PDA

View Full Version : GIÁ TRỊ TINH THẦN



Dan Lee
03-02-2007, 06:49 PM
GIÁ TRỊ TINH THẦN
Mt 6, 25 - 34

Trong sách của Hoài Nam Tử có câu chuyện "Tái Ông Thất Mã" như sau.

Có một ông lão sống ở gần cửa ải Nhạn Môn, gần ranh giới nước Tàu và nước Hồ, ông có một con ngựa rất đẹp. Một hôm, con ngựa bỏ nhà đi mất. Người quen thuộc đều đến thăm hỏi, chia buồn. Ông lão nói: - Mất ngựa như thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Mấy tháng sau, con ngựa trở về và nó lại quyến rũ theo một con ngựa khác. Thế là ông lão có hai con ngựa quý. Những người quen thuộc kéo đến xem ngựa và chúc mừng. Ông lão nói: - Được ngựa như thế mà họa cho tôi đấy, biết đâu!

Từ khi được con ngựa tốt, con của ông thích cưỡi. Chẳng may một hôm nó bị ngã ngựa, què chân. Người quen thuộc đều đến hỏi thăm, chia buồn. Ông lão nói: - Nó què như thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Khoảng một năm sau có giặc Hồ. Nhà vua bắt lính đi đánh giặc. Quân lính mười người chết đến chín. Chỉ có con ông lão vì què mà không phải đi lính, nhờ thế cha con vẫn còn xum họp.

Câu chuyện "Tái Ông Mất Ngựa" nói lên một sự thật, là con người chúng ta không thể biết trước được tương lai. Nhiều khi chúng ta nghĩ đó là may thì lại là rủi, hoặc ngược lại. Điều này có lẽ không ai cảm nghiệm rõ cho bằng người Việt tại hải ngoại.

Vào tháng Tư 1975 nhiều người bỏ cả sự nghiệp, gia đình để trốn ra ngoại quốc với hai bàn tay trắng và không biết đến một tiếng ngoại quốc. Lúc bấy giờ cũng có nhiều người xin về lại Việt Nam sau khi đã sang đến ngoại quốc. Bây giờ sau hơn 30 năm, nhìn lại biến cố 30/4, chúng ta phải bỏ nước ra đi, chưa chắc đó là một cái rủi!

Ngược lại, sau năm 1975, nhiều người được đi đoàn tụ gia đình, tưởng là may mắn, nhưng sau một thời gian trên đất lạ quê người—không cùng một ngôn ngữ, không cùng một văn hóa, nên bơ vơ, cô đơn, tủi hổ thân phận—thì họ lại thấy đó là một cái rủi!

Trong bài Phúc Âm Thánh Lễ đầu năm hôm nay (Mt 6, 25-34), Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta điều quan trọng, đó là, con người không biết được tương lai, không làm chủ được sự sống của mình. Tương lai trong sự quan phòng của Thiên Chúa, và sự sống cũng xuất phát từ Thiên Chúa chứ không từ con người.

Không ai có thể phục hồi sự sống cho một người đã chết, và cũng không ai biết trước được cuộc đời của mình sẽ như thế nào, dài hay ngắn bao lâu. Có người thành công, có người thất bại. Có người hạnh phúc, có người đau khổ. Có người sống thọ, có người chết yểu.

Nhưng nghĩ cho cùng, thành công chưa hẳn là tốt và thất bại chưa hẳn là xấu. Nếu chúng ta dùng mưu mô, thủ đoạn, bất kể đạo lý để thành công thì sự thành công ấy không có giá trị theo tinh thần Phúc Âm. Nếu chúng ta sống hạnh phúc sung sướng trong khi người khác phải đau khổ thì hạnh phúc ấy chỉ là bèo bọt trôi giạt trên sóng nước. Sống lâu hay chết yểu cũng vậy. Sống thọ chưa chắc là tốt, và chết yểu chưa hẳn là xấu. Đức Giêsu Kitô là người chết yểu, mới có 33 tuổi, nhưng cái chết đó đã đem lại bao nhiêu sự tốt lành cho nhân loại. Bởi đó, vấn đề không phải là thành công hay thất bại, hạnh phúc hay đau khổ, sống lâu hay chết yểu, mà điều quan trọng là đời sống chúng ta có để lại điều gì tốt đẹp cho người quen biết chúng ta hay không?

