PDA

View Full Version : LINH MỤC VÀ GIA ĐÌNH GIÁO XỨ



Dan Lee
04-21-2007, 04:25 PM
LINH MỤC VÀ GIA ĐÌNH GIÁO XỨ


Đề bắt đầu phần chia sẻ hôm nay, tôi xin ghi lại nơi đây ý nghĩ của con người thời nay về linh mục:
Nếu cha giảng dài quá mười phút, người ta sẽ bảo cha chỉ thao thao bất tuyệt. Nếu cha mời gọi suy niệm về Thiên Chúa, người ta sẽ bảo cha chỉ nói những chuyện trên mây trên gió. Còn nếu cha đề cập đến những vấn đề xã hội, người ta sẽ bảo cha khuynh tả. Nếu cha suốt ngày ở trong nhà xứ, người ta sẽ bảo cha khép kín. Còn nếu cha năng đi thăm viếng các gia đình, người ta sẽ bảo địa chỉ thường trú của cha là ngoài đường. Nếu cha sửa sang nhà thờ, người ta sẽ bảo cha chỉ lo xây rồi… cất. Còn nếu cha không tu bổ gì, người ta sẽ bảo cha cù lần. Nếu cha cộng tác chặt chẽ với ban hành giáo, người ta sẽ bảo cha bị xỏ mũi. Còn nếu cha không tha thiết gì với ban hành giáo, người ta sẽ bảo cha độc tài. Nếu cha niềm nở, người ta sẽ bảo cha quá dễ dãi. Còn nếu cha lơ đãng quên chào hỏi, người ta sẽ bảo cha khinh người. Nếu cha còn trẻ, người ta sẽ bảo cha chẳng có kinh nghiệm. Còn nếu cha đã có tuổi, người ta sẽ bảo cha xin đi hưu là vừa.
Đúng là “ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê” và “bạc như dân, bất nhân như lính”. Vậy chúng ta, linh mục cũng như giáo dân, phải sống chung với nhau như thế nào để giáo xứ thực sự trở nên một gia đình.

Thế nhưng trước hết giáo xứ là gì ?

1- GIÁO XỨ
Chúng ta không thể nào sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo giữa biển khơi, hay như một pháo đài biệt lập. Trái lại, chúng ta sống là sống với người khác trong một cộng đoàn, trong một xã hội. Về phương diện tôn giáo, cộng đoàn đầu tiên, xã hội đầu tiên chúng ta sống với, đó là gia đình, tiếp đến là giáo xứ.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong tông huấn “Ecclesia in Asia”, về Giáo hội tại Á Châu, đã đưa ra một định nghĩa như sau :
“Giáo xứ là nơi thông thường cho tín hữu qui tụ lại để được lớn lên trong đức tin, để sống màu nhiệm hiệp thông Giáo hội và tham gia vào sứ mạng của Giáo hội.” (EA 25).

Tuy nhiên, Công đồng mong muốn chúng ta biến giáo xứ trở thành một cộng đoàn, một gia đình được xây dựng trên nền tảng của tình bác ái huynh đệ :
- “Trong quyền hạn mình, linh mục thi hành nhiệm vụ Đức Kitô mục tử và thủ lãnh, tụ họp gia đình Thiên Chúa là cộng đoàn huynh đệ có cùng một tâm hồn, và nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Thiên Chúa Cha.” (LG 28).

Cũng vậy, trong sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, Công đồng cũng xác quyết :
- “Thi hành chức vụ của Đức Kitô là đầu và là chủ chăn theo phận vụ mình, các linh mục nhân danh Giám mục, tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, các ngài dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha.” (PO 6).

Để ước mơ trên được trở thành sự thật, thiết tưởng cần phải xây dựng tốt đẹp những mối liên hệ :
- Giữa linh mục với giáo dân.
- Giữa giáo dân với linh mục.
- Giữa giáo dân với nhau.

2- MỐI LIÊN HỆ GIỮA LINH MỤC VỚI GIÁO DÂN.
Như chúng ta đã biết : giáo xứ là một cộng đoàn, là một xã hội vì thế phải có những người đứng đầu, những vị lãnh đạo. Người đứng đầu và lãnh đạo trong giáo xứ chính là các linh mục.

