PDA

View Full Version : Kinh Kính Mừng



Dan Lee
04-13-2007, 04:56 PM
Tại sao người Công giáo cầu nguyện thì cứ lặp đi lặp lại mãi một Kinh Kính Mừng

LM Trần Xuân Lãm (15/11/2005)

Đã là người công giáo thì ai cũng biết chuỗi Mân Côi. Yếu tố đặc biệt của chuỗi Mân Côi là lặp đi lặp lại kinh Kính mừng, mà như thế là lặp đi lặp lại lời ngợi khen Chúa Kitô, đối tượng tối hậu của lời truyền tin và lời bà Ê-li-sa-bét chào mừng Đức mẹ “Con lòng bà gồm phúc lạ.” (Lc 1: 30). Thế nhưng các anh em Tin lành thì thắc mắc, khiến cho nhiều người hoang mang tự nghĩ: có lẽ việc lập đi lập lại kinh Kính mừng là điều vô bổ và không cần thiết.

1- Anh em Tin lành nói lần hạt là sự lặp đi lặp lại cách vô ích: Họ viện dẫn Phúc âm Matthêu như sau: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời”. (Mat 6:7) Xin thưa: Tự bản chất, Chúa không cấm tất cả những kinh được lặp đi lặp lại, Chúa chỉ cấm những kinh lặp đi lặp lại cách vô ích, theo tâm trạng và cách thức của dân ngoại. Khi cầu nguyện họ cho rằng cứ lặp lại cho nhiều là một cách hay nhất để bó buộc các thần minh phải đáp lời. Thí dụ thời tiên tri Elia, dân ngoại đã làm thịt con bò cúng thần Ba-an và cầu nguyện : “Lạy thần Ba-an, xin nhận lời chúng tôi”. Khi không có ai đáp lời, họ càng kêu lớn tiếng hơn và tiếp tục nói lải nhải liên miên từ sáng cho tới trưa (x 1V 18: 25-29). Chúa chỉ nói chúng ta đừng cầu nguyện theo cách thức như kiểu dân ngoại mà thôi. Ngoài ra, Chúa không cấm và cũng không lên án. Nếu sự lặp lại mọi lời cầu nguyện đều sai trái, thì chúng ta đâu cần đọc nhiều lần kinh Lạy cha, trong đời chỉ đọc một lần không đủ sao!

2- Thánh kinh chứng minh cầu nguyện lặp đi lặp lại không vô ích: Trong sách khải huyền (kh 4:8), bốn sinh vật trên Thiên đàng ngày đêm ca hát tán tụng cùng một lời tung hô không ngừng: “Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là Thiên Chúa tối cao, Đấng đã có, đang có, và đang đến” (kh 4: 8). Nếu lặp lại là vô ích thì hẳn bốn sinh vật đã bị Chúa cấm vì cứ lặp lại cũng một lời mãi như thế. Trong Phúc âm Luca, người thâu thuế lặp đi lặp lại lời cầu: “ Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Anh ta ra về, và được khỏi tội; trong khi người biệt phái tự đắc cầu nguyện bộc phát thì lại chẳng được. (Lc 18: 10-14). Trong vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu đã lặp đi lặp lại 3 lần cũng một lời cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha. Vì Ngài dồn hết tâm trí lên Cha của Ngài, nên lời cầu nguyện của Ngài hoàn hảo đẹp lòng Cha mọi đàng. Cũng vậy, kinh Kính mừng chủ yếu xuất phát từ Thánh kinh (Lc 1: 28,42 và Mat 6: 9-12) và kèm theo việc suy niệm cuộc đời Chúa Cứu thế dựa theo Thánh kinh. Mục đích để lôi kéo người ta đến gần Chúa Kitô, như thế việc lặp lại lời cầu chẳng phải là vô ích.

3- Một thắc mắc khác lại nảy sinh: Đức mẹ đâu phải là Chúa mà nghe được hằng tỉ lời kinh Kính mừng cùng một lúc được? Chúng ta có thể nói ngay Đức mẹ không phải là Chúa, nhưng cũng nghe được cả tỉ lời cầu trong cùng một lúc. Ví dụ chúng ta thấy các máy vi tính không có tai, không có miệng mà cũng nhận và phát ra cả tỉ những dữ kiện cùng một lúc. Nếu con người có thể chế tạo những tổ hợp vi mạch điện tử phức tạp và tối tân như vậy, thì Chúa có thể làm cho các Thánh nhân của Ngài nghe đựơc hằng tỉ lời cầu của muôn người trong cùng một lúc. Các Thánh ở ngoài tầm hạn chế của không gian và thời gian, bởi vì Thiên đàng không bị đóng khung vào không gian và thời gian. Trên thế gian, sự hiểu biết chúng ta bị giới hạn và bất toàn. Nhưng trên Thiên đàng, sự hiểu biết ở mức độ trọn vẹn và hoàn hảo (1 Corintô 13:12).

4- Việc lặp đi lặp lại kinh Kính mừng là tiếng nói của con tim: Lúc sinh thời, Đức Hồng y Fulton J. Sheen, (1895-1979) nhân vật nổi tiếng về những bài giảng trên truyền thanh và truyền hình, tác giả khoảng 50 cuốn sách, đã kể câu truyện sau: Một hôm, Ngài gặp đôi bạn trẻ, trong lúc tiếp truyện, họ nói: Thưa Đức Hồng y: “Thật là nhàm chán vì cứ phải lặp lại mãi cũng một kinh kính mừng, kinh này đâu có gì mới lạ”. Đức Hồng y hiền từ nhìn đôi bạn trẻ và hỏi: “Khi hai chúng con yêu nhau, chúng con thường nói câu gì với nhau?”. Ngài chỉ cậu thanh niên, cậu này trả lời: “Thưa Đức Hồng y, con nói: Anh yêu em”. Quay sang cô gái, Ngài hỏi : “Còn con nói gì?”. Cô gái : “Thưa Đức Hồng y, con nói: Em yêu anh”. Đức Hồng y lại hỏi: “Một ngày chúng con nói câu đó bao nhiêu lần? Cả hai cùng nói: “Thưa nhiều lắm, chúng con không nhớ”. Đức Hồng y mỉm cười kết luận: “Nếu chúng con lần hạt với tình yêu mến, chúng con sẽ chẳng cho là nhàm chán và vô bổ.”

Ôi Maria, Mẹ thật là Đấng đầy ơn phúc (Lc 1:28) xin thương đến con! “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay, và trong giờ lâm tử. Amen”