Điểm thứ hai, khi Chúa Giêsu nói đến sự sống, chúng ta phải hiểu là bao gồm cả sự sống đời sau. Đây là điểm mà chúng ta thường hay quên. Nhiều người quá để ý đến đời sống vật chất mà quên đi đời sống tinh thần. Chúng ta quá bận rộn với miếng cơm manh áo đến độ quên đi rằng hạnh phúc--dù ở đời này hay đời sau--đều lệ thuộc vào tinh thần hơn vật chất.

Vào ngày 16 tháng Chín 2006, những người yêu chuộng môn thể thao tennis đều ngạc nhiên khi nghe tin cô Andrea Jaeger, 41 tuổi, trở thành một nữ tu dòng Đa Minh, mà 25 năm trước đây cô là một danh thủ quần vợt quốc tế.

Trong những thập niên 1980, với sự hướng dẫn của cha cô, ông cũng là một tay quần vợt chuyên nghiệp, cô Andrea đã học đánh tennis từ khi 8 tuổi, sau đó cô thắng nhiều giải quần vợt thiếu niên và khi lên 14 tuổi, cô đã trở thành một danh thủ đáng ngại. Trong vòng hai năm, cô được xếp hạng thứ hai thế giới sau khi đánh bại nhiều nữ danh thủ khác tỉ như Chris Evert, Martina Navratilova. Trong năm 1983 cô Andrea đã thắng Billie Jean King để đoạt giải Wimbledon quốc tế. Nhưng đến năm 1985, trong giải French Open cô đã bị trật xương bả vai, và sự nghiệp quần vợt của cô cũng chấm dứt, khi ấy cô mới 19 tuổi. Khi bị tai nạn này, cô đã coi đó là một cơ hội để biết thêm về Thiên Chúa và cô đã đi học để lấy bằng về thần học.

Sau đó, cô dùng số tiền thắng các giải tennis để thành lập một tổ chức bác ái ở Aspen, Colorado. Tổ chức này chỉ có mục đích duy nhất là chở các em bị bệnh ung thư đến trung tâm để sinh hoạt, chơi đùa trong một tuần lễ. Và hiện thời, tổ chức này phải tìm mọi cách để kiếm được $4.3 triệu đôla hằng năm để tiếp tục sinh hoạt. Nhiều danh thủ tennis cũng như tài tử điện ảnh ở Hollywood là bạn của Chị Andrea Jaeger và là ân nhân của tổ chức này.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Sport Illustrated, khi được hỏi rằng, có lẽ rất đau khổ khi phải từ giã các em ở trung tâm bác ái, Chị Andrea trả lời: "Chúng tôi có một triết lý là chúng tôi không nói lời từ biệt. Chúng tôi nói, sẽ gặp lại bạn. Và ở trung tâm này chúng tôi có một quy tắc là không tham dự đám tang, vì nếu như thế chúng tôi sẽ phải tham dự rất nhiều. Tôi nghĩ là bạn phải có ơn Chúa để hoạt động ở đây vì nếu không trái tim bạn sẽ tan nát mỗi lần như vậy. Tôi thấy được nhiều điều chứng tỏ rằng khả năng tinh thần của con người thì vô cùng lớn lao. Có một em gái 14 tuổi bị ung thư não. Chúng tôi cùng chơi tennis với nhau và cùng làm nhiều việc có tính cách nghệ thuật và thủ công nghệ. Một ngày kia, em gọi điện thoại cho tôi và bình tĩnh cho biết em đang lựa chọn y phục, và bài nhạc để dùng trong ngày đám tang của em. Cho rằng là các cuộc tranh tài tennis đầy thử thách, nhưng các em này đang phải đương đầu với những điều mà chính người lớn chúng ta cũng không thể hiểu nổi."

Và khi được hỏi về việc đi tu, Chị Andrea cho biết: "Khi người ta hỏi là tôi có tiếc sự nghiệp tennis không, tôi luôn luôn trả lời rằng, 'Chẳng có gì hối tiếc. Thiên Chúa muốn tôi làm một việc gì khác, và đó là việc giúp đỡ các trẻ em bị ung thư. Tôi rất yêu thích công việc này."