Nếu giáo xứ là một gia đình, thì linh mục chính là một người cha và người cha ấy có bổn phận phải phục vụ dân Chúa :
- “Linh mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Đức Kitô, vì đã sinh họ cách thiêng liêng nhờ phép Thánh tẩy và giáo huấn.” (LG 28).
- “Là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng Giám mục, linh mục được kêu gọi để phục vụ dân Thiên Chúa.” (LG 28).

Hẳn chúng ta còn nhớ, trong Phúc âm có lần Chúa Giêsu đã xác quyết với các môn đệ :
- “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. (Mt 20,26-28).

Vì thế, mọi chức vụ trong Giáo hội là để phục vụ, kể cả chức vụ Linh mục :
“Các chủ chăn trong Giáo hội noi gương Chúa phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu khác.” (LG số 32).

Trong việc phục vụ, linh mục phải ưu tiên chu toàn những bổn phận của chức vụ mình :
- “Nhờ bí tích truyền chức thánh, linh mục được cung hiến theo hình ảnh Đức Kitô, thày cả Thượng phẩm vĩnh viễn, để rao giảng Phúc âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân ước.” (LG 28).

Những bổn phận ấy là :
* Giáo huấn :
- “Vất vả truyền giáo và dạy dỗ, linh mục tin những gì mình ngài đã đọc thấy và suy niệm trong lề luật Chúa, dạy dỗ những điều mình tin và thực hành những điều mình dạy.” (LG 28).

- “Theo cấp bậc thừa tác của mình tham dự vào nhiệm vụ Đức Kitô, các linh mục loan báo lời Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng các ngài thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất trong thánh lễ, hoặc cộng đồng tạ ơn, trong đó các ngài thay thế Đức Kitô công bố mầu nhiệm của Chúa…” (LG 28).

* Thánh hóa qua việc trao ban các bí tích :
- “Giáo dân cũng có quyền được các chủ chăn có chức thánh ban phát dồi dào các ơn trợ lực chứa đựng trong các kho tàng thiêng liêng của Giáo hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí tích.” (LG 37).

- “Linh mục chu toàn cách tuyệt hảo chức vụ giao hòa và an ủi đối với các tín hữu thống hối và bệnh tật.” (LG 28).

* Cai quản :
- “Trong quyền hạn mình, linh mục thi hành nhiệm vụ Đức Kitô mục tử và thủ lãnh, tụ họp gia đình Thiên Chúa là cộng đoàn huynh đệ có cùng một tâm hồn, và nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Thiên Chúa Cha.” (LG 28).

Để việc phục vụ gặt hái được những thành quả tốt đẹp, thiết tưởng linh mục cần phải :

* Tìm hiểu đoàn chiên :
- “Trong khi chu toàn nhiệm vụ chủ chăn, trước tiên các ngài hãy quan tâm tìm hiểu đoàn chiên riêng của mình. Vì là kẻ phục vụ hết mọi con chiên, các ngài hãy giúp cho đời sống Kitô giáo được thăng tiến nơi từng giáo hữu, trong gia đình, trong các hiệp hội đặc biệt liên hệ tới việc tông đồ vàcả trong toàn thể cộng đoàn giáo xứ.” (CD 30).

* Gần gũi với đoàn chiên :
- “Các linh mục Tân ước, do ơn gọi và chức thánh, một cách nào đó được tuyển chọn ngay giữa Dân Chúa, nhưng không phải để tách biệt khỏi họ hoặc bất cứ một người nào, mà để tận hiến làm công việc Chúa đã chọn họ làm…Chính thừa tác vụ của các ngài, vì mang một danh nghĩa đặc biệt, nên đòi buộc các ngài không được theo thói thế gian, nhưng đồng thời lại đòi hỏi các ngài sống trong thế gian giữa loài người.” (PO 3).

