PDA

View Full Version : LƯƠNG TÂM



Dan Lee
03-01-2007, 10:50 PM
LƯƠNG TÂM
Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

"Lương tâm không bằng lương tháng": đó là đầu đề một bài báo mới đây đưa tin về giám đốc và trưởng kế toán công ty Xổ Số của tỉnh Ninh Thuận hưởng lương người thì 53 triệu, người kia 44 triệu đồng/ tháng. Dĩ nhiên số tiền lương cao ngất này là do họ tự cho mình, hoàn toàn không có gì tương xứng với công lao khó nhọc của họ đối với công ty -(vả lại có loại giám đốc nào làm ăn "khỏe re" như giám đốc một công ty xổ số!). Ngoài ra, những người này còn cho người nhà mình mở nhiều đại lý vé số cấp I để hưởng lợi nữa. Bài báo không quên lưu ý rằng Ninh Thận là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Thật không tin nổi làm sao có thể có những con người vô đạo đức, vô lương tâm đến mức ấy mà không biết xấu hổ! Nhưng mẩu tin sau đây mới lạ đời lam sao: ban giám hiệu một trường trung học phổ thông ở Cà Mau đã dùng số tiền 22 triệu đồng của học sinh đóng góp mua nước tinh khiết để nhậu!

Trong Thư mục vụ năm 2006 mang tựa đề Sống Đạo Hôm Nay (8-9-2006), các giám mục chúng ta viết: "Trước những thay đổi hiện thời của xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ và lối sống của nhiều người, nhất là người trẻ, chúng tôi đề nghị một lộ trình sống đạo khởi đi từ việc đổi mới bản thân. Điểm căn bản trong việc xây dựng con người mới này là làm sao để bản thân mỗi người ý thức và sống đúng phẩm giá của mình; bởi lẽ phẩm giá con người là quà tặng Thiên Chúa ban (...). Ngoài ra, mỗi người cũng cần được huấn luyện để có lương tâm ngay chính. Thật vậy, một trong những điều cấp thiết người công giáo phải nêu gương là tìm hiểu giá trị của lương tâm và thực hành theo tiếng nói lương tâm của mình" (số 5)

Tại sao phải quan tâm cách riêng tới vấn đề lương tâm? Hội đồng Giám mục trả lời: "Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng" (số 5). Nhận định của các giám mục thật đúng, nhưng có lẽ còn nhẹ nhàng và không muốn đi sâu xa hơn. Trong một bài suy nghĩ thêm như tôi đang cố gắng làm đây, có lẽ phải nói mạnh hơn rằng tình trạng suy thoái lương tâm hay ý thức đạo đức là rất nghiêm trọng. Con người ở đâu và thời nào cũng có kẻ tốt người xấu, nhưng khi cái xấu không những tìm cách lấn át cái tốt mà còn "chương mặt" ra khắp nơi như chuyện bình thường thì vấn đề là vô cùng nghiêm trọng.

Tôi thấy ý thức đạo đức không những méo mó mà hình như không còn nữa trong ba loại biểu hiện phổ biến hiện nay: tham nhũng thối nát, dối trá và thiếu ý thức công dân. Tham nhũng thối nát thường gắn với quyền lực. Cái gì cũng đòi ăn, cái gì cũng ăn được. Đến như tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt, tiền trợ cấp người nghèo khổ cũng ăn chận. Tham nhũng là bệnh của kẻ có chức có quyền, nhưng nó cũng tác động tiêu cực trên người dân, vì như người ta quen nói, cán bộ "có làm khó mới ló đồng tiền", còn nhân dân thì "không bôi trơn làm sao chạy việc?". Đây chỉ nói tới những chuyện nho nhỏ "thường ngày ở huyện" mà thôi. Nhiều khi muốn vào một cơ quan, muốn nhờ chuyển một tờ đơn thôi, cũng phải "biết điều" với anh gác cổng, anh cán bộ nhận văn thư, đơn từ. Không làm không được. Riết rồi quen. Còn dối trá cũng thế, nó tràn lan hầu như trong mọi lãnh vực đời sống xã hội, kể cả nơi "trồng người" là ngành giáo dục đào tạo, như mọi người đều biết. Ở bẩn lâu ngày cũng quen, hơn nữa có khi còn lấy cái bẩn làm sạch, coi cái sạch là bẩn! Nói dối thường xuyên cũng vậy. Trả lời một cuộc phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội thẳng thắn nói: "Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối đã trở thành thói quen hằng ngày của xã hội Việt Nam. Thói quen đó lặp đi lặp lại nhiều lần thành 'đạo đức', mà cái 'đạo đức' đó là rất mất đạo đức. Đó là một cái nguy nhưng tôi thấy ít người quan tâm."