Câu chuyện cuộc đời của Nữ Tu Andrea cho thấy, tiền bạc, danh vọng không làm thỏa mãn được con người, nhưng đời sống tinh thần mới có thể đem lại cho con người niềm vui thật sự. Chính niềm vui đó đã giúp Sơ Andrea từ bỏ tất cả để theo đuổi một lý tưởng.

Điều cần để ý ở đây là sức mạnh tinh thần có thật, chứ không phải chỉ ở trong sự tưởng tượng. Và sức mạnh ấy chúng ta có thể nhận thấy ngay ở nơi các linh mục, nam nữ tu sĩ—họ là những người hy sinh tất cả vui thú ở trần gian để theo đuổi một lý tưởng cao đẹp. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa chỉ những người hy sinh như các cha, các sơ mới có được sức mạnh tinh thần, mà những người bình thường như chúng ta cũng có thể có được sức mạnh ấy, tỉ như các anh chị em trong ca đoàn, họ hy sinh thời giờ hàng tuần để tập hát, để thờ phượng Thiên Chúa trong lời ca tiếng hát; hoặc các anh chị em trong nhóm Việt Ngữ, nhóm Lời Chúa Cho Trẻ Em, họ cũng phải hy sinh thời giờ hàng tuần để chuẩn bị dậy dỗ các em; hoặc các ông bà anh chị hy sinh thời giờ hàng tháng để nấu nướng, bán thực phẩm gây quỹ cho giáo xứ; hoặc các anh chị em trong ban điều hành cũng vậy. Nếu sức mạnh tinh thần không có thật, có lẽ chẳng ai dám đi tu, chẳng ai dám hy sinh vì lý do dễ hiểu là tất cả sẽ kiệt quệ vì phục vụ người khác. Ngay cả cha mẹ nhiều khi cũng mệt mỏi vì phục vụ con cái, nói chi đến việc phục vụ những người xa lạ. Nhưng chính vì sức mạnh tinh thần có thật nên ngày nay, biết bao người trên thế giới vẫn tiếp tục con đường mà Chúa Giêsu đã sống.

Câu hỏi ở đây là làm thế nào có được sức mạnh tinh thần?

Chúng ta có thể khởi sự tìm kiếm sức mạnh tinh thần ở ngay trong gia đình, khi vợ chồng hy sinh cho nhau, cha mẹ hy sinh cho con cái, anh chị em hy sinh giúp đỡ lẫn nhau. Điều quan trọng là để biến những những hy sinh đó thành sức mạnh tinh thần, thay vì than thân trách phận, thay vì trốn tránh công việc, chúng ta hãy coi đó là các cơ hội để trau dồi, khôi phục lại phẩm giá con người, mà đặc tính cao quý nhất của con người là tình yêu. Càng sống yêu thương bao nhiêu, nhân phẩm của chúng ta càng trọn vẹn, càng đầy đặn bấy nhiêu. Càng hy sinh cho người khác bằng những công việc--dù nhỏ bé, tầm thường--chúng ta càng trở nên cao thượng, giống như Đức Giêsu Kitô bấy nhiêu. Và chính tình yêu này đem cho chúng ta sức mạnh.

Trong Thánh Lễ đầu năm hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại đời sống của mình để xem chúng ta có quân bình giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần hay không. Nếu trong năm qua, gia đình của chúng ta vẫn còn nhiều bất hòa, nhiều gây gỗ, nhiều sóng gió thì có lẽ chúng ta đã sao nhãng đời sống tinh thần. Nên nhớ rằng, hình thức đạo đức bên ngoài, như đọc kinh xem lễ, tham gia hội đoàn này nọ, không đem lại cho chúng ta hạnh phúc nếu chúng ta không sống những gì Chúa dậy.

Vào dịp đầu năm mới, người ta thường có thói quen đề ra một quyết tâm để cố gắng thi hành trong năm mới. Và qua bài Phúc Âm hôm nay, Chúa muốn chúng ta hãy tín thác vào Chúa, đừng quá để ý đến vật chất mà quên đi giá trị tinh thần. Chính các giá trị đó giúp chúng ta vượt qua được những thử thách mà vật chất không thể giải quyết được.

Cầu mong sao mọi người, mọi gia đình trong cộng đoàn St. Justin luôn luôn có được niềm vui—không phải vì chúng ta giầu sang, khỏe mạnh, thịnh vượng—nhưng vì chúng ta luôn sống đẹp lòng Thiên Chúa.

Pt Giuse Trần Văn Nhật