PDA

View Full Version : Ất Dậu 1945 - Ất Dậu 2005



Dan Lee
04-14-2007, 12:35 PM
Ất Dậu 1945 - Ất Dậu 2005
Nguyễn Quang Tuyến

“Canh Nông Vi Bản” đó là châm ngôn của dân tộc Việt Nam lấy nghề nông làm chính ”hiệu con nai”. Việt Nam được kể là một quốc gia nông nghiệp nhất tại vùng Đông Nam Á. Trước đệ nhị thế chiến (1939-1945), diện tích ruộng cầy cấy ở Việt nam là 4,300,000 héc-ta, trung bình mức sản xuất từ 6,500.000 tấn gạo/năm, hằng năm gạo xuất cảng cũng lên tới 1,500.000 tấn. Nhưng theo các nhà kinh tế học, có ba nguyên nhân sau đây đã dẫn tới nạn đói năm Ất Dậu 1945:



1. Pháp bắt dân miền Bắc phải nộp thóc để nuôi quân Nhật đã chiếm đóng Đông Dương từ tháng 9 năm 1941. Tệ hại hơn nữa thay vì thu đủ số thóc đã định, Pháp còn bắt dân ta nộp gấp đôi để gây lòng căm thù giữa người Việt và Nhật Bổn, rồi họ mang số thóc thu trội đó đem lên cất giấu trên miền rừng núi Việt Bắc để có lương thực nuôi quân khi cần.

2. Pháp bắt nông dân phá lúa và đồng mầu để trồng đay theo lệnh của Nhật, nên diện tích ruộng tại miền châu thổ sông Hồng Hà giảm đi rất nhiều.



3. Chiến tranh đã làm tê liệt cả hai phương tiện giao thông: thủy và bộ giữa Nam và Bắc Việt Nam. Phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc cắt đường hỏa xa xuyên Việt ra làm nhiều quãng, đánh sập hết các cầu bắc qua những con sông trên quốc lộ số 1. Trong lúc đó tại Saigòn, nhà đèn Chợ Quán mỗi ngày đốt mấy ngàn tấn thóc để chạy máy thay than.

Theo thống kế của Bộ Nội Vụ: Y tế và Tiếp Tế của chính phủ Trần Trọng Kim, tính đến cuối tháng 7 năm 1945 số người chết đói lên tới hai triệu, con số người chết vì bệnh thương hàn, tả lị và các bệnh khác lên tới nửa triệu nữa.

Về phương diện chính trị, nạn đói này đã làm cớ và giúp cho phong trào Việt Minh cướp chính quyền vào ngày 19 tháng 8 năm 1945 tại Việt Nam.



Nạn Đói Năm Ất Dậu 1945



Nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Dậu 2005 này, chúng tôi xin ghi lại những điểm đã được mắt thấy tai nghe, để cống hiến bạn đọc không có dịp được mục kích những cảnh tang thương của :nạn đói năm Ất Dâu 1945 tại miền Bắc Việt Nam, nhất là tại ba tỉnh Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình.



Vụ đói chớm nở ngay sau vụ mùa Giáp Thân (1944) vì số thu hoạch chỉ hơn một nửa so vời các vụ mùa trước. trừ một số điền chủ, còn những nông gia thường sau khi thu hoạch về chỉ đủ số thóc để nộp cho nhà cầm quyền Pháp nuôi đoàn quân Nhật đang chiếm đóng Đông Dương.



Khốn khổ thay, nông dân bán giá thóc cho nhà cần quyền theo giá chính thức, sau đó đi mua gạo theo giá chợ đen đắt gấp đôi, ba lần. Nhiều gia đình phải ăn độn khoai, ngô, sắn mỗi ngày, những phó sản này sau này càng ngày càng tăng giá, nhiều nông dân phải đổ thóc giống ra ăn, rồi đem đồ thờ, quần áo, cùng những đồ dùng trong nhà đi bán để chạy gạo qua ngày. Khi không còn gì để bán, có người đã phải gạt lệ bán cả “đức con thân yêu nhất của mình”. Giá một đứa trẻ chín mười tuổi chỉ đáng giá hai đồng bạc, cũng chẳng ai mua, đào đâu ra tiền mà mua, mua về làm gì, thóc gạo đâu mà nuôi nổi!



