. Nếu công dân đó là đảng viên thì ngoài quyền và nghĩa vụ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, còn phải tuân thủ quy định của điều lệ Đảng".

Phó Chủ tịch QH cũng nói thêm: "Không riêng gì ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, cả các nước phương Tây theo chế độ đa đảng, thì nhất thiết đảng viên của họ phải được sự đồng ý của Đảng mới được tự ra ứng cử".

Ứng viên không ai tranh ai

Trước các câu hỏi về công tác tiếp xúc cử tri của các ứng viên sẽ diễn ra vào mấy ngày tới , ông Yểu khẳng định:: ’Ở Việt Nam, không có tranh cử mà chỉ có vận động bầu cử. Bầu cử khác với tranh cử, ứng cử viên không ai tranh ai, khi thực hiện vận động thì không làm phương hại đến lợi ích chung của các cơ quan, đơn vị khác".

Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn vận động bầu cử của ứng cử viên, việc vận động bầu cử thông qua vận động cử tri, trả lời phỏng vấn báo chí nhưng vấn đề bầu cử này cần tiếp tục đổi mới để thiết thực hơn, ứng cử viên cũng phải thực hiện đầy đủ năng lực, trình độ của mình trước cử tri để cử tri biết được. Đương nhiên, cử tri của ta cũng rất tinh nên nói nhiều, hứa nhiều chưa chắc đã thành công mà quan trọng là ở hiệu quả thiết thực. Đây là bước hệ trọng để cử tri nắm đầy đủ thông tin, cân nhắc để bầu cho ứng cử viên nào làm đại biểu Quốc hội.

Không chỉ quan tâm đến chất lượng ĐBQH, bạn đọc cả nước còn chú ý đến phẩm chất của họ, mà cụ thể là sự trong sạch và tinh thần chống tham nhũng của ứng cử viên ĐBQH khóa này. Câu hỏi nêu ra là: "Nếu có vị sau khi trúng cử nhưng được xác minh là có tham nhũng thì sẽ xử lý như thế nào?". Ông Nguyễn Văn Yểu trả lời dứt khoát: "Nếu sau khi đã được công bố chính thức, được trúng cử, trở thành đại biểu Quốc hội nhưng có đơn khiếu nại và có kết luận đúng thì đương nhiên cũng phải xem xét và xử lý".

"Sau khi đã bầu cử rồi, người ứng cử mới chỉ được cấp giấy chứng nhận đã trúng cử chứ chưa trở thành đại biểu Quốc hội. Chỉ khi Ủy ban Thường vụ QH trình QH xem xét để QH ra nghị quyết công nhận tư cách đại biểu, thì người đó mới trở thành đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp đã trở thành ĐBQH rồi mà có hành vi tham nhũng thì sẽ bị xử lý theo pháp luật".

Tuyệt đối không ai được "gợi ý" trong bầu cử

Trả lời báo giới sau cuộc đối thoại trực tuyến, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu nói:

Tôi rất vui khi được trực tiếp cử tri cả nước nêu lên trong buổi sáng hôm nay. Tôi thấy nổi lên vấn đề rất tốt là cử tri quan tâm đến hai yêu cầu mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đề ra, cũng như chúng ta phải thực hiện bằng được trong cuộc bầu cử này là đảm bảo thật sự dân chủ và theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả câu hỏi tôi thấy đều xoay quanh cái đó. Trong thực tế, với tư cách là một lãnh đạo Quốc hội, một thành viên của Hội đồng bầu cử trung ương, cũng như trưởng tiểu ban tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa 12, thì tôi thấy rằng hai yêu cầu này chúng ta đã quán triệt từ đầu và có sự chỉ đạo sít sao trong suốt quá trình chuẩn bị.

Đối với mỗi cuộc bầu cử, có hai nhóm vấn đề ta cần quan tâm. Thứ nhất ai sẽ là ứng cử viên và thứ hai là cử tri thực hiện quyền bầu cử như thế nào.