Sau cùng, tôi cho rằng ý thức công dân rất kém hiện nay cũng là một biểu hiện của ý thức đạo đức đã cùn mòn. Người ta coi thường công ích, coi thường những qui định liên quan tới lợi ích chung, tới quyền lợi của kẻ khác và trật tự công cọng, tiêu biểu nhất là hiện tượng vô kỷ luật trong giao thông trong các thành phố. Ai cũng dạy con cái phải ngoan ngoãn, chăm chỉ cả khi không có cha mẹ, thầy cô bên cạnh mình, nhưng khi lái xe ngoài đường, ai cũng ngó trước ngó sau, nếu thấy cảnh sát thì tuân hành luật lệ nghiêm túc, nếu không thì mạnh ai nấy chạy bát nháo. Trong xã hội ta, rất nhiều người đã đánh mất lòng tự trọng và không còn biết xấu hổ khi làm điều sai quấy. Đó là một bằng chứng về việc không còn ý thức đạo đức nữa.

Chúng ta đang cố chạy nhanh trên con đường phát triển kinh tế, nhưng rất chậm chạp trong việc xây dựng con người "đạo đức". Đạo đức "làm người" chứ không phải đạo đức chính trị mà thôi. Chính trị nhiều khi có thể ngược với "đạo đức". Nói cho cùng, phát triển tinh thần, phát triển đạo đức còn quan trọng hơn phát triển vật chất, phát triển kinh tế. Nếu ý thức đạo đức mà cứ tụt dốc như thế này thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ có ý nghĩa gì, ích lợi gì thực sự cho dân tộc?

Đối với người công giáo, rèn luyện lương tâm và nhất là sống theo lương tâm ngay chính là một bổn phận thường xuyên bất kể ở đâu, hoàn cảnh nào, lúc nào. Vì tiếng nói lương tâm là tiếng nói của Chúa. Tiếng nói đó bảo chúng ta phải yêu mến và làm điều lành lánh điều dữ. Nó còn chỉ cho biết trong từng trường hợp cụ thể, phải làm điều gì và tránh điều gì. Lương tâm là lề luật chính Chúa ghi khắc vào trong trái tim con người, không phải con người tự đặt ra cho mình để rồi có thể muốn theo hay không, muốn duy trì hay loại bỏ tùy ý (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của công đồng Vaticanô II, số 16). Chúng ta nghe theo lương tâm không chỉ vì sợ luật pháp, sợ bị trừng phạt nhưng vì kính sợ và yêu mến Chúa. Lương tâm ngay chính là lương tâm được chi phối bởi cái lề luật được Chúa ghi khắc vào lòng ta, không phải chỉ bởi những quy định tương đối, tạm thời và có thể thay đổi của các tập thể xã hội loài người. Chúa ghi khắc bằng cách nào? Bằng hai cách: qua con đường tạo dựng, vì thế trí khôn tự nhiên có thể khám phá ra (lề luật tự nhiên) và qua con đường mặc khải siêu nhiên mà đức tin đón nhận. Người ta nói: lương tâm là con đẻ của Chúa và là con nuôi của xã hội. Nói "con đẻ" là nói nguồn cội, còn nói "con nuôi" là nói tới vai trò cần thiết của giáo dục trong gia đình và xã hội.

Đối với người Kitô hữu Việt Nam, việc rèn luyện lương tâm và thực hiện lương tâm ngay chính không những là một bổn phận thường xuyên, mà còn là một đòi hỏi của sứ mạng làm chứng cho Chúa trong tình hình xã hội suy thoái về đạo đức hiện nay nữa. Các giám mục dạy: Anh chị em hãy "nêu gương sáng ... ngay chính tại gia đình cũng như giữa nới mình sống" (Thư chung 2006, số 5).