Sau Tết nguyên đán Ất Dậu, các tỉnh nổi tiếng như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, người ta phải giết chó, tát ao bắt cá để ăn qua ngày, cả đến những củ chuối, củ gai, lá dâm bụt, lá dâu cũng được chiếu cố tận tình. Tối ngày không trông vào đâu được nữa những người còn chút hơi sức, họ phải lấy chiếu rách hay vải rách quấn quanh mình hoặc đeo chiếc “áo tơi”, lià nôi “chôn nhau cắt rốn” lên tỉnh xin ăn. Theo tin báo chí, vào đầu tháng Hai âm lịch đã có một số người chết đói, thấy không thể bưng bít được nữa, viên Thống Sứ Bắc Kỳ chĩ thị cho các báo Việt Ngữ phát động “phong trào cứu đói”.



Mời qúi độc giả đọc lại những giòng tin sau đây để thấy cảnh thương tâm đã xảy ra tại thành phố Hải Phòng mùa đói Ất Dậu 1945: “Trước khi Nhật đão chính Pháp, viên Đốc Lý Hải Phòng ra lệnh cho Cảnh sát và lính Khố Xanh lập hàng rào trên những con đường dẫn tới trung tâm Hải Phòng, ngăn cản không cho đoàn người sắp chết đói vào. Từ ngày 10 tháng 3, Nhật thay thế Pháp và các nút chặn bỏ đi, nên hàng ngàn người mỗi ngày đã tràn vào các phố phường thương mại như Cầu Đất, Bonnal, Đường Cát Dài, Chavassieux, Trại Cau và nhất là các phố Khách chung quanh chợ Sắt. Ban ngày họ lò dò đi xin ăn, ban đêm họ nằm ngồi ngổn ngang trước các tiệm buôn. Phần kiệt sức vì đói, phần không chống lại được với tiết trời lạnh giá, một số đã “ngủ giấc ngàn thu” chấm dứt cuộc đời đau khổ. Sáng sớm nhiều chủ tiệm mở cửa thì một “thây ma” ngả vào trong nhà, người ta phải thuê phu hốt rác kéo đi. Thay vì mang ra vệ đưởng để xe Hồng Thập Tự lấy đi, chúng kéo “thây ma” để sang cửa tiệm kế cận để kiếm thêm một lần tiền nữa!



“Theo thường lệ, mỗi buổi sáng Sở Vệ Sinh thành phố cho xe hơi mang dấu Hồng Thập Tự đi các đường phố nhặt xác chết đem về “nhà xác” của bệnh viện thành phố ở cuối con đường Cát Dài, rồi cho chôn cất tử tế. Về sau một xe Hồng Thập Tự không đủ để nhặt số xác tăng lên quá nhiều. Toà Đốc Lý cho một Hãng Đòn thầu việc dùng xe bò do một người kéo, hai người đẩ đi nhặt xác đem về nhà xác của bệnh viện, nơi đây có nhân viên đếm số xác cấp phiếu trả tiến. Vào cuối tháng Hai âm lịch “nhà xác” không đủ chỗ chứa, nên hãng thầu được phép chở thẳng các xe chở xác chết sang bên kia cầu Niệm quăng xuống chiếc hố dài đào sẵn ở hai bên con đường liên tỉnh. Để tránh sự gian lận, Sở Vệ Sinh cho phép hãng thầu cắt hai vành tai của mỗi xác chết, lấy giây thép xâu lại. Buổi chiều họ mang xâu vành tai để nhân viện Sổ Vệ Sinh đếm trả tiền. “Doc đường liên tỉnh từ Cầu Niệm tớI ngoại ô tỉnh lỵ Kiến An, dài khoảng 6 cây số, người ta đã đào sẵn hai hố dài. Mỗi buổi sáng hàng đoàn xe chở xác chết hất xác xuống hố rồi phu tới lấp đất phủ lên. Thỉnh thoảng có chỗ họ đào không đủ sâu hoặc số xác nhiều quá chồng chất lên nhau gần tới miệng hố làm tảng đất phủ trên quá mỏng và sau một cơn mưa lớn, một cánh tay hoặc một bàn chân thò lên mặt đất. Mùi uế khí roả ra khăp nơi, ruồi nhặng bu đầy mặt đất” (Gs. Tăng Xuân An).