* Đối xử khoan dung với mọi người :
- “Trong việc kiến thiết này, linh mục phải theo gương Chúa mà đối xử rất nhân đạo đối với hết mọi người. Tuy nhiên, khi dạy dỗ và khuyên bảo họ như những người con rất yêu quí, các ngài phải đối xử với họ không phải theo sở thích loài người, nhưng theo giáo thuyết và đời sống Kitô giáo đòi hỏi, như lời thánh Tông đồ : hãy nhấn mạnh khi thuận tiện cũng như khi bất tiện, hãy khiển trách, đe dọa, khuyến khích, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” (CD 6).

* Cách riêng, ngài phải quan tâm tới :
- Những người nghèo : “Thế nên, các nghị phụ Thượng Hội Đồng thúc giục các vị chủ chăn hãy nghĩ ra những phương cách mới mẻ và hữu hiệu để chăn dắt các tín hữu, làm sao cho mỗi người, nhất là người nghèo cảm nhận được mình là một thành phần thực thụ của giáo xứ và của toàn thể Dân Chúa.” (EA 25). “Tuy mắc nợ hết mọi người, nhưng các linh mục phải đặc biệt săn sóc những người nghèo khổ và yếu đuối được trao phó cho mình : vì chínnh Chúa đã tỏ ra là bạn hữu với họ và coi việc rao giảng Phúc âm cho họ là dấu hiệu cho công cuộc cứu thế”. (PO 6).

- Giới trẻ : “Thượng Hội Đồng lưu ý đặc biệt hơn nữa giới trẻ là thành phần mà giáo xứ cần phải tạo nhiều điều kiện hơn để họ hiệp thông và cộng tác.” (EA 25). “Các linh mục cũng phải đặc biệt tận tâm theo dõi các thanh thiếu niên, ngay cả những người đã có đôi bạn và những bậc phụ huynh, để ước gì họ họp thành những nhóm bạn hữu biết giúp đỡ nhau sống đời Kitô giáo một cách dễ dàng và đầy đủ hơn trong cuộc sống đầy khó khăn.” (PO 6).

- Những người bỏ đạo : “Như mục tử tốt lành, linh mục còn phải đi tìm (Lc 15,4-7) những người đã lãnh nhận phép thanh tẩy trong Giáo hội công giáo, nhưng đã xao lãng không lãnh nhận các bí tích hay đã mất đức tin.” (LG 28).

- Những cộng đoàn “nhỏ và đẹp” :
“Các nghị phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh tới giá trị của các cộng đoàn Giáo hội cơ bản như một phương thế hữu hiệu để đẩy mạnh sự hiệp thông và cộng tác trong các giáo xứ và giáo phận như một lực lượng thực sự cho công cuộc phúc âm hóa. Những tập thể này còn giúp các đoàn viên Tin mừng trong tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ, từ đó trở thành điểm khởi hành vững chắc cho một xã hội mới, biểu hiện một nền văn minh tình thương.” (EA 95).

* Làm gương sáng cho giáo dân :
- “Nêu gương cho đoàn chiên (1P 5,3), linh mục phải làm sao hướng dẫn và phục vụ cộng đoàn địa phương của mình để họ xứng đáng mang danh hiệu Giáo hội Thiên Chúa (1Cor 1,2; 2Cor 1,1), là danh hiệu riêng biệt của toàn thể dân Thiên Chúa là dân duy nhất.” (LG 28).

* Cộng tác với giáo dân :
- “ Các ngài phải hợp tác với giáo dân và sống giữa môi trường của họ theo gương Thày, Đấng đến ở giữa mọi người “không để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống thay cho nhiều người.” (PO 9).

Tuy nhiên, để tạo được một sự cộng tác chân thành với giáo dân, các linh mục cần phải :
- Chấp nhận vai trò của giáo dân trong cộng đoàn Dân Chúa : “Phần các vị chủ chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội.” (LG 37). “Các linh mục cần phải nhìn nhận và khích lệ phẩm giá và vai trò riêng của giáo dân trong sứ mệnh Giáo hội.” (PO 9).