Trong chuẩn bị nhân sự, kỳ này ta rất coi trọng hai thiết chế. Thứ nhất đã là quốc hội thì phải là người tiêu biểu của các tầng lớp dân cư, các ngành, các giới, các địa phương, của các cơ quan, tổ chức xã hội. Đương nhiên chúng ta rất coi trọng tiêu chuẩn. Những người tiêu biểu của các ngành, các giới được cơ quan tổ chức giới thiệu ứng cử thì tôi thấy quá trình xét chọn rất dân chủ, bao giờ cũng xuất phát từ sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác mà các cơ quan, tổ chức giới thiệu.

Thứ hai, đối với người không được cơ quan, tổ chức giới thiệu, nhưng nếu tự cân nhắc đủ tiêu chuẩn đại biểu thì làm thủ tục tự ứng cử. Cho đến giờ tôi chưa được thông tin phàn nàn rằng thủ tục ứng cử rườm rà, tất cả đều thuận lợi. Có lẽ chỉ nước ta thuận lợi. Ở các nước, ứng cử tự do hoặc phải đặt cược một số tiền nhất định, hoặc phải thu thập đủ chữ ký, chứ không phải cứ đến cơ quan tổ chức bầu cử nhận hồ sơ.

Nhóm vấn đề thứ hai chúng ta làm rất tích cực là tiếp tục vận động bầu cử của các ứng cử viên theo hướng bình đẳng. Dù là bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh hay cô giáo, doanh nghiệp phải đảm bảo bình đẳng. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri ai nói trước, ai nói sau cũng phải theo thứ tự A, B, C. Thời lượng nói trên truyền hình, phát thanh, hay trả lời phỏng vấn trên báo quy định phải như nhau. Ủy ban bầu cử cũng như Hội đồng bầu cử trung ương chỉ đạo giám sát rất chặt chẽ.

Một việc nữa là yêu cầu của kỳ này đảm bảo thực sự dân chủ và đúng pháp luật là đối với việc thực hiện quyền bầu cử. Việc bầu cử phải tự mình thực hiện. Muốn thực hiện tốt thì cử tri phải hiểu ứng cử viên trong đơn vị mình là ai, phẩm chất thế nào. Tự cử tri lựa chọn, tuyệt đối không có ứng cử viên "quân xanh, quân đỏ". 5 ứng cử viên, ai trúng cũng được, vấn đề là cử tri tự quyết định, tuyệt đối không ai được quyền gợi ý, tác động. Tôi tin rằng kỳ này ta thực hiện được như vậy.

Trường hợp của ứng cử viên Nguyễn Bá Thanh, vì sao bây giờ vẫn có đoàn thanh tra đi kiểm tra lại nội dung tố cáo?

Tôi không có thông tin về việc tiếp tục thanh tra. Nhưng việc tiếp tục thanh tra cũng là điều bình thường. Nếu sau khi trúng cử mà tiếp tục có kết luận vi phạm thì chúng ta vẫn có thể xử lý được.

Có ứng cử viên là giám đốc doanh nghiệp ở Hà Nội hỏi họ có quyền lồng ghép thông tin của mình trong nội dung quảng cáo của doanh nghiệp không?

Khi đã là ứng cử viên thì phải tuân theo quy định của luật bầu cử đại biểu Quốc hội. Ứng cử viên ứng cử ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử ở tỉnh thành phố đó. Các báo ở Trung ương không được tham gia vào vận động bầu cử, không được phỏng vấn ứng cử viên. Không phải anh có lợi thế gì thì sử dụng lợi thế đó để vận động. Tôi lấy ví dụ: Tổng công ty có tạp chí riêng thì cũng không đ ược sử dụng tạp chí để vận động bầu cử cho mình. Doanh nhân ứng cử ở đơn vị nào thì phải tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban MTTQ Việt Nam ở tỉnh thành phố đó tổ chức. Muốn trả lời trên báo thì phải về tỉnh.

Nếu vi phạm quy định về vận động bầu cử thì sẽ xử lý thế nào?

Tùy theo mức độ, cao nhất là tư cách ứng cử viên sẽ bị xem xét.