Tại Giáo Phận Bùi Chu



Cảnh đói khổ đã diễn ra hầu hết các thành phố, nơi nào cũng có trạm Cứu Tế Phát Chẩn cho người đói. Các phủ huyện cũng như các láng mạc đều thấy những cảnh kinh hãi. Danh từ “người” lúa này dùng không thích hợp, phải gọi là những “bộ xương các trí” gồm bộ mặt hốc hác, gò má cao, cặp mắt sâu thẳm, đôi chân gầy đét như “ống xậy” được bọc qua lớp da đen đủi của những “thây ma”, đã thu hình trong những chiếc “áo tơi” hoặc những manh chiếu rách, đang lê lết trên các nẻo đường để xin ăn.



Tại nhà thờ chính toà Bùi Chu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, có một nhà Dục Anh rất lớn, ngày nay đã được đổi thành Viện Dục Anh thánh Sanjurjo An, tên thánh Giám Mục Chính Toà Bùi Chu xưa kia. Đức Giám mục An đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988. Trong những năm bình an, nhà Dục Anh này đã là nơi nuôi hàng trăm trẻ em mồ côi trai gái dưới sự điều hành của các Nữ Tu, mỗi em đều có một nghề vững chắc, nên sau đó có nhiều em ra ngoài lập gia đình với nghề nghiệp đã có sẵn do nhà Dục Anh tạo cho.



Sau những ngày nạn đói hoành hành, bắt đầu một số người còn bồng con đến cho nhà Dục Anh nuôi dưỡng, có phòng nuôi tạm thời, nhưng đến lúc không còn nhà để chứa đành phải làm rạp ngoài trời, bắt đầu còn nhỏ, rồi lớn dần cho đến khi không thể được nữa cũng như các em chết dần mòn, ngày nào cũng có hàng trăm em.

Dầu vậy, Toà Giám Mục mới cho lệnh đi khắp các làng chung quanh như Lục Thủy, Liên Thượng, Trung Lễ, Liên Thủy, Trung Linh, Kiên Lao v.v. để nhặt các em bị bỏ đói ngoài đường đưa về nhà Dục Anh, còn những người lớn thì chính quyền phủ Xuân Trường lo liệu theo lệnh của chính phủ Trung Ương. Cũng chỉ vì “đói đầu gối phải bò” nên đã xẩy ra thật lắm truyện:



1. Trời Đánh Còn Tránh Miệng Ăn

Truyện hằng ngày xẩy ra ngoài đường không sao xiết kể, chỗ này giật đồ, đàng kia cướp của ăn, cảnh trộm đạo xảy ra khắp nơi. Một ít người cũng chả khá giả gì, nhưng còn chút ít thóc gạo cũng thổi cơm và nắm lại bằng những quả trứng vịt để bán, độ nhật qua còn đói cho gia đình. Ngồi bán thường phải có người canh chừng nhưng bỗng đâu “lù lù” tới một thân hình khẳng khiu, xương bọc lớp da đen đủi, đến cướp được nắm cơm vội vàng bỏ vào miệng nhai ngồm ngoằm, trợn cả mắt mũi…

Theo thiển nghĩ, những người ngồi bán mấy nắm cơm này, trong thời kỳ đất nước thanh bình, họ cũng có thể giúp đỡ cho những người nghèo gấp năm, gấp mười, nhưng hôm nay “thời thế thế thời phải thế”, mấy người ăn giật này đã phải chịu nhiều “trận roi” quất túi bụi trên mình, tuy vậy đánh chán rồi cũng “chào thua”.