- Tôn trọng và lắng nghe bởi vì giáo dân hôm nay tương đối đã trưởng thành, không còn thái độ “gọi dạ bảo vâng“ như ngày xưa, vì thế : “ Các chủ chăn phải nhìn nhận và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế.” (LG 38). “Các ngài cũng phải thành thật kính trọng sự tự do chân chính mà mọi người có quyền được hưởng trong xã hội trần gian. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân, cứu xét các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ thời đại.” (PO 9).

- Chấp nhận những ý kiến đóng góp : “Các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ.” (LG 37).

- Tìm hiểu những khát vọng của họ để đưa ra những chương trình mục vụ thích hợp : “Với tinh thần cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét, trong Chúa Kitô, những kế hoạch, thỉnh cầu và khát vọng của họ.” (LG 37).

- Phải tín nhiệm và trao cho họ những công việc cụ thể cần phải làm : “Các ngài nên tin cẩn giao cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động. Hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích họ tự đảm lấy trách nhiệm.” (LG 37). “Các ngài phải tin tưởng trao phó nhiệm vụ cho các giáo dân trong việc phục vụ Giáo hội, để cho họ được tự do và có lãnh vực hoạt động, hơn nữa lúc thuận tiện, phải khuyến khích họ tự ý đảm trách công việc.” (PO 9).

- Dung hòa mọi khuynh hướng trong giáo xứ : “Các linh mục được đặt giữa giáo dân để dẫn đưa mọi người về hiệp nhất trong đức ái “hãy yêu thương nhau với tình bác ái huynh đệ, thi đua tôn trọng lẫn nhau” (Rm 12,10). Vậy các ngài phải tìm cách hòa hợp các khuynh hướng khác nhau, để không ai cảm thấy mình xa lạ trong cộng đoàn tín hữu.” (PO 9).

3- MỐI LIÊN HỆ GIỮA GIÁO DÂN VỚI LINH MỤC
Công đồng đã định nghĩa :
- “Giáo dân là tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân thể Chúa Kitô nhờ phép Thanh tẩy, đã trở nên dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ. Họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.” (LG 31).
Là phần tử của Giáo hội, người giáo dân cũng có bổn phận góp phần vào sự phát triển của Giáo hội :

- “Mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình.” (LG 30).
Thực vậy, nét đặc sắc của người giáo dân đó là họ sống giữa trần gian : Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân (LG 31). Họ đem lại nhiều lợi ích cho Giáo hội : Các chủ chăn của Dân thánh biết rõ giáo dân giúp ích rất nhiều cho toàn thể Giáo hội (LG 30). Nhưng theo phương thế riêng của mình bởi vì họ sống giữa lòng cuộc đời :

- “Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như trong từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội : tất cả những thứ đó dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm, như men bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình…” (LG 31).

- “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo hội sẽ không trở thành muối của thế gian.” (LG 33).

Họ làm chứng bằng chính cuộc sống cá nhân và gia đình của họ :
- “Công cuộc rao giảng Phúc âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và một hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần gian.” (LG 35).

- “Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một bí tích đặc biệt thánh hóa, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy.” (GH số 35).

Như vậy, “trước mặt nhân loại, mỗi giáo dân phải là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng và truyền bá cho thế gian tinh thần của những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hòa, những người mà Phúc âm Chúa đã tuyên bố là có phúc. Tóm lại, người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống.” (LG 33).

Tuy nhiên. Trong phạm vi nhỏ hẹp của một giáo xứ, người giáo dân cần phải có những thái độ, những cách cư xử như thế nào đối với các linh mục của mình ?
Như một đứa con trong gia đình, người giáo dân có bổn phận phải :

* Trọng kính :
- “Các Kitô hữu phải ý thức rằng mình có trách nhiệm đối với các linh mục của mình và phải lấy lòng hiếu thảo mà đối xử với các ngài như những chủ chiên và như cha mình vậy.” (PO 9).

* Chia sẻ và giúp đỡ :
- “Họ phải chia sẻ những lo âu của các ngài, giúp đỡ các ngài bằng lời cầu nguyện và bằng việc làm, càng nhiều càng hay, để các ngài có thể thắng vượt những khó khăn một cách dễ dàng hơn, và chu toàn trách vụ của mình một cách hữu hiệu hơn.” (PO 9).

Cộng tác :
- “Thực vậy, nếu Chúa phân biệt những thừa tác viên có chức thánh với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa, thì sự phân chia này vẫn hàm chứa một sự hiệp nhất, vì chủ chăn và các tín hữu khác liên kết với nhau do những mối dây liên hệ chung.” (LG 32).

- “Phần các tín hữu phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và những người giảng dạy.” (LG 32).

- “Giáo dân còn được mời gọi góp phần trực tiếp bằng nhiều cách và công cuộc tông đồ của hàng giáo phẩm.” (LG 33).

Tuy nhiên, để sự cộng tác được tốt đẹp và mang lại lợi ích, người giáo dân cần phải thẳng thắn trình bày những ý kiến xây dựng của mình :
- “Như con cái Thiên Chúa và như anh em trong Chúa Kitô, họ cũng sẽ trình bày với các vị ấy những nhu cầu và khát vọng của mình một cách tự do và tin cẩn. Nhờ sự hiểu biết, khả năng chuyên môn và uy tín của họ, họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo hội.” (LG 37).

* Chấp nhận những quyết định của các vị chủ chăn :
- “Như mọi tín hữu khác, với tinh thần vâng lời của người Kitô hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp nhận những điều mà các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Kitô đã quyết định với tư cách những thày dạy và những nhà lãnh đạo trong Giáo hội; làm như thế, họ đã theo gương Chúa Kitô đấng đã vâng lời cho đến chết để mở đường hạnh phúc của sự tự do con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người.” (LG 37).

* Cầu nguyện :
- “Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hoan hỉ mà không than vãn thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta, nhiệm vụ mà các ngài sẽ phải trả lẽ.” (LG 38).
Sau khi đã tìm hiểu về mối liên hệ giữa linh mục với giáo dân, cũng như giữa giáo dân với linh mục, chúng ta sẽ nói qua về mối liên hệ giữa giáo dân với nhau, để cộng đoàn giáo xứ thực sự là một mái gia đình thân thương.

4- MỐI LIÊN HỆ GIỮA GIÁO DÂN VỚI NHAU.
Trong gia đình giáo xứ, người giáo dân chính là anh em của nhau, vì thế cần phải sống tình bác ái huynh đệ như lời Chúa đã dạy :
- “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con yêu thương nhau.” (Gio 13,35).

Để thực thi tình bác ái huynh đệ ấy, nhiều giáo xứ đã có những sinh hoạt rất độc đáo, chẳng hạn như : quĩ tương trợ khi có người chết, quĩ học bổng giúp các em học sinh nghèo vượt khó…

Tuy nhiên, chỉ xin nhấn mạnh một điều, đó là ngoài việc giúp đỡ nhau về vật chất, chúng ta còn phải giúp đỡ nhau về tinh thần, hay nói một cách cụ thể hơn giúp nhau sống đạo, giúp nhau nên thánh như Công đồng mong mỏi :
- “Giáo dân phải giúp nhau sống đời thánh thiện, nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hòa bình.” (LG 36).

KẾT LUẬN
Xin mượn lời Công đồng như một kết luận cho mối liên hệ tốt đẹp giữa linh mục và giáo dân, cũng như giữa giáo dân và linh mục, để giáo xứ được trở nên một cộng đoàn yêu thương, một gia đình êm ấm, cũng như sẽ đem lại những hoa trái tốt đẹp cho Giáo hội :

- “Hy vọng rằng sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo hội : Thực vậy, nhờ sự liên lạc đó, giáo dân ý thức trách nhiệm mình một cách vững vàng hơn; lòng hăng say của họ được phát triển, và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn. Phần các chủ chăn, nhờ sự trợ lực kinh nghiệm của giáo dân, các ngài có thể phán đoán minh bạch và đúng đắn hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế; như vậy, toàn thể Giáo hội được vững mạnh nhờ tất cả mọi chi thể, sẽ chu toàn hữu hiệu hơn sứ mệnh mình đối với sự sống của thế gian.” (LG 38).

GSVN