2. Bỏ Nhà Đi Xa Để Kiếm Ăn

Trên con đường cái quan dẫn đến các tụ điểm đông người buôn bán như phủ, huyện v.v. người ta thấy những thân hình gầy còm nằm, ngồi chết hai bên vệ đường. Nhiều thân xác trần trụi với mấy mảnh vải rách cho thân, bằng không cũng chỉ là manh chiếu ránh, chiếc áo tơi v.v. che đậy cho có lệ.Nhưng nếu đi vào các làng xa trên các “bờ đỗi” của đồng lúa mênh mông, thỉnh thoảng hiện ra nhiều cảnh tượmh ghê rợn hơn nữa: nam, phụ, lão, ấu đủ loại. Nhiều khi đầu gác trên mặt đường, nhưng chân lại ngâm đưới ruộng lúa, hay trái lại. Phần nằm trên đường gặp trời nắng hanh càng đen rắn lại y hệt cành cây khô đét, còn phần ngâm dưới nước đã thối rữa cả, làm đích cho mấy con còng con cáy tới bám để kiếm mồi.



3. Chết Đói Rồi Lại Chết No

Chỉ trong vòng mấy tháng mà tử thần đã cướp đi của miền Bắc Việt Nam hơn hai triệu người tại vùng đồng bằng sông Hồng Hà và sông Thái Bình.Tại sao? Vụ “lúa mùa” tới, tuy thu hoạch chẳng hơn các mùa trước, nhưng chắc Thượng Đế cũng thương dân tình đói khổ lầm than, những người đã không bị tử thần cướp đi trong trận đói, nay đời sống bắt đầu hồi sinh, họ chịu khó đi làm công, gặt thuê, vò lúa… và dành dụm được ít thóc gạo đủ sinh sống cho gia đình qua mùa lúa tới.



Đặc biệt mùa lúa này, sau khi gặt rồi, các “cụm rạ” còn trơ trọi ngoài đồng, chỉ vài ba tháng sau lại có một loạt lúa khác đơm bông, -thiện hạ gọi là “lúa ba giăng”, đợi khi lúa chín họ đã tranh nhau đi cắt về để ăn. Vì nhịn đói lâu ngày nên nay có thêm một số thóc trong gia đình, cũng là niềm vui và an ủi cho những ngày tháng cơ hàn đã qua. Nhiều nhà vì được thêm phần thóc “trờI cho” này họ đã “ăn thả giàn’ nên mới xảy ra trạng thái “chết no”, nhưng số thương vong

không đáng kể.



Cho đến bây giờ nhắc đến “nạn đói Ất Dậu 1945” tại miền Bắc Việt Nam, có nhiều cụ cao niên vẫn còn “rởn tóc gáy”. Ghi lại một sự kiện đau thương của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu Xuân này, chúng tôi xin mượn mấy vần thơ sau đây của thi sĩ Bàng Bá Lân, để quí độc giả cùng chia sẻ cảnh thương đau cho hơn hai triệu đồng bào thân thương của chúng ta đã làm mồi cho thần chết năm đói Ất Dậu 1945:



Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi

Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương

Những thay ma đang thất thểu đầy đường

Rồi ngã gục không đứng lên vì…đói

Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội

Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm…

Trong lịch sử chưa bao giờ từng có,

Hai triệu người vì thực dân, lià bỏ

Nước thân yêu oan uổng chết đau thương

Ta nhớ mãi cái thời kỳ đen tối

Quen làm sao tội lỗi kẻ xâm lăng

Quên làm sao mối thù hận không cùng

Quên sao được hai triệu người chết đói!

(Thơ Bàng bá Lân)